gày nay, dường như mối quan hệ gần gũi giữa ngôn ngữ học và văn chương là điều khá tự nhiên. Có tự nhiên hay không nếu như khoa học về ngôn ngữ (và về các ngôn ngữ) quan tâm đến cái liên quan một cách hiển nhiên tới ngôn ngữ, như là văn bản văn chương? Có tự nhiên hay không nếu như văn chương, với tư cách là kỹ thuật của một số dạng thức ngôn ngữ, lại hướng về lý thuyết ngôn ngữ? Có tự nhiên hay không nếu như vào lúc mà ngôn ngữ trở thành mối bận tâm chính của các khoa học nhân văn, của sự phản tư triết học và kinh nghiệm sáng tạo, thì ngôn ngữ học lại soi sáng khoa học văn chương, như nó đã từng soi sáng dân tộc học, phân tâm học, xã hội học các nền văn hoá? Làm thế nào văn chương có thể tách ra khỏi sự bức xạ mà ngôn ngữ học là trung tâm? Có nhất thiết văn chương phải là cái đầu tiên liên thông với ngôn ngữ học hay không?
Ngôn ngữ học và văn chương
Roland Barthes
Ngày nay, dường như mối quan hệ gần gũi giữa ngôn ngữ học và văn chương là điều khá tự nhiên. Có tự nhiên hay không nếu như khoa học về ngôn ngữ (và về các ngôn ngữ) quan tâm đến cái liên quan một cách hiển nhiên tới ngôn ngữ, như là văn bản văn chương? Có tự nhiên hay không nếu như văn chương, với tư cách là kỹ thuật của một số dạng thức ngôn ngữ, lại hướng về lý thuyết ngôn ngữ? Có tự nhiên hay không nếu như vào lúc mà ngôn ngữ trở thành mối bận tâm chính của các khoa học nhân văn, của sự phản tư triết học và kinh nghiệm sáng tạo, thì ngôn ngữ học lại soi sáng khoa học văn chương, như nó đã từng soi sáng dân tộc học, phân tâm học, xã hội học các nền văn hoá? Làm thế nào văn chương có thể tách ra khỏi sự bức xạ mà ngôn ngữ học là trung tâm? Có nhất thiết văn chương phải là cái đầu tiên liên thông với ngôn ngữ học hay không?
Điều ngày nay dường như là tự nhiên (ít ra người ta hy vọng như thế) thì trong quá khứ nó từng phải đấu tranh mới giành được. Từ lâu (và có lẽ cho đến ngày nay) đã có những chống đối đối với việc kết hợp ngôn ngữ học và văn chương. Những chống đối này là do cái cương vị của ngành học này hay ngành học khác trong xã hội hiện đại của chúng ta. Một mặt, tác phẩm văn chương, từ lâu và ít ra ở nước Pháp, chủ yếu được giữ lại nhờ nội dung của nó; nếu đòi hỏi (để rút ra những hậu quả của nó) rằng tác phẩm văn chương chủ yếu là ngôn ngữ – điều này xét về chất liệu là điều hiển nhiên – thì đòi hỏi đó được xem như là sự gây ra chủ nghĩa hình thức và sẽ rơi vào sự mất tín nhiệm mà kể từ cái chết của Tu từ học cổ điển, gắn liền với mọi xem xét hơi đậm nét đối với hình thức: định nghĩa văn chương như “thuộc về ngôn ngữ”, chính là xúc phạm giá trị con người (và nhân văn chủ nghĩa), phủ định hay giảm trừ vừa quyền năng hiện thực của nó (được bảo vệ bởi cái lý do (ablili) xã hội, và trong một số trường hợp là lý do xã hội chủ nghĩa), vừa quyền năng thi pháp học của nó (được xem như phụ thuộc vào sự giao tiếp “trực giác”, “cảm tính”). Vì thế từ lâu, người ta đã nhận thấy việc nghiên cứu văn chương (ở Pháp) đã nhường một phần thứ yếu của văn bản, tức “phong cách” hay “ngôn ngữ của nhà văn” cho lĩnh vực bên lề của khoa học về các ngôn ngữ, tức là ngữ văn học. Quả thực, trong cùng thời kỳ đó, bản thân ngôn ngữ học, đặc biệt là ngôn ngữ học lịch sử, so sánh, không hề nghĩ rằng “nội dung” có thể thuộc về ngôn ngữ và rằng khoa học về các dạng thức phát ngôn sẽ có quyền lực nào đó đối với “tư tưởng”, “tình cảm” và “thể loại”. Mặt khác, trên thực tế, bản thân ngôn ngữ học dính chặt hoàn toàn vào hình ảnh ly khai mà văn chương muốn gán cho nó; do lệ thuộc vào cái siêu ngã khoa học rất mạnh, ngôn ngữ học không nhận ra cái quyền xử lý văn chương của mình, bời vì đối với nó, văn chương phần lớn nằm ở bên ngoài ngôn ngữ (mà ở trong cái xã hội, cái lịch sử, cái thẩm mỹ).
Như vậy, muốn gặp nhau, hai ngành học này phải chiến thắng chính mình, đặc biệt là ở Pháp là nơi mà chắc chắn chúng cách biệt nhiều nhất. Sự gần gũi này có lịch sử của nó. Trước hết, chúng ta chỉ chú ý những nét nhấn chính của nó (nhưng không hoàn toàn là những giai đoạn chính).
Trong nhiều thế kỉ, ở phương Tây, từng có một ngành học rộng lớn chịu trách nhiệm xử lý những mối quan hệ giữa tác phẩm và ngôn ngữ: đó là Tu từ học. Nhưng Tu từ học, dù phát triển thế nào đi nữa vẫn không hề có cái đích ngắm khoa học phân tích tính, mang tính phê bình. Trước hết (ở Hy Lạp) nó là một kỹ thuật hùng biện, và tiếp đến, vào thời Trung cổ, nó là yếu tố thuộc ý niệm về thế giới và thuộc lời nói, cuối cùng, vào thời đại cổ điển, trong trạng thái hấp hối, nó là một mã, một tập hợp những quy định kiểm soát sự sáng tạo ra các tác phẩm, chứ không lý giải cấu trúc của chúng. Vì thế, Tu từ học bao giờ cũng là một kết cấu rộng lớn bao gồm những quan hệ của “cái thực tế” và lời nói. Tính chất lâu đời của nó, hơn hai thiên niên kỷ, có cái làm cho sử gia phải kinh ngạc và với cái danh nghĩa kép ấy, nó có quyền được chúng ta quan tâm đến. Và rồi, trên đường đi, Tu từ học đã cập nhật hoá những khái niệm, những cách phân loại, những vấn đề mà thời hiện đại có thể đã và đang lợi dụng. So với khoa học ngôn ngữ học về văn chương, những trực giác của Tu từ học thường rất sâu sắc: nó nhận ra tác phẩm như là đối tượng ngôn ngữ thực sự và bằng cách chế tác ra kỹ thuật sáng tác, nó tất yếu báo trước khoa học về diễn ngôn. Ngày nay nhìn lại, cái gây cản trở nó, đó chính là cái vị trí chuẩn mực của nó: nó là một mã bao gồm các quy tắc dùng đề quan sát hơn là các khái niệm dùng để phân tích.
Như vậy, không phải là nhờ vào Tu từ học xưa cũ (bị tinh thần “hiện đại” kết án từ thế kỉ XVI) mà khoa học về diễn ngôn (thông thường, chúng ta gọi đó là sự kết hợp ngôn ngữ học và văn chương) có thể ra đời – hay, nói một cách cẩn trọng hơn, có thể đòi hỏi được tồn tại. Khoảng trống giữa ngôn ngữ học và văn bản văn chương dường như được tạo nên nhờ vào việc phân tích thông điệp thơ mà xét theo bề ngoài, là cái ngôn ngữ hình thức nhất trong tất cả ngôn ngữ được tạo ra (ít ra, trong nền văn minh của chúng ta, là nơi mà hình thức dạng ngạn ngữ, cách ngôn ít phổ biến). Người ta biết đến vai trò của Roman Jakobson trong cuộc tấn công đó (đừng quên mối liên hệ trước đây của ông với nhóm Hình thức chủ nghĩa Nga, trong đó, mối quan tâm sáng tạo, nói cho đúng, chứ không phải là mối quan tâm khoa học, là rất mạnh – và điều này không phải là vô nghĩa). Từ quan điểm Pháp, cần phải thêm vào đó tác động của những nhà ngữ học khác đã mang lại những khái niệm được nghiên cứu diễn ngôn lợi dụng một cách tự nhiên: đặc biệt Hjemslev với hình thức của nội dung và nghĩa hàm chỉ (connotation), Benveniste với những phản tư về hành động phát ngôn (nhất là của cá nhân) cho thấy rất gần gũi với những tìm tòi của chính các nhà văn. Bởi lẽ, nếu theo tường thuật ban đầu của một cuộc gặp gỡ – và đây không phải là nhận xét nhỏ nhất – tác động của một số nhà văn mà sự phản tư và thực hành của họ đã tạo thành một công việc ngôn ngữ học thực sự: kể từ Mallarmé mà tính chất tinh vi trong cách nhìn của ông đối với ngôn ngữ văn chương ngày nay dường như vẫn còn cần thiết, các nhà văn khác như Valéry, Lautréamont hay Roussel từng đã, hoặc nhấn mạnh bản chất ngôn từ của tác phẩm, hoặc khuynh đảo những điều kiện cho tính khả độc của tác phẩm, một khái niệm ký hiệu học điển hình. Trong những phong cách rất khác nhau và nhờ vào những ý thức hệ đôi khi đối lập nhau, những nhà văn ấy đều đặt ở bình diện thứ nhất, không phải sự sáng tác (như ở thời kỳ của Tu từ học) mà triệt để hơn là quá trình sản sinh văn bản văn chương. Hiện nay, các nhà văn nhóm Tel Quel dẫn đầu hoạt động thực tiễn (viết ra những văn bản) và lý luận (thông báo những sự phát triển của ngôn ngữ học) đáp lại những nỗ lực của các nhà ngữ hoc hướng văn chương và của các nhà phê bình văn chương hướng ngôn ngữ.
*
Những nghiên cứu được trình bày ở đây có thể có một sự thống nhất nào đó về mặt dân tộc. Một số nhà nghiên cứu nước ngoài rất muốn liên kết với chúng ta, đó là không kể đến những nhà khởi xướng vĩ đại như Roman Jakobson và Mikhail Bakhtine mà sự có mặt của họ là điều đặc biệt quý giá đối với chúng ta; nhưng cái chủ yếu vẫn là một công trình Pháp. Chúng ta biết rõ rằng trên thế giới có nhiều nhà nghiên cứu quay về hướng phân tích ngôn ngữ hay lô-gic đối với văn bản văn chương và chúng ta hy vọng sẽ phát triển mối quan hệ công việc với họ ngày càng thường xuyên hơn và ngày càng được tổ chức tốt hơn (đặc biệt theo chiều hướng của các hội nghị và hội thảo mà một số đã được dự kiến). Tuy vậy, tình hình ở Pháp, như người ta đã chỉ ra, có tính chất đặc thù của nó; đó là trái với những gì đã diễn ra ở các nước anglo-saxon và ở Đông Âu, không có chủ nghĩa hình thức dù thuộc bất cứ loại nào có thể phát triển trong các nghiên cứu văn chương; vì truyền thống phê bình Pháp hoàn toàn chỉ hướng đến nội dung, hay nói chính xác hơn, hướng đến thể loại được quan niệm như là những đối tượng lịch sử cần phải tìm hiểu nguồn cội của chúng, chứ không phải như là những đối tượng hình thức cần phải nghiên cứu cấu trúc của chúng. Như vậy, cuộc gặp gỡ với ngôn ngữ học đối với các nhà nghiên cứu Pháp có cái gì đó như là sự giải phóng, và thực ra, đó chính là điều liên kết họ một cách tốt nhất. Cho nên vấn đề là cần phải có một nhóm nghiên cứu trẻ tuổi chủ yếu xuất thân từ Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia (Centre national de la Recherche Scientifique) và Trường thực hành nghiên cứu cao cấp (École Pratique des Hautes Études), liên kết lại trong Trung tâm nghiên cứu các hệ thống giao tiếp đại chúng (Centre d’Étude des Communications de Masse) và Ban ký hiệu-ngôn ngữ học của Phòng Thí nghiệm Nhân chủng học xã hội thuộc Đại học Pháp dưới sự hướng dẫn của A.-J Greimas. Họ sẽ họp thành một ê-kíp chứ không phải thành một trường phái; những đóng góp của họ chủ yếu là những “giấy phép” (working papers), những thời cơ của một nghiên cứu đang được thực hiện và trong trạng thái hiện tại của sự vật, vẫn còn mang nhiều tính cá nhân, do đó, về bản chất là rất đa dạng.
Tính chất đa dạng này không phải là một điều khoản thông thường (clause de style), cũng không phải là nơi cầu nguyện dành cho việc biện minh sự cô độc tương đối của mỗi nhà nghiên cứu; nó là sự biểu đạt nền tảng cho cái cương vị hiện tại của ký hiệu học văn chương. Ký hiệu học văn chương chỉ có thể tiếp tục bằng một công việc biện chứng: nó chỉ có thể hình thành bằng cách chuyển dịch; nó không thể xử lý một đối tượng cụ thể (một văn bản đặc thù) mà, qua đó, không phát ngôn trực tiếp một lý thuyết về nghĩa; nó không thể liên kết ngôn ngữ học với văn chương mà cuối cùng không lật nhào cái tư tưởng cho rằng chúng ta được tạo ra từ ngôn ngữ học và văn chương: nghiên cứu ký hiệu học là đa dạng bởi vì nó đồng thời biểu thị nhiều thời cơ và nhiều hướng đi của cuộc tranh chấp căn bản đó; vận động hợp pháp của nó là chấp nhận trước hết những phạm trù mà nó thừa hưởng từ ngôn ngữ học; rồi do gánh nặng, sự kéo theo của việc phân tích, nó quay đầu chống lại những phạm trù đó, làm chúng phải lung lay và khi đạt đến đó rồi thì dần dần làm lật nhào bức tranh trí thức trong đó chúng ta đã quen với việc xếp đặt những đối tượng chính của văn hoá văn chương. Người ta có thể trải nghiệm sự vận động đó (mà một số thời điểm đã được trình bày ở đây, theo chiều hướng của những đóng góp khác nhau) trên ba chủ đề trong số những chủ đề quan trọng nhất của ký hiệu học văn chương.
Chủ đề thứ nhất là bản thân khuôn mẫu ngôn ngữ học. Mặc dù mỗi nghiên cứu phải sinh ra từ cái khuôn mẫu ấy (cho dù chỉ vay mượn một phần từ vựng của nó), không ai đòi hỏi nó phải trung thành vô điều kiện. Mỗi nghiên cứu có những khoảng cách ít nhiều to lớn của nó. Nhà ký hiệu học phải tôn trọng một đòi hỏi kép về mặt lý thuyết là: một mặt, ông ta phải khẳng định rằng có những hình thức tổng quát chung cho mọi hệ thống nghĩa và do đó, cái mà ngôn ngữ học cập nhật phải được phát hiện, với điều kiện có sự thay đổi cần thiết, ở một cấp độ khác, cấp độ tác phẩm chẳng hạn, bởi vì bản thân tác phẩm là sản phẩm của một quá trình tạo nghĩa; nhưng mặt khác, ông ta phải biết rõ rằng một tổ hợp câu (một diễn ngôn) không phải là phép cộng đơn giản các câu, và do đó, có cái gì đó mới mẻ, độc đáo mặc dù thuộc về ký hiệu học một cách không thể phủ nhận được, đang được thực hiện ngay từ lúc người ta đi từ câu đến diễn ngôn. Như vậy, hạn chế sự chuyên chế (hay uy tín) của khuôn mẫu ngôn ngữ học không phải là một điều khoản bảo vệ[1] hay điều khoản di chuyển[2] đơn giản mà phải là chỉ ra vị trí trung tâm của việc nghiên cứu, là hạn chế phạm vi của một cái gì đó chưa biết và cần phải được phát hiện, là khẳng định rằng cái gì đó đó vừa phụ thuộc lại vừa không phụ thuộc vào ngôn ngữ học, là đòi hỏi một vấn đề có tính biện chứng thực sự đối với di sản khoa học của quá khứ.
Chủ đề thứ hai là chủ đề về các thể loại văn chương. Dường như sẽ rất khó bắt đầu một nghiên cứu ký hiệu học văn chương nếu không quy chiếu ngay từ đầu đến các thể loại truyền thống, bởi vì cần phải làm việc trên một văn bản và không có văn bản nào là không thuộc về một thể loại nào đó. Kết quả là người ta sẽ tìm thấy ở đây những đóng góp hướng về thi pháp học, về sân khấu và về tự sự (những thể loại khác, tất nhiên cũng cần được tiếp cận cùng một tinh thần như vậy). Tuy nhiên, thể loại, cho dù có vẻ như ai cũng nhận biết rồi, ở đây lại không còn được biểu thị như là một phạm trù mỹ học; người ta đưa nó vào trạng thái của một loại diễn ngôn. Cú trượt thứ nhất này rất quan trọng; chẳng hạn nó cho phép một ngày kia sẽ lý giải được một số sản phẩm viết không thuộc vào một thể loại đã được ghi vào danh mục nhưng lại tạo thành, một cách không thể chối cãi, những diễn ngôn đặc biệt, được đánh dấu; đó là những diễn ngôn khoa học, diễn ngôn dạy học, diễn ngôn thánh giáo, v.v. Nói cách khác, khái niệm “diễn ngôn” vượt qua khái niệm “thể loại”, nó cho phép loại bỏ những giới hạn thiết chế của văn chương. Nhưng chưa hết: thể loại ngay từ đầu đã tất yếu bao hàm một thứ chuẩn mực mà người ta tìm cách nhận ra thông qua việc phân tích, sau đó, rời bỏ cách đánh giá các văn bản thực dưới dạng những lệch chuẩn. Quan niệm này không phải là không nguy hiểm. Ở khía cạnh này, khẳng định tính chuẩn mực mang tính người (cho dù có tính hình thức) bao giờ cũng quan trọng; người ta nhận ra điều đó khi quả quyết rằng thi pháp học chỉ là sự lệch chuẩn của ngôn ngữ “hiện hành”, điều này đòi hỏi một tôn ty vừa về mặt xã hội, vừa về mặt cấu trúc của các mã, và do đó, đòi hỏi chủ nghĩa lấy lời nói làm trung tâm (logocentrisme), một quan niệm triết lý có nhiều hệ quả. Ở khía cạnh khác, triển khai phân tích từ một từ (như cách phân tích Thơ, hay cách phân tích Truyện kể) chứa đựng cái nguy cơ duy danh chủ nghĩa: định nghĩa thể loại, cho dù trên thực tế là theo từ điển học, cuối cùng cũng xem như một dữ liệu thực; người ta nhận rõ điều đó với từ “cấu trúc” mà việc định nghĩa “chính xác nhất” lại cho phép tống khứ ra khỏi chủ nghĩa cấu trúc tất cả các nhà cấu trúc luận! Tất cả những điều đó làm cho khái niệm thể loại chỉ có thể chấp nhận được nếu nó bị phá huỷ, bị từ bỏ hay bị chuyển dịch, gần giống như cái cách của một cái giá tên lửa. Sự phân đôi vận hành phân tích tính càng cẩn trọng hơn vì trong sự viện tới cái khuôn mẫu ngôn ngữ học, như ta thấy, có một mưu toan rất mạnh mẽ của phổ quát luận: bởi vì nếu như có những phổ quát ngôn ngữ thì tại sao lại không có những phổ quát của thơ ca, của truyện kể? Chắc chắn sẽ là quá sớm để quả quyết như vậy, và trong trạng thái hiện tại của việc nghiên cứu, định đề phổ quát luận rất phong phú: các thể loại là những xuất phát hữu ích. Muốn bảo vệ sự tự do phân tích, chỉ cần – điều này đã được hầu hết các nhà nghiên cứu thực hiện rồi – định vị tính đặc thù của thể loại, không phải trong những quy tắc sáng tác tổng quát, trong những cấu trúc vĩ mô (theo kiểu thi pháp học của Aristote), mà trong những lược đồ cú pháp sơ cấp: lặp lại/chờ đợi đối với thơ,danh từ/động từ đối với truyện kể. Như thế, thể loại được đồng nhất hoá với một tế bào diễn ngôn chuyên biệt và tế bào này có thể phân chia, quá cảnh qua nhiều tác phẩm khác nhau, thuộc nhiều “thể loại” khác nhau: có thể có “truyện kể” trong bài thơ (thậm chí không phải là tự sự), có thơ trong bài thuyết trình dạy học, có logique học (tam đoạn luận) trong truyện kể, v.v. Nói chung, nhiệm vụ của nghiên cứu ký hiệu học văn chương là xác định kiểu diễn ngôn chứ không phải là kiểu tác phẩm.
Chủ đề tranh cãi thứ ba là do ký hiệu học diễn ngôn đặt ra, đó là Văn bản. Do sự đột khởi của một số nhà văn, như đã nhắc ngay từ đầu, những tác phẩm nổi tiếng “bất khả độc” (Lautréamont, Rousset) dù muốn hay không cũng được đưa vào văn chương; không thể xếp loại theo chuẩn mực truyền thống nhưng lại làm đảo lộn ngay cả những khái niệm thi ca và truyện kể, những tác phẩm ấy hoàn toàn là những văn bản, những sự kiện diễn ngôn đầy đủ mà không thể quy chiếu đến nội dung (tâm lý học, hiện thực chủ nghĩa) hay đến hình thức (trữ tình, thẩm mỹ). Bằng sự tồn tại duy nhất của chúng, trong dòng chảy hàng trăm năm của các tác phẩm văn chương, những văn bản này đã thiết lập một khoảng trống, một sự khác biệt giữa cái hoàn toàn khả độc và cái bất khả độc. Như vậy, tính khả độc của tác phẩm văn chương đã trở thành – hoặc đang trở thành – một phạm trù của hoạt động sản sinh viết, chắc chắn là rất rộng lớn, dựa vào đa số, nhưng về mặt lý thuyết thì lại mang tính tương đối, lịch sử, có thể bị tranh cãi. Như vậy, không còn có thể buộc diễn ngôn văn chương quay trở lại với logic đơn trị, với cú pháp tuyến tính; sự viết (từ nay đối lập với văn chương) bao hàm những logic mới thích hơp cho việc lý giải những đứt gãy và không gian của nó, bởi vì, trong một số trường hợp, nó không còn là “sự xâu chuỗi”, không còn là “hình tuyến” nữa, và do đó, các khuôn mẫu ngôn ngữ học bị xa lánh, phải kêu gọi thay thế bằng các khuôn mẫu mang tính toán học hơn.
*
Một vài chấn động nói trên, tuy còn phôi thai trong bản tường trình các công trình cụ thể, bề ngoài có tính chất dương cực, có thể nói vẫn nằm ở những mức độ khuynh loát rất đa dạng mà sự khác biệt của chúng có thể xem như là những bất đồng thực sự giữa những nhà nghiên cứu gắn kết với nhau qua một ngôn ngữ chung: người thì tìm cách suy xét cẩn thận hình ảnh tâm lý của văn chương, người thì làm suy mòn sự phân loại quen thuộc các tác phẩm, người thì công khai cáo giác những khái niệm quan trọng nổi tiếng của văn chương. Lợi ích sâu xa và cho dù là sau cùng của ký hiệu học văn chương thật ra, theo ý tôi, không phải là làm phong phú khoa học ngôn ngữ hay phê bình văn chương bằng một lĩnh vực mới, cũng không phải là làm thoả mãn cái huyền thoại hiện tại về “sự liên ngành”: vấn đề không phải là làm cho các ngành học liên thông với nhau, vấn đề là biến đổi chúng, là chuyển di hình ảnh mà ta có về ngôn ngữ học và văn chương, nếu cần, hạ cấp cả hai xuống hàng những hệ thống lỗi thời về mặt lịch sử, mà sự chuyển hoá của chúng dường như chỉ mới bắt đầu. Thật vậy, rất có thể ngôn ngữ học, chói sáng ngay từ lúc nó được vinh danh như là khuôn mẫu đầu tiên trong các khuôn mẫu, dường như dần dần biến thành một khoa học gắn bó về mặt lịch sử với một đối tượng nào đó cũng có tính lịch sử: đó là lời nói. Nhưng kể từ khi người ta nhận thấy rằng sự viết không thể chỉ là sự “ghi lại” đơn giản lời nói (cần phải chuyển dẫn đến những công trình của Jacques Derrida), ngôn ngữ học không bao giờ tạo nên sự khác biệt nên có nguy cơ bị chiếm đóng ở một khoa học thuần tuý về giao tiếp lời nói, chứ không phải về những bản ghi lại. Mặt khác, rất có thể văn chương, bất chấp tàn tích của nó trong nền văn hoá đại chúng, dần dần sẽ bị lao động của các nhà văn tước đi cái cương vị truyền thống của nghệ thuật hiện thực hay biểu cảm, nó thực hiện sự huỷ diệt riêng của nó để tái sinh dưới những loại khác nhau của sự viết, không còn gắn chặt vào ấn phẩm mà sẽ được hình thành bằng mọi công trình, mọi thực tiễn ghi lại. Văn bản sẽ làm cho ngôn ngữ học lạc hậu, cũng giống như ngôn ngữ học đang làm tác phẩm lạc hâu. Nghĩa là những công trình được trình bày ở đây, mà mỗi công trình là một thời cơ trong tương quan với công trình bên cạnh của nó, đến lượt mình và trong tổng thể của chúng, chỉ hình thành điểm xuất phát của sự biến đổi mà phần cốt yếu của nền văn hoá chúng ta được đưa vào trong đó.
Lý Thơ Phúc dịch
[1] Nguyên văn: clause de prudence. Từ này thuộc lĩnh vực pháp lý, tương đương với “clause de sauvegarde” có nghĩa là điều khoản có thể vi phạm tạm thời một phần hay toàn bộ.
[2] Nguyên văn: clause de distance. Từ này cũng thuộc lĩnh vực pháp lý, tương đương với “clause de mobilité” có nghĩa là điều khoản quy định sự thay đổi địa điểm làm việc của người lao động.
Roland Barthes dùng từ này cùng với từ “clause de prudence” trên đây có lẽ theo lối ẩn dụ để chỉ sự có thể thay đổi, có thể vi phạm. (LTP)
Nguồn: Linguistique et littérature của Roland Barthes in trong Langages, 3e année, n°12, 1968. pp. 3-8 (Trong Tạp chíLangages, năm thứ 3, số 12, 1968, từ trang 3-8).
Nguồn: http://phebinhvanhoc.com.vn/ngon-ngu-hoc-va-van-chuong/