Dịch thuật

Chúng ta sống trong ẩn dụ (Metophor we live by) - Phần 2


14-10-2020
Tác giả: George Lakoff & Mark Johnson

Phần 2 giới thiệu một số loại ẩn dụ được phát triển trên nền tảng những kinh nghiệm của con người: về định hướng không gian (ẩn dụ định hướng); về các vật thể vật chất, đặc biệt là chính thân thể của con người (ẩn dụ bản thể,với trường hợp đặc biệt là nhân hoá). Giống như ẩn dụ, hoán dụ cũng phục vụ chức năng nhận thức chứ không đơn thuần là một phép tu từ hay một phương thức quy chiếu. Các ẩn dụ và hoán dụ này kết hợp với nhau trong một hệ thống mạch lạc, là phương tiện biểu hiện cơ chế nhận thức của con người.

Chúng ta sống trong ẩn dụ (Metaphor we live by) – phần 2

(Tác giả: George Lakoff & Mark Johnson)

 

6Ẩn dụ bản thể 

Thực thể và các ẩn dụ vật chất

Các định hướng không gian như lên-xuống, trước-sau, trung tâm-ngoại vi, và gần-xa đã cung cấp một nền tảng cực kì phong phú để hiểu các ý niệm trong các thuật ngữ định hướng. Song chúng cũng có giới hạn. Kinh nghiệm về các vật thể vật chất và các loại vật chất cung cấp cho chúng ta một nền tảng sâu hơn nữa cho sự nhận thức - một sự nhận thức vượt ngoài sự định hướng đơn thuần. Việc nhận thức các kinh nghiệm thông qua các vật thể và các chất cho phép chúng ta chọn ra các phần của kinh nghiệm và xem xét chúng như những thực thể riêng biệt hoặc các chất của một loại thống nhất. Một khi có thể nhận diện được những kinh nghiệm như những vật thể hay chất, ta có thể quy tập, phân loại chúng, nhóm chúng lại, định lượng, và suy luận về chúng.

Khi những thứ không được tách biệt hoặc giới hạn rõ ràng, ví dụ, dãy núi, góc phố, hàng rào, v.v. chúng ta vẫn có thể phân loại chúng như vậy được. Các cách thức xem xét các hiện tượng vật chất như vậy là cần thiết để đáp ứng những mục đích nhất định mà chúng ta có: xác định vị trí dãy núi, hẹn gặp ở các góc phố, cắt tỉa hàng rào. Tính mục đích của con người thường đòi hỏi chúng ta áp đặt những ranh giới nhân tạo để tách riêng các hiện tượng vật chất, để chúng giống như chúng ta: được bao quanh bởi một bề mặt.

Cũng như việc các kinh nghiệm nền tảng về định hướng không gian của con người đem lại sự phát triển các ẩn dụ định hướng, những kinh nghiệm của chúng ta với các vật thể vật chất (đặc biệt là chính thân thể của chúng ta) đã cung cấp nền tảng cho một lượng cực kì lớn những ẩn dụ bản thể, tức là những cách thức nhìn nhận các sự kiện, các hoạt động, cảm xúc, ý tưởng, v.v, như là các vật thể và các chất.

Các ẩn dụ bản thể phục vụ những mục đích khác nhau, và những loại ẩn dụ khác nhau phản ánh các mục đích khác nhau. Hãy lấy ví dụ kinh nghiệm về việc giá cả tăng cao, cái có thể được nhìn nhận một cách ẩn dụ như một thực thể thông qua danh từ lạm phát. Điều này đem lại cho chúng ta một cách để đề cập tới kinh nghiệm:

LẠM PHÁT LÀ MỘT THỰC THỂ

Lạm phát đang làm giảm mức sống của chúng ta.

Nếu lạm phát tăng hơn nữa thì chúng ta sẽ không bao giờ còn tồn tại.

Chúng ta cần chiến đấu với lạm phát.

Lạm phát đang dồn chúng ta vào chân tường.

Lạm phát đang thu các khoản thuế của nó tại các quầy tính tiền và các cây xăng.

Mua đất là cách tốt nhất đối phó với lạm phát.

Lạm phát làm tôi phát ốm.

Trong những trường hợp này, nhìn nhận lạm phát như một thực thể cho phép chúng ta đề cập tới nó, định lượng và xác định một khía cạnh cụ thể của nó, xem nó như một nguyên nhân, hành động với sự lưu tâm tới nó, và thậm chí có lẽ tin tưởng rằng chúng ta hiểu nó. Các ẩn dụ bản thể như thế này là cần thiết cho ngay cả những cố gắng để đối phó một cách hợp lý với những kinh nghiệm của chúng ta.

Phạm vi của các ẩn dụ bản thể mà chúng ta sử dụng cho những mục đích như thế là rất lớn. Danh sách dưới đây đem lại một vài ý tưởng về các loại mục đích, kèm theo đó là các ví dụ đại diện của các ẩn dụ bản thể phục vụ chúng.

Đề cập

Nỗi sợ hãi côn trùng của tôi làm vợ tôi phát điên.

Đó là một cú bắt bóng đẹp.

Chúng tôi đang hoạt động hướng tới hòa bình.

Tầng lớp trung lưu là lực lượng ngầm đầy quyền lực trong nền chính trị Mỹ.

Danh dự của đất nước tôi đặt cược trong cuộc chiến tranh này.

Định lượng

Cần rất nhiều kiên nhẫn để hoàn thành cuốn sách này.

Có quá nhiều hận thù trong thế giới.

DuPont đã có rất nhiều quyền lực chính trị tại Delaware.

Trong bạn có quá nhiều lòng hận thù.

Pete Rose có nhiều chiêu trò và kĩ năng bóng chày.

Nhận diện các khía cạnh

Mặt xấu của nhân cách anh ta đã bộc lộ ra dưới áp lực.

Sự tàn bạo của chiến tranh đã phi nhân tính hóa tất cả chúng ta.

Tôi không thể theo kịp nhịp sống hiện đại.

Sức khỏe tinh thần của ông ấy gần đây giảm sút.

Chúng tôi đã không bao giờ thấy sự rộn ràng của chiến thắng ở Việt Nam.

Nhận diện nguyên nhân

Áp lực trách nhiệm đã gây ra thất bại của anh ta.

Anh ta làm nó hết (ra khỏi) giận dữ.

Ảnh hưởng của chúng ta trong thế giới đã bị khước từ bởi sự thiếu đạo đức.

Bất đồng nội bộ làm họ mất giải thưởng.

Thiết lập các mục tiêu và Thúc đẩy các hành động

Anh ta tới New York để kiếm tìm danh vọng và sự giàu có.

Đây là những điều bạn phải làm để đảm bảo an ninh tài chính.

Tôi đang thay đổi cách sống để có thể tìm thấy hạnh phúc đích thực.

FBI sẽ hành động nhanh chóng khi đối mặt với mối đe dọa an ninh quốc gia.

Cô ta thấy việc kết hôn là giải pháp cho các vấn đề của cô.

Như trong trường hợp của các ẩn dụ định hướng, tính ẩn dụ của hầu hết các biểu thức này không được nhận biết. Một lí do là các các ẩn dụ bản thể này, giống như các ẩn dụ định hướng, phục vụ một phạm vi rất hạn chế các mục đích - đề cập, định lượng, v.v. Chỉ đơn thuần xem xét một điều phi vật thể như một thực thể hay một chất thì không cho phép chúng ta hiểu nhiều về nó. Nhưng các ẩn dụ bản thể có thể giúp ta nhiều hơn. Sau đây là hai ví dụ về cách thức mà ẩn dụ bản thể TINH THẦN LÀ MỘT VẬT THỂ được tạo ra trong văn hóa của chúng ta.

TINH THẦN LÀ MỘT CÁI MÁY

Chúng tôi vẫn đang cố gắng đưa ra (xay nghiền - grind) cách giải cho phương trình này.

Tinh thần tôi ngày hôm nay không hoạt động.

Cậu nhóc, nó đang bắt đầu diễn ra kìa! (thành ngữ wheels are turning)

Hôm nay tôi hơi mệt mỏi (han gỉ - rusty).

Chúng ta đã làm việc với vấn đề này cả ngày và bây giờ chúng ta đang cạn kiệt sức lực (out of steam).

TINH THẦN LÀ MỘT VẬT DỄ VỠ

Cái tôi của cô ta rất mong manh.

Bạn phải đối xử cẩn trọng với anh ta kể từ sau cái chết của vợ anh ta.

Anh ta đã suy sụp (broke) sau cuộc thẩm vấn.

Cô ta dễ dàng bị đè nén.

Trải nghiệm làm anh ta đổ vỡ.

Tôi đang tan ra thành từng mảnh.

Tâm trí ông ta bị gãy nứt.

Các ẩn dụ này chỉ rõ các loại vật thể khác nhau. Chúng đem lại cho ta những mô hình ẩn dụ khác nhau cho tâm trí, và đo đó cho phép chúng ta tập trung vào những khía cạnh khác nhau của kinh nghiệm tinh thần. Ẩn dụ CÁI MÁY đem lại cho chúng ta một quan niệm về Tinh thần như là có một trạng thái mở-tắt, một mức hiệu suất, một năng lực sản xuất, một cơ cấu nội bộ, một nguồn năng lượng, và một điều kiện hoạt động. Còn ẩn dụ VẬT DỄ VỠ thì không phong phú bằng. Nó chỉ cho phép chúng ta nói về sức khỏe tâm lý mà thôi. Tuy nhiên có một loạt các kinh nghiệm tinh thần có thể được nhận thức thông qua các ẩn dụ khác. Các ví dụ chúng ta có là:

Anh ta gục ngã (broke down). (TINH THẦN LÀ MỘT CÁI MÁY)

Anh ta suy sụp (cracked up). (TINH THẦN LÀ MỘT VẬT DỄ VỠ)

Nhưng hai ẩn dụ này không tập trung chính xác vào cùng khía cạnh của kinh nghiệm tinh thần. Khi một cái máy hỏng, nó đơn thuần chấm dứt hoạt động. Khi một vật dễ vỡ bị vỡ tan, các mảnh của nó văng ra, mà hậu quả có thể là nguy hiểm. Bởi vậy, ví dụ, khi một người nào đó trở nên tức giận, hoang dại, hung bạo, thì nói “He cracked up” là thích hợp hơn. Mặt khác, nếu một người rơi vào tình trạng hôn mê và không thể hoạt động vì những lí do tâm lý tinh thần, chúng ta sẽ có nhiều khả năng để nói “He broke down”.

Những ẩn dụ bản thể như vậy rất tự nhiên và phổ biến trong tư duy của ta đến nỗi nó được coi là hiển nhiên, là mô tả trực tiếp của các hiện tượng tinh thần. Sự thật là chúng không bao giờ thể hiện tính ẩn dụ với tất cả chúng ta. Chúng ta thử lấy một phát biểu như “He cracked under pressure” (Anh ta bị tổn thương - đổ vỡ - dưới áp lực) như là phát biểu chân-ngụy trực tiếp. Biểu thức này trong thực tế đã được sử dụng bởi rất nhiều các nhà báo khác nhau để giải thích lý do tại sao Dan White lại mang súng tới Hội sảnh thành phố San Francisco và bắn chết George Moscone. Những giải thích này dường như là hoàn toàn tự nhiên với hầu hết chúng ta. Lý do là: các ẩn dụ như TINH THẦN LÀ MỘT VẬT DỄ VỠ là một phần không thể tách rời trong mô hình tinh thần của chúng ta thuộc nền văn hóa này; nó là mô hình của hầu hết chúng ta khi suy nghĩ và hành động thông qua nó.

 

Ẩn dụ vật chứa

Các vùng đất

 

Chúng ta là những tồn tại vật chất, bị giới hạn và được làm nổi bật so với phần còn lại của thế giới bởi bề mặt da của chúng ta, và chúng ta trải nghiệm phần còn lại của thế giới như là phần bên ngoài chúng ta. Mỗi chúng ta là một vật chứa với một bề mặt ranh giới và một sự định hướng trong-ngoài. Chúng ta phóng chiếu sự định hướng trong-ngoài của chính chúng ta lên các vật thể vật chất khác cũng được bao bọc bởi các bề mặt. Do vậy chúng ta cũng nhìn nhận chúng như những vật chứa với phần bên trong và bên ngoài. Các căn phòng và các ngôi nhà rõ ràng là các vật chứa. Di chuyển từ một căn phòng sang một căn phòng khác, tức là đi ra khỏi một căn phòng và sau đó đi vào một căn phòng khác, là di chuyển từ vật chứa này sang vật chứa khác. Chúng ta thậm chí có thể áp sự định hướng này cho những vật thể rắn, như khi chúng ta đập vỡ một tảng đá để xem có gì trong đó. Chúng ta cũng áp đặt sự định hướng này vào môi trường tự nhiên của chúng ta như vậy. Một khoảng rừng thưa được xem như là có một bề mặt bao bọc, và chúng ta có thể tự nhìn nhận là mình đang đứng trong hay ngoài khoảng rừng thưa, trong hay ngoài khu rừng. Một khoảng rừng thưa có một vài điểm mà chúng ta nhận thức nó như là một ranh giới tự nhiên - cái khoảng không gian thưa thớt, nơi mà cây cối bắt đầu dừng mọc nhiều hay ít và nơi khoảng trống bắt đầu nhiều hay ít. Nhưng ngay cả những nơi không có các ranh giới vật chất tự nhiên thì cũng được nhìn nhận như xác định một vật chứa, chúng ta áp đặt các ranh giới - đánh dấu lãnh thổ để nó có một phần bên trong và một phần ranh giới bề mặt - hoặc một bức tường, một hàng rào, một ranh giới hay một mặt phẳng trừu tượng. Lãnh thổ là một trong số ít những bản năng cơ bản nhất cả con người. Và việc xác định một lãnh thổ, đặt một ranh giới quanh nó như vậy là một hành vi định lượng.

Những vật thể được bao bọc, bất kể loài người hay các tảng đá, hay các vùng đất đều có những kích cỡ. Điều này cho phép chúng được định lượng thông qua lượng vật chất mà chúng chứa đựng. Kansas, ví dụ, là một vùng đất được bao bọc - một VẬT CHỨA - là giải thích cho tại sao chúng ta lại nói “có rất nhiều đất trong vùng Kansas”.

Các chất, tự chúng có thể được xem là những vật chứa. Lấy một cái bồn tắm làm ví dụ. Khi bạn vào trong bồn, là bạn vào trong nước. Cả bồn và nước được xem như những vật chứa, nhưng là hai loại khác nhau. Cái bồn là một VẬT THỂ CHỨA trong khi nước lại là một CHẤT CHỨA.

Trường nhìn (Thị giác)

Chúng ta ý niệm hóa trường nhìn của chúng ta như một vật chứa và ý niệm hóa những gì chúng ta nhìn thấy như những vật ở trong nó. Ngay cả khái niệm “trường nhìn” cũng cho thấy điều này. Ẩn dụ là một điều tự nhiên nảy sinh từ thực tế rằng khi nhìn một vùng lãnh thổ (đất đai, sàn nhà, v.v), tầm nhìn của bạn xác định một ranh giới của lãnh thổ, cụ thể là phần mà bạn có thể nhìn. Cho rằng một khoảng không gian vật chất được bao bọc là một VẬT CHỨA và tầm nhìn của chúng ta có tương quan với khoảng không gian vật chất được bao bọc này, ý niệm mang tính ẩn dụ TRƯỜNG NHÌN LÀ VẬT CHỨA xuất hiện một cách tự nhiên. Do vậy chúng ta có thể nói:

Con tàu đang đi vào tầm nhìn.

Tôi đã có anh ta trong tầm nhìn.

Tôi không thể nhìn thấy anh ta - cái cây nằm chắn lối.

Anh ta đã ra khỏi tầm nhìn.

Nó đang ở trong trung tâm tầm nhìn của tôi.

Không có gì trong tầm nhìn cả.

Tôi không thể có tất cả các con tàu trong tầm nhìn cùng một lúc được.

Các Sự kiện, Hành động, Hoạt động, Trạng thái

Chúng ta sử dụng các ẩn dụ bản thể để nhận thức các sự kiện, hành động, hoạt động, trạng thái. Các sự kiện, các hành động được ý niệm hóa một cách ẩn dụ như là các vật thể, các hoạt động là các chất và các trạng thái là các vật chứa. Một cuộc đua, ví dụ, là một sự kiện, được nhìn nhận như một thực thể riêng biệt. Cuộc đua tồn tại trong thời gian và không gian, và có các ranh giới rõ ràng. Do vậy chúng ta có thể xem nó như một VẬT THỂ VẬT CHỨA, có trong nó những người tham gia (các vật thể), các sự kiện như bắt đầu và kết thúc (những vật thể ẩn dụ), và hoạt động chạy đua (vật chất mang tính ẩn dụ). Vì vậy chúng ta có thể nói về một cuộc đua:

Bạn có mặt trong cuộc đua vào hôm chủ nhật chứ? (cuộc đua là Vật thể vật chứa)

Bạn sẽ đi tới cuộc đua ngựa chứ? (cuộc đua là Vật thể)

Bạn có nhìn thấy cuộc đua không? (cuộc đua là Vật thể)

Kết thúc của cuộc đua rất thú vị (kết thúc như là Vật thể sự kiện ở trong Vật thể vật chứa)

Có rất nhiều pha vượt đuổi thú vị trong cuộc đua. (sự chạy đua như là một Chất trong Vật chứa)

Tôi không thể chạy nước rút nhiều cho tới cuối cuộc đua. (chạy nước rút như là một Chất)

Tới nửa chừng cuộc đua thì tôi kiệt sức. (cuộc đua là Vật thể Vật chứa)

Bây giờ thì anh ấy đã bị loại khỏi cuộc đua. (cuộc đua là Vật chứa)

Các hoạt động nói chung được nhìn nhận một cách ẩn dụ như là những Chất và do đó là các Vật chứa:

Trong khi lau cửa sổ, tôi đã làm văng nước ra khắp sàn nhà.

Làm thế nào mà Jerry tránh được việc lau cửa sổ vậy?

Ngoài việc lau dọn cửa sổ bạn còn làm gì nữa không?

Bạn đã lau dọn cửa sổ được bao nhiêu rồi?

Làm thế nào mà bạn nhận được việc lau dọn cửa sổ như một nghề vậy?

Bây giờ anh ta đắm mình trong việc lau dọn cửa sổ.

Như vậy các hoạt động được xem như là các vật chứa cho các hành động và các hoạt động khác cấu tạo nên chúng. Chúng cũng được xem như là các vật chứa cho các năng lượng và vật liệu cần thiết cho chúng và cho các sản phẩm phụ của chúng, những thứ được coi là nằm ở trong chúng hoặc là như đang hiện ra từ chúng:

Tôi đã đặt rất nhiều sức lực vào việc lau dọn cửa sổ.

Tôi nhận được rất nhiều sự thoải mái từ việc lau dọn cửa sổ.

Lau dọn cửa sổ là công việc có rất nhiều sự thoải mái.

Rất nhiều loại trạng thái khác nhau cũng được ý niệm hóa như là những vật chứa. Bởi vậy mà chúng ta có những ví dụ như:

Anh ấy đang yêu. (in love)

Chúng tôi thoát khỏi rắc rối. (out of trouble)

Ông ta ra khỏi tình trạng hôn mê.

Anh ta bước vào trạng thái hưng phấn.

Ông ta rơi vào trầm cảm.

Cuối cùng anh ta đã thoát ra khỏi tình trạng rối loạn tâm lý mà anh ta mắc phải kể từ cuối tuần chót.

7Nhân hóa

Có lẽ những ẩn dụ bản thể rõ ràng nhất là những ẩn dụ mà ở đó vật thể vật chất được định rõ như một con người. Điều này cho phép chúng ta lĩnh hội một phạm vi lớn các kinh nghiệm với các vật thể phi nhân tính trong mối liên hệ với các động cơ, các đặc điểm và các hoạt động của con người. Đây là một số ví dụ:

Lý thuyết của ông ta giải thích cho tôi hành vi của những con gà được nuôi trong các nhà máy.

Những lập luận thực tế này chống lại các lý thuyết chuẩn.

Cuộc sống đã lừa dối tôi.

Lạm phát đã ăn phạm vào lợi nhuận của chúng tôi.

Tôn giáo của ông ta nói với ông ta rằng ông ta không thể uống những loại rượu Pháp tốt.

Thí nghiệm Michelson - Morley đã sinh ra một lý thuyết vật lý mới.

Bệnh ung thư cuối cùng đã bắt kịp anh ta.

Trong mỗi trường hợp này chúng ta thấy những thứ không phải con người như là con người. Nhưng sự nhân hóa không phải là một quá trình hợp nhất chung chung đơn giản. Mỗi sự nhân cách hóa là khác nhau trong sự liên hệ với những khía cạnh của con người được chọn ra. Hãy xem xét những ví dụ sau:

Lạm phát đã tấn công nền tảng kinh tế của chúng ta.

Lạm phát đã ghìm chặt chúng ta vào chân tường.

Kẻ thù lớn nhất của chúng ta bây giờ là lạm phát.

Đồng đô-la đã bị hủy hoại bởi lạm phát.

Lạm phát đã cướp đoạt tiền tiết kiệm của tôi.

Lạm phát đã đánh lừa những đầu óc kinh tế giỏi nhất trong nước.

Lạm phát đã sinh ra một thế hệ thích-tiền.

Ở đây lạm phát được nhân hóa, nhưng ẩn dụ không đơn thuần là LẠM PHÁT LÀ MỘT NGƯỜI. Nó rõ ràng hơn nhiều, cụ thể, LẠM PHÁT LÀ MỘT KẺ THÙ. Nó không chỉ đem lại cho ta một cách thức rất cụ thể để suy nghĩ về lạm phát mà còn là một cách để hành động với nó. Chúng ta nghĩ lạm phát như một kẻ thù có thể tấn công ta, làm ta bị thương, ăn cắp của chúng ta, thậm chí hủy diệt ta. Ẩn dụ LẠM PHÁT LÀ MỘT KẺ THÙ do đó đem lại sự phát sinh và biện hộ cho những động thái kinh tế và chính trị của chính phủ: tuyên chiến với lạm phát, thiết lập các mục tiêu, kêu gọi sự hi sinh, thiết lập một chuỗi lệnh mới, v.v.

Vấn đề ở đây là sự nhân hóa này là một phạm trù chung bao gồm một phạm vi rất rộng lớn các ẩn dụ, mỗi ẩn dụ chọn ra những khía cạnh khác nhau của một con người hoặc là những cách nhìn nhận con người. Những thứ mà tất cả chúng chia sẻ với nhau là những phần mở rộng của các ẩn dụ bản thể và do vậy chúng cho phép ta tạo ra những ý nghĩa của các hiện tượng trong thế giới trong các thuật ngữ của con người, những thuật ngữ mà chúng ta có thể hiểu dựa trên những động cơ, mục đích, hành động và đặc điểm của chính chúng ta. Việc xem xét một cái gì đó trừu tượng, như Lạm phát, trong các thuật ngữ con người có một sức mạnh giải thích cho cái phần có ý nghĩa chung với hầu hết mọi người. Khi chúng ta phải chịu những tổn thất kinh tế thực sự gây ra bởi những yếu tố kinh tế và chính trị phức tạp mà không ai thực sự hiểu được thì ẩn dụ LẠM PHÁT LÀ MỘT KẺ THÙ ít nhất cũng đem lại cho chúng ta một sự giải thích mạch lạc cho lý do tại sao chúng ta phải chịu đựng những tổn thất này.

8Hoán dụ

         Trong những trường hợp nhân hóa đã xem xét, chúng ta quy những phẩm chất người cho những thứ không phải là con người - các lý thuyết, bệnh tật, lạm phát, v.v. Trong những trường hợp như vậy không có những con người thực tế được quy chiếu đến. Khi nói “lạm phát đã cướp đoạt tiền tiết kiệm của tôi”, chúng ta không sử dụng thuật ngữ “lạm phát” để ám chỉ tới một người. Các trường hợp như thế này cần phải được phân biệt với những trường hợp như:

Sandwich giăm bông đang đợi hóa đơn.

nơi mà biểu thức “sandwich giăm bông” được sử dụng để ám chỉ tới một người thực sự, người đặt hàng bánh sandwich giăm bông. Những trường hợp như vậy không phải là những trường hợp của ẩn dụ nhân hóa, vì chúng ta không hiểu “bánh sandwich giăm bông” bằng cách quy cho nó những phẩm chất người. Thay vào đó chúng ta sử dụng một vật thể để nói đến một vật thể khác có liên quan với nó. Đây là một trường hợp của cái mà chúng ta gọi là hoán dụ. Đây là một số ví dụ bổ sung:

Anh ta thích đọc Marquis de Sade (= những tác phẩm của Marquis).

Anh ta nhảy. (= nghề nghiệp khiêu vũ)

Acrylic tiếp quản thế giới nghệ thuật. (= việc sử dụng tranh Acrylic)

The Times vẫn chưa tới cuộc họp báo. (= phóng viên của The Times)

Bà Murphy khó chịu với đám quần xanh. (= những người mặc quần xanh)

Gạt nước kính chắn gió mới sẽ làm hài lòng anh ta. (= tình trạng có cần gạt nước mới)

Chúng tôi cũng đang kể đến cái mà các nhà tu từ học truyền thống gọi là phép chuyển nghĩa (synecdoche), khi mà bộ phận sẽ đại diện cho toàn bộ, như trong ví dụ sau:

BỘ PHẬN CHO TOÀN THỂ

Ô tô làm tắc nghẽn đường cao tốc của chúng ta. (= tập hợp những ô tô)

Chúng ta cần một cặp thân thể khỏe mạnh cho đội. (= người khỏe mạnh)

Có rất nhiều những cái đầu tốt trong trường đại học. (= người thông minh)

Tôi có một trục bánh xe mới. (= ô tô, xe máy, v.v.)

Chúng ta cần thêm máu mới cho tổ chức. (= người mới)

Trong những trường hợp này, như những trường hợp khác của hoán dụ, một thực thể được sử dụng để nói đến một thực thể khác. Ẩn dụ và hoán dụ là những loại quá trình khác nhau. Ẩn dụ chủ yếu là một cách nhận thức một cái này thông qua một cái khác và chức năng chính của nó là nhận thức. Trong khi đó, hoán dụ trước hết có một chức năng quy chiếu, có nghĩa là, nó cho phép chúng ta sử dụng một thực thể để đại diện cho một thực thể khác. Nhưng hoán dụ không đơn thuần là một phương thức quy chiếu. Nó cũng phục vụ chức năng nhận thức. Ví dụ trong hoán dụ BỘ PHẬN CHO TOÀN THỂ, có rất nhiều bộ phận có thể đại diện cho toàn thể. Phần chúng ta chọn ra quyết định khía cạnh nào của toàn thể mà chúng ta tập trung vào. Khi chúng ta nói rằng chúng ta cần một vài cái đầu tốt cho chương trình, chúng ta sử dụng “những cái đầu tốt” để nói tới “những người thông minh”. Vấn đề không chỉ là sử dụng một bộ phận (cái đầu) để đại diện cho toàn thể (con người) mà hơn thế là chọn ra một đặc điểm đặc biệt của con người, cụ thể là sự thông minh, liên đới với đầu. Điều tương tự cũng đúng với những loại hoán dụ khác. Khi chúng ta nói “The Times vẫn chưa tới cuộc họp báo”, chúng ta dùng “The Times” không đơn thuần chỉ là ám chỉ tới một vài phóng viên hay ai đó khác mà còn gợi ra tầm quan trọng của cơ quan mà phóng viên làm đại diện. Cho nên “The Times vẫn chưa tới cuộc họp báo” có một vài ý nghĩa khác so với “Steve Roberts vẫn chưa tới cuộc họp báo”, cho dù Steve Roberts có thể là phóng viên của The Times trong câu hỏi.

Vì vậy hoán dụ phục vụ một số mục đích tương tự như ẩn dụ, và phần nào bằng cách thức tương tự, nhưng nó còn cho phép chúng ta tập trung cụ thể hơn vào một vài khía cạnh chính của những điều được quy chiếu tới. Nó cũng giống như ẩn dụ ở chỗ không chỉ là một phương thức thi ca hay hùng biện. Cũng không phải chỉ là vấn đề của ngôn ngữ. Những ý niệm có tính hoán dụ (như BỘ PHẬN CHO TOÀN THỂ) là một phần của cách thức thông thường và hàng ngày để chúng ta hành động cũng như nói chuyện.

Ví dụ, chúng ta có trong hệ thống ý niệm của mình một trường hợp đặc biệt của hoán dụ BỘ PHẬN CHO TOÀN BỘ, cụ thể là KHUÔN MẶT CHO MỘT NGƯỜI. Ví dụ:

Cô ấy có một khuôn mặt xinh xắn.

Có một số lượng khủng khiếp những khuôn mặt của khán giả ở ngoài kia.

Chúng ta cần vài gương mặt mới ở quanh đây.

Hoán dụ này hành chức một cách tích cực trong nền văn hóa của chúng ta. Truyền thống của nghệ thuật chân dung, bao gồm cả tranh vẽ và ảnh chụp, là dựa trên điều này. Nếu bạn đề nghị tôi cho bạn xem một bức ảnh con trai tôi và tôi cho bạn xem bức ảnh khuôn mặt của con trai tôi, bạn sẽ hài lòng. Bạn sẽ tự coi như là đã nhìn một bức ảnh của con tôi. Nhưng nếu tôi cho bạn xem một bức ảnh thân hình của nó mà không có khuôn mặt, bạn sẽ thấy rất lạ và sẽ không hài lòng. Thậm chí bạn sẽ hỏi “Nhưng con anh trông như thế nào?”. Như vậy hoán dụ KHUÔN MẶT CHO MỘT NGƯỜI không chỉ đơn thuần là một vấn đề của ngôn ngữ. Trong nền văn hóa của chúng ta, chúng ta nhìn vào gương mặt một người - hơn là nhìn vào tư thế hay vận động của anh ta - để có được thông tin cơ bản xem anh ta trông như thế nào. Chúng ta hoạt động thông qua một hoán dụ khi chúng ta nhận thức một người qua khuôn mặt anh ta và hành động dựa trên những nhận thức đó.

Giống như các ẩn dụ, các hoán dụ không phải là những sự kiện ngẫu nhiên hay tùy ý, bị coi như những trường hợp cá biệt cô lập. Các ý niệm hoán dụ cũng có tính hệ thống, như có thể thấy trong những ví dụ điển hình tồn tại trong văn hóa của chúng ta dưới đây.

BỘ PHẬN CHO TOÀN THẺ

Đem mông của mày lại đây!

Chúng tôi không thuê tóc dài.

Gia đình Giant cần một cánh tay khỏe mạnh hơn cho cánh đồng bên phải.

Chúng tôi có một cái bốn-bánh V8 mới.

NGƯỜI SẢN XUẤT CHO SẢN PHẨM

Tôi có một cái Lohrenbrc.

Anh ta đã mua một cái Ford.

Anh ta có một Picasso trong phòng.

Tôi ghét đọc Heidegger.

VẬT THỂ ĐƯỢC SỬ DỤNG CHO NGƯỜI SỬ DỤNG

Hôm nay búa (búa của thợ lợp ngói acdoa) bị ốm.

BLT là một tipper tệ hại.

Tay súng hắn thuê đã đòi 5 nghìn đô.

Những xe buýt đang đình công.

 

NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN CHO CÁI BỊ ĐIỀU KHIỂN

Nixon đã ném bom Hà Nội.

Tối qua Ozawa đã đem tới một buổi hòa nhạc tệ hại.

Napoleon đã thua ở Waterloo.

Casey Stengel đã giành được rất nhiều giải.

 Chiếc Mercedes tông vào đằng sau tôi.

TỔ CHỨC CHO NHỮNG NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM

Exxon lại tăng giá trở lại.

Bạn sẽ không bao giờ được trường đồng ý điều này.

Quân đội muốn thiết lập lại chế độ quân dịch.

Thượng viện cho rằng phá thai là vô đạo đức.

Tôi không bằng lòng với những động thái của chính phủ.

ĐỊA ĐIỂM CHO TỔ CHỨC

Nhà Trắng vẫn chưa phát biểu bất cứ điều gì.

Washington không nhạy cảm với những nhu cầu của người dân.

Điện Kremlin đã đe dọa tẩy chay vòng tiếp theo của đàm phán SALT.

Paris đang giới thiệu váy dài cho mùa này.

Hollywood không còn như trước đây.

Phố Wall đang hoang mang.

 

ĐỊA ĐIỂM CHO SỰ KIỆN

Chúng ta hãy đừng để Thái Lan trở thành một Việt Nam nữa.

Hãy nhớ Alamo.

Trân Châu Cảng vẫn còn ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của chúng tôi.

Watergate làm  thay đổi chính sách của chúng ta.

Đã có một Grand Central Station  ở đây suốt cả ngày.

Những ý niệm hoán dụ như thế này có tính hệ thống trong cùng một cách thức với những ý niệm ẩn dụ. Các câu đã dẫn ở trên không phải là ngẫu nhiên. Chúng là những trường hợp của một số ý niệm hoán dụ nói chung nào đó mà thông qua đó chúng ta tổ chức tư duy và hành động. Các ý niệm hoán dụ cho phép chúng ta ý niệm hóa một điều bằng những ý nghĩa của sự liên quan của nó tới một điều nào đó khác. Khi chúng ta nghĩ về một (bức tranh của) Picasso, chúng ta không chỉ nghĩ riêng về một tác phẩm nghệ thuật đơn lẻ, trong và về chính nó. Chúng ta nghĩ về nó thông qua mối liên hệ của nó với người nghệ sĩ, cụ thể là quan niệm nghệ thuật, kĩ thuật của ông ta, vai trò của ông ta trong lịch sử nghệ thuật, v.v. Chúng ta hành xử tôn kính với một tác phẩm của Picasso, thậm chí một bức phác họa của ông về một đứa bé, vì những mối liên quan của nó với nghệ sĩ. Đây là một cách mà trong đó hoán dụ NGƯỜI SẢN XUẤT (ĐẠI DIỆN) CHO SẢN PHẨM ảnh hưởng tới chúng ta về cả suy nghĩ và hành động. Tương tự như vậy, khi một phục vụ bàn nói “Bánh sandwich giăm bông đang đợi thanh toán”, cô ta không quan tâm tới một người như là một con người mà chỉ như là một khách hàng, là lý do tại sao việc sử dụng một câu như vậy sẽ làm mất đi “tính người”. Bản thân Nixxon có thể không trực tiếp thả bom xuống Hà Nội, nhưng thông qua hoán dụ NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN CHO NGƯỜI BỊ ĐIỀU KHIỂN chúng ta không chỉ nói “Nixxon đã thả bom Hà Nội” mà còn nghĩ về ông ta như là thực hiện hành động đánh bom và cho rằng ông ta có trách nhiệm với việc ấy. Một lần nữa điều này là có thể vì tính tự nhiên của mối quan hệ hoán dụ trong hoán dụ NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN CHO NGƯỜI BỊ ĐIỀU KHIỂN, nơi mà trách nhiệm là điều được chú ý.

Như vậy, giống như ẩn dụ, các ý niệm hoán dụ cấu trúc không những ngôn ngữ mà còn cả tư duy, thái độ và hành động của chúng ta. Và giống như các ý niệm ẩn dụ, các ý niệm hoán dụ được truyền thụ vào kinh nghiệm của chúng ta. Trong thực tế, sự truyền thụ các ý niệm hoán dụ nói chung là rõ ràng hơn nhiều so với các ý niệm ẩn dụ, vì nó thường bao gồm những sự liên kết vật chất trực tiếp hoặc nhân quả. Hoán dụ BỘ PHẬN CHO TOÀN THỂ, ví dụ, nảy sinh từ kinh nghiệm của chúng ta với cách thức những bộ phận nói chung liên kết với toàn thể. NGƯỜI SẢN XUẤT CHO SẢN PHẨM dựa trên mối quan hệ nhân quả (và quan hệ vật chất đặc trưng) giữa một người sản xuất và sản phẩm của anh ta. ĐỊA ĐIỂM CHO SỰ KIỆN được truyền thụ vào kinh nghiệm của chúng ta với địa điểm địa lý của các sự kiện. Vân vân.

Các biểu tượng văn hóa và tôn giáo là những trường hợp đặc biệt của hoán dụ. Trong Kitô giáo có hoán dụ CHIM BỒ CÂU TRẮNG (ĐẠI DIỆN) CHO LINH HỒN THÁNH THẦN. Như là điển hình của các hoán dụ, biểu tượng này không phải là tùy tiện. Nó dựa trên quan niệm về bồ câu trong văn hóa phương Tây và quan niệm về linh hồn thần thánh trong thần học Kitô giáo. Có một lý do để tại sao bồ câu trắng chứ không phải gà, kền kền, hay đà điểu là biểu tượng của linh hồn thần thánh. Bồ câu trắng được nhận thức là đẹp, thân thiện, hiền lành, và trên tất cả là hòa bình. Là một con chim, môi trường sống tự nhiên của nó là bầu trời, nơi được đại diện một cách hoán dụ cho thiên đường, nơi của linh hồn thần thánh. Bồ câu là một loại chim bay trang nhã, lướt đi một cách lặng lẽ, và thường thấy bay ra khỏi bầu trời và hạ cánh xuống giữa loài người.

Các hệ thống ý niệm của các nền văn hóa và tôn giáo có tính ẩn dụ tự nhiên. Các hoán dụ có tính biểu tượng là những liên kết quan trọng giữa kinh nghiệm sống hàng ngày và các hệ thống ẩn dụ mạch lạc biểu thị đặc điểm các tôn giáo và văn hóa. Các hoán dụ có tính biểu tượng được dựa trên kinh nghiệm vật chất của chúng ta cung cấp một phương tiện thiết yếu cho việc thấu hiểu các khái niệm tôn giáo và văn hóa.

9. Những thách thức với mạch lạc ẩn dụ

Chúng ta đã đưa ra những bằng chứng chứng minh rằng các ẩn dụ và hoán dụ không phải là ngẫu nhiên, mà thay vào đó hình thành nên các hệ thống mạch lạc, thông qua đó chúng ta ý niệm hóa kinh nghiệm của mình. Nhưng cũng dễ dàng tìm thấy những phần rời rạc bề ngoài trong các biểu thức ẩn dụ hàng ngày. Chúng tôi không thực hiện nghiên cứu đầy đủ về những trường hợp này, nhưng những gì mà chúng ta đã nghiên cứu kĩ lưỡng lại không hề rời rạc chút nào, mặc dù ban đầu mới nhìn qua thì sẽ có cảm giác như vậy. Hãy xem xét hai ví dụ.

 

Một mâu thuẫn ẩn dụ bề ngoài

Charles Fillmore đã nhận xét (trong giao tiếp) rằng tiếng Anh dường như có hai sự tổ chức thời gian mâu thuẫn nhau. Đầu tiên, tương lai là ở trước và quá khứ là ở phía sau:

Trong những tuần phía trước chúng ta… (tương lai).

Đó là tất cả những gì ở đằng sau chúng ta bây giờ. (quá khứ)

Trong cách thứ hai, tương lai lại ở phía sau và quá khứ ở phía trước:

Trong những tuần tiếp sau đây… (tương lai).

Trong những tuần trước đây… (quá khứ)

Điều này có vẻ như là một mâu thuẫn trong việc tổ chức thời gian mang tính ẩn dụ. Hơn nữa, những ẩn dụ dường như mâu thuẫn lại có thể hòa trộn dễ dàng như trong:

Chúng tôi đang hướng về (ahead - phía trước) những tuần kế sau (following).

Ở đây dường như  “ahead” tổ chức tương lai ở phía trước chúng ta, trong khi “following” lại tổ chức thời gian ở phía sau.

Để thấy rằng, trong thực tế, có một mạch lạc ở đây, đầu tiên chúng ta phải xem xét một vài thực tế về sự tổ chức định hướng trước-sau. Một vài thứ, giống như xe hơi và con người, vốn tự thân có những mặt trước và mặt sau, nhưng những thứ khác, như cái cây, thì lại không. Một tảng đá có thể nhận được một sự tổ chức trước-sau trong những hoàn cảnh nhất định. Giả sử bạn đang nhìn một tảng đá cỡ vừa và có một quả bóng giữa bạn và tảng đá, cách tảng đá một foot. Vậy thì là hợp lý khi bạn nói “Quả bóng ở phía trước tảng đá”. Tảng đá đã nhận được một sự định hướng trước-sau, như thể nó có một mặt đối diện với bạn. Điều này không phổ quát. Có những ngôn ngữ - chẳng hạn tiếng Hausa, trong đó tảng đá sẽ nhận được sự định hướng ngược lại và bạn sẽ phải nói rằng quả bóng ở đằng sau tảng đá nếu nó ở giữa bạn và tảng đá.

Những vật thể di động nói chung nhận được một sự định hướng trước-sau với mặt trước là ở hướng chuyển động (hoặc là hướng tiêu chuẩn của chuyển động, cho nên một cái xe hơi đi lùi vẫn giữ lại mặt phía trước của nó). Một vệ tinh hình cầu, ví dụ, không có mặt trước trong khi vẫn đứng yên, và sẽ có một mặt trước trong quỹ đạo nhờ hướng chuyển động.

Ngày nay, thời gian trong tiếng Anh được cấu trúc thông qua ẩn dụ THỜI GIAN LÀ MỘT VẬT DI CHUYỂN, với tương lai di chuyển về phía chúng ta:

Thời gian sẽ đến khi mà…

Thời gian đã qua đi khá lâu kể từ khi mà…

Thời điểm hành động đã tới.

Cách ngôn “thời gian bay vụt” là một ví dụ cho ẩn dụ THỜI GIAN LÀ MỘT VẬT DI CHUYỂN. Vì chúng ta đối mặt về phía trước với tương lai, ta có:

Xảy đến trong những tuần phía trước…

Tôi đang mong đợi lễ Giáng sinh đến.

Trước mắt chúng ta là một cơ hội tuyệt vời, và chúng ta không muốn nó vuột qua.

Bởi hiệu lực của ẩn dụ THỜI GIAN LÀ MỘT VẬT DI CHUYỂN, thời gian nhận được một sự định hướng trước-sau trong hướng chuyển động, cũng giống như bất kì đối tượng vận động nào. Vì vậy tương lai quay mặt về phía chúng ta như thể nó đang di chuyển về phía chúng ta, và chúng ta nhận được những biểu thức như:

Tôi không thể đối mặt với tương lai.

Bộ mặt của những điều sẽ xảy đến…

Chúng ta hãy lao thẳng về phía tương lai.

Bây giờ, trong khi các biểu thức giống như trước mặt chúng ta, tôi trông đợi (nhìn về phía trước), và đằng trước chúng ta định hướng thời gian đối với con người, các biểu thức trước đó, theo sau thì định hướng thời gian đối với thời gian. Vì vậy chúng ta có:

Tuần tới  tuần kế sau đó. (next week and the week following it)

mà không nói: 

Tuần theo sau tôi… (the week following me)

Vì thời gian tương lai đối diện với chúng ta, những thời gian theo sau chúng lại càng xa hơn nữa trong tương lai, và tất cả thời gian tương lai đều theo sau hiện tại. Đó là lí do tại sao những tuần tiếp theo sau (weeks to follow) cũng giống với những tuần ở phía trước chúng ta (week ahead of us).

Điểm cốt yếu của ví dụ này không đơn thuần là chỉ ra sự vắng mặt của mâu thuẫn mà còn cho ta thấy những chi tiết tinh tế bao hàm trong đó: ẩn dụ THỜI GIAN LÀ MỘT VẬT DI CHUYỂN, sự định hướng mặt trước-mặt sau được đem lại cho thời gian là nhờ việc nó được quan sát như một vật di chuyển, và sự áp dụng nhất quán của những từ như theo sau, trước đó, và đối diện cho thời gian là dựa trên cơ sở của ẩn dụ. Tất cả những cấu trúc ẩn dụ thống nhất đã được nghiên cứu tỉ mỉ này là một phần của ngôn ngữ thường ngày được chúng ta sử dụng để nói về thời gian, nó đã quá quen thuộc đến nỗi chúng ta thường không nhận thấy nó.

Mạch lạc chống lại sự nhất quán

Chúng ta đã chỉ ra rằng ẩn dụ THỜI GIAN LÀ MỘT VẬT DI CHUYỂN có một sự nhất quán nội tại. Nhưng chúng ta có một cách khác để ý niệm hóa sự trôi đi của thời gian:

THỜI GIAN ĐỨNG YÊN VÀ CHÚNG TA DI CHUYỂN QUA NÓ

Trong khi chúng ta trải qua những năm đó, …

Khi chúng ta tiến vào sâu hơn những năm 1980, …

Chúng ta đang tiến đến gần thời điểm cuối năm.

Những gì chúng ta có ở đây là hai trường hợp nhỏ của THỜI GIAN VƯỢT QUA CHÚNG TA: trong một trường hợp, chúng ta di chuyển và thời gian vẫn đứng yên; trường hợp còn lại, thời gian di chuyển và chúng ta thì lại đứng yên. Điểm chung là chuyển động tương đối đối với chúng ta, với tương lai ở phía trước và quá khứ ở phía sau. Tức là, chúng là hai trường hợp nhỏ của cùng một ẩn dụ, như được chỉ ra trong sơ đồ kèm theo.

Đây là một cách khác để nói rằng chúng có một sự kế thừa chung quan trọng. Cả hai ẩn dụ giả định rằng, từ điểm nhìn của chúng ta, thời gian đi qua ta từ phía trước ra phía sau.

Mặc dù hai ẩn dụ không nhất quán (có nghĩa là chúng không tạo thành hình ảnh đơn nhất), dù sao chúng cũng “ăn khớp với nhau”, do cùng là những phạm trù dưới bậc của một phạm trù chính, và do đó chia sẻ một sự kế thừa chung quan trọng. Có một sự khác biệt giữa những ẩn dụ mạch lạc và những ẩn dụ nhất quán. Chúng tôi nhận thấy rằng những mối liên hệ giữa các ẩn dụ có lẽ là mạch lạc hơn là nhất quán.

Một ví dụ khác, hãy để chúng tôi dẫn ra một ẩn dụ khác:

TÌNH YÊU LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH

Hãy nhìn xem chúng ta đã đi được bao xa.

Chúng ta đang ở ngã tư.

Chúng ta sẽ phải đi những con đường riêng.

Chúng ta không quay ngựa lúc này được.

Tôi không nghĩ mối quan hệ này sẽ đi tới bất cứ đâu cả.

Chúng ta đang ở đâu? Chúng ta đang bị mắc kẹt.

Nó là một con đường dài và quanh co.

Mối quan hệ này là một con đường cụt.

Chúng tôi vừa xoay tay lái của mình.

Cuộc hôn nhân của chúng tôi va vào đá. (on the rocks)

Chúng tôi vừa trật khỏi đường đi.

Mối quan hệ này đang sụt lở.

Ở đây ẩn dụ cơ bản là CUỘC HÀNH TRÌNH, và có nhiều loại hành trình khác nhau mà một người có thể thực hiện: một cuộc dạo chơi bằng xe hơi, bằng tàu hỏa, hay một chuyến đi biển.

  

Một lần nữa, không có một hình ảnh nhất quán đơn nhất nào phù hợp với tất cả các ẩn dụ HÀNH TRÌNH. Những gì làm chúng mạch lạc là: tất cả chúng đều là những ẩn dụ hành trình, mặc dù chúng xác định những phương tiện di chuyển khác nhau. Điều tương tự cũng xảy ra với ẩn dụ THỜI GIAN LÀ MỘT VẬT DI CHUYỂN, nơi mà một số vật gì đó có thể di chuyển theo nhiều cách thức khác nhau. Vì vậy, thời gian bay, thời gian trườn đi, thời gian chạy vụt,… Nói chung, những ý niệm ẩn dụ được xác định không thông qua những hình ảnh cụ thể (bay, trườn, xuống đường, v.v) mà thông những phạm trù phổ quát hơn, như phạm trù trôi qua.

10. Một vài ví dụ bổ sung

Chúng ta đã xác nhận rằng ẩn dụ cấu trúc một phần những ý niệm hàng ngày của chúng ta và rằng những cấu trúc này được phản ánh trong ngôn ngữ trực nghĩa (được sử dụng theo nghĩa đen) của chúng ta. Trước khi có thể có một cái nhìn tổng thể về những mối quan hệ triết học của những khẳng định này, chúng ta cần có thêm một vài ví dụ. Trong mỗi trường hợp sau đây chúng tôi sẽ đưa ra một ẩn dụ và một danh sách của những biểu thức thông thường là những trường hợp đặc biệt của ẩn dụ. Các biểu thức tiếng Anh có hai phần: những biểu thức trực nghĩa đơn giản, và những thành ngữ phù hợp với ẩn dụ và là một phần của những cách thức thông thường hàng ngày khi nói về chủ đề.

HỌC THUYẾT (và LÝ LẼ) LÀ TÒA NHÀ

Đó có phải là nền tảng trong học thuyết của anh không? Học thuyết cần nhiều chống đỡ hơn. Lý lẽ bị lung lay. Chúng ta cần thêm vài điều thực tế hơn hoặc là lý lẽ sẽ đổ vỡ. Chúng ta cần xây dựng những lý lẽ mạnh cho điều này. Chúng ta vẫn chưa hình dung ra được cái gì sẽ hình thành nên lập luận. Chúng ta cần chống đỡ học thuyết bằng nhiều luận cứ chắc chắn hơn. Học thuyết sẽ đứng vững trên sức mạnh của lý lẽ đó. Lý lẽ bị sụp đổ. Họ đập tan học thuyết cuối cùng của anh ta. Chúng tôi sẽ chỉ ra rằng học thuyết đó là không có nền tảng. Cho tới nay chúng ta mới chỉ đặt cạnh nhau những khung sườn của học thuyết.

 

Ý TƯỞNG LÀ THỨC ĂN

Những điều anh ta nói đã để lại một mùi vị tồi tệ trong miệng tôi. Tất cả những tờ báo này chứa trong nó những sự kiện thô, những ý tưởng chưa chín kĩ, những học thuyết có hại. Có quá nhiều sự kiện ở đây để tôi có thể tiêu hóa hết chúng. Tôi chẳng thể nuốt trôi cái đòi hỏi đó. Cái lập luận đó có mùi tanh. Để tôi ninh nấu điều đó một chút đã. Bây giờ có một học thuyết mà bạn có thể thực sự cắn ngập răng vào. Chúng tôi cần để cho ý tưởng này thẩm thấu một chút. Đó là món ăn tinh thần. Anh ta là một người đọc tham ăn. Chúng ta không cần nhồi nhét cho sinh viên của mình. Anh ta ngấu nghiến cuốn sách. Hãy ninh nhỏ lửa ý tưởng đó trên lò một chút. Đây là phần thịt của bài báo. Hãy để ý tưởng đó đông đặc lại một chút. Ý tưởng đó đã được ủ men trong nhiều năm.

Với sự lưu tâm tới cuộc sống và cái chết, Ý TƯỞNG LÀ SINH VẬT, hoặc là CON NGƯỜI, hoặc là CÂY CỐI.

Ý TƯỞNG LÀ CON NGƯỜI

Thuyết tương đối đã cho ra đời một số lượng khổng lồ những ý tưởng trong vật lý. Ông ấy là cha đẻ của sinh học hiện đại. Đứa con trí tuệ ấy là của ai? Hãy nhìn vào những ý tưởng mà ông ấy đã sinh ra. Những ý tưởng ấy đã chết dần chết mòn trong thời Trung cổ. Những ý tưởng của ông ấy sẽ sống mãi. Tâm lý học tri nhận vẫn trong giai đoạn thơ ấu của nó. Đó là một ý tưởng cần được phục sinh. Bạn đã đào lên cái ý tưởng ấy ở đâu vậy? Ông ấy đã thổi hơi thở cuộc sống mới vào ý tưởng đó.

Ý TƯỞNG LÀ CÂY CỐI

Ý tưởng của ông ấy cuối cùng đã kết trái. Cái ý tưởng đó đã chết héo trên cây (die on the vine). Đó là một học thuyết mới chớm nở. Phải mất nhiều năm để ý tưởng đó có thể thu hoạch hoa trái được. Ông ta coi hóa học đơn thuần chỉ là một nhánh của vật lý. Toán học có rất nhiều phân nhánh. Những hạt giống ý tưởng của ông ấy đã được gieo trồng ngay từ hồi trẻ. Cô ấy có một sức tưởng tượng màu mỡ. Đây là một ý tưởng mà tôi muốn gieo trồng nó vào trong đầu bạn. Anh ta có một trí tuệ khô cằn.

Ý TƯỞNG LÀ SẢN PHẨM

Chúng tôi thực sự đang sản xuất ra những ý tưởng mới. Chúng tôi đã tạo ra được rất nhiều ý tưởng trong tuần này. Ông ấy đã sản xuất những ý tưởng mới với một tốc độ đáng kinh ngạc. Năng suất trí tuệ của ông ấy đã giảm sút trong những năm gần đây. Chúng ta cần loại bỏ những cạnh thô nhám của ý tưởng đó, mài giũa và giải quyết nó. Nó là một ý tưởng thô và cần được tinh chế.

Ý TƯỞNG LÀ MẶT HÀNG

Điều quan trọng là bạn đóng gói ý tưởng của mình như thế nào. Ông ta sẽ không mua ý tưởng đó đâu. Ý tưởng đó sẽ không được bán đi. Luôn có một thị trường cho những ý tưởng tốt. Đó là một ý tưởng vô giá trị. Anh ta là một nguồn của những ý tưởng có giá. Tôi sẽ trả một xu nào cho cái ý tưởng đó. Những ý tưởng của bạn không có cơ hội trên thị trường trí tuệ.

Ý TƯỞNG LÀ TÀI NGUYÊN

Ông ta đã hết ý tưởng. Đừng lãng phí tư tưởng của bạn vào những vấn đề nhỏ nhặt. Hãy cùng góp chung ý tưởng. Anh ta là một người nhiều tài xoay xở. Chúng tôi đã sử dụng hết những ý tưởng của mình. Đó là một ý tưởng vô dụng. Ý tưởng đó sẽ phải đi một chặng đường dài.

Ý TƯỞNG LÀ TIỀN

Để tôi đưa ra ý kiến đã nào (my two cents). Anh ta rất giàu ý tưởng. Quyển sách đó là một kho tàng các ý tưởng. Anh ta có một sự giàu có về ý tưởng.

Ý TƯỞNG LÀ DỤNG CỤ CẮT

Đó là một ý tưởng sắc bén. Điều đó đã cắt thẳng vào trung tâm của vấn đề. Đó là một nhận xét sắc bén. Anh ta sắc sảo. Anh ta có một trí tuệ sắc như dao cạo. Cô ta đã cắt lý lẽ của anh ta ra nhiều mảnh.

Ý TƯỞNG LÀ THỜI TRANG

Ý tưởng đó đã thoát ra khỏi phong cách của nhiều năm trước. Tôi nghe tin về sinh học xã hội học trong những ngày này. Chủ nghĩa Mác hiện nay đang là mốt ở tây Âu. Ý tưởng đó là một cái mũ cũ kĩ. Đó là một ý tưởng lỗi thờiXu hướng mới của phê bình Anh là gì? Những khái niệm lỗi thời không có chỗ trong xã hội ngày nay. Anh ta giữ việc cập nhật bằng cách đọc Điểm sách New York. Berkeley là một trung tâm của tư tưởng tiền phong. Kí hiệu học trở nên khá là sang trọng. Ý tưởng của cuộc cách mạng không còn thịnh hành ở Mỹ nữa. Ngữ pháp cải biến làm mê cuồng Mỹ vào giữa những năm 60 và vừa tạo ra điều ấy với châu Âu.

HIỂU BIẾT ĐƯỢC NHÌN THẤY, Ý TƯỞNG LÀ NGUỒN SÁNG, BÀI LUẬN LÀ MỘT PHƯƠNG TIỆN SÁNG

Tôi nhìn thấy những gì bạn đang nói. Nó trông có vẻ khác so với quan điểm của tôi. Triển vọng của bạn trên điều đó là gì? Tôi nhìn nhận nó một cách khác hẳn. Bây giờ tôi đã có một bức tranh toàn cảnh. Hãy để tôi chỉ ra một vài điều cho bạn. Đó là một ý tưởng sáng suốt. Đó là một nhận xét sáng chói. Luận điểm rõ ràng. Đó là một cuộc thảo luận u ám. Anh có thể làm sáng tỏ nhận xét của mình? Đó là một lập luận minh bạch. Cuộc thảo luận tối tăm.

TÌNH YÊU LÀ MỘT LỰC VẬT LÝ (ĐIỆN TỬ, HẤP DẪN, v.v)

Anh có thể cảm thấy điện lực giữa chúng mình. Đã có những tia lửa. Tôi đã bị cô ta hút như nam châm. Họ không thể kiểm soát sự thu hút nhau. Họ hút nhau ngay lập tức. Toàn bộ cuộc đời anh ta xoay quanh cô ấy. Khí quyển xung quanh họ luôn luôn được nạp đầy. Có một năng lượng đáng kinh ngạc trong mối quan hệ của họ. Họ đã đánh mất động lượng (đà) của mình.

TÌNH YÊU LÀ MỘT BỆNH NHÂN

Đó là một mối quan hệ ốm yếu. Họ có một cuộc hôn nhân khỏe khoắn và lành mạnh. Cuộc hôn nhân đã chết, nó không thể hồi sinh. Cuộc hôn nhân của họ đang được hàn gắn (bình phục). Chúng tôi đang quay trở lại bằng bàn chân của chúng tôi. Mối quan hệ của họ trong một sắc thái cực kì tốt. Họ đã có một cuộc hôn nhân thờ ơ (bơ phờ). Cuộc hôn nhân của họ đứng trên những cái chân cuối cùng. Đó là một chuyện yêu đương mệt mỏi.

TÌNH YÊU LÀ SỰ ĐIÊN RỒ.

Tôi phát điên vì cô ấy. Anh ta không ngừng nói say sưa diên dại về cô ấy. Anh ta đã phát điên bởi cô ấy. Tôi chỉ điên cuồng vì Harry. Tôi đang mất trí vì cô ấy.

TÌNH YÊU LÀ ĐIỀU KÌ DIỆU

Cô ta ném bùa vào tôi. Điều kì diệu đã biến mất. Tôi đã say mê. Cô ấy đã thôi miên tôi. Anh ta làm tôi rơi vào hôn mê. Tôi đã bị anh ta mê hoặc. Tôi đã bị cô ta bỏ bùa. Cô ta đang bỏ bùa mê.

TÌNH YÊU LÀ CHIẾN TRANH

Anh ta được biết đến bởi nhiều cuộc chinh phục chớp nhoáng của mình. Cô ta đã chiến đấu vì anh, nhưng tình nhân của anh ấy đã thắng (iron out). Anh ta chạy trốn sự theo đuổi của cô. Cô ta không ngừng theo đuổi anh chàng. Anh ta đang từ từ tiến lại gần cô gái. Anh ta đã thắng cô ấy trong cuộc kết hôn. Anh ta đã khuất phục được cô gái. Cô gái bị bao vây bởi những kẻ cầu hôn. Anh ta phải chống lại bọn cầu hôn đó. Anh ta đã tranh thủ được sự viện trợ của bạn bè cô gái. Anh ta đã làm đồng minh với mẹ cô gái. Cuộc kết hôn của họ là không tương xứng.

SỰ GIÀU CÓ LÀ MỘT ĐỐI TƯỢNG ẨN GIẤU

Anh ta đang đi tìm kiếm tài sản của mình. Anh ta đang phô trương sự giàu có mới của mình. Anh ta là kẻ săn lùng tài sản. Cô ta là một kẻ-đào-vàng. Anh ta đã đánh mất tài sản. Anh ta đang kiếm tìm sự giàu có.

QUAN TRỌNG LÀ TO LỚN

Ông ấy là một người đàn ông to lớn của ngành công nghiệp may mặc. Ông ta là người khổng lồ trong số các nhà văn. Đó là ý tưởng quảng cáo lớn nhất trong nhiều năm. Ông ta là đầu và đôi vai trên tất cả mọi người trong ngành công nghiệp. Đó chỉ là một tội ác nhỏ. Tôi đã bàng hoàng trước tính tàn bạo của tội ác. Đó là một trong những khoảnh khắc vĩ đại nhất trong lịch sử của World Series. Tài năng của ông ta thấp kém hơn những người bé nhỏ hơn ông ta.

NHÌN LÀ CHẠM VÀO, MẮT LÀ CHÂN TAY

Tôi không thể rời mắt khỏi cô ta. Anh ta ngồi với đôi mắt dán vào tivi. Đôi mắt cô ta chọn ra từng chi tiết của mô hình. Đôi mắt họ gặp nhau. Cô ấy không dời mắt khỏi gương mặt anh chàng. Cô ấy lướt mắt khắp lượt mọi thứ trong phòng. Anh ấy muốn mọi thứ trong tầm với của mắt.

MẮT LÀ VẬT CHỨA CHO NHỮNG CẢM XÚC

Tôi có thể nhìn thấy sự sợ hãi trong mắt cô ta. Đôi mắt anh ta tràn đầy giận dữ. Có sự đam mê trong mắt cô ta. Đôi mắt anh ấy thể hiện sự đam mê. Cô ấy không thể rũ bỏ sự sợ hãi khỏi mắt mình. Tình yêu hiển hiện trong mắt anh ta. Mắt cô ấy tuôn tràn cảm xúc

TÁC ĐỘNG TÌNH CẢM LÀ TIẾP XÚC VẬT LÝ

Cái chết của bà mẹ làm anh ta đông cứng lại. Ý tưởng đó đã đánh ngã tôi. Cô ta là một cú nốc-ao. Tôi đã bị tấn công (struck) bởi sự chân thành của anh ta. Điều đó đã thực sự gây ấn tượng với tôi. Ông ấy đã tạo ra thương hiệu của mình trên thế giới. Tôi đã bị nhận xét của anh ta làm xúc động. Điều đó đã thổi bay tôi.

NHỮNG TRẠNG THÁI VẬT LÝ VÀ TINH THẦN LÀ NHỮNG THỰC THỂ BÊN TRONG MỘT NGƯỜI

Anh ta có một vết đau ở vai (in shoulder). Đừng mang bệnh cúm lại cho tôi. Cái lạnh trong tôi đi từ đầu tới ngực. Những nỗi đau của anh ấy đã đi xa. Sự chán chường của anh ấy quay trở lại. Trà nóng và mật ong sẽ đẩy cái ho ra khỏi cơ thể bạn. Rõ ràng anh ta nén lại niềm vui. Hãy lau sạch sự khinh bỉ ấy khỏi mặt cậu đi. Những nỗi sợ của anh ấy quay trở lại. Tôi đã có thể rũ bỏ sự chán chường - nó lại vẫn đeo bám. Nếu bị lạnh, uống thật nhiều trà sẽ tống lạnh ra khỏi cơ thể bạn. Không có một dấu vết của sự hèn nhát trong anh ta. Anh ta chẳng có một chút lương thiện nào trong mình.

SỨC SỐNG LÀ MỘT CHẤT

Cô ấy đang tràn ngập sức sống và sự mạnh mẽ. Cô ấy tràn đầy sức sống. Anh ta trống rỗng năng lượng. Vào cuối ngày tôi chẳng còn lại tí sức lực nào. Tôi kiệt sức. Điều đó đã lấy đi rất nhiều sức lực của tôi.

CUỘC SỐNG LÀ MỘT VẬT CHỨA

Tôi đã có một cuộc sống tràn đầy. Cuộc đời anh ta trống rỗngKhông còn lại gì nhiều cho anh ta trong cuộc sống. Cuộc sống của cô ấy bị nhồi nhét với biết bao hoạt động. Hãy lấy những điều tốt đẹp nhất ra từ cuộc sống. Cuộc sống anh ta chứa đựng rất nhiều nỗi buồn. Hãy sống cuộc sống của bạn tràn đầy nhất.

CUỘC ĐỜI LÀ MỘT TRÒ CỜ BẠC

Tôi sẽ lấy những cơ hội của tôiTỉ lệ cược chống lại tôi. Tôi có quân át chủ bài. Anh ta nắm giữ mọi quân bài. Nó là một trò sấp ngửa. Nếu bạn chơi đúng nước đi của mình, bạn có thể làm được điều đó. Anh ta đã thắng lớn. Anh ta là một kẻ thất bại thực sự. Anh ta ở đâu khi những thẻ bạc mất? Đó là quân át chủ bài của tôi (ace in the hole). Anh ta đang bị lừa gạt. Tổng thống đang chơi bài ngầm (close to his vest). Đặt cược lớn hơn nào. Có lẽ chúng ta nên tăng tiền cược (sweeten the pot). Tôi nghĩ chúng ta nên kiên định ý tưởng (stand pat). Đó là cơ may của số phận. Những cái đó là tiền cược cao.

Trong nhóm ví dụ cuối chúng ta có một tập hợp những thứ chúng ta gọi là “công thức hội thoại”, hoặc “những biểu thức ngôn ngữ cố định” hay “những từ vựng thành ngữ”. Chúng có chức năng như của các từ, và ngôn ngữ có hàng ngàn những thứ như thế. Trong những ví dụ đã được đưa ra, một tập hợp của những từ vựng thành ngữ như vậy được cấu trúc một cách mạch lạc bởi một ý niệm ẩn dụ đơn nhất. Mặc dù mỗi trong số chúng là một trường hợp đặc biệt của ẩn dụ CUỘC ĐỜI LÀ MỘT TRÒ CỜ BẠC, chúng thường được sử dụng để nói trong cuộc sống, chứ không phải là các tình huống cờ bạc. Đó là những cách thức thông thường để nói về những tình huống cuộc sống, như việc sử dụng từ “cấu trúc” là một cách thức thông thường để nói về các lý thuyết. Trong ý nghĩa này mà chúng ta bao gộp chúng vào trong những gì mà chúng ta gọi là những biểu thức ngôn ngữ thông thường được cấu trúc bởi những ý niệm ẩn dụ. Nếu bạn nói “tỉ lệ đặt ược chống lại tôi” hoặc “chúng tôi phải nắm bắt lấy cơ hội của mình”, bạn sẽ không được coi như là đang nói một cách ẩn dụ mà là đang sử dụng ngôn ngữ hàng ngày bình thường phù hợp với tình hình. Tuy nhiên, cách bạn nói, nhận thức, và thậm chí cả sự trải nghiệm những tình huống của bạn cũng sẽ được cấu trúc một cách ẩn dụ.

Người dịch: Tạ Thành Tấn

Nguồn: Lakoff G. & Johnson M., Metaphor We Live By, The University of Chicago Press, London, 2003. p. 25-51

Post by: Vu Nguyen HNUE
14-10-2020