Văn học dân gian

Vai trò thể loại trong khoa học văn học dân gian và vấn đề phân tích tác phẩm văn học dân gian từ góc nhìn thể loại


30-01-2024

Tóm tắt: Trong khoa học văn học, văn học dân gian là một loại của nghệ thuật ngôn từ. Tuy nhiên, nếu vấn đề thể loại trong văn chương viết chủ yếu thuộc phạm trù thẩm mĩ thì với văn học dân gian, mỗi thể loại lại là một kết cấu nghệ thuật mang tính lịch sử. Do đó, vấn đề phân tích tác phẩm văn học dân gian từ góc nhìn thể loại phải xuất phát từ nguyên lý cho rằng : “Trong văn học dân gian, thể loại là cái đơn vị cơ bản mà mọi công việc nghiên cứu đều phải xuất phát từ đó” (V.Ia.Prop). Từ góc nhìn thể loại, việc phân tích đánh giá thẩm mĩ từ cấu trúc đến nội dung và phong cách nghệ thuật các tác phẩm văn học dân gian đều phải được đặt trong một trường hoạt động thực tiễn lịch sử cụ thể thuộc về một thể loại; trong đó các hình thức - ý tưởng ở mọi cấp độ đều phải được giải mã trong một trường liên tưởng ngữ nghĩa thuộc về một truyền thống văn hóa thẩm mĩ của một dân tộc.

Từ khóa : Phạm trù thẩm mĩ, phạm trù lịch sử, đánh giá thẩm mĩ, hình thức – ý tưởng, trường hoạt động thực tiễn, trường liên tưởng ngữ nghĩa

 

Tác giả: GS.TS Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học sư phạm Hà Nội

Bài đã công bố trên Tạp chí khoa học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Số 40, tháng 5 – 2020 ISSN 2354 – 1512 ( tr.7 – tr.17).


ĐẶT VẤN ĐỀ

Mỗi thể loại VHDG từ khởi thủy đều được hình thành và đạt đến đỉnh cao trong những thời đại khác nhau, theo đuổi những mục đích khác nhau, phản ánh những phương diện xã hội – lịch sử rộng lớn khác nhau bằng những cung cách nghệ thuật biểu hiện ổn định bền vững khác nhau và đều là một phạm trù lịch sử. Việc xác định hệ thống tiêu chí thể loại trong khoa học văn học dân gian vì thế trước nay giữa các nhà nghiên cứu trong học giới đều đã tương đối thống nhất với các bình diện : Hệ thống đề tài chủ đề, chức năng sinh hoạt thực hành xã hội, phương thức diễn xướng và thi pháp đặc thù.Tuy nhiên, khi tìm hiểu thực tiễn nghiên cứu giảng dạy văn học dân gian trong nhà trường hiện nay vẫn thấy có tình trạng không tránh khỏi những cách quan niệm cực đoan, nếu không tuyệt đối hóa tính nguyên hợp của văn học dân gian từ góc nhìn văn hóa đến mức muốn thoát ly văn bản thì lại đồng nhất văn bản văn học dân gian như là một tác phẩm văn chương viết.Thế nên khi trở lại vấn đề phân tích tác phẩm văn học dân gian từ góc nhìn thể loại trong một Hội thảo khoa học toàn quốc tháng 12 năm 2019 tại khoa ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chúng tôi cho rằng nên có một tiểu luận có tính chất xác định lại cơ sở phương pháp luận đối với việc chọn văn bản và dạy học văn học dân gian hiện nay trong xu thế đổi mới một cách cơ bản và toàn diện với phân môn trên tinh thần từng bước đưa folklore học vào nhà trường theo định hướng folklore ứng dụng, từ hiểu biết đến thực hành văn hóa giữa đời sống.

 

NỘI DUNG

I. Vai trò thể loại trong khoa học Văn học dân gian

Khác với văn học viết trong đó phân ngành văn học sử nói chung đều có cơ sở chắc chắc để mô tả các quá trình từ thời kỳ, giai đoạn, chủ nghĩa, trường phái, trào lưu đến tác giả tác phẩm ở những tọa độ lịch sử xác định, lịch sử văn học dân gian chỉ được mô tả bằng tiến trình phát triển của các thể loại – lịch sử trên cơ sở cho rằng “ từ thời viễn cổ, văn học đã có sự gắn bó khăng khít và đặc thù với lịch sử” (M.Gorki). Do đó, sự hình thành lưu chuyển và biến đổi của các hiện tượng văn học dân gian về mặt lịch sử của nó nhìn chung không có nhảy vọt, mà vừa có tính chất rộng lớn liên tục, vừa chậm chạp trầm lắng. Quá trình phát triển các thể loại văn học dân gian Việt Nam cũng đã cho thấy chỉ có thể quan sát được nó trên một đại lượng đo thời gian rất lớn. Trên đại thể, xét trên bình diện thời gian văn hóa mỗi thể loại đều có quá trình nảy sinh và phát triển, nở rộ và suy tàn. Mặt khác, xét trên bình diện không gian văn hóa lại thấy đó còn là sự đan dệt phức tạp nhiều quá trình hoặc nối tiếp nhau, hoặc xen kẽ nhau trong trạng thái song hành giữa các thể loại cùng tồn tại và phát triển ở những mức độ khác nhau. Con người thời cổ đại sống trong, sống cùng, sống với cái môi trường tự nhiên và xã hội buổi đầu mà ngày nay chúng ta gọi là hình thái kinh tế xã hội nguyên thủy. Họ phải đối diện với rất nhiều thách thức của thực tại và không ai khác, chính họ phải đáp ứng. Đối diện với cái nhỏ bé, mong manh hữu hạn của con người là cái khổng lồ vô hạn vĩnh viễn của trời đất núi sông khiến người ta sùng bái. Kịp đến khi bước vào ngưỡng cửa của văn minh thì chính cái tự nhiên câm lặng, dữ dội, bí hiểm, mênh mông đầy bất trắc thuở ấy đã thúc đẩy trí tuệ của con người phải phỏng đoán và hình dung, tưởng tượng và tái hiện... Đó chính là nguồn gốc văn hóa của thần thoại. Con người bước vào thời đại đồng thau và sắt sớm. Đó cũng là thời điểm quá trình chế ngự và thắng đoạt tự nhiên của các nhóm xã hội có giới hạn buổi đầu đã dem lại cho con người những niềm hân hoan tột cùng sau khi họ vượt qua được vài ba thách thức đầu tiên . Sử thi cổ sơ có cảm hứng cội nguồn từ khát vọng thần thoại được thăng hoa một cách có ý thức. Kế đến là những cuộc chiến tranh bộ lạc diễn ra thường xuyên. Sử thi anh hùng và truyền thuyết ra đời, cuốn theo những mảnh vỡ của “thần thoại một đi không trở lại”. Một hình thái kinh tế- xã hội mới được thay thế với ba thiết chế : Gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước. Lý tưởng dân chủ thị tộc cũ xung đột gay gắt với hệ tư tưởng mới. Sự tự ngã nhận thức về số phận con người “ bao giờ đến được ngày xưa” được trình bày lại một cách thần kỳ trong những giấc mơ cổ tích. Các thành tựu nghiên cứu văn học dân gian trước nay đã khẳng định: Thần thoại ra đời và chỉ phồn phịnh trong thời đại thần thoại. Sử thi dân gian chỉ ra đời và tỏa sáng trong thời đại sử thi. Theo đó, thời đại anh hùng và ý thức dân tộc trưởng thành đẻ ra và nối dài truyền thuyết lịch sử. Thế nên nếu chúng ta “ xét riêng sự phát triển của dòng tự sự dân gian, chúng ta sẽ thấy thái độ chọn lựa đối với thực tế trải qua con đường tự sự phản ánh khái quát những quá trình lịch sử cơ bản đến chỗ đi sâu dần vào quá trình lịch sử cụ thể riêng biệt. Ở những thể loại ra đời sau của tự sự lịch sử dân gian, lịch sử đã phân hóa ra thành những biến cố, hơn nữa đã khúc xạ thành những số phận cá nhân. Những biến cố và số phận các cá nhân này đã được lựa chọn theo quan điểm của sự phản ánh và sự đánh giá những quan hệ xã hội”(1). Nếu chúng ta xem xét sự phát triển của dòng trữ tình dân gian, sẽ thấy không tránh khỏi ở đấy có sự đan xen chồng lấn phức tạp giữa các nhóm thể loại, bởi sự quên lãng và đứt mạch không thể phục nguyên của ngôn ngữ lời nói vần và thơ ca dân gian đã thất truyền. Thế nhưng nếu căn cứ vào thành tựu của các khoa học liên ngành để tiến hành phân tích và luận giải trên một khối lượng tài liệu lớn về các câu hát, bài hát dân gian hiện đã sưu tập được thì có khả năng những đặc điểm có tính quy luật của các quá trình phát triển nội tại trong thế giới nghệ thuật ca dao cũng sẽ trở nên rành mạch, sáng tỏ. Như vậy, hiển nhiên trong khoa học về văn học dân gian vấn đề thể loại trở thành tâm điểm của mọi vấn đề.

Vai trò thể loại trong khoa học văn học dân gian còn cần phải được xác định ở cấp độ sâu xét trên các đặc điểm về thi pháp thể loại. Ở đây đặt ra những khía cạnh có quan hệ trực tiếp đến tính đặc thù trong việc phân tích tác phẩm văn học dân gian trong nhà trường. Tính đặc thù này đã biểu hiện trực tiếp trong việc xác định các tiêu chí phân loại thể loại văn học dân gian. Trong đó, nếu xét văn học dân gian từ góc độ là một loại của nghệ thuật ngôn từ, sẽ nhận ra rằng ở bộ phận này chỉ có sự khác biệt về thi pháp thể loại, nói rộng ra là phong cách thể loại. Đối với văn học viết, giữa các tác phẩm có cùng đề tài, chủ đề cùng thuộc về một thể loại và giả định còn cùng được sáng tạo trong cùng một thời gian không gian xác định nhưng nếu là sản phẩm của những tác giả khác nhau, chúng vẫn có sự khác biệt độc đáo về cấu trúc thẩm mỹ, về bút pháp và giọng điệu... Ngược lại ở văn học dân gian, sự khu biệt giữa các tác phẩm trong cùng một thể loại xét trên các góc độ tương đồng như thế hầu như lại thấy rất mờ nhạt. Với truyện cổ tích thần kỳ, tất cả đều tương đồng về hình thức cấu tạo cốt truyện, về phong cách biểu hiện, về nghệ thuật sắp đặt các tình huống, về cách thức mô hình hóa cấu trúc loại người mang tính quan niệm. Với bài ca trữ tình dân gian, mỗi mẫu đề tương ứng với một hệ thống của công thức truyền thống có giá trị sử dụng như một ngân hàng phương tiện và chất liệu nghệ thuật dùng chung. Với chèo sân đinh, các đài từ dù là ứng tác cũng phải tuôn theo cả một hệ thống các quy tắc của nghệ thuật trình diễn có tính chuẩn mực ước lệ đến từng chi tiết, đối với từng kiểu loại nhân vật. Phương thức sáng tác tập thể - truyền miệng của văn học dân gian đã quyết định phong cách thể loại của các tác phẩm văn học dân gian. Không mang cá tính sáng tạo, văn học dân gian không có phong cách cá nhân không có thi pháp tác gia như văn học hiện đại. Không phải là sản phẩm nghệ thuật của một tác giả mà thân thế và sự nghiệp của người viết dù muốn hay không vẫn có mối quan hệ trực tiếp với một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, văn học dân gian không có phong cách thời đại, không có thi pháp thời kỳ, giai đoạn như văn học trung đại. Thừa nhận tính lịch sử của thể loại văn học dân gian, sẽ thấy ở mỗi thể loại đều có sự ổn định bền vững điển hình về phương pháp lịch sử bởi nó được sáng tạo theo nguyên tắc có tính lặp lại. Và chính đặc điểm này đã tạo nên sự khác biệt giữa hai hệ thống : Thi pháp văn học viết và thi pháp văn học dân gian. Cả hai hệ thống thẩm mỹ này đều được hiểu là tổ hợp những đặc điểm về hình thức nghệ thuật thành tạo nội dung và mang tính quan niệm. Nhờ nó mà văn học viết và văn học dân gian xây dựng những bức tranh về cuộc sống, sáng tạo những hình tượng về con người và những hiện tượng khác nhau của thực tại mội cách thẩm mỹ. Điểm khác biệt là ở nguyên tắc tư tưởng thẩm mỹ. Nếu thi pháp văn học viết là thi pháp văn bản cố định và là kết quả sáng tạo bằng kỹ thuật của tác giả cá thể, là thi pháp của cá tính nghệ sĩ được thực hiện theo nguyên tắc lựa chọn điển hình hóa thì thi pháp văn học dân gian lại là sự tổng hòa của các yếu tố hình thức đặc trưng bằng sự vận động thường xuyên theo nguyên tắc lựa chọn khái quát hóa mà sự khái quát này chỉ được thừa nhận trong tính truyền thống thẩm mỹ thuộc về một dân tộc. Nếu thi pháp văn học viết nhấn mạnh yêu cầu cách tân trong sự sáng tạo của cá tính nghệ sĩ, chỉ chấp nhận “cái riêng biệt”, “cái mới lạ” độc đáo theo xu hướng vượt ra khỏi cái gọi là ký ức thể loại, cái mô hình chung thì thi pháp văn học dân gian lại chấp nhận “cái quen thuộc” “cái lặp lại” đã trở thành sở hữu chung, đi vào kí ức chung của mỗi thành viên trong cộng đồng, và hơn thế nó đã trở thành kỷ niệm riêng của cả một dân tộc. Hệ luận của vấn đề khác biệt thứ hai này là chính nó đã tạo nên các giá trị đặc sắc và bền vững trong phẩm chất thẩm mỹ của hệ thống thi pháp thể loại văn học dân gian : Tác phẩm văn học dân gian mỗi lần được diễn xướng trong một ngữ cảnh xã hội nhất định và trong một phong cách nghệ nhân cụ thể đều được xem là một lần tái sáng tạo. Và sự lặp lại đó chính là sự gặp lại, sự nhận ra, sự trở về với cái đẹp thuần khiết vốn đã được tích hợp trong trường liên tưởng ngữ nghĩa của một dân tộc, như Heghen quan niệm. Đó là cái đẹp mà để cảm nhận được nó, người ta phải trở về trên những lối mòn, những con đường sâu kín tiềm tàng chứa đầy những chân lý cổ thời, đã được thử thách cùng với thời gian. Có lẽ chính các nhà văn thời kỳ trung đại là những nghệ sĩ nhạy cảm trước hết với điều đó. Không phải ngẫu nhiên “tác giả thời trung cổ rất ít khi muốn nghĩ ra được một cốt truyện gì mới mẻ khác thường. Anh ta thường cố gắng diễn đạt theo cách mới trên một cốt truyện đã có sẵn... giỏi đến mức che mờ nguyên tác”(B.L.Riptin). Và “nhà văn trung cổ không sáng tạo ra những cốt truyện mà dường như chỉ kể lại và kết hợp lại những mô típ xa xưa khi thì bằng văn xuôi, khi thì bằng thơ” (Guipxop). Và “đó chính là nguyên nhân tạo nên một số lượng lớn tác phẩm cải biên của cùng một số cốt truyện trong văn học trung cổ ở phương Đông và phương Tây. Ở đây dễ dàng chấp nhận thấy rằng những cốt truyện mới thường được hình thành trong truyền thống văn học dân gian và từ đó được các nhà văn vay mượn” (B.L.Riptin). Càng gần về thời kỳ hiện đại, sự cảm nhận và sử dụng như một “sự trở về” như thế trong văn học viết càng trở nên tinh tế, sâu sắc hơn. Trong một số trường hợp, sự vận động sáng tạo lại các giá trị tinh hoa truyền thống văn học dân gian của các tài năng sáng tạo lớn trong lịch sử văn học Việt Nam đã khiến cho tác phẩm của họ chẳng những vào được sâu trong lòng người đọc Việt Nam, mà còn đứng được trong văn học nhân loại ở một vị trí riêng độc đáo. Thế nên vấn đề không phải như trước nay có những người quan niệm công thức truyền thống – tức là những yếu tố ổn định điển hình có tính lặp lại – chẳng qua cũng chỉ là biểu hiện của một loại văn chương của tầng lớp văn hóa thấp của cái thời chưa có chữ viết, chỉ là một cách thức để người ta dễ nhớ, dễ truyền. Trong xã hội hiện đại, một nhà folklore học hàng đầu của Mỹ hiện nay là A.Dundes trong công trình Ai là người sáng tác văn học dân gian đã cho rằng: Quan niệm người sáng tác văn học dân gian là người mù chữ trong một xã hội có chữ viết là một quan niệm cũ không còn phù hợp. Đó là một quan điểm đã lỗi thời của các nhà folklore học châu Âu thế kỷ XIX. Sau khi dẫn chứng hàng loạt những mẩu chuyện dân gian đương đại Mỹ, ông viết đại ý: Người sáng tác văn học dân gian trong những trường hợp này đều là những người biết chữ... không một ai là người sáng tác dân gian trong những ví dụ này là nông dân hoặc người ở tầng lớp thấp. Nhiều người chắc chắc là những người thành thị và thuộc tầng lớp trung lưu. Cần phải nói rõ như vậy nếu người nào đó quan tâm có những phân biệt như vậy hoặc áp dụng cách gọi như vậy. Thực tế có người sáng tác dân gian thành thị và cũng có những người sáng tác dân gian nông thôn. A.Dundes còn bàn đến các sáng tác folklore trong mối quan hệ với các phương tiện truyền thông hiện đại. Theo ông, các công nghệ hiện đại như điện thoại, radio, tivi... chỉ làm tăng thêm tốc dộ lưu truyền mà không hề làm biến mất văn hóa – văn học dân gian hiện đại. Trong các ví dụ về văn học dân gian đương đại Mỹ của A.Dundes vẫn chứa đầy những yếu tố lặp lại. Sự lặp lại đó rõ ràng là một nghịch lý về nguyên tắc thẩm mỹ folklore khi so sánh với văn chương viết, song chính nó mới là đặc điểm của nguyên tắc tư tưởng - thẩm mỹ folklore, tạo nên những giá trị đặc thù của mỹ học folklore, lặp lại mà không nhàm chán, quen thuộc mà vẫn hấp dẫn. Và chính quá trình sáng tạo và tái sáng tạo của thi pháp văn học dân gian theo nguyên tắc có tính lặp lại như thế đã tạo nên những hình thức cấu trúc thẩm mỹ ổn định bền vững trong từng kết cấu thẩm mỹ đặc trưng thể loại. Thế nên trong khoa học văn học dân gian, các nhà nghiên cứu chuyên ngành đều nhất trí khẳng định : Thể loại văn học dân gian là một kết cấu nghệ thuật có tính lịch sử. Do đó, Nếu nghiên cứu tiến trình phát triển của văn học dân gian người ta phải tìm hiểu vấn đề lịch sử - thể loại, thì việc nghiên cứu một tác phẩm văn học dân gian đòi hỏi phải đặt nó vào trong một thể loại – lịch sử.

II.Vấn đề phân tích tác phẩm văn học dân gian từ góc nhìn thể loại

Hệ phương pháp phân tích tác phẩm văn học dân gian trong nhà trường trước hết phải lấy phương pháp luận nghiên cứu về các sáng tác văn học dân gian của khoa học chuyên ngành làm cơ sở. Về vấn đề này, nhà bác học người Nga về văn học dân gian V.Ia.Prop đã khẳng định : Chừng nào những đặc trưng của thể loại chưa được nghiên cứu, hoặc ít ra là chưa được mô tả trên những nét đại cương thì những sáng tác riêng lẻ thuộc kết cấu thể loại cũng chưa thể được nghiên cứu. Và ông nhấn mạnh dứt khoát rằng : “ Trong khoa học văn học dân gian có thể nói thể loại là cái đơn vị cơ bản mà mọi công việc nghiên cứu đều phải xuất phát từ đó”.(2)

Nhìn lại quá trình xác lập hệ phương pháp và các phương pháp cụ thể trong vấn đề này, chúng ta đã trải qua hai thời kỳ. Từ đầu thập kỷ tám mươi của thể kỷ XX trở về trước có thể được xem là thời kỳ đầu, việc dạy và học tác phẩm văn chương mới chỉ chú trọng phân tích tác phẩm văn học dân gian theo như một thể loại của văn học viết. Sự lựa chọn các tác phẩm văn học dân gian trong các sách giáo khoa phổ thông thời kỳ này còn rất ít ỏi, lại chỉ là văn học dân gian của người Kinh(Việt) và có thể nói là chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề thể loại. Ví dụ : Bài “Từ nay tôi kệch đến già”, và bài “Mở mắt chúa gọi đi cày” theo chúng tôi là hai bài văn vần dân gian kể chuyện đời của người làm thuê, người đi ở cho nhà giàu. Đó là vè thế sự, vậy có nên xếp vào thể loại ca dao. Có nhà nghiên cứu đã gọi bài thứ hai nói trên là Vè đi ở. Gần đây, trong một giáo trình văn học dân gian viết cho sinh viên Việt Nam học, Nguyễn Bích Hà đã trả những tác phẩm có cùng kiểu dạng như thế về thể loại vè. Những kiểu dạng sáng tác dân gian này trong đời sống thực tế cũng hoàn toàn không có khả năng chuyển hóa thành ca dao, dân ca. Việc tuyển chọn các tác phẩm văn xuôi tự sự dân gian vào sách giáo khoa thời ấy cũng có tình hình tương tự. Các văn bản kể về Lạc Long Quân và Âu Cơ, Sơn tinh Thủy tinh, Thánh Gióng được chọn giảng là thần thoại hay truyền thuyết, các truyện kể Trí khôn của ta đây, Trâu đoàn kết giết hổ, Sự tích bộ lông quạ và công là cổ tích loài vật hay truyện ngụ ngôn... Thế nên rất khác với vấn đề phân tích tác phẩm theo đặc trưng thể loại của văn học viết, vấn đề phân tích tác phẩm văn học dân gian chưa thể có được một nền tảng tư tưởng học thuật chuyên ngành nhất quán trong cùng một hệ thống. Phải đến khi khoa học về văn học dân gian Việt Nam được xác lập như một chuyên ngành giữa hai góc độ ngữ văn học và văn hóa dân gian từ những năm chín mươi của thế kỷ trước, việc xác định thể loại cho các tác phẩm văn học dân gian được chọn giảng trong nhà trường mới từng bước ngày càng trở nên rành mạch sáng tỏ. Các tác phẩm hay trong văn học dân gian của các dân tộc ít người bắt đầu được chú ý. Hệ thống thể loại văn học dân gian Việt Nam được bổ sung các thể loại sử thi dân gian và truyện thơ dân gian. Những vấn đề lý thuyết và định hướng phương pháp phân tích văn học dân gian theo thi pháp thể loại đã bắt đầu được khảo luận ở cấp độ tổng quát. Một chương trình đổi mới toàn diện về hoạt động dạy và học văn học dân gian trong nhà trường đã được triển khai với nội dung “ những vấn đề hiện nay về nghiên cứu và giảng dạy VHDG trong nhà trường” từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Trong đó nối bật lên là phương hướng giảng dạy văn học dân gian theo tinh thần tiếp cận một tác phẩm folklore. Trọng tâm mấu chốt của nó là phải phân tích tác phẩm văn học dân gian theo đặc trưng thể loại căn cứ vào các kết quả nghiên cứu mới mẻ, hiện đại về bản chất xã hội, bản chất nghệ thuật của văn học dân gian trong sự so sánh ngày càng cụ thể và sâu sắc về các mối quan hệ văn học dân gian – văn học viết. Năm 1993, chúng tôi biên soạn cuốn “Giảng văn văn học dân gian Việt nam” theo phương hướng trên. Sách đã được nhà xuất bản giáo dục tái bản năm 1995 và sau đó đã được biên tập lại vào sách Giảng văn văn học Việt Nam. Thời gian qua đi, những năm gần đây vấn đề dạy và học văn ở trường phổ thông lại có sự thay đổi từ hoạt động giảng văn chuyển sang hoạt động đọc – hiểu tác phẩm văn học. Theo đó, các sách giáo khoa văn học, tiếng Việt, làm văn cũng được biên soạn lại theo hướng tích hợp. Năm 2012, khi biên soạn mới Giáo trình văn học dân gian ở Trường Đại học sư phạm Hà Nội, với quan niệm văn học dân gian vừa là văn học vừa là văn hóa và cần phải nghiên cứu và giảng dạy tác phẩm văn học dân gian theo tinh thần tiếp cận một tác phẩm folklore, chúng tôi đã dành riêng hẳn một phần của giáo trình gọi là “ Những vấn đề chung về văn học dân gian” để hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản theo hướng trên. Đến thời điểm hiện tại ( 2019), chương trình văn học và tiếng Việt ở mọi cấp học lại tiếp tục một lần nữa được biên soạn lại, và bắt đầu có sự tham gia của nhiều nhóm tác giả theo chủ trương sẽ có vài ba bộ sách cùng lúc theo hướng đổi mới tich cực toàn diện. Trong chương trình chọn giảng tác phẩm cụ thể, cũng sẽ tiếp tục từng bước theo các cấp học có sự điều chính lại, thay thế một bộ phận theo quan điểm mới của các nhà biên soạn. Tuy vậy, nhìn một cách toàn diện thì vấn đề phân tích tác phẩm văn học dân gian từ góc nhìn thể loại vẫn là điều kiện tiên quyết đối với các hoạt động dạy và học tác phẩm văn học dân gian. Việc triển khai các phương pháp cụ thể sẽ được lập trình và gợi ý trong các sách giáo viên, đã và đang được tiếp tục đổi mới theo hướng folklore ứng dụng, từ hiểu biết đến thực hành văn hóa. Phạm vi giải quyết vấn đề này hiện nay cũng chính là một bước phát triển mới theo định hướng nghiên cứu - giảng dạy văn học dân gian theo tinh thần tiếp cận một tác phẩm folklore như chúng tôi đã tự đổi mới từ những năm gần đây, vừa có tính kế thừa tiếp nối, vừa có sự phát triển ở bề sâu để tiếp tục đem lại một chất lượng mới. Kế thừa phương hướng trên bởi vì chỉ có như thế thì việc phân tích một tác phẩm văn học dân gian mới tránh được những hạn chế như trước đây đã từng đồng nhất với việc phân tích tác phẩm văn học viết, xa rời bản chất và đặc trưng văn học dân gian. Hơn nữa, như chúng ta đã biết việc phân loại văn học dân gian ở cấp độ thể loại căn cứ vào các thành tựu của khoa học chuyên ngành văn học dân gian phải thỏa mãn đến bốn tiêu chí: Hệ đề tài chủ đề, chức năng sinh hoạt, phương thức diễn xướng và thi pháp đặc thù. Thế nên việc phân tích tác phẩm văn học dân gian không thể không tính đến những yếu tố ngoài văn bản. Mặt khác, chỉ có sự phát triển ở bề sâu trên cơ sở tiếp nối phương hướng nói trên mới đáp ứng được mục đích hàng đầu của giới hạn từ góc nhìn thể loại. Cái giới hạn phân tích tác phẩm từ góc nhìn thể loại đối với các sáng tác nghệ thuật ngữ văn dân gian luôn đòi hỏi chúng ta phải khảo sát so sánh đối chiếu liên văn bản, phải tính đến những đặc điểm riêng của văn bản văn học dân gian, phải dựa hẳn vào những đặc điểm thi pháp đặc thù thể loại trong việc định hướng tiếp cận và đánh giá thẩm mỹ.

Để đáp ứng được phương pháp luận giải đã xác định như trên, việc phân tích tác phẩm văn học dân gian từ góc nhìn thể loại dứt khoát phải tiến hành từ khâu đầu tiên là tìm hiểu và xây dựng được cái mà chúng tôi gọi là bộ hồ sơ về một tác phẩm. Điều này đối với phần lớn các tác phẩm văn học viết trong một góc nhìn nào đó có thể là không quan trọng bởi vì trước khi tiến hành phân tích một sáng tác của một nhà văn nhà thơ đã có tên tuổi, thân thế và sự nghiệp của họ chắc hẳn đã gắn liền với một tọa độ lịch sử xác định, mọi chuyện đều đã có thể trở nên rõ ràng sáng tỏ. Tác phẩm đó thuộc thể loại nào, với văn học viết hiện đại thì đã được ghi rõ ngay trước hoặc sau tác phẩm, với văn học trung đại thì hầu hết nó đã được gắn vào tên tác phẩm: Hịch tướng sĩ văn, Bình Ngô Đại Cáo, Bạch đằng giang phú, Chinh phụ ngâm, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc... Trái lại, với số phận lịch sử của một tác phẩm văn học dân gian thì bao giờ cũng chứa đầy những ẩn số phải kiếm tìm. Văn bản tác phẩm văn học viết luôn luôn là một chỉnh thể ngôn ngữ nghệ thuật hoàn chỉnh khép kín ổn định. Mỗi văn bản văn học dân gian trong tính đặc thù của bộ phận văn chương truyền miệng lại chỉ là một lát cắt đồng đại. Đối với lĩnh vực nghiên cứu văn học dân gian, để khảo sát một tác phẩm chỉ có một cách duy nhất tối ưu là phải tiến hành ghi đi ghi lại nó bằng những lần khác nhau, ở những địa phương khác nhau, từ các nghệ nhân khác nhau và trong những thời điểm khác nhau của các thế hệ tiếp nối nghiên cứu khác nhau. Phải xem văn bản của tác phẩm ấy không chỉ là đối tượng, mà còn là mục đích của sự khảo cứu. Đến lượt mình, chúng ta phải trên cơ sở phân tích một liên văn bản để đối chiếu với cái văn bản được chọn lựa, nhận ra những nét tương đồng và dị biệt, những yếu tố bất biến và biển đổi trong một hệ thống mở. Từ đó xác định những đặc điểm trội của văn bản phân tích theo các tiêu chí phân loại để đặt nó vào một thể loại xác định. Chỉ có làm được như thế, chúng ta mới có thể tiến hành phân tích được các văn bản tác phẩm văn học dân gian đã được tuyển chọn vào sách giáo khoa như : Lạc Long Quân và Âu Cơ, Sơn tinh Thủy tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử... mà việc xác định thể loại cho nó trong giới hạn nghiên cứu vẫn còn là vấn đề trao đôi. Trở lại vấn đề chung, để có được kết quả đáng tin cậy ở khâu đầu tiên như đã nói ở trên, chúng ta phải đặt tác phẩm văn học dân gian vào một trường hoạt động thực tiễn bao gồm môi trường diễn xướng, phương thức tồn tại và lưu chuyển, lý do xã hội và lý do nghệ thuật, chức năng sinh hoạt thực hành, cảm hứng tập thể đồng sáng tạo. Nguyên tắc số một này chính là xuất phát từ đặc trưng nguyên hợp, là đã tính đến tất cả các yếu tố văn chương và các yếu tố phi văn chương trong sự thành tạo một đơn vị tác phẩm. Bởi vì những yếu tố phi văn chương ngoài văn bản này lại góp phần không nhỏ tạo nên cái sắc thái văn chương, làm nên vẻ đẹp riêng biệt của ngôn ngữ nghệ thuật văn học dân gian. Vả chăng, những yếu tố này đã hòa trộn, kết dính, đan lồng, gắn chặt với yếu tố ngôn từ trong văn bản đến mức tự nhiên không thể tách rời, như nó vốn có trong đời sống của thực tiễn sinh hoạt văn nghệ tổng hợp của nhân dân qua nhiều đời sáng tạo và sáng tạo lại. Khi tiến hành phân tích nhóm các bài ca trữ tình dân gian trong thế giới nghệ thuật ca dao chẳng hạn, chúng ta sẽ thấy đúng như Đinh Gia Khánh đã khẳng định “Nghệ thuật ngữ văn, một thành tố của văn hóa dân gian chỉ có thể phát huy đầy đủ chức năng thẩm mỹ khi gắn bó với các thành tố khác” (3)và Chu Xuân Diên đã nhận xét “Là thành phần chủ yếu trong tổng thể sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian, văn bản văn học dân gian in đậm dấu vết của những thành phần không phải văn học của tổng thể đó.”(4) Những kết quả của công việc lập hồ sơ cho một tác phẩm văn học dân gian như trên nằm trong khâu chuẩn bị trước khi thiết kế văn bản phân tích. Nó phải được xem là một nhiệm vụ then chốt, là tinh thần cơ bản của quan điểm phân tích tác phẩm văn học dân gian theo tinh thần tiếp cận một tác phẩm folklore. Trong khung phân tích tác phẩm văn học dân gian, nó phải được trình bày cực kỳ tinh giản như là các giả thiết về hoàn cảnh ra đời tác phẩm và tình hình văn bản, và cả quá trình chuyển hóa thể loại nếu có. Đây là một nội dung bắt buộc ở cấp độ tổng quát, bởi vì đó là những minh chứng xác thực về mặt lịch sử, là cơ sở khoa học cho việc phân tích ở cấp độ tác phẩm : phải đặt các yếu tố nghệ thuật trong tác phẩm vào một trường hành động thực tiễn bao gồm môi trường diễn xướng, phương thức tồn tại, chức năng sinh hoạt thực hành...và ở cấp độ cụ thể phải giải mã nó trong một trường liên tưởng ngữ nghĩa của một cộng đồng. Trong các phân tích cụ thể, chúng ta cũng không thể không thường xuyên xem nó trong các mối quan hệ trở lại với những yếu tố ngoài văn bản.

Quan điểm này khẳng định việc phân tích tác phẩm văn học dân gian từ góc nhìn thể loại đã xác định văn học dân gian là một loại của nghệ thuật ngôn từ và văn bản vẫn là thành tố nghệ thuật quan trọng nhất hợp thành chỉnh thể một tác phẩm folklore. Các yếu tố nghệ thuật trong tác phẩm nói ở trên chính là các yếu tố văn học thể hiện trong một văn bản đã được cố định. Đó là những “hình thức mang tính nội dung” đã trôi nổi ngàn năm trên cửa miệng người đời, vừa được thầm thấu vừa tỏa lan cái hồn cái tình, nỗi nhớ và kỷ niệm riêng, đã từng được cả cộng đồng ghi vào ký ức và nuôi dưỡng trao truyền qua nhiều cuộc thăng trầm biến đổi. Ví dụ một lời ru bên vành nôi: Cái cò đi đón cơn mưa. Ví dụ một câu ví : Cây đa cũ bến đò xưa. Không phải ngẫu nhiên mà từ thuở ông bà chúng ta chưa ra đời, những hình ảnh con cò, con bống, cái giếng giữa đàng, cái cầu dải yếm... đã trở thành những ẩn dụ trữ tình lớn trong ca dao miền xuôi; trong khi đó những hình ảnh con sâu vừng, con rồng leo, cây trám đen, con chim queng quý... lại chỉ gặp ở những câu hát dân ca miền núi. Người giảng dạy muốn gây ấn tượng phải biết tạo tâm thế, phải biết tạo các xung động thẩm mỹ trong những “trường hoạt động thực tiễn” nhất định, trong những hệ quy chiếu của “ các công thức truyền thống” nhất định. Có như thế hệ số cảm xúc nghệ thuật mới được đẩy lên đến trạng thái kịch phát, đỉnh điểm. Người phân tích muốn khai thác hết được tình thực, ý sâu, lời đẹp trong những hình ảnh, biểu tượng như thế rõ ràng không thể cảm thụ được bằng suy diễn chủ quan. Và nhìn chung, chúng ta không thể phát hiện chính xác ngữ nghĩa của nó nếu không am hiểu truyền thống văn hóa trong từng nếp cảm, nếp nghĩ, nếp sống ở một vùng đã trở thành bản sắc riêng. Chúng ta phải có vốn sống và sự nhạy cảm đời thường thu nhận dược từ thực tiễn muôn vẻ, từ các kiến thức xã hội, lịch sử, địa lý, tâm lý, dân tộc học..., nói rộng ra là văn hóa học. Có như thế, chúng ta mới có thể giải mã được các yếu tố nghệ thuật trong cấu trúc thẩm mỹ của một tác phẩm văn học dân gian. Việc phân tích đối với các tác phẩm văn học dân gian ở miền xuôi đã không đơn giản, thì đối với các tác phẩm văn học dân gian miền núi điều đó còn phức tạp hơn nhiều như với các sử thi Đẻ đất đẻ nước, Đam San; Các truyện thơ Tiễn dặn người yêu, Vượt biển.... Để cùng chiếm lĩnh thế giới hình tượng trong đó, chúng ta phải tự nỗ lực thu hẹp khoảng cách văn hóa – thẩm mỹ giữa các vùng, miền, dân tộc. Thế nên để phân tích tác phẩm văn học dân gian, nguyên tắc phải đặt tác phẩm vào trong một trường liên tưởng ngữ nghĩa của một cộng đồng cũng là một yêu cầu phải được đảm bảo trong suốt quá trình triển khai các nội dung cụ thể.

Quan điểm thể loại văn học dân gian cũng đòi hỏi việc phân tích tác phẩm văn học dân gian phải dựa hẳn vào những đặc điểm thi pháp đặc thù thể loại của tác phẩm trong việc khai triển hệ thống các luận điểm, luận cứ, luận chứng và bám sát vào cấu trúc thẩm mỹ thể loại của văn bản để đánh giá thẩm mỹ các yếu tố hình thức – ý tưởng và các nguyên tắc kết hợp giữa các yếu tố đó như nó vốn tồn tại và lưu chuyển trong đời sống dân gian. Bởi vì trong khoa học về văn học dân gian như đã nói ở trên, không có thi pháp tác phẩm. Và sự khu biệt vẫn nổi bật trong sự so sánh và đánh giá thẩm mỹ giữa các tác phẩm chỉ có thể được phân tích trong sự khu biệt về thi pháp thể loại. Trả lời cho câu hỏi “thi pháp là gì?” đối với cả văn học viết và văn học dân gian trong quan niệm đều là loại hình nghệ thuật ngôn từ, nhà folklore học Xô-Viết nổi tiếng, giáo sư Kratxop(1906-1980) đã quan niệm như sau : Thi pháp với tư cách là tổ hợp những đặc điểm hình thức nghệ thuật của các tác phẩm nghệ thuật ngôn từ bao gồm:

a. Những đặc điểm của cấu trúc tác phẩm.
b. Hệ thống những phương tiện phản ánh, nhờ những phương tiện này mà văn học viết và văn học dân gian xây dựng những bức tranh về cuộc sống, những hình tượng về con người và tái tạo những hiện tượng khác nhau của thực tại(các sự kiện lịch sử, sinh hoạt và đạo đức của con người, thiên nhiên).
c. Những chức năng tư tưởng – thẩm mỹ của cấu trúc tác phẩm và những chức năng tư tưởng thẩm mỹ của các phương tiện thể hiện một cách xúc cảm trước hiện thưc, sự đánh giá những sự kiện và hành vi của nhân vật, sự khám phá ý đồ sáng tạo cùng giá trị tư tưởng nghệ thuật và tay nghề sáng tạo ra tác phẩm(5). Theo Kratxop, văn học viết và văn học dân gian có nhiều cái chung, nhưng đồng thời văn học dân gian cũng có những đặc điểm riêng. Về phương diện thi pháp, đó là những đặc điểm hình thức của cách thức thể hiện và biểu hiện riêng của từng nghệ nhân. Thi pháp văn học dân gian còn bao gồm cả những đặc điểm của truyền thống dân tộc. Cho đến thời điểm hiện tại, trong các công trình lý thuyết về thi pháp học có rất nhiều quan niệm và định nghĩa về thi pháp và nhìn chung đều là các kết quả nghiên cứu trên các thành tựu của văn học viết. Do đó sự lựa chọn định nghĩa trên đây vể thi pháp chung cho cả hai loại hình nghệ thuật ngôn từ văn học dân gian và văn học viết để vận dụng vào việc phân tích tác phẩm văn học dân gian từ góc nhìn thể loại có ý nghĩa học thuật đặc biệt quan trọng.

 

KẾT LUẬN

Để có một kết luận tổng quan cho toàn bộ những vấn đề chung trên đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh: Thi pháp văn học dân gian và thi pháp văn học viết là hai hệ thống thẩm mỹ độc lập nhưng không đối lập. Phân tích tác phẩm văn học dân gian trong nhà trường, đương nhiên đối tượng tiếp cận trực tiếp và chủ yếu vẫn là văn bản văn học, là dạng cố định. Do đó, các thao tác phân tích cụ thể vẫn có nhiều điểm chung như phân tích tác phẩm văn học viết. Tuy vậy, khác với văn bản văn học viết, dạng cố định của văn học dân gian còn có cơ sở từ hai dạng, dạng “ hiện ra trong diễn xướng” và dạng “ ẩn trong kí ức nghệ nhân”, luôn tồn tại ở dạng liên văn bản và vẫn còn đấy bằng cách này hay cách khác các mối liên hệ với các yếu tố ngoài văn bản. Thế nên nếu như việc phân tích tác phẩm văn học viết có rất nhiều cơ sở xác đáng để tạo nên những khoảng trống sáng tạo cho chúng ta thì việc phân tích tác phẩm văn học dân gian, đặc biệt với những tác phẩm đã lùi sâu vào quá khứ, chúng ta chỉ có một cách khám phá những giá trị đích thực của nó bằng cách phải dựa vào những khuôn hình, từ mã văn hóa đến mã thẩm mĩ. Đó là những khuôn mẫu điển hình ổn định bền vững ở những cấp độ khác nhau đã được sắp đặt trong một cấu trúc thẩm mỹ đặc trưng thể loại. Trong đó, mỗi cấu trúc thẩm mỹ của một thể loại nhìn chung đều đã được khái quát hóa trên những tác phẩm tiêu biểu ở thời kỳ đỉnh cao của nó trong tiến trình phát triển. Để giải mã những yếu tố nghệ thuật như thế, người phân tích không thể đồng sáng tạo, mà phải vận dụng những thành tựu của khoa học liên ngành./.

 

CHÚ THÍCH :

1.Đỗ Bình Trị, Nghiên cứu tiến trình lịch sử của văn học dân gian Việt Nam, ĐHSP Hà Nội I xuất bản năm 1978,trang 35.
2. V.Ia. Propp, Tuyển tập, Tập II, Folklore với thực tại, Nhóm Chu Xuân Diên dịch, NXB Văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật xuất bản, H.2004, trang 473, 474.

3. Đinh Gia Khánh, Trên đường tìm hiểu Văn hóa dân gian, NXB KHXH, H.1989, trang 124.
4, 5. Dẫn theo Nguyễn Xuân Kính : Việc nghiên cứu thi pháp văn học dân gian ở Liên Xô và Việt Nam, trong Văn hóa dân gian, những lĩnh vực nghiên cứu, Nhiều tác giả, Nxb KHXH, H.1989, trang 144,159.

Post by: Khoa Ngữ văn
30-01-2024