Văn học nước ngoài

LƯỢC KHẢO ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HÓA ẤN ĐỘ TỚI PHONG TỤC VIỆT NAM


19-10-2020
Tác giả: PGS TS Nguyễn Thị Mai Liên

    Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, “phong” () là “cái mà tục đang chuộng, như thế phong世風 thói đời; quốc phong國風 thói nước; gia phong thói nhà ý nói sự gì kẻ kia xướng lên, người này nối theo dần dần thành tục quen”1. “Trên hóa kẻ dưới gọi là phong風”, dưới bắt chước trên gọi là tục”2. Trong Lời nói đầu cuốn 100 điều nên biết về phong tục Việt Nam, tác giả Tân Việt có định nghĩa: “Phong là nền nếp đã lan truyền rộng rãi, tục là thói quen lâu đời. Nội dung phong tục bao hàm mọi mặt đời sống sinh hoạt xã hội”. Theo từ điển Wikipedia, “phong tục là toàn bộ những hoạt động sống của con người được hình thành trong quá trình lịch sử và ổn định thành nề nếp, được cộng đồng thừa nhận, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phong tục không mang tính cố định, bắt buộc như nghi thứcnghi lễ, nhưng cũng không tùy tiện như hoạt động sống thường ngày. Nó trở thành một tập quán xã hội tương đối bền vững và tương đối thống nhất. Phong tục có thể ở một dân tộcđịa phương, tầng lớp xã hội hay thậm chỉ một dòng họgia tộc. Phong tục là một bộ phận của văn hóa và có thể chia thành nhiều loại. Hệ thống phong tục liên quan đến vòng đời của con người, như phong tục sinh đẻ, trưởng thành, cưới xin, mừng thọ và lên lão... Hệ thống phong tục liên quan đến hoạt động của con người theo chu kì thời tiết trong năm, hệ thống phong tục liên quan đến chu kì lao động của con người”…3. Nhận xét về phong tục, trong cuốn Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính viết: “Mỗi nước có một phong tục riêng. Phong tục ấy kì thủy hoặc bởi tự một vài người mà rồi bắt chước nhau mà thành ra thói quen. Hoặc bởi phong thổ và cách chính trị, cách giáo dục trong nước mà thành ra. Hoặc bởi cái phong trào ở ngoài tràn vào rồi mà dần dần tiêm nhiễm thành tục”4. Từ những khảo sát trên, chúng tôi đi đến quan niệm về phong tục như sau: phong tục là toàn bộ những hoạt động sống của con người được hình thành trong quá trình lịch sử và ổn định thành nề nếp, được cộng đồng thừa nhận và tuân theo, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phong tục ấy có thể tự khởi lên trong nước có thể du nhập từ ngoài vào.

       Việt Nam có quan hệ giao lưu với Ấn Độ từ rất sớm trong lịch sử. Ngay từ những năm đầu Công Nguyên, trong cuộc hội nhập lần thứ nhất, giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có những quan hệ sâu rộng về thương mại, văn hoá. Qua những nhà truyền giáo, những thương gia, văn hoá Ấn Độ, không làm đổ một giọt máu, đã du nhập vào Việt Nam một cách hoà bình. Nhận xét về đặc điểm tiếp nhận văn hoá Ấn Độ ở Việt Nam, cố Tổng bí thư Lê Duẩn viết: “Trong khi nhiều nước lớn ở Châu Á và Phương Tây đem đến cho Việt Nam chúng tôi máu và nước mắt, thì hàng ngàn năm trước đây, Ấn Độ đến với Việt Nam như những người bạn, những sứ giả của hoà bình và hữu nghị. ……………………………………..

*PGS. TS, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Những tư tưởng vị tha, bác ái của Ấn Độ đã đi vào lòng nhân dân Việt Nam5. Các tôn giáo lớn của Ấn Độ đã lan tỏa, ăn sâu bén rễ trên mảnh đất Việt Nam. Thời Lý – Trần, các đấng minh quân đã xây dựng một xã hội thịnh trị dựa trên cơ sở kết hợp tinh hoa tư tưởng tam giáo (Tam giáo đồng nguyên) theo mô hình: XÃ HỘI NHO – TÂM LINH PHẬT – THIÊN NHIÊN ĐẠO. Trong đó ưu tiên Phật giáo làm quốc giáo. Phật giáo trong sự hòa hợp với các tôn giáo ngoại nhập và những tôn giáo, tín ngưỡng bản địa đã ảnh hưởng đến nhiều phương diện trong đó có nhiều phong tục của người Việt. Trong bài viết này, chúng tôi lược khảo một số phong tục tập quán của người Việt bắt nguồn từ văn hóa Ấn Độ có thể là thuần nhất, có thể là đã giao thoa, kết hợp, tiếp biến với các tôn giáo, tín ngưỡng khác.

         Chúng tôi chia làm ba phạm vi theo Phan Kế Bính để khảo sát: phong tục xã hội, phong tục làng xã và phong tục gia tộc cũng có thể hiểu là quốc phong, thế phong và gia phong theo Thiều Chửu.

1.     Ảnh hưởng tới phong tục xã hội

      Tam giáo du nhập vào nước ta từ rất sớm. Trung tâm Phật giáo Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) được các nhà truyền giáo từ Ấn Độ lập nên từ thế kỉ III, nghĩa là trước cả khi nó được truyền vào Trung Quốc. Nho giáo vào nước ta khoảng đầu  Công nguyên. Còn Lão giáo khi truyền vào ta đã mất đi phần nhân văn cổ điển, trở thành một đạo trường sinh bất lão, thậm chí một pháp môn huyền hoặc của giới phù thủy. Tuy nhiên, đến thế kỉ X, mặc dù Đinh Bộ Lĩnh đã đưa đất nước tiến bộ vượt bậc về chính trị bằng việc xây dựng chế độ phong kiến tập quyền đầu tiên nhưng ông và cả triều đại Đinh – Lê vẫn “chưa làm sáng rõ được đường lối của mình trên cơ sở văn hóa, triết học nào”. Vì vậy, xã hội và tư tưởng con người chưa yên ổn. Đến triều Lý, các đấng minh quân đã phát huy được tài năng, trí tuệ của những bậc trí giả lỗi lạc của xã hội thuộc mọi tôn giáo, tư tưởng khác nhau, chắt lọc được tinh hoa của ba học thuyết Nho – Phật – Lão để tổng hợp được một mô hình văn hóa toàn diện: XÃ HỘI NHO – TÂM LINH PHẬT – THIÊN NHIÊN ĐẠO. Trên cơ sở kết hợp những tinh hoa tư tưởng của ba học thuyết vĩ đại đó, nhà Lý và tiếp sau là nhà Trần đã xây dựng một xã hội kỉ cương, khuôn phép trên nền tảng những tinh túy của Nho học; xây dựng nhân cách công dân dựa trên yêu cầu giác ngộ để đi đến giải thoát khỏi mê lầm về tham sân si vị kỉ, hướng tới rèn luyện cái tâm thiện, tâm nhân bản của đạo Phật; đồng thời xây dựng cách ứng xử hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên, cũng tức là tôn trọng quy luật làm quy tắc sống trên cơ sở tư tưởng của Lão học. Chủ trương kết hợp những cốt lõi đẹp đẽ, sâu sắc của ba học thuyết đã giúp nhà Lý và nhà Trần có được những quyết sách vô cùng đúng đắn.

      Đối với nhân dân, trong 18 năm cầm quyền, Lý Công Uẩn đã ba lần xá tô thuế cho dân tổng cộng bảy năm rưỡi. Đây là điều mà trước và sau Lý Công Uẩn chưa một vị vua nào, một triều đại nào làm được.

       Đối với thiên nhiên, môi trường, nhà Lý có chính sách bảo vệ nghiêm ngặt. Triều đình ban chiếu cấm sắc dân tức là cả sơn tràng lẫn nông phu không được chặt cây non vào mùa xuân dù rừng thời Lý phủ tới 95% diện tích đất đai toàn quốc. Nhà Trần tiếp tục thi hành những chính sách bảo vệ thiên nhiên, môi trường của nhà Lý đồng thời bổ sung thêm một số điều khoản nữa như cấm hái măng non, cấm săn bắn thú vào mùa sinh sản, cấm đánh cá vào mùa cá đẻ…

      Như vậy, nhà Lý – Trần đã Việt hóa vô cùng uyển chuyển, linh hoạt, thông minh Tam giáo, biến cả Nho, Phật, Lão thành Nho, Phật, Lão Việt Nam thuần hậu. Trên phương diện xã hội, Phật giáo chủ yếu được khai thác để xây dựng tư cách công dân hướng tới đời sống tâm linh hướng thiện, tu tâm tích đức từ bi hỉ xả cho con người, góp phần hun đúc một lối sống nhân hậu cho người Việt Nam trong suốt trường kì lịch sử và lưu truyền tới tận ngày nay.

2.    Ảnh hưởng tới phong tục làng xã

      Phật giáo du nhập mạnh mẽ tạo nên một hệ thống chùa vô cùng phong phú và tục thờ Phật sâu rộng ở Việt Nam. Nước có chùa của nước, làng có chùa của làng. Thường mỗi làng có một chùa thờ Phật nhưng cũng có làng to lập đến hai ba ngôi chùa. Tuy nhiên, chùa Việt Nam không thuần túy thờ Phật mà kết hợp thờ nhiều đối tượng của các tôn giáo, tín ngưỡng khác. Chùa Đậu ở Gia Phúc, Thường Tín, Hà Nội thờ Pháp Vũ và chùa Dâu ở Thuận Thành, Bắc Ninh thờ bà Pháp Vân trong Tứ Pháp: Pháp Vân – Pháp Vũ – Pháp Lôi – Pháp Điện tức Mây – Mưa – Sấm – Chớp. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Quốc Hải, “Phật Mẫu và Tứ Pháp có liên quan chặt chẽ đến nền nông nghiệp lúa nước và tín ngưỡng Mẫu, một tín ngưỡng sớm nhất và lớn nhất ở nước ta”6. Điều đó cho thấy hiện tượng giao thoa, hòa nhập mạnh mẽ của đạo Phật để tồn tại mãnh liệt trên mảnh đất Việt Nam. Chùa chiền đã tạo nên những không gian sinh hoạt văn hóa tâm linh phong phú cho người Việt nơi làng xã. Từ đó hình thành nên những phong tục tốt đẹp trong nhân dân như đi lễ chùa đầu năm, ngày rằm, mồng 1 hàng tháng… để tìm lại sự thư thái cho tâm hồn, cầu mong bình an cho mọi người, mọi nhà.

      Hàng năm, cứ vào mỗi dịp đầu năm, nhiều chùa thường tổ chức cúng sao giải hạn cho các gia đình. Số lượng người đến chùa dâng sao giải hạn rất đông. Vậy tục cúng sao có nguồn gốc từ đâu? Xác định chính xác một phong tục có nguồn gốc từ đâu rất khó. Bởi trong quá trình tồn tại, tập tục của tôn giáo, tín ngưỡng này được tôn giáo, tín ngưỡng khác tiếp thu, lưu giữ. Theo trang của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Thông tin Truyền thông, cúng sao giải hạn có nguồn gốc từ Lão giáo. Từ Lão giáo qua dân gian rồi đi vào Phật giáo. Sao hạn được tính trên học thuyết ngũ hành xung khắc. Theo sự vận chuyển của ngũ hành, mỗi năm có một vì sao chiếu mạng vào một tuổi của từng người. Còn hạn là niên hạn, là cách thức riêng ứng với sao chiếu mạng là tốt hay xấu. Nếu gặp sao xấu thì phải cúng sao giải hạn để được an lành. Có tất cả chín vì sao cai quản con người là La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Âm, Thái Dương, Kế Đô, Mộc Đức, Vân Hán và tám niên hạn là Huỳnh Tuyền, Tam Kheo, Ngũ Mộ, Thiên Tinh, Toán Tận, Thiên La, Đại Võng, Diêm Vương. Trong số đó hai sao bị coi là xấu nhất là La Hầu đối với nam và Kế Đô đối với nữ nên mới có câu “nam La Hầu, nữ Kế Đô”.

       Tuy nhiên, La Hầu và Kế Đô lại có nguồn gốc từ Ấn Độ. Trong thần thoại Khuấy biển sữa thuộc tập thần thoại Purana của Hindu giáo có thần thoại về Rahu phiên âm tiếng Việt thành La Hầu và Kelu phiên âm tiếng Việt thành Kế Đô, có thể để giải thích hiện tượng nhật thực hay nguyệt thực. Đạo sĩ Đurvasa được các vua chúa trần gian tặng cho một vòng hoa. Đurvasa đem vòng hoa ấy tặng cho Ngọc Hoàng Indra. Ngọc Hoàng nhận nhưng khi Đurvasa đi rồi lại ném cho voi giày. Khi trở lại gặp Indra, đạo sĩ thấy vòng hoa bên cạnh chân voi, tức giận niệm chú làm các thần mất hết sức lực, trở nên yếu đuối như con người. Sau đó, loài quỷ Asura tấn công các thần. Vì các thần mất hết sức lực nên thua trận phải đi cầu cứu các thần hùng mạnh khác ở khắp nơi. Thần Bảo Tồn Visnu bảo các thần phải ăn mật và sữa đặc linh thiêng mới hồi phục sinh lực. Thế là các thần bèn góp nhặt những cây thuốc trên đất ném xuống biển sữa rồi dùng núi Manđara làm que khuấy biển sữa cho đông đặc lại thành thuốc trường sinh. Khi thuốc trường sinh đông đặc lại, vị lương y Đhanuantari múc nó cho vào cái bát. Cả thần và quỷ đổ xô đến giành cái bát. Quỷ khỏe hơn giành được cái bát. Nhưng chúng lại cãi nhau xem ai được uống trước. Giữa lúc đó, một người con gái xinh đẹp dịu dàng hiện ra. Đám quỷ ngơ ngẩn quên cả thuốc trường sinh. Mohini (tên người con gái xinh đẹp), hiện thân của thần Visnu, mỉm cười tình tứ liếc nhìn bát thuốc. Một con quỷ bảo nàng nên chia bát thuốc cho đều, đám quỷ chế nhạo con quỷ kia. Mohini liền tươi cười nói: “Tại sao lại khinh thường ý kiến đàn bà?”, cả đám quỷ cười thích thú, tỏ vẻ tin cậy Mohini, cùng nhau thề dứt khoát nghe theo lời nàng. Mohini liền nói: “Cả đôi bên quỷ thần đều có công như nhau mới lấy được thuốc này. Vậy phải chia hai phần bằng nhau”. Đoạn nàng yêu cầu quỷ thần sắp hai hàng đứng hai bên. Nàng cầm bát thuốc phân phát cho bên thần trước. Vị thần cuối cùng nhận thuốc xong, Mohini biến mất cùng bát thuốc. Cả đám đông thét vang, quỷ và thần lao vào đánh nhau dữ dội. Nhưng lúc bấy giờ, thần đã uống thuốc trường sinh nên khỏe hơn đã chiến thắng quỷ và đuổi quỷ đi.

       Một con quỷ trá hình làm thần đứng trong hàng thần. Nó vừa uống thuốc đầy mồm thì bị thần Mặt Trời Surya và thần Mặt Trăng Chanđra ngồi bên cạnh phát hiện  tố giác cho đám đông và thần Visnu. Visnu lập tức chém quỷ làm đôi nhưng vì trong người nó có thuốc trường sinh nên hai phần xác của nó vẫn sống và được thần Sáng Tạo Brahma cho lên trời thành hai vì sao Rahu và Kela tức La Hầu và Kế Đô. Nhưng con quỷ vẫn giữ mối thù với các thần nhất là Mặt Trời và Mặt Trăng nên luôn tìm cách nuốt sống hai vị thần đó, vì vậy mà có hiện tượng nhật thực và nguyệt thực7. Thần thoại này có nội dung giải thích hiện tượng nhật thực, nguyệt thực bằng tưởng tượng. La Hầu – Kế Đô trong thần thoại Hindu giáo biểu tượng cho cái xấu, cái ác.

       Phật giáo tiếp thu các nhân vật này và viết thêm truyền thuyết về việc thu phục La Hầu của Đức Phật Thích Ca Mầu ni. Trong Phật giáo, La Hầu là vị thần linh cảm khiếp sợ (krodhadevatas). Tạp A hàm kinh (Samyutta Nikaya) của kinh sách Pali có kể lại câu chuyện Đức Phật tổ khuất phục La Hầu. La Hầu tấn công thần Mặt Trời Surya và thần Mặt Trăng Chandra rồi bắt giam họ. Hai vị thần đã đọc thơ bày tỏ lòng tôn kính của họ đối với Thích ca Mầu ni. Đức Phật Tổ đã đáp lại bằng cách sai La Hầu phải thả họ, nếu không đầu La Hầu sẽ bị vỡ thành bảy mảnh. La Hầu đành phải thả thần Mặt Trời Surya và thần Mặt Trăng Chandra. Những câu thơ mà hai vị thần này đọc từ đó được đưa vào trong nghi thức tế lễ Phật giáo như là những câu thơ bảo vệ được các nhà sư đọc lại khi cầu kinh để mong nhận được sự che chở. Qua câu chuyện này cũng có thể thấy kinh Phật đã đề cao vai trò của Phật Tổ đối với việc thu phục La Hầu, đem lại sự bình an. Quan niệm về ngũ hành xung khắc của Lão giáo đã kết hợp với quan niệm về quyền năng của Phật mà hình thành tục cúng sao giải hạn chăng?

       Nhiều người phê phán tục cúng sao giải hạn là mê tín dị đoan và không phải chức năng của nhà chùa. Vậy nhìn nhận tục này như thế nào cho công bằng? Trước hết,

  

 Đầu của con quỷ La Hầu

(Tượng điêu khắc tại Bảo tàng Anh)

chúng ta thấy cúng sao giải hạn hướng tới những mục đích tốt đẹp, đó là hóa giải những tai ách, những lo lắng, cầu mong để đem lại hi vọng về cuộc sống bình an cho mọi người trong năm mới. Trên phương diện này, có thể nói tục cúng sao giải hạn giống như một liệu pháp tâm lí để định tâm cho mọi người. Trong lễ cúng sao, nhà chùa thực hiện nghi lễ phóng sinh cho hàng ngàn chú chim, lễ siêu sinh tịnh độ cho vong linh các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì dân vì nước, cho những cô hồn bơ vơ đáng thương. Nghi lễ vì thế gợi lên bao tình yêu thương và lòng trắc ẩn của người tham dự đối với người quá cố thuộc mọi tầng lớp, mọi hoàn cảnh khác nhau cũng như với những sinh linh bé bỏng. Vì vậy theo tôi, mục đích đó là rất nhân đạo. Thứ hai, chúng tôi tán thành với tác giả bài viết trên trang của Giáo hội Phật giáo nhan đề Bình giải cúng sao giải hạn rằng “cúng sao giải hạn là tập tục có nguồn gốc từ Lão giáo, nhưng khi cúng sao hạn chúng ta không dùng kinh, nghi thức của Lão giáo để cúng mà dùng kinh Phật giáo, nghi thức Phật giáo. Đây là dịp tốt để cho những ai chưa phải Phật tử được nghe lời kinh tiếng kệ, tiếng mõ tiếng chuông mà thức tỉnh tâm hồn. Những ai đã là Phật tử rồi có dịp ôn lại lời kinh tiếng kệ để việc học Phật, tu Phật càng vững chãi hơn, tinh tấn hơn. Hơn thế nữa, qua việc cúng sao giải hạn, chúng ta có điều kiện, có cơ hội để tiếp cận, gần gũi quần chúng, giúp cho họ những điều họ cần. Đồng thời qua việc đoán sao hạn, chúng ta có dịp khuyên họ làm lành lánh dữ, đi chùa tụng kinh lạy Phật, bố thí cúng dường . . . Chẳng hạn, một người nào đó năm đó gặp sao xấu, hạn xấu, ta khuyên người đó năm nay nên làm phước, cúng dường Tam Bảo, ăn chay mỗi tháng mấy ngày, bố thí cho người nghèo... thì tai ách sẽ thuyên giảm, tiêu trừ. Lời khuyên ấy chắc chắn Phật tử và người dân địa phương sẽ nghe và sẽ thực hiện. Điều ấy, một người có uy quyền chưa chắc khuyên được, nhưng qúy thầy với ngôn ngữ Từ Bi, ái ngữ sẽ khuyên được”8. Thứ ba, giáo lí Phật giáo vốn cao siêu, huyền nhiệm với đại đa số dân chúng mà trình độ dân trí còn thấp. Nếu chỉ dựa vào Phật  để truyền bá đạo Phật e rằng khó mà hoằng dương Phật pháp. Vì vậy phải dựa cả vào phần nghi lễ (tức phần sự) sao cho “lí sự viên dung” thì sự nghiệp hoằng pháp mới viên thành. Cúng sao là một cách thực hành sự để thu hút tín đồ hữu hiệu của đạo Phật. Vì cúng sao liên quan đến sức khỏe, bình an, tài lộc… những vấn đề thiết thực đối với mọi nhà. Thực tế cho thấy, những cuộc thuyết pháp thường thu hút được ít người đến nghe hơn là những lễ cúng sao của nhà chùa. Hàng năm, có chùa có hàng vài ngàn hộ gia đình đến cúng sao, phải chia làm nhiều khóa, mỗi khóa đọc cả tối mới hết danh sách những người dâng lễ. Bằng cách đó, nhà chùa đã thu hút được số lượng lớn tín đồ đến vừa chiêm bái những nghi lễ thấm đượm lòng từ bi bác ái, vừa nghe những lời khuyên ở lành tránh dữ. Giáo lí Phật vì thế trở nên dễ hiểu và dễ đi vào lòng người. Xuất phát từ những nguyên nhân trên, chúng tôi cho rằng nếu cho tục cúng sao giải hạn là hủ tục, mê tín dị đoan thì cũng không hẳn đã đúng.

      Tuy nhiên cũng phải nhận rõ những hệ lụy mà tục này có thể dẫn đến để hạn chế mặt trái của nó. Tục cúng sao có thể dẫn đến tâm lí ỷ lại vào thế lực siêu hình, không nỗ lực tu thân, vươn lên. Nguy hại hơn, do người cúng nghĩ rằng đã cúng sao thì có thể làm gì cũng được thì tai hại không chỉ cho cá nhân mà còn cả xã hội. Ngoài ra, một số nơi tổ chức cúng sao với hình thức phù chú, mê hoặc mang vẻ âm u huyền bí, làm mất đi mục đích tốt đẹp và bản chất trong sáng của tập tục và Phật giáo, khiến nó bị hiểu lầm là mê tín dị đoan.

     Như vậy, khách quan mà nói, tập tục cúng sao cũng như bất cứ hiện tượng xã hội nào đều có hai mặt. Quan trọng là chúng ta thực hiện như thế nào, với mục đích gì. Đối với việc cúng sao giải hạn, nó là tốt nếu chúng ta xem đó như một phương tiện truyền bá giáo lí nhà Phật, khuyến thiện răn ác, đem lại tâm lí an định cho mọi người. Ngược lại, nó là xấu nếu coi đó là cứu cánh và tổ chức với hình thức phù phú, ma thuật, huyền bí, mê hoặc lòng người. Phân tích công bằng để chúng ta có cách định hướng sao cho phong tục ngày càng phát huy được mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của nó trong xã hội.

3.     Ảnh hưởng tới phong tục gia tộc

     Theo quan niệm của Hindu giáo và Phật giáo, mỗi cá thể có hai phần là thể xác và linh hồn (Linh hồn Cá thể gọi là Atman). Thể xác như chiếc áo rồi sẽ mục nát, phần linh hồn Atman trường tồn, bất biến. Khi thể xác mục nát, linh hồn sẽ tìm đến một thân xác mới để tiếp tục đời sống của nó gọi là luân hồi (samsara). Hoặc nếu đã minh triết rũ bỏ được ý thức về cái tôi cá nhân, ngọn lửa tham sân si tịch diệt thì sẽ thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, Linh hồn Cá thể sẽ hòa nhập Linh hồn Đại ngã, an lạc vĩnh hằng chốn Cực lạc hay Niết Bàn9. Ấn Độ giáo thời Tiền Veda cũng cho rằng Âm Dương kết hợp là nguồn gốc của vạn vật cho nên người Ấn Độ có tục thờ Âm – Dương (Yoni – Linga) và sau đó Thời Veda thờ Cha Trời (Dyas) – tượng trưng cho Dương và Mẹ Đất (Adity) – tượng trưng cho Âm10. Quan niệm này chi phối nhiều phong tục tập quán trong gia tộc của Việt Nam đặc biệt là tục cúng lễ người mất trong mỗi gia đình.

     Nếu phương Tây coi trọng ngày sinh (nên mới tổ chức sinh nhật) thì phương Đông (ở đây chúng tôi phạm vi trong những nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ) lại coi trọng ngày mất vì người phương Đông cho rằng “sinh kí tử quy” - sống gửi thác về - tức là sống chỉ là tạm, chết mới là về với cuộc sống vĩnh hằng như mở đầu mục 3 này đã trình bày. Vì vậy việc cúng lễ cho người chết rất được coi trọng. Đó là một cách thức con cháu nâng đỡ người chết, giúp người thân đã qua đời có thể đạt đến cuộc sống an lạc nơi vĩnh hằng. Hoặc nếu chưa thành quả phúc thì cầu cho người đó chóng đầu thai sang kiếp khác. Phong tục này biểu hiện “tính nhân văn cố hữu của nhân loại” (Hoàng Quốc Hải) chứ tuyệt đối không phải biểu hiện mê tín dị đoan. Cách cúng lễ của mỗi cộng đồng có những đặc trưng riêng tùy vào tín ngưỡng hoặc tôn giáo mà cộng đồng đó tôn thờ. Ở đây, chúng tôi tập trung tìm hiểu cách thờ cúng người chết của dân tộc Kinh – cách thờ cúng mang đậm nhân sinh quan và vũ trụ quan Ấn Độ.

     Khi trong nhà có người chết, gia đình phải lập bàn thờ riêng cho người đó, treo ảnh và thắt hồn bạch cùng các đồ tang lễ, đối, trướng…

    Trên quan tài bao giờ cũng có bát cơm úp trên đặt quả trứng cùng đôi đũa có đánh bông trên đầu. Cúng bát cơm quả trứng với đôi đũa bông chính là để cầu mong linh hồn người chết sớm đầu thai. Vì bát cơm làm từ lúa gạo mà lúa gạo sinh ra từ đất biểu tượng cho Âm, bông trên đôi đũa tượng trưng cho mây trời – biểu tượng cho Dương, quả trứng biểu tượng cho mầm sống mới (trong thần thoại Ấn Độ Veda, thần Sáng Tạo Brahma được sinh ra từ một quả trứng, rồi từ đó sáng tạo ra vũ trụ). Âm Dương kết hợp để tạo sinh sự sống mới, kiếp sống mới cho người quá cố.

    Sau khi an táng, hàng ngày tới bữa cúng cơm thường như lúc người đó còn sống vì sau 100 ngày, hồn mới tự kiếm ăn được. Đây gọi là “chiêu tịch diện” tức là sớm tối nhận mặt nhau cho đến hết 100 ngày.

     Sau khi mất ba ngày, người nhà cúng tam tiêu (cũng gọi là tế ngu, tức cúng yên). Tại sao lại là ba ngày? Vì số 3 do một dương (1) một âm (2) tạo nên, cúng ba ngày để cho âm dương kết hợp, biến hóa, sinh thành.

      Ngày thứ 7 sau khi mất tức là đủ một tuần, người nhà cúng giải vía. Vía là khiếu. Theo quan niệm Phật giáo, con người có 7 lỗ để hấp thu vật chất và tinh thần mà trưởng thành gọi là thất khiếu bao gồm hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, miệng. Phụ nữ có thêm hai khiếu để sinh và nuôi con (tức cửu khiếu) nhưng khi hết chức năng sinh sản lại trở về 7 khiếu. Vậy cúng 7 ngày là cúng giải 1 vía. Con người có 7 vía phải cúng đủ 7 tuần. Đến tuần thứ 7 có cúng 7 x 7 = 49 ngày gọi là cúng “chung thất” – hết 7 tuần11.

    Để được đầu thai sang kiếp khác, linh hồn phải luân chuyển qua 10 cửa ngục tức thập điện Diêm Vương (Diêm Vương tức Yama – thần Chết của Ấn Độ). Cúng 7 tuần cũng đã giúp người chết qua được 7 cửa. Để giúp người chết qua cửa thứ 8, phải cúng 100 ngày; giỗ đầu tiểu tường (lành ít) giúp qua cửa thứ 9. Giỗ hết đại tường (lành nhiều) giúp qua cửa thứ 10. Cửa 10 cũng gọi là cửa chuyển luân, qua cửa này linh hồn sẽ đi đầu thai kiếp khác.

      Như vậy, việc cúng lễ nhằm giúp đỡ người chết dễ dàng hơn trong quá trình chuyển kiếp luân hồi. Đây là biểu hiện tình cảm của người sống đối với người quá cố, biểu hiện đạo lí con người, không mang tính chất mê tín dị đoan.

       Tục cúng Tết Trung nguyên hay rằm Tháng Bảy cũng bắt nguồn từ đạo Phật. Đại sư Mục Kiền Liên (Kolitha Moggallana) là một trong những đồ đệ thân tín nhất của Phật Thích Ca Mâu ni. Do tu luyện thành công, ông biết mẹ mình đang lâm kiếp ngạ quỷ, bèn hỏi Đức Phật tổ về cách cứu mẹ. Phật tổ dạy rằng, dù ông thần thông quảng đại một mình cũng không đủ sức cứu mẹ. Chỉ có cách nhờ chư tăng mười phương hợp sức lại mới mong cứu được. Ngày thích hợp là rằm tháng bảy. Trong ngày đó, phải sắm sanh lễ cúng. Nhờ đó mà mẹ ngài được giải thoát. Phật cũng dạy rằng, chúng sinh ai muốn báo hiếu cha mẹ cũng làm theo cách ấy. Từ đó mà có lễ Vu Lan.

      Ở Việt Nam, Tết Trung nguyên rằm tháng Bảy cũng là ngày Xá tội vong nhân tức lễ cầu siêu cho những cô hồn khi tại thế thất cơ lỡ vận, không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái trong xã hội... Có lẽ trong tiết Thu sắp đến, lá rụng, mưa ngâu... “người ta dễ chạnh lòng tưởng nhớ đến các cô hồn còn phảng phất bên chân trời góc biển mù khơi mà lập đàn tiến bạt cầu siêu, với chân tâm thành ý:
          Nguyện đem công đức này,
          Hướng về khắp tất cả,
          Người còn với kẻ khuất,
          Đều trọn thành Phật Đạo"12.

       Trong ngày đó, nhà chùa tổ chức cúng lễ với nhiều vật phẩm trong đó có rất nhiều cháo đựng trong những chiếc bồ đài làm từ lá đa rồi cắm hai bên vệ những con đường trong chùa gọi là cháo bố thí. Sau khi cúng xong, vật phẩm bánh trái được dành cho người nghèo. Xưa kia, những người hành khất đổ tới chùa thụ lộc bố thí là những bồ đài cháo đó. Các gia đình người Việt cũng tổ chức cúng rằm tháng Bảy để cúng Phật, cúng gia tiên, báo hiếu cha mẹ và cúng xin xá tội cho vong hồn. Người ta có thể thấy ở tập tục này tình thương bao la không vụ lợi của đạo Phật dành cho người nghèo khi họ còn sống và ngay cả khi họ đã chết.

      Tóm lại, qua phần lược khảo ở trên, chúng tôi nhận thấy những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ tới phong tục Việt Nam là hết sức phong phú. Sự ảnh hưởng này thấm đượm trong những phong tục từ xã hội đến mỗi gia đình, gia tộc. Với tinh thần từ bi bác ái, Phật giáo đã tạo ra những phong tục đẹp chứa đựng lòng yêu thương vô lượng, không vụ lợi đối với con người cả khi sống và khi đã mất. Khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo mang theo những mĩ tục ấy, mặt khác cũng tiếp nhận những tập tục của bản địa hoặc những phong tục của các tôn giáo, tín ngưỡng khác đã được bản địa hóa rồi nhuần khắp tư tưởng nhân ái của mình, góp phần làm phong phú đa dạng những thuần phong mĩ tục cho nền văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần thấy, trong quá trình tồn tại và phát triển, những phong tục ấy cũng có những biến đổi theo chiều hướng tiêu cực. Cần phân biệt rõ bản chất cốt lõi và những hình thức biến tướng để phát huy tối đa mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực, để xã hội chúng ta cũng như lối sống của mỗi người, mỗi nhà trở nên văn minh, tốt đẹp hơn.

        Tài liệu tham khảo

1.     Phan Kế Bính (2014), Việt Nam phong tục, NXB Hồng Đức.

2.     Lê Duẩn, Lời đáp trong lễ chiêu đãi trọng thể do thủ tướng Indra Gandhi tổ chức tại New Delhi, Báo Nhân dân, 11041, 1984.

3.     Cao Huy Đỉnh (2004), Tuyển tập tác phẩm, NXB Lao động, Hà Nội.

4.     Giáo hội Phật giáo, Bình giải tục cúng sao giải hạn, http://phatgiao.org.vn/nghiencuu.

5.     Hoàng Quốc Hải (2007), Văn hóa phong tục, NXB Phụ nữ, Hà Nội.

6.     Tân Việt (2001), 100 điều nên biết về phong tục Việt Nam, NXB Văn hóa Dân tộc, HN.

7.     Lương Duy Thứ (chủ biên) (1996), Văn hóa Phương Đông, NXB Giáo dục, HN.

8.     Lưu Đức Trung (2007), Văn học Ấn Độ, NXB Giáo dục, Hà Nội.

9.     Cúng sao giải hạn là mê tín dị đoan, Giác ngộ Online, 12/2/2014.

10.                        Trần Trọng Khoái, Tìm hiểu tập quán cúng cô hồn hay lễ mông sơn thí thực, http://chuaphuclam.com.

Chú thích

1, 2. Thiều Chửu (2009) , Hán Việt tự điển, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, tr. 953  và 30.

       3. Wikipedia: mục từ “Phong tục”.

4. Phan Kế Bính (2014), Việt Nam phong tục, NXB Hồng Đức, tr. 5.

5. Lê Duẩn, Lời đáp trong lễ chiêu đãi trọng thể do thủ tướng Indra Gandhi tổ chức tại New Delhi, Báo Nhân dân, 11041, 1984.

6. Hoàng Quốc Hải (2007), Văn hóa phong tục, NXB Phụ nữ, tr. 294.

       7. Xem Cao Huy Đỉnh (2004), Tuyển tập tác phẩm, NXB Lao động, Hà Nội, tr. 95, 96, 97.

    Theo thiên văn học, “La Hầu và Kế Đô đánh dấu hai giao điểm trên giao tuyến của các mặt phẳng chứa hai đường bạch đạo và hoàng đạo (tương ứng là đường di chuyển của Mặt Trăng và Mặt Trời khi chúng di chuyển trên bầu trời. Vì thế, La Hầu và Kế Đô tương ứng được gọi là các giao điểm Mặt Trăng bắc và nam. Một thực tế là hiện tượng thực chỉ xảy ra khi Mặt Trời và Mặt Trăng cùng Trái Đất nằm trên một đường thẳng đi qua một trong hai điểm này đã sinh ra huyền thoại về việc nuốt Mặt Trời hay Mặt Trăng”.

       8. Giáo hội Phật giáo, Bình giải tục cúng sao giải hạnhttp://phatgiao.org.vn/nghiencuu.

       9. Xem Lương Duy Thứ (chủ biên) (1996), Văn hóa Phương Đông, NXB Giáo dục, HN.

       10. Xem Lưu Đức Trung (2007), Văn học Ấn Độ, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr. 36.

11.Theo Hoàng Quốc Hải trong Văn hóa phong tục: Về cúng 49 ngày, Phật giáo Mật tông Tây Tạng cũng quan niệm rằng, ý thức của người chết chìm trong giấc ngủ say 3 ngày. Sau đó lang thang trong vũ trụ 49 ngày, nên trong những ngày đó, người sống phải cúng, linh hồn người chết mới có cái ăn.

Theo Dịch học (Nho giáo), số 49 đại diện bao hàm cả lưỡng nghi, tứ tượng, bát quái của đại vũ trụ, cũng là số của tiểu vũ trụ tức là con người.

-          Lưỡng nghi gồm Dương số 1 và Âm số 2: 1+ 2 = 3.

-          Tứ tượng gồm Thái dương 1 + Thiếu dương 2 + Thiếu âm 3 + Thái âm 4 = 10.

-          Bát quái gồm 8 quẻ: Càn 1 + Cấn 2 + Li 3 + Chấn 4 + Tốn 5 + Khảm 6 + Đoài 7 + Khôn 8 = 36.

-          Tổng cộng: Lưỡng nghi 3 + Tứ tượng 10 + Bát quái 36 = 49.

            Ba thuyết Nho – Phật – Lão đều quy về con số 49 huyền bí.

11.  Trần Trọng Khoái, Tìm hiểu tập quán cúng cô hồn hay lễ mông sơn thí thựcchuaphuclam.com.

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020