Ẩn dụ không chỉ là một đặc tính của tự thân ngôn ngữ mà còn thâm nhập trong cuộc sống hàng ngày. Hệ thống ý niệm thông thường của chúng ta, thông qua đó chúng ta tư duy và hành động, về cơ bản là có tính ẩn dụ. Bản trích dịch giới thiệu quan niệm của George Lakoff & Mark Johnson về ẩn dụ ý niệm.
1. Chúng ta sống trong những ý niệm
Đối với hầu hết mọi người, ẩn dụ là một phương tiện của tưởng tượng thi ca và hoa mĩ tu từ - một vấn đề của loại ngôn ngữ đặc biệt hơn là của ngôn ngữ bình thường. Hơn nữa, ẩn dụ thường được coi là một đặc tính của tự thân ngôn ngữ, một vấn đề của từ ngữ chứ không liên quan gì tới tư duy hay hành động. Bởi lí do này, hầu hết mọi người nghĩ họ có thể sống ổn thỏa mà không cần tới ẩn dụ. Ngược lại chúng tôi thấy rằng ẩn dụ thâm nhập khắp trong cuộc sống hàng ngày, không chỉ trong ngôn ngữ mà còn cả trong tư duy và hành động. Hệ thống ý niệm thông thường của chúng ta, thông qua đó chúng ta tư duy và hành động, về cơ bản là có tính ẩn dụ.
Những ý niệm chi phối tư duy của chúng ta không chỉ là vấn đề của trí tuệ. Chúng cũng chi phối hoạt động thường ngày của chúng ta, tới những chi tiết tầm thường nhất. Những ý niệm cấu trúc cái ta lĩnh hội được, cách ta nhận thức thế giới, và cách thức chúng ta liên hệ với những cá nhân khác. Do đó hệ thống ý niệm đóng một vai trò trung tâm trong việc xác định những thực tế thường ngày của chúng ta. Nếu chúng tôi đúng trong việc đề xuất rằng hệ thống ý niệm của chúng ta có tính ẩn dụ rộng lớn, vậy thì cách thức chúng ta suy nghĩ, những gì chúng ta trải nghiệm, và những gì chúng ta làm hàng ngày cũng thực sự là một vấn đề của ẩn dụ.
Nhưng hệ thống ý niệm lại không phải là cái gì đó mà chúng ta nhận thức được như thường lệ. Trong hầu hết những việc nhỏ nhặt mà chúng ta thực hiện hàng ngày, ít hay nhiều thì chúng ta cũng suy nghĩ và hành động một cách tự động theo những cách thức nhất định. Chỉ là những cách thức này là gì thì không rõ ràng. Một cách để nhận biết là nhìn vào ngôn ngữ. Bởi vì giao tiếp dựa trên cùng một hệ thống ý niệm mà chúng ta sử dụng trong tư duy và hành động, ngôn ngữ như một nguồn bằng chứng quan trọng để nhận diện hệ thống đó (hệ thống ý niệm).
Chủ yếu dựa trên cơ sở của bằng chứng ngôn ngữ, chúng tôi nhận thấy rằng hầu hết hệ thống ý niệm thông thường của chúng ta về bản chất là có tính ẩn dụ. Và chúng tôi đã tìm thấy cách bắt đầu để xác định chi tiết xem thực chất của những ẩn dụ đã cấu trúc cách ta nhận thức, cách ta suy nghĩ, và những điều ta làm là gì.
Để đưa ra vài ý tưởng xem một ý niệm có tính ẩn dụ, và một ý niệm ẩn dụ như vậy cấu trúc một hoạt động hàng ngày có thể là gì, hãy bắt đầu với ý niệm TRANH LUẬN và ẩn dụ ý niệm TRANH LUẬN LÀ CHIẾN TRANH. Ẩn dụ này được phản ánh trong ngôn ngữ hàng ngày của chúng ta (tiếng Anh) trong một loạt các biểu thức:
TRANH LUẬN LÀ CHIẾN TRANH
Những đòi hỏi của bạn không thể chống giữ (phòng thủ) được.
Anh ta tấn công mọi điểm yếu trong lập luận của tôi.
Những chỉ trích của anh ta đã trúng mục tiêu.
Tôi đã đánh đổ lập luận của anh ta.
Tôi chưa từng thắng trong bất cứ cuộc trong một tranh luận nào với anh ta.
Anh phản đối ư? Được rồi, bắn đi!
Nếu bạn sử dụng chiến thuật đó, anh ta sẽ tiêu diệt bạn.
Anh ta đã bắn gục mọi lập luận luận của tôi.
Điều quan trọng phải nhận thấy rằng chúng ta không chỉ nói về những cuộc tranh luận thông qua chiến tranh. Chúng ta thực sự có thể thắng hoặc thua trong tranh luận. Chúng ta coi người mà chúng ta đang tranh luận như một đối thủ. Chúng ta tấn công những quan điểm của anh ta và bảo vệ những quan điểm của mình. Chúng ta tiến tới và thoái lui. Chúng ta thiết lập và sử dụng những chiến lược. Nếu nhận thấy một điểm không thể tấn công được, chúng ta có thể từ bỏ nó và chuyển một hướng tấn công mới. Rất nhiều điều chúng ta thực hiện trong tranh luận đã được cấu trúc một phần bởi ý niệm chiến tranh. Mặc dù không có cuộc chiến tranh thực sự nhưng có một trận chiến ngôn từ, và cấu trúc của một cuộc tranh luận - tấn công, phòng thủ, phản công, v.v… - phản ánh điều này. Chính theo nghĩa này, ẩn dụ TRANH LUẬN LÀ CHIẾN TRANH là một ẩn dụ mà chúng ta sống trong nó trong nền văn hóa này; nó cấu trúc những hành động chúng ta thực hiện trong tranh luận.
Thử tưởng tượng một nền văn hóa, nơi mà tranh luận không được nhìn nhận thông qua chiến tranh, nơi mà không có kẻ thắng người thua, không có sự ý thức về tấn công hay phòng thủ, tiến lên hay thoái lui. Tưởng tượng một nền văn hóa nơi mà tranh luận được nhìn nhận như một điệu nhảy, những người tham gia giống như những vũ công, và mục đích là để trình diễn trong một cách thức hài hòa và hấp dẫn về thẩm mỹ. Trong một nền văn hóa như vậy, mọi người sẽ nhìn nhận tranh luận theo một cách khác, trải nghiệm nó một cách khác, thực hiện nó một cách khác, và nói về nó một cách hoàn toàn khác. Nhưng chúng ta sẽ hầu như chắc chắn không coi đó là tranh luận: đơn giản là họ thực hiện điều gì đó khác biệt. Thậm chí còn có vẻ kì lạ khi gọi điều họ đang làm là “tranh luận”. Có lẽ cách thức trung lập nhất để miêu tả sự khác biệt này giữa nền văn hóa của họ và của chúng ta là nói rằng chúng ta có một hình thức diễn ngôn được cấu trúc thông qua trận chiến và họ có một hình thức diễn ngôn được cấu trúc thông qua điệu nhảy.
Đây là ví dụ cho thấy một ý niệm ẩn dụ, cụ thể, TRANH LUẬN LÀ CHIẾN TRANH, cấu trúc (ít nhất là một phần) những gì mà chúng ta làm và cách thức chúng ta hiểu những gì chúng ta đang làm khi chúng ta tranh luận. Bản chất của ẩn dụ là nhận thức và trải nghiệm một điều gì đó thông qua một điều khác. Điều đó không có nghĩa tranh luận là một dạng của chiến tranh. Tranh luận và chiến tranh là những sự loại hoàn toàn khác nhau - diễn ngôn ngôn từ và xung đột vũ trang - và những hành động được thực hiện cũng là những loại hành động khác nhau. Nhưng TRANH LUẬN đã được cấu trúc, được hiểu, được thực hiện, và nói tới một phần thông qua CHIẾN TRANH. Ý niệm đã được cấu trúc một cách ẩn dụ, hoạt động cũng được cấu trúc một cách ẩn dụ, và đương nhiên, ngôn ngữ cũng được cấu trúc một cách ẩn dụ.
Hơn nữa, đây là cách thức thông thường để thực hiện một tranh luận và nói về nó. Theo thói thường chúng ta vẫn sử dụng cụm từ “tấn công một quan điểm” để nói về việc tấn công (công kích) một quan điểm nào đó. Những cách thức quy ước của chúng ta khi nói về tranh luận giả định trước một ẩn dụ mà chúng ta hầu như không bao giờ ý thức được. Ẩn dụ không chỉ đơn thuần nằm trong từ ngữ chúng ta sử dụng - nó nằm ngay chính ở ý niệm về tranh luận của chúng ta. Ngôn ngữ của tranh luận không thi vị, huyền ảo, hay có tính hùng biện; nó là trực nghĩa (nghĩa đen). Chúng ta nói về tranh luận theo cách đó bởi chúng ta nhận thức nó theo cách đó - và chúng ta hành động theo cách mà chúng ta nhận thức sự việc.
Luận điểm quan trọng nhất mà chúng tôi trình bày cho tới giờ là coi ẩn dụ không chỉ là một vấn đề của ngôn ngữ, tức là của từ ngữ thuần túy. Chúng tôi sẽ chỉ ra, ngược lại là đằng khác, rằng hầu hết các quá trình tư duy của con người có tính ẩn dụ. Đấy là những gì mà chúng tôi muốn nói khi nói rằng hệ thống ý niệm của con người được cấu trúc và định nghĩa một cách ẩn dụ. Những ẩn dụ là những biểu thức ngôn ngữ bởi chúng nằm trong hệ thống ý niệm của một cá nhân. Bởi vậy bất cứ chỗ nào trong cuốn sách này nói tới ẩn dụ, như TRANH LUẬN LÀ CHIẾN TRANH, thì cần phải hiểu ẩn dụ có nghĩa là ý niệm ẩn dụ.\
2. Tính hệ thống của các ý niệm ẩn dụ
Tranh luận thường được tiến hành theo các khuôn mẫu; tức là có những điều nhất định mà chúng ta thường làm và không làm trong tranh luận. Thực tế là việc chúng ta một phần ý niệm hóa tranh luận thông qua trận chiến một cách hệ thống có tác động tới hình thức mà các tranh luận diễn ra và cách nói về những gì chúng ta thực hiện trong tranh luận. Bởi ý niệm ẩn dụ có tính hệ thống, ngôn ngữ ta sử dụng để nói về khía cạnh đó của ý niệm cũng có tính hệ thống.
Chúng ta đã thấy trong ẩn dụ TRANH LUẬN LÀ CHIẾN TRANH những biểu thức thuộc vốn từ vựng về chiến tranh, ví dụ, tấn công một vị trí quân sự (quan điểm), không thể phòng thủ (bảo vệ), chiến lược, hướng tấn công mới, chiến thắng, rút lui, v.v, đã tạo nên một cách nói có hệ thống về những khía cạnh chiến trận của tranh luận. Không phải ngẫu nhiên mà những biểu thức này lại có nghĩa như vậy khi chúng ta sử dụng chúng để nói về tranh luận. Một phần của mạng lưới ý niệm về trận chiến phần nào biểu thị ý niệm về một cuộc tranh luận, và ngôn ngữ phù hợp theo nó. Bởi những biểu thức ẩn dụ trong ngôn ngữ của chúng ta được kết nối tới những ý niệm ẩn dụ theo một cách thức có tính hệ thống, chúng ta có thể sử dụng những biểu thức ngôn ngữ có tính ẩn dụ để tìm hiểu bản chất của những ý niệm ẩn dụ và để đạt được một sự hiểu biết về bản chất ẩn dụ của những hoạt động của chúng ta.
Để có được một ý tưởng về cách thức mà những biểu thức ẩn dụ trong ngôn ngữ hàng ngày có thể đem lại cho chúng ta một cái nhìn sâu vào bản chất ẩn dụ của những ý niệm cấu trúc nên các hoạt động thường ngày, hãy xem xét ý niệm ẩn dụ THỜI GIAN LÀ TIỀN BẠC như nó được phản ánh trong tiếng Anh đương thời.
THỜI GIAN LÀ TIỀN BẠC
Bạn đang làm lãng phí thời gian của tôi.
Tiện ích này sẽ tiết kiệm thời gian của bạn.
Tôi không có thời gian cho bạn.
Bạn sử dụng thời gian của mình như thế nào vào những ngày này?
Tôi đã đầu tư rất nhiều thời gian vào cô ta.
Tôi không có đủ thời gian dành cho việc đó.
Anh đang cạn kiệt thời gian.
Bạn cần phải dự thảo quỹ thời gian của mình.
Dành riêng ra một chút thời gian cho việc chơi bóng bàn.
Điều này có đáng giá không?
Bạn còn nhiều thời gian không?
Anh ta đang sống bằng thời gian vay mượn.
Bạn không sử dụng thời gian của mình một cách sinh lợi nhuận.
Tôi đã đánh mất nhiều thời gian khi bị ốm.
Cảm ơn thời gian bạn dành cho tôi.
Trong nền văn hóa của chúng ta, thời gian là một vật phẩm có giá trị. Nó là một nguồn tài nguyên hạn chế mà chúng ta sử dụng để hoàn thành các mục tiêu. Bởi cách thức khái niệm lao động được phát triển trong văn hóa phương Tây hiện đại, nơi lao động thường liên đới với khoảng thời gian nó sử dụng, và bởi thời gian được định lượng một cách chính xác, nên đã hình thành thói quen trả lương theo giờ, theo tuần, hay theo năm. Trong văn hóa của chúng ta THỜI GIAN LÀ TIỀN BẠC thể hiện ở nhiều phương diện: đơn vị tính cước điện thoại, tiền lương theo giờ, giá phòng khách sạn, ngân sách hàng năm, lãi suất cho vay và trả nợ những món nợ cho xã hội bằng “thời gian phục vụ”. Những thông lệ này tương đối mới trong lịch sử loài người, và không có nghĩa là chúng tồn tại trong mọi nền văn hóa. Chúng đã phát sinh trong các xã hội công nghiệp hiện đại và đã cấu trúc những hoạt động hàng ngày của chúng ta một cách sâu sắc. Tương ứng với thực tế chúng ta hành động như thể thời gian là một mặt hàng có giá trị - một nguồn hạn chế, ngay cả tiền bạc - nên chúng ta đã nhận thức thời gian theo cách đó. Bởi vậy chúng ta nhận thức và trải nghiệm thời gian như một thứ có thể sử dụng, lãng phí, dự thảo, đầu tư một cách khôn ngoan hoặc kém hiệu quả, tiết kiệm, hay hoang phí.
THỜI GIAN LÀ TIỀN BẠC, THỜI GIAN LÀ MỘT NGUỒN LỰC CÓ HẠN và THỜI GIAN LÀ MỘT MẶT HÀNG CÓ GIÁ TRỊ đều là những ý niệm ẩn dụ. Chúng mang tính ẩn dụ vì chúng ta sử dụng những kinh nghiệm hàng ngày về tiền bạc, những nguồn lực có hạn, và những hàng hóa có giá trị để ý niệm hóa thời gian. Đây không phải là một cách thức tất yếu để con người ý niệm hóa thời gian, nó gắn với nền văn hóa của chúng ta. Những nền văn hóa khác lại có những cách nhìn khác về tiền bạc.
Các ý niệm ẩn dụ THỜI GIAN LÀ TIỀN BẠC, THỜI GIAN LÀ MỘT NGUỒN LỰC CÓ HẠN và THỜI GIAN LÀ MỘT MẶT HÀNG CÓ GIÁ TRỊ hình thành một hệ thống đơn dựa trên sự tiểu phạm trù hóa, vì trong xã hội chúng ta, tiền là một nguồn lực có hạn và nguồn lực có hạn là những hàng hóa có giá trị. Những mối quan hệ tiểu phạm trù hóa này biểu thị những mối quan hệ có tính kế thừa giữa các ẩn dụ: THỜI GIAN LÀ TIỀN BẠC dẫn tới THỜI GIAN LÀ MỘT NGUỒN LỰC CÓ HẠN, dẫn tới THỜI GIAN LÀ MỘT MẶT HÀNG CÓ GIÁ TRỊ.
Chúng tôi đang áp dụng việc sử dụng ý niệm ẩn dụ cụ thể nhất, trong trường hợp này là THỜI GIAN LÀ TIỀN BẠC, để mô tả cho toàn bộ hệ thống. Trong số những biểu thức được liệt kê ra sau ẩn dụ THỜI GIAN LÀ TIỀN BẠC, một số liên quan trực tiếp tới tiền (tiêu, đầu tư, dự thảo ngân sách, có thể trả giá), những cái khác liên quan tới những nguồn lực có hạn (sử dụng, sử dụng hết, có đủ, cạn kiệt), và một số thì liên quan tới những hàng hóa có giá trị (có, cho, đánh mất, xin). Đây là một ví dụ về cách thức mà trong đó những kế thừa có tính ẩn dụ có thể biểu thị cho một hệ thống mạch lạc các ý niệm ẩn dụ và một hệ thống mạch lạc của các biểu thức ẩn dụ tương ứng với các ý niệm này.
3. Tính hệ thống ẩn dụ: Làm nổi bật và Ẩn giấu
Chính tính hệ thống cho phép chúng ta lĩnh hội một khía cạnh của một ý niệm thông qua một ý niệm khác (ví dụ, lĩnh hội một khía cạnh của tranh luận thông qua chiến trận) sẽ tất yếu ẩn giấu những khía cạnh khác của ý niệm. Trong khi cho phép chúng ta tập trung vào một khía cạnh nào đó của ý niệm (v.d, các khía cạnh tranh đấu của tranh luận), thì ý niệm ẩn dụ có thể ngăn chúng ta khỏi các khía cạnh khác của ý niệm không phù hợp với ẩn dụ đó. Ví dụ, giữa một cuộc tranh luận nảy lửa, khi chúng ta dự định tấn công một quan điểm của đối thủ và bảo vệ quan điểm của ta, thì chúng ta có thể bỏ qua khía cạnh hợp tác trong tranh luận. Một người nào đó đang tranh luận với bạn có thể được xem như đang đem lại cho bạn thời gian của anh ta, một mặt hàng có giá trị, trong nỗ lực hiểu biết lẫn nhau. Nhưng khi chúng ta bận tâm tới khía cạnh tranh đấu thì chúng ta thường bỏ qua các khía cạnh hợp tác.
Một trường hợp tinh tế hơn nhiều về cách thức một ý niệm ẩn dụ có thể làm ẩn giấu một khía cạnh của kinh nghiệm có thể được thấy trong những gì mà Michael Reddy đã gọi là “ẩn dụ đường dẫn (kênh giao tiếp)”. Reddy nhận xét rằng ngôn ngữ về ngôn ngữ của chúng ta được cấu trúc một cách đại thể bởi ẩn dụ phức sau:
Ý TƯỞNG (hay Ý NGHĨA) LÀ VẬT THỂ.
BIỂU THỨC NGÔN NGỮ LÀ VẬT CHỨA.
GIAO TIẾP LÀ GỬI PHÁT.
Người nói đặt ý tưởng (vật thể) vào trong từ (vật chứa) và gửi chúng (theo một đường dẫn) tới một người nghe; người nghe lấy ý tưởng/ vật thể ra khỏi từ/ vật chứa. Reddy dẫn chứng tư liệu điều này với hơn một trăm dạng biểu thức trong tiếng Anh, ông ước tính chúng chiếm ít nhất 70% các biểu thức chúng ta sử dụng để nói về ngôn ngữ. Đây là một vài ví dụ:
Ẩn dụ ĐƯỜNG DẪN (KÊNH GIAO TIẾP)
Thật khó để có thể đưa được ý tưởng này tới anh ta.
Tôi đã đưa cho anh ý tưởng đó.
Những lý lẽ của anh đã tới với chúng tôi.
Thật khó để đưa ý tưởng của tôi vào câu chữ.
Khi bạn có một ý tưởng hay, hãy cố gắng nắm bắt lấy nó ngay bằng ngôn từ.
Hãy cố đặt càng nhiều ý tưởng vào lượng từ ngữ ít nhất.
Bạn không thể đơn thuần nhét những ý tưởng vào một câu theo bất kì lối cũ rích nào cũng được.
Nghĩa nằm ngay trong câu chữ.
Đừng gượng ép ý của anh vào những từ sai.
Ngôn từ của anh ấy chứa rất ít ý nghĩa.
Phần giới thiệu có rất nhiều nội dung tư tưởng.
Từ ngữ của bạn dường như trống rỗng.
Câu không có ý nghĩa.
Ý tưởng được chôn giấu dưới những đoạn văn dày đặc kinh khủng.
Trong những ví dụ như thế này thì khó khăn hơn rất nhiều để nhận thấy có điều gì đó bị ẩn dụ giấu đi hoặc thậm chí để thấy rằng có một ẩn dụ ở đây. Đây là một cách thông thường để tư duy về ngôn ngữ đến nỗi đôi khi khó mà có thể tưởng tượng được rằng nó có thể không phù hợp với thực tế. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào những gì mà ẩn dụ ĐƯỜNG DẪN đòi hỏi, chúng ta có thể thấy một vài cách thức mà trong đó nó che giấu các khía cạnh của quá trình giao tiếp.
Đầu tiên, khía cạnh BIỂU THỨC NGÔN NGỮ LÀ VẬT CHỨA CHO Ý NGHĨA của ẩn dụ ĐƯỜNG DẪN đòi hỏi các từ và các câu phải tự thân mang nghĩa, độc lập với bất cứ ngữ cảnh hay người phát ngôn nào. Phần Ý NGHĨA LÀ VẬT THỂ của ẩn dụ đòi hỏi các ý nghĩa có một sự tồn tại độc lập với con người và các ngữ cảnh. Phần ẩn dụ nói rằng CÁC BIỂU THỨC NGÔN NGỮ LÀ CÁC VẬT CHỨA CHO CÁC Ý NGHĨA đòi hỏi các từ (các câu) có ý nghĩa, hơn nữa chúng phải độc lập với các ngữ cảnh và những người phát ngôn. Những ẩn dụ này thích hợp trong nhiều hoàn cảnh - khi mà các ngữ cảnh khác nhau không quan trọng và tất cả những người tham gia trong hội thoại đều hiểu các câu theo cùng một cách. Hai đòi hỏi này được minh chứng bằng những câu như:
Nghĩa nằm ngay trong câu chữ.
mà theo ẩn dụ ĐƯỜNG DẪN có thể được dùng để nói một cách chính xác về bất cứ câu nào. Nhưng trong nhiều trường hợp, ngữ cảnh lại là vấn đề. Đây là một câu nổi tiếng trong một cuộc thoại thực tế được Pamela Downing ghi lại:
Xin vui lòng ngồi vào ghế-nước táo.
Trong sự cô lập, câu này hoàn toàn không có nghĩa, bởi biểu thức “ghế-nước táo” không phải là một cách thức thông thường để phản ánh bất kì vật thể nào. Nhưng câu này lại tạo ra ý nghĩa tuyệt vời trong ngữ cảnh mà nó được phát ngôn ra. Một khách qua đêm xuống ăn sáng. Có bốn chỗ ngồi được bố trí, ba với nước cam ép và một với nước táo ép. Như thế ghế-nước táo rõ ràng là cái gì rồi. Và thậm chí buổi sáng tiếp theo, khi không có nước táo, thì đó vẫn rõ ràng là ghế-nước táo.
Ngoài những câu không có nghĩa khi không có ngữ cảnh, có nhiều trường hợp mà một câu sẽ có những nghĩa khác nhau với những người khác nhau. Hãy xét:
Chúng ta cần những nguồn năng lượng thay thế mới.
Nghĩa của câu này đối với chủ tịch tập đoàn Mobil Oil và đối với chủ tịch của Những người bạn của Trái đất là hoàn toàn khác nhau. Ý nghĩa không nằm ở ngay trong câu - nó phụ thuộc rất nhiều vào việc ai nói hoặc nghe câu nói đó và các hoàn cảnh chính trị - xã hội của anh ta là gì. Ẩn dụ ĐƯỜNG DẪN không phù hợp với những trường hợp nơi mà ngữ cảnh được yêu cầu xác định xem câu có ý nghĩa nào hay không, và nếu có, thì đó là ý nghĩa gì.
Những ví dụ này đã chỉ ra rằng những ý niệm ẩn dụ mà chúng ta xem xét đã cung cấp phần nào hiểu biết xem giao tiếp, tranh luận, và thời gian là gì, và rằng trong lúc thực hiện những điều này, chúng che giấu những khía cạnh khác của các ý niệm. Rất quan trọng phải nhận thấy rằng việc cấu trúc mang tính ẩn dụ ở đây chỉ là cục bộ, chứ không phải toàn bộ. Nếu như là toàn bộ thì một ý niệm lại là cái khác rồi, chứ không chỉ đơn thuần là được hiểu thông qua nó. Thí dụ, thời gian không phải là tiền thực. Nếu bạn sử dụng thời gian để cố làm một việc gì đó mà công việc lại không xong xuôi, bạn không thể lấy lại thời gian. Không có các ngân hàng thời gian. Tôi có thể cho bạn rất nhiều thời gian, nhưng bạn không thể trả lại tôi thời gian tương tự, mặc dù bạn có thể trả tôi một lượng thời gian như thế, v.v. Như vậy, một bộ phận của một ý niệm ẩn dụ không và không thể phù hợp (với ẩn dụ tương ứng- TTT).
Mặt khác, các ý niệm ẩn dụ có thể được mở rộng vượt ngoài phạm vi của những cách thức suy nghĩ và nói năng thông thường để đi vào trong phạm vi của những gì được gọi là ngôn ngữ và tư duy mang tính tượng trưng, thi vị, rực rỡ hay huyền ảo. Vậy nếu ý tưởng là vật thể thì chúng ta có thể mặc cho chúng những bộ quần áo sặc sỡ, tung hứng chúng, dàn hàng chúng cho đẹp đẽ và ngăn nắp, v.v… Vì vậy khi nói một ý niệm được cấu trúc bởi một ẩn dụ thì ý chúng tôi là ý niệm đó được cấu trúc một phần và nó có thể được mở rộng bằng một số cách nhất định.
4. Ẩn dụ định hướng
Cho tới lúc này chúng ta đã khảo sát những gì chúng ta sẽ gọi là ẩn dụ cấu trúc, trường hợp một ý niệm được cấu trúc một cách ẩn dụ thông qua một ý niệm khác. Nhưng có một loại ý niệm ẩn dụ khác, không phải là một ý niệm được cấu trúc thông qua một ý niệm khác, mà thay vào đó nó tổ chức một hệ thống toàn thể các ý niệm đối với một hệ thống khác. Chúng ta sẽ gọi đó là những ẩn dụ định hướng, vì hầu hết chúng liên quan tới sự định hướng không gian: lên-xuống, trong-ngoài, trước-sau, trên-dưới, nông-sâu, trung tâm-ngoại vi. Những định hướng không gian này nảy sinh từ thực tế rằng chúng ta có một thân thể và thân thể ấy có chức năng trong hoạt động tương tác với môi trường vật chất của chúng ta. Những ẩn dụ định hướng đem lại cho ý niệm một sự định hướng không gian, ví dụ, HẠNH PHÚC LÀ LÊN. Thực tế là ý niệm HẠNH PHÚC được định hướng bởi LÊN đã dẫn tới một biểu thức tiếng Anh như “Hôm nay tôi cảm thấy tốt lên.” (I’m feeling up today.)
Những ẩn dụ định hướng như thế không phải là võ đoán. Chúng có một nền tảng trong kinh nghiệm vật lý và văn hóa của chúng ta. Mặc dù các đối cực lên-xuống, trong-ngoài, v.v, có bản chất vật lý, nhưng các ẩn dụ định hướng dựa trên chúng lại có sự thay đổi giữa các nền văn hóa. Ví dụ trong một số nền văn hóa thì tương lai ở phía trước chúng ta, trong khi đó ở những nền văn hóa khác, tương lai lại nằm ở phía sau. Chúng ta sẽ xem xét các ẩn dụ không gian lên-xuống, đã được William Nagy nghiên cứu tỉ mỉ (1974), như một minh họa. Trong mỗi trường hợp, chúng tôi sẽ đưa ra một gợi ý ngắn gọn về cách thức mà mỗi ẩn dụ định hướng có thể đã được nảy sinh từ những kinh nghiệm vật lý và văn hóa của chúng ta. Những đánh giá này có tính chất gợi ý và có vẻ hợp lý, chứ không phải là xác quyết.
HẠNH PHÚC LÀ LÊN, BUỒN LÀ XUỐNG
Tôi cảm thấy tốt lên. Điều đó đã nâng tinh thần tôi. Tinh thần tôi đã lên cao. Bạn đang trong trạng thái tinh thần cao. Nghĩ về cô ấy luôn đem lại cho tôi một sự nâng đỡ. Tôi cảm thấy chán nản. Tôi thất vọng. Những ngày này anh ấy thực sự trong tình trạng chán nản. Tôi rơi vào một sự thất vọng. Tinh thần của tôi chùng xuống.
Cơ sở vật lý: tư thế ủ rũ thường đi kèm với sự buồn chán và thất vọng, tư thế đứng thẳng đi kèm với các trạng thái cảm xúc tích cực.
TỈNH LÀ LÊN, KHÔNG TỈNH LÀ XUỐNG
Tỉnh dậy. Thức dậy. Tôi đã sẵn sàng. Anh ấy dậy sớm vào buổi sáng. Anh ấy buồn ngủ (fell asleep). Anh ấy rơi vào tình trạng buồn ngủ. Anh ấy rơi vào thôi miên. Anh ấy chìm vào hôn mê.
Cơ sở vật lý: Loài người và hầu hết các loài động vật có vú nằm xuống khi ngủ và đứng dậy khi tỉnh giấc.
SỨC KHỎE VÀ CUỘC SỐNG LÀ LÊN, ỐM YẾU VÀ CÁI CHẾT LÀ XUỐNG
Anh ta đang ở đỉnh của sức khỏe. Bệnh hủi mọc lên từ cái chết. Anh ấy trong trạng thái đỉnh. Về sức khỏe, anh ấy rất tuyệt vời. Anh ta ngã bệnh. Anh ta đang gục xuống nhanh chóng. Anh ta sút xuống vì cúm. Sức khỏe của anh ta đang giảm sút. Anh ta chết (dropped) đột ngột.
Cơ sở vật lý: Những bệnh nghiêm trọng khiến thân thể chúng ta nằm xuống. Khi chết thì bạn nằm xuống
CÓ SỰ KIỂM SOÁT hay QUYỀN LỰC LÀ LÊN, BỊ KIỂM SOÁT hay BỊ ÉP BUỘC LÀ XUỐNG
Tôi kiểm soát (control over) cô ta. Tôi đang ở đỉnh cao của vị thế. Ông ta ở chức vị cao cấp. Ông ta đang ở đỉnh cao của quyền lực. Ông ta ở bộ chỉ huy cao cấp. Ông ta là cấp trên. Quyền lực của ông ấy đang tăng. Ông ta xếp trước tôi về sức mạnh. Ông ta nằm dưới sự kiểm soát của tôi. Ông ta bị truất quyền. Quyền năng của ông ta đang suy giảm. Ông ta là cấp dưới của tôi.
Cơ sở vật lý: Kích thước vật chất thường tương ứng với sức mạnh vật lý, và người chiến thắng trong một trận đấu thì thường ở trên đỉnh cao.
NHIỀU HƠN LÀ LÊN, ÍT HƠN LÀ XUỐNG
Số lượng sách được in tăng thêm mỗi năm. Số hối phiếu của ông ta đang cao. Năm ngoái thu nhập của tôi đã tăng lên. Năm ngoái các hoạt động nghệ thuật của tiểu bang này đã giảm xuống. Số lỗi ông ta mắc phải vô cùng thấp. Thu nhập năm ngoái của ông ta giảm xuống. Thằng bé vẫn là vị thành niên (underage). Nếu 100 độ thì vặn nhiệt xuống.
Cơ sở vật lý: nếu bạn bỏ thêm nhiều hơn một chất hoặc vật thể vật chất vào thùng chứa hoặc đống thì nó sẽ cao lên.
CÁC SỰ KIỆN TƯƠNG LAI GẦN LÀ LÊN (và PHÍA TRƯỚC)
Tất cả các sự kiện sắp tới đã được liệt kê trong bài báo. Tuần này sẽ có những gì diễn ra (up)? Tôi lo sợ những điều phía trước chúng ta. Chuyện gì tiếp theo?
Cơ sở vật lý: thông thường mắt của chúng ta sẽ nhìn về hướng chúng ta di chuyển (phía trước). Khi một vật thể tiến gần tới một người (hay một người tiến đến gần một vật thể) thì vật thể xuất hiện trong hình dạng lớn hơn. Vì mặt đất được coi là cố định, nên đỉnh chóp của vật thể xuất hiện trong hướng di chuyển lên trên trong trường nhìn của một người.
ĐỊA VỊ CAO LÀ LÊN, ĐỊA VỊ THẤP LÀ XUỐNG
Anh ta có một địa vị cao quý. Cô ấy sẽ vươn lên đỉnh cao. Anh ta đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Anh ta đang leo lên thang danh vọng. Anh ta có ít biến chuyển đi lên. Anh ta đang ở đáy của hệ thống phân cấp xã hội. Cô ta bị tụt hạng.
Cơ sở vật lý và xã hội: địa vị có tương quan với sức mạnh (xã hội) và sức mạnh (vật lý) là LÊN.
TỐT LÀ LÊN, XẤU LÀ XUỐNG
Mọi việc có vẻ tiến triển. Chúng tôi đã đạt được đỉnh cao vào năm ngoái, nhưng lại xuống dốc ngay sau đó. Mọi việc tồi tệ nhất từ trước tới nay. Anh ấy làm việc đạt chất lượng cao.
Cơ sở vật lý cho hạnh phúc cá nhân: sự sung sướng, sức khỏe, cuộc sống, quyền kiểm soát - tiêu biểu cho những gì tốt đẹp đối với một cá nhân - tất cả đều LÊN.
ĐẠO ĐỨC LÀ LÊN, ĐỒI BẠI LÀ XUỐNG
Anh ta cao thượng. Cô ấy có những tiêu chuẩn cao. Cô ấy là người ngay thẳng. Cô ấy là một công dân đứng đắn. Đó là một thủ đoạn hèn hạ. Đừng dối trá (underhanded). Tôi sẽ không hạ mình trước cái đó đâu. Cái đó không xứng đáng (beneath) với tôi. Anh ta rơi vào hố sâu của sự đồi bại. Đó là việc đê tiện (low-down).
Cơ sở vật lý và xã hội: TỐT LÀ LÊN đối với một cá nhân (cơ sở vật lý), cùng với một ẩn dụ mà chúng ta sẽ thảo luận dưới đây, XÃ HỘI LÀ MỘT CÁ NHÂN (trong một phiên bản nơi mà bạn không đồng nhất với xã hội của bạn). Có đạo đức là hành động phù hợp với những tiêu chuẩn được thiết lập bởi xã hội/ cá nhân để duy trì sự vận hành của nó. CÓ ĐẠO ĐỨC LÀ LÊN vì những hành động có đạo đức có tương quan với hạnh phúc xã hội từ quan điểm của xã hội/ cá nhân. Bởi các ẩn dụ có cơ sở xã hội là một phần của văn hóa, nó là quan điểm xã hội/ cá nhân đáng quan tâm.
LÝ TRÍ LÀ LÊN, TÌNH CẢM LÀ XUỐNG
Cuộc thảo luận bị giảm tinh thần, nhưng tôi đã khích nó lên một mức độ hợp lý. Chúng tôi đặt tình cảm của mình sang một bên và có sự thảo luận mang tính trí tuệ cao về vấn đề. Anh ta không thể vượt lên trên những cảm xúc của mình.
Cơ sở vật lý và văn hóa: trong văn hóa của chúng ta, con người nhìn nhận chính họ như là kẻ kiểm soát động vật, cây cối, và môi trường vật chất, và đó là khả năng duy nhất đặt con người vượt lên trên những động vật khác và đem lại cho họ sự kiểm soát này. KIỂM SOÁT LÀ LÊN do đó đã cung cấp một cơ sở cho NGƯỜI LÀ LÊN, và bởi vậy, cho LÝ TRÍ LÀ LÊN.
KẾT LUẬN
Trên cơ sở những ví dụ này, chúng tôi đề nghị những kết luận sau về nền tảng kinh nghiệm, tính mạch lạc, và tính hệ thống của các ý niệm ẩn dụ:
- Hầu hết các ý niệm cơ bản của chúng ta được tổ chức thông qua một hay nhiều các ẩn dụ không gian.
- Mỗi ẩn dụ không gian có một tính hệ thống nội tại. Ví dụ, HẠNH PHÚC LÀ LÊN xác định một hệ thống mạch lạc hơn là một tập hợp của các trường hợp cá biệt và ngẫu nhiên. (Một ví dụ về một hệ thống rời rạc khi ta nói “I’m feeling up” - “Tôi cảm thấy phấn chấn lên” nghĩa là “I’m feeling happy,” - “tôi cảm thấy hạnh phúc” nhưng “My spirits rose” - “tâm trạng của tôi bùng lên” nghĩa là “I became sadder nghĩa là”, “Tôi trở nên buồn hơn”).
- Có một tính hệ thống bên ngoài tổng thể giữa những ẩn dụ không gian khác nhau, là cái xác định sự gắn kết giữa chúng. Như vậy, TỐT LÀ LÊN đem lại một sự định hướng LÊN tới hạnh phúc nói chung, và sự định hướng này mạch lạc với những trường hợp đặc biệt như HẠNH PHÚC LÀ LÊN, SỨC KHỎE LÀ LÊN, SỐNG LÀ LÊN, KIỂM SOÁT LÀ LÊN. ĐỊA VỊ LÀ LÊN gắn kết với KIỂM SOÁT LÀ LÊN.
- Các ẩn dụ không gian bắt nguồn từ kinh nghiệm vật lý và văn hóa; chúng không phải là được ấn định một cách ngẫu nhiên. Một ẩn dụ có thể được sử dụng để nhận thức một ý niệm chỉ bằng hiệu lực của những cơ sở kinh nghiệm của nó. (Một vài sự phức tạp của cơ sở kinh nghiệm của ẩn dụ được trình bày trong phần tiếp theo)
- Có rất nhiều cơ sở vật lý và xã hội khả dĩ cho ẩn dụ. Sự mạch lạc bên trong hệ thống tổng thể có vẻ như là một phần của lý do tại sao một cái được chọn chứ không phải cái khác. Ví dụ, hạnh phúc cũng có xu hướng gắn kết một cách vật lý với nụ cười và một cảm nhận nói chung có tính giãn mở ra. Điều này về nguyên tắc có thể hình thành nền tảng cho một ẩn dụ HẠNH PHÚC LÀ RỘNG, BUỒN RẦU LÀ HẸP. Và trong thực tế có những biểu thức ẩn dụ thứ yếu, như “Tôi thấy cởi mở (expansive - giãn nở ra)”, điều này chọn ra một khía cạnh khác của hạnh phúc so với “Tôi cảm thấy phấn chấn lên”. Nhưng ẩn dụ quan trọng trong văn hóa của chúng ta là HẠNH PHÚC LÀ LÊN, đây là lý do tại sao chúng ta nói về chiều cao của trạng thái ngây ngất hơn là về bề rộng của trạng thái ấy. HẠNH PHÚC LÀ LÊN gắn kết một cách toàn diện với TỐT LÀ LÊN, SỨC KHỎE LÀ LÊN, v.v.
- Trong một số trường hợp, sự định hướng không gian là một phần thiết yếu của ý niệm đến nỗi chúng ta sẽ khó tưởng tượng sẽ có ẩn dụ thay thế nào khác mà có thể cấu trúc ý niệm. Trong xã hội chúng ta “địa vị cao” là một ý niệm như vậy. Các trường hợp khác, như hạnh phúc, thì ít rõ ràng hơn. Ý niệm hạnh phúc có độc lập với ẩn dụ HẠNH PHÚC LÀ LÊN, hay định hướng không gian lên-xuống là một phần của ý niệm? Chúng tôi tin rằng nó là một phần của ý niệm trong một hệ thống ý niệm được đưa ra. Ẩn dụ HẠNH PHÚC LÀ LÊN đặt hạnh phúc vào trong một hệ thống ẩn dụ mạch lạc, và phần nghĩa của nó có từ vai trò của nó trong hệ thống đó.
- Cái gọi là những ý niệm thuần túy trí tuệ, ví như các khái niệm trong một lý thuyết khoa học, thường - có lẽ là luôn luôn - dựa trên những ẩn dụ có cơ sở vật lý và/ hoặc văn hóa. Cao trong “hạt năng lượng cao” là dựa trên ẩn dụ NHIỀU HƠN LÀ LÊN. Cao trong “những chức năng bậc cao” trong tâm lý học sinh lý dựa trên LÝ TRÍ LÀ LÊN. Thấp trong “hệ thống âm vị bậc thấp” (cái đề cập tới những khía cạnh ngữ âm chi tiết của hệ thống âm thanh của các ngôn ngữ) là dựa trên THỰC TẾ TRẦN TỤC LÀ XUỐNG (như trong “down to earth” - thực tế). Sự hấp dẫn trực cảm của một lý thuyết khoa học phụ thuộc vào mức độ phù hợp của các ẩn dụ của nó với kinh nghiệm của cá nhân.
- Kinh nghiệm vật lý và văn hóa của chúng ta cung cấp rất nhiều những nền tảng khả hữu cho các ẩn dụ định hướng không gian. Nhưng những nền tảng nào được chọn, và những nền tảng nào là chủ yếu lại có thể thay đổi giữa các nền văn hóa.
- Rất khó để phân biệt cơ sở vật lý với cơ sở văn hóa của một ẩn dụ, vì sự lựa chọn một cơ sở vật lý nào từ trong rất nhiều cơ sở khả dĩ lại là liên quan tới văn hóa.
Những nền tảng kinh nghiệm của ẩn dụ
Chúng tôi không biết nhiều lắm về những nền tảng kinh nghiệm của các ẩn dụ. Bởi sự thiếu hiểu biết trong vấn đề này, chúng tôi đã mô tả các ẩn dụ một cách riêng biệt, sau đó chỉ thêm các ghi chú có tính võ đoán về những nền tảng kinh nghiệm khả hữu của chúng. Chúng tôi đang làm theo cách này vì thiếu hiểu biết chứ không phải vì thiếu nguyên tắc. Trong thực tế chúng tôi cảm thấy không có ẩn dụ nào có thể được thấu hiểu hoặc thậm chí được biểu hiện thỏa đáng một cách độc lập với những nền tảng kinh nghiệm. Ví dụ, NHIỀU HƠN LÀ LÊN có một nền tảng kinh nghiệm rất khác so với HẠNH PHÚC LÀ LÊN hay LÝ TRÍ LÀ LÊN. Mặc dù ý niệm LÊN giống nhau trong tất cả các ẩn dụ này thì những kinh nghiệm mà LÊN dựa trên đó lại rất khác nhau. Điều đó không có nghĩa là có nhiều LÊN khác nhau, đúng hơn là chiều thẳng đứng đi vào kinh nghiệm của chúng ta theo những cách khác nhau và do vậy đem lại sự phát sinh nhiều ẩn dụ khác nhau.
Một cách nhấn mạnh tính bất khả phân giữa các ẩn dụ với các nền tảng kinh nghiệm của chúng là đưa cơ sở kinh nghiệm vào trong bản thân sự miêu tả ẩn dụ. Bởi vậy, thay vì viết NHIỀU HƠN LÀ LÊN và LÝ TRÍ LÀ LÊN, chúng ta có thể có được nhiều mối quan hệ phức tạp hơn được thể hiện trong sơ đồ.
Một sự mô tả như vậy sẽ nhấn mạnh rằng hai phần của mỗi ẩn dụ được liên kết chỉ thông qua một nền tảng kinh nghiệm và rằng chỉ thông qua những nền tảng kinh nghiệm này mà ẩn dụ mới có thể phục vụ mục đích nhận thức.
Chúng tôi sẽ không sử dụng những mô tả như vậy, nhưng chỉ vì chúng tôi biết quá ít về những nền tảng kinh nghiệm của các ẩn dụ. Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng từ “là” (is) trong cách nói về những ẩn dụ như NHIỀU HƠN LÀ LÊN, nhưng “là” cần được xem như một viết tắt cho tập hợp một số số kinh nghiệm mà ẩn dụ dựa trên đó và thông qua đó chúng ta nhận thức nó.
Cơ sở kinh nghiệm có vai trò quan trọng trong việc nhận thức những hành chức của các ẩn dụ không phù hợp với nhau bởi chúng dựa trên những kinh nghiệm khác nhau. Lấy ví dụ, một ẩn dụ như KHÔNG BIẾT LÀ LÊN, BIẾT LÀ XUỐNG. Các ví dụ là “That’s up in the air” (điều đó vẫn chưa được giải quyết) và “The matter is settled.” (vấn đề đã được giải quyết). Ẩn dụ này có cơ sở kinh nghiệm rất giống với HIỂU LÀ NẮM GIỮ, như trong “I couldn’t grasp his explanation.” (Tôi không thể nắm bắt (hiểu) được lời thanh minh của anh ta). Với các vật thể vật chất, nếu bạn có thể nắm và giữ được nó trong tay, bạn có thể nhìn nó một cách cẩn thận và có được hiểu biết khá ổn về nó. Sẽ dễ dàng nắm bắt một vật và quan sát nó kĩ càng nếu nó ở một vị trí cố định nào đó trên mặt đất hơn là khi nó trôi nổi trong không khí (ví như một chiếc lá hoặc một mẩu giấy). Do vậy KHÔNG BIẾT LÀ LÊN, BIẾT LÀ XUỐNG gắn kết với HIỂU LÀ NẮM GIỮ.
Nhưng KHÔNG BIẾT LÀ LÊN lại không gắn kết với những ẩn dụ như TỐT LÀ LÊN và KẾT THÚC LÀ LÊN (như trong “I’m finishing up”- tôi đã xong). Một người sẽ mong chờ KẾT THÚC kết cặp với BIẾT và CHƯA KẾT THÚC kết cặp với KHÔNG BIẾT. Nhưng cho tới nay, như các ẩn dụ trực tiếp được quan tâm, đây không phải là một trường hợp. Lý do là KHÔNG BIẾT LÀ LÊN có một nền tảng kinh nghiệm khác so với KẾT THÚC LÀ LÊN.
Những giá trị cơ bản nhất trong một nền văn hóa sẽ gắn kết với cấu trúc ẩn dụ của những ý niệm cơ bản nhất trong nền văn hóa đó. Như một ví dụ, chúng ta hãy xem xét một vài giá trị văn hóa trong xã hội của chúng ta có gắn kết với các ẩn dụ định hướng lên-xuống và những giá trị đối lập không có sự gắn kết như vậy.
“Nhiều hơn là tốt hơn” gắn kết với NHIỀU HƠN LÀ LÊN và TỐT LÀ LÊN. “Ít hơn là tốt hơn” không gắn kết với chúng.
“Lớn hơn là tốt hơn” gắn kết với NHIỀU HƠN LÀ LÊN và TỐT LÀ LÊN trong khi “Ít hơn là tốt hơn” lại không.
“Tương lai sẽ tốt hơn” gắn kết với với TƯƠNG LAI LÀ LÊN và TỐT LÀ LÊN. “Tương lai sẽ tồi tệ hơn” không như vậy.
“Sẽ có nhiều hơn trong tương lai” gắn kết với NHIỀU HƠN LÀ LÊN và TƯƠNG LAI LÀ LÊN.
“Địa vị của bạn sẽ cao hơn trong tương lai” gắn kết với ĐỊA VỊ CAO LÀ LÊN và TƯƠNG LAI LÀ LÊN.
Đây là những giá trị đã ăn sâu trong văn hóa của chúng ta. “Tương lai sẽ tốt hơn” là một trình bày của ý niệm tiến bộ. “Sẽ có nhiều hơn trong tương lai” là trường hợp đặc biệt của sự tích lũy hàng hóa và tăng lương. “Địa vị của bạn sẽ cao hơn trong tương lai” là một sự trình bày của danh vọng. Những giá trị này gắn kết với các ẩn dụ định hướng hiện tại của chúng ta, những giá trị đối lập với chúng thì không như vậy. Có vẻ như những giá trị của chúng ta không độc lập mà phải hình thành một hệ thống mạch lạc với những ý niệm ẩn dụ mà chúng ta sống trong nó. Chúng tôi không tuyên bố rằng mọi giá trị văn hóa gắn kết với một hệ thống ẩn dụ thực sự tồn tại, mà chỉ là những giá trị nào tồn tại và thâm nhập sâu vào văn hóa thì phù hợp với hệ thống ẩn dụ.
Những giá trị được liệt kê phía trên đã giữ mọi thứ trong nền văn hóa của chúng ta ở trạng thái ngang bằng. Nhưng vì mọi thứ thường không ngang bằng nên thường xuyên có những đối lập giữa những giá trị này và do đó là những đối lập giữa những ẩn dụ liên đới với chúng. Để giải thích những đối lập như vậy giữa các giá trị (và các ẩn dụ của chúng), chúng ta phải tìm ra những ưu tiên khác biệt dành cho các giá trị này và các ẩn dụ bởi nhóm văn hóa (subculture) sử dụng chúng. Ví dụ, NHIỀU HƠN LÀ LÊN dường như luôn có được sự ưu tiên cao nhất vì nó có cơ sở vật lý rõ ràng nhất. Sự ưu tiên của NHIỀU HƠN LÀ LÊN vượt qua TỐT LÀ LÊN có thể được nhận thấy trong các ví dụ như “Lạm phát đang gia tăng” và “Tỉ lệ tội phạm đang tăng lên”. Giả sử lạm phát và tội phạm đều là xấu, nghĩa của chúng là như vậy bởi NHIỀU HƠN LÀ LÊN luôn luôn có sự ưu tiên hàng đầu.
Nói chung, những giá trị nào được ưu tiên phụ thuộc một phần vào nhóm văn hóa mà người ta sống trong đó và phụ thuộc một phần vào các hệ giá trị cá nhân. Những nhóm văn hóa khác nhau của một nền văn hóa chủ đạo chia sẻ với nhau những giá trị cơ bản nhưng đem lại cho chúng những sự ưu tiên khác nhau. Ví dụ LỚN HƠN LÀ TỐT HƠN có thể mâu thuẫn với SẼ CÓ NHIỀU HƠN TRONG TƯƠNG LAI khi nhắc đến câu hỏi lúc nào mua một chiếc xe hơi lớn, với những khoản thanh toán thời gian lớn sẽ đào sâu vào tiền lương tương lai, hoặc khi nào mua một chiếc xe nhỏ, rẻ hơn. Có những nhóm văn hóa Mĩ nơi mà bạn mua một chiếc xe hơi lớn và không lo lắng gì về tương lai, và có những nhóm văn hóa khác nơi mà tương lai là ưu tiên hàng đầu và bạn mua chiếc xe hơi nhỏ. Có một thời gian (trước thời kì lạm phát và khủng hoảng năng lượng), khi sở hữu một chiếc xe nhỏ là có địa vị cao trong nhóm văn hóa mà ĐẠO ĐỨC LÀ LÊN và TIẾT KIỆM NGUỒN TÀI NGUYÊN LÀ CÓ ĐẠO ĐỨC được ưu tiên hơn LỚN HƠN LÀ TỐT HƠN. Ngày nay số lượng những người sở hữu xe nhỏ tăng lên một cách mạnh mẽ vì có một nhóm văn hóa lớn (nhóm cộng đồng) với quan niệm TIẾT KIỆM TIỀN LÀ TỐT HƠN được ưu tiên hơn LỚN HƠN LÀ TỐT HƠN.
Ngoài các nhóm văn hóa, có những nhóm người mà đặc tính xác định của họ là chia sẻ một số giá trị quan trọng nào đó mâu thuẫn văn hóa chính thống. Nhưng trong những cách thức ít rõ ràng hơn, họ giữ gìn những giá trị chính thống khác. Thí như những giáo phẩm tu viện dòng Luyện tâm. Ở đó, ÍT HƠN LÀ TỐT HƠN và NHỎ HƠN LÀ TỐT HƠN đúng với sự chiếm hữu của cải vật chất, cái được xem như sự cản trở điều trọng đại, cụ thể là phụng sự Thiên chúa. Các tu sĩ chia sẻ giá trị chính thống ĐỨC HẠNH LÀ LÊN dẫu cho họ đem lại cho nó sự ưu tiên cao nhất và một định nghĩa rất khác biệt.
NHIỀU HƠN vẫn TỐT HƠN mặc dù nó gắn với đạo đức, và địa vị vẫn là LÊN mặc dù nó không thuộc thế giới thực này mà thuộc một thế giới cao hơn, vương quốc của Thiên chúa. Hơn nữa TƯƠNG LAI SẼ TỐT HƠN là đúng thông qua sự phát triển tâm linh (LÊN) và, cuối cùng, trong sự cứu rỗi (thực sự LÊN). Đây là điển hình của những nhóm người ngoài vùng văn hóa chính thống. Nhân đức, lòng tốt, địa vị có thể được định nghĩa lại nhưng chúng vẫn LÊN. Có những thứ quan trọng thì vẫn tốt hơn, TƯƠNG LAI SẼ TỐT HƠN với sự quan tâm tới những gì quan trọng, vân vân. Liên quan tới những gì là quan trọng với một nhóm tu sĩ, hệ thống giá trị vừa mạch lạc trong nội bộ và, với sự quan tâm tới những gì là quan trọng cho nhóm, gắn kết với những ẩn dụ định hướng lớn của văn hóa chính thống.
Các cá nhân, cũng như các nhóm, rất khác nhau trong sự ưu tiên của họ và trong những cách thức họ định nghĩa những gì là tốt hoặc có đạo đức với họ. Trong ý nghĩa này họ là những phân nhóm. Liên quan tới những gì quan trọng đối với họ, các hệ thống giá trị cá nhân gắn kết với những ẩn dụ định hướng chính trong văn hóa chính thống.
Không phải mọi nền văn hóa đều đem lại sự ưu tiên cho định hướng lên-xuống như chúng ta đã làm. Có những nền văn hóa mà ở đó sự cân bằng và tính trung tâm lại đóng một vai trò quan trọng hơn nhiều so với văn hóa của chúng ta. Hoặc quan tâm đến định hướng phi không gian chủ động-bị động. Với chúng ta CHỦ ĐỘNG LÀ LÊN và BỊ ĐỘNG LÀ XUỐNG có ở trong hầu hết các vấn đề. Nhưng có những nền văn hóa mà ở đó tính bị động lại có giá trị hơn nhiều so với tính chủ động. Nói chung, những định hướng chính lên-xuống, trong-ngoài, trung tâm-ngoại vi, chủ động - bị động, v.v dường như cắt ngang qua tất cả các nền văn hóa, nhưng ý niệm nào được định hướng bằng những cách nào và định hướng nào là quan trọng nhất lại thay đổi giữa các nền văn hóa.
Người dịch: Tạ Thành Tấn
Nguồn: Lakoff G. & Johnson M., Metaphor We Live By, The University of Chicago Press, London, 2003. p. 3-24