Văn học Việt Nam hiện đại

Thơ tự do trên tạp chí Sáng tạo


13-06-2023

Với sự mở ngỏ tương đối cho văn nghệ trong bối cảnh mới, chủ đề của thơ tự do trên tạp chí Sáng tạo rất đa dạng: tâm tư của thi nhân nơi không gian sống mới, tình yêu hiện đại với cảm thức của cảm giác và thân thể, những băn khoăn trong góc khuất sâu thẳm của tâm hồn mang màu sắc triết lí, những hoang mang, cô độc, hoài nghi về ý nghĩa làm người… Mang tinh thần táo bạo và cởi mở trong những tìm tòi đổi mới, thơ tự do cũng mở ra nhiều hướng cách tân mới mẻ về ngôn từ, hình ảnh, tiết tấu, thể loại: nhịp thơ ẩn trong nhịp của hình ảnh, ngôn từ thơ táo bạo và bức bối, tiết tấu thơ thành tiết tấu của cảm xúc và hình ảnh, thể loại thơ giao nhau và tương tác. 

       1. Từ năm 1954, sau Hiệp định Geneve, một số văn nghệ sĩ từ miền Trung và Bắc di cư vào Nam và góp phần vào bức tranh đời sống văn học nơi đây. Một số trong họ đã hội tụ chung quanh tạp chí Sáng tạo do Mai Thảo chủ trương. Xuất bản hằng tháng ở Sài Gòn, Sáng tạo ra số đầu tiên vào tháng 10/1956, đến số 31 (tháng 9/1959), tạp chí đình bản. Sau đó, tháng 7/1960, Sáng tạo bộ mới ra số 1, đến tháng 9/1961 thì kết thúc với số 7. Chủ trương của tạp chí được Mai Thảo giải thích ngắn gọn: Tạp chí “là mảnh đất gặp gỡ và phát triển của những xu hướng nghệ thuật khác biệt, với dụng ý phô diễn một thực thể tổng hợp, cấu tạo không phải bởi một mà nhiều thực thể, đồng thời giới thiệu những khám phá, tài năng mới, những nguồn sinh lực trẻ mạnh, có tương lai” (Một vài ý nghĩ gởi bạn đọc, số 13, 10/1957). Từ chủ trương này, tạp chí đã đăng tải và giới thiệu những tác phẩm có sự tìm tòi đổi mới, đáng chú ý là nỗ lực đổi mới thơ ca qua đường hướng “thơ tự do”. Bài viết này bước đầu giới thiệu sơ lược quan niệm về thơ tự do và thơ của một vài nhà thơ tiêu biểu trên tạp chí này.

 

       2. Ngay từ số 2 (11/1956), Sáng tạo đã có chuyên mục “Thơ tự do” và đăng ba bài thơ tự do của Trần Thanh Hiệp. Chuyên mục này xuất hiện thường xuyên trong những số sau, giới thiệu nhiều gương mặt thơ mới bên cạnh những gương mặt thơ tiền chiến cũ: Trần Thanh Hiệp, Quách Thoại, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Thanh Tâm Tuyền, xuất hiện bên cạnh Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương… Các nhà thơ có nhiều sáng tác được đăng trên tạp chí là Quách Thoại (19 bài), Thanh Tâm Tuyền (28 bài), Tô Thùy Yên (21 bài)…, bên cạnh đó cũng có một số nhà thơ chỉ đăng 1, 2 bài như Thái Tuấn, Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Khanh, điều này cho thấy sự chắt chiu, kì vọng của ban biên tập trong việc giới thiệu các gương mặt mới cho thơ ca.

       Để tạo nên đường hướng và tuyên ngôn, tạp chí đăng một số bài viết thể hiện quan niệm về thơ tự do. Trên số 8 (5/1957), Trần Thanh Hiệp, một nhà thơ có nhiều nỗ lực đổi mới, đã có bài viết Vài điểm gợi ý về thơ tự do giới thiệu quan niệm về thơ tự do và hướng đi mới của nó. Theo ông, mặc dù thơ tự do đã xuất hiện trước đó và đạt đến đỉnh cao ở Nguyễn Xuân Sanh, nhưng giờ đây cần phải “vạch một con đường tiến mới”. So sánh sự khác biệt giữa thơ tự do Việt Nam và phương Tây, ông cho rằng thơ tự do Việt Nam có những đặc điểm: từ khúc bản vị (ý tưởng và tiết điệu rải rác và xuyên suốt), liên ảnh gián tục (những hình ảnh phân bố gián đoạn không theo logic của lí trí), tiếng thơ ám thị, vần lẩn (vần phân bổ không hiển minh và chặt chẽ). Cuối cùng, ông dẫn ra một số bài thơ của các nhà thơ đã đăng trên Sáng tạo làm ví dụ cho bước đi mới này: Tô Thùy Yên, Người Sông Thương, Nguyên Sa, Vương Tân, Quách Thoại. Trong bài viết Thế giới Quách Thoại (số 26, tháng 11/1958) tưởng niệm một năm ngày mất Quách Thoại, ông ca ngợi Quách Thoại là nhà thơ “mang trong mình trọn vẹn sự chuyển mình đang hình thành” trong thơ ca Việt Nam từ hơn mười năm trở lại đây “từ hình ảnh, tư tưởng cho tới nhạc điệu”.

       Trên số 31 (tháng 9/1959), trong bài Nỗi buồn trong thơ hôm nay, Thanh Tâm Tuyền nêu lên quan niệm của mình về thơ tự do một cách cụ thể hơn. Theo ông, thơ phá thể nhưng giữ vần như của Vũ Hoàng Chương (bài Lời muôn hoa) chưa phải là thơ tự do vì vần của thơ tự do là “vần ẩn dấu cách xa (có thể đi tới khác âm nghịch thanh), nhịp điệu là một toàn thể không khuôn trong một số câu nhất định”. Ông lấy dẫn chứng thơ Quách Thoại tiêu biểu cho kiểu nhịp điệu hình ảnh này trong bài Còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo (đăng trên Người Việt) với mấy câu thơ:

Mặt trời mọc
Mặt trời mọc
Rưng rưng mùa hoa gạo
Lỡ ngày mai tôi chết trần truồng
           không cơm áo…

       Cuối cùng, để nêu rõ đặc điểm của thơ tự do hôm nay, ông phân biệt với Thơ mới (1932 - 1945) trước đó. Ông cho rằng Thơ mới thực ra vẫn là thơ cũ, vì thơ làm một với tâm hồn thi nhân truyền thống, còn thơ hôm nay đi sâu vào tâm hồn riêng tư có một của từng người, “một người không phải thi nhân”. Ý của Thanh Tâm Tuyền về tâm hồn riêng tư trong thơ dường như nhấn mạnh khía cạnh khác biệt trong ngôn ngữ và cảm xúc như là đặc điểm của thơ tự do: chúng không có điệu tâm hồn chung như thơ ca lãng mạn trước đó, mà mỗi nhà thơ có một điệu tâm hồn, ngôn ngữ và cảm xúc cho mình. Nhìn chung, nhận định về điệu tâm hồn cá biệt riêng có cũng không hoàn toàn là điều gì mới, Hoài Thanh trước đó cũng đã có nhận định nổi tiếng về tâm hồn riêng của từng nhà thơ. Nhưng có lẽ điều Thanh Tâm Tuyền muốn nói là ngay cả những nhà thơ có tâm hồn riêng như Hoài Thanh nhận định, thì thơ ca của họ cũng có chung một màu sắc lãng mạn.

       Trên số 2 bộ mới (8/1960), trong buổi trao đổi Nói chuyện về thơ bây giờ, quan niệm về thơ tự do được các nhà thơ tranh luận và làm rõ hơn. Lê Huy Oanh cho rằng ý nghĩa của từ “thơ Tự do” (trong nguyên bản viết hoa) có lẽ nhằm thái độ “dứt bỏ những sợi dây trói buộc” nhà thơ trên con đường đi tới những miền xa lạ, “những nơi mù mịt của thế giới rung động và thỏa mãn”. Cụ thể hơn, các nhà thơ phân biệt thơ tự do hôm nay với thơ trước đó. Theo Tô Thùy Yên, thơ hôm nay “phá hủy những cấp bậc của lí trí”, tạo nên sự bất tín nhiệm vào thực tại và nhận thức, và biến cái không thật thành cái thật. Cung Trầm Tưởng bổ sung thêm thơ bây giờ có những yếu tố chống đối, trái ngược hẳn với thi ca trước. Duy Thanh có ý kiến đáng chú ý cho rằng thơ bây giờ là thơ cảm giác, không phải thơ để hiểu. Ý này dường như thâu tóm được cách biểu đạt của ngôn ngữ thơ: không còn nhấn mạnh vào diễn biến tâm trạng và cảm xúc của thi nhân, mà là những phiến đoạn ngôn từ thể hiện cảm giác của thi nhân. Có lẽ ý kiến của Thanh Tâm Tuyền về ngôn ngữ thơ cho thấy rõ điều này hơn. Thanh Tâm Tuyền cho rằng “thơ bây giờ là một sự xáo trộn ngôn ngữ”, “theo đuổi một mối ám ảnh về ngôn ngữ”. Nhiều ý kiến đồng ý rằng mỗi thời đại có ngôn ngữ thơ riêng của nó, và thời đại này cần một ngôn ngữ mới cho thơ ca.

 

       3. Không chỉ trình bày quan niệm, trên tạp chí Sáng tạo xuất hiện nhiều nỗ lực đổi mới thơ, hay nói cách khác, các nhà thơ vừa suy nghĩ về thơ vừa sáng tác thơ và không ngừng có những tìm tòi mới mẻ, đa dạng. Thơ Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Tô Thùy Yên cách tân về ngôn từ và hình ảnh tiếp nối thơ tượng trưng, siêu thực ở nhóm Xuân Thu, Dạ Đài và thơ không vần của Nguyễn Đình Thi trước đó, trong khi thơ Quách Thoại mang giọng điệu kêu gọi hiệu triệu trong hình thức tự do về vần nhịp. Bên cạnh đó, ta thấy âm hưởng thơ lãng mạn và tượng trưng nối tiếp giai đoạn Thơ mới trong thơ của Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương.

Một trong những nỗ lực đổi mới thơ tiêu biểu là Thanh Tâm Tuyền. Thơ ông tạo nên sự đa nghĩa và dư âm thẩm mĩ bằng những phiến đoạn ngôn từ hình ảnh ngẫu nhiên phá vỡ hiệp vần của câu thơ, gợi liên tưởng và cảm xúc đa dạng nơi người đọc. Trong bài thơ Cỏ, câu thơ đầu ngắt thành 4 dòng với âm điệu đối nghịch ở những từ cuối không vần tạo nên tiết tấu cảm xúc biến thiên đầy dư ba. Những chuyển hướng không gian và hình ảnh bất ngờ (“cỏ của hoa và hoa của cỏ”, “những ngón tay những gót chân những nụ đời”, “nắng tháng ba mưa tháng bảy sương tháng chín”) khơi bật cảm xúc và liên tưởng mạnh mẽ trong người đọc.

Cỏ

Em bao giờ là thiên nhiên/ anh cúi đầu xuống ngực/ giòng mưa lá sắc/ đau môi/ Cỏ của hoa và hoa của cỏ/ những ngón tay những gót chân những nụ đời/ nắng tháng ba mưa tháng bảy sương tháng chín/ cho thơm đường hôm nay mãi sớm mai/ hôn từ những ngày dài tội lỗi/ chưa quên... (Sáng tạo, số 4).

       Cùng một động hướng thơ tự do, nhưng Trần Thanh Hiệp có những tìm tòi khác: đưa chất tự sự vào thơ. Bài thơ sau đây gợi nên sự cô đọng, nén chặt cảm xúc ở thời khắc trên ranh giới giữa sống và chết trong không gian lặng và trắng của bệnh viện. Các câu thơ không vần mang dấu ấn của tự sự nội tâm đan xen giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, gợi sự giao thoa giữa tâm trạng, tiến trình và không gian trong liên tưởng của người đọc.

Cảm xúc

Tôi nghe buồn đêm bệnh viện/ Lặng lạnh nhà đứng trắng/ Người bệnh thiếp lần chăn/ Mắt im vội tàn thở/ Phút cuối giãy giụa chốn ngừng/ Tôi mang cười đêm bệnh viện/ Nhạc khóc vô tội/ Hồn sơ sinh/ Nâng niu tay mẹ cành xuân/ Chào lạc dương thế/ Chết sống kề vai/ Bình xuôi những chuyến đời/ Người bộ hành bỡ ngỡ/ Lạc hướng ngọc lệ hoa môi/ Đốt lửa tim/ Đời trọn vẹn trong mắt (Sáng tạo, số 11).

       Quách Thoại là nhà thơ trẻ thường được ví như “Hàn Mặc Tử của Sài Gòn”. Thơ ông được bạn bè cùng nhóm đăng và dành nhiều lời ngợi khen trên tạp chí Sáng tạo. Những bài thơ được đăng ở số đầu mang niềm lạc quan hào hứng phấn khởi trước thời đại mới. Đó là cảm nhận của chủ thể trữ tình về khúc ngoặt của thời đại trong những năm ngắn ngủi kết thúc chiến tranh khi con người được làm chủ đời sống của mình và thoát khỏi những vòng trói buộc.

Xanh

Ngày mở mắt/ Sáng hôm nay/ Tôi nhìn ra ánh lửa/ Cuộc đời ơi/ Và đây nguồn vú sữa/ Và đây ngàn cánh cửa/ Tôi nghe gió thổi ạt ào/ Những người đi/ Và tiếng nói lao xao/ Những chân bước/ Cùng đất cười huyên náo/ Nắng chảy dội tuôn trào/ Tôi bỗng thấy/ Những ngày xanh/ Trong cặp mắt trong xanh/ Những mầm vui ở nơi cặp môi anh/ Dạt dào sóng vỗ đại dương xanh (Sáng tạo, số 2).

       Bài thơ thể hiện tâm trạng vui tươi phấn khởi của chủ thể trữ tình. Những hình ảnh không gian rộng lớn (“gió thổi ạt ào”, “đất cười huyên náo”, “đại dương xanh”...) cùng với hình ảnh đoàn người (“những người đi”, “những chân bước/ cùng đất cười huyên náo”…) khá gần gũi với hình ảnh trong thơ Tố Hữu, thơ Xuân Diệu giai đoạn văn học kháng chiến trước đó. Một số bài thơ sau này của ông in đậm tâm sự u uẩn cô độc, mang hơi hướng của thơ Hàn Mặc Tử. Bài thơ sau như sự hồi ứng với bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, nhưng màu trăng trong thơ đã trở thành không gian ngấm vào kí ức, ngấm vào hiện tại và tràn đến cả tương lai.

Trăng trăng

Hoa em nở trong vườn xuân thôn Vĩ/ Lúc nguyệt cười lành lạnh giữa trời mơ/ Anh bước về bắt gặp lại hồn thơ/ Áo em trắng hay hồn em trắng tuyết/ Anh sẽ khóc vì em những dòng lệ tuyệt/ Ôi trăng trăng anh còn thấy mãi trăng trăng/ Kiếp trần gian anh vẫn còn mãi lang thang/ Nhưng hôm nay anh không muốn vội vàng/ Hương thơm quá trong vườn hoa tràn ánh nguyệt (Sáng tạo, số 5 - bộ mới).

       Đáng chú ý, trong dòng thơ tự do có một số tác phẩm giao thoa thể loại giữa văn xuôi và thơ, nhưng vẫn được xem là thơ (in trong mục thơ tự do), chẳng hạn như: Về nguồn của tình yêu (Tô Thùy Yên), Thành phố (Thanh Tâm Tuyền)… Thơ văn xuôi không phải là thể loại hoàn toàn mới (chẳng hạn Phấn thông vàng của Xuân Diệu, 1939), nhưng trong thơ văn xuôi của Tô Thùy Yên, ta như nghe được những đau thương và khắc khoải qua từng mảnh ngôn từ dựng nên được cả không gian, tâm trạng và câu chuyện.

Một đêm, tôi tuyệt vọng vòng ôm người đàn bà không hề yêu nhau, vòng ôm cõi trống không. Bản tính ngây thơ làm tôi khóc nức nở. Đôi cánh tay ngắn và yếu mỏi; hạnh phúc thì giãy giụa và trơn. Tuổi trẻ tôi bị ném vào bệnh tật lầm than âm thầm của ngoại thành; vô lí là không biết tại sao. Thượng Đế làm thinh để còn là Thượng Đế phải không? (Về nguồn của tình yêu, Tô Thùy Yên).

       Tiết tấu chính của đoạn thơ văn xuôi trên đến từ nhịp điệu của các cụm từ lặp lại và cấu trúc đăng đối, nhưng vế câu thì biến thiên gợi nên những hoài nghi và chất vấn, gợi tả tâm trạng hoang mang bất định của trải nghiệm hiện sinh trong tâm tư chủ thể. Đây dường như không chỉ là một bài thơ trữ tình dưới hình thức văn xuôi, mà là tìm tòi dần định hình một thể trữ tình cho phép người đọc xuyên ngấm vào những góc tâm tư đầy hoang mang và bất định của thi nhân khi kể và cảm về mình. Hay nói như Thanh Tâm Tuyền, thi nhân không còn là thi nhân nữa, mà đã là những tâm tư và câu chuyện mang nỗi thống khổ và khắc khoải của con người cá biệt trong mỗi chúng ta.

 

        4. Với sự mở ngỏ tương đối cho văn nghệ trong bối cảnh mới, chủ đề của thơ tự do trên tạp chí Sáng tạo rất đa dạng: tâm tư của thi nhân nơi không gian sống mới, tình yêu hiện đại với cảm thức của cảm giác và thân thể, những băn khoăn trong góc khuất sâu thẳm của tâm hồn mang màu sắc triết lí, những hoang mang, cô độc, hoài nghi về ý nghĩa làm người… Mang tinh thần táo bạo và cởi mở trong những tìm tòi đổi mới, thơ tự do cũng mở ra nhiều hướng cách tân mới mẻ về ngôn từ, hình ảnh, tiết tấu, thể loại: nhịp thơ ẩn trong nhịp của hình ảnh, ngôn từ thơ táo bạo và bức bối, tiết tấu thơ thành tiết tấu của cảm xúc và hình ảnh, thể loại thơ giao nhau và tương tác. Có thể thấy, bối cảnh lịch sử chia cắt đã tạo nên hướng rẽ của thơ ca ở phía Nam đất nước, nhưng xét cho cùng, đường hướng này cũng tiếp nối dòng chảy hiện đại hóa thơ ca từ đầu thế kỉ XX, với phong trào Thơ mới và những cách tân giai đoạn 1945 - 1946 như của nhóm Xuân Thu, Dạ Đài…, hòa vào dòng chảy chung lớn hơn của lịch sử và văn hóa Việt Nam hiện đại trong thế kỉ XX đầy sóng gió.

 

HOÀNG PHONG TUẤN

 

Nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/

Post by: Khoa Ngữ văn
13-06-2023