Trong thời kì đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân Pháp, từ năm 1919, Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương đã được thành lập tại Hà Nội. Trường chuyên đào tạo giáo viên, trong đó có ngành Văn khoa cho bậc Trung học. Giảng viên phần lớn là người Pháp, tuy thế cũng có người để lại ấn tượng tốt đẹp đối với sinh viên Việt Nam như các giáo sư Houlié, Milon. Trong số giảng viên người Việt được các thế hệ học trò về sau thường nhắc đến với niềm kính yêu, có cụ phó bảng Bùi Kỷ, một nhà nghiên cứu cổ văn rất uy tín. Thời gian đào tạo của trường là 3 năm, số lượng tuyển sinh hàng năm rất ít, chỉ vài chục người. Các thế hệ sinh viên Cao đẳng Sư phạm bấy giờ nói chung đã để lại một ấn tượng khá đẹp trong lịch sử nền giáo dục đại học Việt Nam. Nhiều sinh viên đã hăng hái tham gia phong trào đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh vốn là những phong trào yêu nước, có ảnh hưởng sâu rộng lúc bấy giờ. Về sau, trong số họ, không ít người đã thành nhà cách mạng, hoặc vừa là nhà cách mạng vừa là nhà văn hoá có tên tuổi lớn như: Dương Quảng Hàm, Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Cao Xuân Huy, Nguyễn Hữu Tảo, Nguyễn Khánh Toàn, Phạm Thiều, Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Lân… Trần Trọng Kim, tác giả của các bộ sách như Nho giáo, Việt Nam sử lược… cũng xuất thân từ Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương.

Ngày 10 tháng 10 năm 1945, chỉ hơn một tháng sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 45 thành lập Ban Đại học Văn khoa, bổ sung vào các ban đã có từ trước cách mạng như: Y khoa, Khoa học, Luật học, Cao đẳng Sư phạm và Mỹ thuật. Sau đó, Nghị định ngày 7 tháng 11 năm 1945 của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đã cử GS Đặng Thai Mai, Tổng thanh tra Trung học vụ, kiêm chức Giám đốc Ban Văn khoa của Trường Đại học Việt Nam. Ban này gồm có các giáo sư Cao Xuân Huy, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Đức Nguyên (tức Hoài Thanh), Nguyễn Mạnh Tường. Trong tình trạng không có trường sở, học sinh phải học theo lối “tầm sư học đạo”, tìm đến nhà các thầy mà học. Học với học giả Cao Xuân Huy thì vào Diễn Châu, Nghệ An. Học với các học giả Đặng Thai Mai… thì ra Thanh Hoá. Sinh viên chỉ có 7 người, được gọi vui là “thất hiền”, trong đó có Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Tài Cẩn, Tôn Gia Ngân, Vũ Xuân Ba, Ngô Đanh, Đặng Thị Hạnh và Hoàng Như Hoa. Sau khi mãn khoá, hầu hết đã trở thành những giáo viên Văn đầu tiên tham gia vun đắp nền giáo dục cách mạng Nhìn lại 70 năm đã qua, lịch sử Khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội là lịch sử tiến lên phía trước, gồm bốn chặng lớn, ở mỗi chặng có thể phân thành những giai đoạn nhỏ:

- Chặng thứ nhất: từ 1951 đến 1956

- Chặng thứ hai: từ 1956 đến 1975

- Chặng thứ ba: từ 1975 đến nay

1. CHẶNG LỚN THỨ NHẤT: TỪ 1951 ĐẾN 1956

Cuối năm 1951, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang vào giai đoạn gay go ác liệt. Nhưng với đường lối “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chủ trương tích cực xây dựng nền đại học bằng việc thành lập hai cơ sở đào tạo đại học, một ở Nam Ninh (Trung Quốc), gồm Trường Khoa học Cơ bản và Trường Sư phạm Cao cấp Tự nhiên và một ở trong nước gồm hai phân hiệu Dự bị Đại học tại hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Sau đó, phân hiệu Nghệ An được chuyển ra, nhập với phân hiệu Thanh Hoá làm một. Trường Dự bị Đại học Thanh Hoá bấy giờ chỉ mới phân làm hai chuyên ngành lớn: Khoa học tự nhiên và Văn khoa. Trong Văn khoa, Văn và Sử được học chung với nhau. Nhà trường không có trường sở, bàn ghế. Lớp học là ngôi đình làng (thôn Mao Xá, xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá), bàn là những tấm gỗ mượn của dân kê lên để viết. Một số sinh viên làm được bàn xếp thì mang theo đến lớp mà dùng. Còn thay cho ghế, chỗ ngồi chủ yếu lại là đôi dép cao su (thường gọi là dép Bình Trị Thiên vì ra đời trong hoàn cảnh kháng chiến ở Bình Trị Thiên). Lớp học vào ban đêm để tránh máy bay địch oanh tạc. Thầy và trò mỗi người đều có một cái đèn Hoa Kỳ nhỏ, trên có chụp bằng giấy để khỏi hắt ánh sáng ra ngoài. Sinh viên hầu hết không có học bổng. Một số ít có thì được nhận bằng thóc. Đại đa số đã phải tự kiếm sống để ăn học bằng các hình thức: làm gia sư, dạy trường dân lập, kéo xe gác… Thời gian học của Dự bị Đại học là một năm rưỡi. Sau khi tốt nghiệp, hầu hết được học tiếp lớp Sư phạm cấp tốc trong một học kỳ. Ra đời trong khói lửa chiến tranh, thời gian học chỉ hai năm, điều kiện dạy và học thiếu thốn hết mức, vậy mà Trường Dự bị Đại học ở Thanh Hoá đã là một dấu son đẹp trong ký ức của nhiều người. Được thế, trước hết nhờ có đội ngũ giáo sư gồm những đại trí thức của đất nước như: Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Trương Tửu. Bên cạnh các giáo sư, là những giảng viên có uy tín như: Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đức Chính, Chiêm Tế, Đặng Xuân Thiều, Nguyễn Danh Hoàn… Trong số các giáo sư vừa kể trên đây, có bốn vị sau này đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là: Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh. Còn về học trò thì quả đây là một thế hệ sinh viên ưu tú, vừa được sàng lọc nghiêm ngặt trên con đường thi cử, học vấn, vừa được tôi luyện trong không khí kháng chiến vệ quốc hào hùng. Hầu hết trong họ đã trở thành những giáo viên kế tục mấy vị trong số “thất hiền” của lớp Đại học Văn khoa trước đó ba năm, đóng vai trò cốt cán cho sự nghiệp dạy Văn cấp ba ở miền Bắc trong quãng thời gian 1954 đến 1975 trên cả nước. Trong thế hệ này, một số sau này đã thành danh, thành giáo sư, phó giáo sư như Đặng Thanh Lê, Phan Trọng Luận, Trần Đình Hượu, Trần Thanh Đạm, Phan Sĩ Tấn, Nguyễn Xuân Nam… Cũng có người chuyển sang hoạt động ở ngành văn hoá mà nổi tiếng như Trọng Bằng (tốt nghiệp năm 1953), sau trở thành giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân, Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, Chủ tịch Hội âm nhạc Việt Nam; Nguyễn Đức Đàn, giáo sư, Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du, nhà nghiên cứu văn học có thành tựu.

Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, hoà bình lập lại ở miền Bắc. Ngày 10 tháng 10 năm 1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Trường Dự bị Đại học ở Thanh Hoá (với khoá II) và Trường Sư phạm Cao cấp ở Nam Ninh (Trung Quốc) cùng được lệnh chuyển về Hà Nội tiếp quản Trường Đại học Hà Nội cũ tại đường Lê Thánh Tông, trước vườn hoa Tao Đàn. Trong hoàn cảnh mới, có sự sắp xếp tổ chức thành hai trường Đại học Sư phạm: Khoa học và Văn học. Đại học Sư phạm Văn học do Giáo sư Đặng Thai Mai làm Giám đốc, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường làm Phó Giám đốc. Đội ngũ thầy giáo vẫn là đội ngũ của Dự bị Đại học ở Thanh Hoá trước đó nhưng có thêm một giáo sư Triết học lừng danh ở phương Tây là Trần Đức Thảo (sau này cũng được Giải thưởng Hồ Chí Minh) và một số giảng viên khác là Hoàng Xuân Nhị (nguyên Giám đốc Giáo dục Nam Bộ) Hoàng Thiếu Sơn, Phan Ngọc, Hoàng Tuệ, Trần Lê Nhân. Hai vị Thứ trưởng Bộ Giáo dục (cũng là hai uỷ viên Trung ương Đảng) bấy giờ là Nguyễn Khánh Toàn và Hà Huy Giáp đã tham gia giảng dạy ngay năm học đầu tiên của khoá đào tạo. Một khóa gồm những sinh viên đã học xong năm thứ nhất của Dự bị Đại học khóa II ở Thanh Hoá, nay về Hà Nội tiếp tục năm thứ hai. Khoá đào tạo này còn có thêm một số sinh viên vốn là giáo viên được cử đi học, lúc đầu vẫn học năm thứ nhất, nhưng hết học kỳ một thì được bỏ năm thứ nhất chuyển lên học chung với năm thứ hai và tiếp theo là năm thứ ba do yêu cầu chuẩn bị cho kế hoạch thống nhất đất nước hai năm sau theo Hiệp định Genève. Một khoá khác gồm những sinh viên mới được tuyển vào trường, vốn là học sinh đã tốt nghiệp cấp ba từ khu IV, khu III, khu Việt Bắc, khu V (tập kết), hoặc vừa tốt nghiệp tú tài ở Hà Nội tạm chiếm. Ngoài ra, còn có một ít học sinh tốt nghiệp tú tài ở Sài Gòn tạm chiếm vượt tuyến ra Hà Nội học. Ngay từ năm học 1954-1955, Trường Đại học Sư phạm Văn khoa đã tách Văn ra khỏi Sử - Địa (đến năm học 1955-1956, Sử, Địa mới tách riêng). Trong năm học đầu 1954- 1955 bên cạnh Trường Đại học Sư phạm Văn khoa, vẫn tồn tại lớp Dự bị Đại học Văn học. Nhưng sau một năm dự bị, lớp học này cũng nhập vào Đại học Sư phạm Văn khoa để cùng học tiếp năm thứ hai, năm thứ ba và cùng ra trường vào cuối năm học 1956-1957. Năm học 1955-1956, Đại học Sư phạm Văn khoa ngừng tuyển sinh một năm. Trong điều kiện hoà bình, Trường Đại học Sư phạm Văn khoa, cũng như Trường Đại học Sư phạm Khoa học, đã có giảng đường ở Lê Thánh Tông rất khang trang (sau này giao cho Đại học Quốc gia Hà Nội quản lí). Ký túc xá sinh viên chính là khu nhà D (một trong bốn khu nhà ký túc của sinh viên có từ thời Đông Dương học xá trước 1945, khu nhà này sau thuộc về Đại học Bách khoa Hà Nội). Hai khoá học đầu tiên sau ngày hoà bình lập lại đã cung cấp cho ngành giáo dục ở bậc phổ thông cấp ba một đội ngũ giáo viên Văn học hùng hậu hơn nhiều so với trước. Trong số sinh viên tốt nghiệp cuối năm học 1955-1956, một số đã được giữ lại làm cán bộ giảng dạy gồm: Cao Huy Đỉnh (sau này được Giải thưởng Hồ Chí Minh), Lê Hoài Nam, Nguyễn Duy Bình, Cao Xuân Hạo, Phạm Hoàng Gia, Văn Tâm, Phan Kế Hoành, Hà Thúc Chỉ (bút danh Thúc Hà, được giải Nhất thơ của Liên hoan Thanh niên thế giới tại Berlin, 1955 với bài Chờ con má nhé) và Bùi Quang Đoài (nhà văn Thái Vũ). Cũng cần nói thêm là, sau ngày hoà bình lập lại, ở Hà Nội chỉ mới có ba trường thực sự đại học là Đại học Sư phạm Văn khoa, Đại học Sư phạm Khoa học, Đại học Y Dược nên được nhà nước rất mực quan tâm.

2. CHẶNG LỚN THỨ HAI: TỪ 1956 ĐẾN 1975

Năm 1956, bước vào năm học 1956-1957, nền đại học xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đi vào một giai đoạn phát triển mới, đó là năm thành lập các Trường Đại học Tổng hợp, Đại học Bách khoa, Đại học Nông lâm, Đại học Sư phạm. Đây là một trường Đại học Sư phạm hoàn chỉnh, bao gồm cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trường có Ban giám hiệu mới gồm Hiệu trưởng là Giáo sư Sử học kiêm thi sĩ Phạm Huy Thông, Hiệu phó là Giáo sư Nguyễn Thúc Hào. Trong hai niên khoá 1956- 1957, 1957-1958 quan hệ giữa hai trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội là quan hệ vừa độc lập, vừa đan xen. Bởi đã có trường, hai Ban Giám hiệu, hai đối tượng sinh viên, hai hệ thống phòng ban, nhưng trường sở vẫn là một khoa và đội ngũ giáo viên vẫn là một. Giáo viên vẫn dạy cả hai đối tượng sinh viên thuộc hai trường - Chủ nhiệm Khoa Văn lúc này là Giáo sư Đặng Thai Mai. Đội ngũ thầy giáo của Khoa cũng được tăng cường. Trong năm học 1956- 1957 về Khoa làm cán bộ giảng dạy có các vị: Vũ Đình Liên (nhà thơ, tác giả của bài thơ nổi tiếng Ông đồ), Trương Chính (nhà phê bình văn học, tác giả của Dưới mắt tôi viết năm 1939), Đỗ Đức Hiểu, Đinh Gia Khánh và ba cán bộ phiên dịch Trung văn được đào tạo từ Trung Quốc về là Đặng Đức Siêu, Nguyễn Ngọc San, Nguyễn Thạch Giang. Tháng 8-1957, Khoa lại có thêm một số cán bộ giảng dạy vốn là sinh viên vừa tốt nghiệp được tuyển chọn: Nguyễn Đình Chú, Trần Văn Hối, Nguyễn Hải Hà, Trần Văn Bính, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Phan Cảnh, Nguyễn Khắc Phi, Lê Bá Hán và Bùi Văn Nguyên được điều từ trường cấp 3 lên đại học. Bấy giờ, đã có sự phân định chức danh trong đội ngũ giáo viên đại học. Trên hết là giáo sư gồm Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Phạm Huy Thông, Trương Tửu, Hoàng Xuân Nhị. Dưới giáo sư là giảng viên - dưới giảng viên là phụ giảng - dưới phụ giảng là trợ lí, tập sự trợ lí.

Bước vào năm học 1958-1959 hai trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội bắt đầu tách biệt. Trường ĐHSP Hà Nội nhường hẳn cơ sở cũ ở đường Lê Thánh Tông cho trường ĐHTH Hà Nội, và chuyển ra xây dựng trường mới trên cơ sở của Trường Trung cấp Sư phạm Trung ương đang chuẩn bị giải thể tại cây số 8 đường Hà Nội - Sơn Tây. Trong hoàn cảnh mới, việc quan trọng là phân chia cán bộ giảng dạy trước đó còn chung một khoa nay là hai khoa riêng rẽ. Hầu hết đã được chia về Khoa Văn trường ĐHSP Hà Nội, gồm: Nguyễn Lương Ngọc, Đinh Gia Khánh, Bùi Văn Nguyên, Vũ Đình Liên, Trương Chính, Lê Hoài Nam, Nguyễn Đình Chú, Trần Văn Hối, Trần Văn Bính, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Lê Bá Hán, Đặng Đức Siêu, Nguyễn Ngọc San. Ở tại Khoa Văn trường ĐH Tổng hợp Hà Nội có: Đặng Thai Mai (nhưng ngay sau đó đã sang làm Viện trưởng Viện Văn học), Hoàng Xuân Nhị, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Duy Bình, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Phan Cảnh, Nguyễn Hải Hà (nhưng một năm sau thầy Hà cũng chuyển sang Sư phạm). Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội cũng vào dịp này còn được bổ sung thêm hai nhà tu thư, vốn là hai nhà nghiên cứu thuộc nhóm nghiên cứu văn học Lê Quý Đôn là Lê Trí Viễn và Huỳnh Lý. Thêm nữa, còn có Nguyễn Trác, một thầy giáo văn trung học nổi tiếng của Hà Nội và thầy Nguyễn Cửu Cúc trước đó phụ trách giáo vụ trường. Vào đầu năm học 1959- 1960, Khoa lại có thêm những thầy giáo vốn là của Trường Trung cấp Sư phạm Trung ương vừa giải thể: Hoàng Như Mai (nguyên Hiệu trưởng Trung cấp Sư phạm Trung ương), Đặng Thanh Lê, Trần Thanh Đạm, Nguyễn Văn Hoàn, Phạm Thị Hảo, Phan Sĩ Tấn, Nguyễn Ngọc Côn và một số sinh viên vừa tốt nghiệp của khoá 1956-1959 là: Hoàng Dung, Lê Cận, Trần Văn Mười, Lê Hiền, Lý Hữu Tấn, Lương Duy Trung, Phan Côn. Nhưng vào đầu năm học 1960-1961, lại có việc chia bớt một số cán bộ giảng dạy cho Khoa Văn ĐH Tổng hợp gồm: Hoàng Như Mai, Đinh Gia Khánh, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức và một số vào Khoa Văn Trường ĐHSP Vinh gồm: Lê Hoài Nam, Trần Văn Hối, Lê Bá Hán. Bên cạnh việc chia bớt cán bộ giảng dạy cho các khoa bạn, hàng năm tiếp theo, Khoa vẫn có kế hoạch bổ sung bằng cách chọn từ nguồn sinh viên tốt nghiệp. Với khoá học 1957-1960 có Nguyễn Nghĩa Dân, Đỗ Bình Trị, Đinh Trọng Lạc, Thành Thế Thái Bình, Phạm Luận, Hoàng Nhân, Quách Hy Dong, Lê Tố; khoá học 1958-1960 có Đỗ Hữu Châu, Đoàn Trọng Huy; khoá học 1959-1961 có Đào Nguyên Tụ, Nguyễn Đức Dũng (Từ Sơn), Nguyễn Thị Ngọc, Hồ Văn Nho, Nguyễn Xuân Tự; khoá học 1960-1962 có Trịnh Thu Tiết, Hoàng Thung; khoá học 1961-1964 có Lê Biên, Vũ Viết Rậu. Với khóa học 1962-1965 có: Nguyễn Nghĩa Trọng, Doãn Nhữ Tiếp, Phùng Quí Nhâm, Đỗ Đức Tín, Lâm Quang Vinh, Nguyễn Thị Hai, Nguyễn Thị Mỹ Hoà, Trần Quang Minh, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Khoa Diệu Biên, Lê Văn Trúc.

Trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa, bên cạnh việc tuyển chọn từ nguồn sinh viên tốt nghiệp trong Khoa còn tuyển chọn từ nguồn giáo viên cấp 3, hoặc sư phạm trung cấp. Năm 1960 có Bùi Hoàng Phổ từ trường sư phạm miền núi. Năm 1961 có Nguyễn Hoành Khung tốt nghiệp ĐH Tổng hợp (1960), sau một năm ở lại Trường ĐH Tổng hợp cũng chuyển sang Sư phạm. Đến năm 1963 có Đái Xuân Ninh vốn là giáo viên cấp 3 làm chuyên gia dạy Việt ngữ ở Ba Lan về, có Hoàng Lân từ trường cấp III lên. Ngoài ra lại có những người được đào tạo từ nước ngoài về. Đầu năm học 1960-1961 có: Bùi Văn Ba, Trần Xuân Đề từ Trung Quốc về. Đầu năm học 1961-1962 có Phan Hữu Nghệ, Trần Hoán, Lê Quang Thung, Lê Đăng Bảng cũng từ Trung Quốc về. Tiếp đó lại có Đỗ Xuân Hà, Nguyễn Ngọc Ảnh từ Liên Xô về. Đặc biệt đến năm 1963, có hai Phó Tiến sĩ Văn học đầu tiên được đào tạo ở Liên Xô là Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Văn Hạnh, cũng được phân về Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội. Nhưng cũng trong năm 1963, thầy Huỳnh Lý được điều vào ĐHSP Vinh làm Chủ nhiệm Khoa Văn, và sau đó hai cán bộ giảng dạy của Khoa là Lê Đăng Bảng, Nguyễn Đức Dũng được cử vào chiến trường miền Nam. Lê Đăng Bảng sau đó đã hy sinh.

Trải mấy năm xây dựng từ 1958 đến 1965, Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội đã có được một đội ngũ cán bộ giảng dạy hùng hậu, làm nền và đào tạo cho những bước phát triển tiếp tục về sau.

Về mặt tổ chức, trong một hai năm đầu khi mới tách ra khỏi khoa chung của hai trường ĐHSP Hà Nội và ĐH Tổng hợp Hà Nội, Khoa Ngữ văn chỉ mới là phân khoa, cùng với phân khoa Lịch sử, nằm chung trong một khoa Văn Sử do thầy Nguyễn Lương Ngọc làm Trưởng Khoa (kiêm phân khoa trưởng của Văn). Tuy vậy trong Khoa Văn đã trước sau lần lượt hình thành các tổ bộ môn gồm: tổ Văn Việt Nam I do thầy Bùi Văn Nguyên làm Tổ trưởng, tổ Văn Việt Nam II do thầy Lê Trí Viễn làm Tổ trưởng (năm 1963 thầy Lê Trí Viễn làm Chủ nhiệm Khoa thì thầy Nguyễn Đình Chú phụ trách sau đó mới làm Tổ trưởng). Tổ Văn Việt Nam III do thầy Nguyễn Trác làm Tổ trưởng. Tổ Văn học nước ngoài do thầy Nguyễn Đức Nam làm Tổ trưởng. Tổ Giáo học Pháp do nhà thơ Vũ Đình Liên làm Tổ trưởng. Tổ Lý luận văn học do thầy Nguyễn Lương Ngọc kiêm nhiệm Tổ trưởng, tiếp đến là thầy Trần Văn Bính, Lê Đăng Bảng rồi Nguyễn Văn Hạnh lần lượt thay. Nhóm ngoại ngữ kiêm phiên dịch Trung văn do thầy Nguyễn Ngọc San làm Nhóm trưởng. Tổ Ngôn ngữ do thầy Hoàng Tuệ làm Tổ trưởng. Năm 1963 có thêm tổ Cổ văn dạy về Hán Nôm lúc đầu do thầy Lê Trí Viễn phụ trách. Cán bộ Văn phòng Khoa có: Nguyễn Thuý phụ trách công tác tổ chức cán bộ, Nguyễn Văn Thịnh phụ trách công tác văn phòng.

Nhiệm vụ chính của Khoa là đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản cùng khoa học sư phạm. Trong đào tạo, phương châm được đặt ra là làm sao thể hiện được bản sắc sư phạm, vì đây là nơi đào tạo những giáo viên ngữ văn chứ không phải là các nhà nghiên cứu ngữ văn. Với phương châm này, nội dung chương trình đào tạo phải gắn với nội dung chương trình cấp 3, phải ưu tiên phân môn giảng văn (vì ở cấp 3 có nhiều giờ giảng văn), coi trọng Bộ môn Giáo học Pháp, cũng như Giáo dục nói chung. Nếu ai có dịp so sánh nội dung đào tạo ở Khoa Văn trường ĐHSP Hà Nội từ 1956 trở đi sẽ thấy càng về sau, bên cạnh phần chung, phần riêng ở Khoa Văn trường ĐHSP rất coi trọng việc biên soạn giáo trình riêng. Công việc đó đã được khởi xướng từ năm học 1958-1959. Năm đó, nhiều giáo trình đã được biên soạn, in rô-nê-ô cho sinh viên học. Chính Khoa Văn ĐH Tổng hợp trong 2, 3 năm đầu đã dùng chung loại giáo trình này. Riêng với Khoa Văn ĐHSP Hà Nội, sau đó vào năm học 1961-1962 có một đợt tập trung viết giáo trình. Kết quả là trong 2 năm 1962-1963, Khoa đã lần lượt cho xuất bản một hệ thống giáo trình tại NXB Giáo dục gồm: Lịch sử Văn học Việt Nam (6 tập, đã tái bản đến lần thứ 6 khi tái bản các tập IV, V đều thành IVA, IVB, VA, VB), Lịch sử Văn học Trung Quốc (2 tập), Lịch sử Văn học phương Tây (2 tập), Lí luận Văn học (2 tập), giáo trình Ngôn ngữ học, Giáo học pháp. Riêng bộ Lịch sử Văn học Nga - Xô Viết (2 tập) thì đến năm 1966 mới xuất bản. Trong thời gian khoảng hơn một năm mà có được một hệ thống giáo trình như thế, đến hôm nay vẫn là điều ngạc nhiên với nhiều người. Nhưng ở thời đó, chính nó là sản phẩm của đường lối xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy đại học sư phạm bằng cách gắn việc giảng dạy với nghiên cứu khoa học. Hệ thống giáo trình này đã có tác dụng rất lớn trong công tác đào tạo, không chỉ cho sinh viên Khoa Văn Trường ĐHSP Hà Nội mà còn cho Khoa Văn Trường ĐHSP Vinh, cho Khoa Văn các Trường CĐSP, và cũng là tài liệu tham khảo cho sinh viên Khoa Văn ĐH Tổng hợp Hà Nội bấy giờ chưa có đủ giáo trình. Hệ thống giáo trình này còn có ảnh hưởng với xã hội, và có giáo trình đã lan tỏa ảnh hưởng vào cả các trường đại học ở miền Nam, thậm chí còn sang tới Pháp với Việt kiều. Riêng bộ giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam đã được Bộ Giáo dục tặng thưởng. Để thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, từ năm học 1963-1964, ở Khoa đã thành lập Hội đồng khoa học. Hàng năm, các bộ môn đều có hội nghị khoa học, và Khoa cũng luôn có Hội nghị, Hội thảo khoa học toàn Khoa. Chính từ không khí coi trọng công tác nghiên cứu khoa học, song song với công tác giảng dạy mà nhiều cán bộ giảng dạy của Khoa Ngữ văn sau này trở thành những vị giáo sư, những nhà khoa học có tên tuổi trong ngành, thậm chí là đầu ngành của cả nước.

Nhìn chung, giai đoạn 1958 - 1965 là một giai đoạn phát triển khá nhanh chóng của Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội cả trên hai phương diện: đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đảm nhận cương vị Chủ nhiệm Khoa Văn thời kì này (1963 - 1978) là Giáo sư Lê Trí Viễn. Mặc dù thời gian đào tạo cho các khóa chưa cố định, có khoá 3 năm, có khoá 2 năm 3 tháng, có khoá 2 năm, có khoá 2 năm cộng 1 (cho một số ít), có khoá 3 năm cộng 1 (cũng cho một số ít), nhưng nhìn chung là số lượng mỗi năm một tăng, và chất lượng thì có uy tín đối với ngành, đối với xã hội. Một số sinh viên tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội trong quãng thời gian này về sau đã thành danh. Ví dụ như Nguyễn Khoa Điềm tốt nghiệp 1964 (nhà thơ, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, nguyên Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giải thưởng Nhà nước năm 2000), Trần Thị Thanh Thanh (tốt nghiệp năm 1962, Uỷ viên TW Đảng, Bộ trưởng), Ma Văn Kháng (tốt nghiệp năm 1964, Giải thưởng Văn học Châu Á, Giải thưởng Hồ Chí Minh), Phạm Tiến Duật (tốt nghiệp năm 1964, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh), Tô Nhuận Vĩ, tốt nghiệp 1964 (nhà văn), Dương Thụ tốt nghiệp 1965 (nhạc sĩ)…

Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ chính thức đưa không quân ra ném bom miền Bắc. Do đó, vào đầu năm học 1965- 1966, Khoa Ngữ văn cùng cả Trường ĐHSP Hà Nội từ giã Thủ đô, đi sơ tán. Khoa sơ tán ở hai nơi: một lên xã Phúc Lương, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, một về xã Nguyên Hoà, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, nhưng sau một học kỳ thì chuyển cả về xã Cộng Hoà (nay là xã Trung Hoà), huyện Yên Mĩ, tỉnh Hưng Yên. Vào năm học 1967-1968, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tách làm ba trường: ĐHSP Hà Nội I, ĐHSP Hà Nội II, ĐHSP Ngoại ngữ. Khoa Ngữ văn nằm trong trường ĐHSP Hà Nội I. Việc tách trường hầu như không ảnh hưởng gì đối với Khoa, chỉ biết trong hoàn cảnh sơ tán, điều kiện mọi thứ rất thiếu thốn. Trường sở không có, phải mượn đình chùa của các địa phương để làm lớp học, về sau mới xây thêm được các lớp học bằng tre nứa lá và đắp tường đất vòng quanh để đề phòng bom đạn. Chùa Tó thôn Quần Ngọc trở thành thư viện của Khoa. Cả thầy và trò đều ở nhờ nhà dân, có xây dựng một vài dãy nhà lá thì cũng chỉ đủ dành cho các thầy cô giáo có gia đình cùng sơ tán. Mỗi lớp sinh viên đều có một bếp ăn tập thể, có cấp dưỡng phục vụ. Bấy giờ, các thầy cô chủ yếu sống ở thôn Quần Ngọc thuộc xã Cộng Hoà. Bếp ăn riêng do chị Dinh làm bếp trưởng. Đình Quần Ngọc nằm sát bờ đê con sông đào, trước sân có rặng nhãn luôn luôn toả bóng mát, là nơi hội họp của Khoa. Sau đó, địa phương mới dựng được một hội trường bằng tre lá. Những năm sơ tán dù khó khăn, nhưng Khoa lại có nhiều mặt phát triển. Số lượng sinh viên tăng nhanh hơn so với trước. Vào năm học 1966-1967, cả Khoa đã có trên 1500 sinh viên chính quy. Thời gian đào tạo cũng được nâng lên. Bắt đầu có hệ 3 năm cộng 1, tiếp đó là 4 năm. Ngoài ra còn mở thêm 2 lớp hệ bồi dưỡng một năm, dành riêng cho những giáo viên đã dạy cấp 3, hoặc cao đẳng sư phạm, trung học sư phạm và thêm nữa là hệ đào tạo hàm thụ 4 năm. Sinh viên tăng, hệ đào tạo tăng, dĩ nhiên đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng tăng, có lúc đã lên tới 108 vị, mà nhiều người cũng nói vui là “108 anh hùng Lương Sơn Bạc” trong truyện Thuỷ Hử. Khoa tiếp nhận nhiều thầy cô giáo hoặc dạy cấp 3, hoặc công tác ở Bộ Giáo dục: Trần Văn Thận, Phan Trọng Luận, Nguyễn Thị Hoàng, Trần Hữu Tá, Thái Thu Lan, Đặng Anh Đào, Tôn Gia Các, Võ Bình, Đinh Xuân Hiền, Nguyễn Thị Thanh Hương. Ngoài ra, còn có một số thầy từ Khoa Văn Trường ĐHSP Vinh chuyển ra Khoa Văn Trường ĐHSP Hà Nội gồm Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Gia Linh, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Xuân Nam. Thầy Huỳnh Lý, sau mấy năm được biệt phái vào Trường ĐHSP Vinh làm Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, cũng về lại Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội. Thầy Diệp Quang Ban, Hoàng Hữu Yên từ Khoa Văn ĐHTH, thầy Nguyễn Đình Cao từ tổ Ngoại ngữ chuyển sang. Thầy Đỗ Đức Hiểu vốn là cán bộ Khoa Văn ĐHTH ngày trường còn thuộc phạm vi quản lí của Bộ Giáo dục, sau khi làm chuyên gia ở Trung Quốc cũng về Khoa Văn ĐHSP, mấy năm sau mới về lại ĐHTH. Từ năm 1969, một số sinh viên tốt nghiệp ĐHSP Ngoại ngữ cũng được phân về Khoa dạy Trung văn, hoặc Nga văn (Trần Phương Thi, Huỳnh Văn Trứ, Phạm Huy Liệu, Lê Tiến Sơn, Lê Văn Sơn, Nguyễn Thị Thái Vân…) được bổ sung sinh hoạt cùng các giảng viên Hán Nôm, hình thành nên tổ Ngoại ngữ do cô Phạm Thị Hảo làm Trưởng nhóm (đầu năm 1976, cô Phạm Thị Hảo chuyển vào TP Hồ Chí Minh, các giảng viên ngoại ngữ chuyển về Bộ môn Ngoại ngữ, còn lại Bộ môn Hán Nôm do thầy Đặng Đức Siêu làm Trưởng Bộ môn). Nguồn bổ sung cán bộ giảng dạy cho Khoa lớn nhất vẫn là những sinh viên tốt nghiệp hoặc qua lớp bồi dưỡng thêm được chọn để giữ lại. Lần lượt trong mấy năm, gồm: Nguyễn Tiệp, Phạm Chu, Trần Phú, Phạm Quang Tản, Vi Văn Hồng, Nguyễn Tiến Hùng, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Văn Tiến, Đinh Thu Hương, Đặng Thị Lanh, Bùi Minh Toán, Hoàng Ngọc Trì, Nguyễn Tấn Phát, Bùi Công Minh, Phạm Văn Hóa, Hồ Sĩ Hiệp, Lê Ngọc Trà, Phạm Đăng Dư, Đặng Thái Thuyên, Hoàng Dư, Lâm Thị Ngọc Hoàn, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Thị Kim Phong, Đinh Việt Anh, Trần Tiến Đức. Sau nữa là Đinh Thị Khang, Nguyễn Ngọc Diệu, Hoàng Hiêng, Nguyễn Văn Đàm, Nguyễn Quanh Ninh B, Nguyễn Tiến Mâu, Lê Hữu Tỉnh, Nguyễn Thị Bích Hà, Phạm Thu Yến,…

Trên đà tăng nhanh số lượng cán bộ giảng dạy như thế, Khoa Văn Trường ĐHSP Hà Nội I tích cực hỗ trợ bổ sung giảng viên cho các trường bạn. Vào năm học 1966 -1967, Trường ĐHSP Việt Bắc được thành lập, các thầy Hoàng Nhân, Phạm Luận, Vi Văn Hồng đã được điều lên làm Chủ nhiệm Khoa, Tổ trưởng. Thầy Trần Văn Mười năm 1966 cũng được điều về Nam Bộ làm Trưởng Ban Giáo dục Khu IX. 

Khác với hoàn cảnh trước đó, Khoa chỉ là đơn vị đảm nhiệm riêng việc giảng dạy, nay trong sơ tán, nó thành như một trường con trong trường lớn, bởi phải lo mọi việc trong đó có chuyện ăn ở của sinh viên. Do đó mà trong Khoa, cùng với đội ngũ cán bộ giảng dạy, còn là đội ngũ cán bộ công nhân viên bao gồm các cán bộ văn phòng, tổ chức, thư viện, tài vụ và cấp dưỡng, mà số lượng ước tính cũng đến trên dưới bốn chục người.

Trong sơ tán, tuy phương tiện rất thiếu thốn, nhưng không khí dạy và học lại rất nghiêm túc và sôi nổi. Thầy vẫn dạy hết lòng, trò vẫn học hết sức. Trong phong trào thi đua hăng hái toàn Khoa bấy giờ, Bộ môn Văn Việt Nam II (bấy giờ Bộ môn VHVN có 3 tổ I, II, III) do thầy Nguyễn Đình Chú làm Trưởng Bộ môn là bộ môn được công nhận danh hiệu Lao động XHCN đầu tiên của Khoa và cũng là của Trường ĐHSP HN I. Tiếp sau đó, các Bộ môn Văn học Việt Nam III, Văn học Việt Nam I, Lí luận văn học, Văn học nước ngoài, Ngôn ngữ cũng lần lượt được công nhận danh hiệu Tổ Lao động XHCN. Trong phong trào chung này, nổi lên là sự gần gũi giữa thầy và trò tới mức mà về sau không dễ gì có lại. Có được điều đó là nhờ có nhiệt tình của thầy cô, nhưng cũng là do hoàn cảnh khách quan thầy trò trong khi sơ tán, đều ít có dịp về nhà. Sự gắn bó được thể hiện dưới nhiều hình thức. Ví như Bộ môn Văn Việt Nam II đã có đợt huy động tất cả các thầy cô của bộ môn xuống “hai cùng” (cùng ở, cùng ăn) với sinh viên để quan sát tìm hiểu tình hình học tập, phương pháp học tập của từng sinh viên và từ đó góp ý cho họ cách cải tiến nâng cao chất lượng học tập. Trong học tập, ngoài nội dung chính khoá, việc tổ chức ngoại khoá rất được coi trọng. Bấy giờ, có phong trào các lớp sinh viên thi nhau tổ chức những đêm biểu diễn văn nghệ bằng cách chuyển thể tác phẩm văn học lên sân khấu như Truyện Kiều, Truyện Lục Vân Tiên, Tắt đèn, Othello, Hamlet, Lôi Vũ... Những buổi biểu diễn này không chỉ lôi cuốn sinh viên vào không khí văn học nghệ thuật, tạo điều kiện cho họ hiểu sâu hơn tác phẩm văn học, mà quan trọng nữa là tạo ra những cơ hội gắn bó nhà trường với địa phương. Khoa còn chủ trương cho sinh viên rèn luyện năng lực đưa văn học vào đời sống, vào nhân dân bằng cách bố trí cho các nhóm sinh viên đi về các thôn xóm, không chỉ ở xã Cộng Hoà nơi sơ tán, mà còn ở các xã lân cận, tập những buổi nói chuyện văn thơ, biểu diễn văn nghệ, nói như ngôn ngữ hiện nay là giao lưu văn hoá. Hoạt động này được giáo viên theo dõi, đánh giá rất cẩn thận. Để nâng cao kết quả học tập của sinh viên, Khoa còn mời nhiều nhà văn có tên tuổi như: Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Huy Cận, Xuân Diệu… về nói chuyện tại khu sơ tán, cũng như mời nhà nghiên cứu Hoàng Châu Ký, các nghệ sĩ lão thành: cụ Nho Tuý, cụ Sơ, bà Liễu, cùng một số diễn viên nói chuyện và minh họa nghệ thuật tuồng, tạo ra một quang cảnh rất sôi động giữa làng quê trong thời chiến tranh ác liệt. Với Khoa Ngữ văn lúc này, ý thức gắn nhà trường với nhiệm vụ chiến đấu cũng rất được coi trọng. Có nhiều đợt thầy và trò đi thực tế chiến đấu ở Nam Ngạn (Hàm Rồng - Thanh Hoá), Vĩnh Linh, Bắc Giang, cùng sống và chiến đấu với bộ đội ở các trận địa pháo cao xạ.

Sau cuộc tấn công Mậu Thân (1968), đế quốc Mỹ buộc phải hạn chế ném bom miền Bắc, chỉ còn từ vĩ tuyến 20 trở vào. Trong hoàn cảnh đó, đáng lẽ Khoa đưa sinh viên về lại trường, nhưng đến đây, số lượng sinh viên đã đông lên nhiều, nhà trường không còn đủ chỗ ở nên Khoa vẫn phải sơ tán ở xã Cổ Nhuế và Đông Ngạc cách trường 2 đến 5 cây số. Chỉ có giáo viên thì coi như hết sơ tán, về sống ở gia đình riêng và đến lớp giảng dạy như ngày chưa sơ tán. Sau đó, nhà trường có kế hoạch chuẩn bị từng bước để đưa sinh viên về lại trường. Nhưng vào tháng 4-1972, giặc Mĩ lại đem B52 ra rải thảm miền Bắc, Hà Nội lại một phen khẩn trương sơ tán. Khoa Ngữ văn đang đêm đã phải kéo toàn bộ sơ tán lên xã Liên Minh thuộc huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây. Sau mấy tháng, lại đưa nhau về Văn Giang, rồi lại về Cộng Hoà, Yên Mĩ, nơi sơ tán cũ. Trong dịp sơ tán lần này, Khoa Ngữ văn đã để lại ba lớp biên chế thành một đại đội tự vệ vừa trực chiến vừa học văn hoá tại trường cùng với đại đội tự vệ của các thầy. Tổ trực chiến của các thầy và Đài quan sát của sinh viên được báo chí bấy giờ mệnh danh là “Con mắt phía Tây Thủ đô”. Trong dịp máy bay Mĩ bị bắn rơi ở Mễ Trì (Từ Liêm - Hà Nội), Khoa Ngữ văn được công nhận là đơn vị tự vệ xuất sắc tham gia bắn rơi máy bay Mĩ. Trong đại đội, cô Nguyễn Thị Bích Hà bấy giờ là một nữ sinh viên gan dạ được đài báo biểu dương.

Trước đó, từ năm học 1970 - 1971, theo chủ trương của nhà nước, nhiều sinh viên kể cả một số cán bộ giảng dạy của Khoa là các thầy Phạm Văn Hoá, Bùi Công Minh, Trần Quang Minh đã nhập ngũ. Không ít người trong số này hiện nay đã trở thành sĩ quan cao cấp trong quân đội, một số về học lại để thành giáo viên. Trong số sinh viên nhập ngũ, có người đã hi sinh anh dũng như anh Vũ Đình Văn, một người có năng khiếu thơ, đã hy sinh trong trận chiến đấu chống B52 của Mĩ tại Hà Nội. Sau ngày anh hy sinh, thơ của anh đã đựơc in và được giải thưởng của tuần báo Văn nghệ với những lời đánh giá rất cao. Còn thầy giáo trẻ Bùi Công Minh vừa mới nhập ngũ đã có bài thơ Hành khúc ngày và đêm được nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu phổ thành một nhạc phẩm nổi tiếng.

Từ nơi sơ tán chuyển lại về trường, ký túc xá dành cho sinh viên Khoa Ngữ văn ổn định tại nơi trực chiến trước đây là khu nhà A7. Cho đến hết thập niên 1980, ký túc xá A7 gắn bó với nhiều kỷ niệm vui buồn của nhiều thế hệ sinh viên Khoa Ngữ văn.

3. CHẶNG ĐƯỜNG THỨ BA: 1975 ĐẾN NAY

3.1. Từ 1975 đến 2000

Sau ngày Bắc Nam sum họp một nhà năm 1975, trong sự đổi thay lớn lao của đất nước, Khoa Ngữ văn cũng có nhiều biến động. Trước hết là sự biến động về đội ngũ cán bộ giảng dạy. Một số thầy như Nguyễn Văn Hạnh đang làm Phó Chủ nhiệm Khoa thì được điều vào Huế tiếp quản đại học, làm Viện trưởng Viện đại học Huế. Thầy Trần Văn Thận cũng đang làm Phó Chủ nhiệm, kiêm Bí thư Đảng uỷ Khoa thì được điều về tiếp quản giáo dục tỉnh Quảng Ngãi, làm Hiệu trưởng trường cấp ba sau đó làm Hiệu phó kiêm Bí thư Đảng uỷ Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn mới thành lập. Phần lớn các thầy cô giáo quê miền Nam đều được điều về giảng dạy tại các trường miền Nam vừa giải phóng. Về Đại học Cần Thơ có thầy Lê Tố. Về Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh có các thầy cô: Trần Thanh Đạm, Trần Xuân Đề, Phạm Thị Hảo, Hồ Văn Nho, Nguyễn Tấn Phát, Trần Hoàn, Đinh Xuân Hiền, Hồ Sĩ Hiệp, Phùng Quý Nhâm, Nguyễn Thị Hai, Nguyễn Thị Nhung, Lê Văn Sơn, Lê Ngọc Trà, Lâm Quang Vinh, Nguyễn Thị Mĩ Hoà, Nguyễn Khoa Diệu Biên. Thầy Trần Thanh Đạm sau trở thành Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Về Đại học Sư phạm Huế có cô Nguyễn Thị Hoàng, thầy Nguyễn Tiến Hùng. Thầy Nguyễn Xuân Tự cũng về Huế làm Hiệu trưởng Trường Quốc học sau đó mới chuyển về Đại học Sư phạm Huế.

Năm 1976, trên đà phát triển nhanh chóng của nền đại học, Trường Đại học Sư phạm II (Xuân Hoà) ra đời - Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội lại cử cán bộ đi xây dựng Khoa Văn cho Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Thầy Đinh Trọng Lạc làm Chủ nhiệm Khoa, thầy Đào Nguyên Tụ làm Phó Chủ nhiệm. Thầy Trần Tiến Đức và thầy Bùi Minh Toán làm Chủ nhiệm bộ môn, Nguyễn Thị Bích Hà, Lê Hữu Tỉnh làm cán bộ giảng dạy. Việc giảng dạy ở Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Xuân Hoà trong 2, 3 năm đầu chủ yếu là do Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I đảm nhiệm. Năm 1982, thầy Thành Thế Thái Bình được cử làm Chủ nhiệm Khoa Văn, sau đó là Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội 2. Thầy Lê Trí Viễn làm Chủ nhiệm Khoa trong một thời gian dài (từ 1963), có nhiều sáng kiến đóng góp trong việc xây dựng phát triển Khoa về mọi mặt, đến năm 1978 cũng chuyển vào Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Kế tiếp là thầy Đỗ Bình Trị làm Quyền Chủ nhiệm Khoa (1978- 1982). Sau đó thầy Nguyễn Đức Nam được điều lên Bộ làm Phó Ban Cải cách Sư phạm, rồi thầy Đỗ Bình Trị cũng được điều lên Bộ làm Cục phó Cục Đào tạo và Bồi dưỡng. Vị trí Chủ nhiệm Khoa do thầy Đỗ Hữu Châu đảm nhận. Sự hao hụt về đội ngũ cán bộ giảng dạy như thế là quá lớn mặc dù vẫn có sự bổ sung. Thầy Nguyễn Khắc Phi sau mấy chục năm từ Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội vào dạy Khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh nay trở lại Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Thầy Lương Duy Thứ cũng từ Khoa Văn Đại học Sư phạm Việt Bắc về công tác tại Khoa. Khoa còn đón thêm một số thầy vốn là cán bộ giảng dạy khoa cấp II của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đang giải thể, gồm các thầy: Trần Đức Ngôn, Trần Thanh Xuân, Vương Mộng Bưu, Nguyễn Xuân Hậu, Nguyễn Hoàng Tuyên… Các thầy Trần Đình Sử, La Khắc Hòa, Lê A vốn là cán bộ giảng dạy Đại học Sư phạm Vinh, và khoa cấp II, sau khi bảo vệ luận án PTS (nay gọi là Tiến sĩ) ở Liên Xô (cũ) về nước cũng được phân về Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thầy Nguyễn Thái Hoà, Nguyễn Xuân Khoa cũng từ Trường Đại học Sư phạm Vinh chuyển ra Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ngoài ra, năm này, năm khác từ năm 1975, vẫn có một số sinh viên tốt nghiệp được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của Khoa gồm: Hà Thị Hoà, Tạ Thanh Kim, Ngô Thị Thắng, Lê Lưu Oanh, Phùng Ngọc Kiếm, Nguyễn Bình Sơn, Nguyễn Thị Lương, Nguyễn Thị Thìn, Trần Đăng Xuyền, Nguyễn Thị Bình, Lã Nhâm Thìn, Đinh Văn Thiện, Trần Hạnh Mai, Phan Hồng Xuân, Lê Tuấn Anh, Nguyễn Thị Bích Liên, Chu Văn Sơn (sau vài năm dạy ở Đại học Sư phạm Quy Nhơn)… Chủ nhiệm Khoa giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2000 là các thầy Trần Đình Sử (1990 - 1995), Trần Đăng Xuyền (nhiệm kỳ đầu từ 1996 - 2000). Cũng từ năm 1990, cán bộ giảng dạy của Khoa có thêm: Hà Văn Minh, Lê Nguyên Cẩn, Trần Lê Bảo, Đỗ Hải Phong, Thành Đức Hồng Hà, Lê Huy Bắc, Trần Mạnh Tiến, Lê Quang Hưng, Nguyễn Thanh Minh, Nguyễn Ngân Hoa, Trần Hoa Lê, Dương Tuấn Anh... Ngoài ra còn có Phan Thị Hồng Hạnh từ nơi khác chuyển về.

Bên cạnh tình hình cán bộ giảng dạy như trên, bộ phận cán bộ văn phòng của Khoa cũng có sự thay đổi. Anh Nguyễn Viết Hưng, cán bộ văn phòng chuyển đi làm Trưởng Phòng Giáo vụ của Trường Cao đẳng Nhạc hoạ. Cán bộ tổ chức của Khoa là anh Trần Văn Sánh cũng lên Bộ làm Trưởng Phòng Lưu trữ. Trong khi đó có những cán bộ được tiếp tục bổ sung gồm: Trần Thị Thanh, Quách Thị Nhã, Nguyễn Thị Minh Đức, Thái Hương Sen, Lê Hải Anh.

Đúng là sau 1975, tình hình đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng như cán bộ văn phòng của Khoa Ngữ văn có nhiều thay đổi - nhưng có thay đổi gì thì với Khoa vẫn là một chặng đường phát triển mới, với những nhiệm vụ vừa quen thuộc vừa mới mẻ, nhưng đều được hoàn thành tốt đẹp.

Trước hết, về đào tạo, hệ thống 4 năm đã được cố định. Số lượng tuyển sinh hằng năm cũng ổn định. Điều mới là bên cạnh hệ đại học chính quy, Khoa còn tham gia đào tạo các hệ hàm thụ, hệ vừa học vừa làm, hệ tại chức, hệ đào tạo từ xa, hệ đào tạo chính quy theo địa chỉ… Thêm nữa, là hệ cao học (sau này chuẩn hoá thành Thạc sĩ), bắt đầu từ năm học 1976-1977. Cũng bắt đầu từ năm học 1976-1977, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được nhà nước công nhận là một trong 6 đơn vị (gồm các viện khoa học, và trường đại học) được phép đào tạo Phó Tiến sĩ, nay là Tiến sĩ. Thầy Đỗ Hữu Châu, thầy Diệp Quang Ban, cô Đặng Anh Đào, cô Thái Thu Lan, thầy Nguyễn Ngọc San, cô Nguyễn Thị Hoàng là thuộc lớp cán bộ của Khoa đi đầu trong việc làm nghiên cứu sinh, bảo vệ thành công luận án. Tính đến tháng 09/2001, Khoa Ngữ văn đã đào tạo 112 Tiến sĩ. Trong đó, một số là người nước ngoài: Lào, Campuchia, Hàn Quốc. Riêng về luận án Tiến sĩ khoa học (văn học) được bảo vệ ở trong nước thì chỉ mới có một trường hợp của thầy Bùi Văn Ba. Cũng cần nói thêm là năm học 1980-1981, theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Ngữ văn còn đào tạo thí điểm hệ 5 năm đặc biệt có trình độ tương đương sau đại học. Đã có 3 khóa đào tạo thí điểm thành công nhưng sau đó không tiếp tục hệ 5 năm đặc biệt vì hệ sau đại học đã đi vào nề nếp.

Khoa Ngữ văn còn làm nhiệm vụ thỉnh giảng cho nhiều trường đại học trong toàn quốc. Sau 1975 mấy năm liền, Khoa không chỉ thỉnh giảng ở Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Xuân Hoà mà còn ở Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Sư phạm Quy Nhơn, Đại học Sư phạm Cần Thơ. Ngoài ra, nhiều cán bộ của Khoa còn tham gia giảng dạy ở các trường đại học khác có ngành ngữ văn như Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Tổng hợp Huế, Đại học Văn hoá, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Viết văn Nguyễn Du… Bên cạnh việc hợp tác, giúp đỡ các trường đại học trong nước, Khoa còn làm nhiệm vụ quốc tế. Với nước bạn Lào, ngay ở thời kỳ chống Mĩ, Khoa đã cử cán bộ giảng dạy sang giúp bạn mở lớp đào tạo đại học ở Khang Khay, với sự tham gia của các thầy cô: Thành Thế Thái Bình, Nguyễn Nghĩa Dân, Đào Nguyên Tụ, Hoàng Thung, Đinh Việt Anh… Sau ngày nước bạn được hoàn toàn giải phóng, tại Đại học Viêng Chăn, Khoa vẫn thường xuyên cử cán bộ sang giúp bạn đào tạo đại học và bồi dưỡng cán bộ. Với nước bạn Campuchia, ngay sau ngày được giải phóng khỏi hoạ diệt chủng Pôn pốt, Khoa cũng đã liên tục cử cán bộ giảng dạy sang Phnôm Pênh giúp bạn mở lại Trường Đại học Phnôm Pênh, trực tiếp dạy tiếng Việt và một số chuyên ngành khác, kể cả việc giúp bạn biên soạn giáo trình lịch sử văn học Campuchia.

Song song với nhiệm vụ đào tạo đa loại hình, ở nhiều địa phương, trong nước và nước ngoài, Khoa vẫn coi trọng việc nghiên cứu khoa học vốn đã là truyền thống của Khoa. Hướng nghiên cứu khoa học của Khoa là kết hợp cả khoa học cơ bản và khoa học sư phạm. Nhiều giáo trình được biên soạn mới. Nhiều giáo trình được chỉnh lí để có chất lượng cao hơn. Nhiều cán bộ của Khoa vẫn thường xuyên xuất hiện trên các tạp chí chuyên ngành, trên nhiều báo chí ở Trung ương và địa phương.

Trong đợt phong học hàm đầu tiên vào năm 1980 (sau mấy chục năm không phong) Khoa có 1 Giáo sư (Lê Trí Viễn), 4 Phó Giáo sư (Huỳnh Lý, Nguyễn Trác, Trương Chính, Bùi Văn Nguyên). Đợt 2 vào năm 1984 có 2 Giáo sư (Nguyễn Đức Nam, Bùi Văn Nguyên) và 17 vị Phó Giáo sư (Đặng Thanh Lê, Nguyễn Đình Chú, Đỗ Bình Trị, Nguyễn Đăng Mạnh, Đỗ Hữu Châu, Phan Trọng Luận, Bùi Văn Ba, Nguyễn Hải Hà, Phùng Văn Tửu, Hoàng Dung, Lương Duy Thứ, Nguyễn Khắc Phi, Thành Thế Thái Bình, Nguyễn Xuân Nam, Đinh Trọng Lạc, Đặng Đức Siêu, Nguyễn Ngọc San); Đợt 3 (1991-1992) có 9 Giáo sư (Đỗ Hữu Châu, Phan Trọng Luận, Nguyễn Đình Chú, Đặng Thanh Lê, Bùi Văn Ba, Nguyễn Hải Hà, Phùng Văn Tửu, Lương Duy Thứ, Nguyễn Đăng Mạnh), 10 Phó Giáo sư (Lưu Đức Trung, Nguyễn Hoành Khung, Trần Đình Sử, Đặng Anh Đào, Nguyễn Thái Hoà, Diệp Quang Ban, La Khắc Hoà, Lê A, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Văn Long). Đợt 4 (1996) có 4 Giáo sư (Nguyễn Ngọc San, Diệp Quang Ban, Trần Đình Sử, Nguyễn Thanh Hùng), 7 Phó Giáo sư (Đoàn Trọng Huy, Nguyễn Nghĩa Trọng, Nguyễn Đăng Na, Trần Đăng Xuyền, Trần Đức Ngôn, Nguyễn Thị Thanh Hương, Nguyễn Quang Ninh C). Trong giai đoạn này công tác tại Khoa có 12 Giáo sư, 18 Phó Giáo sư (trong đó có một từ nơi khác mới chuyển về). Nhiều giáo sư trong Khoa đã giữ các chức vụ trong các tổ chức, hiệp hội khoa học (Đỗ Hữu Châu: Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam; Bùi Văn Ba: Chủ tịch Hội đồng Lí luận và phê bình thuộc Hội Nhà văn Việt Nam), tham gia các chương trình khoa học quốc gia (Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Đình Chú: cộng tác viên thường trực chương trình quốc gia KX - 07.01), tham gia hội đồng Bộ môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục (cũ) và Bộ Giáo dục và Đào tạo: Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Đăng Mạnh, Diệp Quang Ban, Bùi Văn Ba, Phan Trọng Luận, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Hoành Khung, Trần Đình Sử, Phùng Văn Tửu, Trần Đăng Xuyền…

Nhiều cán bộ giảng dạy của Khoa cũng đã được phong tặng các danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú. Những thầy giáo đã và đang công tác trong Khoa được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân gồm: Nguyễn Lương Ngọc, Vũ Đình Liên, Lê Trí Viễn, Huỳnh Lý, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Văn Ba, Trần Đình Sử, Nguyễn Ngọc San, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Hải Hà, Phan Trọng Luận. Khoa Ngữ văn được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III, hạng II; nhiều thầy cô giáo trong Khoa đã được tặng Huân chương Kháng chiến I,II, III, Huân chương Lao động III, II. Nhiều Giáo sư đã từng công tác ở Khoa được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Cao Huy Đỉnh. Riêng năm 2000 có 6 Giáo sư được Giải thưởng Nhà nước: Trương Chính, Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Văn Ba, Phan Trọng Luận, Trần Đình Sử.

3.2. Từ 2001 đến nay

Sau nửa thế kỉ xây dựng và phát triển, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bước tiếp chặng đường mới với những đặc điểm mới, thành tựu mới, định hướng mới.

* Những đặc điểm mới

Năm học 2001 - 2002, Khoa Ngữ văn bước vào giai đoạn chuyển giao thế hệ lớn nhất trong lịch sử của Khoa. Nhiều giáo sư, nhiều chuyên gia đầu ngành, nhiều thầy cô có bề dày kinh nghiệm giảng dạy nghỉ hưu (chỉ tính riêng năm 2002, số cán bộ giảng dạy của Khoa nghỉ hưu là 9 GS, 7 PGS). Một số cán bộ từ trường khác, nhà xuất bản, viện nghiên cứu được chuyển về bổ sung cho đội ngũ của Khoa như Đỗ Việt Hùng, Vũ Anh Tuấn, Lê Trà My, Vũ Thanh (năm 2014 chuyển lại về làm Phó Viện trưởng Viện Văn học), Nguyễn Linh Chi, Nguyễn Thị Từ Huy (sau chuyển vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh), Trần Kim Phượng, Nguyễn Thu Thủy..., một số từng học tại Khoa, sau một thời gian công tác ở đơn vị khác, nay lại trở về Khoa (Nguyễn Thị Nương, Đặng Hảo Tâm, Vũ Tố Nga, Lê Thị Lan Anh, Trần Văn Toàn, Nguyễn Chí Trung…), số khác là sinh viên xuất sắc các khóa được giữ lại tạo nguồn, trở thành những cán bộ trẻ nhanh chóng trưởng thành như Phạm Thị Thu Hương, Trịnh Thị Lan, Đặng Thu Thủy, Nguyễn Tú Mai, Nguyễn Thanh Chung, Nguyễn Việt Hùng, Đỗ Văn Hiểu, Nguyễn Hải Phương, Nguyễn Văn Hiếu (sau chuyển về THPT), Trần Ngọc Hiếu, Nguyễn Thị Diệu Linh, Trần Thu Hương, Đỗ Thị Thu Hà, Đoàn Thu Huyền, Lê Minh Nguyệt, Trần Hoài Phương, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Thị Hồng Minh (sau chuyển sang Đài Truyền hình Việt Nam), Đỗ Mỹ Phương, Nguyễn Thái Hoa (sau chuyển về THPT), Đinh Minh Hằng, Nguyễn Minh Thương, Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Thị Hồng Ngân, Nguyễn Ngọc Minh, Lương Thị Hiền, Đặng Thị Hiền, Tạ Thành Tấn, Lộ Đức Anh (sau đó chuyển công tác), Nguyễn Thế Hưng... Một số cán bộ giảng dạy chuyển công tác sang đơn vị khác trong trường: PGS.TS Lê Quang Hưng, GS.TS Lê Huy Bắc. TS Lê Hải Anh sau một thời gian giảng dạy và làm Phó Trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam 2, chuyển công tác sang Đại học Quốc gia Hà Nội, nay là Phó Trưởng Khoa Sư phạm - Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội. Một số cán bộ được đào tạo ở các đơn vị khác được tuyển dụng về Khoa một thời gian không lâu như Vũ Huy Vĩ, Lê Tùng Lâm… TS Nguyễn Thị Tuyết Nhung, từng tốt nghiệp xuất sắc tại Khoa, được giữ lại Trường, năm 2020 lại chuyển công tác từ Khoa Việt Nam học về Khoa Ngữ văn.

Đảm nhận công tác quản lí, lãnh đạo Khoa trong thời gian này là GS.TS Trần Đăng Xuyền, thầy tiếp tục làm Trưởng Khoa nhiệm kì thứ hai cho đến tháng 12 năm 2003. Sau đó đảm nhiệm Trưởng Khoa lần lượt là GS.TS Lã Nhâm Thìn (từ tháng 01 năm 2004 đến tháng 2 năm 2009), GS.TS Đỗ Việt Hùng (từ tháng 3 năm 2009 đến tháng 10 năm 2012), PGS.TS Đỗ Hải Phong (từ tháng 10 năm 2012 đến nay). Tham gia Ban Chủ nhiệm Khoa, có các Phó Trưởng Khoa qua các nhiệm kỳ: thầy Đinh Văn Thiện, PGS.TS Nguyễn Quang Ninh, PGS.TS La Khắc Hòa, PGS.TS Phạm Thu Yến, PGS.TS Phùng Ngọc Kiếm, GS.TS Đỗ Việt Hùng, PGS.TS Đỗ Hải Phong, TS Trần Hạnh Mai, PGS.TS Trần Văn Toàn, PGS.TS Hà Văn Minh, PGS.TS Dương Tuấn Anh. Bí thư Đảng uỷ Khoa, sau GS.TS Trần Đăng Xuyền là PGS.TS Phùng Ngọc Kiếm (từ tháng 11 năm 2004 đến 2006), PGS.TS Lã Nhâm Thìn (2007 - 2011), GS.TS Đỗ Việt Hùng (2011-2012) và PGS.TS Đỗ Hải Phong (từ 2012 đến nay).

Đảm nhận công tác quản lí lãnh đạo tổ chuyên môn: PGS. TS Nguyễn Đăng Na tiếp tục làm Trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam I, kế tiếp là PGS.TS Vũ Anh Tuấn, PGS.TS Trần Hoa Lê; PGS Nguyễn Văn Long tiếp tục làm Trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam II, kế tiếp là PGS.TS Nguyễn Thị Bình, TS Chu Văn Sơn (Phó Trưởng Bộ môn phụ trách), PGS.TS Trần Văn Toàn, TS Trần Hạnh Mai, PGS.TS Đặng Thu Thủy; PGS. TS Trần Lê Bảo tiếp tục làm Trưởng Bộ môn Văn học nước ngoài, kế tiếp là PGS.TS Đỗ Hải Phong, GS.TS Lê Huy Bắc, PGS.TS Nguyễn Thị Mai Liên; PGS.TS La Khắc Hoà kế nhiệm GS.TS Trần Đình Sử làm Trưởng Bộ môn Lí luận văn học, tiếp sau là PGS.TS Lê Lưu Oanh, PGS.TS Trần Mạnh Tiến, TS Đỗ Văn Hiểu; GS.TS Bùi Minh Toán tiếp tục làm Trưởng Bộ môn Lí luận ngôn ngữ, tiếp sau là PGS.TS Nguyễn Thị Lương, PGS.TS Đặng Hảo Tâm, PGS.TS Trần Kim Phượng; GVCC Bùi Thanh Hùng kế nhiệm PGS Đặng Đức Siêu làm Trưởng Bộ môn Hán Nôm, kế tiếp là PGS.TS Hà Văn Minh, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Chung; PGS.TS Nguyễn Quang Ninh kế nhiệm GS.TS Nguyễn Thanh Hùng làm Trưởng Bộ môn Phương pháp dạy học Ngữ văn, kế tiếp là PGS.TS Phạm Thị Thu Hương; PGS.TS Nguyễn Bích Hà làm Trưởng Bộ môn Việt Nam học (năm 2005, Bộ môn Việt Nam học tách ra thành một Khoa mới); ThS Nguyễn Chí Trung kế nhiệm ThS Quách Thị Nhã làm Tổ trưởng tổ Văn phòng.

Cán bộ văn phòng được bổ sung thêm Nguyễn Kim Oanh (năm 2019 chuyển công tác sang Phòng Đào tạo, rồi Phòng Quản trị), Nguyễn Thuỷ Nguyên, Nguyễn Thị Thu Hương (sau đó chuyển công tác lên Văn phòng Đảng ủy Trường). Hiện nay tổ Văn phòng còn lại Nguyễn Chí Trung và giáo vụ Nguyễn Thủy Nguyên.

Đáp ứng nhu cầu giảng dạy môn Cơ sở văn hoá Việt Nam cho các hệ đào tạo của trường, Ban giám hiệu đã quyết định thành lập Nhóm nghiên cứu và giảng dạy Cơ sở văn hoá Việt Nam trực thuộc Trường từ năm 2004, đặt tại Khoa Ngữ văn với lực lượng nòng cốt là cán bộ thuộc Bộ môn Hán Nôm, người phụ trách lần lượt là PGS Đặng Đức Siêu, GS.TS Trần Đăng Xuyền, PGS.TS Hà Văn Minh, PGS.TS Dương Tuấn Anh. Bên cạnh đó, một số Trung tâm nghiên cứu của Trường do cán bộ của Khoa làm nòng cốt vẫn tiếp tục duy trì và phát triển, như Trung tâm Việt Nam học do GS Đặng Thanh Lê làm Giám đốc; Trung tâm Trung Quốc học do GS.TSKH Bùi Văn Ba và kế tiếp là PGS.TS Trần Lê Bảo làm Giám đốc; Trung tâm Nghiên cứu và Giảng dạy Hán Nôm do PGS Đặng Đức Siêu và kế tiếp là PGS.TS Hà Văn Minh làm Giám đốc...

Cũng từ sau năm 2000, Khoa Ngữ văn cùng với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và ngành giáo dục trong cả nước có những đổi mới to lớn về nội dung chương trình và phương pháp dạy - học. Từ năm 2009, Khoa Ngữ văn cùng với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Đi đầu trong công cuộc đổi mới chương trình của các Khoa Sư phạm Ngữ văn trong cả nước, chương trình học của các hệ đào tạo đại học trong Khoa đã liên tục được đổi mới vào các năm 2012, 2015, 2019. Chương trình đào tạo cao học, nghiên cứu sinh cũng đã được đổi mới từ năm 2013 để cập nhật những tri thức mới của thời đại, chương trình sau đại học cũng liên tục được cải tổ vào các năm 2015, 2018.

Xu hướng hội nhập với khu vực và thế giới trở thành một xu hướng lớn, tác động mạnh mẽ tới Khoa trong những năm đầu thế kỉ XXI. Nhu cầu đổi mới phương pháp dạy học, nhu cầu cập nhật, hiện đại hóa kiến thức về nội dung, nhu cầu vận dụng những tiến bộ khoa học, nhất là khoa học công nghệ thông tin vào giảng dạy trở thành nhu cầu bức thiết đối với từng người. Tất cả điều đó đã đặt Khoa Ngữ văn trước những thời cơ mới và cả những thách thức mới.

* Những thành tựu mới

- Thành tựu mới đầu tiên, tuy không lượng hóa được thành những con số, những biểu đồ nhưng lại hết sức quan trọng. Đó là những đổi mới về nhận thức: Khoa Ngữ văn chỉ có thể tiếp tục rực sáng bằng cả ánh sáng rạng rỡ của hơn nửa thế kỉ đầy hào quang lẫn ánh sáng của thế hệ mới tiếp nối truyền thống sau năm 2000.

- Khoa Ngữ văn đã làm tốt cuộc chuyển giao thế hệ. Các GS, PGS tuy đã nghỉ hưu về chế độ, chính sách nhưng không ngơi nghỉ công việc giảng dạy, công tác đào tạo của Khoa. Nhiều thầy cô vẫn tham gia tích cực công việc giảng dạy, đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ, vẫn tâm huyết và nhiệt tình trong việc bồi dưỡng cán bộ trẻ.

- Với tiềm lực sẵn có trong truyền thống cùng với sự nỗ lực trong hiện tại, Khoa đã từng bước thu hẹp những khoảng cách về đội ngũ cán bộ giảng dạy do cuộc chuyển giao thế hệ tạo ra. Cho đến tháng 9/2021, Khoa lần lượt có thêm 7 cán bộ được phong hàm Giáo sư (các GS Trần Đăng Xuyền, Bùi Minh Toán, Lê A, Đỗ Việt Hùng, Lã Nhâm Thìn, Lê Huy Bắc, Vũ Anh Tuấn), bổ sung cho số giáo sư từ trước đến nay của Khoa thành 26 vị; 25 Phó giáo sư, Tiến sĩ ; 22 Tiến sĩ. Hiện nay, năm 2021, Khoa có 3 Giáo sư - Tiến sĩ, 22 Phó giáo sư - Tiến sĩ, 22 Tiến sĩ, 25 giảng viên cao cấp, 14 giảng viên chính trên tổng số 51 cán bộ giảng dạy. Có những bộ môn đã có 100% cán bộ có trình độ Tiến sĩ như Bộ môn Văn học nước ngoài, Lí luận văn học, Văn học Việt Nam hiện đại. Một số cán bộ trẻ của Khoa vẫn đang tiếp tục làm nghiên cứu sinh trong nước và nước ngoài. Khoa Ngữ văn vẫn giữ vững vị thế và phát huy sức mạnh của đơn vị đứng ở hàng đầu công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyên ngành Ngữ văn trong cả nước.

Trong khoảng thời gian 2002 - nay, Khoa Ngữ văn có thêm 2 Giải thưởng Hồ Chí Minh (Đỗ Hữu Châu, Bùi Văn Ba), 4 Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ.

- Về công tác đào tạo, Khoa vẫn hoàn thành nhiệm vụ các năm học với khối lượng lớn. Hàng năm hơn 200 sinh viên hệ chính quy của Khoa tốt nghiệp ra trường với chất lượng tốt, đạt tỉ lệ xuất sắc và giỏi trên 20%; khá trên 40%. Mỗi năm có khoảng 200 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ tại Khoa từ loại Khá trở lên. Cho đến tháng 5/2021, luận án Tiến sĩ thứ 405 của Khoa đã được bảo vệ thành công.

Khoa vừa mở rộng các hệ đào tạo ngoài trường, vừa đa dạng và đa ngành hoá đào tạo: đào tạo văn bằng 2, dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài: lớp Lưỡng quốc cử nhân sinh viên Hàn Quốc đã tốt nghiệp 11 khóa với hàng trăm sinh viên đã ra trường; lớp sinh viên Trung Quốc học tiếng Việt đã kết thúc với hơn một trăm sinh viên theo học. Ngoài ra còn có những sinh viên Hàn Quốc, Canada... theo học chương trình Cử nhân, Thạc sĩ tại Khoa. Mở rộng liên kết với các trường đại học ở nước ngoài trong đào tạo và nghiên cứu khoa học (hệ Lưỡng quốc cử nhân với Đại học Quốc gia Busan - Hàn Quốc, tham gia các Hội nghị khoa học ở Hàn Quốc, Trung Quốc,…). Điều đáng lưu ý là bên cạnh việc đào tạo cử nhân ngành Sư phạm, Khoa còn mở thêm mã ngành mới, đào tạo Cử nhân Khoa học. Từ năm học 2007 - 2008, Khoa có thêm hệ đào tạo Cử nhân Văn học. Ở hệ Cử nhân Sư phạm, từ năm 1997, Khoa mở lớp Chất lượng cao. Nhiều sinh viên tốt nghiệp lớp đào tạo này đã trở thành cán bộ giảng dạy của Khoa Ngữ văn và một số Khoa trong trường, trở thành nhà nghiên cứu của một số Trung tâm, Viện nghiên cứu khoa học trong cả nước. Năm học 2019 - 2020, số sinh viên nhập học tại Khoa Ngữ văn (cả hệ Cử nhân Sư phạm và hệ Cử nhân Văn học) tăng lên đáng kể, với số lượng 545 sinh viên. Xu hướng gia tăng này còn tiếp tục trong những năm tiếp theo. Điều đó càng khẳng định vai trò, vị trí hàng đầu của Khoa Ngữ văn trong hệ thống các trường Sư phạm, các Trung tâm nghiên cứu chuyên ngành Ngữ văn của cả nước).

Hệ thống giáo trình mới ở tất cả các hệ đào tạo về cơ bản đã hoàn thành trên cơ sở cập nhật những thông tin khoa học mới nhất về chuyên ngành Ngữ văn, về khoa học sư phạm trong, ngoài nước.

Với phương châm: Đại học Sư phạm đi trước và đi cùng phổ thông, Khoa đã góp phần to lớn vào việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Nhiều cán bộ giảng dạy của Khoa là Tổng chủ biên, Chủ biên, tác giả sách giáo khoa từ bậc tiểu học đến bậc trung học phổ thông. Riêng ở sách giáo khoa THPT, Tổng chủ biên: GS Trần Đình Sử, GS Phan Trọng Luận; Chủ biên: GS Nguyễn Đăng Mạnh, GS.TS Trần Đăng Xuyền, GS.TS Lã Nhâm Thìn (phần Văn học), GS.TS Bùi Minh Toán (phần Tiếng Việt), GS.TS Lê A (phần Tập làm văn); Tác giả: PGS.TS Nguyễn Thị Bình, PGS.TS Lê Quang Hưng, TS Chu Văn Sơn, TS Nguyễn Văn Phượng, GS.TS Diệp Quang Ban, PGS Nguyễn Xuân Nam, PGS.TS Nguyễn Đăng Na... Hiện tại, trong việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa theo Chương trình mới (2018), có 1 Tổng chủ biên, 1 Chủ biên, trên 40 cán bộ của Khoa là tác giả của các bộ sách, từ bậc tiểu học đến THPT.

- Về nghiên cứu khoa học, trong những năm vừa qua, Khoa đã tham gia thực hiện 8 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, trong đó có 1 đề tài do Khoa chủ trì, 11 đề tài thuộc Quỹ Khoa học Công nghệ Quốc gia Nafosted, 45 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và tương đương, 65 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường.

Nhiều Hội thảo khoa học được tổ chức đạt kết quả tốt, có ý nghĩa cả về khoa học và thực tiễn: Hội nghị khoa học kỷ niệm 400 năm Đôn Kihôtê (2004)…; Những nhà nghiên cứu Ngữ văn trẻ lần hai (2002); Đổi mới phương pháp giảng dạy Ngữ văn (2002); Văn học so sánh (2004); Văn học Việt Nam sau 1975 - những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy (2005); Nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm trong trường cao đẳng và đại học (2005)…; Kinh Dịch (2001); Kỉ niệm 100 năm ngày mất Sê-khốp (2004) ; Tự sự học lần 1 (2005), lần 2 (2007); Gần đây nhất là những Hội thảo khoa học Quốc gia: Hội thảo Quan hệ Văn học dân gian và Văn học viết (2010); Hội thảo Ngôn ngữ và văn học (2013), Hội thảo Nghiên cứu thi tuyển chữ Hán Việt Nam (2013), Hội thảo Đỗ Hữu Châu và một số vấn đề ngôn ngữ - văn hóa - văn học (2015), Hội thảo Đổi mới nghiên cứu và dạy học Ngữ văn trong nhà trường Sư phạm (2019), Hội thảo Kí hiệu học (2016), Hội thảo Nghiên cứu và giảng dạy tác phẩm văn học theo thể loại (2020), Hội thảo Những tiếp cận mới trong nghiên cứu và giảng dạy về Nguyễn Du (2020). Từ năm 2015 đến nay, Hội thảo khoa học Sau đại học ngành ngữ văn được tổ chức thường xuyên mỗi năm một lần với sự tham gia của cao học, nghiên cứu sinh của Khoa và của cả nước… Điều đáng nói là, hơn 95% các Hội thảo này đã lần lượt được chuyển thành những tuyển tập công trình khoa học có giá trị.

Trong 20 năm qua, các cán bộ trong Khoa đã công bố khoảng hơn 2000 bài báo đăng trên các tạp chí trong nước và nước ngoài, xuất bản khoảng 500 cuốn sách gồm chuyên luận, giáo trình, giáo khoa. Nhận thức rõ việc giáo dục đại học không thể tách rời với nghiên cứu khoa học, những khoa học cụ thể không thể phát triển nếu không dựa trên khoa học cơ bản, Khoa Ngữ văn đã liên tục động viên, tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu, công bố kết quả nghiên cứu khoa học, phục vụ việc giảng dạy tại tất cả các hệ đào tạo. Hiện nay, số sách chuyên luận của các cán bộ trong Khoa đã lên tới hàng trăm. Có thể nhắc đến một số chuyên luận nổi tiếng như: Học tập thơ văn Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nguyễn Đăng Mạnh), Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm (Đặng Thanh Lê), Ngữ dụng học (Đỗ Hữu Châu), Thi pháp thơ Tố Hữu, Dẫn luận Thi pháp học văn học, Cơ sở Văn học so sánh (Trần Đình Sử), Các trường phái nghiên cứu phê bình văn học Phương Tây thế kỉ XX (Bùi Văn Ba), Phê bình kí hiệu học (Lã Nguyên), Tinh hoa văn học Nga (Nguyễn Hải Hà), Tiểu thuyết Pháp bên thềm thế kỷ, Cách tân nghệ thuật văn học Phương Tây (Phùng Văn Tửu), Giao tiếp, Diễn ngôn và Cấu tạo của văn bản (Diệp Quang Ban), Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX (Trần Đăng Xuyền), Phân tích tác phẩm văn học trung đại Việt Nam từ góc nhìn thể loại (Lã Nhâm Thìn) v.v…

Khoa thường xuyên tổ chức các sinh hoạt học thuật theo quý, theo tháng cho cán bộ, sinh viên, học viên. Nhiều nhà khoa học, nhà văn hàng đầu của Việt Nam và Quốc tế (Nga, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ) đã được mời đến giảng dạy cho học viên cao học, thuyết trình và trao đổi khoa học với cán bộ Khoa. Khoa Ngữ văn vừa là nơi khởi xướng, vừa là đơn vị mũi nhọn về nghiên cứu: Phong cách học, Ngữ dụng học, Ngôn ngữ và văn học, Thi pháp học, Tự sự học, Văn học so sánh, Tiếp nhận văn học, Văn học từ góc nhìn văn hóa, Kí hiệu học, Thể loại văn học, Văn học mạng v.v... Trong khoảng thời gian từ năm 2016 trở lại đây, nhiều cán bộ của Khoa tham gia tích cực vào hoạt động học thuật quốc tế. Năm 2019 - 2020, PGS.TS Trần Văn Toàn, rồi PGS.TS Nguyễn Thị Mai Liên được mời thuyết trình trao đổi học thuật với Trường Đại học Sư phạm Paris (The École normale supérieure of Paris) - CH Pháp. Trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2021, Khoa có 32 bài nghiên cứu bằng tiếng nước ngoài, đăng tạp chí quốc tế, và 18 báo cáo khoa học tham gia Hội thảo khoa học Quốc tế ở nước ngoài (Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ, Canada, Nga, Anh, Pháp, Đức).

- Phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học của Khoa Ngữ văn trong hơn hai mươi năm qua có thể nói là dẫn đầu trong cả nước: Từ năm 2001 đến nay Khoa có 18 báo cáo đạt Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ (trong đó có 10 giải nhất, 7 giải nhì và 1 giải ba) và 3 lần đạt Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka. Liên tục trong hai mươi năm qua, Khoa thường xuyên được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khen thưởng về thành tích xuất sắc trong phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học. Trong số các sinh viên đạt giải, nhiều người đã trở thành những giảng viên ưu tú của Khoa.

- Về xây dựng cơ sở vật chất, thư viện Khoa ngày càng được củng cố và mở rộng với số lượng sách phục vụ chuyên ngành đáp ứng được nhu cầu học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên, cao học, nghiên cứu sinh (số lượng sách, tài liệu tại thư viện Khoa Ngữ văn: 14.100 cuốn, trong đó, trong đó sách chuyên ngành là 7.500 cuốn, Luận văn 2.400 quyển, còn lại là Khóa luận và Báo cáo khoa học của sinh viên). Khoa đã có một phòng học chuẩn với trang thiết bị dạy và học khá hiện đại.

Bên cạnh Quỹ học bổng Nguyễn Tuân, Giải thưởng Huỳnh Lý, Giải thưởng khuyến khích tài năng trẻ, Khoa đã có thêm Giải thưởng Lê Trí Viễn, Giải thưởng Đỗ Hữu Châu, Giải thưởng Nghiên cứu sinh xuất sắc trong năm... Các giải thưởng này được trao cho những sinh viên, nghiên cứu sinh xuất sắc, những sinh viên nghèo vượt khó từng khoá, từng năm, có tác dụng động viên lớn đối với sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong học tập và nghiên cứu khoa học.

- Về những hoạt động của các tổ chức Đảng, Đoàn thể. Đảng bộ Khoa là trung tâm đoàn kết, giáo dục tư tưởng cho sinh viên và cán bộ toàn Khoa, thực hiện tốt nhiệm vụ của Bộ và Trường giao cho. Đảng bộ luôn chú ý tới công việc phát triển Đảng trong cán bộ và sinh viên. Đảng bộ Khoa Ngữ văn nhiều lần được tặng Giấy khen của Ban chấp hành Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội về thành tích phát triển Đảng.

Từ năm 2001 đến nay, Công đoàn Khoa Ngữ văn luôn được xếp loại Công đoàn xuất sắc. Điều đáng lưu ý là Công đoàn Khoa không chỉ mạnh trong công tác Công đoàn mà còn là tiếng nói có trọng lượng trong mọi mặt hoạt động của Khoa và tích cực tham gia vào các hoạt động chuyên môn như đào tạo, nghiên cứu khoa học. Các cuộc thi do Công đoàn cấp trên tổ chức, Công đoàn Khoa đều tham gia với thành tích cao. Công đoàn Khoa luôn tổ chức các kỳ nghỉ hè bổ ích và thiết thực cho cán bộ: năm 2003: Malaysia và Singapore; 2004: Trung Quốc; 2005: Thái Lan; 2006: Campuchia; năm 2008: Trung Quốc; năm 2018: Myanmar; năm 2019: Nga... Trong tình hình hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay, việc làm này của Khoa rất có ý nghĩa. Công đoàn Khoa chú ý tới công tác phụ nữ. Hằng năm vào dịp 8/3 đều tổ chức cho cán bộ nữ đi du xuân… Trong mười năm trở lại đây, Công đoàn Khoa còn phát động được nhiều hoạt động từ thiện, quyên góp giúp đỡ nhân dân một số vùng núi đặc biệt khó khăn thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Thái Nguyên... Nhìn chung, Công đoàn hoạt động tích cực, nhiều sáng kiến, góp phần tạo bầu không khí dân chủ, đoàn kết, phục vụ công tác chuyên môn có hiệu quả.

Chi đoàn cán bộ giảng dạy có vai trò, vị trí quan trọng trong Khoa. Đoàn viên Chi đoàn tham gia các công tác phong trào: thi sinh viên thanh lịch, thi nghiệp vụ sư phạm, các cuộc thi nhân dịp 8/3, 26/3, 20/11… Đặc biệt, Chi đoàn đã ra mắt tập san Ngữ văn học của cán bộ trẻ. Tập san là nơi các cán bộ trẻ trình bày kết quả nghiên cứu khoa học và dịch thuật. Chi đoàn hoạt động tích cực, có hiệu quả, tạo nên không khí trẻ, hăng say nhiệt tình trong mọi công tác của Khoa. Chi đoàn là lực lượng nòng cốt trong việc cho ra đời, duy trì và phát triển trang Website của Khoa (http://www.nguvan.hnue.edu.vn) với nhiều trang mục, bài vở, thông tin phong phú, đa dạng, đặc biệt tập trung vào công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của Khoa.

Liên chi Đoàn khởi xướng nhiều hoạt động, nhiều phong trào trở thành truyền thống của Khoa: Khởi xướng Hội thi Sinh viên thanh lịch từ năm 2000 và trở thành truyền thống (sau này chuyển thành cuộc thi Tài năng Văn khoa); Khởi xướng Câu lạc bộ thơ văn và trở thành nòng cốt cho Câu lạc bộ thơ văn của trường. Hiện nay Khoa có nhiều câu lạc bộ sinh viên hoạt động sôi nổi nhất Trường (CLB Thanh niên xung kích, CLB Truyền thông, CLB Sinh viên NCKH, CLB Nghệ thuật, CLB Sinh viên sáng tạo...); Khởi xướng phong trào dạy học tình nguyện cho trẻ em khuyết tật từ năm 2001, dạy Hán Nôm tình nguyện cho cán bộ và sinh viên, tiếp tục duy trì từ năm 2001 đến nay. Liên chi Đoàn Khoa liên tục được Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và tổ chức Đoàn các cấp công nhận là đơn vị có phong trào sinh viên tình nguyện sôi nổi và hiệu quả nhất (Ví dụ: Phong trào Chung sức cùng cộng đồng, Giáo dục trẻ em khuyết tật, Hiến máu nhân đạo…); Khoa Ngữ văn liên tục đoạt giải Nhất và Nhì Hội thi Nghiệp vụ sư phạm, Hội thi Sinh viên thanh lịch của Trường. Tham gia tích cực và thường xuyên dẫn đầu các Hội thi Nghiệp vụ của các trường Đại học Sư phạm trong cả nước.

* Những định hướng mới

+ Khoa kết hợp và phát huy hai thế mạnh bề dày truyền thống và trẻ hoá đội ngũ. Những cán bộ giàu kinh nghiệm của Khoa nhanh chóng truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm cho thế hệ sau. Thế hệ sau tranh thủ học hỏi những người đi trước, tự tin và gánh vác những nhiệm vụ cơ bản của Khoa trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý. Đặc biệt, Khoa chú ý phát huy thế mạnh của đội ngũ cán bộ trẻ (tốt nghiệp chuyên môn giỏi, ngoại ngữ tốt, thành thạo tin học, năng động, ham học hỏi, nhiệt tình) trong mọi công việc, từ công tác chuyên môn đến các hoạt động đoàn thể, phong trào.

+ Để hiện đại hóa nội dung và phương pháp dạy - học, để có thể hội nhập và phát triển, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Khoa là phải kết hợp, cùng một lúc nâng cao trình độ về chuyên ngành với trình độ công nghệ thông tin và trình độ ngoại ngữ. Đây là nhiệm vụ chung của toàn Khoa nhưng trước hết là nhiệm vụ lớn, trọng tâm của các cán bộ giảng dạy trẻ. Những cán bộ giảng dạy trẻ hiện nay và là tương lai sau này của Khoa Ngữ văn phải là những người có trình độ cao về khoa học chuyên ngành, giỏi về ngoại ngữ, thành thạo trong việc vận dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

+ Kết hợp giữa chuyên ngành và đa ngành, đa dạng hóa trong đào tạo là hướng phát triển lâu dài và bền vững của Khoa để không chỉ khẳng định vị thế hàng đầu trong chuyên ngành Ngữ văn, mà còn làm rạng danh cho Khoa như một đơn vị đào tạo và nghiên cứu đa lĩnh vực, đa ngành. Các hệ đào tạo ngoài sư phạm của Khoa đang trên đà phát triển mạnh mẽ: hệ cử nhân văn học, cử nhân văn học - báo chí, giảng dạy tiếng Việt, văn học cho người nước ngoài v.v...

+ Tiếp tục xu hướng hội nhập quốc tế mạnh hơn, hiệu quả hơn, Khoa Ngữ văn tiếp tục phát huy thế mạnh trong đào tạo sinh viên nước ngoài: dạy tiếng Việt, dạy văn hóa Việt Nam, dạy văn học Việt Nam trong mối liên quan với nhiều ngành khoa học xã hội khác. Với sự năng động, tự tin, Khoa Ngữ văn đã và đang tích cực chủ động tham gia vào tiến trình hội nhập đào tạo, nghiên cứu trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung.

KHEN  THƯỞNG:

* KHOA:  HUÂN CHƯƠNG KHÁNG CHIẾN HẠNG BA (1981)  HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG BA (1994)  HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG NHÌ (2001)  Nhiều năm liên tục là Tập thể lao động xuất sắc cấp Bộ, nhận Bằng khen của Thủ tướng, Bộ trưởng:  Bằng khen Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đơn vị xuất sắc (1976, 1980... 2016, 2020 - 2021)  Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đơn vị xuất sắc (2018)  Nhiều năm liên tục được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội khen tặng về Thành tích xuất sắc trong hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học và nghiệp vụ sư phạm.

* BỘ MÔN:  Huân chương Lao động hạng Ba: Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại (2001)  Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Lí luận văn học và Văn học nước ngoài...  Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bộ môn Văn học Việt Nam dân gian và trung đại (1995), Văn học Việt Nam hiện đại (1996), Lí luận văn học (1996)…

* CÁ NHÂN: HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG NHẤT: Đặng Thanh Lê, Bùi Văn Ba.  HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG NHÌ: Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Đăng Mạnh, Đỗ Hữu Châu, Trần Đình Sử.  HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG BA: Nguyễn Xuân Nam, Đinh Trọng Lạc, Trương Chính, Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Hoành Khung, Vũ Anh Tuấn, Trần Đăng Xuyền, Lã Nhâm Thìn, Đỗ Việt Hùng...  NHIỀU CÁN BỘ TRONG KHOA ĐƯỢC TẶNG HUY CHƯƠNG VÌ SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC, BẰNG KHEN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, CỦA BỘ TRƯỞNG. Các thầy, cô giáo Nguyễn Nghĩa Dân, Phan Trọng Luận, Nguyễn Thị Ngọc Diệu, Đoàn Trọng Huy, Hoàng Văn Thung, Nguyễn Quang Ninh C, Đinh Văn Thiện, Trần Lê Bảo được tặng Huy chương Hữu nghị của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

 GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH: Đặng Thai Mai, Lê Trí Viễn, Bùi Văn Ba, Đỗ Hữu Châu.  GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC VỀ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ: Bùi Trương Chính, Bùi Văn Ba, Đỗ Hữu Châu, Bùi Văn Nguyên, Trần Đình Sử, Phan Trọng Luận, Nguyễn Đăng Mạnh, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Ngọc San, Diệp Quang Ban.  GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM: Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Văn Ba, Phùng Văn Tửu, Trần Đình Sử, Trần Đăng Suyền.

DANH HIỆU:

 NHÀ GIÁO NHÂN DÂN (những vị đã từng giảng dạy tại Khoa): Nguyễn Lương Ngọc, Lê Trí Viễn, Huỳnh Lý, Vũ Đình Liên, Nguyễn Đình Chú, Bùi Văn Ba, Trần Đình Sử, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Ngọc San, Nguyễn Hoành Khung, Nguyễn Hải Hà, Phan Trọng Luận, Nguyễn Nghĩa Dân.

 NHÀ GIÁO ƯU TÚ (những vị từng giảng dạy hoặc đang làm việc tại Khoa): Nguyễn Trác, Bùi Văn Nguyên, Bùi Trương Chính, Đặng Thanh Lê, Hoàng Hữu Yên, Đỗ Bình Trị, Nguyễn Xuân Nam, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Nghĩa Trọng, Thành Thế Thái Bình, Phùng Văn Tửu, Lưu Đức Trung, Đặng Anh Đào, Đặng Đức Siêu, Đỗ Hữu Châu, Trần Đăng Xuyền, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Đăng Na, Lã Nhâm Thìn, Phạm Thu Yến, Vũ Anh Tuấn, Lê A, Lê Lưu Oanh, Phạm Đăng Dư, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Thanh Hương.