Văn học Việt Nam hiện đại

NGUYỄN KHẢI - NHÀ VĂN TÀI NĂNG XUẤT SẮC ĐƯƠNG ĐẠI


12-10-2020

Nguyễn Khải để lại di sản văn xuôi khá đồ sộ: những tác phẩm đã ra đời như tiếng nói nghệ thuật công khai, minh bạch của nhà văn. Cần đọc kỹ Nguyễn Khải để có thể ghi nhận công bằng, chính xác sự nghiệp văn chương ấy – một sự nghiệp đã đi vào lịch sử văn học dân tộc.

Nguyễn Khải để lại di sản văn xuôi khá đồ sộ: những tác phẩm đã ra đời  như tiếng nói nghệ thuật công khai, minh bạch của nhà văn. Cần đọc kỹ Nguyễn Khải để có thể  ghi nhận công bằng, chính xác  sự nghiệp văn chương ấy – một sự nghiệp đã đi vào lịch sử văn học dân tộc.

Nguyễn Khải  - nhà văn có tư tưởng lớn, tình cảm lớn

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có lời đánh giá rất cao Nguyễn Khải qua Sổ tang “Nhân dân ta đã rất mong mỏi và trân trọng sức nghĩ lớn, tình cảm lớn của nhà văn tài năng có trái tim đập cùng nhịp với mạch sống và vận mệnh đất nước…”

Nhà văn đã một đời suy tư cùng nhân dân những suy nghĩ thời sự - thời đại.

Suy nghĩ của Nguyễn Khải dựa vào những trải nghiệm thực tiễn trong quá trình cùng sống, hoạt động với cộng đồng, qua đời sống cá nhân và sự nghiệp chung. Những suy nghĩ ấy cũng là những suy tư bắt nguồn từ truyền thống lịch sử quý báu, bắt nguồn từ những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông. Đó còn là sự tiếp nhận những tư tưởng tiến bộ, cách mạng thời đại qua tổ chức, đoàn thể trong hiện tại.

Tất cả nhuần nhuyễn và được phát sáng trong một con người thông tuệ một lòng vì dân, vì nước. Để có thể phát huy truyền thống thành một nguồn sáng tư tưởng cá nhân giàu bản sắc sáng tạo: “Là một trong những nhà văn đương đại xuất sắc nhất, Nguyễn Khải có tầm nhìn xa rộng. Từ những vấn đề lớn của dân tộc, thời đại, anh soi rọi vào mọi ngõ ngách của đời sống và luôn đem đến những kiến giải riêng… Trong dời sống, Nguyễn Khải không ham mê gì ngoài sự say mê được suy nghĩ… Đó là trách nhiệm cao trước đời sống” (Trích Lời đưa tiễn của Hội Nhà văn Việt Nam).

Nguyễn Khải là nhà văn – tư tưởng. Cũng có bạn văn tôn Nguyễn Khải là nhà tư tưởng. Tư tưởng  chính trị, tư tưởng nghệ thuật là thể hiện qua tác phẩm. Bước đường sáng tác cũng chính là bước đường tư tưởng cuả nhà văn.

Tư tưởng chính trị như nguồn sáng lý tưởng chủ yếu soi rọi đời viết, được Nguyễn Khải quan tâm hàng đầu. Nhà văn coi chính trị như một hình thái ý thức có vai trò quan trọng.

Nổi bật của sự lưu ý này là các chủ nghĩa, các học thuyết mà học thuyết Mác Lênin có tính chất tiên quyết. Với chức năng và đặc tính phản biện của một nhà văn – tầng lớp trí thức tiêu biểu của xã hội, Nguyễn Khải đặt vấn đề xem xét chủ nghĩa Mác từ nhiều phía, đặc biệt là chủ nghĩa xã hội – bộ phận cấu thành có ý nghĩa thực tiễn đặc biệt.

Trong Trôi theo tự nhiên – bài viết được đăng trên tạp chí Nhà văn số 8 – 9 năm 2007 và sau đó đến tháng 8 năm 2008, có những trang bàn bạc, nhận xét khá đầy đủ, kỹ càng, minh bạch về Chủ nghĩa xã hội qua khảo sát lý luận và thực tiễn của một số nước trên thế giới, chủ yếu là trong phe xã hội chủ nghĩa trước đây. Sự đổ vỡ của Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu là do những nguyên nhân chủ quan của một mô hình xã hội chưa từng có trong lịch sử.

Nhà văn rất có lý khi phân tích những nguyên do trực tiếp của nhiều vụ biến động chính trị trên thế giới trong khoảng vài chục năm trở lại đây:

“Dầu sao cũng chỉ là những nguyên do trực tiếp vì chân móng của một chế độ chính trị không chỉ là đạo đức của người cầm quyền. Nguyên do sâu xa hơn chính là đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước có thật sự gắn bó với nước đó như một phát triển tự nhiên, tất yếu của lịch sử, không phải là cái lịch sử chung chung, lịch sử của nhân loại mà là lịch sử của dân tộc đó, của quốc gia đó”. Như sự khác biệt về tôn giáo - một dấu hiệu đặc trưng văn hóa, như có truyền thống dân chủ hoặc nền dân chủ mới phôi thai. Hoặc như dấu ấn của một thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa và tình trạng chưa ra khỏi nền kinh tế tiểu nông của chế độ phong kiến…

Thật ra, những luận điểm trên đều xuất phát từ hệ tư tưởng chính trị chính thống. Ngọn cờ tư tưởng – chính trị mà Việt Nam theo đuổi là chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính nhà lãnh đạo thiên tài Hồ Chí Minh đã nhìn ra thiếu sót của chủ nghĩa Mác Lênin và bổ khuyết bằng tư tưởng xã hội học phương Đông

Chủ nghĩa xã hội mà Hồ Chí Minh lựa chọn và định hướng là sự vận dụng thích hợp vào thực tiễn Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Khải chỉ góp phần biện giải tư tưởng lớn lao đó. Điều nhà văn muốn nhắc nhở, cảnh báo là tác hại của sự vận dụng lý luận một cách cứng nhắc, giáo điều trong thực tiễn phát triển lịch sử - cụ thể của xã hội. Xung đột phê phán sự bất lực của cán bộ xã khi phải lãnh đạo một cơ cấu kinh tế mới. “Làm khác là sai với lý luận Mác. Chúng ta rất sợ làm sai lý luận chứ không sợ làm trái với lòng người, làm mất lòng người” (Trôi theo tự nhiên).

Một tư tưởng lớn mà Nguyễn Khải đề xuất và bàn luận chính là dân chủ, tự do và mong muốn được tăng cường phát huy dân chủ và tự do chân chính.

Theo lý luận kinh điển, nhận thức tự do là một sự tất yếu. Con người trong phát triển lịch sử là quá trình tìm kiếm tự do.Lý tưởng độc lập, tự do  và ý thức dân chủ cũng chính là nằm trong cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Khi miêu tả con người mới cách mạng, Nguyễn Khải cũng thể hiện đó là quá trình giải phóng và tự giải phóng, mà cũng tức là Hành trình đến tự do (1980). Ở đây, tự do là trên tất cả các phương diện tư tưởng, chính trị, xã hội, văn hóa… Tự do trong lựa chọn cách sống, lối sống.

Với người nghệ sĩ, đó là tự do trong hoạt động nghệ thuật. Nhà khoa học cần tự do trong phát minh sáng tạo. Người viết văn lại cần tự do cảm nghĩ, tự do viết. Ở đây, tồn tại cả vấn đề chủ quan và khách quan, nội lực và tác động của ngoại cảnh.

Đó là nói về mặt lý luận. Tuy nhiên, trong thực tế đã có không ít nghịch lý, nghịch cảnh, những bất cập hoặc sự quá mức trong quan niệm và hành xử.Chủ yếu là phải có khát vọng chính đáng  đồng thời với bản lĩnh, ý thức và lương tâm của nhà văn. Có chuyện nêu tình huống dở khóc dở cười trong Lạc thời của Nguyễn Khải: “Tội nghiệp cho những thằng viết văn làm báo! Viết dối thì dân chửi, viết thật thì quan đe, viết thế nào cho được lòng cả hai phía nhỉ?”. Nhà văn, nhà báo như đi giữa hai “làn đạn” ẩn hiện, làm sao “toàn mạng” mà vẫn giữ được bản lĩnh tự do viết lách?

Có chuyện lớn đã từng được tranh luận một thời và hiện chưa có hồi kết: quan hệ giữa chính trị và văn nghệ. Đã từng có những ngộ nhận hoặc những quan niệm chưa thật chính xác gây tác hại trong sáng tạo văn nghệ. Đó là một điều đáng tiếc. Đổi mới văn nghệ, thực chất là đổi mới tư tưởng nghệ thuật, là “cởi trói”, cũng là “tự cởi trói” cho chủ thể sáng tạo nghệ thuật.

Chính trị và văn nghệ là hai hình thái ý thức đẳng lập, có quan hệ biện chứng tương tác với nhau. Tuy nhiên, để vận dụng được là cả một công trình khoa học và nghệ thuật. Điều này cần sự hiểu biết từ cả hai phía. Cần xóa bỏ khoảng cách vô hình giữa người cầm bút và người cầm quyền.

Nếu như trái tim tôi chưa nguội lạnh (1995) nêu ra sự bất hòa ngăn trở giả tạo đó: “Người cầm bút chỉ chăm chú tới tính chân thật của một tác phẩm nghệ thuật mà anh ta sẵn sàng phơi bày ngay cả những thói xấu kín mật của chính bản thân, để đạt tới sự chân thật đó. Còn người cầm quyền thì họ lại quan tâm trước hết tới lợi ích của cộng đồng. Có những sự thật không nên nói, không thể nói, lại có những sự thật chỉ được nói khi có dịp, có thời để bảo vệ sự đoàn kết và sự ổn định của mọi tầng lớp trong xã hội”.

Như vậy là, Nguyễn Khải đã gián tiếp tuyên bố luận đề nổi tiếng: Tự do là hành động tất yếu. Không thể có tự do vô tổ chức. Con người phải tự giác tuân theo kỷ luật, tự đưa mình vào những chế định hợp lý, hợp pháp đã được quy ước của cộng đồng, tổ chức.

Qua các tác phẩm, có một  loại tự do mà Nguyễn Khải ra sức phát huy coi như  một khát vọng lớn lao là tự do của cá nhân – tự do phát triển theo lợi ích chung, định hướng chung mà không vi phạm  nguyên tắc nào, trong đó nổi bật nhất là sự tự do chọn lựa những sở thích, hứng thú, nguyện vọng của cá tính.

Nhà văn cũng là một cá thể trong xã hội, rất cần có một lề hết sức rộng rãi cho sự sáng tạo: tự do tư duy, cảm thụ, tự do viết (tìm cảm hứng, đề tài,…), không bị gò bó vào một khuôn mẫu sẵn có vào. Fidel Castro có một ý tưởng nổi tiếng: “Chúng tôi luôn tôn trọng một nguyên tắc: Chủ nghĩa xã hội được xây dựng bởi những con người tự do, tạo ra một xã hội mới” (100 giờ với Fidel Castro – Tuổi trẻ, 29/10/2013).

Trong tư tưởng nghệ thuật, Nguyễn Khải chủ trương tư duy mở. Đó là sự tự do tung hoành trong việc lựa chọn bút pháp, thủ thuật. Đối thoại được sử dụng ở từng khúc, từng đoạn, nhưng có khi toàn bộ tác phẩm lại đặt ra một cuộc đối thoại tổng thể với bạn đọc. Đấy là cái kết thúc mở - chính là lối kết không hề đóng kín , để ngỏ cho những kết luận cuả độc giả, người đồng sáng tạo với tác giả.

Dân chủ gắn liền với tự do. Dân chủ cũng phải trải qua một quá trình phấn đấu xây dựng. Nhà văn cùng ý nguyện với nhân dân chính là mong muốn một xã hội tự do và dân chủ thực sự.

Trong luận đề dân chủ, Nguyễn Khải chú trọng đề cao quyền con người và vai trò tối thượng của nhân dân. Mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể phải trở thành pháp luật, dân chủ phải được đưa vào Hiến pháp. Nhiều trang viết đã bộc lộ rõ tư tưởng này theo cả hai hướng trực tiếp và gián tiếp.

Đây là suy nghĩ có ý nghĩa  thời đại. Đề cao pháp trị cùng với đức trị và hiện nay là kỹ trị. Có nhiều vấn đề chính trị nhạy cảm sắp tới sẽ được bàn luận và quyết nghị trong Quốc hội như Luật Biểu tình. Đây cũng chính là tư duy cập nhật mới về dân chủ.

Một loạt bài nói về Chuyện nghề, hoặc loại tạp văn viết về công tác sự vụ, hành chính – tưởng là chuyện nhỏ quanh cơ quan, bàn viết nhưng lại mang tầm cỡ quốc gia đại sự. Đó là những câu chuyện viết về luận đề tài năng, về chiêu hiền đãi sĩ: Văn nghệ trẻ, văn nghệ già; Một người ủng hộ lực lượng trẻ; Chúng tôi chăm sóc những tài năng,…

Nguyễn Khải đề xuất và bàn luận một vấn đề có truyền thống trong chính sách trị quốc từ xưa, nay trở thành quốc sách: bồi dưỡng, thu hút nhân tài theo quan niệm hiền tài là nguyên khí quốc gia.Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương sáng láng về tập hợp, thu phục và sử dụng nhân tài trong đó có nhiều  trí thức lớn,  từ buổi đầu dựng nước (Nhân tài và kiến quốc;Tìm người tài đức…).Nhà văn đặc biệt đề cao vai trò người trí thức chân chính với cốt cách yêu nước và trọng danh dự qua hàng loạt tác phẩm từ sau 1975: Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người…Bản thân Nguyễn Khải là người liên tài, nhà văn quan niệm: “Thời nào cũng có anh hùng của thời đấy, mình đâu có thể lấn sân được. Tôi nhiệt liệt ủng hộ những cây bút có tài cũng vì cái lẽ ấy” (Nếu như trái tim tôi chưa nguội lạnh). Tuy nhiên, sự phát hiện của nhà văn chính là ở chỗ có sự không ăn khớp giữa lý luận và thực tế, giữa ước vọng và hiện thực, chính sách chưa biến thành cuộc sống.

Tư tưởng lớn gắn  tình cảm lớn với đất nước và dân tộc, với Tổ quốc và nhân dân. Tuy nhiên chủ nghĩa nhân văn thể hiện trong tác phẩm Nguyễn Khải thường mang nét đặc sắc. Đó là thiên hướng chia sẻ sâu sắc, niềm thương cảm xót xa và lòng tin yêu thắm thiết với những phận người có nhiều bất hạnh.

Từ tác phẩm toát ra tiếng than cùng với lời thán phục, động viên của tác giả. Có những trường hợp thành công, nhưng phải trải qua nhiều nhọc nhằn, vất vả, lại có những sự lặng im ngậm cười của người anh hùng mang nỗi oan trái. Có người thất bại, nhưng như còn sống mãi với một niềm tin sáng láng.

Một cõi nhân gian bé tí chỉ viết về những người thất bại trong mọi dự tính của một đời người. Qua đây “Có bao nhiêu bất hạnh trong nhiều kiếp người, trẻ một cách, già một cách, cán bộ nhà nước một cách, dân thường một cách”. Tuy nhiên, nhìn ngoài thì ứa nước mắt, nhưng người trong cuộc lại giữ được gương mặt thanh thản. Đó là vì nhà văn nhận ra cái hạnh phúc thầm kín của họ. Ông cháu nói về niềm vui hy sinh của ông lão chỉ mong đổi đời cho đứa cháu đích tôn côi cút trong cảnh khổ gần như cùng cực. Đời khổ nêu một mẫu phụ nữ cực kỳ khổ ải – khổ từ bé đến già. Chồng chết, một mình nuôi thằng con lớn điên dại mà chỉ lo nhất là mình chết trước thằng bé. Đây là lời bình của tác giả như một câu trữ tình ngoại đề: “Chỉ muốn được nhận thêm khổ, thêm lo, thêm nước mắt mà vẫn sợ ông trời không cho! Thật khốn khổ cho một kiếp người! Thật cao cả cũng một đời người!” (Trôi theo tự nhiên).

Càng những năm cuối đời, càng nhiều trải nghiệm nhân tình thế thái, Nguyễn Khải càng nghiêng ngòi bút vào những phận người như vậy. Kể cả câu chuyện ngộ sát bố (Luật trời). Đứa con như bị chìm sâu vào tuyệt vọng: bị tòa án tuyên phat 6 năm tù giam, nhưng hắn phải chịu sự hành hạ suốt đời của tòa án lương tâm, mãi mãi bị giam cầm trong ân hận.

Nguyễn Khải nổi bật là một cây bút chiến đấu xung kích.

Nguyễn Khải cầm bút như cầm súng. Văn chương nhà văn – chiến sĩ giàu tính chiến đấu, mang khí thế quyết chiến, quyết thắng của lá quân kỳ.

Nguyễn Khải luôn xông xáo vào hiện thực ngổn ngang, bề bộn sự kiện, hiện tượng, nhất là những nơi có nhiều gai góc, gay cấn, thậm chí là xung đột dữ dội. Nhà văn đi thực tế, đi viết với ý thức khai mở, khám phá, làm nhiệm vụ xung kích. Ông đi tìm hiểu những vùng đất mới để thỏa sức vỡ vạc, khai thác, bứt phá. Có khi, lại trở về vùng đất cũ nhưng với ý tưởng mới, cách thức mới, định hướng tìm tòi mới.

Cảm hứng chủ đạo của nhà vă không ngoài ca ngợi và phê phán, xây và chống theo quan điểm cách mạng.Cụ thể là theo tinh thần của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng là tiêu điểm để thể hiện một thời suốt 30 năm chiến tranh, từng thu hút ngòi bút Nguyễn Khải và đồng đội. Nhưng để ý hơn, ta sẽ thấy sự thể hiện có chiều sâu của chủ đề.

Trong Họ sống và chiến đấu, Nguyễn Khải có miêu tả trận đánh, nhưng còn chú ý lột tả bản chất anh hùng đích thực của chiến sĩ trong sinh hoạt, giữa các trận đánh. Nhà văn tìm hiểu và lý giải căn nguyên tạo nên cốt cách anh hùng của thế hệ chiến sĩ trẻ thời chống Mỹ, sự rèn luyện thử thách để trở nên anh hùng qua khói lửa – ý nghĩa nhân đạo của chiến tranh chính nghĩa.

Nhìn chung một cách tổng thể và khái quát nhất, nhà văn hướng ngòi bút vào việc cổ vũ cho việc xây dựng một nhân cách mới của con người trong biến động của thời cuộc.

Con người xã hội mới mà Nguyễn Khải đề cao là con người sống tử tế, đàng hoàng với tất cả giá trị lý tưởng cao đẹp. Có những nhân vật được thánh hóa: Nam trong Hãy đi xa hơn nữa, Quân trong Thời gian của người,… nhưng giàu chất hiện thực. Đó là những người lý tưởng, vươn lên từ đất cát, bùn lầy của cuộc đời, qua nhào nặn từ biết bao nhọc nhằn, vất vả, gian lao và khổ ải. Đó là những con người biết cách sống làm người ở đời.

Ca ngợi nhiệt liệt, hết mức, nhưng nhà văn cũng phê phán mạnh dạn, thẳng thắn và nhiều khi rất quyết liệt.

Thông thường, Nguyễn Khải là người sớm phát hiện cái sai, cái xấu và lên tiếng phê phán đầu tiên.

Đi về một hợp tác xã tiên tiến điển hình, nhà văn nhận ra  gai góc trong hoa lá, thấy lỗi lầm trong thành tích. Tầm nhìn xa rất tiêu biểu cho bút pháp hiện thực tỉnh táo, nhưng cao hơn, chính là cái nhìn hiện thực của tác giả: khả năng phát hiện tinh tường, tìm ra “vấn đề” ở những nơi tưởng như không có gì, thậm chí rất tốt đẹp nữa.

Nguyễn Khải truy tìm và tấn công chủ nghĩa cá nhân ở những nơi ẩn nấp tinh vi nhất, với sức kháng cự ghê gớm nhất. Nhà văn phát hiện bệnh tật ở dạng còn đang ủ mầm, nguy cơ trong tình trạng tiềm ẩn để từ đó đưa ra nhũng cảnh bá tư tưởng tư hữu, vụ lợi còn ngấm ngầm phá hoại chủ nghĩa tập thể, lợi ích cộng đồng. Hay như những biểu hiện tiêu cực của cơ chế thị trường đều sớm bị bộc lộ ra ánh sáng dưới ngòi bút giàu sức mạnh phát hiện của nhà văn.

Việc phê phán, lên án sự tha hóa nhân cách đạo đức là quan tâm chủ yếu của Nguyễn Khải từ những năm đổi mới với những yêu cầu ngày càng cao của con người trong hoàn cảnh, môi trường mới.

Thói dối trá nêu lên căn bệnh lây lan nguy hiểm, có tính xã hội, gây tác hại không chỉ cho lợi ích kinh tế mà còn ảnh hưởng đến giá trị tinh thần – tức xói mòn và thậm chí là hủy hoại niềm tin.

Sự gian giảo có tính nguy hại ghê gớm. Từ ăn cắp cái kim, quen tay có thể ăn cắp con bò. Vụ lợi kiếm chác kiểu Tuy Kiền (Tầm nhìn xa) đến những vụ tham nhũng động trời không phải là xa. Tất cả là từ tham lam mà ra:chạy chọt, đút lót, hối lộ,… (Tiền, Sống ở đời, Thượng đế thì cười).

Có việc “ký tắt”, “hợp đồng”, “trao đổi” nơi thanh thiên bạch nhật ở cuộc hội nghị cao cấp… Đó là hành vi của rất nhiều người, trong đó có K. (Người ở làng pháo) – sỗ sàng, lỳ lợm, quyết liệt, tháo vát, biết cách tổ chức mọi thứ trong tay thành hàng, thành tiền hết sức thần diệu (Thượng đế thì cười).

Cũng ở tác phẩm này và một số khác là sự phát hiện hiện thực – Thái độ tôn sùng đồng tiền là trên hết được phê phán kịp thời: “Theo luật cung cầu, đồng tiền chỉ huy tất cả, nó là bản vị mới của mọi giá trị, là “tiên là phật” như lời ca của một bài đồng dao thời hiện đại”.

Có một tệ nạn mà nhà văn lên án gay gắt, đó là tệ ham quyền lực. Đó cũng là một phương tiện hiệu quả cho tham nhũng. Có quyền sẽ có tiền. Một chữ ký có giá trị hàng đống tiền. Càng có quyền lực cao càng dễ kiếm chác những món hời to. Quyền cao chức trọng mà bị mất là tiếc ghê gớm – mất danh giá và có thể là cả  lợi lộc vật chất nữa. Nguyễn Khải đã mạnh dạn và táo bạo kể chuyện về một vị Trung ương Đảng thất  sủng , thất cử (Thượng đế thì cười) trong cái bi kịch ấy: thở than, khóc lóc hàng năm trời!

Ở nhiều truyện ngắn, truyện vừa và cả tiểu thuyết, có sự thể hiện sự xuống cấp đạo đức xã hội như một cảnh báo nghiêm trọng. Mặt khác, nhà văn đề cao  và ca ngợi đạo lý truyền thống như một giải pháp đối trọng tích cực cần phát huy để cứu vãn tình thế.

Nhà văn đổi mới “tìm kiếm mãi mãi”.

Thời đổi mới đất nước và đổi mới văn nghệ, các nhà văn quân đội như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu,… làm nhiệm vụ mở đột phá khẩu, dẫn đầu một số nhà văn, nhà thơ trong địa hạt sáng tác.

Tuy nhiên, đổi mới đã là một nhu cầu tự thân của nhà văn từ lâu.

Trước hết, đó là sự đổi mới tư tưởng nghệ thuật, sau đó là những đổi mới về phương pháp và phong cách trên toàn bộ hệ thống sáng tạo.

Nhà văn luôn tự vượt mình trên mỗi chặng đường theo những yêu cầu cấp thiết của tình thế mới. Từ sau 1975, khuynh hướng sáng tác chung thay đổi. Từ chiến tranh, chuyển sang hòa bình và xây dựng đòi hỏi một sự phản ánh và thể hiện khác. Đó là về đại thể.

Riêng với Nguyễn Khải, thực ra, từ lâu tác phẩm của ông đã có sự đan lồng giữa sản xuất và chiến đấu, giữa hậu phương và tiền tuyến trong sáng tác những năm 50, 60 và nhất là 70.

Ký sự Tháng 3 ở Tây Nguyên(1976) là tác phẩm cuối cùng viết về chiến tranh. Từ đây, Nguyễn Khải đã có một sự chuyển hướng mới: “Từ 1955 đến 1977 tôi sáng tác một cách. Từ 1978 đến nay sáng tác theo cách khác” (Trả lời phỏng vấn Văn nghệ, số 18/2/1999).

Một cách âm thầm và tích cực, nhà văn đã có những bứt phá, đột biến về sự đổi mới trên tất cả các phương diện.

Thế giới nhân vật mở rộng một cách phong phú, đa dạng, đa diện và cũng đa đoan hơn. Trong đó, có đầy rẫy những phận người, những đời người với tính cách thiên hình vạn trạng.

Có những nhân vật được xem đi, xét lại ở những hoàn cảnh khác nhau: Trực tiếp cầm súng như ở loạt sáng tác đề tài chống Pháp và chống Mỹ. Gián tiếp chiến đấu trên các mặt trận thầm lặng đầy hiểm nguy – như hoạt động tình báo: Quân trong Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người. Nhân vật nguyên là bộ đội, nay đã xâm nhập vào đủ lĩnh vực trong đời sống, còn giữ được cốt cách lính hoặc đã biến hóa. Linh mục cũng được khảo sát đủ loại, từ Xung đột qua Cha và con, và… đến Thời gian của người. Một loại người mà vẫn khác biệt nhiều lắm. Hai ông già ở Đồng Tháp Mười là hai gương mặt, hai thế giới tâm hồn vừa có nét đồng nhất, vừa có nét xa lạ. Nhà văn đã tự bạch và ước muốn cho những nhân vật trong sáng tác một thời – “Cái thời lãng mạn”: “Hình như họ sạch sẽ quá, thơm tho quá, như từ khoảng không bước ra chứ không phải từ bùn đất của Việt Nam sinh ra… Nó không thuộc cõi người nên không thể bay lên cõi văn chương” (Cuộc tìm kiếm mãi mãi).

Từ sau 1975, Nguyễn Khải cùng gia đình chuyển hẳn vào Sài Gòn – vùng đất mới, cũng là vùng đất hứa cho sáng tác. Nhà văn đã bổ khuyết được nhược điểm trước đây của mình – “chỉ hiểu đời có một nửa, chỉ biết người có một nửa”. Giờ đây, trên trang viết là quan niệm hiện thực và dáng vẻ, cốt cách của “con người Việt Nam hiện tại” – “những con người đẹp và mới”.

Nhìn chung, từ những năm 80, nhân vật đã là bản thân chúng, thoát khỏi cái bóng của nhà văn. Đó là do cách nhìn mới và từ đó là cách tạo dựng mới: “Vẫn là con người Việt Nam mình mà gặp thêm một người lại tưởng như buộc mình phải hiểu lại chút ít về con người” (Hai ông già ở Đồng Tháp Mười). Lấy quan điểm lịch sử để so sánh, tìm hiểu con người ở những thời thế khác nhau, lại lấy mình để hiểu người. Trước kia thiên về  hướng ngoại  nay chuyển sang hướng nội, đào sâu vào bản thân để hiểu thêm chuyện đời, chuyện người.

Từ khuynh hướng sử thi chuyển sang khuynh hướng thế sự là xu thế chung. Nhưng từ chính luận lại thêm triết luận – triết luận về nhân sinh, thế thái lại là sự lựa chọn riêng, đặc sắc của Nguyễn Khải. Cha và con, và… được xem là Triết luận về tôn giáo và chủ nghĩa xã hội (Lại Nguyên Ân).

Tác phẩm của nhà văn từ những năm 90 thường có tính vấn đề, thường mang những luận đề rõ nét là như vậy. Viết với Nguyễn Khải là sự đổi mới, sáng tạo và cũng là “Cuộc tìm kiếm mãi mãi”.

Tuy nhiên, đổi mới cũng có nghĩa là điều chỉnh, phải nhận thức lại tức thay nhận thức cũ bằng hiểu biết mới.

Từ nhận định: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” đến tôn giáo là “một niềm tin” đã khác xa nhau nhiều. Lại như khi Nguyễn Khải cho tôn giáo là một biểu hiện của văn hóa, thì đó đã là một quan niệm rất khác biệt: “Tôn giáo sẽ biểu hiện như một sự thăng hoa, chứ không còn là một công cụ của sự đe dọa và áp bức. Nó sẽ thuộc phạm trù của văn hóa chứ không còn thuộc phạm trù quyền lực như hiện tại”. Tác giả đã phát biểu luận điểm qua lời của chính ông linh mục (Cha và con, và…).

Tư duy tiểu thuyết đổi mới của Nguyễn Khải đã góp phần hiệu quả vào hiện đại hóa thể loại: tiểu thuyết đan xen ký sự, truyện không có chuyện, tiểu thuyết luận đề mới, tiểu thuyết đa thanh,…

***

Đọc Nguyễn Khải cuối đời qua hai tác phẩm vào loại tiêu biểu nhất – Thượng đế thì cười (tiểu thuyết “tự truyện’, 2002), Trôi theo tự nhiên (hồi ký, 2008), ta thấy rất rõ con người nhà văn – con người tự tổng kết, tự nghiệm một đời sống và viết. Qua đó cũng biểu hiện gương mặt tinh thần với những tâm trạng, tâm sự, tâm tình hiền minh, thanh lọc nhất.

Trong tác phẩm có đủ cả chuyện nhà, chuyện đời, vui buồn lẫn lộn, có bi và có hài. Đan xen với suy tư, trăn trở là nỗi buồn nhân thế và  niềm thương cảm, xót xa.Như có cả lời tự kiểm và tạ lỗi chân thành của Nguyễn Khải cùng với tri ân gan ruột và  nhắn gửi tình nghĩa. Tuy nhiên, nổi bật bao trùm vẫn là một lòng trung thành, niềm tin son sắt, sáng láng.

Trong Lời nói cuối của Nguyễn Khải, bút tích như di chúc của nhà văn được công bố sau ngày mất, có đoạn: “Tôi tự đánh giá là một cây bút nhẫn nại trong cái nghề của mình, chứ không phải là một cây bút tài hoa, có tài bẩm sinh. Nếu không có cuộc Cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến, thì tôi chỉ là một kẻ vô danh chứ không thể làm được cái gì nên chuyện. Cho nên, chế độ chính trị hiện nay, dẫu có bao nhiêu thiếu sót, có bao nhiêu chuyện đáng buồn, đáng giận, tôi vẫn gắn bó máu thịt với hôm nay…” (Thương nhớ Nguyễn Khải…, Hội Nhà văn, 2008).

Một đời Nguyễn Khải thăng tiến, nhưng có thăng trầm, thất bại và thành công, khôn và dại.

Đã có bình luận Dại khôn Nguyễn Khải (Văn nghệ số 22, 27/5/2000), Nguyễn Khải biết thường xuyên tự điều chỉnh: “Mười lăm năm trở lại đây tôi đã có ý thức điều chỉnh lại cách sống của mình, cố gắng sống thật tử tế, thật đàng hoàng” (Lời nói cuối của Nguyễn Khải đã dẫn trên). Và như ta đã biết, nhà văn còn điều chỉnh cả cách viết. Nghĩa là sống và viết đã bất cập hoặc quá mức. Tức là có dao động ở mức nhất định. Con lắc phải qua lại trái, phải rồi mới đứng yên. Quá tự tin dễ chủ quan, quá  lời dễ sai lầm, quá “lãng mạn” dễ sinh ảo tưởng là điều khó tránh. Cũng đã từng có phê phán ước vọng cao xa không tưởng của nhà văn khi đọc Thời gian của người [4,tr 352].

Rõ nhất qua những tác phẩm cuối đời, Nguyễn Khải kiểm điểm thành- bại,được- mất…Ta thấy vẫn nguyên vẹn những đóng góp văn hoá, tư tưởng tích cực của một bản lĩnh nghệ thuật. Có chăng là mất đi những sốc nổi chủ quan, những lãng mạn ảo tưởng. Nguyễn Khải  là người hết sức thức tỉnh, phục thiện và binh thản, có lời tự trấn an và làm yên lòng mọi người : “khiếm khuyết là điềm lành không có gì phải lo nhiều”(Di chúc) như tiếng kêu chân thật cuối cùng của con thiên nga từ biệt cõi người để bay lên cõi trời.

Một đời suy nghĩ, cảm xúc và gửi gắm thông điệp cho mai sau. Những tư tưởng chân chính, đúng đắn sẽ được tiếp mạch và phát huy.Chúng ta “trân trọng sức nghĩ lớn, tình cảm lớn của nhà văn tài năng có trái tim đập cùng nhịp với mạch sống và vận mệnh dân tộc”(Võ Văn Kiệt)

Xin kết luận vắn tắt bằng đôi lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ghi vào Sổ tang ngày Nguyễn Khải  đi xa  mãi mãi : “Tên tuổi và tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khải sống mãi trong lòng dân tộc”[5,tr 165], và dòng đánh giá Nguyễn Khải: “Là một trong những  nhà văn đương đại xuất sắc nhất” trong Lời tiễn biệt của Hội Nhà văn Việt Nam [5,tr160].

CHÚ THÍCH

* PGS – TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đoàn Trọng Huy (1990), Nguyễn Khải – Văn học Việt Nam 1945 – 1975, tập II – Giáo dục.

[2] Đoàn Trọng Huy (2006), Nguyễn Khải cầm bút như cầm súng – Văn nghệ quân đội số 637.

[3] Đoàn Trọng Huy (2008), Một góc nhìn Nguyễn Khải – Nhà văn.

[4] Nhiều tác giả (2002), Nguyễn Khải – Về tác gia và tác phẩm – Giáo dục.

[5] Nhiều tác giả (2008), Thương nhớ Nguyễn Khải – Hội Nhà văn.

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020