Văn học Việt Nam hiện đại

“CỤ” NGUYỄN, “ÔNG” NGUYỄN – TRI ÂM, TRI KỶ


12-10-2020

Đây là câu chuyện về tình bạn thân thiết của Nguyễn Tuân và Nguyễn Huy Tưởng. Vì là chuyện thân tình, nên người viết đặt nhan đề như danh xưng của bạn văn với nhà văn lớn tuổi Nguyễn Tuân và danh xưng của chính Nguyễn Tuân với Nguyễn Huy Tưởng khi giao lưu thân mật (với người thân cùng trang lứa, hoặc kém tuổi đôi chút, thường “ông ông, tôi tôi”).

Đây là câu chuyện về tình bạn thân thiết của Nguyễn Tuân và Nguyễn Huy Tưởng. Vì là chuyện thân tình, nên người viết  đặt nhan đề như danh xưng của bạn văn với nhà văn lớn tuổi Nguyễn Tuân và danh xưng của chính Nguyễn Tuân với Nguyễn Huy Tưởng khi giao lưu thân mật (với người thân cùng trang lứa, hoặc kém tuổi đôi chút, thường “ông ông, tôi tôi”).

Sinh thời, Nguyễn Tuân là người giao thiệp rộng rãi với cả giới văn nghệ sĩ, bạn bè nhiều không đếm xuể, xưa kia và nay cũng vậy.

Tuy nhiên, bạn thân đến mức thật hiểu nhau, yêu quý nhau cũng không nhiều. Không hẳn chỉ căn cứ vào sự giao tiếp, thư từ, chè chén, thăm hỏi nhau. Mà chủ yếu là sự thông cảm và hòa hợp về tâm hồn qua việc ứng xử, giao lưu, phát biểu và viết về nhau.

Nguyễn Huy Tưởng chính là một trong những người bạn thân thiết có thể nằm ở hàng tri âm, tri kỷ của Nguyễn Tuân.

*

 Nguyễn Tuân và Nguyễn Huy Tưởng đều thuộc lớp người cầm bút trước năm 1945.

Nguyễn Tuân cho in Vang bóng một thời – tập truyện ngắn đã đăng báo từ năm 1939 (Tao Đàn xuất bản năm 1940). Nguyễn Huy Tưởng có Đêm hội Long Trì (1942), Vũ Như Tô (1943), An Tư công chúa (1944).

Thời ấy, Nguyễn Tuân từng giao du với nhiều văn sĩ, trong đó thân tình có Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, mà tình còn ghi trong văn – Chén rượu vĩnh biệt (1939), Một đêm họp đưa ma Phụng (1939).

Nguyễn Huy Tưởng bí mật tham gia tổ chức Văn hóa Cứu quốc từ năm 1943 và thân thiết với Nam Cao, Tô Hoài, Nguyên Hồng từ đó: “Gặp Tô Hoài, tình bằng hữu khăng khít” (Nhật ký 27.1.1995).

Phải đến sau này, hai nhà văn họ Nguyễn  mới gặp nhau, và nhanh chóng thân thiết với nhau. Bởi trước hết, họ đã “đọc” nhau từ lâu. Vì khi gặp nhau, họ đều đóng vai nhà văn – chiến sĩ trong kháng chiến chống Pháp. Ngày giỗ Vũ Trọng Phụng được Văn hóa Cứu quốc tổ chức vào ngày 25/9/1946 do Nguyễn Huy Tưởng chủ trì, có mặt Nguyễn Tuân.

Ngày 3.11.1946, Nguyễn Huy Tưởng dự buổi tiệc trà thân mật, tiễn đưa mấy anh em văn nghệ sĩ đi mặt trận Trung Bộ trong đoàn Nam tiến đầu tiên. Cuộc gặp mặt có cả Tố Hữu, Nguyên Hồng và Nguyễn Tuân – người lên đường mà trước đó “anh ta đã đến tìm mình và có thiện cảm”.

Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng ngày 28/9/1946 ghi một sự kiện quan trọng của tình bạn: “Nguyễn Tuân lên chơi, biếu  một Chùa Đàn… Xem Chùa Đàn. Thán phục văn tài và lòng thành thật của Nguyễn Tuân”.

Nhận ra được lòng thành thật của Nguyễn Tuân là nhờ “con mắt xanh” liên tài, và đặc biệt là “trái tim đỏ” của nhà văn – chiến sĩ tiên phong Nguyễn Huy Tưởng.

Chùa Đàn ca ngợi Lịnh, tức Bá Nhỡ - một hiện thân của người nghệ sĩ “sống, chết” vì nghệ thuật, và cũng là con người say mê với khát vọng lý tưởng mới trong hoạt động quả cảm “tin tưởng vào Cách Mệnh ” (Dựng).

Nguyễn Huy Tưởng hẳn đã đọc kỹ Chùa Đàn với thông điệp luận đề triết lý “tự hủy diệt để  tái sinh” (Hoàng Như Mai, Tác phẩm Chùa Đàn của Nguyễn Tuân). Nhà văn hẳn cũng đọc kỹ Lột xác, và nhất là đọc kỹ “trang đời” của Nguyễn Tuân khi nhà văn đi mặt trận Nam Trung Bộ hồi đầu nổ súng Nam Bộ, rồi sau đó tham gia đoàn kịch Văn hóa kháng chiến của Thế Lữ những ngày kháng chiến toàn quốc. Năm 1947, Nguyễn Tuân làm trưởng đoàn kịch Tiền tuyến của Khu Bốn, rồi năm 1948 lên Việt Bắc dự Đại hội Văn hóa và Hội nghị Văn nghệ toàn quốc, được bầu làm Tổng Thư ký.

Nguyễn Tuân thực sự đã đi trên Đường vui (1949) và thấm thía Tình chiến dịch (1958). Chính vì vậy, Nguyễn Huy Tưởng là một trong hai người giới thiệu Nguyễn Tuân vào Đảng (Lễ kết nạp 8/4/1950). Nguyễn Huy Tưởng ghi tên vào lý lịch Đảng của Nguyễn Tuân, tức tin tưởng tuyệt đối, chẳng khác như đánh cược đời mình vào đời bạn. Tình bạn – lúc này – đã chuyển sang tình đồng chí.

Trong thời kháng chiến, hai người thỉnh thoảng có gặp nhau, và cũng thường thư từ với nhau.

Nguyễn Tuân đồng cảm chuyện Nguyễn Huy Tưởng bức xúc về sáng tác và chuyện vợ con còn kẹt trong thành, chưa ra ngoài tản cư được. Năm 1949, nhà văn tặng Nguyễn Huy Tưởng quyển sổ tay với lời ghi hóm hỉnh, vừa cảm thông, vừa khích lệ bạn:

“Biếu anh bạn khủng hoảng “sáng tác”, để anh giải quyết “sinh lý” lên tập giấy trinh tiết này – những lúc đêm dài tha thẩn một mình với bóng” (theo tài liệu Nguyễn Huy Thắng trong bài viết hồi ức về Nguyễn Tuân).

Thư từ họ viết động viên nhau chân tình. Ngày 25/10/1950, Nguyễn Huy Tưởng ghi Nhật ký “Đọc thư Thi  Bạch sôi nổi việc viết” (Bạch tức Nguyễn Tuân). Ngày 28/1/1951, ghi: “Thư Tuân, Xuân Diệu, Thế Lữ rất nhiều cảm tình với mình”. Đặc biệt quý giá là những tình cảm với nhau khi đang trên đường công tác, hoặc đang theo bộ đội đi chiến dịch qua những lá thư cuả giao thông, liên lạc

**

Nguyễn Tuân đã viết về những người bạn văn của mình. Riêng bạn thân còn giao du thân thiết. Nguyễn Huy Tưởng là hai bài, bởi lẽ ngoài tác phẩm chính còn kịch bản phim. Tô Hoài thì ghép truyện và xênariô (sénario) làm một (Đọc và xem A Phủ).

Nguyễn Tuân đọc Sống mãi với Thủ đô một cách đặc biệt.

Đây là bài phê bình kiêm tùy bút về Thủ đô Hà Nội xưa và nay. Nói Hà Nội của Nguyễn Huy Tưởng vừa phải, nhưng nói về nhãn quan và cảm nhận của Nguyễn Tuân khá nhiều. Đây là dịp để ông khoe kiến thức về lịch sử, văn hóa Hà Nội: “Tôi không thể không đọc Sống mãi với Thủ đô (…) mà lại không tưởng tượng miên man đến ngọn thành, dãy thành thủ đô Thăng Long cũ” [ 2(3), tr 303].

Nhà sử học Nguyễn Tuân đã ghi lại 5 cuộc nội loạn và 9 cuộc xâm lăng lấy Thăng Long và Hà Nội làm chiến trường, đặc biệt xoáy vào chuyện xây thành và phá thành vào thời của Gia Long.

Lịch sử tội ác ghi rõ: “Ngày 23 tháng 7 năm 1893, Pháp ra nghị định phá thành Hà Nội (…). Ngày rằm tháng hai 1894, Toàn quyền ký với Tây Ba – danh hợp đồng phá thành, trả công cho Ba – danh 6 vạn đồng bạc con gái hoa xòe (…)” – nhát cuốc đầu tiên đã bổ vào chân thành một buổi sớm mùa thu 10 – 8 – 1894”. Vậy là nước mất, thành tan, mở ra một trang sử bi thảm. May mà còn giữ được một cổng thành, Cửa Bắc, trên đó nứt toác đạn đại bác như dấu tích lịch sử.

Lan man, nhà văn giàu hoài niệm “kể chuyện cổ tích Hà Nội”. Từ Tràng Tiền, đến Tràng Thi, Cửa Đông, Tô Lịch, Văn Miếu… Nổi lên đặc biệt là hoài niệm phố phường với bao ngõ ngách của tâm tư !

 “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời” (Người Hà Nội, Nguyễn Đình Thi), gợi nhớ bao khói lửa quá khứ. Từ “khói đốt cung phủ chúa Trịnh” đến “khói lò đúc tiền”, tức là khói tội ác, rồi đến “khói cháy kho thuốc súng” của quan Tổng đốc  Hoàng Diệu thất thủ thành Hà Nội. Rồi những đám khói đuốc ban đêm bạt chân thành Hà Nội đều là những lưả khói bi ai của một thời lịch sử.

Sau tiếp quản Thủ đô năm 1959, Nguyễn Tuân “càng nhớ Thủ đô một cách day dứt”. Đặc biệt là hoài niệm phố cũ Hà Nội, những di tích cổ xưa, những dấu vết của lịch sử  văn hóa.

Trong lòng người Hà Nội hôm nay vẫn còn tiếng đồng hồ vọng: “trái tim của Hà Nội cùng đập theo tiếng đục tường” trong tiểu thuyết của Nguyễn Huy Tưởng. Tiếng đục tường nhà, cùng với tiếng phá máy điện giữa mùa đông 1946. Hà Nội của Nguyễn Huy Tưởng đánh nhau với Pháp “trong lòng phố cũ” năm 1946 – 1947. Hà Nội đó ngày nay đã quang đi rồi những ụ, những chướng ngại vật giữa phố và ngã ba, ngã tư, ngã năm. Đã bít lại rồi, quét vôi lại rồi những lỗ đục tường. Cái hồ Hà Nội nay không còn cảnh hồ thủ đô Hà Nội nổ súng cắt điện, nổi lửa năm xưa.

Đây là cảnh một đêm hồ trong tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô:

“… Súng im một lúc rồi lại nổi lên như mưa, lại đổ xuống sau một khoảnh khắc yên tĩnh. Hồ Gươm nằm rúi rui trong bóng tối Trần Văn, chỉ cảm thấy mà thôi, như một bài thơ thuộc lòng từ thuở bé mà mình nhớ ra, với tất cả cái âm hưởng của điệu nhạc và cái dư vị của thời đã qua. Bên kia bờ Hàng Trống, đen như làng xóm trong đêm khuya. Nhưng nước hồ bên này thì rực lên vài mảng đỏ ngầu, sóng lăn tăn (…) Nơi quen thuộc này chỉ còn là một cái gì rộng rộng, trống trống, lành lạnh mà gió thổi nhiều, dật dờ bốn phía”. Rồi tiếng reo hò của trận đánh, tiếng súng và tiếng lựu đạn nổ… Một cái cột đèn đổ… một cái cây bị ngã chắn ngang đường … “ Tất cả những cái đó, nếu văn chương không có dịp ghi lạidựng lên, thì còn ai biết đấy là đâu. Cảnh còn lại chỉ có nghĩa khi nó có cái tình để lại qua sự, qua việc được ký tạo lại” [2(3), tr 325].

Đó là cái tình chung của cả các nhà văn, trong đó có hai nhà văn gạo cội gốc Hà Nội – Nguyễn Tuân và Nguyễn Huy Tưởng.

Hãy nghe sự cắt nghĩa đầy thuyết phục này – “thành phố của tôi – một cái thành phố bậc nhất của Tổ quốc. Nó có cái phong độ đặc sắc của nó với tất cả những ưu điểm, khuyết điểm của những con người của nó, nó có những thói quen phố phường của nó, nó có những thói tục, những tập truyền của nó, nó có những tang hải hưng vong riêng của nó, nó có khí hậu riêng biệt của nó, tóm lại là cái tâm hồn của nó” [2(3), tr 327].

Đọc Sống mãi với Thủ đô của nhà văn lão thành, thấy quý tác giả của nó đã gây lại được phần nào cái khí hậu, cái khí tượng của Hà Nội cũ. Nguyễn Tuân còn nhắc đến hai vở kịch, một tiểu thuyết và một kịch bản phim truyện về đề tài
Thủ đô: “Bốn tác phẩm kịch nói, kịch phim, truyện dài đều bừng bừng cháy theo lên cái tính của một con người văn sĩ ở Thủ đô” [2(3), tr 327].

Vậy là, việc ca ngợi cảm hứng lịch sử Thăng Long – Hà Nội của Nguyễn Huy Tưởng cũng là một dịp thể hiện chính cái tình của người văn sĩ thủ đô Nguyễn Tuân. Ta nhớ Nguyễn Tuân từng có đến mươi tác phẩm xưa nay đều viết về đề tài này, từ Làng hoa, Con hồ thủ đô đến Thăng Long cầu mới 15 nhịp, Hà Nội ta diệt B52, đến Đám cưới giữa trận địa pháo, và nhất là tập ký nổi tiếng Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi.

Viết Lũy hoa, nhà văn Nguyễn Tuân muốn khẳng định thêm một tài năng mới của Nguyễn Huy Tưởng. Đó là viết kịch phim hay xênario (sénario) điện ảnh. Khen những hình, những họa, những khắc qua những cắt cảnh, đoạn dựng… nghệ sĩ Nguyễn Tuân lại được một phen chia sẻ thích thú về tài hoa của mình.

Nhà văn cũng từng đóng phim thời xưa (Cánh đồng ma ở Hongkong) và nay (Chị Dậu của Ngô Tất Tố, đạo diễn Phạm Đăng Khoa).

Quả tình, viết Lũy hoa là một quá trình chạy nước rút trong trận chiến bệnh tật tại bệnh viện.

Hai người bạn văn trao đổi với nhau về tác phẩm, về nghệ thuật kịch phim ngay trong phòng bệnh.

Có những băn khoăn, trăn trở của cả hai, nhất là của tác giả. Nguyễn Tuân, tự nhận mình là một người tích cực trong số những người động viên Nguyễn Huy Tưởng viết Lũy hoa. Kể cả các cảnh dựng phim, Nguyễn Tuân cũng chen vào: “Ông cứ viết đi. Lúc cần quay tôi xin đóng một vai. Ông là một người Hà Nội, ông làm phim về đề tài Hà Nội, bảo vệ Thủ đô, tôi là một người của Hà Nội, tôi cũng có cái thích thú muốn đóng một vai trong đó”. Và, Nguyễn Tuân chọn sẽ chơi “ông già phú sang” – tức ông già Hoa kiều bán lạc rang. Nghe bạn nói, Nguyễn Huy Tưởng mỉm cười, và sau đó là tác phẩm viết xong bản thảo.

Nhược điểm của kịch phim là nhiều sự việc mà nhẹ về chân dung. Tuy nhiên, cả hai nhà văn đều cho rằng, còn nhờ tài năng biến báo của người đạo diễn.

Cái chính là, Lũy hoa giàu chất tạo hình, và cũng đượm hương thơ – “một nhịp thơ trữ tình hòa vào cái chất thê tráng”. Những mảng dựng sẽ dựng lên ngồn ngộn sinh động những đám đông dân chúng, và chiếu rõ sự việc, đậm sắc thái năm đầu kháng chiến của Thủ đô.

Nhiều trích đoạn Lũy hoa thể hiện tài năng về “nghệ thuật thứ 7” – (điện ảnh) của cây bút văn xuôi. Đây là một cảnh tượng đám đông tản cư tập trung ở đình Phất Lộc:

“Tiếng trẻ khóc. Tiếng súng chốc chốc lại nổi lên (…) Trong cái đình cũ kỹ, người chật ních (…). Những cây nến đỏ giá cờ quạt  lổng chổng… Trước bàn thờ, một khẩu hiệu Tản cư là yêu nước viết tay.

Hai bên gian đình xây thành bệ cao, mỗi gia đình trong một cái ô nhỏ, gia đình nọ ngăn với gia đình kia bằng những dãy, những cặp, những vali, những bọc gói lớn, gói nhỏ. Trên đầu mọi người, treo la liệt các thứ quần áo, tã lót (…). Nhiều người chạy tháo thân, chẳng đem được gì, chỉ có bộ quần áo đang mặc. Người pijama choàng ba – đờ – xuy, người quốc phục không khăn, người quần áo diện như sắp đi chơi, người chân giày, chân dép, người phụ nữ đi giày đàn ông (…) nhiều bọc, nhiều gói, có cả đồng hồ, có cả xe đạp”.

Có lời bình luận ngoại đề: “Đây là Hà Nội thu hẹp lại. Hà Nội lầm than. Hà Nội lao động. Hà Nội phù hoa”. Đó là sự hiện hình của chị nhà thổ, anh nghiện, người thầy bói đeo kính đen, gã lưu manh răng vàng,chàng  kép cải lương, cô gái cấm cung, ông già đạo mạo. Thật hỗn độn, nhốn nháo…

Nguyễn Tuân bình luận về cái phong phú, sinh động, hỗn tạp của cảnh tượng đám đông như tái hiện lịch sử, tái hiện con người cho ống kính máy quay.

Và ông tiếp tục luận đàm với nhà đạo diễn điện ảnh tương lai về những cảnh, những thứ khối, thứ hình rất quý giá của phố cổ Hà Nội: “Trong khói, vẫn thấp thoáng những chậu rau và cành đào”, “chớp đại bác làm lóe lên chất đồng bạch dập phù hiệu Tháp Rùa”… và cả những hàng chữ viết bằng than đen: Hẹn ngày về lấy lại Thủ đôCảnh giành giật từng giọt nước giếng trong khói bụi mù mịt của mooc – chi – ê, cảnh chia ly trong lòng ngõ, trong lòng phố đầy nước mắt.

Và cuộc ra đi vừa như một quyết tâm, vừa như một lưu luyến không dứt: “Đây là con ngõ cuối cùng. Đây là bắt đầu của một cuộc trường chinh”.

Khen sênario chủ yếu là khen tác giả của nó đã gây được không khí cho thủ đô sống mãi.

Nhưng cái chính là để khen cái tâm đã làm nên cái tài. Đây chính là sự tiếp nối dư vị của hơi văn Vũ Như Tô: “Và phải là một người thiết tha về Hà Nội kháng chiến mới dựng lên, mới ghi được những góc phố, những lòng ngõ như thế. Phải là một người yêu Hà Nội như Nguyễn Huy Tưởng, yêu đất nước, yêu cuộc chiến đấu anh dũng của thủ đô với cái Trung đoàn đáng mến của nó, phải là một nhà văn hăng say với đề tài chiến đấu hôm qua với đề tài kiến thiết thủ đô hôm nay, say với nhân vật mình thì mới gây được không khí cho bài ca Lũy hoa”.

Nhật ký (3 tập) của Nguyễn Huy Tưởng có ghi lại nhiều quan hệ và tình cảm với Nguyễn Tuân. Qua đó là một tình cảm ngày càng gắn bó với nhau. Đặc biệt là trong hoàn cảnh những năm có những trăn trở, bức xúc trong tâm tư của cả hai. Họ từng dạo phố, trao đổi tâm tình và cùng có mặt trong những cuộc họp bàn, hội nghị đấu tranh sát phạt về tư tưởng, chính kiến.

Nhật ký ngày 15/12/1956 ghi lại cuộc họp chi bộ Văn nghệ để thảo luận về Nhân văn: “(…) Mình tỏ ý thương anh em Nhân văn (Chuế quá…). Buổi tối, Tuân đến nói không nên xìu đi. Lúc này càng phải hăng hái. Thực ra, mình cũng đang sút tinh thần. Sáng hôm sau, chủ nhật, hai bạn văn đi chơi với nhau với tâm tình, và khát vọng chung: mong một cuộc đời bình thường! Rồi tự nhiên họ gắn kết với nhau trong một cuộc thử thách cam go, khi nghĩ rằng bị cho là phe hữu”.

Nguyễn Huy Tưởng có suy nghĩ chính xác, thấy rõ cái hạn chế của chính sách trí thức: không đề cao, còn nặng thành kiến: “Nhân tài đều tập trung ở miền Bắc. Những người văn nghệ sĩ ưu tú: Nguyễn Tuân, Xuân Khoát, Văn Cao, Thế Lữ, Trần Văn Cẩn,… những người trí thức quan trọng: Trần Đức Thảo,…”.

Tình hình bất lợi, căng thẳng.

Nhật ký ghi lại tinh thần một hội nghị Văn nghệ Trung ương: “Nêu hai trường hợp mình về Tuân. Nói là những cây đa, cây đề, tập hợp chung quanh những phần tử xấu” (21/8/1957). Nguy hiểm hơn là “Sẽ mở một chiến dịch, gọi là chống Tuân, lui Tưởng” (1/1/1956). Nhưng tình hình thực tế là: “Nổi lên những hình ảnh tả khuynh (…) Đâu đâu cũng là địch (…) Cả đến série (loạt)”. Kết quả là: “Sau hội nghị: dễ tả khuynh, dễ hẹp hòi, dễ thô bạo. Cấm nhiều thứ” (Tháng giêng và nửa tháng 2 (1958)).

Sự thật lịch sử đã chứng minh rằng, Nguyễn Tuân và Nguyễn Huy Tưởng là hai nhà văn có nhân cách, trung thực, thẳng thắn và vững vàng trong đấu tranh tư tưởng.Tuy nhiên  cả hai bị hiểu sai và bị hàm oan. Họ chịu nhiều áp lực khi không “đánh” Nhân văn. Họ thông cảm nhau, dựa vào nhau để lấy sức mạnh tinh thần, và giữ vững tiếng nói chân chính, đúng mực.

Vậy là, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Tuân đã từng chung lưng đấu trí với nhau. Rất quý, giữa  lúc tình bạn văn nghệ sĩ  nói chung đang xáo động.

Phong trào Nhân văn – Giai phẩm như một hiện tượng lịch sử đã khép lại.

Rồi đây, lịch sử văn học sẽ có tiếng nói đánh giá khách quan, khoa học, công khai, chính thức.

Từ sau Đổi mới, hầu như tuyệt đại bộ phận thành viên số  tham gia tích cực đều được phục hồi và được tặng giải thưởng danh giá (Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh).

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào ngày 22/2/2007, nhà thơ Hoàng Cầm cho rằng, sau gần 50 năm, vụ Nhân văn – Giai phẩm đã “được giải tỏa”. Lê Đạt cũng trả lời trên báo vietnam.net dẫn lời Đỗ Chu  phát biểu: “Có thể đây là lời xin lỗi của anh em đối với các anh”. Lê Đạt xác nhận: “Giải thưởng này là cử chỉ đẹp, cho dù là muộn, nhưng muộn còn hơn không”.

Phong trào Nhân văn – Giai phẩm có cái hạt nhân “duy lý” là sự đòi hỏi tự do dân chủ, nhất là sau khi đã xảy ra sai lầm trong Cải cách ruộng đất. Đây cũng là suy nghĩ của Nguyễn Huy Tưởng.Cái đáng tiếc là xu hướng khuynh tả như Nguyễn Huy Tửởng từng nghĩ: đòi hỏi có phần quá đáng và quá trớn nguy hiểm, răn đe có phần quá lời và cả quá tay ?

Có những cuộc giao du nhóm đôi, nhóm ba thân thiết với nhau mà có ít người biết. Nguyễn Huy Tưởng hay rủ bè bạn về thăm quê Dục Tú, Đông Anh ngày lễ, Tết, hội hè.

Có lần, bộ ba về quê, cùng Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Tuân đã hào hứng vào chuyện: “Các anh chưa biết đường tiến quân của Đô đốc Bảo sau khi đánh tan cả vạn quân Thanh ở Đầm Mực rồi tiến ra Đống Đa. Thế thì cánh quân Đô đốc Bảo phải vu hồi lên Kim Giang, Kim Lũ, rồi tập kết ở làng Kẻ Mọc chúng tôi chứ?”. Nguyễn Huy Tưởng tự hào về quê hương, Nguyễn Tuân cũng “vơ vào” sử liệu để làm vẻ vang quê mình.

Nguyễn Tuân thường dạo bộ phố Hà Nội cùng Nguyễn Huy Tưởng, và đó là cách thư giãn, tâm tình của cả hai. Có lần, Nguyễn Tuân bàn về cái chết qua Thơ thần chết và cô gái của Gorki, Xe bò của thần chết và anh say rượu của nữ sĩ Selma Lagerdoff, rồi hình sọ dừa Hamlet của Shakespeare thì Nguyễn Huy Tưởng đưa ra câu cuả Lỗ Tấn: “Người chết chỉ thật là chết khi nào hoàn toàn không còn sống trong lòng người sống nữa”. Nguyễn Tuân khoe lại bài thơ Tây Ban Nha Viết tức là chiến thắng cái chết. Xen đoạn hồi ức này vào bài viết Lũy hoa, Nguyễn Tuân ngầm ca ngợi hy vọng vượt qua bệnh nan y, khát vọng thiết tha sống và viết của bạn văn Nguyễn Huy Tưởng.

Giữa hai người còn bộc lộ một tình yêu say đắm, trong đó gắn bó máu thịt tâm hồn về nỗi niềm riêng – chung: “cái tình với chiến sĩ và Trung đàon Thủ đô của Nguyễn Tuân, tuyệt nhiên, không phải ngẫu nhiên (…) Người con trai lớn của Nguyễn Tuân đã là một trong những chỉ huy đầu tiên của đơn vị từ sáu mươi ngày đêm chiến đấu trong lòng Hà Nội ở Liên khu I. Có khi đi chơi với Nguyễn Tuân và Xuân Trường, người con trai ấy bây giờ là một tướng lĩnh trong quân đội. Chúng tôi về quê Nguyễn Huy Tưởng ở Dục Tú. Ba cái xe đạp thong dong sang Đông Anh” (Tô Hoài, Cát bụi chân ai, Hội Nhà văn, 2000).

Thế đó, hai bạn văn, gắn bó sâu sắc, thủy chung vì quý mến nhau thật sự; chia ngọt sẻ bùi; chung lưng đấu sức, hợp tác về đạo và về đời, vì lý tưởng cao cả của nhà văn – nghệ sĩ tài hoa rất thức thời:

“Túc trực bên cữu anh bạn không may, nước mắt tôi giọt xuống nhiều nhất là lúc chuyển tới bên bàn thờ một vòng hoa của Trung đoàn Thủ đô”.

Đó chính là những giọt nước mắt khóc bạn và khóc các chiến sĩ nữa – những giọt nước mắt như những giọt máu của tâm hồn.

***

Một chuyện rất nhỏ trong đời thường mà ý nghĩa thật lớn lao.

Người mẹ dẫn con tới thăm một người bạn văn của người chồng quá cố sau gần 20 năm. Đó là bà Trịnh Thị Uyên – vợ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (đã mất từ năm 1960) đưa con đến chào bác Nguyễn Tuân khi Nguyễn Huy Thắng tốt nghiệp đại học ở Rumani về, vào một ngày tháng 8/1978.

Đây là một bà mẹ lớn. Bà giữ nề nếp, gia giáo xưa để dạy con sớm đến chào một bậc trưởng lão làng văn, vốn là bạn viết thân thiết của cha. Cũng là để giữ mối dây thân tình giữa hai người bạn đã âm dương cách trở. Nguyễn Tuân – nhà văn lớn như lớn thêm, và làm đẹp thêm mối thâm tình với bạn văn đã đi xa, bằng cách nói thân mật  gần gũi, như đi ngược lại thời son trẻ, khi đề tặng sách Sông Đà (tái bản) cho đứa con trai duy nhất của bạn: “Chủ nhật 8/11/1978 – tặng “thằng” Huy Thắng – Nguyễn Tuân”.Và rồi  lại ghi thêm mấy chữ: “Hà Nội, nó về được hai ngày”. Thêm  chữ là thêm  tình, và cũng là để tôn cả hai mẹ con lên.

Bởi, trong câu chuyện, ông cứ hỏi đi hỏi lại Thắng: “Mới về à? Mới có hai ngày à?”. Mẹ đưa cháu đi thăm bác ngay, cháu sớm đến thăm bác thực sự đã làm bác cảm động. “Thằng” Thắng nay đàng hoàng, chững chạc, ngày nào còn nhớ khi anh em được mẹ dẫn thăm bác, đã được ăn kẹo ngon, nay cảm kích nhận được sách và lời tặng như tấm lòng thắm thiết của bác, cũng như nhận được một trang sống đẹp của bác.

Để 20 năm sau ngày bác ra đi, nhà văn trẻ con nhà nòi đã viết những dòng tâm huyết gửi theo những  hương hồn: Chuyện ít biết về cha tôi – nhà văn  Nguyễn Huy Tưởng và bác Nguyễn Tuân” với những dòng kết đầy tự hào: “tôi, con trai duy nhất của người bạn thân của bác – nhà văn Nguyễn Huy Tưởng”.

Câu chuyện nhỏ đời thường, mà làm hiện lên tất cả những tâm hồn lớn.

Mở đầu bài viết trên báo Tiền phongnhà văn Nguyễn Huy Thắng đã khiêm tốn đặt ra một sự đắn đo thận trọng: “Khó có thể gói gọn trong một từ, bác Nguyễn Tuân với cha tôi (nhà văn Nguyễn Huy Tưởng) có phải là những người bạn thân không”. Nhưng câu kết, thì đã là một khẳng định: “Vậy là, bác đã cảm động vì tôi đã sớm lên thăm bác, tôi, con trai duy nhất của người bạn thân của bác nhà văn Nguyễn Huy Tưởng…”.

Để kết luận lại bài viết này, xin được khẳng định quan hệ tình cảm ấy còn hơn cả bạn thân.Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân là hai nhà văn – chiến sĩ tài hoa tầm cỡ nhà văn hoá.Cả hai kinh qua lãnh đạo văn nghệ từ địa phương tới Trung ương ,từng chung lưng đấu cật cho phong trào với bao công lao.Họ từng giao lưu, giao cảm thân tình, mật thiết.

Đây là đôi bạn hiền thuộc “thế giới người hiền”. Hai người bạn “sống chết” có nhau trên cùng chiến tuyến – mặt trận văn nghệ, văn hóa, mà giờ đây còn yêu mến, khâm phục và tin cậy lẫn nhau để tạo thành cả linh hồn cao quý của một tình bạn bất hủ sống mãi đủ sức tỏa rực ánh sáng nhân sinh cho hậu thế./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Huy Thắng (2007), Chuyện ít biết về cha tôi – nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Tuân, http://www.vietbao.vn4/11/2007.

[2] Nguyễn Tuân (2005), Tuyển tập (1, 2, 3), Văn học.

[3] Nguyễn Huy Tưởng (2016), Nhật ký (1, 2, 3), Kim Đồng.

Tác giả: Đoàn Trọng Huy

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020