Văn học dân gian

Nghiên cứu hệ thống tự sự dân gian Tày dạng thức kể theo các mối quan hệ loại hình lịch sử văn hoá tộc người


30-01-2024

 

Tác giả: GS.TS Vũ Anh Tuấn

Trường Đại học sư phạm Hà Nội

 

Trong một công trình nghiên cứu Văn hoá Việt Nam, giáo sư sử học Nguyễn Hồng Phong viết: Có một tâm hồn Việt Nam cũng như có một tâm hồn Hy Lạp, và có một tâm hồn Trung Hoa. Đến lượt mình, chúng tôi muốn xác định có một tâm hồn Tày trong tâm hồn Việt Nam. Trên thực tế, các nghiên cứu liên ngành đã khẳng định: Hàng ngàn năm trước đây, cùng với các bộ lạc Việt – Mường cổ (prolo Viet – Muong), các nhóm Tày – Thái cổ (prolo Tay – Thai) đã thật sự tham gia vào quá trình tạo dựng nền văn hoá dân tộc. Thực tế lịch sử này đã được phản ánh một cách thẩm mỹ, như là kết quả của sự nghiền ngẫm hiện thực nhiều thế hệ vào truyện kể dân gian Tày – một hiện tượng văn học dân gian Tày được hình thành và phát triển trên một địa bàn chật căng lễ hội và đậm đặc phong tục, nơi giao lưu nhiều nền văn minh lớn, nơi con người giàu có trí tưởng tượng mà vẫn không ngừng tranh đấu để thích ứng trước những vấn đề mới mẻ luôn luôn đặt ra của thực tiễn.

Theo mục đích lựa chọn, chúng tôi tiến hành phân tích 564 cốt truyện, trong đó có 185 đơn vị truyện Tày, theo một nguyên lý cho rằng: Sự phụ thuộc đời sống và những mối liên hệ đời sống của văn học dân gian là biểu hiện đặc biệt về bản chất của các mối quan hệ và phụ thuộc lịch sử tộc người xã hội, chúng có liên quan trực tiếp đến bản chất thẩm mỹ và chức năng sinh hoạt thực hành xã hội, và đến cả quá trình hình thành cơ cấu của văn học dân gian. Theo đó, cơ sở ngữ văn – dân tộc học gợi mở những xét đoán đáng tin cậy để giải mã các hiện tượng đời sống đã được tái hiện thẩm mỹ. Các yếu tố đó chứa đựng tiềm tàng vẻ đẹp của sự sáng tạo nghệ thuật được tích tụ dài lâu, nhưng hoàn toàn không phải là những thực thể bất biến đã được thần bí hóa. Kết quả khảo sát cụ thể các mẫu kể về người con riêng, về các chàng trai kỳ tài, về người đội lốt với hàng chục dị bản Tày đã làm sáng tỏ vấn đề. Ví dụ: Khi phân tích nhóm truyện chuỗi xích liên hoàn về người đẹp hiện ra từ quả trứng thiêng, mang hình thức cấu trúc trên cùng của kiểu người thần kỳ đội lốt, theo lược đồ ba dạng bốn lớp mà Mêlêtinxki đã từng vạch ra có tính phổ quát loại hình. Ở đây, có thể hoàn toàn lý giải được cơ sở xã hội – lịch sử của các lớp truyện xoay quanh môtip cốt lõi. Yếu tố này về bản chất xã hội chính là “quả trứng thiêng” có mặt trong hàng loạt nghi lễ Tày có cội nguồn tín ngưỡng Nam Á. Nó được tái hiện thẩm mỹ trở thành biểu tượng cái đẹp trong trẻo, thuần khiết, tươi nguyên, nõn nà để đánh thức mọi tâm hồn Tày trong cảm quan thẩm mỹ đời thường. Lớp thứ hai là tầng nền bao gồm một chuỗi môtip cổ xưa được kết hợp theo hình thức thứ hai trong bốn hình thức của cơ chế bên trong hoạt động tâm lý sáng tạo nghệ thuật. Lớp thứ ba là tầng trên gồm hệ thống các môtip phản ánh các trạng thái sinh hoạt xã hội phức tạp theo mối liên hệ cảm xúc, nó chỉ còn gắn với các nghi lễ Tày ở dạng tàn tích. Tầng thêm của cốt truyện có số lượng các môtip không ổn định, được tập hợp như một hệ thống mở, thuộc loại hình lịch sử văn hoá muộn: môtip kén rể, cướp vợ, cầu hôn tập thể, lên ngôi tập thể, diệt vua ác,... Nó đem lại cho các mẫu kể cách kết thúc như một cổ tích sinh hoạt. Đó là tia hồi quang hướng về nền dân chủ thị tộc là đương nhiên nhưng theo kiểu Tày. Có thể phân tích tương tự và mạch lạc với nhiều mẫu kể, hoàn toàn có khả năng chỉ ra được các nguồn nghĩa xã hội – thẩm mỹ đích thực của các tín hiệu nghệ thuật có vẻ bí ẩn, huyền ảo và thơ mộng. Từ việc tiến hành tìm hiểu từng mẫu kể, từng nhóm truyện, theo mục đích đã chọn, cần phải tiếp tục xác định các mô hình về cơ chế bên trong của các hoạt động qua lại theo các mối quan hệ folklore với thực tại Tày. Quá trình khảo sát 59 mẫu kể về 78 nhân vật người khổng lồ miền núi (trong đó có mẫu kể Tày) và 43 mẫu kể về 62 nhân vật người thần kỳ đội lốt ở miền núi cùng bốn típ khác đã cho thấy: Cơ cấu và nội dung xã hội – thẩm mỹ của nhóm được hiện ra bằng cách này hay cách khác đúng như một thành phần cơ cấu và nội dung đời sống đã diễn ra có tính lịch sử. Trong đó rõ ràng ý thức dân gian khu vực có chức năng điều hòa. Có điều rất đáng chú ý là các đặc điểm loại hình chung không biểu hiện trong tất cả các mẫu kể khu vực như là một sự bình quân các giá trị sáng tạo thẩm mỹ. Nó chỉ có thể được nhận ra đầy đủ trong truyện kể dân gian của tộc người đã có trình độ phát triển cao nhất của khu vực, có khả năng thu hút được tất cả những mối quan tâm chung trong điều kiện địa lý – lịch sử gần gũi và sự sinh hoạt đan cài tự nhiên. Ở miền núi Bắc Việt Nam, rõ ràng chỉ có điều đó ở truyện kể Tày. Để xác định được như vậy, đương nhiên phải khảo sát đối chiếu trong cả hai mối tiếp xúc: mối tiếp xúc bên trong với các tộc người cùng ngữ hệ như Thái (Tây Bắc), Cao Lan (Việt Bắc) và mối tiếp xúc giao lưu với các tộc thuộc ngữ hệ khác như nhóm H’Mông – Dao và Việt – Mường. Ví dụ: So sánh giữa hệ thống truyện về Ải Lậc Cậc (Thái) với Pú Luông Slao Cải (Tày), so sánh sự tích cây đàn tính Khun Pấng (Thái) với Xiên Tâng (Tày). Kết quả cho thấy, dưới góc độ thẩm mỹ tính đồng hình không phụ thuộc vào sự cùng nguồn. Sự cùng nguồn và những ảnh hưởng địa lý tự nhiên chỉ tạo ra các yếu tố ban đầu. Trong quá trình tiếp biến văn hoá, truyện kể Tày đã có sự giải thể bộ phận. Ví dụ: Sự khuyết thiếu các mẫu kể người khổng lồ độc thân sáng tạo vũ trụ, sự sống hoặc sự chuyển hóa xa dần cảm hứng cội nguồn trong các mẫu kể về đề tài chiến tranh. Sự giao lưu tự nguyện Kinh – Tày sâu sắc ít ra từ thời tiền Hùng Vương và đạt tới đỉnh cao vào thời hình thành nhà nước Âu Lạc đã đem lại cho tất cả các típ truyện kể Tày một sự phát triển về chất. Sự nhận biết về điều này không khó khăn, mặc dù có thể nói những khía cạnh cụ thể bản sắc Tày là vô hạn và mỗi khía cạnh như thế thường tương ứng với một nét phong tục tập quán, một thói quen giao tiếp, một sở thích phổ biến, một sự kiện riêng biệt trong cộng đồng Tày. Bởi vì vẫn biết rằng cái riêng bao giờ cũng phong phú hơn cái chung, song bản chất riêng của cấu trúc tác phẩm và sự đa nghĩa của một tín hiệu nghệ thuật dân gian có tăng đậm đến mức nào thì nó vẫn có tính lý do xã hội – tập thể, trong một khuôn khổ không gian và thời gian nghệ thuật có thể quan sát được. Qua việc khảo sát tám típ truyện kể Tày thường gặp trong sự đối chiếu so sánh khu vực, kết quả cho thấy tính loại hình chung và nét độc đáo loại hình đều nằm ở chính các câu trả lời: Lý do của sự tương tự ý nghĩa và cấu trúc? Vì sao tương tự mà vẫn giữ được bản sắc? Vì sao lặp mà vẫn không nhàm chán, trái lại mỗi tình huống như thế càng kích thích hứng thú, thậm chí cả sự kinh ngạc thẩm mỹ? Cùng với việc bóc tách các lớp xã hội – lịch sử của cốt truyện, việc đặt các thành tố cốt lõi vào một trường liên tưởng thẩm mỹ nhất đinh có giá trị như một bộ công thức, những vấn đề trên sẽ hiện ra rất rõ.

Do đó mặc dù truyện kể Tày ở cấp độ một típ có những yếu tố khuyết thiếu, song trên tổng thể vẫn thể hiện một loạt đặc điểm thi pháp có tính loại hình khu vực. Đó là cấu trúc các nhóm thường gặp vẫn tồn tại ở các dạng chủ yếu và các lớp cơ bản có thấy ở khu vực. Các mẫu kể chuỗi xích liên hoàn có khuynh hướng giãn nở mạnh mẽ trên cả hai cực hướng nội và hướng ngoại. Kiểu cấu trúc này hoàn toàn vắng bóng trong truyện cổ tích thần kỳ của tộc Kinh. Đó là chất liệu thẩm mỹ được chọn lựa từ cảnh quan thiên nhiên đến cung cách ứng xử và hình thức lao động của con người đều mang phong cách sáng tạo tập thể - cộng đồng miền núi không pha trộn. Một số yếu tố ngoại lai đã được chế biến khôn ngoan. Đó là xu thế phát triển ở hầu hết các mẫu kể có cốt truyện nhiều tầng đều chuyển hóa theo chiều hướng nhân vật chính trở thành anh hùng chiến trận. Tất cả các đặc điểm trên kéo theo hai đặc điểm nội dung sau đây rất rõ nét. Một là chúng đều có cùng những mối quan tâm đến tất cả những vấn đề của đời sống miền núi nhưng cấp thiết nhất là đời sống vật chất thiết thực. Các chàng trai kỳ tài của họ không phải là những người anh hùng khổng lồ trên đầm lầy, cũng không phải là những hiệp sĩ giỏi cưỡi ngựa bắn cung. Họ chỉ giỏi trèo núi, cày ruộng và chèo thuyền, dùng vai cõng núi, lấy tai tát nước, nắm tay đóng cọc và đấm chết hổ. Đơn vị làng bản của người canh tác ruộng nước ít khi dời đổi. Giữa thẳm xanh rừng đại ngàn, con người lẻ loi và không giàu yêu thương sẽ trở nên nhỏ bé trước các loại kẻ thù. Do đó tính thầm lặng nhẫn nại, tính đôn hậu cởi mở, sự hiếu khách và khát khao kết bạn, thói quen ứng xử “đã ghét không nhìn mặt, thương hết lòng vì nhau” đã trở thành phương châm xử thế của họ. Hai là các vấn đề mâu thuẫn và đấu tranh xã hội nói chung được phản ánh cũng chưa phải là quyết liệt. Truyền thống dân chủ hồn nhiên tự phát vẫn là nét tư tưởng – đạo đức có tính phổ quát.

Sau cùng, vấn đề xác định phẩm chất đặc thù Tày, chúng tôi dựa trên một nguyên lý cho rằng: cơ chế bên trong của các mối quan hệ xã hội – thẩm mỹ diễn ra ở mọi cốt truyện cụ thể cũng như một típ truyện nào đó bao giờ cũng phản ánh bằng cách này hay cách khác những dấu hiệu của chức năng tộc người của văn hoá. Các dấu hiệu này không nhiều và chỉ hiện ra trong tiếp xúc văn hoá tộc người nhưng nó được bảo lưu cực kỳ bền vững. Có lẽ từ hàng ngàn năm về trước, tinh thần hòa điệu tuyệt đối với thiên nhiên đã nhuần thấm trong ý thức dân gian Tày. Truyện kể của họ cũng có bản sắc tương tự. Người Tày làm ruộng nước nên ngay từ cuộc đối thoại đầu tiên giữa chủ quan và khách quan, họ ngắm vũ trụ bao la đã nhận ra cả bầu trời cao xanh chỉ là một cánh đồng khổng lồ và nơi tiếp giáp trời và đất mà họ gọi là họng trời cũng chỉ là một công trình thủy lợi thoát nước khổng lồ do con chim khổng lồ chín đầu chín đuôi vận hành. Người Tày ăn mặc như cây giữa thẳm xanh rừng núi tạo nên cảm giác thanh bình phẳng lặng cân đối. Đó là tâm lý chấp nhận tự nguyện và yêu mến nồng nàn môi trường và đời sống thực tại. Truyện Tày có vô số những mẫu kể về địa danh và muông thú cây cỏ rất đậm đà, ý vị, thể hiện những khát khao cộng cảm mãnh liệt. Người nghe truyện Tày rất dễ cảm nhận từ cung cách đặt truyện đến ngôn ngữ kể và tính cách nhân vật rằng người Tày muốn vươn tới một vẻ đẹp trong trẻo mực thước hơn là sự đăng đối khuôn sáo, một vẻ đẹp thầm kín hiền hòa hơn là sự rực rỡ chói nổi. Ước mơ của họ bao giờ cũng giản dị và thiết thực. Họ không ngại kể lại sự thất bại và nói điều thực dụng. Cây cầu vồng trong cổ tích Tày chỉ gợi lên một kỷ niệm đau buồn vì đói khát. Những phát minh được ngợi ca trong truyện Tày cũng không có vẻ cao xa. Triết lý chịu đựng gian khổ và giàu yêu thương giàu tình nghĩa cũng nhuần thấm bậc nhất trong đời thường và văn chương của họ. Chỉ có ở truyện Tày mới kể: Có một thời vì muôn loài đều biết nói đã đánh vào trái tim đa cảm của họ mà họ phải đói khát. Cho nên về sau người Tày “chém cây còn giữ gìn tục trả cây”. Mặc dù tín ngưỡng thờ cây là dấu hiệu loại hình văn hoá phương Nam song cách thể hiện như vậy là hết sức độc đáo. Các con vật dẫn đường và cứu mạng trong truyện Tày cũng đầy ân nghĩa, điều đó khiến ta hiểu vì sao ở truyện Tày hầu như không có một cốt truyện độc lập kể về các con vật hoang dã. Sự ảnh hưởng Phật giáo sâu sắc từ rất sớm và có chọn lọc theo tiêu chuẩn dân gian nói chung đã củng cố trong cộng đồng Tày ý niệm về cái đẹp gắn liền với cái tốt, cái sáng, cái sạch, gắn liền với phẩm cách con người cần cù làm lụng, nhưng một khi thấy yêu tinh là đánh, thấy núi chắn là mở, thấy kẻ yếu mắc nạn là cứu vớt hết lòng tận tụy. Những ông thần gió, thần mây vô tư lự, hay quên và thích làm việc theo lối ngẫu hứng tùy tiện thì tuy có tốt bụng thật song các vị cũng không có chỗ đứng trong truyện Pựt Tày. Người Tày cũng như bà Pựt của họ vẫn cứ hay thương người cả tin và thật thà như đếm. Vì vậy đầy quyền uy như Pựt mà rồi cũng có khi lúng túng vì sống nặng về tình. Tình yêu của Pựt cũng chỉ được chấp nhận khi nó chuyển hóa thành nghĩa vụ cụ thể dâng hiến các nàng tiên con gái cho hạnh phúc trần gian đích thực. Người Tày rất ghét khinh những kẻ miệng ngọt đít chua. Song cách thể hiện các loại hình phạt đối với chúng cũng không đến mức khủng khiếp rùng rợn. Người Tày vẫn tin vào sự công bằng từ cõi trên điều hòa. Không phải ngẫu nhiên họ đã sáng tạo ra cả một hệ thống truyện kể về Pịa, Lục Pịa, Tá Khươi đầy tính hồn nhiên hóm hỉnh láu lỉnh tươi vui. Mãi mãi trên cõi đời này, khi những người hủi còn lang thang đi tìm nhặt những chiếc lá thiêng rơi xuống từ cung trăng, thì người đời vẫn còn chưa quên ấn tượng đẹp về những chú Pịa bất hạnh. Nhưng đẹp nhất, đáng yêu nhất trong truyện Tày vẫn là hình tượng phụ nữ. Họ là các nàng tiên trong truyện Pựt, là nàng Slao, nàng Bioóc Rồm, nàng Kim Quế, nàng Tua Cốc. Họ đều là những người giỏi giang trong lao động miền núi, ứng xử dịu dàng trong mọi mối quan hệ. Vẻ đẹp đôn hậu và đức tính giàu tình yêu thương của họ là nguồn sức mạnh có thể cảm hóa được cả hổ dữ, rắn độc và muôn loài. Trong cuộc sống gia đình Tày truyền thống, họ dạy con cái uống nước cũng phải nhai nên về làm dâu nhà người họ vẫn được mẹ chồng và chồng con quý trọng. Tất cả những nét bản sắc Tày kể trên nổi đậm trong các típ truyện kể về người con riêng và đặc biệt tích tụ trong típ truyện kể về hình tượng Pựt Luông có tới ba mươi hai đơn vị cốt truyện thuần chất Tày đích thực có một không hai.

Theo đó, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng: Sự duy lý trong tư duy sáng tạo thẩm mỹ Tày cũng như Kinh trên thực tế vẫn chưa đủ sức hòa tan được tinh thần cộng cảm và tín ngưỡng duy linh bản địa trong ý thức dân gian. Một mặt tinh thần duy lý chặt chẽ của Khổng giáo hàng nghìn năm đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nguyên tắc chọn lựa ý nghĩa và kết hợp cấu trúc, góp phần thanh lọc một số yếu tố không còn thích hợp trong sự giao thoa văn hoá tích cực. Mặt khác tinh thần duy cảm sâu sắc của Phật giáo lại có sức hút mạnh mẽ và trực tiếp hơn vào ý thức dân gian, giữ vị trí điều hòa. Tất cả các yếu tố đó đã vận động tương tác trong sự chế định của một nền văn hoá cơ tầng bản địa đã được tích hợp từ trước thời Bắc thuộc trong bối cảnh sinh hoạt liên minh Tày – Việt hàng ngàn năm. Lý do sâu xa này khiến cho hệ thống truyện kể Tày như vừa được phân tích ở trên, vẫn giữ được phẩm chất tâm hồn ngàn năm của họ và rất gần gũi với phẩm chất tâm hồn người Việt (Kinh). Hệ quả là: Chúng ta sẽ không thể hiểu được hàng loạt hiện tượng văn học dân gian của người Việt (Kinh) nếu không đặt nó trong mối quan hệ Tày – Việt dưới góc độ phân tích so sánh lịch sử loại hình văn hoá tộc người. Ví dụ: các vấn đề tranh luận nhiều năm nay qua một truyền thuyết An Dương Vương. Trong nghiên cứu, có lẽ đó là một hẹn hò lịch sử./.

CHÚ THÍCH :

  (1).Tham khảo thêm kết quả khảo sát và nghiên cứu tám típ truyện cơ bản trong chỉnh thể tự sự dân gian Tày dạng truyện kể trong toàn văn Luận án Phó tiến sĩ khoa học ngữ văn với đề tài “Khảo sát cấu trúc và ý nghĩa một số tife truyện kể dân gian Tày ở vùng Đông Bắc Việt Nam” của Vũ Anh Tuấn – Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, H.1991. Lưu trữ tại Thư viện Đại học sư phạm Việt Bắc ( cũ), Đại học Quốc gia Hà Nội và Thư viện Quốc gia Việt Nam.  

Post by: Khoa Ngữ văn
30-01-2024