Văn học Việt Nam hiện đại

DẤU ẤN HÀO HÙNG THI TƯỚNG RỪNG XANH CỦA HUỲNH VĂN NGHỆ


12-10-2020

Huỳnh Văn Nghệ được tặng biệt danh là “thi tướng rừng xanh”, cũng được gọi là Võ tướng – Thi nhân, hoặc như nhà thơ tự nhận, là “người... mài gươm, múa bút”. Quả là một chân dung rất đẹp “văn võ kiêm toàn”.

Huỳnh Văn Nghệ được tặng biệt danh là “thi tướng rừng xanh”, cũng được gọi là Võ tướng – Thi nhân, hoặc như nhà thơ tự nhận, là “người... mài gươm, múa bút”. Quả là một chân dung rất đẹp “văn võ kiêm toàn”.

Đất Đồng Nai “địa linh nhân kiệt” đã sản sinh ra bốn nhà văn tài danh, mà có tới ba người được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật – Huỳnh Văn Nghệ, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn.

Huỳnh Văn Nghệ sớm đến với cách mạng, trở thành thế hệ nhà văn cách mạng đầu tiên của miền Nam và của đất nước, có một sự nghiệp văn thơ rất đáng trân trọng.

I/ CUỘC ĐỜI CHIẾN SĨ – THI SĨ HÀO HÙNG

Huỳnh Văn Nghệ (1914 – 1977) quê gốc tại làng Tân Tịch, tổng Chánh Mỹ Hạ, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

          Ông xuất thân trong một gia đình nhà nông nghèo nhưng có chí học hành, và thành đạt với tấm bằng Thành chung để đi làm một viên chức nhỏ ngành hoả xa. Trên xe lửa (1935) là một trong sáng tác đầu đời vào lúc còn ôm mộng văn chương. Tâm hồn lãng mạn, thể hiện tâm trạng tìm đường và chí vượt thoát của chàng thanh niên nồng nhiệt, ưa phóng khoáng, thích tự do nhưng có phần còn chông chênh trong lựa chọn hướng đi và đích tới: “Vừa vụt đi không biết sẽ đến đâuCứ gầm thét, chiếc xe đâm đầu chạy...

Tầm hồn ấy qua thơ, như bạn văn thân thiết nhận xét, vẫn còn nét lãng mạn, nhưng đã thể hiện được cốt cách mạnh mẽ, nồng nàn.

Chàng trai trẻ tuổi chịu ảnh hưởng của một gia đình nghèo tiền bạc, của cải nhưng giàu lòng yêu nước, thương đồng bào. Chính vì vậy, khi được giác ngộ, anh đã quyết dấn thân vào những hoạt động đầy gian nan, hiểm nguy.

1/ Tham gia cách mạng và sự nghiệp quân sự

Huỳnh Văn Nghệ tham gia phong trào Đông Dương đại hội ở Sở xe lửa Sài Gòn. Sau Nam Kỳ khởi nghĩa thất bại (1940), các nghĩa quân cách mạng rút về rừng Tân Uyên, ông tham gia tiếp tế đạn dược, lương thực và thuốc men.

Đến năm 1942, bị lộ, Huỳnh Văn Nghệ phải trốn sang Thái Lan, hoạt động trong phong trào kiều bào yêu nước. Tại đây, ông tổ chức xuất bản báo Hồn cố hương để tuyên truyền cho kiều bào hướng về Tổ quốc, ủng hộ cách mạng.

Thời kỳ này, các sáng tác là tâm huyết của một kẻ tha hương buộc lòng phải tạm xa xứ sở. Bến cũ ghi đề tặng kiều bào ở hải ngoại, Tha hương có đề tựa Kính tặng các bậc ái quốc lão thành tôi đã được gặp những ngày ở Vọng Các (Bangkok).

Năm 1944, Huỳnh Văn Nghệ về nước, bắt liên lạc với cách mạng, được Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ Trần Văn Giàu phân công lập căn cứ Đất Cuốc tại Tân Uyên.

Tháng 8 năm 1945, Huỳnh Văn Nghệ trực tiếp chỉ huy nhân dân cướp chính quyền ở Biên Hoà, bắt sống Tỉnh trưởng và Cảnh sát trưởng, giải phóng các bạn tù chính trị.

Nam Bộ nổ súng kháng chiến, Huỳnh Văn Nghệ được bổ nhiệm làm Cố vấn Uỷ ban Kháng chiến miền Đông. Ông tham gia chiến đấu tại các mặt trận Sài Gòn, Chợ Lớn.

Sau đó, ông tham gia tổ chức giải phóng quân Biên Hoà, trực tiếp làm Chỉ huy trưởng và xây dựng Khu căn cứ Tân Uyên làm vị trí phòng ngự chiến lược.

 Từ 1946 và những năm kháng chiến chống Pháp. Đây là thời gian hoạt động, chiến đấu oanh liệt của Huỳnh Văn Nghệ.

Có thể nói, từ đây ông chính thức tạo dựng sự nghiệp nhà quân sự trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Cuối năm 1945, Nguyễn Bình được Xứ uỷ giao nhiệm vụ làm Khu trưởng Khu 7, tổng hành dinh đóng ở Lạc An, Tân Uyên, Biên Hoà (nay thuộc tỉnh Bình Dương). Ngày 20/1/1948, ông được phong quân hàm Trung tướng và được cử làm Tư lệnh bộ đội Nam Bộ.

Có mối lương duyên đồng chí, đồng đội giữa hai nhà quân sự tài năng, vũ dũng Nguyễn Bình và Huỳnh Văn Nghệ.

Nguyễn Bình ở chiến khu D, trực tiếp chỉ đạo chiến đấu. Không lâu sau đó, Huỳnh Văn Nghệ được cử làm Tư lệnh khu miền Đông (Quân khu 7) thay Nguyễn Bình. Năm 1950, khi sáp nhập Sài Gòn – Chợ Lớn vào Quân khu 7, Huỳnh Văn Nghệ được giữ chức Phó Tư lệnh Khu 7. Rồi sau đó là Uỷ viên thường vụ Tỉnh uỷ, kiêm Tỉnh đội trưởng Thủ Biên (Thủ Dầu Một, Biên Hoà sáp nhập).

Từ khi nhận nhiệm vụ mới, nhà chỉ huy mưu lược, tài trí, quả cảm Huỳnh Văn Nghệ đã lập nên các chiến công xuất sắc thể hiện ở tầm chiến lược như xây dựng căn cứ (có thể tiến đánh, có thể rút lui, bảo toàn lực lượng), và nhiều chiến thuật tác chiến có ảnh hưởng lớn đến cuộc kháng chiến vùng miền.

Thâu tóm lại, Huỳnh Văn Nghệ có các thành tích như chiến công lớn  sau đây:

-                 Chiến thắng Là Ngà (3/1948) – thắng lợi vang dội vì là trận đánh giao thông chiến lớn nhất Nam Bộ. Đơn vị được nhận  Huân chương chiến công.

-                 Trận diệt hệ thống  tháp canh De La Tour – phá huỷ 30 tháp canh trong 1 đêm, giải quyết một bế tắc chiến thuật  quan trọng cho toàn mặt trận.

-                 Đánh diệt Chi khu Trảng Bàng (1951), đập tan bàn đạp tiến công của địch vào chiến khu D. Đây là trận đánh đầu tiên tiêu diệt một Trung đoàn bộ binh của địch.

Từ đó là sự tiếp  nối liên hệ  căn cứ địa với hành lang chiến lược rộng lớn toàn miền.

Tháng 5/1953, Huỳnh Văn Nghệ được điều ra Bắc học tập, tiếp tục làm Cục phó Cục Quân huấn thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Sau đó, ông giữ chức Tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp.

Năm 1965, ông được điều động trở lại Nam Bộ, và giữ nhiều chức vụ trong Trung ương cục miền Nam.

Từ sau ngày thống nhất, Huỳnh Văn Nghệ giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp miền Nam, rồi Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp cho đến khi mất.

2/ Văn nghiệp Huỳnh Văn Nghệ

 Ông có một văn nghiệp đáng nể trọng cùng  một võ nghiệp vẻ vang.  Đây là hai hoạt động song hành – cầm gươm và cầm bút. Có thể tạm ước lệ như sau:

-                 Thời múa bút, mài gươm: những năm từ 1935 đến trước 1945.

Chịu ảnh hưởng của phong trào văn học lãng mạn 1930 – 1945, Huỳnh Văn Nghệ có quen với nhà thơ Đông Hồ và gửi đăng một số bài thơ trên mục Nguồn thơ của Tuần báo do Đông Hồ làm chủ bút. Đó là những bài thơ về tình yêu: Xé nát thơ tình (Số 26ngày 21/8/1935), Trăng tàn trên sông (Số 27, ngày 28/8/1935), Em không muốn (số 30, tháng 9/1935). Thơ có khuynh hướng xã hội : Cảnh nước lụt ở làng quê (Số 25, ngày 7/8/1935) .

Từ đó tới khoảng 1940, Huỳnh Văn Nghệ với bút danh Huỳnh Văn còn có thơ văn đăng rải rác trên báo tiếng Pháp L’ impartial (Công minh) ở Sài Gòn. Thực chất, đây chính là cuộc thử bút đầu đời.

Khoảng năm 1948, Đông Hồ cho ra tờ nhật báo Ánh sáng có phụ trương “Ánh sáng Văn chương”. Một kỳ xuất hiện trên trang này bài Chiếc lá Thị thành của Mộng Tuyết. Mấy tuần sau, có bài thơ “đáp từ” Lá thu rừng của Huỳnh Văn Nghệ (Ánh sáng Văn chương ngày 9/10/1948).

Nhiều bài thơ trong thời gian này được đăng trong bản Thơ Đồng Nai (Tiếng rừng, 1949). Đáng chú ý, Những bài thơ khác [5] có Đám ma nghèo (1938) tả một cảnh thê thảm, đau xót rất tội nghiệp, thể hiện lòng yêu thương sâu sắc những phận người bất hạnh, khổ cực thời bấy giờ: Một đám ma không một người tiễn biệt, trừ bốn người khiêng quan tài ra nghĩa địa. Người vợ ôm con gào khóc cùng hai đứa bé trẻ dại, và một Bầy chó theo sủa mãi đám m côi!”.

-                 Thời vung gươm, vung bút: mạnh mẽ nhất là trong những năm Cách mạng và kháng chiến chống Pháp.

Vốn ôm mộng trở thành thi sĩ, nhưng chàng thanh niên thức thời đã phải chọn một quyết định lớn trong đời. Yêu nước, thương đồng bào, còn “nặng nợ trần ai”: “Chung số phận cùng em, bao Thi sĩ/Mộng Đài Trăng gác lại để thương người  (Lời Chim, 1945)

Đã tham gia hoạt động cách mạng là tự nguyện dấn thân vào trận chiến. Trước đó, trong Thư cho Lan (1944) (biệt danh gán cho  người yêu ), thi sĩ đã giãi bày tâm sự, cũng là để giải thích bước lên đường:

Em vẫn rõ anh là thân chiến mã

Nợ kiếm cung oằn oại gánh yên cương

Tiếng non sông giục bước ra sa trường...

Và tiếp đó, tiếng thơ hát ca cùng tiếng súng, tiếng gươm vang động: “Tôi là người lăn lóc đường trần /Không phân biệt lúc mài gươm, múa t... Trên lưng ngựa, múa gươm cùng ca hát/ Thì lòng say chiến trận cũng là thơ” (Bên bờ sông xanh, 1948).

Trái tim yêu thương và quả cảm lớn lao đã tạo ra những vần thơ, giọng văn nồng thắm như máu huyết tâm hồn người chiến sĩ – thi sĩ.

Tập Thơ Đồng Nai tái bản năm 2014 (Quân đội nhân dân) tập hợp những bông hoa lửa  thời chiến trận của Huỳnh Văn Nghệ. Đó là Một thời chotất cả !.

Bên bờ sông xanh (Dòng sông xanh) như lời đề tựa, có thể coi là tuyên ngôn bằng thơ về việc “múa bút” hay “múa gươm” của vị thi tướng.

Nhà thơ có “múa gươm” sắt thép hay vần điệu cũng là làm nhiệm vụ chiến đấu trên hai mặt trận, mà ở đây là mặt trận văn nghệ: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là  chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Hồ Chí Minh).

Nợ kiếm cung nghiên bút biết sao đền

Nếu không biết vừa đề thơ, đánh giặc

Hai nhiệm vụ ấy hỗ trợ cho nhau. Yêu thương, căm thù nên ra sức chiến đấu, càng chiến đấu càng tăng tinh thần, bồi bổ cảm hứng thi ca:

Chỉ chiến đấu thơ mới thêm vần điệu

Càng hát ca gươm càng bén hăng lên

Làm thơ văn, viết báo là cùng một nghiệp viết.

Thời lưu vong trên đất Thái, Huỳnh Văn Nghệ đã hình thành nhóm Sống mạnh văn đoàn, xuất bản tạp chí văn nghệ Hồn cố hương nhằm tuyên truyền cách mạng. Những bài thơ cố quốc, tha hương như những dòng  nước mắt mến thương ở hải ngoại để tặng kiều bào: Tha hương, Tết quê người, Bến cũ.

Thơ viết khoảng từ 1942, 1944 là một mảng tâm tình, giao cảm thiêng liêng.

-                 Thời mài gươm, vung bút cuối đời.

Khi chuyển ngành sang dân sự ở miền Bắc, rồi về hoạt động ở Trung ương cục miền Nam, Huỳnh Văn Nghệ vẫn là một thi nhân – chiến sĩ yêu nước, gắn bó máu thịt với vận mệnh Tổ quốc, không lơi lỏng việc “mài gươm” diệt thù trong đấu tranh thông nhất. Đồng thời, ông vẫn “vung bút” nên những vần thơ, bài văn về các vấn đề thời sự và thế sự.

Nhớ Bắc rồi Về Bắc, được sống trong lòng miền Bắc, Huỳnh Văn Nghệ vẫn viết. Trên báo Quân đội nhân dân dịp Tết là bài Mùa xuân sẽ nở đều trên hai miền Nam Bắc, nhân ngày đấu tranh thống nhất lại là bài Bức thư tháng bảy. Rồi Ra mặt trận, Những ngày khói lửa đầu tiên ở Tân Uyên... Nhớ về quê hương, trên báo Thống nhất có bài kể chuyện Bà má miền Nam.

Trở ra Bắc sau ngày thống nhất đất nước, Huỳnh Văn Nghệ tập trung vào viết văn xuôi, bút ký, hồi ký, tự truyện. Sau khi ông mất, một số tác phẩm đã được ấn hành: Những ngày sóng gió (hồi ký), Quê hương rừng thẳm sông dài (tự truyện) xuất bản năm 1998.

Đặc biệt là người gắn bó, sống chết với rừng, khi làm người lãnh đạo Bộ Lâm nghiệp, Huỳnh Văn Nghệ còn rất tâm huyết viết Cây thông già và anh thợ rừng (1976) như ra thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ rừng – môi trường sinh thái quan trọng của con người.

Hiện nay, Huỳnh Văn Nghệ tác giả và tác phẩm (2008) là thơ văn chọn lọc công bố chính thức [5].Văn nghiệp của Huỳnh Văn Nghệ chưa phải là đồ sộ về khối lượng nhưng cũng khá phong phú : khoảng  gần 70 bài thơ, ngót 20 tác phẩm văn xuôi (bài báo và tập sách). Sưu tầm,công bố thêm có thể lên  tới khoảng 100. Tuy nhiên, trữ lượng thông tin thật lớn, bởi lẽ đó là lịch sử qua một con người – chứng nhân của thời cuộc đồng thời là người góp phần làm nên lịch sử.

Trong bài viết Cha tôi làm nghề kim hoàn (tập san Người yêu sách số 27, 3/2014), Huỳnh Thị Thành, con gái út của thi tướng đã ví như vậy. Sau khi đọc tác phẩm Bông hồng vàng của Pautovski, cô được ông hỏi và  tâm sự: “Nhà văn như người thợ kim hoàn, chắt chiu từng hạt bụi vàng trong cuộc đời thường, gom lại thành tác phẩm văn học chính là bông hồng vàng tặng cho bạn đọc”.

II/ TRÁI TIM LỚN YÊU THƯƠNG VÀ QUẢ CẢM

Huỳnh Văn Nghệ là vị thi nhân – dũng tướng tức con người  sức lực văn võ kiêm toàn. Ở ông nổi bật ba phẩm hạnh lớn: nhân, trí, dũng. Trong thơ hiện lên con người cao đẹp đó. Và trong hồi ký, tự truyện cũng bộc lộ nhân cách lớn lao ấy.

Những bài thơ về chiến công, chiến thắng trong tập T Đồng Nai làm hiện rõ thần thái của vị chỉ huy tài trí, mưu lược và dũng cảm.

Trận Là Ngà (1949 là mưu lược, là dũng khí của cả đoàn quân. Căm thù đã trở thành một nguồn sức mạnh vô địch: “Máu thù sôi tám mươi năm/ Non sông đng lệ âm thầm nguồn xa”. Tất cả vỡ oà trong chiến trận: “Bỗng đâu sấm sét hãi hùng (...)/ Súng rền, lửa táp ngọn đồi (...)”

Súng gươm chen dưới bóng cờ

Ba quân trỗi  khải hoàn ca tưng bừng

Dân quân (1948) đã thể hiện hào khí, cũng là tài trí, dũng cảm của nhân dân:

... Ngọn tầm vông cũng rửa được căm hờn

... Súng gươm chen với giáo mác, dao phay

Cán cuốc cùn cũng bửa tan đầu giặc

Chiến tranh nhân dân là hình thái đặc thù xuất hiện ở Việt Nam: “Ra mặt trận chen châu trai lẫn gái / Già trẻ theo sát gót đoàn Dân quân” nơi chiến địa Tân Uyên (1948).

Trên hết, là hình tượng anh hùng của vị tướng lĩnh tài ba.

Nhớ rừng chính là bài thơ đề tặng tướng Nguyễn Bình – người mà nhà thơ tôn vinh là một cánh Phượng hoàng: “Lịnh Nguyễn Bình vừa oai nghiêm tha thiết/  Lnh truyền xuống, tiếng reo hò vang dậy” (Tân Uyên).

Đã có một thời gian, Nguyễn Bình gắn bó với Huỳnh Văn Nghệ như hình với bóng. Vị tướng huyền thoại ấy đã như một điển hình của trí – dũng song toàn.

Huỳnh Văn Nghệ là trái tim yêu thương lớn. Tấm lòng nhân bản ấy thấm thía từ gia đình, quê hương, lan toả khắp non sông, đất nước và “bao trùm vũ trụ”(Cờ).Nỗi niềm vời vợi  “Trán nhăn buồn nhân loại/Mắt sâu sầu Thế gian(Trở về).

Không ít lần nhà thơ đã nhắc đến bà mẹ - người đã ấp ủ cậu bé từ thuở lọt lòng, hát ru bằng ca dao đậm tình thắm nghĩa, kể cả lời thức tỉnh sâu xa  ái quốc, ái quần. Có những liên hệ xa gần, liên tưởng và cả tưởng tượng qua hình ảnh - Bà bán cau, Mộ bia, và đặc biệt được nâng lên thiêng liêng cao cả. Đó là hình ảnh Mẹ - Tổ quốc (Mẹ Việt Nam).

Điều đặc biệt là cái Tôi luôn gắn liền với cái Ta. Đó là sự hoà hợp trong tình yêu rộng lớn mới. Huỳnh Văn Nghệ sớm gắn kết với đội ngũ, với tập thể, có một thức cảm đặc biệt về  tình đồng chí, đồng đội. Chiến khu sáng ấm vì tình người: “Chiến sĩ từng đoàn dưới nắng trưa/ Bên hoa ngồi kể chuyện, nô cười”. Tình ấy lại hoà đậm với thiên nhiên – với rừng và suối, với chim hót, bướm bay... Là Ngà đã thể hiện xuất sắc những con người lành như đất: “Hiền thay Đoàn quân Việt Nam/ Làm sao noi dấu non Lam, Bạch Đằng”. Nhưng khi xung trận, họ lại dữ dội, quyết liệt với niềm tin chiến thắng: “Mt ngời muôn ánh lửa hừng/ Tưởng người, tưởng cảnh Bạch Đằng đâu đây”.

Lòng yêu nước mãnh liệt là ngọn lửa bừng cháy trên những trang viết của vị thi tướng. Ba bài thơ mang chủ đề rõ ràng nhất với lời lẽ thiết tha, hùng hồn nhất, cũng là những  đỉnh cao của thơ Huỳnh Văn Nghệ là: Về Bắc (1943), Việt Nam (1947), Nhớ Bắc (1948). Đây cũng là ba bài thơ hồn cốt nhất, như cột sống của sinh thể thơ Huỳnh Văn Nghệ.

Xưa kia, thời mất nước, các nhà thơ yêu nước đã phải phơi bày một cách kín đáo tình yêu nước, thương nòi bằng sự ẩn dụ và những biểu tượng.

Tản Đà đã viết Thề non nước qua lời trai gái yêu đương. Huy Cận nói về Mẹ Tổ quốc cũng qua Giọt lệ Hoàng Mai. Còn ở dòng thơ cách mạng, Tố Hữu đã được nói thẳng, nói thật tâm huyết và đầy ý chí qua Dậy lên thanh niên với đề từ Lời Tổ quốc.

Về Bắc và Nhớ Bắc chỉ là một tâm trạng, bài sau mở rộng ý tứ bài trước. Vì viết vào thời cách mạng đã thành công, và đang kháng chiến chống xâm lược nên Nhớ Bắc (1948) nói một cách hoàn chỉnh hơn, đàng hoàng  đĩnh đạc và mạnh dạn hơn.

Nổi bật rõ nhất là nỗi niềm thương nhớ, mến  yêu đất nước. Nỗi nhớ sâu thẳm tâm hồn, vì thấm đậm quá khứ xa xôi của lịch sử: “... Non sông giống Lạc Hồng... Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương”. Lịch sử gần là thời mở cõi, khoảng 300 năm trước, hằn sâu “hồn xa xứ”. Đất nước ấy đã một thời bị chia cắt, nhưng bao giờ cũng là một. Những câu hát, những làn hương hoa trái như sợi dây vô hình gắn kết Bắc Nam.

Cùng với nỗi nhớ, tình thương  là niềm tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước. Từ đó là ý thức và nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Hỏi nhưng đã hàm chứa câu trả lời: “Hỏi lại Hồn Linh đất Cổ Loa/ Hoàn Kiếm hồ xưa Linh Quy hỡi/ Bao giờ mang kiếm trả cho ta”.

Thanh kiếm ấy vẫn ở trong lòng người, trong tay nhân dân. Việt Nam (Bà mẹ Việt Nam) khắc hoạ lời hứa, cũng là lời thề thiêng liêng với Mẹ - Tổ Quốc:

Trai hào kiệt, gái anh hùng. Thi sĩ

Vì mẫu  thân nhuộm kiếm máu quân thù

Thơ Huỳnh Văn Nghệ thể hiện tâm hồn nhân nghĩa anh hùng Việt Nam. Có những bài ngợi ca, tri ân những gương anh hùng, liệt sĩ – Nấm mồ giữa rừng, lại có những bài tuyên dương những công trạng của người anh hùng quần chúng vô danh – Em bé liên lạc, Tiếng hát giữa rừng. “Máu anh hùng tô non sông cẩm tú”, từ dòng sông “Đồng Nai sông nước anh hùng” đến rừng núi chiến khu“Nhưng còn đây dân Tân Uyên anh dũng” với các điạ danh Đồng Nai, Tân Uyên.

Dân tộc Việt Nam nghìn đời là thế: “Có nhân, có trí, có anh hùng” (Nguyễn Trãi, Bảo kính cảnh giới 5).

III/ TRANG VIẾT ĐẬM SẮC THÁI SỬ THI HÀO HÙNG

Khuynh hướng sử thi là đặc điểm bao trùm văn học hiện đại Việt Nam, rõ rệt nhất là thời kỳ từ sau 1945. Đặc điểm ấy cũng biểu hiện đậm nét trong thơ ca. Thơ có chủ đề bao quát một giai đoạn lịch sử, nêu lên những vấn đề dân tộc và thời đại, vận mệnh của đất nước và nhân dân.

Cảm hứng chủ đạo của thơ là cảm hứng yêu nước anh hùng, cảm hứng vì độc lập tự do và thống nhất. Qua đó là những sự kiện chuyển biến có tính chất kỳ vĩ của lịch sử dân tộc, những phẩm chất cao đẹp của con người và tầm vóc lớn lao của đất nước.

Khuynh hướng sử thi biểu hiện trên toàn bộ các phương tiện biểu hiện nghệ thuật – từ cảm hứng, thể hiện đề tài, chủ đề đến hình ảnh, hình tượng, ngôn ngữ, giọng điệu... Tất cả đều toát ra cái lớn lao, kỳ vĩ, khoát đạt, hào sảng như một khí sắc biểu trưng.

         Ở thơ Tố Hữu khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong thơ được thể hiện rất tiêu biểu. Cảm hứng chủ đạo là cảm hứng lịch sử dân tộc và vận mệnh của cộng đồng. Những nhân vật trữ tình đều mang phẩm chất tiêu biểu cho dân tộc.

Đã có sự liên hệ về sự tương đồng của thơ Tố Hữu và Huỳnh Văn Nghệ.

Trong hội thảo khoa học Huỳnh Văn Nghệ - Cuộc đời và sự nghiệp, PGS Trần Hữu Tá đã có so sánh: “Nếu như xứ Bắc có nhà thơ cách mạng Tố Hữu, thì Nam Bộ có Huỳnh Văn Nghệ. Về cảm hứng, thi tứ cũng như Tố Hữu”. Ý kiến đó là chính xác – về đại thể, tuy nhiên, mỗi nhà thơ lại có thi pháp, phong cách nghệ thuật khác nhau, và những phương tiện biểu hiện nghệ thuật không giống nhau.

Sau đây là một số biểu hiện rõ nhất của khuynh hướng sử thi mang tính chất sơ khai trong thơ Huỳnh Văn Nghệ.

1/ Cảm hứng yêu nước anh hùng

Như đã phân tích ở phần trên, có thể nói cảm hứng chủ đạo trong thơ Huỳnh Văn Nghệ chính là cảm hứng yêu nước anh hùng.

Từ trước Cách mạng, nhà thơ đã bộc lộ cái bức xúc, ngột ngạt trong cảnh cá chậu chim lồng về mặt cá nhân, cũng như cho thân phận của người dân mất nước (Trăng lên, 1935). Tất cả “cùng chung mối hận”. Ấy là nỗi hận từ trong thẳm sâu lịch sử “Bạch Đằng máu giặc chưa phai hận” (Nhớ Bắc).

Khát vọng tự do và giải phóng đã đưa đến bước đi và tầm nhìn mới: Ta đi, gót nhp vang đường đá/ Mắt phóng nhìn xa qua lớp mây”. Cái tôi trữ tình ấy đã đại diện cho cả thế hệ Thanh niên.

Từ khi tham gia cách mang, chàng trai trẻ đã say nồng lý tưởng anh hùng mới.  Huỳnh Văn Nghệ được tôn vinh là Người chép sử quê hương [5]. Từ đó ông vừa là chứng nhân, vừa là người tham gia tạo dựng lịch sử đất nước một thời.

Lịch sử hào hùng của dân tộc thường được nhắc lại:

Có một nước bốn ngàn năm lịch sử

Bốn ngàn năm tranh sống với thời gian

Máu anh hùng tô non sông cm tú

Mồ hôi dân kết đọng ngọn lúa vàng

Và lời thề, hơn một lần đã được vang động trong tâm cao:

Nước Việt Nam, ôi Việt Nam yêu mến

Sống vì ngươi, ta thề thác vì ngươi

                   Việt Nam, 1946

Đây là lúc bao chiến sĩ cũng đang tiến bước theo tiếng gọi thiêng liêng của non sông: “Quân xung phong, nước Nam đang chờ mong tay ngươi, hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời” (Chiến sĩ Việt Nam, Văn Cao). Tất cả như nhuốm màu trang nghiêm, cổ kính, thiêng liêng.

2/ Thi ảnh tượng trưng hào hùng

Thơ Huỳnh Văn Nghệ có nhiều hình ảnh tượng trưng như những ẩn dụ, biểu tượng mang sắc thái lãng mạn, hào hùng. Cơ thể kể qua: núi rừng, sông biểnmáu lửa, gươm kiếm, chiến mã, chiến khu,...

Ngọn lửa (binh lửa, khói lửa,...) là hình ảnh nhiều sắc thái, ý nghĩa trong thơ Huỳnh Văn Nghệ.

Thời Thơ mới, “lửa” cũng mang ý nghĩa trái chiều. Là biểu tượng cho lửa sống, lửa yêu trong thơ Xuân Diệu (Đa tình), Huy Cận (Áo xuân). Nhưng, lại là một ác mộng, kinh hoàng với Thế Lữ, Chế Lan Viên qua một số bài thơ.

Trong thơ Nam Bộ hiện đại, lửa của thơ Huỳnh Văn Nghệ thì lại nghiêng về cái hùng hậu, cái dữ dội, quyết liệt, cũng như khốc liệt của chiến tranh và trong chiến tranh. Đây là biểu tượng phổ biến trong thơ ca: “Từ độ chàng đi vung kiếm thép/ Một miền khói lửa khuất binh nhang... Bắc phương khói lửa tung mù mịt/ Rừng ngại ngùng cho cánh Phượng hoàng” (Rừng nhớ người đi).

Mang ý nghĩa phổ biến, lửa gắn với lòng căm thù – lửa hờn, lửa hận...

Một trận chống càn được viết trên nền hiện thực:“Lệ tràn tuôn/ Không tắt lửa căm hờn/ Trong bốn mắt.”. Lửa căm hờn lại bốc cháy trong lòng người chiến sĩ trên đường ra trận:“Nhưng lửa căm hờn/ Bỗng dng cao đầu ngựa dậy/Vang trời ngựa hí/Chí phục thù cháy bỏng trên tay cương(Tiếng hát giữa rừng)

Tuy nhiên, trên ý nghĩa đẹp và mạnh mẽ, lửa biểu trưng cho khí phách dũng cảm trong chiến đấu và chiến thắng: “Súng rền, lửa táp ngọn đồi... Mắt ngời muôn ánh lửa hng” (Là Ngà).

Lửa thiêu đốt kẻ thù, và cũng sưởi ấm tình bạn, tình người, đó là một sắc thái khác: “Củi khô lửa cháy ấm đêm đông” (Rừng đẹp). Và lửa cũng lại là sức mạnh của niềm tin: “Những tròng mắt bừng bừng ánh lửa” hướng về trận chiến thắng của đoàn quân Du kích Đồng Nai.

Gươm, kiếm (gươm, đao) thường gắn liền với ngựa chiến như biểu hiện rõ rệt và hào hùng khí thế chiến đấu dũng mãnh của người chiến sĩ, các vị tướng lĩnh.

Riêng gươm, kiếm gợi sự tôn nghiêm, cao cả khi gắn với sự tích lịch sử có tính chất huyền thoại: “Hoàn Kiếm Hồ xưa Linh Quy hỡi/ Bao giờ mang kiếm trả cho ta?”. Gươm đánh giặc và “Gươm đi mở cõi” đều mang hồn linh thiêng lịch sử.

3/ Giọng điệu, ngôn ngữ hào sảng

Trong cảm hứng anh hùng, thường là kết cấu của hệ thống ngôn ngữ gây khí thế hào hùng. Thơ Huỳnh Văn Nghệ có bài đã được liệt vào “thơ thần” chính vì có những “chữ thần” của một “bút thần”. Ai về Bắc, Nhớ Bắc là những minh chứng hùng hồn, xác đáng nhất.

Huỳnh Văn Nghệ đã kể và tả, tái hiện cảnh tượng, sự việc cũng với bút pháp đầy hào khí ấy. Là Ngà có sự tường thuật mang sức mạnh ghê gớm của ngôn từ: “Bỗng đâu sấm sét hãi hùng/ Núi nghiêng, đá đổ, khói tung mit trời/ Súng rền, lửa táp ngọn đồi/ Hố sâu xe cháy, thây người ngọn xanh/ Máu tràn mấy dặm đường quanh/ Mây chiều đỏ ối, rừng tanh máu thù... Trăm năm một trận rửa hờn/ Rừng vang tiếng thác cười giòn đêm thâu...”

YYY

Đời Huỳnh Văn Nghệ đẹp như một bản hùng ca hào sảng cất lên từ Bên bờ sông xanh và lan toả ra cả Việt Nam. Sự nghiệp cứu nước đã được đánh dấu bằng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (truy tặng năm 2010). Vị  tướng – thi nhân còn được vinh danh với Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2006.

Tên ông đã được ghi trong sách Trí thức Sài Gòn – Gia Định, Từ điển danh nhân Việt Nam, Từ điển thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh. Ông hiện diện trên biển tên đường phố ở quê hương – Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và cả ở thủ đô Hà Nội.

Nhiều trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông ở quê hương Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh mang tên Huỳnh Văn Nghệ đã từ nhiều năm nay. Những thế hệ tuổi trẻ học sinh đã và đang còn cất cao tiếng hát hành khúc Tướng quân Huỳnh Văn Nghệ (Thế Bảo). Giải thưởng văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ (5 năm/lần) được trao lần thứ V trong năm nay 2016.

Tôi đã hân hạnh được nhận và đọc tác phẩm Huỳnh Văn Nghệ do gia đình gửi tặng. Gần đây, lại được dự ngày giỗ thường niên được tổ chức trang trọng, hoành tráng tại Khu lưu niệm Huỳnh Văn Nghệ của gia đình và chính quyền điạ phương. Cảm nhận sâu sắc và thấm thía nhất đó là sức mạnh tinh thần hào hùng của con người văn võ kiêm toàn, với sự nghiệp vẻ vang còn sống mãi trong lòng người của quê hương, đất nước.

 

CHÚ THÍCH

(*) PGS – TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đoàn Trọng Huy (2014), Lịch sử qua tâm hồn và sự kiện, (Đọc Thơ Đồng Nai)http://www.clbnguoiyeusach.com.vn

[2] Huỳnh Văn Nghệ (2008), Huỳnh Văn Nghệ - tác giả và tác phẩm (1, 2), Đồng Nai.

[3] Huỳnh Văn Nghệ (2014), Thơ Đồng Nai, Quân đội nhân dân.

[4] Lê Hoàng Việt Nhân (2014), Huỳnh Văn Nghệ - nhà thơ làm báo, in trong Huỳnh Văn Nghệ - tác giả và tác phẩm, Đồng Nai.

[5] Huỳnh Văn Tới (2008), Huỳnh Văn Nghệ - người chép sử quê hương in trong Huỳnh Văn Nghệ - tác giả và tác phẩm, Đồng Nai.

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020