Văn học Việt Nam hiện đại

ÂM VỌNG CHIẾN TRANH TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG (Qua trường hợp Mình và họ và Kể xong rồi đi)


12-10-2020
Tác giả: Đỗ Hải Ninh

Giai điệu của ký ức chiến tranh.Hai cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của Nguyễn Bình Phương Mình và họ (1)(2014), Kể xong rồi đi (2)(2017) không trực tiếp viết về chiến tranh nhưng cuộc chiến được kể lại như những âm vọng của quá khứ đã làm lộ diện những miền sâu thẳm, khuất kín, những cung bậc phong phú của đời sống và tâm hồn con người.

Nếu như Mình và họ là hành trình của nhân vật qua các địa danh đã diễn ra những trận đánh của quân dân ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc thì Kể xong rồi đi xuất phát từ sự quan sát nhân vật Đại tá từng tham gia chiến đấu trên chiến trường chống Mỹ. Câu chuyện chiến tranh được khúc xạ qua hai lần ký ức: 1-lời người kể của nhân vật chính tên Hiếu (Mình và họ) và Phong (Kể xong rồi đi) - những nhân vật không trực tiếp tham gia chiến tranh mà được thừa hưởng “nguồn tư liệu” về chiến tranh từ thế hệ trước, 2- lời kể của nhân chứng chiến tranh - người tham chiến (anh trai Hiếu và ông bác Đại tá của Phong). Đây là hai tác phẩm hiếm hoi trong số các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương được trần thuật từ ngôi thứ nhất: mình (Mình và họ) và tớ (Kể xong rồi đi). Trong 9 tiểu thuyết đã xuất bản của nhà văn, chỉ có Trí nhớ suy tàn sử dụng đại từ nhân xưng “em” – vừa có thể là ngôi thứ nhất, vừa có thể là ngôi thứ hai; và tiểu thuyết Vào cõi có nhân vật xưng “tôi” kể chuyện trong một vài đoạn, nhưng chiếm số lượng khá ít so với toàn bộ tác phẩm. Khác với đại từ “tôi” trung tính và giữ khoảng cách nhất định với người nghe, đại từ “mình”, “tớ” trong tiếng Việt có sắc thái biểu cảm rõ rệt, như một cách xưng hô gần gũi, thân thiết, và có xu hướng thiên về độc thoại nội tâm, cách sử dụng đại từ này cũng “đa năng” (Giật mình, mình lại thương mình xót xa – Nguyễn Du). Ở Mình và họ, nhân vật xưng “mình” kể chuyện là linh hồn của Hiếu, sau cú rơi từ đỉnh Tà Vần, anh ta trở nên vô hình, vô thanh và không được mọi người xung quanh nhận thấy. Đôi khi xưng “anh” để chuyện trò trực tiếp với Trang nhưng đều không có phản hồi, lời kể của nhân vật hầu như là sự ngẫm nghĩ, hồi tưởng. Với ngôi kể “mình”, nhân vật Hiếu như đang thầm thì nói với chính bản thân, bởi vậy, suốt cuốn tiểu thuyết, nhân vật luôn nhắc về nỗi trống trải, cô đơn, cảm giác lo lắng, mơ hồ. Còn trong Kể xong rồi đi, dẫu nhân vật xưng “tớ” kể chuyện cho con chó Phốc nghe và đôi lúc được nó hồi đáp bằng cái vẫy đuôi, tiếng sủa,… nhưng về cơ bản vẫn là người kể chuyện hướng nội, nghiêng về độc thoại hơn. Dù có đối tượng đối thoại trực tiếp là con Phốc nhưng nhân vật Phong cũng chỉ rủ rỉ, tâm tình như với người bạn tâm giao. Sự lựa chọn ngôi kể đã chi phối giọng điệu chung của cả hai cuốn tiểu thuyết, tạo nên âm hưởng trầm buồn, da diết và sâu lắng.

Nhưng một trong những yếu tố quan trọng tạo nên âm hưởng trầm buồn, da diết và sâu lắng của hai cuốn tiểu thuyết này chính là từ những giai điệu của ký ức chiến tranh. Qua điểm nhìn của nhân vật Hiếu, xen kẽ với lời kể của người cậu, anh, hắn, lái xe (chuyến lên), khuôn diện chiến tranh dần hiện hình trong hành trình đến đỉnh Tà Vần. Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vẫn còn nguyên trong ký ức của con người miền núi và những cựu chiến binh như cậu - những người từng cầm súng hồi Bảy chín và Tám tư ở thị trấn của cậu khi đêm về vẫn tụ nhau lại uống rượu ôn chuyện năm xưa. Trên hành trình thăm thú vùng biên ải, đến mỗi địa danh từng xảy ra đụng độ giữa mình và họ, Hiếu lại nhớ tới từng chi tiết trong cuốn sổ ghi chép của anh trai và tưởng tượng về những gì đã diễn ra. Thung lũng oan khuất là nơi diễn ra nhiều trận đánh khốc liệt, “cuộc đầu tiên có đến hàng vài trăm người cả dân lẫn lính mình bị chúng nó bắt được và đem phanh thây. Sau đó có một đoàn dân binh mò vào lấy đồ thì bị pháo của mình dập, chết sạch”, ở đó đại đội của anh gần như bị xóa sổ, cũng là nơi anh cùng đồng đội của mình thủ tiêu nhóm thám báo và một ổ địch trong tình huống bất đắc dĩ. Lời các nhân vật được hòa âm trong mạch truyện, khi cùng với lời giới thiệu của lái xe tại Thung lũng oan khuất có cả giọng của anh xưng “tao” kể cho Hiếu, kết hợp với tưởng tượng của Hiếu. Với sự đan xen các giọng kể như vậy, chiến tranh được mô tả, lật trở từ các góc độ khác nhau. Ký ức chiến tranh trong Kể xong rồi đi không đậm đặc như Mình và họ mà chỉ thoáng hiện trong toàn bộ mạch truyện được kết cấu theo dòng ý thức của nhân vật Phong khi chứng kiến quãng thời gian cuối cùng của Đại tá và hàng ngày chạy ngược chạy xuôi từ nhà vào bệnh viện, từ thành phố về Tuyệt Sơn tìm nơi an táng ông. Theo quan sát của Phong, chuyến đi thăm chiến trường xưa đã làm thay đổi tính tình Đại tá bởi khiến ông nhớ lại vụ giải quyết sáu mươi tư tù binh theo mật lệnh cấp trên. Đại tá từng kể cho Phong nghe về những ông lần may mắn thoát chết nhưng đồng đội của ông thì hy sinh vô cùng thảm khốc và thương đau: nơi cả tiểu đội đang ngồi ăn thịt nai biến thành cái hố pháo khét lẹt, nhặt đến mẩu cuối cùng cũng chỉ đầy hai cái gùi và không phân biệt nổi đâu là thịt nai đâu là xương thịt của mấy anh em, một lần khác, tiểu đoàn trưởng của Đại tá đi bên cạnh bị hứng trọn quả Claymore chỉ còn sót lại một phần cơ thể rơi vung vãi, (tr. 73). Ký ức của Đại tá cũng không thể quên hình ảnh về những người lính như cậu trợ lý tác chiến nằm lại chiến trường với vết thương mở toang ở khoang bụng, khi chết vẫn luôn miệng lảm nhảm kể về đứa em gái mong đợi anh về như đã hứa. Chiến tranh qua ký ức của các thế hệ vẫn còn đó những trận đánh khốc liệt, những nỗi đau câm lặng và những niềm khắc khoải không nguôi. Cả hai cuốn tiểu thuyết đều chọn một sự kiện có tính đột biến khởi đầu câu chuyện (cú bay “thảng thốt tuyệt mỹ” từ trên đỉnh núi xuống vực của Hiếu (Mình và họ), Đại tá bị đột quỵ phải đi cấp cứu ở bệnh viện (Kể xong rồi đi), từ đó thời gian trần thuật được trôi rất chậm, “tua ngược” lại câu chuyện quá khứ của các nhân vật. Những ký ức chiến trận mặc dù chiếm dung lượng không nhiều, được khúc xạ qua lời của người ngoài cuộc nhưng đầy dữ dội và ám ảnh đã cho thấy rõ hơn gương mặt khác của chiến tranh, từ một góc nhìn khác: chiến tranh là sự hủy diệt nhân hình và nhân tính và khơi dậy “bản năng chết” của con người. Đó chính là sự thức nhận chiến tranh từ thời điểm hiện tại với một độ lùi thời gian cần thiết cho những lý giải và chiêm nghiệm.

Hai tác phẩm đều bắt đầu bằng thời hiện tại và con người của hôm nay, cùng có hành trình ngược dòng ký ức, tìm về chiến trường xưa. Trong Kể xong rồi đi, chiến tranh thi thoảng hiện lên thoáng chốc trong dòng chảy tâm trạng của Phong khi nhớ tới những lúc “Đại tá ngồi lẩn thẩn ôn lại kỷ niệm”. Đang ngắm nhìn cây hoa hải đường, Phong lại nhớ bức ảnh chụp Lĩnh bên hoa hải đường trước ngôi miếu cổ - bức ảnh khiến đại tá nhớ tới sự kiện chính ông đã từng ra lệnh bắn hạ bốn viên lính dù vì bọn họ điên cuồng cố thủ không chịu ra hàng trong ngôi miếu giống ảnh. Hoặc trong cơn mưa bất chợt, Phong lập tức liên tưởng tới những cơn mưa cao nguyên mà Đại tá từng nếm trải hồi ở chiến trường “giống như những loạt đạn dập vùi tan nát mọi thứ”. Mình và họ liên tiếp chuyển đổi thời gian trần thuật từ hiện tại – chuyến xe xuống (chữ in nghiêng) và quá khứ - chuyến xe lên (chữ thường) trong dòng hồi ức miên man của nhân vật. Hiếu khao khát mãnh liệt đến được địa danh Tà Vần, “đặt chân lên Tà Vần là ô kê rồi, còn lại nào quan trọng gì” bởi đó là đỉnh núi cao nhất, là ranh giới giữa mình và họ, nơi anh trai Hiếu cố sống cố chết tìm về khi bị lạc sang đất họ và rồi bị bắt ngay tập tức. Dòng ký ức chiến tranh được lưu lại bằng những nốt trầm, giọng văn chùng xuống, tạo nên nhiều khoảng lặng trong tiểu thuyết: “Bảy chín sông này lại đỏ”, “Có cả máu của mình nữa”, “ cuộc Bảy chín sông Bằng cũng đỏ lừ máu”. Giai điệu của ký ức chiến tranh trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương không du dương, dìu dặt mà khắc khoải và bi tráng, giống như Nỗi buồn chiến tranh với không gian u hoài, hư ảo nhưng chập chờn, ma mị hơn, nhân vật tham chiến cũng trở về đầy chấn thương tinh thần như Kiên nhưng hiện diện trong một đời sống và tư thế “bên lề”, với một lối kể chuyện biến ảo, khó nắm bắt. Kiên – cựu binh chống Mỹ, nhà văn phường viết về cuộc chiến đã qua và tình yêu đã mất trong trạng thái bấn loạn, rối bời của kẻ chấn thương tinh thần, nhưng viết là cách cứu rỗi linh hồn anh, còn nhân vật chính của Nguyễn Bình Phương gián tiếp tham dự vào quá khứ chiến tranh qua nghe, đọc và tưởng tượng, không có mối tình tuyệt đẹp nào trong ký ức và và hiện diện như là để “kể xong rồi đi”.

Ở hai cuốn tiểu thuyết này, người đọc gặp lại kiểu nhân vật dị biệt phổ biến trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (nhân vật điên (Tính – Thoạt kỳ thủy), nhân vật sống trong ảo giác (hắn – Vào cõi), nhân vật “vô thức” (Hoàn – Người đi vắng),… Người kể chuyện dị biệt trong Kể xong rồi đi không chỉ khác thường ở ngoại hình mắt lác, mà còn bởi cái “hâm hấp”, “vừa rồ dại vừa bò ngải” trong hành xử hàng ngày: anh ta trò chuyện với con chó Phốc, có lúc trách móc con bọ ngựa, khi thì hỏi han đàn kiến, chất vấn con ong, nhưng đặc biệt nhất là khả năng đối thoại với cõi khác, với thế giới bí ẩn, huyền hoặc. Phong có thể cảm nhận “dấu vết còn hằn trên không khí” của ai đó đã đi qua trong đêm, có thể gặp những người quen đã chết, nhìn thấy hình ảnh chiếc xe tang lừ đừ ghê rợn tiến tới,… Nhân vật kể chuyện của Mình và họ cũng không phải người bình thường, đó là linh hồn cuả một kẻ vừa lìa sự sống nhưng chưa kịp nhập thế giới bên kia, đang trôi bồng bềnh, vô hình trong chuyến xe xuống núi. Nhân vật vẫn ý thức, suy nghĩ, cảm giác như một sự tồn tại nhưng không được mọi người xung quanh nhận biết và hồi đáp. Nó vừa quan sát bằng một đôi mắt của người thực vừa xuyên thấu màn đêm để thấy bên ngoài xe “họ” đang bám theo gọi rủ nó, chờn vờn, lờ mờ như ảo ảnh. Nó chính là “sinh mạng duỗi dài ra” của Hiếu (khi chưa gieo mình xuống vực để trở thành linh hồn, Hiếu cũng đã thường xuyên gặp và trò chuyện với linh hồn của anh trai đã mất). Lựa chọn trần thuật từ điểm nhìn của các nhân vật đặc biệt như vậy, Nguyễn Bình Phương có thể dễ dàng xuyên qua nhiều không – thời gian, trộn lẫn ảo và thực. Bởi là một linh hồn kể chuyện nên Hiếu trong chuyến xe xuống cũng thường “thì thầm”, “nói nhỏ” với Trang bằng giọng kể trầm, thấp. Với lời kể chuyện của những nhân vật dị thường đó, người đọc có thể cảm nhận rất rõ âm vọng từ thế giới bên kia. Cũng như các tiểu thuyết trước đây của Nguyễn Bình Phương, ở cả hai cuốn tiểu thuyết này đều bảng lảng không khí ma mị của cái chết quanh quất, âm u, rờn rợn. Nhưng các tiểu thuyết trước thường có nhịp trần thuật nhanh, các sự kiện nối tiếp đều đặn trong mạch truyện, còn hai cuốn tiểu thuyết này, lời kể chùng xuống, nhịp điệu chậm dần tương ứng với hành động trôi vào cõi khác của các nhân vật. Kỹ thuật độc thoại nội tâm xuyên suốt tác phẩm như một mạch ngầm tạo sức nén cho truyện kể. Với những giai điệu ký ức trong cả hai cuốn tiểu thuyết, chiến tranh được vọng về từ quá khứ nhưng không hề mòn cũ hay quy giản, nó “vẫn tồn tại dai dẳng, vẫn vang vang trong đầu mỗi con người” không dễ nguôi quên.

Những tiếng nói đa thanh 

Ở cả hai cuốn tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương đã tạo nên nhân vật người kể chuyện tự ý thức và ngôn ngữ mang tinh thần đối thoại trong hình thức tiểu thuyết đa thanh (polyphony) theo quan niệm của Bakhtin. Từ việc nghiên cứu nhân vật tiểu thuyết của Dostoyevski - những con người “mơ mộng” (hay suy tư), là chủ thể của ý thức và ước mơ, Bakhtin chỉ ra kiểu nhân vật = lời nói + ý thức, ý thức về người khác và tự ý thức về chính nó(3). Với những kiểu nhân vật như vậy, nhà văn không còn giữ quyền năng phát ngôn, cắt nghĩa và đánh giá sự việc, định hướng cho độc giả và thể hiện cái nhìn toàn tri mà buộc “giải phóng tối đa cho sự tự ý thức và ngôn từ của nhân vật”(4). Trong Mình và họ, Kể xong rồi đi, nhân vật kể chuyện là Hiếu - một linh hồn lơ lửng và Phong - một kẻ nửa tỉnh nửa mơ, cả hai đều không bị chi phối bởi tiếng nói của nhà văn, chúng tự do tưởng tượng và tạo những cuộc đối thoại trong thế giới và không gian của riêng chúng bằng “mơ mộng” và suy tư nhiều hơn hành độngMình và họ là chuyến đi lên, đi xuống của nhân vật Hiếu trong hành trình “đi tìm Tà Vần” nhưng đến cuối cùng vẫn không có câu trả lời xác quyết rõ ràng nào cho những nghi vấn: anh có thực sự bị lạc sang đất của họ, nơi anh bị bắt có phải là Tà Vần? Các nhân vật không ít lần nói về nỗi hoang mang vì sự khó nhận biết đất mình và đất họ. Để rồi đến cuối cuốn tiểu thuyết vẫn là câu hỏi ngỏ: “Mà làm sao có thể phân biệt được lên với xuống ở cái vùng lúc nào cũng hoang hoang, bồng bênh này? Làm sao có thể phân biệt được mình với họ?”(Mình và họ, tr 302). Trong Kể xong và đi, nhân vật Phong được ông bác Đại tá chia sẻ nhiều nhất, hiểu ông hơn cả những người con ruột, nhưng Phong luôn trong tình trạng hoài nghi: “Thú thực, lúc đó tớ chẳng hiểu bác ấy muốn ám chỉ ai, cô Ngải hay là Lĩnh”, thậm chí bản thân Phong cũng phải tự chất vấn: “Tới cổng, tớ hỏi cái bóng của mình, mày là ai mà chểnh mảng thế?”, “Chẳng biết cậu có phải là Phốc hay không nữa”… Không có một sự tổng kết xong xuôi hoàn toàn về nhân vật, tính cách nhân vật cũng không hoàn toàn nhất quán ổn định, không thống nhất phù hợp giữa thế giới bên ngoài và bên trong. Cả hai cuốn tiểu thuyết đều có sự đan cài nhiều điểm nhìn khác nhau, tiếng nói của các nhân vật vang lên ngang hàng tiếng nói của tác giả. Ở Mình và họ, ngoài lời kể của “mình” ở hai thời điểm khác nhau (lúc đi lên và lúc đi xuống) còn có những đoạn ghi chép của anh trai Hiếu xưng “tao” kể về cuộc chiến. Xen kẽ là lời kể của cậu, hắn, lái xe về những giai thoại vùng biên ải, những địa danh gắn với cuộc chiến mà anh trai Hiếu đã trải qua. Bởi vậy, khuôn khổ của tiểu thuyết không chỉ là đề tài chiến tranh mà mở rộng đến đời sống hậu chiến, văn hóa của người dân vùng cao, hay vấn đề về bạo lực và cái ác trong xã hội. Kể xong rồi đi là cuộc đối thoại của Phong với con chó Phốc, trong đó Phong thường dẫn lời kể của Đại tá, của Hòa về những kỷ niệm chiến trường. Đến gần cuối truyện xuất hiện lời kể trực tiếp của Đại tá như được ghi âm trong một đoạn băng tua lại, đại tá xưng “tớ” để trò chuyện với Phong và con chó Phốc về những đoạn đời chưa kể và cuộc ly tán của gia đình ông qua bao biến cố lịch sử. Đại tá, Phong và con chó như ba người bạn thân thiết, cả Phong và Đại tá đều xưng hô với chó là tớ và cậu - một cách gần gũi, bình đẳng và để có thể chia sẻ những cảm xúc sâu kín, khó nói thành lời. Sự đan cài các điểm nhìn và các tiếng nói độc lập vang lên tạo cho tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương tính đối thoại và độ mở của sự diễn giải.

Ở hai cuốn tiểu thuyết này, nhân vật cất lên tiếng nói của riêng nó và không trùng khớp với tiếng nói của tác giả. Chiến tranh, qua hai lần ký ức, được kể lại qua lời của các nhân vật “không đáng tin cậy” như Hiếu, Phong không phải là phát ngôn chính thức của tác giả. Chính Hiếu tự thú nhận “mình đang trôi nổi vật vờ, chẳng hiểu theo chính mình, theo Trang hay nỗi sợ”, “mình chỉ là kẻ thích đi chơi, thích nghe, thích biết nhưng không để dùng vào việc gì”. Đó là tiếng nói của nhân vật luôn ở trạng thái mơ hồ, bất định mà người đọc hoàn toàn có quyền phản biện, phủ nhận. Thậm chí chính những người từng chiến đấu, là người trong cuộc, nhân chứng thời đại như anh trai Hiếu, Đại tá, cũng mơ hồ, lẫn lộn. Cuốn sổ mặc dù ghi lại rất chi tiết về những trận đụng độ, những địa danh nhưng khi Hiếu hỏi “Có đỉnh Tà Vần thật không?” thì anh trả lời “Tao cũng không rõ”. Trong Kể xong rồi đi, khi Phong cho rằng Đại tá nhớ lộn thời gian và không gian thì hồi đầu ông còn đần người, mặt rượi buồn, sau thì thản nhiên như chính Phong mới là người nhớ lộn. Phong và Hiếu là những “nhân vật mơ mộng” nhận thức về cuộc sống và bản thân, lặng lẽ quan sát và lắng nghe. Những phát ngôn của các nhân vật về chiến tranh đầy gây hấn và tạo cảm hứng tranh luận. Nghe cậu kể về chiến tranh biên giới, Hiếu bảo “cuộc chiến này là bãi nước bọt nhổ vào mặt người anh hùng. Mình đã mất mấy chục năm xương máu để tạo dựng uy danh nhưng chỉ cần có vài tuần họ đã cướp cái uy danh ấy”… Nhưng với cậu thì đó “chả khác gì việc xích mích với hàng xóm. Thi thoảng đụng nhau vậy rồi lại quên đi, buồn buồn gọi nhau sang uống chén rượu” ( Mình và họ, tr. 52). Những ghi chép của anh lại lộ ra góc nhìn chiến tranh từ  tâm lý một người lính trẻ. Đó là tâm trạng của con người đời thường với nỗi sợ chiến tranh: “Tao sợ, rất sợ, chắc chỉ thêm chút nữa là tao bỏ chạy”. Đó cũng là nỗi sợ của Hòa được miêu tả chân thực sau khi giải quyết sáu mươi tư tù binh (Kể xong rồi đi, tr.88). Không khuôn hẹp cái nhìn chiến tranh từ chủ nghĩa anh hùng, tác phẩm Nguyễn Bình Phương tạo những đối thoại về chiến tranh trong những luồng tư tưởng khác nhau của nhân vật: Chiến tranh là sự hủy diệt tàn khốc, là nơi bạo lực trở thành bình thường, bởi con người cần phải tiêu diệt kẻ thù, bằng bất cứ cách nào để tồn tại. Trong Mình và họ, không gian miền biên giới đầy những chuyện giết chóc và những cái chết rùng rợn nhưng chỉ qua những lời kể, những giai thoại, đồn đoán, người đọc buộc phải tự suy ngẫm và đưa ra những kết luận cho riêng mình về chiến tranh và bạo lực, cái ác. Nguyễn Bình Phương để cho nhân vật tự lên tiếng để nói về bạo lực và cái ác, chẳng hạn từ điểm nhìn của nhân vật Hiếu, một đồng phạm trong vụ thanh toán man rợ, một kẻ say sưa đọc báo Công an nhân dân và đặc biệt quan tâm tới các vụ án giết người, hoặc từ cậu, anh, hắn,... Tất cả những câu chuyện về thổ phỉ, người phụ nữ ăn thịt người, giải quyết tù binh bằng dao hay cái cảm giác ngày chiến thắng “vừa muốn ôm chầm lấy nhau vừa muốn giết nhau, y như cái ngày bọn tớ tràn về Sài Gòn sau này” trong cả hai cuốn tiểu thuyết,.... đều là lời nhân vật trong vị thế độc lập với lời tác giả. Những phát ngôn của nhân vật cho thấy “trong khi tiến hành một độc thoại nội tâm, nhân vật vẫn tiếp tục đối thoại vừa với chính bản thân anh ta vừa với những người khác”(5)

Có một sự gặp gỡ ở hai cuốn tiểu thuyết khi cùng bắt đầu bằng sự kiện dẫn đến cái chết của nhân vật (Hiếu, Đại tá) nhưng không miêu tả cái chết mà chủ yếu làm nổi bật hành trình đi tìm thời gian đã mất trong những bước ngoặt của cuộc đời nhân vật với sự tự ý thức của con người chưa hoàn kết(6). Sự tự ý thức của nhân vật độc lập với những tiếng nói khác, cũng không thể hiện lập trường tác giả, được thể hiện qua những đối thoại ngầm trong tiểu thuyết. Bên cạnh đó, tác phẩm Nguyễn Bình Phương cũng tạo nên thế giới có khả năng hàm nghĩa với hình ảnh mây và lửa trở đi trở lại như những điệp khúc. Sự say mê ngắm nhìn, miêu tả những đám mây luôn biến đổi muôn hình vạn trạng không chỉ là biểu tượng của cái đẹp phù du, dễ thay đổi mà chính là ý thức về sự chuyển động, đang mất đi, sự chảy trôi miên viễn, và những gì xa xôi không bao giờ tới được. Trên hành trình xe lên xe xuống nơi tận cùng biên ải, ngược xuôi giữa quá khứ và hiện tại, mây xuất hiện nhiều lần: “Mây đến, một vài vụn lơ vơ, sau đó tích lại và chỉ sau dăm lần chớp mắt nó đã là một đám mây đẹp tròn vo, lúc lắc trên bầu trời”, “Buổi sớm ở biên ải, nếu có chút nắng, mây sẽ đến ngay lập tức, một cách kiêu mạn” (Mình và họ). Ở Kể xong rồi đi, hình ảnh mây tham gia vào các sự kiện cốt truyện: “Lúc dập dềnh giữa muôn trùng mây là mây, Đại tá băn khoăn về vụ tù binh còn tớ lại thấy một ngọn lửa nhảy múa trong đầu tớ”, “cái chăn đắp ngực của đại tá cũng dềnh lên hạ xuống như một đám mây chỉ chực trôi đi”,... Đằng sau vẻ bề ngoài thi vị và lãng mạn, mây là nơi kiếm tìm sự thanh thản trong tâm hồn người, nhưng cũng như lời đề từ tiểu thuyết Mình và họ: “Chắc gì mây đã bay”, một câu hỏi buông lửng không hồi đáp như nỗi băn khoăn, hoài nghi bao trùm tác phẩm. Cùng với mây, lửa cũng là mã nghệ thuật tạo nên sự đối âm trong cả hai tác phẩm. Ở Mình và họ, hình ảnh Vân Ly bị Trang và đồng bọn tẩm xăng thiêu sống do nghi ngờ phản bội đã ám ảnh Hiếu suốt cả chuyến đi. Chỉ cần nghe kể về chuyện quân ta nhờ súng của quân đội bạn truy diệt tàn quân phỉ, Hiếu lại cảm thấy “hơi nóng bốc thành lửa trong hốc mắt mình, những búp lửa nhoi nhóp rụt rè sau đó tràn rộng ra. Vân Ly vùng vẫy, quật quã mà không vang lên bất cứ tiếng thét nào. Chỉ có lửa diễn đạt sự phẫn nộ của âm thanh với những cơn bùng lên, rạp xuống, nghiêng ngả đổ và lại rướn lên trong sự im lặng” (tr. 65). Trong chuyến xe xuống, nghe nói chuyện về nạn đốt phá rừng, lập tức Hiếu nghĩ đến lửa từ thân thể Vân Ly, “Lửa lượn lờ ma quái trên khuôn mặt Trang, sờ sẩm vuốt ve mặt thằng Quých và thằng Hiệp (tr. 193)”. Cả Hiếu và Phong đều đã từng được chứng kiến cảnh tượng lửa thiêu đốt những người thân hoặc quen và cảnh tượng khủng khiếp đó thiêu đốt chính tâm can nhân vật. Phong chứng kiến cảnh ngôi nhà mình, nơi có mẹ và em gái bị cháy, làm chín cả những trái hồng trên cây trước nhà. Mẹ và em gái như hai quả hồng nhòe xa bám riết, khắc khoải trong ký ức đầy lửa cháy của Phong: “tớ không khóc, chỉ nhìn những ngọn lửa như cái lưỡi khổng lồ cố gắng liếm vào cây hồng đang rụng hết lá, quả đỏ rực, chiu chít”. Vừa hủy diệt vừa tạo sinh, lửa là ám ảnh đớn đau nhưng cũng làm thức dậy bản năng chết, khiến cho nhân vật Phong có những ý muốn điên rồ “tớ cũng muốn bốc cháy, nếu không phải tớ hay cái gì khác cháy tiếp cũng được, càng to càng thích, to như nhà tớ càng thích”(Kể xong rồi đi, tr75). Những tín hiệu nghệ thuật đa nghĩa như mây, lửa tạo cho tác phẩm tinh thần đối thoại, người đọc có thể tự tìm những diễn giải của riêng mình mà không cần “phần hàm nghĩa dư thừa cơ bản” nào của tác giả. Mối quan hệ bình đẳng tác giả - nhân vật, tác giả - người đọc tạo nên tính đa thanh của tiểu thuyết. Dù viết về chiến tranh hay thế sự đời từ thì điều cốt yếu là khả năng kích thích ý thức đối thoại, mở ra những góc nhìn đa chiều về quá khứ và hiện tại.

Bản giao hưởng thời hậu chiến 

Không chỉ vọng về giai điệu của ký ức chiến tranh, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương cũng vang lên âm thanh xô bồ, đa tạp của đời sống hiện tại. Tựa như bản nhạc giao hưởng với đầy đủ mọi cung bậc trữ tình, lạc quan cho đến hào hùng, bi tráng, tiểu thuyết có khả năng bao trùm nhiều không – thời gian, diễn tả sự phong phú, đa dạng của đời sống và những quan điểm trái ngược nhau. Thời gian trần thuật của toàn bộ cuốn tiểu thuyết Mình và họ chỉ diễn ra trong khoảng một đêm, tính từ đầu tác phẩm là sự kiện cú bay tuyệt mỹ, nhân vật Hiếu trở thành người vô hình ngồi bên cạnh Trang trong chuyến xe xuống, kết thúc là khi trời gần sáng. Nhân vật vừa trôi trong chuyến xe xuống hiện tại vừa hồi nhớ hành trình đi lên bằng cách lần lượt mở ra từng cánh cửa soi vào cuộc đời mình: mối quan hệ phức tạp với những người tình hờ (Trang, Vân Ly, chị Thu), bi kịch gia đình với anh, Hằng, chú,… Kể xong rồi đi bắt đầu bằng sự kiện Đại tá đột quỵ và diễn ra một thời gian ngắn khi ông điều trị ở bệnh viện và được đưa về nhà chờ chuyến đi cuối cùng của cuộc đời. Khác với kiểu tiểu thuyết trường thiên có tham vọng tái hiện một giai đoạn lịch sử dài, một cuộc đời trọn vẹn, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương chọn thời điểm gần kết thúc câu chuyện để mở đầu tác phẩm và lựa lấy những lát cắt quan trọng, với các sự kiện có mối liên hệ hiện tại - quá khứ bằng tiết tấu chậm rãi, nhịp kể nhẩn nha. Cả hai tác phẩm đều miêu tả hành trình đến cõi khác của nhân vật, trên hành trình ấy, ký ức lần lượt hiện về những quãng đời vui buồn như một bản nhạc đa cung bậc, đan xen giai điệu của ký ức và âm thanh của đời sống đang diễn ra. Trong Mình và họ, nếu dòng hồi ức chiến tranh mang lại âm hưởng trầm buồn, da diết thì cái hiện tại hậu chiến được thể hiện bằng giọng dửng dưng, lạnh lùng, hờ hững đến vô can của nhân vật. Những mối quan hệ nhằm đáp ứng nhu cầu tình – tiền, những mối tình tay ba tay tư nhằng nhịt, những chuyện làm ăn, đổi chác, những nghi kỵ, ghen tuông và bạo lực,… như là khúc biến tấu của bản nhạc thời hậu chiến. Chiến tranh nhường chỗ cho những vấn đề mới nảy sinh liên quan đến kinh tế, xã hội, chính trị như chuyện hàng hóa Tàu cung cấp cho người dân từ A tới Z, nhà nào cũng thấy hàng của họ, khéo rồi biến thành họ lúc nào cũng không hay. Người cán bộ an ninh trên chuyến xe xuống cũng xác nhận họ “xấu chơi” một cách thâm hiểm: “cái chính là tại bên kia, họ cứ nống giá lên rồi đùng một cái lại đánh tụt xuống. Ở Lạng Sơn vừa rồi đấy, dưa hấu với vải chết hàng loạt, hàng trăm tấn thối mốc bên này cửa khẩu, đổ đi cũng khó”. Từ chiến trường trở về, anh trai của Hiếu nhắc đi nhắc lại nhận xét về họ: “tóm lại là không chơi được”. Trong Kể xong rồi đi, câu chuyện hậu chiến của những người tham chiến có phần nhạt hơn khi lớp cựu chiến binh như ông Văn, Đại tá đang dần khuất bóng, những thế hệ sau như Hòa, Tình cuốn vào cuộc mưu sinh, thay vào đó là thực tại ít liên quan đến chiến tranh: Thực tại của một lớp người ích kỷ và thực dụng, không quan tâm đến quá khứ. Những người con của Đại tá sau khi bố đột quỵ có chút xáo động trong cuộc sống và phải thay nhau vào chăm sóc ông nhưng tâm trạng của họ vẫn hoàn toàn bình thản trong nhịp sống đều đặn: họ bàn chuyện hàng xóm, chuyện buôn bán đất, chăm sóc chim cảnh, tìm nơi chôn cất Đại tá,… Nguyện vọng của Đại tá là được hỏa táng nhưng các con ông bỏ qua với lý do đầy tính toán thực dụng của Thảnh: “Cả đời biền biệt vác súng đi đánh nhau, chả giúp được gì cho gia đình này, giờ đến lúc phải cống hiến một tí chứ. Hỏa táng thì lấy ai phù hộ cho bọn trẻ”. Trong cái nhìn của Thảnh, người được thừa hưởng cuộc sống hòa bình và hoàn toàn chỉ quan tâm đến lợi ích của gia đình, cá nhân thì đi đánh nhau “chả giúp được gì cho cái nhà này”. Cái nhìn về chiến tranh và người lính đã được lớp con cháu “định giá lại” một cách thẳng băng, lạnh lùng.

Như một bè trầm trong bản giao hưởng thời hậu chiến, nỗi đau chiến tranh vẫn vang âm dai dẳng không thoát khỏi mạch truyện bởi những sang chấn tinh thần trong những hồi ức, ám ảnh chiến tranh. Trở về từ chiến trường với vết thương ở đầu và bi kịch hôn nhân tan vỡ, anh (Mình và họ) ngày càng rơi vào trạng thái trầm uất. “Anh khóc, nấc lên từng chặp, lật sấp người xuống, giãy đành đạch như cá bị vứt lên cạn” “Anh cứ ngồi trong bóng tối, hai mắt thô lố ngó thẳng mà chẳng thấy gì hoặc nhìn xuyên qua tất cả”. Không sao thoát khỏi nỗi ám ảnh từ chiến tranh, anh trở nên mất trí đến mức đeo đá giả làm lựu đạn, khoác chéo thanh gỗ như súng, và luôn trong tư thế chuẩn bị chiến tranh: “chúng mày trói ông thế này, Tàu nó sang thì lấy ai ra cản”, “Tao còn phải luồn sâu đánh cho mấy thằng chó chết ấy biết mặt đã”. Anh trang bị vũ khí như một đứa trẻ chơi đánh trận giả súng gỗ, và rồi bỏ nhà sống lang thang, rách rưới, bơ phờ. Cũng như anh, Đại tá (Kể xong rồi đi) và những người cựu binh sống sót qua thử thách chiến tranh kinh khủng nhưng quãng đời hậu chiến cũng là một trải nghiệm đớn đau không kém. Trong cảm nhận và quan sát của Phong, sau chuyến thăm lại chiến trường cũ, Đại tá như chịu một chấn động tâm lý mạnh, buổi trưa hôm ấy “hầu như chẳng ngủ tí nào, cứ trằn trọc rồi vùng dậy ra hiên hóng gió, lưng như khòng xuống”. “Sau chuyến đi ấy Đại tá bắt đầu thay đổi, bác ấy dễ nổi cáu và hay hỏi bất chợt người bên cạnh những câu không ăn nhập gì với chuyện đang nói”, “nếu phải đi thì bác ấy mong mình đi càng nhanh càng tốt” (Kể xong rồi đi, tr 75). Dường như có nỗi buồn trĩu nặng lặn sâu vào phía trong cái dáng người khòng xuống và sự trằn trọc mất ngủ của Đại tá. Nhân vật của Nguyễn Bình Phương giống với kiểu nhân vật chấn thương như Kiên của Nỗi buồn chiến tranh, Quy trong Chim én bay, Hai Hùng trong Ăn mày dĩ vãng. Nhưng trong kết cấu tổng thể tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương dường như không cố ý tô đậm chấn thương và bi kịch hóa tự sự mà cố gắng tạo một mạch truyện nhiều bè, trong đó song song với câu chuyện chiến tranh là đời sống thực tại hậu chiến đa tạp, xô bồ. Giọng kể tông trầm, chậm rãi như lời thủ thỉ tâm tình mang lại cảm nhận về chiến tranh thấm thía, lắng đọng. Mặc dù Mình và họ tô đậm “mỹ cảm bạo lực” khi đề cập đến chiến tranh và cuộc sống ở miền núi phía Bắc nhưng vẫn giữ được tâm thế bình thản trong việc viết về cái chết như ở Kể xong rồi đi, không bi kịch hóa hay tỏ ra bi lụy mà ngược lại, trước cái chết, ký ức như ánh hồi quang rọi chiếu miền sâu thẳm tâm linh và thanh lọc tâm hồn người, để rồi nhân vật có th kết thúc kiếp sống gửi nhẹ nhàng, buông bỏ. Trước ban mai cũng là lúc hành trình đi xuống của linh hồn Hiếu chấm dứt để được tan vào với “đám rước đón đeo bám dai dẳng” và kiên định, lờ mờ ở bên ngoài xe cùng với bóng tối. “Nó đã ở phía trên mình, bông bênh, vô sắc khí. Nó đấy, khuôn mặt yểu ớt, cái miệng xinh xinh bợt bạt tỏa hương quỳnh thơm dịu thuở nào. – Hiếu ơi! Trang nhìn ra ngoài, gọi tên mình, làm như mình đang lơ lửng cùng bọn họ, ở chỗ bóng tối sắp sửa tan biến kia, trong khi mình vẫn ở cạnh Trang trong suốt cả hành trình” (Mình và họ, tr 302). Văn chương Nguyễn Bình Phương là thứ ngôn ngữ cảm thấy chứ không phải kể, tả với một cốt truyện rõ ràng mạch lạc. Không hiển lộ rõ ràng bằng thái độ phê phán hay đả kích, bao nhiêu dữ dội của đời sống và chiến tranh được ẩn giấu sau ngôn từ và giọng kể có phần trầm lắng, nhỏ nhẹ. Suốt truyện Mình và họ không hề nhắc đến nghề nghiệp, nhân thân của Trang nhưng rốt cuộc trong hình hài một phụ nữ hấp dẫn, Trang là một nữ quái cầm đầu băng nhóm tội phạm buôn hàng cấm, có cách thanh toán địch thủ lạnh lùng và tàn độc. Không quá kịch tính, nhưng tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương tạo được sự bất ngờ đến phút cuối trong kết cấu đồng hiện. Hiếu và Trang ban đầu có vẻ là những thanh niên ưa thích khám phá đi tìm hiểu văn hóa, lịch sử các tỉnh miền núi phía Bắc; theo lời giới thiệu của “hắn” là hai nhà báo lên vùng cao viết bài, hóa ra là hóa ra là những kẻ “xã hội đen” và là đồng phạm giết Vân Ly. Nhân vật Hiếu xưng “mình” ngồi trên xe kể chuyện hóa ra là kẻ đã nhảy xuống vực, chỉ là tiếng nói của hồn ma và hoàn toàn vô hình, vô thanh với những người ngồi trên xe. Chuyến đi tưởng chừng vu vơ, không mục đích hóa ra lại là cú lội ngược dòng ngoạn mục về chiến tranh, và là chuyến cuối cùng trước khi được giải thoát. Đó chính là lý do vì sao Javier Marías cho rằng: “Một trong những góc độ khả dĩ tốt nhất để kể một câu chuyện là từ góc nhìn của một con ma, một kẻ đã chết nhưng vẫn còn có thể chứng kiến”(7). Thế giới tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương chờn vờn hư thực, xóa nhòa ranh giới sống chết, trộn lẫn quá khứ hiện tại. Bên cạnh những tri thức lịch sử, địa lý được nhân vật cung cấp chi tiết là những huyền thoại, lời đồn lan truyền, xen kẽ những địa danh có thực là những cái tên hư cấu như Tuyệt Sơn, Tà Vần ngân lên thanh âm mù mịt, mơ hồ, mong manh.

Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đã vượt qua kiểu phản ánh hiện thực chiến tranh, để xuyên sâu hơn vào những tầng ngầm văn hóa, lịch sử và tâm lý con người. Tác phẩm của anh nhìn chiến tranh từ số phận cá nhân bởi vậy, chất vấn lại chiến tranh một cách toàn diện, với những vấn đề mang tầm nhân loại: chiến tranh không chỉ là chết chóc, hủy diệt, đó là nơi khiến con người trở thành thù địch, đối kháng, lạc lối văn minh quay về bản năng hoang dã. Nhìn lại chiến tranh là cách đối diện với quá khứ, luôn tự nhận thức và không ngủ quên trong hiện tại, đó là cách tái tạo đời sống từ sự đổ nát, lụi tàn, hủy diệt của quá khứ và khiến con người phải suy nghĩ tới vấn đề không chỉ của một dân tộc, một quốc gia mà của cả nhân loạiq

 

 


(*) TS – Viện Văn học.

 


(1) Nguyễn Bình Phương, Mình và họ. Nxb Trẻ, Tp. HCM, 2014

(2) Nguyễn Bình Phương, Kể xong rồi đi, Nxb Hội Nhà văn và Nhã Nam, H., 2017

(3) TRỊNH BÁ ĐĨNH: NGUYÊN LÍ ĐỐI THOẠI CỦA M.BAKHTIN TRONG HỆ HÌNH LÍ LUẬN ĐƯƠNG ĐẠI, TẠP CHÍ VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI, SỐ 877, CUỐI THÁNG 9/2017.

(4) TRẦN ĐÌNH SỬ: BAKHTIN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ THI PHÁP DOSTOIEVSKI CỦA ÔNG, TẠP CHÍ VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI, SỐ 10, 1985, CHỈNH SỬA NĂM 2014, NGUỒN: HTTPS://TRANDINHSU.WORDPRESS.COM/2014/03/04/BAKHTIN-VA-NHUNG-VAN-DE-THI-PHAP-DOSTOIEVSKI-CUA-ONG/

(5) Tiền Trung Văn: Những vấn đề lý thuyết Bakhtin về tính phức điệu (Cao Kim Lan dịch), Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 6/ 2006.

(6) M. Bakhtin: Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư dịch), Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao, Trường Viết văn Nguyễn Du, H, 1992.

(7) Javier Marías: The Art of fiction, (Interviewed by Sarah Fay), The Paris Review, Issue 179 Winter 2006. Nguồn: www.theparisreview.org/interviews/5680/javier-marias-the-art-of-fiction-no-190-javier-marias.

Nguồn: tạp chí Nghiên cứu văn học số 12 – 2017

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020