TRỞ VỀ
(TRÍCH ÔNG GIÀ VÀ BIỂN CẢ)
Ernest Hemingway
Lời giới thiệu
Hemingway là tên tuổi nổi bật của văn học Mỹ. Giải Nobel Văn chương năm 1954 là một minh chứng cho những đóng góp của ông đối với nền văn học hiện đại thế giới. Ông là một đại diện của “thế hệ lạc lối” hay “thế hệ vứt đi” (lost generation), những con người bước ra khỏi Thế chiến lần thứ nhất với tâm trạng xa lạ và cô đơn, mất kết nối với cuộc sống và với chính mình. Sự nghiệp văn chương của Hemingway gắn liền với “nguyên lí tảng băng trôi”. Theo đó, sáng tác văn học cũng giống như một tảng băng trôi với bảy phần tám chìm dưới nước, chỉ có một phần tám nổi lên trên cho chúng ta nhìn thấy. Như vậy, tác giả cần tạo ra cái được gọi là “mạch ngầm văn bản”. Nguyên lí này một mặt đòi hỏi người viết phải lược bỏ đi nhiều yếu tố miêu tả, diễn giải, bình luận trong văn bản, mặt khác đòi hỏi người đọc phải vận dụng trải nghiệm và liên tưởng để “đọc” ra những tầng lớp ý nghĩa đằng sau văn bản.
Một trong những tác phẩm thể hiện rõ nhất nguyên lí “tảng băng trôi” là Ông già và biển cả - tiểu thuyết ngắn xuất bản năm 1952 và giành giải thưởng Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1953. Trở về[1] là đoạn trích nằm ở phần cuối của tiểu thuyết. Bản tiếng Việt được dịch từ The Old Man and the Sea, do Charles Scribners Sons, New York xuất bản vào năm 1952. Trong quá trình dịch, người dịch đã cố gắng bảo lưu lối viết tạo cảm giác rời rạc và lặp lại của nguyên tác. Để giúp các độc giả hiểu rõ hơn điều này, chúng tôi xin được trích một đoạn trong phần viết về Hemingway của nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào, in trong cuốn Văn học Phương Tây (Nhiều tác giả, NXB Giáo dục, 1999): “Không riêng gì ngôn ngữ, mà từ toàn bộ tác phẩm, toát lên một vẻ đặc biệt được gọi là lối viết rời rạc, nhát gừng (style laconique). Tính chất lắp ghép của kết cấu truyện đôi khi đập vào mắt người đọc, và cũng khá rõ ở kết cấu câu. Các câu của ông ít khi liên hệ với nhau bởi những liên từ nhân quả (bởi vậy, do đó…). Ông hay dùng liên từ thời gian hơn và nếu làm một phép thử để thay thế, thì có những chỗ đáng dùng liên từ “nhưng”, ông lại dùng “và”. Thậm chí ông có thể lặp đi lặp lại cảm giác tiếp nối, rời rạc bởi liên từ ấy, hơn là sử dụng quan hệ phụ thuộc. Bởi vậy, dù gọi ông là một “camera”, một máy phát, hay văn điện tín, phóng viên, tất cả đều hàm ý nói về tính chất rời rạc, lắp ráp trong lối viết của ông. Điều chủ yếu là vẻ rời rạc bên ngoài chứa đựng sức biểu cảm bên trong ở đây: đó là cái nền tâm trạng của những nhân vật, của một con người đã từng hiểu sự bất lực của lời lẽ, đã qua lửa đạn, và thấm thía sự hỗn mang của một thế giới đổ vỡ.”
Lúc này lão bị khó thở và cảm thấy có vị lạ trong miệng. Nó có vị như đồng và ngọt ngọt và trong giây lát lão thấy sợ nó. Nhưng vị đó không quá mạnh.
Lão nhổ nước bọt xuống biển và nói, “Ăn đi, galanos[2]. Và nằm mơ là mày đã giết được một con người.”
Lão biết rằng rốt cuộc mình đã bị đánh bại và vô phương cứu chữa và lão quay trở lại đuôi thuyền và thấy đoạn răng cưa gãy cuối tay bánh lái vẫn có thể khít với rãnh đủ để lão điều khiển được. Lão quàng cái bao bố lên vai và đưa chiếc thuyền nhỏ theo hướng của nó. Bây giờ lão nhẹ nhàng lái thuyền và lão không có bất cứ loại suy nghĩ hay cảm xúc nào. Giờ đây lão đã bỏ qua mọi thứ và lão lái thuyền quay về bến cảng quê nhà một cách khôn ngoan nhất có thể. Trong đêm cá mập tấn công cái khung xương như thể ai đó đang nhặt những mảnh vụn trên bàn. Ông lão không chú ý đến chúng và không chú ý đến thứ gì khác ngoài việc lái thuyền. Lão chỉ nhận ra chiếc thuyền đang di chuyển nhẹ nhàng uốn lượn như thế nào khi không có khối nặng khổng lồ kia bên cạnh nó.
Nó ổn cả, lão nghĩ. Nó khỏe mạnh và không bị tổn hại gì ngoại trừ tay bánh lái. Cái đó thì dễ thay thế. Lão có thể cảm thấy mình đang ở trong dòng chảy và lão có thể nhìn thấy ánh sáng từ các bãi biển dọc theo bờ. Lão biết mình đang ở đâu và chỉ việc trở về nhà.
Dù sao thì, gió là bạn của chúng ta, ông lão nghĩ. Rồi lão thêm vào, đôi khi. Và biển cả vĩ đại với những người bạn và những kẻ thù của chúng ta. Và giường, lão nghĩ. Giường là bạn của ta. Chỉ giường thôi, lão nghĩ. Giường sẽ là một thứ tuyệt vời. Thật là dễ dàng khi bạn bị đánh bại, lão nghĩ. Ta không bao giờ biết được nó dễ dàng như thế nào. Và thứ đánh bại ta, lão nghĩ.
“Chẳng còn gì”, lão nói lớn. “Ta đã đi quá xa”.
Khi lão dong chiếc thuyền cập vào bến nhỏ thì đèn đóm ở Terrace đã tắt và lão biết mọi người đã đi ngủ. Gió càng ngày càng to và bây giờ đang thổi mạnh. Dù vậy bến cảng rất yên tĩnh và lão đưa thuyền lên trên một bãi cuội nhỏ bên dưới ghềnh đá.
Không có ai giúp cả nên lão đã kéo thuyền lên đến mức xa nhất có thể. Rồi lão bước ra và buộc thuyền vào một tảng đá.
Lão tháo cột buồm, cuộn và buộc cánh buồm lại. Rồi lão vác cột buồm lên vai và bắt đầu trèo lên. Đó là lúc lão biết mình đã mệt đến chừng nào. Lão dừng lại một chốc và ngoảnh lại và nhìn thấy cái đuôi khổng lồ của con cá đang dựng thẳng sau đuôi tàu trong ánh sáng phản chiếu từ đèn đường. Lão nhìn thấy đường nét trần trụi màu trắng của xương sống và khối sẫm màu của cái đầu với lưỡi kiếm nhô ra và tất cả sự trống rỗng ở khoảng giữa.
Lão lại bắt đầu leo lên dốc và ở trên đỉnh dốc lão ngã xuống và nằm một lát với cột buồm vắt qua vai. Lão cố ngồi dậy. Nhưng điều đó là quá khó và lão ngồi đó với cột buồm trên vai và nhìn ra đường. Một con mèo đi ngang qua đường phía xa để làm cái gì đó và lão già ngắm nhìn nó. Rồi lão chỉ ngắm nhìn con đường mà thôi.
Cuối cùng lão đặt cột buồm xuống và đứng dậy. Lão nhấc cột buồm đặt lên vai và bắt đầu bước đi. Lão đã phải ngồi xuống nghỉ năm lần trước khi đến được lán của mình.
Vào trong lán, lão dựa cột buồm vào tường. Trong bóng tối lão tìm thấy một chai nước và uống một ngụm. Rồi lão nằm xuống giường. Lão kéo chăn trùm lên đôi vai rồi phủ lên lưng và chân và lão nằm sấp mặt lên đống báo mà ngủ với hai cánh tay duỗi thẳng và lòng bàn tay ngửa lên.
Lão vẫn đang ngủ khi thằng bé ngó qua cửa vào buổi sáng. Gió thổi mạnh đến nỗi những chiếc thuyền trôi nổi không ra khơi được và thằng bé đã ngủ dậy muộn và đi đến lán của lão như nó vẫn đến mỗi sáng. Thằng bé nhìn thấy ông lão đang thở và rồi nó nhìn thấy hai bàn tay của lão và nó bắt đầu khóc. Nó lặng lẽ đi ra ngoài để lấy chút cà phê và nó cứ khóc suốt cả dọc đường.
Nhiều ngư dân vây quanh chiếc thuyền để xem thứ đang buộc vào mạn thuyền và một ngư dân lội xuống nước, ống quần xắn lên, dùng một sợi dây đo chiều dài bộ xương.
Thằng bé không đi xuống đó. Nó đã đến đó rồi và một trong những ngư dân đang trông chiếc thuyền cho nó. “Ông lão thế nào rồi?” Một người hét lên. “Đang ngủ”, thằng bé đáp. Nó không để tâm đến chuyện họ nhìn thấy nó khóc. “Đừng để ai làm phiền ông ấy.” “Nó dài mười tám feet[3] từ mũi đến đuôi”, người đang đo bộ xương kêu lên.
“Cháu tin là thế”, thằng bé nói.
Nó đi đến Terrace và hỏi mua một lon cà phê.
“Nóng với nhiều đường và sữa”.
“Còn gì nữa không?”
“Không ạ. Rồi cháu sẽ xem ông ấy có ăn được gì không.”
“Quả là một con cá ra trò”, chủ khách sạn nói. “Chưa từng có con cá nào như vậy. Hai con cá cháu bắt được hôm qua cũng rất được đấy.” “Chết tiệt mấy con cá của cháu”, thằng bé nói và nó lại bắt đầu khóc.
“Cháu có muốn lấy đồ uống gì không?”, chủ khách sạn hỏi.
“Không ạ”, thằng bé nói. “Bảo với họ đừng quấy rầy Santiago, cháu sẽ quay lại.”
“Bảo ông ấy là bác rất tiếc nhé.”
“Cảm ơn bác”, thằng bé nói.
Thằng bé mang lon cà phê nóng lên lán của ông lão và ngồi kế bên cho đến khi lão tỉnh dậy. Có một lúc hình như lão sắp thức giấc. Nhưng rồi lão lại chìm vào giấc ngủ say và thằng bé băng qua đường để xin một ít củi hâm nóng cà phê.
Cuối cùng ông lão đã tỉnh dậy.
“Đừng ngồi dậy”, thằng bé nói. “Uống cái này đi.”
Cậu rót một ít cà phê vào cốc.
Ông lão cầm lấy và uống hết.
“Chúng đã đánh bại ông, Manolin ạ”, lão nói. “Chúng thật sự đánh bại ông.”
“Nó không đánh bại được ông. Không phải là con cá ấy.”
“Không. Thật đấy. Là lúc sau đó ấy.”
“Pedrico đang trông coi thuyền và các thứ. Ông muốn làm gì với cái đầu ạ?”
“Để Pedrico băm nó ra làm mồi bẫy cá.”
“Còn lưỡi kiếm?”
“Nếu cháu muốn thì cứ giữ lấy nó.”
“Cháu muốn”, thằng bé nói. “Bây giờ chúng ta phải lên kế hoạch cho những việc khác.”
“Họ có tìm ông không?”
“Tất nhiên rồi. Cùng với đội bảo vệ bờ biển và máy bay nữa.”
“Đại dương thì rất rộng lớn và chiếc thuyền thì nhỏ và khó nhìn ra được.” Ông lão nói. Lão nhận ra thật dễ chịu khi có ai đó để nói chuyện cùng thay vì chỉ nói với chính mình và với biển cả. “Ông nhớ cháu”. Lão nói. “Cháu đã bắt được gì thế?” “Một con vào ngày đầu tiên. Một con vào ngày thứ hai và hai con vào ngày thứ ba.”
“Giỏi đấy.”
“Bây giờ chúng ta lại đi câu cùng nhau.”
“Không. Ông không may mắn. Ông không còn vận may nữa.”
“Chết tiệt với cái vận may”, thằng bé nói. “Cháu sẽ mang vận may của cháu theo.”
“Mọi người ở nhà cháu sẽ nói sao?”
“Cháu không quan tâm. Hôm qua cháu đã bắt được hai con. Nhưng giờ thì chúng ta sẽ đi câu cùng nhau vì cháu còn phải học nhiều thứ lắm.”
“Chúng ta phải tìm một cây lao độ thật sắc bén và phải luôn luôn giữ nó trên tàu. Cháu có thể làm lưỡi dao từ một cái lá lò xo của cái xe Ford cũ. Chúng ta có thể đem nó đến Guanabacoa để mài. Nó phải thật sắc bén và không luyện quá lửa để khỏi bị gãy. Dao của ông gãy rồi.”
“Cháu sẽ tìm một con dao khác và sẽ mang mài cái lá lò xo.”
“Biển động mất mấy ngày nhỉ?”
“Có thể là ba ngày. Có thể hơn.”
“Cháu sẽ thu xếp mọi thứ”, thằng bé nói. “Ông cứ chữa cho tay lành lại đã.”
“Ông biết cách chăm sóc chúng mà. Vào ban đêm ông khạc ra thứ lạ lùng gì đó và cảm thấy như có cái gì trong lồng ngực vỡ ra.” “Chữa cả cái đó nữa”, thằng bé nói. “Nằm xuống đi, ông ơi, và cháu sẽ mang cho ông cái áo sạch. Và thứ gì đó để ăn.”
“Mang cho ông bất kì tờ báo nào trong lúc ông đi vắng nhé”, lão nói.
“Ông phải bình phục thật nhanh vì có nhiều thứ cháu phải học và ông có thể dạy cháu mọi thứ. Ông có đau nhiều không?”
“Nhiều lắm”, lão nói.
“Cháu sẽ mang thức ăn và báo đến”, thằng bé nói. “Nghỉ ngơi đi ông ạ. Cháu sẽ đi ra hiệu thuốc mua thuốc cho cái tay của ông nữa.”
“Nhớ bảo Pedrico rằng cái đầu là của anh ấy.”
“Vâng. Cháu nhớ rồi.”
Khi thằng bé ra khỏi cửa và đi xuống con đường mòn rải đá san hô nó lại tiếp tục khóc.
Chiều hôm đó có một bữa tiệc của nhóm khách du lịch ở Terrace và khi nhìn xuống làn nước giữa những lon bia rỗng và những xác cá, một người phụ nữ trông thấy bộ xương sống to lớn màu trắng với một cái đuôi khổng lồ ở phần cuối cứ nổi lên và đung đưa theo thủy triều khi gió đông thổi qua vùng biển cuộn sóng bên ngoài lối vào bến cảng.
“Cái gì thế kia?” Cô hỏi người bồi bàn và chỉ vào bộ xương sống dài của con cá khổng lồ giờ chỉ còn là rác rưởi chờ thủy triều cuốn đi.
“Tiburon”, người bồi bàn nói. “Cá mập.” Anh ta định giải thích về chuyện đã xảy ra.
“Tôi không biết là cá mập lại có bộ đuôi phom dáng đẹp đẽ như vậy.”
“Anh cũng thế.” Người đàn ông đi cùng cô ta nói.
Phía ngoài đường, trong cái lán của mình, ông lão lại đang ngủ tiếp. Lão vẫn ngủ trong tư thế úp mặt xuống và thằng bé ngồi bên cạnh nhìn lão ngủ. Lão đang mơ về những con sư tử.
(Linh Nguyễn dịch)
[1] Tên đoạn trích do người dịch đặt.
[2] Từ mượn từ tiếng Tây Ban Nha, chỉ một loại cá mập.