Văn học Việt Nam hiện đại

PHƯƠNG PHÁP TỔNG HỢP TRONG VIỆC NGHIÊN CỨU FOLKLORE


08-11-2024

GS. ĐINH GIA KHÁNH

Văn hóa dân gian (Folklore) đã được các nhà nghiên cứu tiếp cân dưới nhiều góc độ khác nhau. Sự khác khác nhau này, tùy thuộc vào quan điểm của từng trường phái, tùy thuộc vào truyền thống học thuật của từng nước. Dầu sao thì không ai phủ nhận tính nguyên hợp (syncrétisme) của folklore và đa số học giả đều công nhận rằng đó là nghệ thuật.

Trong sách “Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian”, chúng tôi đã nhiều lần xử lý vấn đề trên. Và chúng tôi dành toàn bộ chương III của sách  ấy để chứng minh văn hóa dân gian (folklore) là một nghệ thuật nguyên hợp (art syncrétique).

Khi đã xác định folklore là một nghệ thuật nguyên hợp thì có thể chỉ có phương hướng tiếp cận và từ đó đề ra phương pháp xử lý hiện tượng folklore.

Trước hết hãy xem xét vấn đề phương hướng tiếp cận. Nếu nhận thức rằng folklore là một nghê thuật thì phương hướng tiếp cận trước hết phải là phương hướng thẩm mỹ. Nói một cách khác, cần phải trước hết xem xét tác phẩm folklore như một hiện tượng nghệ thuật và do đó cần phải chú ý đến việc tìm hiểu và đánh giá tác phẩm ấy trên bình diện thẩm mỹ. Và chỉ với nhận thức về giá trị thẩm mỹ của tác phẩm thì mới thấy rõ được các giá trị khác của nó.

Mặt khác, tác phẩm folklore tồn tại và vận động như một chỉnh thể nguyên hợp. Vì vậy phương hướng tiếp cận thẩm mỹ cần được kết hợp với phương hướng tiếp cận chỉnh thể.

Nảy sinh từ cuộc sống, từ thực tiễn sản xuất và chiến đấu, tác phẩm folklore phản ánh nhận thức có tính chất nguyên hợp về thế giới. Nói một cách khác, tác phẩm folklore phản ánh thế giới như một chỉnh thể, không bị chia cắt và chưa được phân tích. Chỉnh thế ấy được cảm thụ bằng tất cả các giác quan trong cùng một lúc. Phản ánh thế giới như một chỉnh thể, tác phẩm folklore cũng là một chỉnh thể. Tác phẩm folklore trong cùng một lúc tác động và thị giác, vào thính giác, vào cảm xúc nhịp điệu. Tác phẩm folklore lại có mối liên hệ hữu cơ với môi trường, với sinh hoạt văn hóa, với thế ứng xử và lối ứng xử, với tập tục truyền thống lâu đời của cộng đồng, với xu hướng tiến lên phia trước của cuôc sống cộng đồng.

 Cho nên tác phẩm folklore với tính cách như một chỉnh thể nguyên hợp bao gồm nhiều thành tố gắn bó tự nhiên và hữu cơ với nhau.

Trong một tác phẩm folklore, có thể tùy theo hoàn cảnh mà thành tố này hoặc thành tố khác nổi bật lên. Hơn nữa, lại có những trường hợp mà các thành tố nào đó của chỉnh thể nguyên hợp ấy tách riêng ra và tồn tại như một tác phẩm độc lập (với tính cách là một tác phẩm nghệ thuật ngữ văn dân gian, hoặc với tính cách là một tác phẩm nghệ thuật biểu diễn dân gian hoặc với tính cách là một tác phẩm nghệ thuật tạo hình dân gian ). Nhưng các tác phẩm này, nếu có lúc có thể tồn tại và vận động một cách tương đối độc lập, thì lại thường hay thu hút trở lại vào chỉnh thể nguyên hợp. Xét đến cùng chúng chỉ có thể phát huy một cách thực sự sâu sắc và trọn vẹn giá trị thẩm mỹ với tính cách là thành tố của chỉnh thể nguyên hợp.

Để nghiên cứu một tác phẩm folklore thì cần phân tích chỉnh thể nguyên hợp ấy ra các thành tố, hơn nữa cần phải phân tích các thành tố ấy ra những yếu tố nhỏ hơn để có thể đi sâu tìm hiểu nội dung cũng như cấu trúc của từng thành tố nói riêng, của chỉnh thể nguyên hợp nói chung. Trong nghiên cứu folklore nói chung, khởi đầu bằng việc phân tích là môt điều tất yếu.

Nhưng quá trình phân tích ấy lại phải được bổ sung và nâng cao bằng quá trình tổng hợp, bởi vì dầu có tiến hành những thao tác khoa học nào đi chăng nữa thì cuối cùng cũng phải đạt mục tiêu là nhận thức được sâu sắc và toàn diện một chỉnh thể nguyên hợp.

Phương pháp tổng hợp có tầm quan trọng đặc biệt, nhưng không phải là phương pháp duy nhất trong việc nghiên cứu folklore. Như trên vừa nêu lên, muốn tổng hợp thì trước hết phải nghiên cứu đã.

Trong folklore học, cũng như các ngành khoa học xã hội khác, người ta có thể sử dụng nhiều phương pháp tùy theo yêu cầu cụ thể của việc nghiên cứu, tùy theo yêu cầu cụ thể của từng công đoạn nghiên cứu. Đó là phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, phương pháp phục nguyên, phương pháp cấu trúc, phương pháp so sánh, phương pháp loại hình, phương pháp lịch sử và các biện pháp kĩ thuật đa dạng, như thể nghiệm (test), đối chứng (control experiment)  mã hóa, mô hình hóa, biểu đồ hóa, bản đồ hóa…

Vì folklore hình thành và vận động trong lịch sử cho nên trong các phương pháp nghiên cứu nêu nên ở trên thì phương pháp lịch sử có tầm quan trọng hàng đầu. Việc sử dụng phương  pháp lịch sử trong folklore học, tuy vậy, không có gì đặc biệt hơn là sử dụng phương pháp ấy trong các khoa học xã hội khác. Bên cạnh phương pháp lịch sử thì với những lý do đã nêu ở trên, phương pháp tổng hợp có tầm quan trọng đặc biệt đối với folklore học.

Khi phương pháp tổng hợp  trong nghiên cứu folklore thì cần phân biệt nó với phương pháp liên ngành.

Phương pháp liên ngành, hay nói cho đúng hơn, tổ chức nghiên cứu liên ngành thường cần thiết mỗi khi phải xử lý những đề tài khoa học rộng lớn, tức là mỗi khi phải đề cập đến nhiều thực thể khác nhau và nhiều đối tượng khoa học khác nhau. Tổ chức nghiên cứu liên ngành huy dộng nhiều khoa học khác nhau. Nhưng trong quá trình nghiên cứu thì mỗi khoa học vẫn giữ tính chất độc lập của mình, vẫn sử dụng những phương pháp mà khoa học cho là thích hợp hơn cả với phương hướng tiếp cận của ngành khoa học.

Trong tổ chức nghiên cứu liên ngành, thường có một khoa học giữ vai trò trung tâm, nói cho đúng hơn là giữ vai trò tổ chức. Vai trò ấy được quy định bởi những điều kiên khác nhau; thí dụ như mục tiêu cuối cùng của đề tài nghiên cứu hoặc tính chất của tư liệu nghiên cứu…

Đề tài “Hùng Vương dựng nước” đã sử lý theo tổ chức nghiên cứu liên ngành. Nhiều ngành khoa học xã hội và cả một số ngành khoa học tự nhiên đã được huy động vào việc nghiên cứu đề tài ấy. Thời đại Hùng Vương không lưu lại những tư liệu viết, những văn bản, nhưng còn lưu lại khá nhiều hiện vật khảo cổ học. Vì vậy, khoa khảo cổ học đã giữ vai trò trung tâm của việc nghiên cứu liên ngành.

Đề tài “Tây Nguyên” cũng được xử lý theo tổ chức nghiên cứu liên ngành. Tây Nguyên là một vùng trong đó các dân tộc còn lưu giữ lại được nhiều hơn các nơi khác những nét đặc thù của xã hội thời kỳ tiền giai cấp. Cho nên, trong việc xử lý đề tài này theo tổ chức liên ngành thì khoa dân tộc học giữ vai trò trung tâm, vai trò tổ chức. Trong đề tài “Quy hoạch đồng bằng sông Hồng” hoặc “Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long” thì dù các ngành khảo cổ học, dân tộc học, xã hội học, folklore học, nông học… có thể tùy theo hoàn cảnh mà có đóng góp nhiều hoặc ít vào kết quả nghiên cứu nhưng khoa kinh tế học phải giữ vai trò trung tâm, vai trò tổ chức, bởi vì mục tiêu của việc nghiên cứu liên ngành này trước hết là mục tiêu kinh tế.

Đơn vị tổ chức nghiên cứu liên ngành có trách nhiệm phối hợp những nỗ lực của các ngành khoa hoc khác nhau, những nỗ lực được triển khai theo những phương hướng tiếp cận khoa học khác nhau, với những quy phạm nghiên cứu khoa học khác nhau nhưng đều nhằm tới mục đích chung.

Như thế là trong việc nghiên cứu liên ngành thì các ngành khoa học vẫn giữ tính chất độc lập với nhau trong khi vẫn phối hợp chặt chẽ với nhau.

Như trên vừa nêu lên thì trong việc nghiên cứu liên ngành được tiến hành khi cần phải xử lý những đề tài khoa học rộng lớn, tức là phải đề cập đến nhiều thực thể trong tự nhiên và trong xã hội, nói đến nhiều đối tượng khoa học… Còn như nghiên cứu theo phương pháp tổng hợp thì lại chỉ nhằm vào một đối tượng khoa học, tất nhiên là đối tượng ấy có thể bao gồm nhiều thành tố đa dạng và phong phú.

Khi nói đến phương pháp tổng hợp, thì có lẽ trước hết cần nhắc lại ý nghĩa của thuật ngữ “tổng hợp”. Tổng hợp là một hoạt động với những thao tác đa dạng, nhằm kết hợp với những yếu tố đã được phân tích để xây dựng lại tổng thể mà các yếu tố ấy là những thành tố. Với phương pháp tổng hợp, người ta xuất phát từ các chi tiết để cuối cùng đạt tới cái tổng thể. Và như vậy, thì tổng hợp là hoạt động, là thao tác trái ngược với phân tích. Nhưng, như ở trên đã nêu rõ, chỉ có thể tiến hành thao tác tổng hợp sau khi đã tiến hành các thao tác phân tích.

Trong chương III, sách Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian (với tiêu đề Văn hóa dân gian là một nghệ thuật nguyên hợp) chúng tôi đã chứng minh rằng, khi nghiên cứu nghệ thuật liên hợp ấy thì cần xem xét đối tượng ít nhất là trên ba bình diện. Một là sự nguyên hợp giữa giá trị ích dụng và giá trị thẩm mỹ. Hai là, sự nguyên hợp giữa các thành tựu của các thời đại khác nhau, các địa phương khác nhau tích tụ lại trong tác phẩm. Ba là, sự nguyên hợp giữa các thành tố nghệ thuật khác nhau (nghệ thuật Ngữ văn, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật tạo hình). Ngoài ra, lại còn có sự nguyên hợp giữa những giá trị của tác phẩm dân gian với đặc điểm của môi trường sinh thái và môi trường xã hội, với sinh hoạt văn hóa, với thế ứng xử và lối ứng xử, với tập tục và truyền thống lâu đời của cộng đồng…

Phương pháp tổng hợp là phương pháp tốt nhất có thể đem lại nhận thức đúng về tính nguyên hợp như thế của tác phẩm folklore.

Trên bình diện thứ nhất, phương pháp tổng hợp có thể giúp cho việc tìm hiểu mối quan hệ tự nhiên và hữu cơ về giá trị ích dụng và giá trị thẩm mỹ của tác phẩm folklore và từ đó xác định được giá trị đích thực của tác phẩm ấy.

Trên bình diện thứ hai, phương pháp tổng hợp có thể giúp cho việc tìm hiều quá trình tiếp biến văn hóa (acultration), quá trình kết hợp giữa các thành tựu của các thời đại khác nhau, các địa phương khác nhau diễn ra trong quá trình hình thành và lưu hành của tác phẩm, và từ đó xác định được giá trị đặc thù của tác phẩm, một giá trị hình thành trong mối mâu thuẫn thống nhất giữa sức nặng của truyền thống và sức manh của yêu cầu cách tân với sự vận động không ngừng của tác phẩm.

Trên bình diện thứ ba, phương pháp tổng hợp có thể giúp cho việc tìm hiểu sự kết hợp và hỗ trợ lẫn nhau của các thành tố nghệ thuật khác nhau (nghệ thuật ngữ văn dân gian, nghệ thuật biểu diễn dân gian, nghệ thuật tạo hình dân gian) để tạo lên giá trị toàn diện nguyên hợp của tác phẩm folklore. Ngoài ra, phương pháp tổng hợp có thể giúp cho việc tìm hiểu vai trò của môi trường, của tập tục xã hội, của sinh hoạt văn hóa dân gian trong việc tạo nên giá trị đặc thù của tác phẩm folklore.

Phương pháp tổng hợp kết hợp với phưng pháp phân tích có thể giúp cho việc nhận thức rõ về các cấp độ khác nhau trong hiện tượng folklore. Có cấp độ của folklore với tính cách là chỉnh thể nguyên hợp. Khi xử lý tác phẩm folklore ở cấp độ này, tất nhiên là phải chú ý đến các mối quan hệ bên trong của tác phẩm, tức là các mối quan hệ giữa các thành tố với nhau. Đồng thời, ở cấp độ này lại còn phải chú ý đến các mối quan hệ bên ngoài, tức là mối quan hệ giữa chỉnh thể nguyên hợp ấy với môi trường xã hội, môi trường sinh thái, môi trường văn hóa.

Nghiên cứu vấn đề ở cấp độ các thành tố của tác phẩm folklore, thì ngoài việc tìm hiểu mối quan hệ giữa các thành tố với nhau, các môi quan hệ của từng thành tố với chỉnh thể nguyên hợp lại còn phải đi sâu tìm hiểu nội dung của mỗi thành tố cũng như cách thức mà nội dung ấy kết hợp với nội dung của các thành tố khác để tạo nên giá trị thẩm mỹ nguyên hợp của tác phẩm folklore.

Như thế là phương pháp tổng hợp phải được luôn kết hợp với phương pháp phân tích. Việc phân tích chỉnh thể nguyên hợp ấy ra những thành tố, và hơn nữa việc phân tích các thành tố ấy ra những yếu tố nhỏ hơn có thể giúp cho việc đi sâu hơn vào chi tiết. Nhưng chỉ với việc tổng hợp các chi tiết (tức là các yếu tố, các thành tố) vốn gắn bó một cách tự nhiên và hữu cơ với nhau thì mới có thể đưa tới sự nhận diện chính xác và toàn diện tác phẩm folklore.

Phương pháp phân tích là thao tác xuất phát từ tổng thể mà đi ngược lên các thành tố ban đầu (éléments premiers). Vì vậy, nó còn được gọi là phương pháp thoái triển (méthode régressive). Phương pháp tổng hợp là thao tác ngược chiều với phương pháp phân tích. Phương pháp tổng hợp xuất phát từ các nguyên tố ban đầu để đi tới chung cục tức là trên cơ sở các chi tết mà lắp ráp lại cái toàn thể hoặc trên cơ sở các thành tố mà xây dựng lại chỉnh thể đã được phân tích. Vì vậy, phương pháp tổng hợp còn được gọi là phương pháp tiến triển (méthode progressive).

Sự vận động lý chí theo phương pháp tổng hợp lại còn được gọi là sự suy luận sinh thành (raisonnement génétique). Và phương pháp tổng hợp còn được gọi là phương pháp sinh thành (méthode génétique). Phương pháp sinh thành là phương pháp nhằm mục đích tìm hiểu và giải thích một hiện tượng như là kết quả của một quá trình sinh thành và phát triển.

Như ở trên đã trình bày, các thao tác nhằm phân tích tác phẩm Folklore đã tách biệt riêng ra từng thành tố của chỉnh thể nguyên hợp ấy để đi sâu vào nội dung và cấu trúc của từng thành tố. Nhận thức về từng thành tố vì thế mà được nâng cao lên và khác hẳn nhận thức khi chưa có sự phân tích. Nói một cách khác, từng thành tố ấy hiện lên rõ nét hơn, khác với diện mạo của nó theo như nhận thức sơ khai.

Các thao tác tổng hợp thì căn cứ vào nhận thức đã được nâng cao ấy về từng thành tố và vào các quy luật chi phối quá trình kết hợp các thành tố để xây dựng lại chỉnh thể nguyên hợp và nhận thức về chỉnh thể nguyên hợp đã được xây dựng lại sau quá trình tổng hợp, tất nhiên khác hẳn với nhận thức sơ khai. Nói cho đúng hơn, nội dung và cấu trúc của chỉnh thể nguyên hợp sau khi chỉnh thể này đã được xử lý qua phương pháp tổng hợp hiện ra không hoàn toàn giống như nội dung và cấu trúc của nó trước khi được xử lý. Điều này cũng dễ hiểu. Trong quá trình phân tích ra, rồi tiếp đó quá trình tổng hợp lại, những gì thuộc về bản chất chiều sâu và có tính quy luật phổ biến của thực thể nổi bật lên, còn những gì thuộc về hiện tượng bề nổi và tính ngẫu nhiên nhất thời bèn bị tước bỏ đi.

Cũng về nhận thức về tác phẩm được xây dựng lại khác với nhận thức ban đầu mà có người ngộ nhận rằng, qua phương pháp tổng hợp các nhà nghiên cứu đã lấy các thành tố được phân tích ra từ tác phẩm folklore để xây dựng lên một tác phẩm folklore khác. Thực ra phải thấy rằng nhận thức có tính khoa học về một thực thể không bao giờ đưa lại bản sao chép máy móc diện mạo của thực thể ấy theo như nhận thức cảm tính sơ khai. Và nếu nói rằng góp phần tái tạo tác phẩm folklore thì xét về mặt nào đó cũng đúng. Dầu sao chính vì thế mà cần phải nắm vững các quy luật folklore để tránh sai lầm khi làm việc “tái tạo” ấy.

Và khi sử dụng phương pháp tổng hợp thì điều cần quan tâm là đề phòng sự xuyên tạc một cách vô ý thức những cấu trúc và những nội dung vốn có trong đối tượng nghiên cứu bằng cách xây dựng nên những cấu trúc, những nội dung xa lạ với nội dung đích thực của đối tượng.

Đối với việc nghiên cứu folklore thì vì không nắm vững quy luật của folklore, sự xuyên tạc cấu trúc và nội dung cố hữu của tác phẩm folklore trong khi sử dụng phương pháp tổng hợp đã đưa tới việc xây dựng nên những chỉnh thể ngụy tạo. Có nơi, chỉnh thể ngụy tạo ấy được người ta gọi là fakelore. Các tác phẩm fakelore (tức tác phẩm folklore được tạo dựng lại với tác phẩm gốc) được sử dụng ở các sinh hoạt câu lạc bộ, ở sân khấu, điện ảnh, vô tuyến truyền hình, truyền thanh, báo chí và hội lễ hiện đại…

Không ai phản đối việc cải biến tác phẩm folklore để đáp ứng yêu cầu và thị hiếu của thế hệ mới, thời đại mới. Nhưng không thể để cho việc cải biến ấy tiến hành với việc xuyên tạc vô tình (vì thiếu hiểu biết) hoặc cố ý (vì một mục đích thực dụng hoặc thiển cận) nội dung và cấu trúc của tác phẩm folklore, đến nỗi hủy hoại tính nghệ thuật trong sáng, tươi mát của tác phẩm gắn với cuộc sống và tâm hồn của nhân dân.

Phương pháp tổng hợp trong nghiên cứu folklore dầu có thể được gọi là phương pháp tiến triển hoặc phương pháp sinh thành thì bao giờ cũng cần phải được vận dụng với sự tôn trọng nội dung và cấu trúc cơ bản của tác phẩm folklore, với nỗ lực nhận diện một cách chính xác folklore, nói tóm lại là với sự trung thực khoa học đích thực.

(Trích từ Văn hóa dân gian những phương pháp nghiên cứu, nhiều tác giả, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990)

Post by: Khoa Ngữ văn
08-11-2024