Văn học dân gian

Giao dịch với thần thánh: Một nghiên cứu vềGiao dịch với thần thánh: Một nghiên cứu về cái tôi và niềm tin qua hiện tượng Bà Chúa Kho ở Bắc Việt Nam cái tôi và niềm tin qua hiện tượng Bà Chúa Kho ở Bắc Việt Nam


10-10-2020

Bài viết công bố trên TC Dân tộc học, số 2-2011, tr. 36-48

1. Đặt vấn đề

Trong 20 năm kể từ sau Đổi Mới, Việt Nam đã trở thành một địa bàn nghiên cứu thu hút nhiều nhà nhân học quan tâm đến chủ đề phục hưng tôn giáo, một trong số đó là hiện tượng Bà Chúa Kho (BCK). Trong hai thập kỷ qua, đền BCK đã trở thành một trong những địa điểm tôn giáo nổi tiếng nhất ở Bắc Việt Nam, xuất phát từ một niềm tin phổ biến rằng bà có quyền năng ban phát những khoản vay vô hạn cho những tín đồ thành tâm. Việc vay tiền BCK đã trở nên phổ biến đến mức ngày nay nhiều người quan niệm về Bà Chúa như một bà chủ ngân hàng, và coi việc vay tiền là hoạt động chính[1] diễn ra ở đền Bà. Hàng năm các tín đồ từ khắp nơi lại tụ hội về đền Bà xin lộc. Trong khi đó, hoạt động “vay tiền” Bà Chúa ngày càng được mô tả bằng các thuật ngữ của kinh doanh, như vay, trả, nợ, gốc, lãi, hệt như một giao dịch thị trường.

Nhiều tác giả (Trình, 2003; Luyện, 2006; Thiện, 2008) cho rằng quyền uy của BCK xuất phát từ sự chuyển đổi kinh tế thị trường, một quá trình có khả năng tạo ra những tác động nhất quán và phổ biến không phụ thuộc vào các đặc điểm văn hóa cũng như các mối quan hệ xã hội, trong đó lợi nhuận kinh tế được coi là giá trị tối cao và sự vạn năng đồng tiền được mặc nhiên thừa nhận. Một số tác giả (Vũ, 2001; Hiếu, 2007; Hồng, 2008; Ngân, 2009; Huyền, 2009) cho rằng hiện tượng BCK phản ánh tác động của kinh tế thị trường trong việc kích thích lòng tham và sự ích kỷ, làm xói mòn những giá trị đạo đức truyền thống (xem Leshkowich, 2006). Trong khi đó, một số khác nhìn nhận hiện tượng BCK như là một hình thức mê tín và lạc hậu (Vũ, 2001; Thiếu Gia, 2005; Chu Khôi, 2010) trong đó các tín đồ đã tiêu phí tiền của cho một ảo tưởng làm giàu (Minh Quang, 2006; Hiếu, 2007; Hồng, 2008; Ngân, 2009; Long, 2009). Một số quan điểm còn coi chuyện vay tiền như là một dạng “buôn thần bán thánh” và “thương mại hóa tôn giáo” (Tam Kiệt, 2006; Kim Tân, 2008; Bắc & Hạnh, 2008; Huyền, 2009) và là nguồn gốc của nhiều tệ nạn xã hội.

Những luận điểm trên về nhiều mặt đã tiếp cận hiện tượng BCK theo phương pháp cấu trúc luận, tức là lý giải hiện tượng này tách rời những mục đích, giá trị và chiến lược của bản thân những tín đồ. Các quan điểm trên, trong khi phân tích hiện tượng BCK bằng những thuật ngữ của thị trường, suy thoái đạo đức và mê tín, đã chưa chú ý đúng mức đến sự sáng tạo của những tín đồ cũng như tính phức tạp xã hội của niềm tin tôn giáo. Như nhiều học giả đã cho thấy, thay vì lý giải hành vi con người bằng quan điểm cấu trúc, chúng ta nên nghiên cứu chúng trong mối quan hệ với cái tôi (agency), tức là khả năng của từng cá nhân trong việc lựa chọn, quyết định và hành động trên cơ sở những nhu cầu, định hướng, giá trị và hoàn cảnh của bản thân họ (Ortner, 1984 & 1995; Abu-Lughod, 1990; Bourdieu, 1991a & 1991b; Howe, 2000; Fortier, 2001; Navaro-Yashin, 2002; Hegland, 2003). Nhiều học giả (Malarney, 1996, 1997 & 2002; Goodkind, 1996; Taylor, 2004 & 2008; Quynh Phuong, 2005; Jellema, 2005 & 2007; Leshkowich, 2006; Fjelstad & Nguyen, 2006; Endres, 2008) đã chứng minh rằng cách tiếp cận cấu trúc có nhiều điểm không phù hợp khi nghiên cứu tính duy lý của con người, niềm tin tôn giáo, các quy tắc văn hóa và các mối quan hệ xã hội ở Việt Nam sau năm 1986. Dựa trên các cứ liệu dân tộc học, các học giả đó lập luận rằng những giá trị và lý tưởng thể hiện trong các thực tiễn tôn giáo ở Việt Nam luôn chịu sự tác động của những sáng tạo văn hóa của các tín đồ, đồng thời phản ánh những chiến lược sáng tạo mà các chủ thể xã hội khác nhau sử dụng để theo đuổi những mục tiêu của riêng mình.

Dựa trên các tư liệu thực địa có được thông qua quá trình quan sát tham dự tại đền BCK từ năm 2008 đến năm 2010, bài viết này sẽ tiếp cận hiện tượng BCK dựa trên cái tôi và niềm tin tôn giáo của các tín đồ nhằm làm rõ xem những quyết định và hành vi của họ được hình thành như thế nào trong bối cảnh của niềm tin tôn giáo và các giá trị đạo đức truyền thống. Theo đó, chúng tôi cho rằng hiện tượng BCK cần được tiếp cận thông qua cái tôi (agency) hơn là bằng một quan điểm cấu trúc, cho thấy cái tôi của các tín đồ chịu ảnh hưởng của niềm tin tôn giáo như thế nào, và hai nhân tố ấy đã tương tác với nhau ra sao để định hướng cho hành vi của họ cũng như tạo nên sự linh thiêng cho Bà Chúa. Bài viết này cũng phản ánh tính phức tạp của quá trình phục hưng tôn giáo ở Việt Nam sau 1986, một quá trình chịu sự tác động sâu sắc của các giá trị đạo đức truyền thống và đặc biệt là cái tôi cá nhân, thay vì một sự thay đổi mang tính phổ biến mà chúng ta có thể mô tả bằng những thuật ngữ cấu trúc như chủ nghĩa tư bản, tính duy lý kinh tế và hiện đại hóa.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Nghiên cứu hiện tượng BCK là một phần trong một xu hướng mới về nhân học tôn giáo ở Việt Nam sau năm 1986. Hiện nay, các hiện tượng tôn giáo được coi là những thành tố quan trọng của nền văn hóa dân tộc, là đại diện của lịch sử và truyền thống của đất nước (Thịnh & Khánh, 1990; Khánh, 1990, 1991 & 1997; Thịnh, 1996, 2004 & 2008; Thịnh và cộng sự, 2007). Bài viết này tham khảo các nghiên cứu đã có về BCK, kết hợp với những nghiên cứu về thờ nữ thần ở Việt Nam và các khu vực khác ở châu Á (Hefner et al., 1998; Thịnh, 2002, 2003 & 2004; Jellema, 2005, 2007 & 2008; Fjelstad & Nguyen, 2006; Do, 2006; Luyện, 2006; Leshkowich, 2006; Lý, 2007). Đồng thời, bài viết cũng tham khảo các tri thức nhân học về cái tôi, niềm tin (Taussig, 1980; Greenhouse, 1986; Verdery, 1995; Taylor, 2004 & 2008; Jellema, 2005; Leshkowich, 2006; Cahn, 2006), tính duy lý kinh tế và sự duy lý hóa trong thời hiện đại (Keyes, 1942; Friedman, 1957; Robinson & Eatwell, 1974; Huntington, 1996; Samuelson & Nordhaus, 2005; Polanyi, 1957; Carrier, 1997; Mandel & Humphrey, 2002; Keyes, 1942; Friedman, 1957; Robinson & Eatwell, 1974; Huntington, 1996, Samuelson & Nordhaus, 2005; cũng có thể xem: Polanyi, 1957; Carrier, 1997; Mandel & Humphrey, 2002).

Câu hỏi nghiên cứu chính mà bài viết này muốn giải đáp là tại sao các tín đồ, trong khi mô tả mục đích của mình đến với BCK là mưu cầu lợi ích kinh tế, lại tiến hành vay tiền theo một cách thức trái ngược với các nguyên tắc kinh tế học?

3. Vay tiền BCK – Những điều nghịch lý

Theo nhiều tư liệu, BCK là một người phụ nữ tài năng sống vào thời Lý, được triều đình giao cho coi giữ kho lương trong cuộc chiến chống quân xâm lược và đã anh dũng hy sinh để bảo vệ kho tàng và chặn bước quân thù. Nhờ đó, bà được vua phong làm Phúc Thần và dựng đền thờ ở làng Cô Mễ (Hội Phật giáo Hà Nội, 1991; Cẩm, 1992; Duyên, 1994). Tuy nhiên, khi Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường, BCK từ một nữ thần địa phương đã trở thành một nữ thần giàu có, quyền năng, hào phóng và nhân từ ban lộc cho những ai thành tâm, nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc với những ai dám thất kính với bà.

Theo các nhà kinh tế học (Keynes, 1942; Friedman, 1957; Marx, 1964; Robinson & Eatwell, 1974; Samuelson & Nordhaus, 2005), con người trong bất kỳ một giao dịch nào luôn có gắng tối thiểu hóa các chi phí và rủi ro, đồng thời tối đa hóa lợi nhuận. Theo đó, mọi quyết định kinh tế đều phải dựa trên các tính toán kinh tế và các thông tin từ thị trường, do vậy chúng ta phải đầu tư vào một thị trường minh bạch nhất có thể với khả năng thu lợi nhuận cao. Các lý thuyết kinh tế cũng cho rằng mọi cuộc đầu tư phải là một cuộc cạnh tranh vì lợi nhuận, trong đó thắng lợi của người này là thất bại của người khác. Các lý thuyết đó cũng cho rằng lợi ích kinh tế là giá trị căn bản và đồng tiền có sức mạnh vạn năng và có thể sử dụng cho mọi mục đích. Tuy nhiên, trong trường hợp BCK, cách thức các tín đồ tiến hành hoạt động vay tiền dường như không tuân theo các nguyên tắc kinh tế ấy.

3.1.Vay tiền

Để vay tiền, một tín đồ trước hết phải chuẩn bị một mâm lễ để dâng lên Bà Chúa, gồm vàng mã, hoa quả, và các đồ thờ cúng, kèm với một tờ sớ viết bằng chữ Nho. Trong quá trình thực địa, mỗi ngày tôi chứng kiến từng dòng người chen nhau lên đền. Để tiếp cận bàn thờ Bà Chúa càng gần càng tốt để đặt lễ, họ không ngần ngại chen lấn, xô đẩy và thậm chí cãi nhau. Một số người không chịu được chen lấn đành đợi đến đêm khi đền bớt đông mới lên đặt lễ. Nhiều tín đồ sẵn sàng chịu giá cao để thuê người sắp lễ, mặc dù họ biết rõ ràng giá cả cho các dịch vụ ấy là cao phi lý và bản thân họ có thể tự sắp lễ cho mình. Theo một khảo sát cá nhân, giá sắp lễ thuê thường cao gấp đôi, gấp ba so với tự chuẩn bị.

Mặc dù các tín đồ đã dành nhiều công sức và tiền bạc cho việc vay tiền, nhưng họ lại không thể chắc chắn những gì họ bỏ ra sẽ được đền đáp. Hiếm có tín đồ nào hoàn tất việc vay tiền với sự an tâm tuyệt đối, nhiều tín đồ rời đền với vẻ mặt băn khoăn. Trên một số diễn đàn trực tuyến, các tín đồ BCK thảo luận những câu hỏi như “mâm lễ bao nhiêu thì đủ”, “nếu vay một tỷ thì mâm lễ phải là bao nhiêu”, “nên sắp lễ ở hàng nào?”, kèm theo đó là những chia sẻ của các tín đồ về nỗi lo lắng liên quan đến cơ hội vay tiền của họ. Để kiểm chứng khả năng thành công của việc vay tiền, các tín đồ chỉ có cách xin âm dương. Điều thú vị là một tín đồ có thể xin bao nhiêu lần tùy ý, cho đến khi nào xin được sấp ngửa thì thôi. Đáng chú ý hơn, các tín đồ thường không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm vay tiền với người khác. Khi một tín đồ có thắc mắc, anh ta sẽ nhanh chóng nhận được nhiều lời khuyên từ những người xung quanh. Một số tín đồ không an tâm về chuyện khấn thuê hoặc viết sớ thuê còn cố gắng thu thập các bài văn khấn hoặc mẫu sớ để chia sẻ với nhau trên mạng. Khác với quan điểm kinh tế phương Tây cho rằng thị trường là nơi cạnh tranh và do đó thông tin là bí mật, ở đây các tín đồ luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết với nhau.

3.2. Hậu vay tiền: trả và vay tiếp

Các tín đồ quyết định mức trả không phải dựa trên các nguyên tắc kinh tế minh bạch, mà lại dựa trên các trải nghiệm trong cuộc sống. Theo một nữ tín đồ 45 tuổi ở Hà Nội, việc trả tiền phải căn cứ vào kết quả của việc vay, đặc biệt là những điều đã xảy ra trong cuộc sống sau khi vay để xác định trả bao nhiêu là đủ. Cô kể rằng năm 2008, “có lẽ lễ của tôi mọn quá, khiến Bà phật lòng, năm ấy tôi làm ăn bết bát, thậm chí phải đóng cửa hàng và thế chấp nhà. Do đó năm sau tôi  sắp lễ to gấp ba, và tự nhiên tình hình thay đổi hẳn. Năm nay tôi còn sắp lễ to nữa.”

Điều đáng lưu ý là rất nhiều tín đồ không vay được tiền như ý vẫn trở lại với Bà và họ lại là người cho rằng cần phải dâng lễ to hơn. Có lần tôi nghe được một phụ nữ khấn trong đền: “Lạy Bà, con buôn gỗ ở Thạch Thất. Năm ngoái con thua lỗ, mất hơn một tỷ. Năm nay con vay một trả hai, mong Bà chứng giám lòng thành, phù hộ cho con năm nay làm ăn bằng năm bằng mười năm ngoái.” Trên thực tế, nhiều người sắp lễ hậu dâng Bà lại là những người mà nguyện vọng vay tiền chưa được như ý, và dù nhiều tín đồ thất vọng với kết quả vay tiền, nhưng hiếm người nghĩ rằng Bà Chúa “không công bằng”. Nếu mọi việc không được như ý, họ thường đổ lỗi cho bản thân mình vì không đủ lòng thành, đổ lỗi cho số đen đủi không được Bà để mắt, thay vì nghi ngờ quyền năng của Bà Chúa. Thay vì từ bỏ, họ trở nên nhiệt thành hơn với Bà Chúa, sắp lễ to hơn và đến thăm đền thường xuyên hơn.

Mặc dù các tín đồ nói rằng mục đích của họ là vay tiền, nhưng họ đều thỏa mãn nếu Bà Chúa ban cho họ những điều khác, như sức khỏe, an toàn, thành công cho người thân, thành công trong học tập, tình duyên, hôn nhân, thậm chí cả việc xây nhà[2]. Điều quan trọng là cho dù kết quả của lần vay tiền gần nhất có thế nào đi chăng nữa, thì họ luôn có gắng trả BCK một cách hào phóng nhất có thể. Nhiều người sẵn sàng trả bà hai, ba, năm hay thậm chí là mười lần giá trị đã vay, ngay cả khi việc làm ăn của họ không thuận lợi. Một nhà đầu tư bất động sản ở Hà Nội kể với tôi rằng năm ngoái anh đã vay bà 300 cây vàng. Mặc dù chuyện làm ăn khá ảm đạm, nhưng anh vẫn quyết năm nay trả bà 900 cây. Anh nói “Đầu tiên vốn tôi định trả bà gấp đôi số đã vay, nhưng vợ tôi nói nên trả nhiều hơn nữa, nên tôi quyết định trả gấp ba.”

3.3. Đồng tiền

Trước khi bắt đầu khấn, các tín đồ luôn đặt một vài đồng lẻ[3] lên ban thờ, gọi là “nén nhang giọt dầu”, một thủ tục gần như bắt buộc trước khi một tín đồ có thể bắt đầu giới thiệu mình với Bà Chúa. Bên cạnh đó, họ còn gắn kèm vài đồng lẻ trong các mâm lễ dâng lên Bà. Điều thú vị là, sau khi hạ lễ, họ sẽ thu lại những đồng lẻ này để phân phát cho người thân hay bạn bè như là lộc Bà Chúa. Với họ, những đồng tiền ấy không dùng cho những mục đích thông thường, nhiều người còn giữ chúng trong ví như là bùa may mắn.

Sau khi dâng lễ, các tín đồ còn công đức một khoản tiền cho đền, với mức từ 20 nghìn đến hàng triệu đồng. Sau khi công đức, mỗi người sẽ nhận được một chứng nhận công đức, còn những người công đức từ 500 nghìn đồng trở lên sẽ được khắc tên lên những tấm bia đá lớn đặt khắp nơi trong đền[4]. Một dạng đặc biệt của công đức là cung tiến dưới dạng các phẩm vật hoặc công trình kiến trúc[5]. Với mỗi lần cung tiến, tín đồ sẽ được ghi tên trên một tấm biển đặt trong công trình mà mình cung tiến, đồng thời khắc tên trên một tấm bia riêng[6].

Điều đáng chú ý là trong những trường hợp trên, đồng tiền đã được sử dụng để thực thi những chức năng rất khác với lý thuyết kinh tế học hiện đại (xem Neale, 1976; Robinson & Eatwell, 1974; Hart, 1986 & 2000). Thay vì là một phương tiện thanh toán, phương tiện trao đổi, đơn vị kế toán hay là vật lưu trữ giá trị, đồng tiền ở đây đã được sử dụng cho những mục đích nằm ngoài những chức năng mà các nhà kinh tế học đã mô tả.

4. Niềm tin và cái tôi

Để trả lời câu hỏi nghiên cứu, chúng tôi trước hết tìm hiểu xem tại sao các tín đồ lại sẵn sàng dành nhiều công sức và tiền bạc như thế cho một khoản đầu tư không chắc sinh lời. Qua những lời lý giải của các tín đồ, tôi tìm thấy một mẫu số chung, đó là khái niệm “lòng thành”. Với một nhà kinh tế, sự thành công của một vụ đầu tư phụ thuộc vào nhiều yếu tố của thị trường, nhưng với các tín đồ, thành công của chuyện vay tiền phụ thuộc vào việc họ có thể hiện được lòng thành với BCK để làm Bà hài lòng hay không. Theo ông D., một giám đốc ngân hàng ở Hà Nội, “lòng thành là quan trọng nhất, vì nó quyết định xem anh có vay được hay không, xem anh được Bà Chúa ban lộc hay trừng phạt. Ai vay tiền mà không thành tâm thì hậu quả khôn lường.” Để làm hài lòng Bà Chúa, các tín đồ phải tỏ ra hào phóng hết sức có thể. Ông D. nhấn mạnh rằng những lễ vật dâng lên Bà là những vật linh thiêng đại diện cho niềm tin, sự kính trọng và thành tâm của họ đối với quyền năng của BCK. Do đó, với họ, không có khái niệm phí phạm cho dù giá trị của mâm lễ có lớn đến đâu đi nữa. Trái lại, những người chi ly, tính toán khi sắp lễ lại là những người dễ gặp rủi ro nhất. “Nếu anh hào phóng, Bà sẽ hài lòng và ban lộc. Ngược lại, anh mà ky bo tằn tiện, thì Bà sẽ phạt anh vì không thành tâm”. Theo ông D., hào phóng là cách thức có khả năng sinh lợi cao nhất khi giao dịch với Bà, và là lựa chọn kinh tế nhất, trong khi toan tính căn cơ hóa ra lại chứa đựng rủi ro. “Hoặc là hào phóng, hoặc là đừng vay làm gì cho hao tiền tốn của.”

Câu chuyện trên phần nào lý giải tại sao nhiều tín đồ lại sẵn sàng trả nhiều tiền cho các dịch vụ sắp lễ hay khấn thuê. Mặc dù có thể tự sắp lễ và tự khấn, họ vẫn muốn thuê người làm, vì họ tin rằng những người đó “chuyên nghiệp” hơn, có nhiều kinh nghiệm để làm hài lòng Bà Chúa, nhờ đó những tâm nguyện của họ sẽ được chuyển tải đến Bà một cách đầy đủ hơn. Các tín đồ cũng cho rằng những lời cầu xin của họ sẽ không thể đến được với Bà nếu không có một lá sớ viết bằng chữ Nho, theo văn phong cổ, thay vì tiếng phổ thông, thứ tiếng mà các tín đồ cho là trần tục, không linh thiêng bằng. Theo nghĩa này, tờ sớ giống như một tấm hộ chiếu thiêng giúp tín đồ chuyển tải những tâm nguyện của mình từ thế giới trần thế sang thế giới tâm linh của BCK.

Với các tín đồ, lòng thành còn được thể hiện qua thái độ và hành vi. Khi tôi đang chuẩn bị mâm lễ của mình, L., một nữ doanh nhân 46 tuổi ở Hà Nội, nhắc nhở rằng nếu tôi muốn Bà nhận lễ, tôi không được coi các đồ lễ như những vật thông thường bán trên thị trường, mà phải là những cống vật dâng lên Bà Chúa. L. cũng nhấn mạnh rằng giá trị của các đồ lễ không quan trọng bằng sự thành tâm mà tín đồ thể hiện. H., một tiểu thương từ Quảng Ninh, nhắc tôi rằng muốn được lộc thì phải cẩn thận trong hành vi tiếng nói, tránh làm gì để Bà phật lòng. Theo ông D., mối quan hệ giữa ông là một tín đồ với Bà Chúa hoàn toàn khác với mối quan hệ giữa ông là một chủ ngân hàng với các khách hàng. Theo ông, “Bà cho chúng ta vay, nhưng chú chưa bao giờ dám coi bà như một bà chủ ngân hàng giống như mình. Vay trả là cách nói thôi, chứ làm sao cháu đến đền Bà, ký hợp đồng vay tiền và nhận tiền như ở ngân hàng được.” Theo các tín đồ, cố gắng đến càng gần Bà Chúa cũng là một cách hay để thể hiện lòng thành. Theo G, một kỹ sư tin học, nếu tôi muốn Bà nhận lễ và ban lộc, thì phải cố tiếp cận Bà càng gần càng tốt, “càng đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, thì càng dễ được Bà để mắt, được Bà ưu ái và ban lộc.

Trong bối cảnh của một hoạt động thờ cúng, hành vi của các tín đồ thể hiện một chiến lược hợp lý để đạt được mục tiêu, cụ thể là sự hài lòng của Bà Chúa. Khái niệm lòng thành cho thấy rằng các quyết định của họ được đưa ra chủ động và hướng đến sự hài lòng của Bà, yếu tố quyết định đảm bảo thành công của việc vay tiền. Từ quan điểm của bản thân các tín đồ, những điều họ làm hướng đến giảm thiểu sự rủi ro, cụ thể là khả năng làm phật lòng Bà Chúa, hơn là giảm thiểu những thiệt hại kinh tế. Do đó, các hành vi của họ cần phải được phân tích như là sản phẩm của cái tôi, hơn là biểu hiện của sự mê tín, lạc hậu hay phi lý tính như một số quan điểm cấu trúc luận đã nêu. Cái tôi của tín đồ cho thấy tính chất không thể dự đoán của việc vay tiền cũng như sự rủi ro của việc tiêu tốn tiền của công sức hóa ra lại là một tiêu chí để Bà Chúa thử thách lòng thành của họ, và do đó là một cơ hội để thể hiện sự thành tâm. Nếu Bà thừa nhận lòng thành của họ, khoản đầu tư họ bỏ ra sẽ được tưởng thưởng xứng đáng, và vì thế những khái niệm như phí phạm, rủi ro hay khó lường không tồn tại trong suy nghĩ của họ nữa, bởi lẽ họ càng thành tâm, thì Bà Chúa càng hài lòng, và cơ hội thành công càng lớn.

Khác với những quan điểm phê phán ở phần trên, chúng tôi cho rằng việc các tín đồ đến vay tiền BCK không có nghĩa là họ không hiểu các nguyên tắc kinh tế. Trên thực tế, họ hoàn toàn hiểu rằng thành công trên thương trường phụ thuộc vào các tính toán kinh tế và năng lực kinh doanh, tuy nhiên họ cần quyền năng của Bà Chúa để bổ sung thêm cho năng lực và tính toán, chứ không phải để thay thế chúng. Theo cách nói của một tín đồ, “chúng tôi đến với Bà không phải như ăn mày ngửa tay xin bố thí. Cái tôi cần là sự phù trợ của Bà để giúp chúng tôi có cơ hội thành công lớn hơn, đưa ra quyết định đúng đắn hơn, và bảo vệ chúng tôi khỏi tai ương bất hạnh.” Niềm tin của các tín đồ BCK gợi lại niềm tin của người Azande vào ma thuật, điều mà theo Evans-Pritchard (1937, tr. 67-79) không có nghĩa là họ không biết đến các tri thức khoa học phương Tây, mà vì họ cần ma thuật để lý giải những câu chuyện tình cờ mà các lý thuyết phương Tây coi là ngẫu nhiên (xem Auslander, 1993; Geschiere, 1997). Khái niệm lòng thành cũng phản ánh ảnh hưởng của niềm tin đối với hành vi con người. Các nhà nhân học đã cho thấy rằng không nên đánh giá quyết định của các tín đồ dựa trên các nguyên tắc kinh tế, bởi lẽ trong các bối cảnh tôn giáo và chính trị, niềm tin vào quyền năng của các thực thể siêu nhiên là yếu tố quyết định thế nào là phù hợp và không phù hợp. Điều này củng cố quan điểm thể hiện qua các nghiên cứu của Cahn (2006) về bán hàng đa cấp Omnilife ở Hoa Kỳ[7], của Verdery (1995) về chương trình huy động vốn Caritas ở Romania những năm 1990[8], và nghiên cứu của Taussig về hợp đồng với ma quỷ và đồng peso rửa tội ở Columbia (1980)[9], rằng chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường không phải bao giờ cũng biến con người thành các chủ thể kinh tế độc lập niềm tin tôn giáo. Ngược lại, chính niềm tin vào quyền năng của thần thánh đã không ngừng tác động và định hướng cho hành vi của con người mà trong nhiều bối cảnh không tuân theo các quy luật kinh tế. Đồng ý với các tác giả trên, chúng tôi cho rằng mặc dù những tín đồ đến vay tiền BCK để mưu cầu lợi ích kinh tế, nhưng các quyết định của họ lại được định hướng bởi niềm tin tôn giáo vào quyền năng của Bà, nếu không có niềm tin ấy sẽ chẳng có ai đến vay tiền. Lập luận này nhắc lại nhiều nghiên cứu về sự phục hưng tôn giáo ở Việt Nam (Thịnh, 2002; Taylor, 2004 & 2008; Lý, 2007), theo đó sự bùng nổ của việc thờ cúng các nữ thần có khả năng cho vay tiền trên khắp đất nước có căn nguyên không chỉ từ nhu cầu làm giàu của con người, mà còn từ niềm tin của họ vào quyền năng của các nữ thần trong việc bảo vệ họ khỏi rủi ro và bất hạnh.

Khái niệm lòng thành cũng góp phần lý giải tại sao các tín đồ lại sẵn sàng chia sẻ các thông tin với nhau. Thông qua các cuộc trao đổi trực tiếp hoặc trên diễn đàn online với các tín đồ, tôi nhận ra rằng việc chia sẻ thông tin với nhau không có nghĩa là họ không hiểu về nguyên tắc bảo mật thông tin trong làm ăn kinh tế. P., một nhân viên môi giới nhà đất cho biết, vì kho tiền của Bà Chúa là vô hạn, nên họ tin rằng Bà Chúa có thể ban lộc cho tất cả mọi tín đồ, và việc chia sẻ thông tin không làm giảm đi cơ hội thành công của họ. Tuy nhiên, lý do quan trọng hơn là các tín đồ tin rằng Bà Chúa có quyền năng và sự thông thái để nhận biết mức độ thành tâm của mỗi tín đồ, và từ đó quyết định ai xứng đáng được ban lộc. Vì thế, cho dù bạn có biết nhiều thông tin đến đâu, và kinh nghiệm vay tiền được chia sẻ rộng rãi như thế nào đi nữa, thì chỉ những tín đồ thành tâm nhất mới được ban lộc. Theo nghĩa này, các tín đồ vẫn cạnh tranh với nhau, nhưng không phải cạnh tranh xem ai có những thông tin quan trọng hơn, mà là xem ai thành tâm hơn. Thêm vào đó, nhiều tín đồ tin rằng việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với người khác là một cách rất tốt để làm hài lòng Bà Chúa. Theo cách nói của P., Bà Chúa luôn đánh giá cao những ai sẵn lòng hướng dẫn người khác để thờ cúng bà đúng cách, và những người hào phóng sẵn sàng chia sẻ với mọi người để ngày càng có nhiều tín đồ hiểu được bổn phận của mình với Bà. “Bằng cách chia sẻ thông tin và những câu chuyện về Bà, chúng tôi có thể khiến nhiều người tin vào Bà và đến xin Bà phù trợ, và từ đó Bà sẽ nhận ra lòng thành của chúng tôi,” P. nói. Ví dụ trên góp phần củng cố quan điểm nhân học về tác động của đạo đức tôn giáo đối với hành vi của con người thông qua niềm tin (Greenhouse, 1986)[10]. Cái tôi của các tín đồ BCK cũng tương đồng với nhiều ví dụ trong đó người Việt Nam theo đuổi lợi ích kinh tế và làm giàu cá nhân trong khuôn khổ của niềm tin tôn giáo và các giá trị đạo đức, từ trường hợp thờ cúng tổ tiên (Jellema, 2005) đến Phật giáo (Leshkowich, 2006).

5. Kết luận

Những ví dụ trên đã cho thấy vai trò to lớn của cái tôi và niềm tin tôn giáo truyền thống vào những đấng siêu nhiên trong việc hình thành quan niệm của con người về những biến đổi kinh tế. Các ví dụ đó cho thấy rằng quyết định của các tín đồ cần phải được nghiên cứu bên ngoài khuôn khổ của các lý thuyết cấu trúc cũng như các lý thuyết về kinh tế và giá trị thị trường, và phải được phân tích trên cơ sở cái tôi cá nhân gắn với niềm tin và đạo đức tôn giáo. Ví dụ BCK cho thấy chúng ta cần thận trọng khi áp đặt lên các nền văn hóa khác một khái niệm về tính duy lý như là sản phẩm của thời kỳ hiện đại gắn liền với các nguyên tắc kinh tế học. Như nhiều nhà nhân học đã nhận xét (Polanyi, 1957; Wilson et al., 1970; Godelier, 1972; Douglas & Isherwood, 1979; Carrier, 1997; Mandel & Humphrey, 2002), các quan điểm kinh tế học thường không phản ánh đầy đủ sự đa dạng của cái tôi và tính duy lý, cũng như những vai trò của các yếu tố văn hóa, xã hội trong các bối cảnh đặc thù. Cái tôi của các tín đồ BCK cho chúng ta một cơ sở để nhìn nhận quá trình chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam trong tương quan so sánh với các bối cảnh khác ở châu Á. Trong quá trình đó, con người không bị biến thành các chủ thể kinh tế thuần túy chạy theo lợi nhuận, mà là những chủ thể sáng tạo, những người luôn chủ động định hướng những thay đổi kinh tế theo nhu cầu và hệ giá trị của riêng mình. Quan trọng hơn, trong quá trình tưởng như bị chi phối hoàn toàn bởi các nguyên tắc và mục tiêu kinh tế ấy, các giá trị truyền thống, các nguyên lý đạo đức, các niềm tin tâm linh và các nhu cầu cá nhân của con người lại là những yếu tố đóng vai trò quyết định hành vi của họ.

Tài liệu tham khảo

Auslander, M. (1993), ““Open the Wombs”: The Symbolic Politics of Modern Ngoni Witchfinding”, In: Comaroff, J. & Comaroff, J. (eds.) (1993), Modernity and Its Malcontents: Ritual and Power in Postcolonial Africa, Chicago: University of Chicago Press, pp. 167-92.

Bac, N. H. & Hanh, H. (2008), “Jostling One Another to Repay the Bank of Hell (Dập dìu trả nợ Ngân hàng địa phủ)”, www.vietnamnet.vn.

Bourdieu, P. (1991a), Language and Symbolic Power, Edited and Introduced by John B. Thompson, Translated by Gino Raymond and Matthew Adamson, Cambridge, Massachusetts: Havard University Press.

Bourdieu, P. (1991b), Outline of a Theory of Practice, Cambridge: CambridgeUniversity Press.

Cam, H. (1992), The Goddess of the Treasury Temple (Đền Bà Chúa Kho), Ha Noi: Ethnic Cultures Publisher (Nxb Văn hóa dân tộc).

Chau, A. Y. (2006), Miraculous Response: Doing Popular Religion in Contemporary China, Stanford: StanfordUniversity Press.

Chu Khôi (2010), “Difficult to Borrow, Difficult to Repay the Goddess of the Treasury (Khó vay, khó trả Bà Chúa Kho)”,  vneconomy.vn/home.htm.

Đỗ Thiện (2008), “Unjust Death Deification and Burnt Offering: Towards an Integrative View of Popular Religion in Contemporary Southern Vietnam”, In: Taylor, P. (ed.) (2008), Modernity and Re-enchantment in Post-revolutionary Vietnam, Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, pp. 161-93.

Douglas, M. & Isherwood, B. (1979), The World of Goods, London: Routledge.

Lâm Mỹ Dung (2009), “The Mother Principle in Vietnamese Culture – The Role of Women in History” (Nguyên lý Mẹ trong văn hóa Việt Nam – Vai trò của Phụ nữ trong Lịch sử), Archaeological Highlights.

Thanh Duy (1998), “Family Culture and Market Economy in Vietnam”, Vietnam Social Sciences 3 (65), pp. 35-42.

Khánh Duyên (1994), The Worship of the Goddess of the Treasury (Sự tích Bà Chúa Kho), Published by Ha Bac Department of Culture and Information (Sở Văn hóa thông tin Hà Bắc).

Endres, K. (2008), “Spirited Modernities: Mediumship and Ritual Performativity in Late Socialist Vietnam”, In: Taylor, P. (ed.) (2008), Modernity and Re-enchantment in Post-revolutionary Vietnam, Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, pp. 194-220.

Eriksen, T. (1995), Small Places, Large Issues, London: Pluto Press.

Evans-Pritchard, E. (1937), Witchcraft, Oracles and Magic among the Azande, Oxford: OxfordUniversity Press.

Feutchwang, S. (1991), The Imperial Metaphor: Popular Religion in China, London and New York: Routledge.

Fjelstad, K. & Nguyen, T. (eds.) (2006), Possessed by the Spirits: Mediumship in Contemporary Vietnamese Communities, Cornell Southeast Asia Program.

Geschiere, P. (1997), The Modernity of Witchcraft: Politics and the Occult in Postcolonial Africa, Translated by Peter Geschiere and Janet Roitman, Virginia: University Press of Virginia.

Godelier, M. (1972), Rationality and Irrationality in Economics, Translated by Brian Pearce, London: Monthly Review Press.

Goodkind, D. (1996), “State Agendas, Local Sentiments: Vietnamese Wedding Practices amidst Socialist Transformations”, Social Forces, Vol. 75, No. 2, pp. 717-742.

Greenhouse, H. (1986), Praying for Justice: Faith, Order and Community in an American Town, New York: CornellUniversity Press.

Ha Noi Buddhist Congregation (1991), The History of the Goddess of the Treasury Temple, Ha Noi: Ethnic Cultures Publisher.

Khánh Hạ (2009), “Petition Oration Sample for Goddess”, http://vietinfo.eu, 18-12-2009.

Hefner, R. (ed.) (1998), Market Cultures: Society and Morality in the New Asian Capitalisms, Westview Press.

Herskovits, M. J. (1952), Economic Anthropology: A Study in Comparative Economics, New York: Alfred A. Knopf.

Hieu, T. (2007) “Visiting the Bank of Hell at Year’s End (Cuối năm đi giỗ Bà Chúa Kho)”, Center for Press and International Communication Cooperation – Ministry of Information and Communication, Vietnam, 30/01/2007.

Hong, V. (2008), “Struggle for Borrowing from Goddess” (Gian nan vay tiền Bà Chúa Kho), Tienphong News, 02/12/2008.

Thanh Huyền (2009), “The Goddess of the Treasury Festival – A Sigh of Pity for a Cultural Custom” (Hội đền Bà Chúa Kho – Tiếng thở dài sau một nét đẹp văn hóa), Ethnics and Development Forum, 06/03/2009.

Jellema, K. (2005), “Making Good on Debt: The Remoralisation of Wealth in Post-Revolutionary Vietnam”, The Asia Pacific Journal of Anthropology, 6: 3, pp. 231-48.

Jellema, K. (2007), “Everywhere Incense Burning: Remembering Ancestors in Doi Moi Vietnam”, Journal of Southeast Asian Studies, 38(3), pp. 467-92.

Keynes, J. M. (1942), The General Theory of Employment, Interest and Money, London: Macmillan.

Vũ Ngọc Khánh (ed.) (1990), Van Cat Goddess (Vân Cát thần nữ), Ha Noi: Ethnic Cultures Publisher.

Vũ Ngọc Khánh (1991), Princess Lieu Hanh (Liễu Hạnh công chúa), Ha Noi: Culture Publishing House.

Vũ Ngọc Khánh (1997), Vietnamese Tutelary Gods (Thành hoàng Việt Nam), Ha Noi: Culture Publishing House.

Kim Tân (2008), Repaying the Goddess of the Treasury in a hurry (Gấp gáp trả nợ Bà Chúa Kho)”, www.vietbao.vn

LeClair, E. E. & Schneider, H. K. (eds.) (1968), Economic Anthropology: Readings in Theory and Analysis, New York: Holt, Rinehard and Winston.

Leshkowich, A. M. (2006), “Woman, Buddhist, Entrepreneur: Gender, Moral Values and Class Anxiety in Late Socialist Vietnam”, Journal of Vietnamese Studies, Vol. 1, Numbers 1-2, pp. 277-313.

Trần Đình Luyện (2006), “Queen of Treasure Phenomenon and Mother Goddess in Bac Ninh (Hiện tượng Bà Chúa Kho và tín ngưỡng thờ mẫu ở Bắc Ninh)”, Journal of Heritage (Tạp chí Di sản), Issue 3 – 2006.

Lê Hồng Lý (2007), “Praying for Profit: The Cult of the Lady of the Treasury”, Journal of Southeast Asian Studies (2007), 38: pp. 493-514.

Malarney, S. (1996), “The Limits of “State Functionalism” and the Reconstruction of Funerary Ritual in Contemporary Northern Vietnam”, American Ethnologist, Vol. 23, No. 3, pp. 540-60.

Malarney, S. (1997), “Culture, Virtue, and Political Transformation in Contemporary Northern Viet Nam”, The Journal of Asian Studies, Vol. 56, No. 4, pp. 899-920.

Malarney, S. (2002), Culture, Ritual, and Revolution in Vietnam, Honolulu: University of Hawai’i Press.

Marx, K. (1964), Economic and Philosophic Manuscripts of 1844, New York: International Publishers.

Mauss, M. (1990) (1925), The Gift, London: Routledge.

Miyazaki, H. (2000), “Faith and Its Fulfillment: Agency, Exchange, and the Fijian Aesthetics of Completion”,American Ethnologist, Vol. 27, No. 1, pp. 31-51.

Navaro-Yashin, Y. (2002), Faces of the State: Secularism and Public Life in Turkey, Oxford, Princeton: PrincetonUniversity Press.

Hoàng Ngân (2009), “Billions Burned to Repay Goddess (Đốt hàng tỷ đồng trả nợ Bà Chúa Kho)”, Dantri Online News, 21/01/2009.

Ortner, Sherry B. (1984), “Thick Resistance: Death and the Cultural Construction of Agency in Himalayan Mountaineering”, Representations 59: pp. 135-162.

Ortner, S. B. (1995), “Resistance and the Problem of Ethnographic Refusal”, Comparative Studies in Society and History 37(1): pp. 173-193.

Phạm Quỳnh Phương (2006), “Saint Tran in Contemporary Vietnamese Society – Priest’s Power and Conflict – The Multivocality of a Cultural Phenomenon” (Đức Thánh Trần trong xã hội Việt Nam đương đại – Tăng quyền và xung đột, sự đa nghĩa của một hiện tượng văn hóa), Vietnam Journal of Folk Culture (Tạp chí Văn hóa Dân gian), Issue 3 (105), pp. 30-39.

Quang Minh “Repaying the Goddess of the Treasury (Trả nợ Bà Chúa Kho)”, www.dantri.com.vn.

Quốc Long (2008), “Visiting the Goddess of the Treasury at the Beginning of Spring” (Đầu năm đi giỗ Bà Chúa Kho)”, www.dantri.com.vn.

Robinson, J. & Eatwell, J. (1974), An Introduction to Modern Economics (Revised Edition), London: McGraw-Hill.

Sahlins, M. (2003), Stone Age Economics, London: Routledge.

Samuelson, P. A. & Nordhaus, W. D. (2005), Economics (18th edition), London: McGraw-Hill.

Shahar, M. & Weller, R. (eds.) (1996), Unruly Gods: Divinity and Society in China, Honolulu: University of Hawai’i Press.

Tam Kiệt (2006), “Borrowing from the Goddess of the Treasury at the Beginning of Spring” (Đầu xuân đi vay Bà Chúa Kho),. www.dantri.com.vn.

Tambiah, S. J. (1990), Magic, Science, Religion and the Scope of Rationality, Cambridge: CambridgeUniversity Press.

Taylor, P. (2004), Goddess on the Rise: Pilgrimage and Popular Religion in Vietnam, Honolulu: University of Hawai’i Press.

Taylor, P. (ed.) (2008), Modernity and Re-enchantment in Post-revolutionary Vietnam, Singapore: Institute of Southeast Asian Studies.

Thiếu Gia (2005), “The Chronicle of the Goddess of the Treasury – Laugh till one cries” (Ký sự Bà Chúa Kho – Cười ra nước mắt)”, www.tuoitre.com.vn.

Ngô Đức Thịnh (Chủ biên) (1996), Goddess Worship in Vietnam (Đạo Mẫu ở Việt Nam) (Two volumes), Ha Noi: Culture and Information Publisher.

Ngô Đức Thịnh (2002), “The Goddess of the Treasury and the Changes of Vietnamese Society” (Tín ngưỡng Bà Chúa Kho và sự biến đổi của xã hội Việt Nam), Ha Noi, Vietnam Journal of Religious Studies (Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo), Issue 4 – 2002.

Ngô Đức Thịnh (Chủ biên) (2004), Mother Goddesses and Some Shamanistic Form of Ethnic Groups in Vietnam and Asia, Ha Noi: Social Sciences Publishing House.

Ngô Đức Thịnh (2008), Mediumship – The Itinerary of Deities and Fate (Lên Đồng – Hành Trình Của Thần Linh Và Thân Phận), Ha Noi: Youth Publisher.

Thoa, D. (1995), “The Vietnamese Family: Its Responsibilities and Sources of Force in the Renovation of the Country”, Vietnam Social Sciences 1: pp. 27-43.

Trần Văn Trình (2003), “The Policy of Religious Freedom of Vietnam Communist Party and the Socialist Republic of Vietnam and Its Impacts on the Development of Buddhism in Vietnam in Renovation Period” (Chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước và sự phát triển của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới), Ha Noi, Vietnam Journal of Religious Studies (Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo), Issue 4 – 2003.

Valeri, V. (1985), “The Conqueror Becomes King: A Political Analysis of the Hawaiian Legend of Umi”, In:Transformations in Polynesian Culture. Hooper, A. & Huntsman, J. (eds.), Auckland, NZ: The Polynesian Society, pp. 79-103.

Verdery, K. (1995), “Faith, Hope, and Caritas in the Land of the Pyramids: Romania, 1990 to 1994”,Comparative Studies in Society and History. 37(4): pp. 625-69.

Lê Trung Vũ (2001), “Superstition – Manifestation and Perception” (Mê tín – Biểu hiện và Quan niệm)”,Vietnam Journal of Religious Studies (Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo), Issue 4 – 2001.

Weber, M. (1905) (2008), Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, Hà Nội: Nxb Tri thức.

Weller, R. (1987), Unities and Diversities in Chinese Religion, Seattle: University of Washington Press.

Wilson, B. R. (ed.) (1970), Rationality, Oxford: Basil Blackwell.


[1] Trong khuôn khổ có hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung phân tích hoạt động vay tiền là trọng tâm. Trên thực tế, những tín đồ đến với đền BCK không chỉ có “vay”, mà còn cả “xin lộc rơi lộc vãi”, ứng với đó là những ứng xử nghi lễ với Bà Chúa rất khác nhau. Thông thường, nếu “vay” thì phải có nghi lễ “trả”; còn “xin” thì không nhất thiết (Về chú thích này, xin cảm ơn góp ý bổ ích của Ban biên tập Tạp chí Dân tộc học).

[2] Trong quá trình thực địa, tôi đã gặp một phụ nữ cầu xin Bà Chúa giúp con mình cai nghiện game online; một game thủ cầu xin phù hộ trong một giải game quốc tế sắp tổ chức; một người đàn ông cầu xin ly dị vợ nhanh chóng; một nhóm cổ động viên bóng đã cầu xin cho câu lạc bộ của họ tránh được xuống hạng; một phụ nữ bị mất xe máy cầu xin công an sớm tìm ra thủ phạm, và nhiều trường hợp khác nữa.

[3] Từ 500 đến 10.000 đồng.

[4] Tổng cộng có 181 tấm bia đá trong đền (thống kê đến tháng 4 năm 2010). Mỗi tấm khắc tên khoảng 35-40 người công đức. Năm 2009, giá trị công đức trong mùa trả là rất cao, lên đến nhiều triệu đồng mỗi ngày. Ngoài tiền Việt Nam, người ta còn công đức bằng đồng Yên, Euro, trang sức hay đồng (dùng để đúc các đồ thờ cúng).

[5] Ví dụ như Ban Cửu Trùng Thiên, một bộ ghế đá, một cây cột đèn, các nhà lưu bia công đức, hay một bức phù điêu gốm kể lại sự tích BCK.

[6] Phẩm vật cung tiến giá trị nhất cho đến nay là nhà tiền tế mới được cung tiến năm 2006 do một chủ doanh nghiệp ở Hà Nội, người đã thuê trọn bộ từ thiết kế đến thợ giỏi để thi công công trình, với tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

[7] Cahn (2006) lập luận rằng sự phát triển của Omnilife không đại diện cho sự mở rộng của chủ nghĩa tư bản và sự phi tín hóa con người, mà thực tế là một quá trình con người ngày càng đắm mình sâu hơn trong một niềm tin tôn giáo. Cahn cho thấy niềm tin vào khả năng chữa bệnh của Omnilife khiến mọi người sẵn sàng chấp nhận trả giá cao cho các sản phẩm của Omnilife trong khi không hề biết cơ chế điều trị của những sản phẩm này cũng như những thành phần của nó.

[8] Nghiên cứu của Verdery mô tả chương trình huy động vốn Caritas ở Romania những năm 1990, trong đó 50% số hộ gia đình ở Romania đã chen nhau nộp toàn bộ tiền tiết kiệm của mình cho Caritas và tin vào lời hứa của nhà sáng lập Caritas là Stoica sẽ trả lại số tiền nhiều gấp 8 lần chỉ sau 3 năm (Verdery, 1995). Bất chấp những lời cảnh báo từ các nhà kinh tế phương Tây cũng như chính quyền Romania rằng một mô hình như thế là không thể, niềm tin vào quyền năng siêu nhiên của Stoica đã khiến hàng triệu gia đình Romania tiếp tục gửi gắm tiền của mình cho Caritas. Niềm tin ấy mạnh đến mức sau khi Caritas sụp đổ, nhiều người vẫn không chịu tin vào những lời giải thích dựa trên lý thuyết kinh tế tài chính, và thay vào đó đổ lỗi cho chính phủ Romania.

[10] Trong một nghiên cứu về cộng đồng Tin lành ở Atlanta, Greenhouse (1986) cho thấy cách thức niềm tin tôn giáo đóng vai trò nền tảng cho quan niệm của con người về công lý và lẽ phải, và cách thức giải quyết những xung đột bằng các tín điều đạo đức tôn giáo. Bà chỉ ra rằng mặc dù trong cộng đồng nghiên cứu chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn, nhưng niềm tin tôn giáo và Jesus đã giúp họ tiết chế những bất đồng về quyền lợi, kiềm chế sự hẹp hòi, cầu lợi cá nhân và thúc đẩy tư tưởng bình đẳng. Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế, người ta tin rằng hòa hợp với nhau là một thước đo sự thành tâm tôn giáo. Tương tự như những tín đồ của BCK, những tín đồ Tin lành tin tưởng sâu sắc rằng công lý là do ý Chúa chứ không phải theo ý họ, và do đó niềm tin vào Chúa đã khuyến khích họ kiềm chế mâu thuẫn và tư lợi để sống hòa hợp với nhau. Ví dụ này cũng gợi lại lập luận của Weber rằng sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại có cội nguồn từ các giá trị đạo đức Tin lành, theo đó các tín đồ phải nỗ lực làm giàu để làm hài lòng Chúa và được cứu rỗi [Xem Weber, 1905 (2008)].

Post by: Vu Nguyen HNUE
10-10-2020