Tóm tắt. Phê bình sinh thái là một hướng nghiên cứu mới mẻ trên thế giới, mở ra nhiều triển vọng ứng dụng nghiên cứu văn học Việt Nam. Trong sự phát triển của văn học lãng mạn trên thế giới nói chung, Thơ mới Việt Nam nói riêng, tự nhiên và thái độ ứng xử với tự nhiên trở thành một phần vô cùng quan trọng. Mỗi nhà thơ mới có một cái nhìn khác nhau về thế giới tự nhiên, trong đó, Đinh Hùng nhìn tự nhiên một cách độc đáo: Thiên nhiên vừa hoang dại, huyền bí lại vừa diễm lệ, thơ mộng, nó khiến con người muốn hòa mình vào nó, và có nhu cầu chối bỏ đô thị, trở lại tự nhiên. Từ góc nhìn phê bình sinh thái, có thể thấy ý thức kháng cự đô thị, trở về tự nhiên, tôn trọng tự nhiên, và nỗ lực tìm kiếm sự hài hòa giữa con người với tự nhiên trong thơ Đinh Hùng, đặc biệt là sự hướng về tự nhiên thời kì nguyên thủy. Tư tưởng của Đinh Hùng và các nhà phê bình sinh thái học hiện đại có rất nhiều điểm tương đồng, vì vậy, tuy thơ ông không hoàn toàn là văn học sinh thái, nhưng lại mang nội hàm tư tưởng của sinh thái, có ý thức sinh thái và tự giác sinh thái khá rõ ràng.
Từ khóa: thơ Đinh Hùng, Mê hồn ca, phê bình sinh thái, kháng cự đô thị, trở về tự nhiên
1. Mở đầu
Phê bình sinh thái là một hướng nghiên cứu mới mẻ trên thế giới, mở ra nhiều triển vọng ứng dụng trong nghiên cứu văn học Việt Nam. Hạt nhân của tư tưởng sinh thái là đề cao tự nhiên, hướng đến sự hài hoà giữa con người và tự nhiên, chống lại thuyết “nhân loại trung tâm luận” đã tồn tại hàng thế kỉ [1, 2]. Tư tưởng này đã gặp gỡ tư tưởng của văn học lãng mạn, khi văn học lãng mạn vốn đề cao tự nhiên, hướng tới sự giao hoà, gắn kết giữa con người với thế giới tự nhiên. Trong sự phát triển của văn học lãng mạn thế giới nói chung, Thơ mới Việt Nam nói riêng, tự nhiên và thái độ ứng xử với tự nhiên trở thành một bộ phận vô cùng quan trọng. Trong thơ Đinh Hùng, tự nhiên hiện lên hết sức độc đáo: vừa hoang dại huyền bí, lại vừa diễm lệ, thơ mộng. Nó khiến con người vừa kính sợ, lại vừa muốn hòa mình vào nó, muốn chối bỏ đô thị để trở lại với tự nhiên. Từ góc nhìn phê bình sinh thái, có thể thấy ý thức kháng cự đô thị, trở về tự nhiên, tôn trọng tự nhiên và nỗ lực tìm kiếm sự hài hòa giữa con người với tự nhiên trong thơ Đinh Hùng khá đậm nét, đặc biệt là sự hướng về tự nhiên nguyên thủy. Điều này được nhiều nhà nghiên cứu nhận ra, như Đỗ Lai Thuý trong Đinh Hùng, người kiến trúc chiêm bao [3], Nguyễn Đăng Điệp trong Thơ mới từ góc nhìn sinh thái học văn hoá [4],…Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở nhận định khái quát, chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu tư tưởng sinh thái trong thơ Đinh Hùng. Bài viết này vận dụng lí thuyết phê bình sinh thái để khám phá thế giới nghệ thuật đầy huyền hoặc, bí ẩn của Đinh Hùng trong tập thơ Mê hồn ca, tập thơ đầu tay và cũng là đỉnh cao trong sự nghiệp thơ ca của ông.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Mê hồn ca và quan niệm nghệ thuật của Đinh Hùng
Mê hồn ca là tập thơ đầu tay của Đinh Hùng, mặc dù xuất bản năm 1954 nhưng hầu hết bao gồm những thi phẩm đã sáng tác và đăng báo giai đoạn trước Cách mạng. Bởi vậy, có thể coi đây là tập thơ thuộc giai đoạn Thơ mới 1932 – 1945. Đinh Hùng trong Mê hồn ca đã tạo ra một thế giới nghệ thuật riêng của mình – thế giới nghệ thuật thấm đẫm chất mê ảo với những hình ảnh siêu thực lạ kì, với khao khát tìm về thế giới thời nguyên thủy tiền kiếp. Thế giới ấy đã tạo nên bầu khí quyển đặc trưng cho Mê hồn ca. Nhưng thế giới nguyên thuỷ tiền kiếp ấy tồn tại trong những dạng thái phức hợp. Có khi, nguyên thuỷ - tiền kiếp được xây dựng thành một cõi độc lập tách bạch với thực tại, có khi nguyên thuỷ - tiền kiếp với thực tại hòa vào nhau. Ở góc độ thứ nhất, nguyên thuỷ - tiền kiếp nằm sâu trong thời gian quá khứ. Đinh Hùng đã khước từ thực tại, phá đi khối hóa thạch ngàn năm của thời tiền sử để trở về sống hoàn toàn trong thế giới nguyên thủy. Nhưng ở một góc độ khác, tiền kiếp có khi hiện diện ngay trong hiện tại. Đó là cõi tiền kiếp tâm linh, một tiền kiếp không tồn tại trong chiều dài thời gian mà tồn tại trong những chiều kích không gian khác nhau: không gian thực và không gian tâm linh ngay trong hiện tại. Không gian thực là không gian đô thị. Không gian tâm linh là không gian đại ngàn tiền sử. Tiền sử nhập nhòa ngay trong đô thị hiện đại. Hai thế giới giao hòa trong một khoảnh khắc tạo nên trạng thái chập chờn mê định, như chính nhan đề tập thơ gợi ra – “Mê hồn ca”. “Mê hồn” vì thế vừa để chỉ một vẻ đẹp tuyệt đích – vẻ đẹp của cõi nguyên thuỷ tiền kiếp mê hồn; vừa chỉ một trạng thái sáng tạo – trạng thái mê sảng, chập chờn bất định giữa mê và tỉnh, mộng và thực. Có thể nói, “mê hồn” vừa là đối tượng nghệ thuật, lại vừa là trạng thái sáng tạo nghệ thuật. Chính tính chất phức hợp siêu thực này khiến Mê hồn ca rất khác với những tập thơ lãng mạn trước đó của Thế Lữ, Xuân Diệu, Nguyễn Bính,…đưa Đinh Hùng bước vào hàng ngũ của các nhà thơ có khuynh hướng tượng trưng, siêu thực giai đoạn hậu kì Thơ mới. Với Mê hồn ca, Đinh Hùng đã xác lập được vị trí và bản sắc riêng của mình trong dòng chảy văn học Việt Nam. Dù sau này, Đinh Hùng cũng rất thành công với Đường vào tình sử và Bài ca bộ lạc, nhưng Mê hồn ca vẫn là một đỉnh cao khó có thể vượt qua.
Đinh Hùng là một trong những nhà thơ có quan điểm nghệ thuật rõ ràng và nhất quán. Trong bản Tuyên ngôn tượng trưng của nhóm Dạ Đài mà Đinh Hùng là một thành viên có đoạn viết: “Chúng ta chẳng nhận thấy rằng người ta đương gắng sức trả lại con người cái trinh bạch đầu tiên, trả lại con người cỏ cây huyền mặc, sông núi hoang sơ? Chúng ta hãy trở về cái bản năng mà thế tình che đậy. Hãy mơ những giấc mơ cầm thú. Hãy gợi lên những cõi sống âm thầm. Hãy đánh thức hư không, nghĩa là cả tấm lòng xưa man rợ” [5]. Tuy không phải là người trực tiếp khởi thảo bản tuyên ngôn tượng trưng, nhưng là một thành viên cốt cán trong nhóm Dạ Đài, Đinh Hùng không thể không thẩm thấu quan niệm nghệ thuật này. Quan niệm này có sự thống nhất chặt chẽ với cảm hứng tiền sử - nguyên thủy trong Mê hồn ca của Đinh Hùng. Bởi thế, tập thơ có bốn phần (Thơ nguyên thuỷ - Thần tượng – Chiêu niệm – Mê hồn) thì nguyên thuỷ chiếm hẳn một phần riêng. Chính mảng thơ Nguyên thuỷ này là phần kết tinh rõ nhất tư tưởng sinh thái trong Mê hồn ca.
2.2. Tư tưởng sinh thái trong Mê hồn ca
2.2.1. Kính ngưỡng tự nhiên
Trong Mê hồn ca, Đinh Hùng đã kiến tạo nên một không gian nghệ thuật có sự phân định rõ ràng giữa một bên là không gian của đại tự nhiên và một bên là không gian đô thị. Không gian của đại tự nhiên tồn tại xa cách với không gian sống của con người. Nó được định vị bằng “hướng sao rơi”, tức là nơi có sự giao thoa giữa trời và đất, vượt quá khả năng quan sát thông thường của con người, nó mở ra vô tận, phá bỏ mọi bờ cõi và giới hạn. Cách diễn đạt “hướng sao rơi” đã kéo giãn khoảng cách giữa không gian đô thị và không gian đại tự nhiên. Nhân vật trữ tình “đi về những hướng sao rơi” có nghĩa là đi về thế giới của “hồn cỏ cây, hồn cầm thú”, thế giới của đại ngàn sơn dã, khác hẳn với thế giới của “hồn kinh kỳ, hồn đô thị”.
Đại tự nhiên trong Mê hồn ca hiện lên trong diện mạo vừa kì bí, hoang dã, cổ sơ, lại vừa diễm lệ, thơ mộng. Trong Bài ca man rợ, ông gọi đó là “thiên nhiên huyền bí, lối hoang sơ”. Ở đó, đại ngàn, cỏ cây, muông thú đều như những ẩn số bí ẩn với con người. Đó là thế giới của man dại và hoang dã với “dấu chân cầm thú”, “loài hoang thảo”, “hoa man dại”, “lòng sơn dã”,…. Đó là thế giới của đêm sâu, rừng già, tiếng vượn rừng kêu khóc, là nơi lẩn quất những bóng ma: “Rồi những đêm sâu bỗng hiện về/ Vượn lâm tuyền khóc rợn trăng khuya/ Đâu đây u uất hồn sơ cổ/ Từng bóng ma rừng theo bước đi”. Thế giới tự nhiên hiện ra như một niềm kinh dị, khơi gợi lòng kính sợ của con người. Nhưng không chỉ hiện lên với vẻ âm u, kì bí, thế giới tự nhiên trong Mê hồn ca còn mang vẻ tươi đẹp, mộng thơ, diễm lệ: “Cảnh diễm lệ ngẩn ngơ hồn cầm thú”. Sự diễm lệ đó thể hiện rõ nét qua những hình ảnh “mùa xuân hoa lá”, “chiều hương lạ”, “dòng suối ngọt”, “núi đồi xanh”. Ở đó có “hoa sao lay động dưới khe nguồn”, “có con hươu vàng điệp” bình yên “bên sườn núi”. Đinh Hùng đã đưa người đọc vào một thế giới đầy màu sắc, ánh sáng, hương thơm, thanh bình như cõi miền cổ tích. Thế giới đó hiện lên đầy nguyên sơ, thuần khiết, đẹp đẽ.
Vì sao thế giới ấy lại giữ được vẻ đẹp ban sơ thuần khiết ấy? Bởi nó là thế giới của nguyên thuỷ, thế giới thời tiền sử. Đinh Hùng lại một lần nữa gián cách đại tự nhiên với thế giới đô thành trần tục, không chỉ là gián cách không gian mà còn là gián cách thời gian. Chính sự gián cách thời gian này đã đẩy thế giới tự nhiên trong Mê hồn ca về thời tiền sử, khiến Đinh Hùng có thể bảo lưu nguyên vẹn vẻ đẹp của tự nhiên, khiến thế giới tự nhiên của Đinh Hùng nằm ngoài mọi biến thiên của thời cuộc, nằm ngoài vòng xoáy của thời gian. Đó khiến thế giới đó ngưng đọng trong vẻ đẹp của vĩnh cửu. Thơ Đinh Hùng nói nhiều đến “sử”, nhưng Đinh Hùng không phải người viết sử bằng thơ. Sử của Đinh Hùng là hoa sử, huyết sử, huyền sử, tình sử,…chứ không phải là lịch sử. Có nghĩa là, Đinh Hùng không theo đuổi lịch sử với những sự kiện chính xác, Đinh Hùng quan tâm đến cái đẹp và nỗi đau của sử. Gắn với cái đẹp, nó là hoa sử, gắn với nỗi đau, nó là huyết sử, gắn với tình yêu, nó là tình sử, gắn với sự huyền bí diệu kì, nó là huyền sử. Nhưng dù là cái đẹp, tình yêu, nỗi đau hay sự huyền bí, đó cũng là một thế giới được bảo lưu vĩnh viễn và nguyên vẹn trong tiền kiếp.
Miêu tả thiên nhiên tươi đẹp là đặc điểm chung của thơ lãng mạn, sự khác biệt nằm ở mỗi hồn thơ được định vị trong những không gian phù hợp với tạng tâm hồn mình. Xuân Diệu đi tìm vẻ đẹp ở mảnh vườn tình ái nơi trần thế, Nguyễn Bính đi tìm sự thơ mộng, bình yên ở chốn vườn quê, dẫu sao, đó cũng là thế giới thiên nhiên gần gũi với con người, là thiên nhiên đời thường được mỹ hoá trong nghệ thuật. Còn Đinh Hùng lại gián cách người đọc vào một không gian lạ, không gian của lâm tuyền sơn dã, cách xa với không gian sống của con người. Đọc Đinh Hùng, người đọc thấy ông có ý thức hướng về những không gian đại ngàn hùng vĩ, rộng lớn và cao cả, chứ không phải những không gian đời thường gần gũi, quen thuộc. Bởi thế, tự nhiên trong thơ Đinh Hùng vừa gợi lên niềm ngưỡng mộ say mê, nhưng cũng gợi lên niềm kính sợ.
2.2.2. Trở về với tự nhiên
Trong Mê hồn ca, Đinh Hùng đã kiến tạo hình tượng trữ tình theo hướng: thiên nhiên hoá con người, con người chỉ đẹp khi mang vẻ đẹp của tự nhiên và hài hoà với thế giới tự nhiên. “Ta” và “Em”, xuyên suốt tập thơ được hiện lên trong sự kiến tạo đặc thù này.
Bài ca man rợ đã khắc hoạ hình tượng nhân vật trữ tình “Ta” trong dáng vẻ con người nguyên thuỷ: “Lá cỏ sắc vương đầy trên tóc rối/ Ta khoác vai mảnh áo đẫm hương rừng/ Rồi ta đi, khí núi bốc trên lưng/ Mắt hung ác và hình dung cổ quái”. Dù trở về đô thị, nhưng “Ta” vẫn mang theo nguyên vẹn khí núi hương rừng, vẫn “hiện nguyên lòng sơn dã”. Con người nguyên thuỷ khi bị tách ra khỏi không gian khác – không gian đô thị, nhưng không bị đô thị hoá mà tàn phá đô thị bằng sức mạnh của tự nhiên: “Bên thành quách ta ra tay tàn phá/ Giữa hoang loạn của lâu đài, đình tạ/ Ta thản nhiên, đi trở lại núi rừng/ Một mặt trời đẫm máu xuống sau lưng”.
Trong Những hướng sao rơi, Đinh Hùng lại khắc hoạ “Ta” trong hình tượng thơ thấm đẫm chất siêu thực: “Ta đi về những hướng sao rơi/ Lạc loài theo dấu chân cầm thú/ Từng vệt dương sa mọc khắp người”. “Vệt dương sa” là vệt ánh sáng, vệt mặt trời. Cách gọi “từng vệt dương sa” khiến cho con người được thiên nhiên hoá. Khi ấy, tự nhiên đang chiếm hữu con người, biến đổi con người và con người đang trở về với bản thể gốc là một mảnh trong chỉnh thể đại tự nhiên. Động từ “mọc” khiến sự biến hoá đó diễn ra từ bên trong, biến đổi về chất, chứ không phải sự bao phủ, thay đổi từ bên ngoài. Tứ thơ của Những hướng sao rơi chính là quá trình thiên nhiên hoá con người mà câu thơ “Từng vệt dương sa mọc khắp người” là bước ngoặt cho quá trình chuyển hoá ấy. Con người khi được thiên nhiên hoá tất yếu sẽ hoà hợp tuyệt đối với tự nhiên: “Từng buổi hoàng hôn xuống lạ kì/ Ta nằm trên cỏ lắng tai nghe/ Thèm ăn một chút hoa man dại/ Và ngủ như loài muông thú kia”.
Không chỉ nhân vật “Ta”, hình tượng giai nhân trong Mê hồn ca cũng được hiện lên như một phần đẹp nhất của tự nhiên: “Em lộng lẫy như một ngàn hoa sớm/ Em đến đây như đến tự thiên đường”. Người giai nhân đó được gọi là “kỳ nữ” với “biển sắc”, “rừng hương”, được đặt lên ngai thờ Nữ sắc: “Buổi em về, xác thịt tẩm hương hoa/ Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết”. Không khó nhận ra trong liên tưởng của nhà thơ, kỳ nữ là kết tinh của tự nhiên, mang hương hoa của tự nhiên. Trong Người gái thiên nhiên, Đinh Hùng thể hiện rõ hơn sự hoà hợp này: “Nàng lớn lên giữa mùa xuân hoa cỏ/ Nửa linh hồn u ám bóng non xanh/ Ngoài thiên nhiên nở bừng thân mỹ nữ/ Nàng yêu ta huyền hoặc mối kì tình”. Cách lược bỏ quan hệ từ giữa “người gái” và “thiên nhiên” đã mở rộng những biên độ nghĩa cho hình tượng. Người con gái sống giữa thiên nhiên, người con gái của thiên nhiên, hay thiên nhiên được nhìn như một người con gái. Dù hiểu theo nghĩa nào, Đinh Hùng cũng chạm tới hình tượng mẫu gốc “mẹ thiên nhiên”. Thiên nhiên là nguồn nuôi dưỡng để người con gái này nở bừng vẻ đẹp viên mãn, thanh tân. Có thể nói, người gái thiên nhiên là hình tượng kết tinh cho sự hoà hợp không thể tách rời giữa con người và thế giới tự nhiên.
Con người sống hoà mình với tự nhiên nên tình yêu của họ cũng nảy nở viên mãn trong tự nhiên: “Nàng là Gái – Muôn – Đời không đổi khác/ Bộ ngực tròn nuôi cuộc sống đương xuân/ Ta đến đây làm chủ hội phong trần/ Lấy hoa trái kết nên Tình Thái Cổ”. Thơ Đinh Hùng phảng phất ý vị câu chuyện Adam và Eva sống hồn nhiên giữa thiên nhiên Vườn Địa Đàng trong Kinh Thánh. Chỉ có điều Adam và Eva phạm vào trái cấm, vĩnh viễn phải cách xa vườn Địa Đàng để lưu đày trong chốn nhân gian còn đôi tình nhân trong thơ Đinh Hùng thì được sống vĩnh viễn trong thế giới thiên nhiên tươi đẹp và lí tưởng. Tình Thái Cổ của Đinh Hùng chính là mối tình thuần khiết, ban sơ, đồng thời cũng là mối tình hài hoà giữa con người với thế giới tự nhiên.
Sự hài hoà giữa con người và tự nhiên trong thơ Đinh Hùng còn là sự hài hoà giữa con người và cầm thú. Thế giới “sông hồ thơm huyết mạch” trong Hoa sử đẹp bởi nó đã kết nối được tiếng nói của con người với tiếng nói của tự nhiên, khi con người nghe được tiếng của loài cầm thú, cầm thú nghe được lời nhau, để “vào hội đồng thanh”, cất điệu “u tình lả lướt”: “Con sóc trên cành/ Gọi bầy ca vũ/ Ta nghe cầm thú/ Vào hội đồng thanh/ Hồn nhạc mong manh/ Kể lời châu thổ/ Ôi điệu u tình/ Lả lướt rừng xanh”.
Trong Trời ảo diệu, Đinh Hùng từng kêu gọi: “Quên đi em, hãy sống đời cây cỏ/ Từng linh hồn dan díu với hương hoa”. Tìm về tự nhiên, hướng đến sự hài hoà với tự nhiên và trong tự nhiên đã khiến Mê hồn ca gặp gỡ với tư tưởng hạt nhân của phê bình sinh thái.
2.2.3. Kháng cự đô thị
Chán ghét đô thị là nét tâm trạng tất yếu khi nhà thơ kính ngưỡng tự nhiên, ca ngợi sự hài hòa và muốn trở về với tự nhiên hoang sơ huyền bí. Mê hồn ca dựng nên một diện mạo đô thị và con người đô thị trong thế đối lập với tự nhiên và con người trong thế giới tự nhiên. Bài ca man rợ dựng lên khoảng cách giữa con người nguyên thuỷ - con người của tự nhiên và con người đô thị: “Người và vật nhìn ta không dám nói/ Chân lảng xa, từng cặp mắt e dè”. Chính khoảng cách này đã tạo nên thế đối lập loại trừ lẫn nhau giữa đô thị và tự nhiên, con người đô thị và con người tự nhiên. Con người đô thị chỉ có vỏ ngoài vô vị, không có “ảnh”, không có “hương”, tức là không có phần hồn tốt đẹp bên trong: “Lòng lạ lùng tìm ảnh với tìm hương/ Nhưng lẫn lộn chỉ thấy màu xiêm áo”. Hơn nữa, con người đô thị hoàn toàn mất đi vẻ hồn nhiên và kiêu ngạo: “Trán thì phẳng – ôi đâu là kiêu ngạo? Đâu hồn nhiên trên nét vẽ râu mày? Đó là một lũ người vong bản/ Mất tinh thần từ thủa xa xôi”; “Lạc thiên nhiên đến cả bọn đàn bà”. Có thể nói, nếu con người tự nhiên hiện lên với vẻ đẹp hoang dã, khoẻ khoắn, thanh tân, hồn nhiên bao nhiêu thì con người đô thị lại hiện lên với vẻ yếu đuối, sợ hãi, không còn cốt cách.
Sự kháng cự đô thị của Đinh Hùng vô cùng quyết liệt và mạnh mẽ, không chỉ thể hiện ở thái độ chán ghét đô thị mà còn thể hiện trong hành động tiêu diệt bạo liệt: “Rồi dày xéo lên sông núi đô kỳ/ Bên thành quách ta ra tay tàn phá”, “Sau trái cô sơn ngày lại ngày/ Hồn kinh kỳ hiện dưới chân mây/ Đôi tay vò xé loài hoang thảo/ Đỏ máu căm hờn trên cỏ cây”. Con người đã lựa chọn tự nhiên, đi về phía tự nhiên, chối bỏ hoàn toàn thế giới giả dối, phản trắc của đô thị. Hình ảnh lẫm liệt của người nguyên thuỷ cuối bài thơ Bài ca man rợ đã khẳng định sự lựa chọn mạnh mẽ này: “Ta thản nhiên đi, đi trở lại núi rừng/ Một mặt trời đẫm máu xuống sau lưng”.
3. Kết luận
Mê hồn ca của Đinh Hùng, đặc biệt là mảng thơ “Nguyên thuỷ” đã kiến tạo nên diện mạo vừa huyền bí âm u vừa thơ mộng diễm lệ của đại tự nhiên, cùng niềm ngưỡng mộ và kính sợ trước tự nhiên của con người. Tập thơ còn thể hiện sự ca ngợi tự nhiên, khát vọng trở về tự nhiên, hoà hợp giữa con người và tự nhiên, đồng thời thể hiện sự kháng cự quyết liệt đối với đô thị. Thơ Đinh Hùng, đặc biệt là Mê hồn ca đã góp một gam màu rất đặc biệt trong bức tranh sinh thái của Thơ mới 1932-1945.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đỗ Văn Hiểu, 2016. Tính “khả dụng” của Phê bình sinh thái. Tạp chí Lí luận Phê bình Văn học Nghệ thuật, số 49 , tr. 50-55.
[2] Nguyễn An Thịnh và Phạm Quang Anh, 2018. Xu thế phát triển của sinh thái cảnh quan trên thế giới và định hướng ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Hà Nội, số 6, tr. 106 – 114.
[2] Đỗ Lai Thuý, 1997. Con mắt thơ. Nxb Giáo dục, tr. 155-186.
[3] Nguyễn Đăng Điệp, 2017. Thơ mới từ góc nhìn sinh thái học văn hoá. Nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/Phe-binh-van-nghe/Tho-moi-tu-goc-nhin-sinh-thai-hoc-van-hoa-4743.html
[5] Nhiều tác giả, 1998. Thơ mới 1932 – 1945, tác giả và tác phẩm. Nxb Hội Nhà văn, tr. 1255.
ABSTRACT
Urban resistance, return to nature: “Me Hon Ca” of Dinh Hung from view of ecocriticism
Nguyen Thi Minh Thuong
Faculty of Philology, HNUE
Ecocriticism is a new research trend in the world, opening up many prospects for the application of Vietnamese literature research. In the development of romantic literature in the world in general and New Poetry of Vietnam in particular, nature and attitude towards nature become an extremely important part. Each new poet has a different view of the natural world, among which, Dinh Hung poetry reflects nature in a unique way: Nature is both wild, mysterious and charming, poetic, it makes humans to desire to mix into it and have the needs of urban resistance, return to nature. From view of ecocriticism, we can see the awareness of urban resistance, return to nature, respect for nature, and endeavor to find harmony between nature and humanity in Dinh Hung poetry, especially the orientation to nature of the primitive era. Dinh Hung's ideas and modern ecological critics’ have many similarities, therefore his poetry is not entirely ecological literature, it has ecological ideological implications, clear eco-sense and eco-perception. Applying the view of ecocriticism is a way to explore Dinh Hung’s poetry.
Keywords: Đinh Hùng’s poetry, Me hon ca, ecocriticism, urban resistance, return to nature