Văn học dân gian

SỨC SỐNG VĂN HÓA DÂN GIAN Ở MỘT VÙNG TÀY


14-11-2023

Có một vùng thành danh thắng Việt Bắc, cách đây bảy mươi năm đã được đề khắc vào bia đá rằng: “Quanh thành tỉnh Bắc Cạn đều là núi, suối khe chồng chất la liệt bao quanh. Phía tây bắc tỉnh, địa hình cao trội lạ lùng, mà vùng chính giữa đẹp nhất, một nơi có mĩ quan về sơn thủy. Ấy là núi Hồ Ba Bể vậy. Cớ sao lại có tên là Ba Bể? Nước hồ liền nhau như hình con ngựa quỳ, cho nên đặt tên như vậy. Giữa hồ đột ngột nổi lên một núi nhỏ, tên là núi Yên Ngựa. Núi có chùa thờ Phật, không biết dựng từ thời nào. Lạ thay! Núi mà nổi danh là nhờ có bể, bể kiếm củi được mà núi thì đánh cá được. Tạo vật hình như cố ý tàng trữ cảnh đẹp để dành cho khách du quan. Đầu hồ có động. Trong động có người. Phàm từ sông vào hồ phải dong thuyền qua đây. Hai vách là đá, nước không rời núi, sâu mà lặng, khuất khúc mà sáng sủa, quỷ khắc thần chạm, khéo đến nhường nào! Nơi đây xưa kia thuộc Bạch Thông tỉnh Thái Nguyên. Từ khi đặt tỉnh Bắc Cạn (1900) mới thuộc châu Chợ Rã (-).

Có điều đáng tiếc là nơi đây kẻ đến thăm không ít mà đề vịnh trước đây thì chẳng có ái, hay là núi sông còn chờ đợi chăng? Tôi vì thế mà cảm xúc, đã xúc cảm thì không thể không nói, nên có bài ghi. Ghi mà không hết nên có thơ rằng:

Lê Mạc giao tranh sóng đã bình

Khói mây như cũ biếc hồ xinh

Đừng bàn tang hải không cùng chuyện

Nghe nói Giao Long tự hóa mình

Gươm ngựa anh hung trơ sạch bãi

Tiên rồng sơn thủy vắng hồn linh

Bên bờ vang bong trào thông réo

Tưởng tiếng năm nao giặc bỏ mình

Tháng giêng mùa xuân Giáp Tý (1924), niên hiệu Khải Định thứ 9, Quang Lộc Tự Thiếu Khanh Án Sát sứ tỉnh Bắc Cạn là Lễ Đình Phạm Đình Hòe là người Nam Định soạn. Tri châu Chợ Rã là Vi Văn Thượng phụng mệnh khắc bia”.

  Bia này đã được dựng tại bến Keo Siu, hồ Ba Bể, nay thuộc huyện Chợ Rã, Cao Bằng (từ 1979). Bài văn bia bằng chữ Hán. Trăm năm bia đá thì mòn. May mắn không ngờ, nhà ngôn ngữ học Lương Bèn trên đường đi sưu tập thư tịch cổ đã tìm được văn bia vốn do cụ Vi Văn Thượng, Tri châu Chợ Rã đã về nghỉ hưu truyền lại cho một nhà nghiên cứu khác. Vào năm 1943, ông này đã cho in lại vào một cuốn sách có tựa đề  Từ Hà Nội đến Hồ Ba Bể bằng chữ Hán. Bài văn bia có tên “ Tam Hải hồ sơn chí”, đã được cụ Lương Đức Tưởng là thân sinh của ông Lương Bèn dịch, và chính ông Lương Bèn chú giải. Đến lượt mình, chúng tôi tiếp nhận lại như một tài liệu quý giá để có dịp được so sánh tìm hiểu một khía cạnh khác. Trong các nghiên cứu gần đây, chúng tôi lí giải một khả năng: có thể khu vực Bắc Cạn theo đơn vị hành chính cũ bao gồm cả khu vực Hồ Ba Bể là một trung tâm nguyên sơ Tày. Tương ứng, có thể đó là một cái nôi văn hóa dân gian (FOLKLORE) Tày – Thái cổ. Vùng này có môi sinh phong phú, thảm thực vật nhiều tầng, cây và con rất đa dạng, cảnh quan địa lí phức tạp kì thú. Nó đã từng là địa bàn nghiên cứu của nhiều ngành khoa học: Địa lý, Sinh học, Khảo cổ, Ngữ Văn. Sự đan xen đủ loại kiến thức mới vào cư dân Tày địa phương theo đó gia tăng. Rừng sâu cổ thụ không còn nai vàng đi ăn theo bóng nắng. Bãi khỉ tắm con đã có nhiều ca nô neo đậu. Bến hồ ngồi được sửa sang làm bến tắm. Ở đây đã biến mất phong tục đem cá chép hai tạ đi làm ma. Quất hồng bì, trám, đu đủ, bưởi ngày trước du khách được cho không, bây giờ đã có giá, miễn mặc cả.

   Vùng Hồ mấy cuộc bể dâu. Trước đây, từ khi Nho giáo đi vào tâm thức dân gian Tày, điều đó khiến  các Nho sĩ xem nhẹ vốn văn hóa dân gian. Ngay cả vị quan án, tác giả bài văn bia quý giá trên cũng bày tỏ sự nghi ngờ giá trị của cả một kho huyền thoại vùng hồ mà ông đã sưu tập được. Sau này, cũng có không ít người vì thiếu hiểu biết về khoa FOLKLORE học mà hồn nhiên xếp các hạt ngọc ngôn từ trôi nổi ngàn năm trên cửa miệng người đời vào cái đống sạn mê tín dị đoan đích thực. Vậy giờ, ở một vùng Tày danh thắng chật căng lễ hội và đậm đặc phong tục này, văn học dân gian cổ truyền có còn đất sống?

Câu trả lời không đơn giản.

  Khi chúng tôi trở lại vùng hồ, trong khúc dạo đầu đã gặp không ít khó khăn. Sự tích Hồ do đâu mà có? Bông hoa chúa treo trên vách đá Hồ Ba Bể tương truyền ở đâu? Đâu là núi hoa gần hồ Ba Bể có ông già tiên còn giữ cây đàn tính thần kì?

Khi được hỏi bà con chòm bản hết thảy đều tỏ ý nghi ngại. Người già trả lời nước đôi. Có cán bộ Ủy ban xã giải thích bằng kiến thức của khoa Địa lý. Có đồng chí làm công tác tuyên truyền chống mê tín dị đoan tỏ ý không bằng lòng.

   Chúng tôi chia nhóm theo các gia đình cùng đi nương, lấy củi, khơi máng nước, đi chợ phiên. Anh em trẻ dạy hát cho các cháu, Tổ chức Thanh niên địa phương đã có cuộc gặp gỡ với các bạn mới lên từ thành phố. Chòm bản vui hẳn lên. Đồng chí trưởng đoàn là một nhà nghiên cứu người Tày có uy tín cùng đồng chí chủ tích xã bắt tay nhau xuống từng nhà trò truyện ngay trên sàn giữa đêm trăng sáng.

  Văn học dân gian cổ truyền là những viên ngọc vô cùng quý giá. Các nhà tư tưởng có thể tìm thấy ở đó một thứ cương lĩnh chính trị “dân vị bản”. Các nhà khoa học vẫn mãi còn nhận ra ở đó những dự cảm thiên tài. Các nhà nghệ sĩ đích thực đều cho rằng đó là một nguồn tài nguyên tinh thần không bao giờ vơi cạn. Thế thì có lẽ nào nhân dân, những nghệ nhân truyền đời sáng tạo nó lại quên, lại cho là nhảm nhí. Tất cả những giá trị được con người làm ra, có dính một chút máu thịt như một phần đời của họ, những giá trị ấy không ai có thể quên được. Cũng vì nó quý giá nên không phải ai cũng dễ dàng được trao gửi, sẻ chia. Hơn nữa, sống với đồng bào miền núi, dễ dàng nhận ra ở bất cứ bà con nào cũng ít nhiều còn có một chút ít mặc cảm về một thời gọi là “ cách mạng văn hóa tư tưởng”. Phải tạo dựng được cái tình. Cái tình là chiếc cầu nối mọi tâm hồn. Cái tình dân dã nó bền chặt nhưng không dễ dàng tạo dựng được. Phải có hành động thực tế. Phải thực sự chân thật.

  Trăm năm bia đá thì mòn. Nước đục đá làm ra cái động Puông. Đó là chân lí khoa học. Nhưng cái động Puông sở dĩ trở thành biểu tượng đẹp đẽ tràn đầy tinh thần nhân bản nhân văn lại hoàn toàn không do thủy thổ tương khắc, mà lại nhờ vào sự dệt thêu ngàn năm của những sắc thắm tâm hồn nơi mường bản, là nhờ vào ngàn năm bia miệng. Đó là chân lí nghệ thuật. Đến được với chân lí nghệ thuật, phải biết tạo nghĩa xây tình. Người Kinh có câu: Ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Người Tày còn đòi hỏi kĩ lưỡng hơn : Nằm trông hướng. Muốn tạo nghĩa tình, phải biết tôn trọng phong tục tập quán, phải biết gợi chuyện bằng chính cách nói, lời nói của đồng bào. Chớ có gợi những gì cao xa. Hãy bắt đầu câu chuyện bằng tất cả những nét đời thường, gần gũi nhất, chúng ta sẽ được nghe những sáng tạo huyền thoại nhất. Có vẻ nghịch lí. Nhưng đó lại là sự thật. Trở lại vùng hồ, chúng tôi đã làm  như thế và sức sống văn hóa dân gian ở vùng Tày nhiều thơ và mộng trong sự tiếp xúc đa cực này đã đem lại cho chúng tôi những ấn tượng rất đẹp.

  Có cụ ông còn cả mấy tầng sách cổ. Theo lời cụ, có những cuốn này, trước đây ông đã thuê chép tính công bằng cả một con trâu mộng. Phải trò chuyện với cụ bằng cái tiếng của cha ông để khơi lên trong người gìà cái quá khứ từ tuổi hoa, tuổi nụ. Được lời như cởi tấm lòng. Cụ kể lại những thời trai trẻ của biết bao trai thanh, gái lịch, giữa những năm tháng còn phải đánh vật với thiên tai, thú dữ để có miếng cơm, manh áo, với cả cái sống và cái chết. Người miền Núi Hồ vẫn bừng lên những ngày hội lễ có những điệu lượn ngọt tim vắt ngang hai bờ núi, có những bài ca mơ hồ vẳng bên tai thôi thúc chim tìm tổ, người tìm tông. Chuyện kể tạo nghĩa xây tình. Trò chơi chắp cánh nhiều mơ ước. Tuổi trẻ nhiều ham hố, tuổi già nặng ưu tư. Tuổi trẻ cười thành tiếng, thành chuỗi. Tuổi già cũng cười, cười trong hố mắt. Lời người nói dài, huyền thoại ngọt như có mật con ong. Cụ không dấu diếm kể lại cả cái thời yêu đương ngày trước. Ngày ấy có người con gái đẹp người đẹp nết bị quỷ dữ đánh lừa ăn trộm mất quả tim. Nước mắt nàng tràn mí, tràn môi, đến khi ngập đất thì phát ra tiếng nổ lớn mà tạo thành cái giếng tiên. Mai kia cụ còn phải đưa các cháu đi thăm giếng. Bọn trẻ trong bản nín thở nghe chuyện, cùng ào lên đòi đi cùng. Bọn trẻ tin lời ông “cái giếng ấy có từ thời cái bánh trứng kiến còn biết đứng dậy thổi kèn, đánh trồng, từ lúc bà của bà chúng ta chưa ra đời”. Cụ bà nhìn trẻ cười móm mém. Cụ nối lời: ngày trước, bản bên còn có người con trai đi đánh giặc, giữa tên giặc như mưa mà chàng như sức vóc mình đồng da sắt, đi vào trại giặc như vào chỗ không người. Ngày nọ, chàng đã trở thành vị tướng giỏi đưa quân đi qua bản cũ đuổi giặc. Chàng gặp lại người con gái ngày ra đi đã có hẹn hò. Cô gái úp mặt vào ngực vị tướng trẻ khóc nức nở. Chàng trai lại ra đi, nhưng lần này không trở lại. Một mũi tên của giặc đã xuyên thủng ngực chàng, nơi có quả tim. Cụ bà giải thích rằng: “Bởi vì trước khi ra trận, chàng trai đã đằm mình trong bùn đất quên nhà. Chàng còn xoa lên khắp người mình một lớp đất. Chính lớp đất ấy đã bao bọc, chở che. Chẳng may, những giọt nước mắt của cô gái kia đã vô tình làm chảy trôi lớp đất trên ngực chàng nên chàng phải chết…

  Hóa ra những câu chuyện bịa đặt mà ở thời nào cũng vẫn đăt được vào lòng người nghe cả đắng cay và khát vọng, vẫn cất lên những tiếng dạy khôn ngoan.

  Hóa ra, trước tất cả các triết gia, người bình dân nơi thâm sơn cùng cốc đã nhận ra tất cả những giới hạn, những biên thùy của kiếp người. Họ sẽ phải sống buồn tẻ, vô nghĩa biết chừng nào nếu chẳng có những lời ru ngọt ngào bên vành nôi, những bài ca như lửa cháy trên luống cày, và những câu chuyện như rượu đắng bên bếp lửa. Người già gìn giữ những bài ca, những câu chuyện kể như giữ lửa. Nhưng không phải ở đâu và trong điều kiện nào nó cũng bắt cháy sáng lên thành ngọn lửa.

   Như một phản ứng dây chuyền, từ hôm ấy, theo cách ấy, chúng tôi gặt hái được hạnh phúc không ngờ. Người người kể chuyện. Nhà nhà văn nghệ. Xã cho người về Phòng Văn hóa huyện mượn lên cây đàn tính còn mới. Có chị nghề nông bận rộn nương rẫy, con cái tối ngày cũng cơm nước vội vàng sang góp chuyện. Đồng bào còn tạo điều kiện cho Đoàn đi thăm quan, hướng dẫn anh em lên vùng đồng bào Dao mua trâu về làm tiệc liên hoan. Người khỏe mạnh diễn lại cách đấu trâu theo lối cổ xưa, lại có thêm dăm ba câu chuyện về trâu. Nhiều nét hay như chưa từng được thấy, được nghe, được ghi chép lại. Thì ra ở đâu cũng có người khôn, nghề khéo, của ngon, vật lạ. Sức sống văn hóa dân gian ở một vùng Tày như vùng núi Hồ Ba Bể tiềm tàng đã và sẽ còn đẹp mãi cùng danh thắng. Tới đêm biểu diễn Văn nghệ dân gian chia tay, nhiều cụ ông cụ bà đem ra cho chúng tôi mượn những bộ quần áo ngày trước còn nguyên màu chàm óng ánh sáng cánh ong bầu. Các cụ bà lượn đã tiếng đục tiếng trong còn vui vẻ nhận lời mời lên sàn hát cùng các cháu gái từ thành phố Thái Nguyên lên. Có người không giấu nổi những giọt nước mắt vui sướng, bồi hồi sống lại tuổi trẻ nhiều mơ ước.

   Chúng tôi chia tay vùng hồ, mang theo cả kho tàng huyền thoại về Hồ Ba Bể, nơi có bông hoa chúa Tày, cây đàn tiên Tày trên núi PiaBioóc, với những động Puông, thác Dầu Dẳng, gò Dả Mải, ao Tiên, ruộng Tiên, hồ Móng Tay Vàng, nơi có lễ hội rước nàng Hai, nàng Xáy, có tung còn, hát lượn…

Những lượn cọi vùng hồ sẽ còn có cánh bay lên cùng với những lượn sương, lượn nàng ới ở biết bao vùng Tày khác mà đồng bào đã gìn giữ và trao gửi.

9.1991

V.A.T

(Vũ Anh Tuấn, Bài đăng trên Tạp chí VĂN HÓA DÂN GIAN, Viện Văn hóa dân gian, Viện KHXHVN, Số 1 (37) năm 1992 (trang 31 – trang 33)

Source: Vũ Anh Tuấn, Bài đăng trên Tạp chí VĂN HÓA DÂN GIAN, Viện Văn hóa dân gian, Viện KHXHVN, Số 1 (37) năm 1992 (trang 31 – trang 33) Post by: Khoa Ngữ văn
14-11-2023