Văn học Việt Nam hiện đại

BỐI CẢNH XÃ HỘI - VĂN HÓA VÀ HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU PHÊ BÌNH, SÁNG TÁC VĂN HỌC Ở MIỀN NAM VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1954-1975


16-05-2023

Bài viết trình bày bối cảnh xã hội - văn hóa và hoạt động nghiên cứu phê bình, sáng tác ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Trong bối cảnh văn hóa, bài viết đề cập đến sự du nhập của các lý thuyết triết học, văn học phương Tây và ảnh hưởng của văn hóa Mỹ. Bài viết cũng giới thiệu về lực lượng, các khuynh hướng nghiên cứu, phê bình và các khuynh hướng sáng tác ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975.

Từ khóa: Bối cảnh xã hội - văn hóa, khuynh hướng nghiên cứu phê bình, Miền Nam Việt Nam.

This article describes the social-cultural context of Southern Vietnam from 1945 to 1954 and the activities of studying, criticizing, and creating literature in said context. This article portraits the import of Western philosophical and literary theories into, as well as the influence of American culture upon, Southern Vietnam during this period. It also details different trends of studying, criticizing, and creating literature in Southern Vietnam from 1945 to 1954.

Key words: the social-cultural context, trends of studying and criticizing, Southern Vietnam

1. Bối cảnh xã hội ở Miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975

Sau gần chín năm kháng chiến gian khổ, nhân dân Việt Nam đã đánh bại được cuộc xâm lăng của thực dân Pháp, khép lại một trang sử vẻ vang của dân tộc. Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết vào ngày 20/7/1954 với nội dung chủ yếu như sau: nước Pháp và các nước tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ như Việt Nam, Lào và Campuchia. Ngừng bắn, ngừng chuyển quân tại Việt Nam và trên toàn Đông Dương. Lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. Pháp rút khỏi Đông Dương và mỗi nước Đông Dương sẽ tuyển cử tự do. Việt Nam sẽ thực hiện sự thống nhất bằng cuộc tổng tuyển cử tự do tổ chức vào tháng 7 năm 1956.

Ở miền Nam, dưới sự ủng hộ của Mỹ, chính phủ Ngô Đình Diệm được thành lập. Năm 1955, với cuộc trưng cầu dân ý, Ngô Đình Diệm được bầu làm tổng thống, thể chế cộng hòa được thành lập với hiến pháp năm 1956 và quốc hội dân cử. Sau khi nắm chính quyền, chính phủ Ngô Đình Diệm đã ra tay tấn công tiêu diệt các lực lượng chống đối, những lực lượng vũ trang riêng của Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên v.v..., vốn cát cứ những địa phương khác nhau với những luật lệ riêng của họ.

Song song đó, chính quyền Ngô Đình Diệm cũng cho tiến hành những kế hoạch xây dựng về giáo dục, kinh tế, xã hội... như bình định nông thôn, xây dựng cơ sở hành chánh ở khắp các thôn ấp. Các vùng định cư, các khu dinh điền, các khu trù mật... được thành lập dồn dập. Chính quyền cũng cho xây dựng trường tiểu học ở cấp xã, trường trung học ở cấp quận. Giáo dục đại học cũng phát triển, ngoài Sài Gòn còn có các trường đại học được thành lập ở Đà Lạt, Cần Thơ, Huế. Thủy điện Đa Nhim, Trung tâm nguyên tử lực Đà Lạt, nhà máy xi măng Hà Tiên, xa lộ Biên Hòa… cũng được xây dựng trong thời kỳ này. Đường xe lửa được sửa sang, rồi chính sách cải cách điền địa đem ruộng đất chia cho dân nghèo, chính sách lành mạnh hóa xã hội: đóng cửa sòng bạc, nhà chứa, dẹp tiệm hút v.v...

Sau 1954, có hàng triệu đồng bào miền Bắc di cư vào miền Nam. Khối di dân với thái độ chính trị thuận lợi ấy là chỗ dựa chắc chắn cho chính phủ chống cộng Ngô Đình Diệm, rất nhiều nhân vật từ miền Bắc vào sau này giữ địa vị trọng yếu trong các lãnh vực kinh tế, chính trị, quân sự ở miền Nam. Riêng trong phạm vi văn học nghệ thuật, vai trò của khối văn nghệ sĩ di cư thật quan trọng. Sự hoạt động hăng hái của họ đã tạo không khí sôi nổi trong hoạt động văn nghệ. Trong số những người di cư đó có những người về sau trở thành những nhà văn nổi tiếng như Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Lê Tất Điều, Viên Linh, Duyên Anh, Trần Dạ Từ, Hà Thúc Sinh...

Về phía nhân dân miền Nam, cuối năm 1959 cuộc đấu tranh của miền Nam chuyển hướng thành cuộc đấu tranh vũ trang. Tại nhiều nơi, quần chúng vũ trang nổi dậy diệt ác, phá kìm. Bến Tre phát động một tuần lễ toàn dân đồng khởi nhằm dùng bạo lực cách mạng của quần chúng để chống lại ách kềm kẹp của địch, xây dựng chính quyền cách mạng (1960). Dân chúng nhất tề đứng dậy diệt ác ôn, đánh đồn bót, cướp súng địch, phá vỡ từng mảng lớn bộ máy cai trị của địch ở thôn xã. Từ Bến Tre, làn sóng Đồng Khởi lan ra các tỉnh khác ở Nam Bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh ở miền Trung.

Trong cao trào nổi dậy của quần chúng miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập nhằm đánh đổ chế độ Ngô Đình Diệm, xây dựng miền Nam độc lập, dân chủ, hòa bình và trung lập để tiến tới việc thống nhất nước nhà.

Sau một thời gian cầm quyền, chính quyền Ngô Đình Diệm bị các đảng phái, các chính khách đối lập cho là ngày càng độc tài, gia đình trị. Năm 1959, hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc ném bom dinh Độc Lập. Đầu năm 1960 nhóm Caravelle gồm 18 nhân vật gửi đến tổng thống một bản nhận định chính sách và khuyến cáo sửa chữa các khuyết điểm. Ngày 11 tháng 11 năm 1960 các sĩ quan Vương Văn Đông, Nguyễn Chánh Thi… tổ chức đảo chánh. Tình hình trở nên trầm trọng hơn với phong trào đấu tranh của Phật giáo. Tháng 5-1963 Phật tử Huế biểu tình chống chính phủ, dần dần đưa đến những cuộc chống đối rộng lớn khắp nước, rồi những cuộc tự thiêu, đến chuyện bao vây chùa, bắt sư sãi v.v... Diễn tiến sự việc ảnh hưởng mạnh mẽ đến dư luận Hoa Kỳ khiến tổng thống nước này đã ủng hộ một nhóm tướng lãnh do Dương Văn Minh cầm đầu đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm vào ngày 1 tháng 11 năm 1963, giết chết anh em Ngô Đình Diệm, kết thúc nền đệ nhất cộng hòa.

Sau cuộc đảo chánh lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, miền Nam sống trong những điều kiện khó khăn: tình hình chính trị rất bất ổn, kinh tế suy sụp, vật giá tăng cao; bất công xã hội thêm trầm trọng; chiến tranh mỗi ngày mỗi ác liệt, gây thiệt hại lớn lao, gây hoang mang trong dân chúng; quân đội Mỹ tham chiến đông đảo, làm đảo lộn nếp sống nhân dân, làm tổn thương tự ái dân tộc v.v... Chia rẽ chính trị, chia rẽ tôn giáo, sự hoạt động mạnh mẽ của những người cộng sản làm cho miền Nam sống những ngày hết sức hỗn loạn. Các tướng tá đảo chánh, phản đảo chánh, chỉnh lý v.v... liên tiếp. Chỉ trong vòng hai năm đã có đến mười ba cuộc chính biến. Hết Dương Văn Minh làm “cách mạng” đến Nguyễn Khánh chỉnh lý. Rồi Nguyễn Chánh Thi, Lâm Văn Phát, rồi Phạm Ngọc Thảo, Nguyễn Cao Kỳ v.v.... Các chính khách bấy lâu bất bình với chế độ Ngô Đình Diệm, hoặc vẫn ở trong nước hoặc từ nước ngoài về, lần lượt thay nhau lập chính phủ: Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Nguyễn Tôn Hoàn v.v... Những chính phủ này cũng không đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, nên bị đả kích ác liệt trên báo chí, ngoài đường phố. Tình trạng ấy làm cho người dân ở các đô thị lớn thấp thỏm, bất an. Bọn gian thương, đầu cơ thừa nước đục hoành hành khiến chính quyền phải dựng “pháp trường cát” ở chợ Bến Thành để xứ lý. Thôn quê cũng rất bất an. Mãi đến tháng 2-1965, khi Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia do Nguyễn Văn Thiệu đứng đầu được thành lập, tháng 4 năm 1965 khi hiến pháp mới ra đời khai sinh nền đệ nhị cộng hòa, tình hình chính trị mới tương đối ổn định. Nhưng phong trào đấu tranh của Phật giáo vẫn tiếp diễn, xuống đường, bày bàn thờ ra đường, sinh viên bãi khóa, không ngủ, đốt xe, phụ nữ đòi quyền sống v.v..., vẫn tiếp tục cho đến ngày đất nước thống nhất vào tháng 4 năm 1975.

Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, chiến tranh ngày càng leo thang. Tháng 8 năm 1964, sau khi vu cáo tàu Maddox bị tấn công, Mỹ ném bom miền Bắc, trực tiếp nhảy vào vòng chiến. Tháng 3 năm 1965, thủy quân lục chiến Mỹ bắt đầu đổ bộ lên Đà Nẵng, đến năm 1966 lính Mỹ ở miền Nam lên đến 400.000, máy bay Mỹ ném bom cả Hà Nội, Hải Phòng... Sang năm 1967, quân số Mỹ tại miền Nam lên đến hơn 670 nghìn (chưa kể quân của các nước đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, Australia, Thái Lan...). Sự hiện diện của người Mỹ, ngoài quân nhân ra, còn có những nhân viên ngoại giao, kinh tế, những nhà thầu xây cất, làm đường xá cầu, cống... Người Mỹ đem theo tiền Mỹ, lối sống Mỹ, văn hóa phẩm Mỹ v.v... Đó là nguyên nhân của nhiều thay đổi sâu xa trong xã hội miền Nam. Cuộc sống của người Mỹ, đặc biệt là lính Mỹ, đã làm phát triển những địa điểm ăn chơi, những tệ nạn xã hội như snack bar, đĩ điếm, gái nhảy..., làm lan tràn nạn xì ke ma túy, xã hội đen...

Đầu năm 1968, quân Giải phóng miền Nam mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân vào khắp các thành thị miền Nam, gây tiếng vang đến tận Mỹ. Cũng trong năm 1968, “Liên Minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam” được thành lập (ngày 20/4/1968), tập hợp được khá đông trí thức, văn nghệ sĩ của miền Nam.

Chiến tranh đã tàn phá miền Nam nặng nề, đặc biệt là nông thôn, ruộng đất bị bỏ hoang, người dân tản cư ra thành thị. Ở thành thị, nhà nước chi nhiều thu ít, in nhiều tiền, phát hành công khố, khiến đồng bạc mất giá rất nhanh. Quân nhân và công chức, những thành phần chủ yếu của bộ máy nhà nước, bị khốn đốn vì đồng lương cố định. Những biện pháp “cách mạng kinh tế” mùa xuân và mùa thu nhằm tăng thu cho ngân sách và tăng lương bổng cho quân nhân công chức cũng thất bại. Hậu quả là sau đó vật giá càng tăng vụt lên, đời sống càng khó khăn. Chiến tranh tạo ra tình trạng rối ren hỗn loạn ở nhiều nơi, tình trạng thuận lợi cho sự hoành hành nhũng lạm của các cấp hành chánh, quân sự. Nạn hối lộ, buôn lậu, lính ma lính kiểng, chợ đen... khiến dân chúng ngày càng bất mãn.

Chiến tranh leo thang làm cho nền kinh tế miền Nam suy sụp, xã hội sa đọa. Sau Hội nghị bốn bên ở Paris năm 1973, quân đội Mỹ phải rút hoàn toàn ra khỏi Việt Nam, khiến cho chính quyền miền Nam không còn chỗ dựa. Sự bỏ rơi của Mỹ về mặt quân sự và kinh tế đã khiến cho chính quyền và quân đội miền Nam sụp đổ nhanh chóng khi chiến dịch Hồ Chí Minh nổ ra vào mùa xuân năm 1975.

 

2. Bối cảnh văn hóa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975

Xã hội miền Nam chịu ảnh hưởng của nhiều nguồn văn hóa: văn hóa Trung Hoa còn rơi rớt lại, văn hóa Châu Âu còn ảnh hưởng rất mạnh mẽ và văn hóa Mỹ bắt đầu phát huy ảnh hưởng. Với việc mở rộng cửa cho văn hóa nước ngoài du nhập tự do, nhiều lý thuyết văn học của phương Tây đã được du nhập vào miền Nam và đã ảnh hưởng khá sâu sắc đến đời sống văn học ở các đô thị. Có thể kể đến một vài triết thuyết nổi bật như chủ nghĩa hiện sinh; phân tâm học; cấu trúc luận; hiện tượng luận... Điều này làm nên sự đa dạng trong sáng tác và phê bình của văn chương miền Nam.

Đi tiên phong trong việc du nhập các lý thuyết văn học phương Tây vào miền Nam, đó là các trí thức được đi du học ở Châu Âu như Triều Sơn, Kim Định, Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng, Trần Thái Đỉnh, Lê Tuyên, Đỗ Long Vân, Trần Thiện Đạo, Trần Bích Lan. Việc xuất hiện các trường đại học công lập và tư thục, các trường đại học do các tôn giáo thành lập ở miền Nam sau 1954 cũng góp phần quan trọng trong việc phổ biến các lý thuyết văn học đó.

Điều đáng chú ý là ngay sau 1954 đã có sự hiện diện và can thiệp của Mỹ vào chính trường miền Nam, sau đó, sự có mặt của đông đảo quân Mỹ đã làm cho miền Nam chịu ảnh hưởng của lối sống Mỹ, văn hóa Mỹ khá sâu sắc. Nhưng về mặt học thuật, ảnh hưởng của các lý thuyết văn học từ Mỹ rất mờ nhạt. Có lẽ do các trí thức miền Nam lúc đó chủ yếu vẫn là những người được đào tạo từ môi trường giáo dục vốn chịu nhiều ảnh hưởng của Châu Âu và còn dị ứng với văn hóa Mỹ.

Không chỉ giới thiệu, một số người đã ứng dụng các lý thuyết này vào việc phê bình các hiện tượng nghệ thuật như Kim Định với cấu trúc luận, Nguyễn Văn Trung với chủ nghĩa hiện sinh, Đỗ Long Vân với phân tâm học,… và đã có một số công trình khá thành công như bộ Lược khảo văn học của Nguyễn Văn Trung; Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương, Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung của Đỗ Long Vân; Vũ trụ thơ của Đặng Tiến; Văn chương và kinh nghiệm hư vô, Đi tìm tác phẩm văn chương của Huỳnh Phan Anh...

Với việc ứng dụng các lý thuyết văn học của phương Tây vào việc tìm hiểu các hiện tượng văn học, sinh hoạt văn học đô thị miền Nam nhờ đó đã có một sức sống mới, phong phú, đa dạng hơn.

Sinh hoạt văn học miền Nam, ngoài ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng, các lý thuyết văn học phương Tây, còn chịu sự tác động sâu sắc bởi các biến động của đời sống chính trị, tôn giáo; của cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, bảo vệ văn hóa dân tộc. Quan điểm mác-xít trong văn học do đó cũng rất mạnh mẽ và đáng chú ý. Trường hợp Đọc lại truyện Kiều (1966), Tìm hiểu văn nghệ (1970) của Vũ Hạnh, Mấy vấn đề văn nghệ (1967) của Lữ Phương, Văn nghệ và phê bình (1969) của Tam Ích… là những minh chứng sinh động cho quan điểm này. Tư tưởng tôn giáo cũng thể hiện khá sâu sắc trong sinh hoạt văn học thời kỳ này, Phân tâm học và thiền của Chơn Hạnh (Tư tưởng số 1/1967), Nietzsche và Mật Tông của Ngô Trọng Anh (Tư tưởng số 5/1970) là một vài ví dụ.

 

3. Các khuynh hướng trong nghiên cứu, phê bình và sáng tác văn học ở Miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975

Việc du nhập các lý thuyết văn học phương Tây có thể được chia làm hai giai đoạn:

3.1. Trước 1963, việc giới thiệu các lý thuyết văn học đã có những bước đi ban đầu với những bài giới thiệu triết học hiện sinh của Nguyễn Văn Trung, Quang Ninh, Trần Văn Toàn, Thạch Chương, Nguyễn Anh Linh, Trần Hương Tử,… trên các tạp chí Đại học, Văn hóa Á Châu, Sáng tạo, Bách Khoa... (riêng chủ nghĩa hiện sinh đã được Triều Sơn giới thiệu từ 1953 trên báo Mới với cái tên là “triết lý tồn tại”).

3.2. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ năm 1963, bên cạnh triết học hiện sinh, hiện tượng học, cấu trúc luận, phê bình mới... đã được giới thiệu ồ ạt. Nhiều bài viết về các tư tưởng, lý thuyết này đã được giới thiệu rộng rãi trên các báo Bách Khoa, Văn, Văn học, Tư tưởng, Khởi hành,… như Quan niệm cơ cấu trong các khoa học nhân văn, Thuyết cơ cấu và phê bình văn học, Triết học hiện sinh và chính trị của Trần Thái Đỉnh; Tìm hiểu cơ cấu luận như một phương pháp, một triết thuyết và đặt vấn đề tiếp thu, Sartre trong đời sống, Phê bình mới, phê bình cũ của Nguyễn Văn Trung; Tìm hiểu thuyết cơ cấu, J.P.Sartre thân thế và sự nghiệp của Trần Thiện Đạo; Samuel Beckett và thẩm quyền của ngôn ngữ của Huỳnh Phan Anh. Trần Thiện Đạo còn dịch và giới thiệu Alain Robbe – Grillet, Nguyễn Minh Hoàng dịch và giới thiệu Văn chương là gì? của J.P.Sartre...

Có nhiều khuynh hướng trong nghiên cứu, phê bình và sáng tác văn học ở miền Nam Việt Nam sau 1954, nhưng nổi bật có ba khuynh hướng chính: hiện sinh, phân tâm học và cấu trúc luận.

a. Chủ nghĩa hiện sinh (với cái tên là “triết lý tồn tại”) đã được giới thiệu ở miền Nam khá sớm (từ năm 1951 trên báo Mới với các bài của Triều Sơn). Nhưng phải đến sau 1954, chủ nghĩa hiện sinh mới được giới thiệu rộng rãi với các công trình của Nguyễn Văn Trung, Quang Ninh, Trần Văn Toàn, Thạch Chương, Nguyễn Anh Linh, Trần Hương Tử,… trên các tạp chí Đại học, Văn hóa Á Châu, Sáng tạo, Bách Khoa... như Triết học hiện sinh và chính trị của Trần Thái Đỉnh; Sartre trong đời sống, Phê bình mới, phê bình cũ của Nguyễn Văn Trung; J.P.Sartre thân thế và sự nghiệp của Trần Thiện Đạo...

Chủ nghĩa hiện sinh cũng được ứng dụng trong nghiên cứu phê bình, trong việc tìm hiểu văn học cổ điển, nhiều nhất là văn học đương đại của miền Nam. Nổi bật có Đỗ Long Vân, Trần Nhựt Tân… đặc biệt là Nguyễn Văn Trung với các bộ Lược khảo văn học, Nhận định, Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết, Ca tụng thân xác, Ngôn ngữ và thân xác. Tam Ích với Ý văn I, Huỳnh Phan Anh với Văn chương và kinh nghiệm hư vô, Lê Tuyên với Thời gian hiện sinh trong Đoạn trường tân thanh…

Nhưng chủ nghĩa hiện sinh cũng gặp một sự phản ứng không nhỏ với những cuộc tranh cãi xung quanh việc dịch thuật các tác phẩm và các tác giả chịu ảnh hưởng của trường phái này, chẳng hạn như: Nhân đọc bài Luân lý và văn học của ông Nguyễn Văn Trung, từ thái độ cởi mở đến sự phủ nhận luân lý trong lĩnh vực văn học của Bùi Tuân; Chúng tôi tố cáo mầm phản loạn trong văn nghệ của Bút Nhọn; Tán thành hay phản đối văn chương hiện sinh (của Anh Chức); Lẳng lặng mà nghe, Kính dâng hương hồn sống của các đồ đệ JP. Sartre (Sa Nhăng); Cười nụ. Hiện sinh (Nam Phương Sóc); Chúng tôi cực lực phản đối cái thuyết dã thú hóa ra con người của ông Thạch Chương (Cô Thùy Dương); Thanh niên hư hỏng và thuyết hiện hữu của J.P Sartre (Vô Vi); Đặt lại giá trị và giới hạn của triết lý J.P Sartre (Phạm Công Thiện); Nghĩ về văn chương hiện sinh (Thế Nguyên); Tiểu thuyết Nguyễn Thị Hoàng, sự buôn lậu tư tưởng trong một con bịnh dân thành phố và Văn nghệ, văn hóa qua những hình thái thông ngôn nô dịch (Cao Thế Dung); Từ văn hoá cải lương đến văn chương đồi trụy và thứ cần sa của ngoại bang (Khải Triều); Mại bản văn hoá và mấy hình thái văn chương nô dịch (Cao thế Dung); Văn học Hiện tượng luận có phải là văn học khiêu dâm không (Tam Ích)...

b. Phân tâm học: Phân tâm học được giới thiệu khá quy mô ở miền Nam trước 1975, đặc biệt là sau 1964 bằng việc dịch các tác phẩm của Freud, Jung, E.Fromm,…

Ảnh hưởng của phân tâm học có thể tìm thấy trong các công trình như Lược khảo văn học của Nguyễn Văn Trung, Vũ trụ thơ của Đặng Tiến, Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương, Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung của Đỗ Long Vân, Các nhà văn nữ Việt Nam 1900 – 1970 của Uyên Thao,…

c. Bên cạnh chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học, cấu trúc luận (miền Nam lúc đó dùng thuật ngữ “cơ cấu luận”) cũng được giới thiệu và vận dụng ở miền Nam như một sự bổ sung cần thiết. Có thể kể đến Quan niệm cơ cấu trong các khoa học nhân văn, Thuyết cơ cấu và phê bình văn học, Tìm hiểu cơ cấu luận như một phương pháp, một triết thuyết và đặt vấn đề tiếp thu của Nguyễn Văn Trung; Tìm hiểu thuyết cơ cấu của Trần Thiện Đạo; Samuel Beckett và thẩm quyền của ngôn ngữ của Huỳnh Phan Anh. Trần Thiện Đạo còn dịch và giới thiệu Alain Robbe – Grillet.

Bên cạnh ba khuynh hướng chính đó, quan điểm mác-xít được thể hiện trong các công trình như Đọc lại truyện Kiều (1966), Tìm hiểu văn nghệ (1970) của Vũ Hạnh, Mấy vấn đề văn nghệ (1967) của Lữ Phương, Văn nghệ và phê bình (1969) của Tam Ích…

Nữ quyền luận trong văn học cũng được thể hiện qua các tác phẩm của các nhà văn nữ như Túy Hồng, Nhã Ca, Lê Thị Thụy Vũ, Trần Thị NgH.

 

4. Đội ngũ các nhà nghiên cứu, phê bình trong văn học miền Nam giai đoạn 1954- 1975

Đội ngũ các nhà nghiên cứu, phê bình trong văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 khá đa dạng, về mặt xuất thân, có người từ miền Bắc vào (nhiều văn nghệ sĩ trong nhóm Sáng tạo chẳng hạn), có người từ miền Trung, có người sinh trưởng ngay ở miền Nam. Về nghề nghiệp, họ có thể là văn nghệ sĩ, là nhà báo, nhưng cũng có nhiều người là giáo sư đại học, trung học. Họ có thể rất khác nhau về mặt quan điểm văn học, thậm chí đối lập nhau về mặt ý thức hệ. Việc các nhóm tập trung quanh các tờ báo văn học khác nhau đã chứng tỏ cho sự đa dạng này. Trong giai đoạn từ 1954-1975 có nhiều tờ báo, tập san là diễn đàn chính cho các cây bút nghiên cứu, phê bình văn học, chẳng hạn như: tạp chí Văn của Nguyễn Đình Vượng (sau đổi là Tân Văn); Văn Bút, cơ quan của Trung tâm Văn bút Việt Nam, do Phạm Việt Tuyền làm chủ nhiệm (1971-1975), Văn học tạp chí của Trần Tuấn Khải - cơ quan sưu tầm, nghiên cứu, văn chương học thuật, Văn Mới, nguyệt san nghiên cứu, phê bình văn học của Phan Mỹ Dung, Tạp chí Nghiên cứu văn học của Thanh Lãng... và các tờ Hành Trình, Đất Nước.

Các cây bút nghiên cứu, phê bình nổi bật có Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng, Lê Tuyên, Đỗ Long Vân, Đặng Phùng Quân, Lữ Phương, Nguyên Sa, Võ Phiến, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Hiến Lê, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Vũ Hạnh, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Lê Huy Oanh, Nguyễn Tấn Long, Trần Tuấn Kiệt, Cao Thế Dung, Đặng Tiến, Tam Ích, Thế Phong, Nguyễn Xuân Hoàng, Tạ Tỵ, Nguyễn Sỹ Tế, Huỳnh Phan Anh, Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Đình Tuyến, Uyên Thao, Minh Huy, Cao Huy Khanh...

Những người đi tiên phong trong việc giới thiệu các lý thuyết triết học và phê bình văn học phương Tây vào miền Nam (trong số này có nhiều người từng đi du học ở các nước Châu Âu, chủ yếu là ở Pháp): Triều Sơn, Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng, Trần Thái Đỉnh, Lê Tuyên, Đỗ Long Vân, Trần Thiện Đạo, Trần Bích Lan...

Các nhà nghiên cứu, phê bình thuộc khuynh hướng văn học yêu nước, cách mạng: trong giai đoạn 1954-1963 chưa có những cây bút chuyên về lý luận phê bình. Một số nhà văn yêu nước như Lưu Nghi, Kiên Giang, Lý Văn Sâm... thỉnh thoảng có một vài bài điểm sách. Nổi bật có Vũ Hạnh (dưới bút hiệu Vũ Hạnh, cô Phương Thảo, Nguyên Phủ). Từ năm 1964 xuất hiện hàng loạt cây bút mới như Lữ Phương, Trần Triệu Luật, Nguyễn Trọng Văn, Trần Nguyên Lan, Cao Quảng Văn... Nhà văn Nguyễn Văn Bổng (dưới bút danh Lê Nguyên Trung, Vương Quế Lâm) có nhiều bài trên Tin Văn, Người Việt... Lữ Phương lên án Đêm không cùng của Lê Xuyên, Đàn bà đàn ông của Minh Đức Hoài Trinh. Lê Nguyên Trung phê bình Lao vào lửa - một tác phẩm của Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Nguyễn Khắc Vỹ lên án Mưa không ướt đất của Trùng Dương. Bộ tiểu thuyết của Chu Tử (gồm Sống, Tiền, Yêu, Ghen, Loạn) bị Vân Trang và Lữ Phương lên án. Lữ Phương có nhiều bài phê bình gây ấn tượng trên Tin Văn, Bách Khoa, Đất nước. Ngoài ra, còn có Nguyễn Trọng Văn gây sôi nổi với Phạm Duy đã chết như thế nào? (nxb Văn Mới 1971), các tập tiểu luận Đường lối văn nghệ dân tộc của Cô Thanh Ngôn, Tìm hiểu văn nghệ của Vũ Hạnh, Mấy vấn đề văn nghệ (đã đăng trên Tin Văn) của Lữ Phương...

Văn học cổ điển Việt Nam cũng được chú ý với Khảo luận về Cung oán ngâm khúc của Thuần Phong; Chiêu hồn - tiếc thay duyên Tấn phận Tần của Nguyễn Du do Bình Nguyên Lộc và Nguyễn Ngu Ý lược bình, chú giải... Nhiều bài khảo luận đăng trên các tạp chí như: Tâm lý, tính chất nhân vật Truyện Kiều của Phạm Văn Diêu; Cung Oán ngâm khúc bình chú của Trần Cửu Chấn đăng nhiều kỳ trên Văn hóa nguyệt san năm 1961 và các bài viết ngắn như Sử liệu và văn liệu về Chiêu Anh Các của Đông Hồ...Ngoài ra, Văn hóa nguyệt san còn dành một số đặc biệt về Nguyễn Du (số kỷ niệm đệ nhị bách chu niên thi hào Nguyễn Du) với các bài viết của Nguyễn Khắc Hoạch, Đông Hồ, Thanh Lãng, Bửu Cầm, Tạ Quang Phát, Trịnh Huy Tiến, Phạm Văn Sơn, Lê Xuân Giáo, Trần Cửu Chấn, Thẩm Quỳnh.... Riêng Bùi Giáng có “Một vài nhận xét về Truyện Kiều và Truyện Phan Trần” do Tân Việt xuất bản vào năm 1957.

Những công trình nghiên cứu, phê bình đáng chú ý trong giai đoạn này gồm có: Vũ Bằng với quyển Khảo về tiểu thuyết (1955); Nguyễn Hiến Lê với Hương sắc trong vườn văn (2 quyển - 1962), Luyện văn (3 quyển từ 1953 đến 1957); Nhất Linh có Viết và đọc tiểu thuyết (nhà xuất bản Đời Nay, 1965); Nguyễn Văn Trung với Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết (1962), Lược Khảo Văn Học (3 tập, từ 1963-1968), Nhà văn người là ai, với Ai (1965), Văn chương và Chính trị; Thanh Lãng với Bảng lược đồ Văn học Việt Nam; Phê bình văn học thế hệ 1932; Văn học Việt Nam hai thế hệ dấn thân yêu đời... Minh Hương có Hoa đồng cỏ nội (Hàn Thuyên xuất bản, 1974); Võ Phiến với Tiểu thuyết hiện đại (1963) và quyển Chúng ta, qua cách viết (1972)... Thế Phong có bộ khảo luận nhiều tập: Lược sử văn nghệ Việt Nam (gồm 5 quyển: Nhà văn tiền chiến 1930- 1945; Nhà văn kháng chiến 1945-1950, Nhà văn miền Nam 1945-1950, Nhà văn hậu chiến 1950-1956 và phần tổng luận 60 năm); Hoàng Trọng Miên có bộ Việt Nam văn học toàn thư (gồm 10 quyển); Lê Tuyên có Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày, Thời gian hiện sinh trong Đoạn trường tân thanh; Đỗ Long Vân có Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương, Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung; Đặng Phùng Quân có Triết học và văn chương; Đặng Tiến có Vũ trụ thơ; Trần Bích Lan - Nguyên Sa có Một bông hồng cho văn nghệ, Quan điểm văn học và triết học; Huỳnh Phan Anh có Văn chương và kinh nghiệm hư vô, Đi tìm tác phẩm văn chương; Phạm Công Thiện có Ý thức mới trong văn nghệ và Triết học; Tam Ích có Ý văn, Văn nghệ và phê bình; Bùi Giáng có Thi ca tư tưởng, Tư tưởng hiện đại; Doãn Quốc Sĩ có Văn học và tiểu thuyết; Nguyễn Đăng Thục có Thế giới thi ca Nguyễn Du; Lữ Phương có Mấy vấn đề Văn nghệ; Vũ Hạnh có Tìm hiểu Văn nghệ, Đọc lại Truyện Kiều; Nguyễn Trọng Văn có Phạm Duy đã chết như thế nào?; Uyên Thao có Các Nhà văn nữ Việt Nam 1900-1970, Thơ Việt Nam hiện đại; Tạ Tỵ có Mười Khuôn mặt Văn nghệ, Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay; Trần Nhựt Tân có Dư Vang Nghệ thuật...

Bên cạnh đó còn có các công trình ngắn gọn hơn như: Khái luận thi ca Việt Nam của Lý Chánh Trung (1965), Văn chương Việt Nam của Nguyễn Khắc Kham (1965), Văn chương bình dân của Thanh Lãng (được giải thưởng văn chương toàn quốc 1957 về môn khảo luận) đăng trên Văn hóa Tùng thư...

Ngoài các cây bút trên, còn có nhiều cây bút viết khảo luận không thường xuyên khác như Nhất Thanh viết trên Phương Đông, Đỗ Bằng Đoàn viết trên Bách Khoa, Vạn Hạnh, Minh Tân..., Hùng Lân (tức Hoàng Văn Hương) có Tìm hiểu dân ca Việt Nam - tác phẩm được giải Văn học nghệ thuật 1971... Trên báo Khởi Hành và Thời Tập có Cao Huy Khanh với Hai mươi năm văn xuôi miền Nam. Nguyễn Văn Hầu có loạt bài Nghĩ về văn học miền Nam đăng nhiều kỳ trên Phương Đông năm 1973.

 

5. Kết luận

Miền Nam Việt Nam trong giai đoạn 1954 – 1975 có nhiều biến động với chiến tranh khốc liệt, với một xã hội tiêu thụ bắt đầu được hình thành. Việc có nhiều văn nghệ sĩ từ miền Bắc di cư vào miền Nam cũng làm cho lực lượng sáng tác, nghiên cứu, phê bình ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 đa dạng hơn. Việc mở rộng cửa cho văn hóa nước ngoài du nhập đã tạo điều kiện cho nhiều lý thuyết văn học của phương Tây du nhập vào và đã ảnh hưởng khá sâu sắc đến đời sống văn học ở các đô thị.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Trần Hoài Anh (2009), Lý luận - Phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.

[2] Trần Thái Đỉnh (1968), “Triết học hiện sinh và chính trị”, Bách khoa số 264.

[3] Trịnh Bá Đĩnh (chủ biên) (2013), Lịch sử lí luận phê bình văn học Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[4] Tam Ích (1950), Văn nghệ và phê bình, Nam Việt, Sài Gòn.

[5] Võ Phiến (1987), Hai mươi năm Văn học miền Nam (1954-1975), NXB Văn nghệ, CA - USA.

[6] Huỳnh Như Phương (2008), “Chủ nghĩa Hiện sinh ở Miền Nam Việt Nam 1954-1975 (trên bình diện lý thuyết)”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 9.

[7] Lữ Phương (1967), Mấy vấn đề văn nghệ, NXB Trình Bày, Sài Gòn.

[8] Nguyên Sa (1967), Một bông hồng cho Văn nghệ, NXB Trình Bày, Sài Gòn.

[9] Uyên Thao (1969), Thơ Việt Nam hiện đại, NXB Hồng Lĩnh, Sài Gòn.

[10] Nguyễn Văn Trung (1969-1972), Nhận định, 6 tập, NXB Nam Sơn.

[11] Tạ Tỵ (1972), Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay, NXB Lá Bối, Sài Gòn.

[12] Nguyễn Trọng Văn (1968), “Những người con hoang của Nguyễn Văn Trung”, Bách Khoa số 264.

 

Võ Văn Nhơn

Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG-HCM

TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN HIẾN SỐ 11 - THÁNG 5/2016

 

Nguồn: https://www.vhu.edu.vn/

Post by: Khoa Ngữ văn
16-05-2023