Trong phong trào Thơ mới 1932 – 1945, Nguyễn Bính đã xác lập được một phong cách thơ không thể trộn lẫn. Thơ ông mang đậm chất chân quê, thấm đẫm tình quê và hồn quê. Chất chân quê, tình quê, hồn quê ấy phần lớn được thể hiện trong những bài thơ mang dáng dấp của những câu chuyện kể. Có thể thấy, thơ Nguyễn Bính đậm chất trữ tình, nhưng cũng không ít màu sắc tự sự. Chất tự sự và trữ tình đã xuyên thấm nhuần nhuyễn trong thơ ông, tạo thành một nét phong cách nghệ thuật độc đáo. Bài viết xuất phát từ góc độ giao thoa thể loại, tìm hiểu vấn đề sự giao thoa giữa tự sự và trữ tình trong thơ Nguyễn Bính, chủ yếu khảo sát trên hai phương diện sự kiện, nhân vật, từ đó góp phần giải mã thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Bính. Từ khóa: Nguyễn Bính, Thơ mới, tự sự, trữ tình, giao thoa thể loại
1. Đặt vấn đề
Trong phong trào Thơ mới 1932 – 1945, Nguyễn Bính đã xác lập được một phong cách thơ không thể trộn lẫn, đó là một hồn thơ đậm đà chất chân quê, tình quê, hồn quê. Chúng ta nhận thấy thơ Nguyễn Bính dễ đi vào lòng người, dễ nhớ, dễ thuộc và có sức hấp dẫn bạn đọc nhiều thế hệ. Có nhiều nguyên nhân tạo nên khả năng cộng hưởng, lan tỏa đó, trong đó không thể không kể đến sự có mặt dày đặc của các yếu tố tự sự, tạo nên tính tự sự đậm nét trong thơ ông. Chính sự góp mặt của tính tự sự này khiến thơ Nguyễn Bính gần với văn học dân gian, gần với truyện nôm, khiến những bài thơ của ông có dạng một câu chuyện nhỏ dễ đi vào lòng người. Bài viết xuất phát từ góc độ giao thoa thể loại, tìm hiểu vấn đề sự giao thoa giữa tự sự và trữ tình trong thơ Nguyễn Bính, chủ yếu khảo sát trên hai phương diện sự kiện, nhân vật, từ đó góp phần giải mã thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Bính.
2. Nội dung
2.1. Sự kiện và nhân vật trong thơ Nguyễn Bính
Đọc thơ Nguyễn Bính, ta dễ dàng bắt gặp nhiều câu chuyện: chuyện chàng trai lo sợ người yêu phai nhạt tình quê khi đi tỉnh về, chuyện người mẹ già tiễn con gái đi lấy chồng xa, chuyện giấc mơ quan trạng in đậm vào trong tiềm thức từ gã thư sinh đến anh lái đò, chuyện người thiếu nữ với tâm trạng bồi hồi xao xuyến khi đến nơi hò hẹn rồi lại buồn tủi thất vọng khi người kia không tới, chuyện chàng trai thôn Đoài tương tư cô gái thôn Đông,… Để tạo nên câu chuyện như thế cần có hai yếu tố cơ bản: sự kiện và những số phận gắn với những sự kiện đó. Trong thơ ca nói chung, thơ Nguyễn Bính nói riêng, sự kiện và nhân vật mang dấu ấn của loại tác phẩm tự sự, nhưng nó đã không hoàn toàn giống với sự kiện, nhân vật trong tác phẩm tự sự, mà là sự kiện, nhân vật của thơ trữ tình. Sự kiện trong thơ Nguyễn Bính đã là sự kiện của tâm trạng, không có những sự kiện thuần túy thúc đẩy tiến trình phát triển của cốt truyện như trong tác phẩm tự sự, mà giữ chức năng biểu hiện tâm tư tình cảm của nhân vật trữ tình. Nhân vật trong thơ trữ tình Nguyễn Bính cũng như vậy, không được chú trọng khắc họa tính cách, hành động, lời nói, số phận tỉ mỉ như trong tác phẩm tự sự, mà là nhân vật chủ yếu được khắc họa qua đời sống tình cảm. Tuy nhiên, nếu hoàn toàn chỉ là sự bày tỏ tình cảm thì không có dấu ấn của tự sự, nhân vật trong thơ Nguyễn Bính vẫn có những số phận, gắn với các sự kiện, do đó, người đọc có thể tìm thấy dấu ấn của nhân vật tự sự, hay nói đúng hơn, ở nhân vật trong thơ Nguyễn Bính có dấu ấn của sự giao thoa thể loại.
Yếu tố sự kiện được Nguyễn Bính sử dụng đưa vào thơ có nội dung khá đa dạng. Ông huy động nhiều chi tiết hiện thực, lấy chất liệu của đời sống với những câu chuyện nhỏ xinh, dung dị trong cuộc sống sinh hoạt nơi thôn xóm; cũng không thiếu những sự kiện hư cấu, tưởng tượng được “biên soạn” bởi một tâm hồn đa sầu đa cảm. Những sự kiện được đưa vào thơ ông đôi khi là những sự kiện rất cụ thể, riêng tư của những con người đã rõ danh tính, thân phận hoặc thậm chí của chính tác giả, nhưng nhiều khi lại là tiếng lòng chung, câu chuyện chung của nhiều người chứ chẳng của riêng ai. Các sự kiện đó được tổ chức thành cốt truyện, tạo ra câu chuyện bằng thơ. Bởi lẽ ấy, rất tự nhiên và nhẹ nhàng, thơ Nguyễn Bính đi vào trái tim, tiềm thức người đọc.
Những sự kiện gắn với câu chuyện về tình yêu đôi lứa chiếm một vị trí quan trọng trong thơ Nguyễn Bính. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Bính được trìu mến gọi là “thi sĩ yêu thương”. Có lẽ bởi chính tâm hồn ông vốn đa sầu đa cảm, dễ rung động, đong đầy tình cảm nên thơ ông cũng đắm say cảm xúc tình yêu. Nguyễn Bính có sở trường về đề tài tình yêu đôi lứa – một đề tài quen thuộc của Thơ mới. Bảy tập thơ ông viết trước Cách mạng - "Lỡ bước sang ngang" (1940); “Tâm hồn tôi” (1940); "Hương cố nhân" (1941); "Một nghìn cửa sổ" (1941); "Người con gái ở lầu hoa" (1942); "Mây tần" (1942); "Mười hai bến nước" (1942) là tập hợp của muôn hình vạn trạng những cảm xúc, câu chuyện tình yêu phong phú. Bởi bản thân thi sĩ có một trái tim “đa tình”, hay tương tư nên ông thường kể về những rung động tình yêu mãnh liệt, nồng nàn đến si mê.
Nguyễn Bính thường sử dụng lặp lại một số sự kiện quen thuộc để phát triển câu chuyện tình yêu đôi lứa, như đi xem chèo, đi nghe hát, …. Chính từ những sự kiện đi xem chèo, đi nghe hát, những sự kiện sinh hoạt văn hóa cộng đồng đã làm nảy nở biết bao mối tình giữa những chàng trai, cô gái quê. Nguyễn Bính đưa vào thơ những sự kiện này để làm duyên cớ cho những câu chuyện tình yêu (Mưa xuân, Đêm cuối cùng,…)
Kể chuyện tình yêu, Nguyễn Bính cũng có một số ít bài viết về những chuyện tình viên mãn, hạnh phúc như trong bài “Truyện cổ tích”, “Thời trước”,… Câu chuyện tình nghĩa vợ chồng trong bài “Thời trước” là một chuyện tình có cái kết đẹp hiếm hoi trong thơ Nguyễn Bính với sự kiện quan trạng về làng:
“Chồng tôi cưỡi ngựa vinh qui
Hai bên có lính hầu đi dẹp đàng
Tôi ra đón tận gốc bàng
Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem”
Ở đây, các sự kiện liên kết lại với nhau thành một cốt truyện có nội dung rất gần gũi với những câu chuyện dân gian. Cuộc sống của đôi vợ chồng tuy bình dị, thiếu thốn về vật chất nhưng tình cảm vợ chồng thì luôn bền chặt, đằm thắm, thủy chung. Người chồng dùi mài kinh sử, lo chuyện đèn sách mong có ngày đỗ đạt vinh quy để được “Võng anh đi trước võng nàng theo sau”. Người vợ không chê khi lấy anh học trò nghèo, mà cô chịu thương chịu khó, tảo tần chắt chiu, âm thầm hy sinh vì chồng: “Vì tằm tôi phải chạy dâu/Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay”. Và tình nghĩa vợ chồng thắm thiết của họ đã có một cái kết viên mãn đúng như nguyện ước, thỏa lòng mong mỏi cố gắng.
Thế nhưng trong thơ Nguyễn Bính, những chuyện tình yêu cho “hoa thơm, trái ngọt” như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay! Chuyện tình yêu trong thơ Nguyễn Bính phần lớn là những chuyện tình lỡ dở. Cũng với sự kiện chàng trai đỗ đạt rạng danh về làng vinh quy bái tổ nhưng ở trong bài “Quan trạng” chẳng có cảnh tượng đôi lứa hạnh phúc, đầm ấm mà lại là nỗi buồn. Sự kiện người yêu đi lấy chồng cũng trở đi trở lại nhiều lần trong thơ Nguyễn Bính. Gắn với nó là những chuyện tình nhiều trái ngang, đau xót, chia li, như “Lỡ duyên”, “Qua nhà”, “Người hàng xóm”,… Không ít lần chàng trai trong thơ Nguyễn Bính phải chứng kiến cảnh người mình yêu lên xe hoa, tan tác giấc mộng đẹp.
Bên cạnh dòng sự kiện gắn với chuyện tình yêu, thơ Nguyễn Bính còn có những sự kiện rất chân thực, cụ thể gắn với chuyện tình cảm gia đình. Còn trong bài “Lỡ bước sang ngang”, tình cảm gia đình, đặc biệt là lòng cảm thương mà nhân vật người em dành cho người chị của mình được thể hiện qua sự kiện người chị đi lấy chồng – sự kiện tiêu điểm của bài thơ. Vì gia cảnh nghèo khó, người chị giàu đức hy sinh vâng lời mẹ cha chấp nhận lấy người mình không yêu. Từ đó, “chuyện” được dẫn dắt đến cảnh chị dặn dò em, mẹ tiễn con, em tiễn chị về nhà chồng trong nghẹn ngào nước mắt:
“Chị tôi nước mắt đầm đìa
Chào hai họ để đi về nhà ai”
Ngoài ra, thơ Nguyễn Bính còn có nhiều sự kiện gắn với hình ảnh người mẹ. Trong bài “Tết của mẹ tôi” – một bài thơ giàu chất tự sự, tác giả đã viết về người mẹ với rất nhiều công việc vất vả mỗi khi Tết về. Việc người mẹ sửa sang, lo toan, sắm sửa ngày Tết hiện lên rõ nét. Lời thơ gần như kể lể, liệt kê một loạt công việc mà người mẹ dự liệu, gánh vác, sắp xếp một cách chu toàn, tươm tất. Trong thơ còn xuất hiện nhiều sự việc gắn với các thành viên khác trong gia đình. Câu chuyện gia đình quây quần sum họp mỗi khi Tết đến xuân về thật giản dị, đầm ấm!
Thơ Nguyễn Bính không chỉ có những sự kiện gắn với chuyện tình cảm gia đình nơi quê nhà trong cảm giác gần gũi mà phần nhiều lại là trong sự gián cách về không gian của người tha hương. Chuyện tha hương là một dạng thức câu chuyện tiêu biểu của thơ Nguyễn Bính. Trong bài “Hoa và rượu”, câu chuyện tha hương được tác giả tâm tình, giãi bày bằng một cách thức khá đặc biệt: sau sự kiện “Bỏ lại vườn cam bỏ mái gianh/ Tôi di dan díu với kinh thành” lần lượt là sự kiện nhân vật “tôi” mộng tưởng và tỉnh mộng. Dù “tôi” đã rời xa quê hương nhiều năm, xa cách những người thân thương nhưng vẫn tưởng tượng ra cảnh được sống chốn làng quê bình yên với cô gái tên Nhi năm nào. Sự kiện cơ bản trong bài “Xuân tha hương” được tác giả nhắc đi nhắc lại nhiều lần “Tết này chưa chắc em về được”. Bởi vì không thể về thăm quê nhà vào dịp sum họp, nhìn người ta sung túc, đủ đầy sắm sửa cho ngày Tết mà mình thì trắng tay nên đã buồn lại càng buồn thêm. Nhân vật trữ tình một mình trơ trọi nơi đất khách sống trong cảnh khó khăn; thiếu thốn về vật chất đã đành, lại còn không có lấy một nguồn động viên về tinh thần.
Chuyện trong thơ Nguyễn Bính không chỉ là chuyện tha hương, chuyện tình yêu, chuyện gia đình, mà bằng thơ, Nguyễn Bính còn kể cho người đọc nhiều câu chuyện về cuộc nhân sinh. Nỗi lo âu về sự mai một truyền thống, đặt ra vấn đề mai một truyền thống là một vấn đề lớn trong thơ Nguyễn Bính. Điều này được thể hiện một cách giản dị mà sâu sắc trong bài thơ “Chân quê”. Ở đây, sự kiện “em đi tỉnh về” là sự kiện quan trọng nhất trong bài thơ, chi phối những sự kiện phụ khác và khơi gợi tình cảm, suy ngẫm của chủ thể trữ tình. Cô gái quê đi tỉnh về, chàng trai đợi chờ cô, phát hiện những sự thay đổi trong trang phục của cô gái. Từ sự đổi thay đó, chàng trai không khỏi lo lắng, sợ rằng cái “chân quê”, tình quê mộc mạc đã phôi pha đi ít nhiều. Anh thậm chí còn “van em” giữ nguyên bản chất con người thôn quê của mình, cũng là của “thầy u mình”, vì quê hương là mảnh đất đằm thắm, nghĩa tình nơi họ sinh ra, lớn lên và gắn bó. Dường như “Chân quê” là lời tuyên ngôn ngắn gọn nhưng thiết tha, sâu lắng của Nguyễn Bính: Hãy giữ lấy hồn dân tộc đang bị phôi phai bởi nền văn minh đô thị. Thơ Nguyễn Bính đã nâng niu và nuôi giữ phần quý giá vô giá ngần – hồn xưa của đất nước.
Tóm lại, trong thơ, Nguyễn Bính “kể” nhiều câu chuyện, có thể khái quát thành các chuyện tình yêu, chuyện tình cảm gia đình, chuyện tha hương và chuyện thế sự nhân sinh. Trong đó, sự kiện đóng vai trò là hạt nhân để tạo dựng nên những câu chuyện ấy.
Khái quát về thế giới nhân vật trong thơ Nguyễn Bính, đặt trong tương quan so sánh với các tác giả Thơ mới khác, ta nhận thấy nhận thấy nhân vật của Nguyễn Bính có số lượng lớn hơn và cũng đa dạng hơn xét trên nhiều góc độ. Chẳng hạn, trong thơ Thế Lữ, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng,… nhân vật trữ tình hầu như chỉ có “tôi” và “em”. Ngoài “tôi”, “em”, các dạng nhân vật khác cũng có xuất hiện nhưng còn khá mờ, khá đơn lẻ chứ chưa tạo dựng được một hệ thống nhân vật có yếu tố lặp lại bền vững. Còn Nguyễn Bính thì khác, ông đã kiến tạo nên cả một thế giới nhân vật phong phú, với đầy đủ già trẻ, gái trai, trẻ thơ, người lớn, anh lái đò, cô hàng xóm, bà tiên trong truyện cổ, người con gái ở lầu hoa,… Việc xây dựng hệ thống nhân vật đầy sống động như vậy đã minh chứng hiện tượng giao thoa thể loại trong thơ Nguyễn Bính, là một đặc điểm nổi bật trong thơ Nguyễn Bính so với các nhà thơ cùng thời. Trên cơ sở khái quát đó, có thể phân chia hệ thống nhân vật của Nguyễn Bính thành nhân vật trữ tình có vai trò kể chuyện và nhân vật trong thơ trữ tình.
Thâm nhập vào những bài thơ của Nguyễn Bính, ta thấy kiểu vai mà các nhân vật trữ tình đóng phần nhiều là vai những chàng trai, cô gái chân quê. Họ kể chuyện bằng tâm hồn mộc mạc, trong sáng, tinh tế và sâu sắc. Họ bày tỏ về chuyện tình yêu đôi lứa một cách chân thành, kín đáo mà vẫn nồng nàn, mãnh liệt. Trong đó, vai nam (chàng trai) chiếm đa phần, bởi tâm tư của họ với tác giả có nhiều điểm tương đồng, gần gũi nên tác giả dễ dàng nhập vai, nhập giọng một cách vô cùng chân thực. Một đặc điểm làm nên tính độc đáo của tính tự sự trong thơ Nguyễn Bính là hiện tượng “nhập vai”, nhà thơ nam giới nhập vai nữ. Khi đó, nhân vật trữ tình – người kể chuyện xưng “em” thường là những cô gái trong sáng, rụt rè, kín đáo nhưng trong sâu thẳm lại mang những tâm tư tình yêu tha thiết, mãnh liệt. Tác giả Trần Nho Thìn trong bài viết “Nhà thơ nam giới hư cấu giọng nữ” đã lí giải rằng “Nguyễn Bính đã quyết định giúp các cô gái quê phá vỡ sự im lặng bấy lâu để cất tiếng nói thổ lộ nỗi lòng sâu kín của họ”[1]. Quả đúng như vậy, nhìn lại những sáng tác văn học trung đại hay kể cả những sáng tác cùng thời Nguyễn Bính, nhân vật nữ ít khi được “lên tiếng”, được có cơ hội bày tỏ tâm tư, tình cảm, khát vọng tình yêu và hạnh phúc. Nguyễn Bính đã nói hộ tiếng lòng thầm kín của những cô gái truyền thống quen với cuộc sống an phận, cam chịu, hy sinh cái riêng tư.
Một số bài thơ của Nguyễn Bính như “Tết của mẹ tôi”, “Thư gửi thày mẹ”,… có chủ thể trữ tình trong vai người con. Qua đó, tình cảm chủ yếu mà nhà thơ muốn gửi gắm là lòng biết ơn và lòng kính yêu vô hạn dành cho bậc sinh thành. Những hình ảnh của cha mẹ, của gia đình hiện lên vô cùng thân thương, gần gũi mà xúc động lạ kỳ, để người con luôn khắc khoải nhớ về nơi chốn bình yên của mình. Phận làm con thấu hiểu được sự hi sinh thầm lặng của cha mẹ, lại càng xót xa day dứt khi cha mẹ già yếu mà vẫn phải lam lũ vất vả, mà mình lại chưa thể đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục.
Mỗi nhân vật trong thơ trữ tình Nguyễn Bính được khắc họa thường gắn với một hoàn cảnh, một tình huống cụ thể nào đó trong đời sống nhằm dẫn dắt câu chuyện. Những nhân vật này có thể là cô gái thi nhân mới gặp gỡ lần đầu, cũng có thể là người đã quen biết từ lâu, hay thậm chí là người trong giấc mộng, trong trí tưởng tượng của thi nhân. Họ không được tả quá cụ thể dù là nhân vật trữ tình có vai trò kể chuyện, hay nhân vật trong thơ trữ tình thì cũng chỉ được hiện ra thấp thoáng qua đôi nét ngoại hình, như ánh mắt, bàn tay,…. Hay nhân vật chỉ hiện lên qua vài hành động đơn giản, chẳng hạn như hành động đem quần áo ra phơi của bà lão lưng còng xóm Tây trong bài “Không đề”. Tất cả những tình huống, chi tiết miêu tả ngoại hình, hành động đó đều là cái cớ để miêu tả tâm trạng. Mỗi nhân vật gắn với một tình huống, sự kiện, câu chuyện cụ thể trong đời sống tạo chất xúc tác cho nhà thơ bộc lộ tâm trạng.
2.2. Sắp xếp sự kiện và nhân vật trong thơ Nguyễn Bính
Sự sắp xếp các sự kiện là một trong những phương pháp quan trọng trong nghệ thuật kể chuyện của tác phẩm tự sự. Có điều, khác với tác phẩm tự sự, mục đích của sự sắp xếp sự kiện trong thơ ca nói chung, thơ Nguyễn Bính nói riêng, không nhằm gây kịch tính, tái hiện số phận, tính cách, mà nhiệm vụ chủ yếu của sự sắp xếp này là kể chuyện tâm trạng, bộc lộ những suy tư của nhân vật. Nguyễn Bính sắp xếp các sự kiện trong thơ theo nhiều dạng khác nhau, trong đó nổi bật là ba dạng: sắp xếp theo trình tự thời gian tuyến tính, sắp xếp theo hồi tưởng và sắp xếp theo lối song hành.
Sắp xếp sự kiện theo trình tự thời gian tuyến tính là một lối tổ chức sự kiện khá phổ biến. Nhiều bài thơ của Nguyễn Bính cũng tuân theo trình tự này, sự việc xảy ra trước nói trước, xảy ra sau nói sau. Trình tự này được thể hiện rất rõ nét qua bài “Mưa xuân”. Trong thơ Nguyễn Bính, chúng ta còn thấy sự lặp lại khá nhiều của cấu trúc tổ chức sự kiện như sau: nhân vật trữ tình hồi tưởng về những việc đã diễn ra trong quá khứ, lang thang trên mảnh đất hồi ức màu mỡ, đẹp tươi rồi ngây ngất, đắm chìm trong đó; rồi sực tỉnh khi quay trở về đối diện với thực tại dẫn đến nỗi thất vọng, buồn bã. Chẳng hạn như trong bài “Trường huyện”, nhân vật trữ tình từ thực tại hoài niệm về quá khứ, về những kỉ niệm ngày “anh” và “em” còn đi học chung – những kỉ niệm tươi đẹp, trong trẻo tuổi thần tiên nhưng không kém phần mộng mơ.
“Học trò trường huyện ngày năm ấy
Anh tuổi bằng em lớp tuổi thơ
Những buổi học về không có nón
Đội đầu chung một lá sen tơ.”
Cho đến mãi sau này nhân vật trữ tình vẫn chưa nguôi quên những buổi đi học về cùng cô gái “đội đầu chung một lá sen tơ” cùng những xúc cảm rất mong manh dịu dàng mà cứ vương vấn tâm hồn “anh”: “Lá sen vương vấn hương sen/ Ấp ủ đôi ta chút nhụy hờ”. Rồi các sự kiện được tiếp nối theo bước đi của thời gian, câu thơ như lắng lại, trùng xuống khi nhắc tới “ngày em đi”:
“Em đi phố huyện tiêu điều lắm
Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi
Mà đến hôm nay anh mới biết
Tình ta như chuyện bướm xưa thôi.”
Một lối sắp xếp sự kiện nữa mà Nguyễn Bính sử dụng đó là đặt các sự kiện (thường là hai sự kiện) ở thế song hành, đăng đối để bổ sung cho nhau hoặc đối nghịch nhau. Theo đó, nhân vật trữ tình có “đất” để bộc lộ những trạng thái tình cảm, cảm xúc cũng trái chiều, đối lập rất phong phú, phức tạp của mình. Khi đó, bài thơ cũng được chia ra làm các phần rõ ràng tương ứng với các sự kiện. Ví dụ, trong bài “Qua nhà”, tâm tư của chàng trai với người con gái mình thầm thương trộm nhớ được thể hiện qua hai mốc sự kiện: trước và sau khi nàng đi lấy chồng.
Đối với những bài có từ hai nhân vật trong thơ trữ tình trở lên, mối quan hệ giữa các nhân vật này thường là quan hệ bổ sung, hỗ trợ nhau. Chằng hạn như trong những bài thơ viết về tình cảm gia đình của Nguyễn Bính thường xuất hiện những nhân vật thành viên trong gia đình như bà, cha, mẹ, cô,… Nếu có hai nhân vật trong thơ trữ tình, họ thường có mối quan hệ đối chiếu để làm nổi bật cảm xúc, thái độ và dụng ý nghệ thuật của tác giả. Thi nhân từng nhắc đến hai người phụ nữ là cô Oanh và chị Trúc trong đôi câu thơ của mình:“Nghỉ học, cô Oanh lòa một mắt/ Lấy chồng, chị Trúc bó hai tay”. Một người đại diện cho mối tình đắm say nhưng nhiều phần chua xót của tác giả, một người là người chị mà tác giả vẫn quý mến, cảm thương. Ở đây, câu chuyện những người phụ nữ hồng nhan bạc mệnh, tình duyên lỡ dở đã bổ trợ cho nhau góp phần thể hiện một nét giá trị nhân đạo trong thơ Nguyễn Bính
Mối quan hệ đối chiếu, bổ sung còn được thể hiện qua nhân vật người cha và người mẹ (tên Dung) trong bài “Oan nghiệt”. Tác giả chua xót khi nhắc đến cảnh ngộ bi thương của những người cùng hội cùng thuyền: thi nhân – ca xướng:
“Đời cha lưu lạc quê người mãi
Kiếp mẹ đêm đêm bán khóc cười.
Có mẹ, có cha mà đến nỗi
Miệng đời mai mỉa gái mồ côi.”
Bên cạnh đó, Nguyễn Bính còn sắp xếp nhân vật theo quan hệ đối lập. Thơ ông thường viết về những nhân vật có sự đối lập nông thôn – thành thị, hiện đại – truyền thống. Trong bài “Tình tôi”, tình cảm của “tôi” thì luôn mặn mà, vẹn tròn, thủy chung trước mọi sóng gió cuộc đời, trái lại, “tình cô” sớm nở chóng tàn, dễ dàng đổi thay, phôi pha:
“Tình tôi là giọt thủy ngân
Dù nghiền chẳng nát dù lăn vẫn tròn
Tình cô là đóa hoa đơn
Bình minh nở để hoàng hôn mà tàn.”
Nguyễn Bính đã rất khéo léo, tinh tế trong việc lựa chọn hình ảnh, sử dụng ngôn từ tạo ra sự đối lập. Cặp nhân vật “tôi” – “cô” không chỉ tương phản trong chuyện tình cảm mà còn hiện lên như hai đại diện của tư tưởng nông thôn và thành thị, của truyền thống và hiện đại:
“Hồn tôi giếng ngọt trong veo
Trăng thu trong vắt biển chiều trong xanh
Hồn cô cát bụi kinh thành
Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe.”
Nếu như chàng trai giữ tâm hồn mộc mạc, dung dị, trong sáng của hồn quê thì cô gái bị hấp dẫn bởi lối sống chốn phồn hoa kinh kì.
Thơ Nguyễn Bính còn xây dựng những cặp nhân vật đối lập trong quan niệm, tư tưởng giữa hiện đại và truyền thống, đối lập trong lối sống thành thị và nông thôn. Tương tự, ở bài “Chân quê”, nhân vật cô gái đi tỉnh về mang theo làn gió văn minh đô thị với “khăn nhung quần lĩnh”, “áo cài khuy bấm” được đặt trong một mối quan hệ tương phản về tư tưởng với nhân vật chàng trai chỉ yêu thích hình ảnh trang phục truyền thống với “áo tứ thân”, “khăn mỏ quạ”, “quần nái đen”. Sự tổ chức nhân vật theo quan hệ tương phản ở đây tuy không đẩy hai nhân vật về hai cực quá đối nghịch nhau nhưng lại có hiệu quả trong việc thể hiện thông điệp của tác giả: hãy giữ lấy hồn cốt dân tộc đang dần phôi pha.
3. Kết luận
Giao thoa thể loại là một hiện tượng loại hình của thơ Việt Nam hiện đại. Trong giai đoạn Thơ mới 1932 – 1945, chúng ta thấy yếu tố “chuyện” xuất hiện trong sáng tác của nhiều tác giả như Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính, Thế Lữ, Trần Huyền Trân,... Sự gia tăng của yếu tố tự sự trong thơ trữ tình giai đoạn này có nhiều lí do, trong đó có lí do quan trọng là sự hạn chế của những hình thức nghệ thuật cũ trong việc biểu đạt những nội dung cảm xúc mới. Thơ mới ngày càng có xu hướng thoát khỏi thơ điệu ngâm truyền thống để hướng đến lối thơ điệu nói hiện đại, yếu tố “kể” vì thế đóng vai trò đắc lực trong việc dịch chuyển thơ về gần với đời sống, là một dấu hiệu quan trọng trong tiến trình hiện đại hoá thơ ca. Yếu tố kể không chỉ dừng lại ở những chi tiết cụ thể mà thậm chí ở một số bài thơ trữ tình, chúng được phân bố xuyên suốt theo mạch cảm xúc của chủ thể. Cách đưa yếu tố tự sự vào thơ trữ tình cũng ngày càng tự nhiên, linh hoạt; làm cho tác phẩm trở nên chân thực, gần gũi với đời sống và dễ đi vào lòng người.
Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới. Nếu như Huy Cận đứng đầu dòng Đường, Xuân Diệu đứng đầu dòng Pháp thì Nguyễn Bính được mệnh danh là chủ soái của dòng Việt. Ông đã tiếp nhận nguồn mạch của ca dao, dân ca ngọt ngào, đằm thắm mà vẫn thể hiện được cái tôi Thơ mới với những nỗi niềm bâng khuâng của thời đại mình. Nguyễn Bính kể bằng thơ những câu chuyện thấm đượm hồn quê, tình quê mộc mạc, nhuần nhị và đưa vào thơ những nét đẹp đặc trưng của làng thôn nước Việt. Dòng chảy sự kiện trong thơ ông cũng thường có sự đan xen giữa chiêm nghiệm thời hiện tại và hồi tưởng về quá khứ, đôi khi biến đổi đột ngột về thời gian. Các sự kiện chủ yếu được sắp xếp theo hai trình tự chính đó là sắp xếp theo hồi tưởng của nhân vật trữ tình và theo trật tự thời gian tuyến tính. Bên cạnh hệ thống sự kiện, Nguyễn Bính còn tạo dựng một thế giới nhân vật khá phong phú, đa màu sắc. Các nhân vật có tương tác với nhau, tạo ra những mối quan hệ đối chiếu hoặc đối lập, góp phần thể hiện nội dung “câu chuyện” và bộc lộ cảm xúc. Có thể nói, hiện tượng giao thoa thể loại trong thơ trữ tình Nguyễn Bính đem lại những giá trị thẩm mỹ và nhân văn rất riêng.
Tài liệu tham khảo
1. Chu Văn Sơn, Ba đỉnh cao Thơ mới Xuân Diệu – Nguyễn Bính – Hàn Mặc Tử, NXB Giáo dục, 2003.
2. Trần Đình Sử (chủ biên), Lí luận văn học (tập 2), Tác phẩm và thể loại văn học, NXB Đại học Sư phạm, in lần thứ 7.
3. Trần Nho Thìn, Nhà thơ nam hư cấu giọng nữ
Nguồn:http://vanvn.net/ong-kinh-phe-binh/nha-tho-nam-gioi-hu-cau-giong-nuthi-hoc-van-hoa-va-bai-tho-mua-xuan-cua-nguyen-binh-/1007
4. Đỗ Lai Thúy, Con mắt thơ, NXB Giáo dục, 1997.
[1] Trần Nho Thìn, Nhà thơ nam hư cấu giọng nữ (Thi học văn hoá và bài thơ Mưa xuân của Nguyễn Bính)
Nguồn: http://vanvn.net/ong-kinh-phe-binh/nha-tho-nam-gioi-hu-cau-giong-nuthi-hoc-van-hoa-va-bai-tho-mua-xuan-cua-nguyen-binh-/1007
Nguồn: Trăm năm Nguyễn Bính, truyền thống và hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, 2018