Văn học Việt Nam hiện đại

Văn xuôi thế hệ các nhà văn nữ sau 1975- từ diễn ngôn giới


13-10-2020
Tác giả: Thái Phan Vàng Anh

Trong tiến trình văn học Việt Nam, ở những giai đoạn trước, sự có mặt của nữ giới không chiếm ưu thế. Những năm 60/thế kỉ XX, một số cây bút nữ đã khẳng định vị thế trên văn đàn nhưng chưa thành một lực lượng chủ yếu. Đặc biệt, ở bộ phần văn học miền Nam, đội ngũ nhà văn nữ bắt đầu gây ấn tượng ở số lượng cũng như chất lượng. Dẫu còn nhiều chỗ cực đoan, sai lệch, nhưng văn học miền Nam Việt Nam đương thời ghi nhận sự đóng góp của nữ giới trong thành tựu chung không thể chối cãi.

  1. Sự lên tiếng của nữ giới

Trong tiến trình văn học Việt Nam, ở những giai đoạn trước, sự có mặt của nữ giới không chiếm ưu thế. Những năm 60/thế kỉ XX, một số cây bút nữ đã khẳng định vị thế trên văn đàn nhưng chưa thành một lực lượng chủ yếu. Đặc biệt, ở bộ phần văn học miền Nam, đội ngũ nhà văn nữ bắt đầu gây ấn tượng ở số lượng cũng như chất lượng. Dẫu còn nhiều chỗ cực đoan, sai lệch, nhưng văn học miền Nam Việt Nam đương thời ghi nhận sự đóng góp của nữ giới trong thành tựu chung không thể chối cãi.

Sau 1975, và nhất là sau 1986, bên cạnh những tác phẩm của nam giới, vẫn tồn tại một mảng văn học nữ, mang đến một sức sống mới, với những cảm xúc mới mẻ bằng sự mẫn cảm nữ giới. Sự lên tiếng của những người viết văn nữ là làm nên một diện mạo khác, riêng so với nam giới. Ngoài thế hệ các nhà văn trưởng thành từ giai đoạn chống Mỹ từng bước thay đổi cách viết như Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Ngọc Tú, … một thế hệ mới ra đời, đóng dấu ấn cá nhân bằng những tác phẩm được đông đảo bạn đọc săn đón. Cho đến nay, sau 40 năm thống nhất đất nước, sau 30 năm đổi mới, đã có thêm ngày càng nhiều những nhà văn “tên tuổi”, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Ấm, Y Ban, Dạ Ngân, Phan Thị Vàng Anh… góp phần khẳng định một thế hệ nhà văn cầm bút và trưởng thành từ sau 1975. Không có nhiều tuyên ngôn, song bằng những trang viết lặng thầm, bền bỉ, bằng số lượng tác phẩm được bạn đọc đón nhận và… thừa nhận, các nhà văn nữ thế hệ trưởng thành sau 1975 đã góp phần không nhỏ trong sự chuyển đổi văn học.

Sau 1975, số lượng các nhà văn nữ ngày càng nhiều. Tiếng nói nữ giới trong văn chương có khi còn “trấn áp” cả tiếng nói của nam giới (tiếng nói của nhà văn nam, của nhân vật nam). Ban đầu, cũng có không ít ý kiến cho rằng văn chương phụ nữ, chuyện của phụ nữ… chẳng bao giờ có tầm, một khi họ ít quan tâm về… đại sự. Song, cuộc sống không chỉ được dệt nên bởi các đại tự sự; và hơi thở của cuộc sống lại thường nằm ở những chi tiết, những câu chuyện nhỏ nhất mà chỉ trái tim nhạy cảm của phụ nữ mới có thể phát hiện, trân quý và níu giữ. Về sau, cùng với những thay đổi của xã hội trong quan niệm về chức năng, nhiệm vụ của văn chương; cùng với những đòi hỏi khác của độc giả về văn học như một loại hình giải trí, các câu chuyện của phụ nữ, gắn với phụ nữ… ngày càng được chú ý. Chuyện thường ngày, chuyện tình yêu, hôn nhân, chuyện tủn mủn, và những vấn đề nhức nhối của xã hội, … đĩnh đạc bước vào các trang văn phụ nữ và trở thành những câu chuyện không chỉ của phụ nữ. Tiếng nói của giới nữ trong văn học khiến độc giả phải nghĩ khác về một bộ phận văn học nữ. Không còn đi bên lề, văn xuôi nữ dần sóng đôi với văn xuôi của các nhà văn nam giới, cùng làm nên một diện mạo nói chung của văn xuôi sau 1975. Và nếu xem sự vận động của văn xuôi 30 năm đổi mới như một đồ thị hình sin, không phải không có những thời kì, xếp quanh vị trí đỉnh, vị trí cực đại là các cây bút nữ… Có thể nói, đã có một diễn ngôn của giới nữ trong văn xuôi thế hệ nhà văn sau 1975, góp thành diện mạo, thành các khuynh hướng văn học.

Đầu thập niên chín mươi của thế kỉ XX, văn đàn Việt Nam xôn xao bởi sự xuất hiện của nhiều cây bút nữ mới, đặc biệt ở lĩnh vực truyện ngắn. Phạm Thị Hoài gây ấn tượng với tiểu thuyết Thiên sứ và tập truyện ngắn Mê lộ. Y Ban khẳng định ngay tên tuổi với truyện ngắn Bức thư gửi mẹ Âu Cơ– giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1989 – 1990), và tập truyện Người đàn bà có ma lực -giải nhì cuộc thi viết về Hà Nội của NXB Hà Nội năm 1993). Sau một vài truyện ngắn gây tiếng vang, Võ Thị Hảo trở thành một tên tuổi kể từ tập truyện Biển cứu rỗi. Tiếp ngay đó, Nguyễn Thị Thu Huệ với mỗi năm mỗi tập truyện Cát đợi, Hậu thiên đường, Phù thủy, và gần đây là Thành phố đi vắng (giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2012), thể hiện sức bền và không ngừng đổi mới cách viết của nhà văn… Với những tác phẩm xuất bản rải rác từ giữa những năm 80, Lý Lan, Dạ Ngân, Bích Ngân… đã bền bỉ xác lập chỗ đứng sau ba thập kỉ sáng tác không ngừng nghỉ ở nhiều thể loại. Hơn kém nhau chừng nửa thập kỉ, xuất bản trước sau cũng chừng nửa thập kỉ, Trần Thùy Mai, Võ Thị Xuân Hà, Trần Thanh Hà, Phan Thị Vàng Anh…cùng tạo dấu ấn khi còn khá trẻ và cùng làm nóng văn đàn với rất nhiều tập truyện ngắn ở thập niên 90 của thế kỉ XX…

 Đáng mừng là trong 15 năm đầu thế kỉ XXI, những cái tên từng lạ lẫm, mới mẻ ấy không chỉ trở nên rất quen thuộc mà tiếp tục buộc độc giả phải nhắc tên. Một số tác giả đã thử nghiệm ở tiểu thuyết, tản văn và có những thành công mới: Võ Thị Hảo, Y Ban, Lý Lan, Bích Ngân, Dạ Ngân, Thùy Dương, Võ Thị Xuân Hà, Trần Thanh Hà, Phan Thị Vàng Anh…. Văn xuôi nữ đầu thế kỉ XXI còn được tiếp sức bởi một số nhà văn nữ thế hệ sau 1975 sống và viết ở hải ngoại như Thuận, Đoàn Minh Phượng, Linda Lê… với nhiều tác phẩm lần đầu được xuất bản ở trong nước… Những tên tuổi, những phong cách nghệ thuật đã hình thành một dòng văn nữ trong văn học Việt Nam 30 năm đổi mới. Và để có được những thành tựu không nhỏ ấy, các nhà văn nữ đã luôn “rút ruột” sáng tác cho chính mình, cho giới mình, với tâm niệm: “Luôn ước muốn sáng tạo một nền văn học cho chính mình (a literature of your own). Cho chính mình? Tức là cho thời đại mình” (1)

Bàn về các thế hệ những nhà văn nữ, nhà văn Văn Giá cho rằng, nhìn vào những đóng góp của nhà văn nữ ở nước ta, thì thời nào cũng có những đỉnh cao, cái tôi trong văn học nữ hôm nay là cái tôi đa diện, đa ngã (2). Trong xu thế hội nhập văn học toàn cầu, thế hệ nhà văn nữ sau 1975 không tỏ ra thụ động. Một số tác giả nữ đã đạt giải thưởng ở nước ngoài. Tuy vậy, không kể các nhà văn nữ sống và sáng tác ở hải ngoại, số lượng giải thưởng chưa nhiều và đây cũng là vấn đề cần giới phê bình, nghiên cứu quan tâm. Trong bộ sách Phái đẹp – Cuộc đời & Cây bút, tập 1, ghi lại 43 chân dung nhà văn nữ nhiều thế hệ (vẫn còn một số nhà văn chưa được điểm diện) chỉ có Nguyễn Ngọc Tư (2008) được trao Giải thưởng Văn học ASEAN (nhà văn nữ duy nhất trong số 17 nhà văn được giải thưởng từ 1996-2013).

Các nhà văn nữ lên tiếng về điều gì?  Nói như Y Ban: “Tôi muốn xã hội hãy đọc tác phẩm của các nhà văn nữ như một sự lắng nghe, một sự thấu hiểu. Vì đó chính là tiếng lòng của họ, là những khát khao tự giải phóng bản thân mình” (3). Như vậy, văn chương nữ trước hết là tiếng lòng, là khát khao của phụ nữ, là bất cứ chuyện gì liên quan đến họ, giúp họ trải nghiệm cuộc sống, khẳng định và giải phóng bản ngã. Văn xuôi nữ kể những câu chuyện về tình yêu, hôn nhân, gia đình… không phải cái cách lấy những đề tài gần gũi nhất của phụ nữ để kể, tả, bình luận từ “bên ngoài” như các nhà văn nam giới, mà kể về những cảm giác, những run rẩy hạnh phúc, đớn đau… chỉ của phụ nữ . Văn xuôi thế hệ các nhà văn nữ sau 1975 vẫn quan tâm đến những chuyện lớn của đất nước, của xã hội, song thường từ những góc khuất cuộc sống, những thân phận bé nhỏ. Đã có một “chiến tranh mang khuôn mặt nữ giới” trong sáng tác của Dạ Ngân, Võ Thị Hảo,Võ Thị Xuân Hà, Trần Thanh Hà… Đã có những câu chuyện lịch sử được nhìn từ góc nhìn giới, nhân vật lịch sử được chiêu tuyết hay kết tội đều từ điểm nhìn bên trong (truyện ngắn lịch sử của Trần Thùy Mai, Trần Thị Trường, tiểu thuyết lịch sử  của Võ Thị Hảo…). Cũng đã có vô vàn tiếng nói phẫn nộ, bức xúc trước những tiêu cực, tha hóa của xã hội thời hậu chiến trong các tác phẩm của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị  Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Lý Lan, Bích Ngân… Có những bức tranh xã hội rộng lớn được các nữ nhà văn lựa chọn thể hiện bằng tiểu thuyết (tiểu thuyết Võ Thị Hảo, Dạ Ngân, Thùy Dương, Thuận..). Có nhiều chi tiết đời sống lớn, nhỏ…được tái hiện từ những ngẫm, nghĩ, cảm nhận… của các nhà văn nữ qua tản văn (tản văn Dạ Ngân, Bích Ngân, Thảo Hảo, Trần Thanh Hà…). Nhìn chung, văn xuôi nữ thế hệ nhà văn sau 1975 không chỉ bao quát nhiều đề tài mà còn trải rộng ở nhiều thể loại. Ở đề tài nào, thể loại nào, các nhà văn nữ cũng tạo nên những dấu ấn nhất định, không chỉ bởi tài năng, bởi những nhọc nhằn nghiêm túc của nghiệp viết lách, mà còn bởi những đặc trưng giới tính đậm nhạt trong các trang văn.

2. Từ ý thức giới đến tinh thần nữ quyền

Ý thức giới (Gender awareness) là khái niệm chỉ mức độ kiến thức và sự hiểu biết về khác biệt trong vai trò và mối quan hệ giữa nam giới và nữ giới. Ý thức giới được đề cập nhiều ở phương diện xã hội học, xuất phát từ nỗ lực đem lại bình đẳng giới, bảo vệ giới nữ trước những định kiến xã hội, những quan niệm truyền thống vốn coi thường phụ nữ, mặc định phụ nữ phải yếu kém hơn nam giới. Dĩ nhiên, phụ nữ có giới tính riêng – giới tính nữ, phân biệt với giới tính nam. Song khái niệm “nữ tính” vốn do đàn ông gán cho phụ nữ để chỉ những đặc điểm về mặt xã hội (thay vì những đặc điểm thuộc về bản tính, giới tính), từ đó quan niệm phụ nữ là yếu kém (yếu đuối), phụ thuộc… chỉ là kết quả của ý thức hệ nam quyền kéo dài qua nhiều thế kỉ. Và với cách nhìn lấy nam giới là trung tâm, người nữ đã bị biến thành… phụ nữ. Nói như Simone de Beauvoir – câu nói nổi tiếng toàn thế giới: “Người ta không phải sinh ra là phụ nữ, mà trở thành phụ nữ”.

Đấu tranh cho giới luôn là hoạt động âm thầm của nhiều thế hệ phụ nữ từ xưa đến nay. Song, phải đến thế kỉ XVII, đặc biệt là vào thế kỉ XVIII, những tiếng nói của phụ nữ, vì phụ nữ, mới được vang lên một cách mạnh mẽ, riết róng. Xuất bản quyển sách đầu tay với tựa đề Một đề nghị nghiêm túc cho quý bà (A Serious Proposal to the Ladies- 1694), và nhiều tác phẩm liên quan đến phụ nữ sau đó, nhà văn người Anh Mary Astell được xem là một trong những người phụ nữ đầu tiên đề cập đến các vấn đề nữ quyền. Tuy vậy, phải đến thế kỉ XVIII, trên thế giới mới thực sự xuất hiện những nhà nữ quyền đúng nghĩa. Với cuốn Sự bào chữa về quyền của phụ nữ (Vindication of the Rights of Woman) (1792) và nhiều tác phẩm khác, Mary Wollstonecraft, nhà triết học, nhà văn người Anh, đã tiến hành một cuộc bút chiến “vì giới tính của tôi, không phải vì bản thân” và được mệnh danh là là “nhà nữ quyền đầu tiên”, “người mẹ của thuyết nữ quyền”. Cùng thời với Mary Wollstonecraft, tại Pháp, vào năm 1791, Olympe de Gouges cũng đưa ra “Bản tuyên ngôn về những quyền của đàn bà và nữ công dân” (Declaration of the Rights of Woman and the Female Citizen) và đã đấu tranh vì phụ nữ (và vì chế độ da đen) cho đến chết với lời tuyên bố dõng dạc: “Một phụ nữ có quyền bước lên đoạn đầu đài thì họ cũng phải có quyền bước lên Diễn đàn”. Được xem là nhà nữ quyền đầu tiên tại Mĩ, Judith Sargent Murray cũng đã lên tiếng đòi bình đẳng giới giữa nam và nữ với tiểu luận On the Equality of the Sexes (Trên sự bình đẳng giới – 1790), mở đường cho suy nghĩ, những ý tưởng mới. Sau thế kỉ XIX với một số nhà nữ quyền tiêu biểu như Bertha von Suttner (1843- 1914) – tiểu thuyết gia người Áo, Emmeline Pankhurst (1858-1928) – nhà hoạt động chính trị người Anh…, nhà văn người Anh Virgina Woolf với Căn phòng riêng ( A Room of One’s Own – 1929); Ba đồng ghinê(Three Guineas -1938) và nhà triết học, nhà văn Pháp, Simone de Beauvoir với Giới tính thứ hai (1949) đã khiến tư tưởng nữ quyền lan rộng ra toàn thế giới… Hoạt động nữ quyền và đấu tranh vì bình đẳng giới liên tục diễn ra sôi nổi từ ấy cho đến giờ. Ý thức về giới tính ở chính giới nữ cũng đã được nâng lên nhiều so với các thế kỉ, các thập kỉ trước. Như vậy, chỉ có phụ nữ mới nói được tiếng nói của giới họ. Điểm lại tiếng nói nữ quyền trên thế giới, càng thấy rõ rằng, các nhà văn nữ tỏ ra có nhiều ưu thế hơn trong việc giúp phần còn lại của thế giới và cả thế giới hiểu rõ phụ nữ, họ là ai, thông qua các tác phẩm văn chương.

Ở Việt Nam, các nhà văn nữ, đặc biệt là thế hệ sau 1975, cũng là những người đưa ý thức giới từ đời sống vào văn học, và ngược lại, bằng văn học, nâng cao những nhận thức về giới. Các nhận thức về việc phụ nữ phải được xem là một nửa dân số, phụ nữ được quyền tham gia và quyết định ở mọi phương diện đời sống, phụ nữ phải được bảo vệ và bồi dưỡng, đào tạo, phụ nữ phải được tự do trong khẳng định bản ngã, tự do trong tình dục… đã được nhiều nhà văn nữ công khai lên tiếng, giúp cho cả hai giới nam và nữ nhận biết sự khác biệt giới tính cũng như những đòi hỏi bức thiết về bình đẳng giới. Không đến mức phủ định hoàn toàn cách nhìn nhận của nam giới về phụ nữ như nhà văn, nhà triết học mang tư tưởng nữ quyền người Pháp François Poulain de la Barre (1647-1723): “Tất cả những gì được những người đàn ông viết về phụ nữ đều phải được xem xét với sự nghi ngờ, bởi vì họ vừa là quan tòa vừa là bè phái” (4); song các nhà văn nữ thế hệ sau 1975 ở Việt Nam đã chứng minh rằng, nhờ có họ, xã hội Việt Nam đã có những cách nhìn khác hơn về phụ nữ so với trước. Phụ nữ trong trang viết của các nhà văn nữ, phụ nữ của đất nước Việt Nam thời hậu chiến, thời đổi mới, đã ý thức hơn về bản thân, về giới tính của chính mình. Và từ những thức tỉnh giới tính ấy, trong nhiều tác phẩm, tiếng nói nữ giới (tiếng nói của nhà văn nữ, của nhân vật nữ, của tự thân những câu chuyện về phụ nữ…) đã trở thành những diễn ngôn mang đậm tinh thần nữ quyền.

Thật ra, không hẳn sáng tác của bất kì nhà văn nữ nào cũng mang tinh thần nữ quyền. Song, mang đặc trưng của giới, các nhà văn nữ khó có thể chối bỏ những cảm nhận nữ tính trong tư tưởng, trong cách hành văn của bản thân. Với những nhà văn nữ mang ý thức viết về (cho) mình/giới mình, lối viết nữ giới và những câu chuyện liên quan đến các trải nghiệm giới tính lại càng được bộc lộ rõ. Cũng chỉ những trải nghiệm giới tính (của chính bản thân, hay của những hóa thân thành những số phận đồng giới) mới khiến văn xuôi nữ trở thành những diễn ngôn của “giới tính thứ hai”.

Kể từ sau 1975, chưa bao giờ trong văn học Việt Nam lại xuất hiện nhiều đến thế những tác phẩm văn học mang đậm ý thức giới tính. Nhiều tác phẩm đã công khai “danh tính” của giới nữ ngay từ nhan đề: Hành trang của người đàn bà Âu Lạc (Võ Thị Hảo), Người đàn bà ám khói (Nguyễn Thị Thu Huệ), Người đàn bà bí ẩn (Phạm Thị Ngọc Liên), Người đàn bà bơi trên sóng (Bích Ngân), Người đàn bà kể chuyện, Tiểu thuyết đàn bà, Ba người đàn bà (Lý Lan), Đàn bà xấu thì không có quà, I am đàn bà, Người đàn bà có ma lực (Y Ban), Trên mái nhà người phụ nữ, Gánh đàn bà (Dạ Ngân)… Nhiều tiêu đề tác phẩm chứa đựng những kí hiệu “ám chỉ” về chuyện của giới nữ: Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Xuân Từ Chiều (Y Ban); Nàng tiên xanh xao, Hồn trinh nữ, Góa phụ đen  (Võ Thị Hảo), Thiếu phụ chưa chồng (Nguyễn Thị Thu Huệ), Gia đình bé mọn (Dạ Ngân), Chuyện của con gái người hát rong (Võ Thị Xuân Hà), Gái một con (Trần Thanh Hà), Thần nữ đi chân không (Trần Thùy Mai)… Đa dạng về phong cách, thể loại, những người đàn bà viết thế hệ sau 1975 đã đi từ những diễn ngôn cá nhân đến những diễn ngôn của giới, biến những ý thức về giới trong xã hội thành những “tuyên bố” của giới nữ thông qua những câu chuyện trải nghiệm giới tính trong văn chương. Đó là thân phận phụ nữ với những bi kịch, những nỗi đau bởi chiến tranh trong các tác phẩm Trong nước giá lạnh  (Võ Thị Xuân Hà), Thế giới xô lệch (Bích Ngân), Tiểu thuyết đàn bà (Lý Lan)… Đó là những mặc cảm sinh lí, mặc cảm giới tính trước những định kiến “nam quyền” của xã hội trong Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Người đàn bà có ma lực (Y Ban), Hậu thiên đường, Thiếu phụ chưa chồng (Nguyễn Thị Thu Huệ), Hồn trinh nữ, Người sót lại của rừng cười (Võ Thị Hảo), Thập tự hoa, Trăng nơi đáy giếng (Trần Thùy Mai) hay Mưa ở kiếp sau(Đoàn Minh Phượng), Paris 11 tháng 8 (Thuận)…

Với lối viết “tự ăn mình”, nhân vật trong văn xuôi nữ chính là sự hóa thân của chủ thể nữ giới. Ý thức giới thể hiện rõ ở phương thức kể chuyện từ ngôi thứ nhất, nhân vật tôi/đàn bà/người kể chuyện kể chuyện mình, chuyện giới mình, chuyện thế sự… qua trường nhìn phụ nữ. Về phương diện này, các nhà văn nữ thường chọn hình thức tự thuật. Điểm nhìn của chuyện/truyện hầu hết đều là điểm nhìn bên trong. Nhân vật và người kể chuyện cũng thường đồng nhất, xưng tôi để kể những chuyện chỉ riêng tôi mới biết (chuyện trinh tiết, chuyện trở thành đàn bà, chuyện ngoại tình, chuyện chối bỏ bản năng làm mẹ…). Những bí ẩn giới tính trong nhiều trang văn nữ giới trở thành những sự chia sẻ, trải lòng. Tôi chỉ sống để đi tìm những bí ẩn của các số phận đàn bà trong gia đình tôi là câu chuyện của Tôi – Mai/Chi trong Mưa ở kiếp sau (Đoàn Minh Phượng). Tôi, “cái giống lạc loài”, không đủ dũng khí để bảo vệ hài nhi trong bụng – cũng là “cái giống lạc loài” của tình yêu… lại là một câu chuyện giới tính khác được lồng ghép khéo léo qua hình thức kể chuyện bằng thư độc đáo Bức thư gửi mẹ Âu Cơ – Y Ban). Tôi, người phụ nữ đã đi qua nhiều khúc đoạn của cuộc đời, đã từng bay lên thiên đường và rơi xuống bởi gánh đàn bà trên vai… cũng là những chia sẻ đằm thắm trong một tản văn của Dạ Ngân (Gánh đàn bà)… Dưới hình thức tự sự như một lời độc thoại, song lại luôn đặt vấn đề để đối thoại với chính mình, giới mình; đối thoại với nửa còn lại của thế giới… truyện ngắn/tiểu thuyết tự thuật và tản văn nữ sau 1975 đã đem “chuyện” của giới nữ đến gần hơn với công chúng. Nhiều tác phẩm có sự đánh tráo ngôi kể, người kể chuyện tôi/đàn ông/hoặc ẩn sau một gương mặt phụ nữ khác (truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, tiểu thuyết Võ Thị Xuân Hà…); cũng có nhiều tác phẩm được kể bởi lối trần thuật khách quan hóa từ ngôi thứ ba, nhưng điểm nhìn hạn tri khác với truyền thống và diễn ngôn chủ đạo của tác phẩm vẫn là diễn ngôn nữ giới, điểm nhìn kể chuyện vẫn là điểm nhìn bên trong của nữ giới. I am đàn bà (Y Ban), Thiếu phụ chưa chồng(Nguyễn Thị Thu Huệ), Gia đình bé mọn, Con chó và vụ li hôn (Dạ Ngân), Tiểu thuyết đàn bà… là những tác phẩm như thế. Truyện được kể từ điểm nhìn của người kể chuyện hàm ẩn/ tác giả nữ. Điểm nhìn nữ giới này lại thường xuyên đồng nhất/thống nhất với điểm nhìn của các nhân vật nữ (Thị trong I am đàn bà, My trong Thiếu phụ chưa chồng, Tiệp, Đoan trong Gia đình bé mọn, Con chó và vụ li hôn, Thoa trong Tiểu thuyết đàn bà)… Với đặc điểm đó, văn xuôi nữ thế hệ nhà văn sau 1975 hiếm khi khách quan, trung tính. Giọng điệu trần thuật trong nhiều tác phẩm thường giàu cảm xúc. Đặc trưng giới và ý thức về giới khiến các nữ văn sĩ thường để “lộ” tư tưởng, quan niệm, tình cảm chủ quan nhiều hơn so với các nhà văn nam giới. Điều này một mặt giúp các diễn ngôn nữ giới trong văn chương được bộc lộ rõ nét; song mặt khác lại khiến họ đôi khi đã tự khuôn mình vào khu vực “văn học giới”, thay vì nhập vào dòng văn học đương đại nói chung.

3.Nữ quyền luận và hiện sinh- những tiếng nói khẳng định nhân vị giới

Simone De Beauvoir vừa là một nhà nữ quyền luận vừa là nhà văn mang tư tưởng hiện sinh. Kế hợp, bổ sung hai triết thuyết lớn với những nhận định nhân bản, Beauvoir được xem là một trong những người sáng lập ra thuyết Nữ quyền hiện sinh. Tiếp nhận những lí thuyết hiện đại, thế hệ nhà văn nữ sau 1975 đã đem lại một tinh thần mới cho văn học đương đại – điều cơ bản nhất là khẳng định nhân vị đàn bà. Ý thức nữ quyền là sự phát triển và thể hiện cao nhất của ý thức về giới ở phụ nữ. Vượt lên trên sự tự ý thức về giới tính, về những đặc trưng của giới nữ trong tương quan với giới nam, ý thức nữ quyền là sự tự nhận thức về quyền và địa vị của phụ nữ. Từ những nhận thức ấy, những nhà văn nữ… đã bằng nhiều cách, phản đối những gì chống lại phụ nữ trên mọi phương diện, trong đó có bất bình đẳng tính dục.

“Trong bản thể con người vốn có một thứ căn bản nguyên sơ là dục vọng, và thứ dục vọng này đưa đến ham muốn tiếp xúc nhục thể, tạo thành sự cộng hưởng sinh hoạt” (M.Foucault) (5).  Nhà nữ quyền hiện sinh Beauvoir nổi tiếng với những nhận định về bình đẳng giới trong tình dục- “Để trở thành một cá nhân hoàn toàn và bình đẳng với nam giới thì người nữ phải được tiếp cận với thế giới nam giống như người nam tiếp cận với thế giới nữ”(6). Khẳng định nhân vị đàn bà, đã có một hiện sinh tính dục trong các trang văn phụ nữ. Cùng với những diễn ngôn tính dục được trao cho phụ nữ, văn xuôi thế hệ các nhà văn nữ sau 1975 đã làm nên một âm hưởng nữ quyền trong bức tranh chung của văn học đương đại Việt Nam. Trong hành trình xác lập cái tôi nữ giới, người kể chuyện/tác giả nữ không chỉ khẳng định bản ngã mà còn tự giải phóng bản thân, bằng ý thức về vẻ đẹp nữ giới; ý thức về cái tôi cá thể; về những đòi hỏi bản năng…; những trải nghiệm tính dục cũng xuất hiện với mật độ ngày càng nhiều (tác phẩm Y Ban, Dạ Ngân, Võ Thị Xuân Hà, Thuận…).

Những năm đầu sau 1986, bối cảnh xã hội những năm tháng vừa mới ra khỏi chiến tranh, vừa làm quen với thời đổi mới khiến ý thức nữ quyền trong nhiều tác phẩm dù đã lên tiếng, song vẫn chưa được đẩy lên đến mức bạo liệt (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Người đàn bà có ma lực, Con chó và vụ li hôn...). Nhà không có đàn ông của Dạ Ngân là tác phẩm đề cập trực tiếp quyền của đàn bà khá sớm. Từ cái nhìn “bên trong” của nhân vật, của giới, Dạ Ngân bình luận: “Những người thân của chị đã thành công khi họ nhân danh đủ thứ, truyền thống và tiêu chuẩn, tình thương và sự hy sinh nhưng không ai để lộ một lẽ nhân danh khác, ấy là tính đàn bà. Họ đã gắp gọn ra khỏi trái tim người phụ nữ trẻ ấy khát vọng tình yêu, cái mà con người cần hơn mọi thứ, vì từ đó mà có tất cả”. Vượt lên định kiến, văn xuôi thế hệ các nhà văn nữ sau 1975 ở giai đoạn đầu thế kỉ XXI không chỉ là diễn ngôn của giới mà trở thành những diễn ngôn mang ý thức nữ quyền-hiện sinh.

Đầu thế kỉ XXI, vượt lên định kiến, văn xuôi thế hệ các nhà văn nữ sau 1975 không chỉ là diễn ngôn của giới mà trở thành những diễn ngôn mang ý thức nữ quyền-hiện sinh. Theo Soeren Kierkegaard – ông tổ sáng lập chủ nghĩa hiện sinh: “Hiện sinh, là bước ra khỏi phòng tối, là không chấp thuận cái kín cổng cao tường, là chối từ cái im lìm, cái bất động của cái gì đã đạt, đã xong, đã rồi, đã đủ… Không. Sống là còn đòi hỏi thêm… thêm… Thế còn chưa đủ. Thế vẫn chưa vừa. Hôm nay phải khác hôm qua. Ngày sau không thể nào lập y như bữa trước” (7). Không chấp thuận cái kín cổng cao tường… nhiều nhà văn đã lên tiếng bênh vực cho giới nữ, kể cả “nổi loạn tính dục” để khẳng định vị thế.  Nhân vật của Nguyễn Thị Thu Huệ “luôn muốn một cái gì như gió bão chứ không đủ sức chịu đựng và chờ đợi sự thấm lâu của mưa ngâu” (Người xưa); “Tôi cóc cần sống vì ai. Tôi phải vì tôi bởi cũng có ai nghĩ đến tôi đâu” (Thiếu phụ chưa chồng).

Tính dục là nhu cầu, là đời sống của nữ giới, là tự do cá nhân. Khẳng định nhân vị trong đời sống tính dục trở thành biểu hiện rõ nhất của ý thức nữ quyền hiện sinh, bên cạnh những giải thiêng đạo đức, truyền thống… từng xuất hiện trong văn xuôi nữ giai đoạn trước. Với nhiều truyện ngắn (I am đàn bà, Gà ấp bóng…) và nhất là với hàng loạt tiểu thuyết tấn công mạnh mẽ vào ý thức hệ nam quyền (Xuân Từ Chiều, Trò chơi hủy diệt cảm xúc…), Y Ban vẫn luôn là nhà văn sôi sục ý thức nữ quyền hơn cả. Tiêu đề truyện, phát ngôn ngắn gọn của một nhân vật nữ trong truyện ngắn Y Ban “I am đàn bà”, chính là lời xác tín nhân vị đàn bà dẫu từ góc khuất bản năng giới. Được viết bằng ngôn ngữ thân thể, vấn đề tính dục trong tiểu thuyết nữ có khi còn mạnh mẽ, bạo liệt hơn so với tiểu thuyết của nhà văn nam giới. Những năm 60 của thế kỉ XX, trong một bộ phận văn học miền Nam, Nguyễn Thị Hoàng khá bạo liệt khi để nhân vật nữ chiêm ngưỡng thân thể đàn ông và khơi lên những cồn cào, rạo rực bản năng: “Trâm nhìn khoảng cườm chân trắng nõn của Minh hé lên giữa ống quần và tất đen”; …“chiếc áo len xanh ngắn rướn lên để hở một khoảng da bụng trắng muốt” (Vòng tay học trò). Thuộc thế hệ khác, trong bối cảnh xã hội khác, nhiều nhà văn nữ thế hệ sau 1975 đã thay đổi những cái nhìn duy dương vật vốn lấy nam giới làm trung tâm. “Tôi nằm phơi dưới cơn mưa, đồng loã với đất trời trêu ngươi bản lĩnh chuyên chính của Tăng…”; “Tôi ngủ trên cỏ, trần truồng, thích thú …”, “Cười nhạo sự thánh thiện. Mơn trớn và giục giã…”(Trong nước giá lạnh- Võ Thị Xuân Hà). 

Với cảm thức hiện sinh, các nhà văn nữ đã ý thức khắc họa một kiểu nhân vật nữ lạc lõng, xa lạ giữa một thế-giới-vắng, thế giới phi lí. Trong các không gian rỗng, nhân vật nữ thường rơi vào tâm trạng cô đơn, chông chênh trong trạng thái vừa muốn kết nối vừa tách rời cuộc sống. “Bước qua mỗi ngày sống, người ta tiến gần đến với cái chết của mình hơn” (M. Heidegger). Lo âu, thiếu vắng, cái chết trở thành phổ biến trong nhiều tác phẩm. Những cái chết phi lí trong một thế giới vô cảm (Thành phố đi vắng của Nguyễn Thị Thu Huệ). Những cái chết được lựa chọn sau những phút giây truy tìm bản thể, trả lời/không thể trả lời được câu hỏi về sự hiện tồn “Tôi là ai?” (tiểu thuyết Đoàn Minh Phượng). Những cái chết tất yếu sau nỗi đau phải sống (tiểu thuyết Thuận)… Như vậy, ngoài ý thức về bản năng tính dục từ góc nhìn giới, ý thức về bản năng chết “có chức năng đưa tất cả những gì ở trạng thái sống động về trạng thái bất động” (8) cũng xuất hiện trong sáng tác của nhiều nhà văn nữ.

Kết luận

Văn học sau đổi mới đã đi được một chặng đường 30 năm. Các nhà văn nữ thế hệ sau 1975 cũng đã có thâm niên sáng tác từ 20 đến 30 năm và có thể còn dài hơn nữa (Nhiều tác giả vẫn đang ở giai đoạn sung sức, bút lực dồi dào, hứa hẹn sẽ tiếp tục đem đến những tác phẩm mới có giá trị). 30 năm trong tiến trình vận động của văn học chỉ là một giai đoạn ngắn. Nhưng sự nghiệp 20, 30 năm sáng tác với nhiều tác giả là một sự nghiệp đáng tự hào. Theo quy luận sàng lọc khắc nghiệt của thời gian, một vài thập kỉ, một vài thế kỉ nhiều khi cũng chỉ còn lại một vài tên tuổi. Song cũng theo quy luật về sự “trỗi dậy”, “bừng nở” trong các giai đoạn văn học chuyển đổi, bước sang một trang mới’ có những giai đoạn văn học ngắn lại đem đến những bước tiến dài. 30 năm văn học đổi mới với sự đóng góp không thể phủ nhận của các nhà văn nữ thế hệ sau 1975 là một giai đoạn như thế. Các nhà văn nữ đã cùng nhau làm nên một dòng văn học nữ giàu bản sắc, tiếp tục cất lên tiếng nói của nữ nhân Việt Nam. Tiếng nói nữ giới ấy không còn là những tiếng nói cá nhân, nhỏ lẻ như những thời kì, những giai đoạn văn học trước. Tiếng nói phụ nữ trong văn xuôi 30 năm đổi mới đã là tiếng nói chung của giới nữ. Nhờ sự tập hợp đông đảo ấy, các nhà văn nữ thế hệ sau 1975 đã không chỉ khẳng định ý thức giới tính mà còn tạo nên một diễn ngôn của giới mang đậm âm hưởng nữ quyền. Văn học nữ nhờ đó không còn là một bộ phận, một khu vực văn học “ngoại biên” của nền văn học chính thống. Văn học, văn xuôi nữ trở thành một bộ phận không thể chia cắt, tách rời của nền văn học đương đại. Diện mạo của văn học Việt Nam đương đại cũng sẽ khuyết thiếu, bất thành hình nếu không tính đến sự góp phần của văn xuôi nữ, đặc biệt là văn xuôi của các nữ nhà văn thế hệ sau 1975.

CHÚ THÍCH

(1) Võ Thị Xuân Hà, Văn trẻ -bình tĩnh và vững tâm, Tọa đàm giao lưu nhà văn trẻ: Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Namhttp://tonvinhvanhoadoc.vn/van-hoc-viet-nam/doi-song-van-hoc/647-toa-dam-giao-luu-nha-van-tre-hoi-nghi-quoc-te-quang-ba-van-hoc-vn.html).

(2) Xem Hội thảo về bộ sách “Phái đẹp – Cuộc đời & Cây bút”, http://vanvn.net/news/1/5852-hoi-thao-ve-bo-sach-phai-dep-cuoc-doi-cay-but.html (3) Xem Y Ban: ‘Hãy lắng nghe tác phẩm của nhà văn nữ’, http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/y-ban-hay-lang-nghe-tac-pham-cua-nha-van-nu-2142011.html

(4), (6) Dẫn theo Nguyễn Tấn Hùng (2015),“Tư tưởng của Simone de Beauvoir về vấn đề nữ quyền trong tác phẩm Giới tính thứ hai”, http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/tu-tuong-cua-simone-de-beauvoir-ve-van-de-nu-quyen.html

(5) Dẫn theo Khổng Đức (2008), Lịch sử tính dục: Chương năm : Nữ giới, http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=9299(7) (7)Dẫn từ Bùi Giáng (2008), Tư tưởng hiện đại, “Soeren Kierkegaard và cơ sở chủ nghĩa hiện sinh”, NXB Sài Gòn.

(8) Sigmund Freud (2015), Cái tôi và cái nó (Trần Thị Mận dịch với sự giúp đỡ của Jean – Noel CRISTINE), NXB Tri thức, tr 86.

Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020