Văn học Việt Nam hiện đại

TRẢI NGHIỆM NHƯ TÂM HUYẾT VÀ TRÍ TUỆ (Đọc Vừa làm vừa nghĩ của Phạm Tiến Duật)


12-10-2020

Phạm Tiến Duật làm thơ nổi tiếng, và có mảng phê bình, tiểu luận đặc sắc: Kim cương bất hoại (phê bình) và Vừa làm vừa nghĩ (tiểu luận). Không hẳn vì kiểu loại đều ngắn gọn (mini) mà còn vì đóng góp độc đáo đáng kể cho lý luận, cũng như kinh nghiệm sáng tác.

Về hoạt động văn chương, có những nhà chuyên nghiệp viết phê bình, tiểu luận, hoặc chỉ viết về lý luận văn học – một bộ môn của khoa văn học. Nhiều nhà nghiên cứu, giảng dạy cũng viết tiểu luận, phê bình, phần lớn là ở các trường Đại học, Viện nghiên cứu.

Tuy nhiên, cũng là hiện tượng phổ biến thế giới, nhiều người cầm bút – nhất là số danh tiếng, thường viết phê bình, tiểu luận cùng với sáng tác. Ở ta có Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Nguyễn Khải,... viết về văn xuôi; Xuân Diệu, Chế Lan Viên,... viết về thơ ca.

Đó là một yêu cầu vừa có tính xã hội, vừa là nhu cầu cá nhân về giao lưu, chia sẻ nghề nghiệp. Vì thế, người ta thường chia ra lối phê bình, tiểu luận có tính hàn lâm của các nhà nghiên cứu và lối có tính nghệ sĩ của nhà sáng tác.

Phạm Tiến Duật làm thơ nổi tiếng, và có mảng phê bình, tiểu luận đặc sắc: Kim cương bất hoại (phê bình) và Vừa làm vừa nghĩ (tiểu luận). Không hẳn vì kiểu loại đều ngắn gọn (mini) mà còn vì đóng góp độc đáo đáng kể cho lý luận, cũng như kinh nghiệm sáng tác.

***

Phê bình, tiểu luận vừa dễ, vừa khó, ai cũng biết thế.

Phê bình dễ nếu chỉ nói theo, lặp theo, khen chê  theo kiểu “tát nước theo mưa” một cách chung chung, vô thưởng vô phạt. Nhưng sẽ khó, rất khó nếu cần sự phê bình đúng, trúng và hay. Viết phải tinh tế, sắc sảo, hấp dẫn. Lại phải có phong cách độc đáo.

Phê bình thơ thì Hoài Thanh, Xuân Diệu là các bậc thầy lớn. Luận cũng vậy, dù là tiểu luận hay đại luận. Chủ yếu cần phải có lý lẽ, lập luận, phân tích một cách khoa học và nghệ thuật.

Nhưng quan trọng nhất, có lẽ là uy tín về trình độ, về đẳng cấp của một cây bút. Người viết “cơm niêu, nước lọ” nói còn thiếu sức thuyết phục. Người mới được giải cũng chỉ nên giãi bày đôi lời tâm sự viết lách. Đó là cách ứng xử khiêm nhường, khôn ngoan, biết điều.

Phạm Tiến Duật là nhà thơ có thành tựu xuất sắc, đại diện cho một thế hệ. Khối lượng sáng tác chưa phải là đồ sộ, đời sáng tác chưa hẳn đã thật lâu dài để lên bậc lão làng. Tuy nhiên, Phạm Tiến Duật có cái uy thế đặc biệt để viết phê bình và tiểu luận.

Nhà thơ có cái uy thế toàn diện cả về tư tưởng chính trị và nghệ thuật. Phạm Tiến Duật là niềm kiêu hãnh của cả một thế hệ và hơn thế, cho nhựng người viết trong thời đại. Danh xưng một thời cũng là cho cả đời: Con chim lửa Trường Sơn ,  nhà thơ – chiến sĩ tận hiến đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong lịch sử văn học, Phạm Tiến Duật đã được định vị như một  tên tuổi lớn. Sinh thời, nhà thơ đã được nhận Giải thưởng Nhà nước và sau này, được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2011).

Tuy nhiên, từ giải Nhất cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ (1969), Phạm Tiến Duật đã nổi lên như một hiện tượng: con chim “đại bàng sơ sinh”  với những đường bay đầy hứa hẹn trong sự nghiệp thơ ca đương đại.

Văn xuôi phê bình tiểu luận của Phạm Tiến Duật cũng là một phần quan trọng của nghiệp văn thơ.

Nếu kể từ những bài thơ đầu tiên (1963, 1964) được đưa vào tập Vầng trăng, quầng lửa (1970) thì Phạm Tiến Duật đã có khoảng 40 năm cầm bút: Vừa làm vừa nghĩ in năm 2003. Tuổi đời cũng đã hơn 60. Thâm niên nghề và tuổi tác đã đủ, nếu không muốn nói là quá đủ, để “lên lớp” – tức ở vị thế người thầy để truyền đạt tri thức, kinh nghiệm viết.

Ngòi bút còn tăng thêm uy quyền vì như  “viết hộ”, “nói thay” các nhà văn, nhà thơ lớn, những bậc Trưởng lão, Tiên chỉ làng văn. Khi viết về những lời khuyên của Xuân Diệu, thì rõ ràng là mượn “ông lớn” để  khuyên người, nhắn bạn. Lại khi lấy cả một nền thơ Việt Nam và Trung Quốc để tìm ra một hiện tượng tư duy thơ – Chẵn và lẻ trong thơ thì uy lực của tiểu luận thật khổng lồ. Và trong nhiều bài, đều có bóng dáng của “cây cao bóng cả” ở trời Tây và ở trong nước. Cũng có khi chỉ là bè bạn uy tín,  đã thành danh.

Trọng lượng của bình luận, đánh giá cá nhân tăng thêm vì biết dựa vào thế mạnh của cộng đồng. Điều đó thể hiện sự khôn ngoan của người viết. Tất nhiên, có sự giãi bày, trải nghiệm bản thân, đây lại là cái khôn khéo biết giấu mình. Đúng hơn là biết hòa mình trong cái chung để biến cái riêng, sự thật cá biệt thành chân lý của cộng đồng – ở đây là chân lý nghệ thuật.

Như chuyện Làm thơ và làm báo vừa nêu kinh nghiệm của bản thân, của bè bạn (Xuân Quỳnh) để kết luận thuyết phục: “Làm thơ và làm báo là hai việc hoàn toàn khác nhau... Hai nghề ấy hỗ trợ cho nhau thì được mà trộn lẫn vào nhau thì hỏng”.

Phạm Tiến Duật viết tiểu luận với một vốn tri thức khá uyên bác. Đó là tri thức tổng hợp về văn học, văn hóa và nghệ thuật – những tố chất cần và đủ cho một thi nhân – nghệ sĩ, một nhà thơ – nhà văn hóa. Cũng là do chàng cử nhân văn chương tự học, tự bồi dưỡng, tự phát triển để làm nên mình – một trí thức văn học mới thức thời, hiện đại.

Vì chịu học thầy và cả bạn – như mảng viết về chân dung Kim cương bất hoại – nên Phạm Tiến Duật đã học được những điều quý giá. Để rồi, sau khi nhìn khắp, nhìn thấu, thấy được mình và làm nên cái bản lai diện mục của chính mình, cái cốt cách, bản lĩnh cá nhân mà không phải là cái bóng của người khác.

Đây là điều rất cần thiết. Người làm phê bình, tiểu luận là người bạn của sáng tác, thậm chí còn có ý nghĩa là người hướng dẫn, nâng đỡ, phát huy những tài năng. Do đó, cũng phải có tâm, có tầm. Tâm phải sáng, tầm phải cao: hiểu biết sâu sắc, rộng rãi về lý luận và thực tiễn sáng tác qua trải nghiệm của bản thân. Lời nói, vì vậy có hiệu quả tốt, có sức thuyết phục cao và do đó, mới có đóng góp bổ ích cho phong trào.

Thực ra, Vừa làm vừa nghĩ chỉ là một cách nói. Đây là suy nghĩ, suy nghiệm về những điều đã làm, để cùng nghĩ tiếp về những việc sẽ làm. Qua đó là những “ý muốn và những lời tâm sự” và “nhiều vấn đề... nêu ra để chúng ta cùng suy ngẫm” (Thay lời nói đầu). Mục đích là gửi đến đông đảo bạn đọc và đặc biệt là các đồng nghiệp trẻ tuổi.

***

Nội dung Vừa làm vừa nghĩ được tác giả sắp xếp theo một trình tự:

“1/ Vị trí và thiên chức người làm thơ nói riêng, và người cầm bút nói chung trong đời sống xã hội.

2/ Vị trí và vai trò của tư tưởng (trong đó có vấn đề lý tưởng) trong tác phẩm văn học.

3/ Mối quan hệ giữa nhà văn và cuộc sống.

4/ Tâm lý và cá tính sáng tạo.

5/ Lý luận về hình thức của nghệ thuật thơ (cấu tứ, mối quan hệ giữa hình thức và nội dung, các vấn đề về ngôn ngữ và thể loại, sự chuyển động của hình thức qua biến thiên thời gian và cuộc sống... ).

6/ Những vấn đề về công tác và lao động nghệ thuật.”

Đây chỉ là một cách sắp xếp. Thực ra, còn một số vấn đề nằm trong hoặc ở ngoài 6 cái khuôn ấy.

Chẳng hạn như nhà văn, nhà thơ không chỉ có vị tríthiên chức mà trước hết phải có nhân cách, phẩm chất,... Tác giả đã nói cả những điều ấy qua vệt 85 bài viết mini. Đọc tự bạch qua Cùng bạn đọc Văn nghệ trẻ có thể biết thêm: “... Có lúc cuộc sống đẩy tôi phải làm lý luận, như có hồi tôi phải thường trực Ban Lý luận, phê bình báo Văn nghệ và đã viết mấy chục bài phê bình đủ thể loại”. Cũng có thể tham khảo vệt phê bình Kim cương bất hoại (gồm 64 bài, in trong Phạm Tiến Duật toàn tập, Hội Nhà văn, 2009) để hiểu rõ về tài năng phê bình, tiểu luận của nhà thơ.

Một đặc điểm bao trùm nổi bật của tập tiểu luận là sự đan xen đạo và đời, lý luận và thực tiễn, văn học và văn hóa,... khó tách bạch. Tác giả cũng đã vận dụng tinh khéo những tri thức về triết học, tôn giáo, chính trị, xã hội,... vào lập luận phân tích. Và sự nhuần nhuyễn tổng thể tư tưởng, tri thức và nghệ thuật cũng dễ nhận ra: “Như bạn đã nhận xét đúng, các ý nghĩ của tôi đã được hòa tan trong các ví dụ rất cụ thể, và đôi khi được cập nhật” (Cùng bạn đọc Văn nghệ Trẻ).

Những vấn đề lớn đã thâu tóm trên, thực ra đã được bàn luận nhiều. Riêng về thơ, đã có khá nhiều nhà thơ thuộc các thế hệ bàn luận sôi nổi.

Tố Hữu thường đề cập tới những vấn đề tầm vĩ mô như: chức năng thơ ca, định nghĩa thơ, quy luật sáng tạo thơ... qua Tâm sự làm thơ; Câu chuyện thơ; Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí [2, tr 303 – 336]. Cả vấn đề Quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ qua trường hợp bản thân [2, phần II]. Chế Lan Viên có thể được coi là đạt giải quán quân “tuyệt đối” trên văn đàn hiện đại về phê bình, tiểu luận văn học qua hàng loạt công trình lớn nhỏ: Kinh nghiệm tổ chức sáng tác (1951), Nói chuyện văn thơ (1966), Phê bình văn học (1961), Vào nghề (1962),... Những năm từ 1962 – 1970 có nhiều nhận xét, bàn luận về thơ qua tập Suy nghĩ và bình luận. Ngay cả Nàng tiên trên mặt đất (1968 – 1972), Ngoại vi thơ (1975 – 1986)  có nhiều bài  về chuyện thơ. Ở Chế Lan Viên Tuyển tập Thơ và các tập Di cảo thơ  cũng có những mảng Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ... và Nghĩ về thơ và nghĩ ngoài thơ.

Phạm Tiến Duật đã vượt được những rào cản vô hình lớn lao của người đi trước để đặt được vấn đề mới bằng cách nói theo cách mới, nêu ra một khía cạnh mới, vận dụng lý thuyết mới. Tất cả trong hoàn cảnh văn học Đổi mới.

Cái mới ở vấn đề tưởng như cũ, tưởng như đã trơ mòn, có thể thấy ở bài mở đầu Đạo và đời, lý tưởng và cuộc sống. Có sự kết hợp lý tưởng chung và riêng qua trường hợp của Chế Lan Viên, Lê Anh Xuân vốn đã quen thuộc.

Cái mới ở đây là ý nghĩa triết học của sự hòa hợp từ thiên nhiên đến tâm hồn  thi ca như hình tượng Mặt trời và Mặt trăng đến hình tượng Người Mẹ. Lê Anh Xuân coi Bác Hồ là Mặt trời thân yêu. Nhiều nhà thơ viết Tổ quốc là Mẹ hiền. Phần kết của bài tiểu luận có thêm một triết lý nhân sinh bên cạnh triết lý xã hội: “Mẹ là sự sinh nở, mẹ là sự nuôi nấng, là sự chở che, đùm bọc. Mẹ là sự tha thứ. Mẹ là sự khích lệ. Mẹ là sự động viên”. Và thêm điều thú vị nữa: “Mẹ là sự dứt ruột đẻ ra, là sự gắn liền một huyết thống. Chính bởi thế, khi nói đến Mẹ, là nói đến những gì xuất phát từ khối óc và trái tim”.

Có một nhận thức lý thú là tác giả vận dụng cả lý tưởng viết cổ kim, đông tây qua quan niệm “văn dĩ tải đạo” và cả tư tưởng tôn giáo qua kinh Phật bàn về hướng ngoại, hướng nội – “mở mắt ra là lúc người ta nhìn vào thiên hạ và khi người ta nhắm mắt lại là lúc người nhìn vào chính thân thể người vậy”.

Trong Nói chuyện văn thơ, Chế Lan Viên có hẳn một mục Về đề tài và cách thể hiện các đề tài dài hàng chục trang sách, trong đó chia ra tới 16 mục nhỏ: từ việc chọn đề tài, kiểu đề tài – đề tài kháng chiến, đề tài “tư sản”, đề tài thiếu nhi, đề tài thần thoại đến đề tài giáo dục, tình yêu chân chính... cả việc xử lý, thể hiện đề tài: Đề tài cũ, con mắt mới...

Bàn thế tưởng là hết nhẽ rồi. Vậy mà, Phạm Tiến Duật còn bàn tiếp một khía cạnh mới: Đề tài và định mệnh. Nhà thơ phê phán nguy cơ trở lại của “chủ nghĩa đề tài” một thời, và đề xuất đề tài phải mở rộng phạm trù ngữ nghĩa. Không chỉ là “phạm vi” cuộc sống, là “sắc áo”, “màu mặt”,... mà còn là vấn đề, cảm xúc, tâm trạng,... như cái nhìn, cái cảm về sự thiếu hụt chẳng hạn – anh lính bị điếc, chiếc xe không kính, chiến sĩ lái xe bị thương, về sự thiếu đèn, thiếu lửa thời kháng chiến (Ngãng thân yêu, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Nhớ,... ). Xem ra, không riêng gì Phạm Tiến Duật, nhiều nhà thơ viết vì thôi thúc của một sự ám ảnh nào đó. Nhà thơ kể về trò chơi Cho trẻ chọn nghề của các gia đình khá giả ở tây cũng như ở ta. Đứa trẻ đầy tuổi tôi quơ tay chọn cái gì trước mặt là đoán được nghề nghiệp tương lai: chọn bút sẽ thành nhà văn, nhà báo, trí thức; chọn búa có thể thành một người thợ. Đề tài gắn định mệnh tức gắn với cái “tạng”, hướng lựa chọn, cảm hứng chủ đạo đời văn – “Nó bao hàm ngoại diện của cuộc sống mà người viết phải làm rõ nội hàm trong cả đời mình”. Định nghĩa này vượt ra cả Từ điển tiếng Việt, kể cả Từ điển Oxford mà nhà thơ dùng để tra cứu.

             Ta thấy có sự vận dụng lý thuyết rất mới – Lý thuyết về những trò chơi trong khoa học như một ngành nghiên cứu của Toán học, hay một kiểu thử nghiệm của Văn họcThơ với tư cách là một trò chơi được bàn luận như một vấn đề rất nghiêm túc.

Thực ra, vấn đề hình thức thơ đã được Hégel đề cập đến từ lâu. Các cụ thâm nho và dân dã ở ta cũng “chơi thơ” từ lâu. Có điều, bây giờ vấn đề này được đặt ra với lý thuyết hiện đại gắn liền với cá tính sáng tạo. Nhưng Phạm Tiến Duật cũng cảnh báo các cây bút trẻ: “Chỉ có điều thơ chỉ biết đến thơ mà không biết đến đời thì thơ thua xa một cái máy vi tính”. Đời ở đây mang hàm nghĩa rộng – đời sống nhân sinh, là quan hệ, là chính trị, là tư tưởng, tình cảm,... Nếu người viết vô cảm, phản cảm, nghịch cảm,... thì “thua xa” và còn nguy hiểm hơn cả máy tính nữa.

Có nhiều trường hợp, tình cảnh sáng tác phức tạp, rắc rối,... không đơn giản.

Chẳng hạn, đi thực tế đâu đó phải viết ngay được một sáng tác nào đó. Cản hứng, kỳ vọng,... nằm sâu trong đầu óc, gặp con người, sự vật, hiện tượng thực tế mới bật ra thành hình ảnh, hình tượng trong sáng tác. Vấn đề cũ, rất quen thuộc, được nói giản dị, dễ hiểu, mới mẻ là quan hệ Tình thế và tâm thế với kết luận như chân lý: “Thì hóa ra tình thế văn học lại khởi nguồn từ tâm thế vậy”.

Nguyễn Đình Thi hình tượng hóa Em gái – Quê hương trong Lá đỏ. Tố Hữu cũng từng tâm sự là luôn nghĩ đến những đau thương và anh dũng của đồng bào ở Miền Nam, tức có tâm trạng, có ý đồ nung nấu: “Nhưng đến lúc gặp chuyện chị  Lý thì đó là một hình tượng cụ thể để cho những ý nghĩ, cảm xúc kia trở thành có da có thịt”. Đó là hoàn cảnh viết nên Người con gái Việt Nam [2, tr 306].

Có những vấn đề khó lý giải, rất khó cắt nghĩa, có phong vị “tâm linh” nữa, như những hình ảnh báu vật chộp được, những câu thơ “trời cho”. Nhiều người cầm bút nổi tiếng đã nói điều này. Ma Văn Kháng quan niệm có phút xuất thần, Sơn Tùng nói có lúc viết như tâm linh dẫn dắt, Tố Hữu rất phục mình trong hình ảnh ngẫu hứng về lý tưởng trong bài Từ ấy. Hiện tượng này, Phạm Tiến Duật cũng cho là “có câu thơ hay do người làm mà cũng có câu thơ do ma làm?” và giải thích giây phút thăng hoa, lên đồng là do Gió thổi t vùng vô thức. Nhà lý luận M. Arnaudov đã có công trình Tâm lý học sáng tạo văn học (Văn học, 1978), L.X. Vygoski viết sách Tâm lý học nghệ thuật (Khoa học xã hội, 1981). Nhà thơ chỉ đặt ra một phản đề mới để xem xét thêm về lý thuyết sinh học (bộ não người mới tìm hiểu được 5%) về tư tưởng giáo lý Phật (“Vọng sinh dục, dục sinh thập nhị nhân duyên”) và một vấn đề cần quan tâm: ý thức và vô thức, ý thức tỉnh táo phải có mối quan hệ, và hơn thế, phải kiểm soát vô thức.

Tuy nhiên, nhìn chung cái mới đáng chú ý và là đóng góp quan trọng của tiểu luận là, bên cạnh những giãi bày trải nghiệm, những diễn giải lý luận, bao giờ cũng chèn thêm các bình luận: lời bàn về vận dụng, phát huy và có cả những lời nhắn nhủ, nhắc nhở, cảnh báo và phê phán ở mức độ nhẹ nhàng mà lý thú, sâu sắc. Chỉ đọc vài nhan đề đã đủ hiểu rõ – Siêu thực và siêu vẹo, Tì vết và thơ vụng, Chửi cha không bằng pha tiếng, Hãy coi chừng vẻ đẹp của thanh âm, Truyền thống lười nhác, Cuộc chạy ì ạch của thơ ca…

***

Hình thức mini ngắn gọn, súc tích là một lối viết mới. Có xu hướng của thời công nghiệp hiện đại  là cấu trúc, thiết kế vi mô,  tích hợp đa chức năng (điện thoại thông minh có thêm tính năng quay phim, chụp ảnh,...) và kỹ thuật tinh xảo, tinh vi tối đa (máy truyền hình, máy vi tính cực nhỏ,...). Văn xuôi bên cạnh thể loại thông thường cũng xuất hiện  thể loại truyện cực ngắn khá phổ biến ( 100, 500, 1000 từ,...). Thậm chí đặc biệt siêu  ngắn nữa (6 từ tiếng Anh ). Theo đó, một truyện ngắn có thể có sức nặng bằng  cả cuốn tiểu thuyết buồnFor sale: baby shoes never worn- Bán:giày bé em chưa bao giờ đi: nỗi đau mất đi em bé  được chào đón ra đời; The smallest coffins are the heviatsNhững cỗ quan tài nhỏ nhất lại nặng nhất: nỗi xót xa vì trẻ nhỏ không may lìa đời… ) Có nhu cầu  để đáp ứng nội dung súc tích, tiết kiệm thời gian trong thời buổi xã hội công nghiệp và thông tin công nghệ phát triển.

Tập tiểu luận Vừa làm vừa nghĩ có ý nghĩa như một cuốn Sổ tay nghề văn, thậm chí ở một mức độ nào đó như một Cẩm nang nhỏ giúp giải đáp thắc mắc, khó khăn, túng bí khi hành nghề, khi gặp sự cố. Nhất là các tay bút trẻ cần có một vài kinh nghiệm cần thiết, một vài bí kíp về kỹ thuật, đôi lời khuyên tâm đắc, bổ ích.

Với bạn đọc rộng rãi, với đối tượng mới hành nghề có cách viết nhất quán với mảng phê bình mini (Kim cương bất hoại) là linh hoạt, tươi trẻ, hóm hỉnh... Đây cũng là nét phong cách Phạm Tiến Duật trong cả văn và thơ. Là tiểu luận, nhưng chúng ta lại thấy rất nhẹ nhàng, một số như “bài thơ bằng văn xuôi”. Cảm giác chung là sự thoải mái, vui vẻ khi người đọc tiếp nhận.

Lại thấy gần gũi, thân mật nữa. Bàn luận thật sâu sắc, có những vấn đề hóc búa, cao siêu mà nghe giản dị, dễ hiểu. Đó là do lời nói, giọng nói và thuật dùng chữ nghĩa tài tình. Đặc biệt là đưa khẩu ngữ tự nhiên mà văn hoa vào bình luận.

Dẫn chứng có nhan nhản ở khắp các trang viết. Trong thơ có “ừ” – “Không có kính ừ thì có bụi... Không có kính, ừ thì ướt áo”. Trong văn cũng có nhiều “ừ”, “à”, “ơi”, “ơ kìa”. Có khi ngay trong một bài Tiếng bập môi: “Ơ kìa, trong tác phẩm của mình... Ừ mà cái bập môi này rắc rối... Ừ mà bật hay bập thế nào thì tùy”. Nói bỗ bã, trêu chọc mà khó giận. So sánh nội trợ biết ép khoai còn nhà thơ “có phải lúc nào cũng ép chữ đâu”. Lại nhớ “chân lý... đôi khi có nghiêng về phía những người dẻo mỏ”, “chứ khóc mướn trên thơ thì dễ lộ tẩy lắm”, “Các nhà thơ trẻ của ta râu dài quá”,...

Văn Phạm Tiến Duật mạnh dạn, táo bạo, đôi khi “ngang”, “ngất ngưởng” đáng yêu, gợi được thiện cảm và khâm phục của bạn đọc. Và nhất là gợi ý cùng nghĩ, cùng viết: “Câu chữ thì ngắn, nhưng ký thác thì dài”.

***

Khi ra đi, Phạm Tiến Duật còn biết bao ấp ủ, dự định để viết, và nhất là vẫn hướng vào đam mê sáng tác là chính. Những điều viết trong Vừa làm vừa nghĩ “mới chỉ là giáo đầu”, nhà thơ còn hứa hẹn “có bao nhiêu thú vị nữa”. Nghĩa là, “còn và dài”.

Tiếc thay, tâm sự Gửi bạn đọc văn nghệ trẻ ấy không bao giờ có thể thực hiện được.

Trái tim Xuân Diêu ngừng đập trước ngày nhà thơ lên lớp giảng bài cho các bạn viết trẻ. Phạm Tiến Duật buộc phải  “nhắm mắt, xuôi tay” ra đi, cũng đã lỗi hẹn với Văn nghệ Trẻ, với các đồng nghiệp trẻ tuổi về bao nhiêu điều muốn nói. Tuy nhiên, “Của tin gọi một chút này làm ghi”. Vừa làm vừa nghĩ như tấm lòng chân thật và trí tuệ sáng đẹp để lại, mong được trân trọng và quý mến trong việc tiếp nhận của những người “đồng chí, đồng ý, đồng tình”như ý nguyện của tác giả.

CHÚ THÍCH

(*) PGS .TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Phạm Tiến Duật (2009), Toàn tập, Hội Nhà văn.

[2] Tố Hữu (2009), Toàn tập (tập II), Văn học.

[3] Chế Lan Viên (2009), Toàn tập (tập III, tập IV), Văn học.

Tác giả: Đoàn Trọng Huy

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020