I) CHÂN DUNG, CỐT CÁCH, BẢN LĨNH VIỆT NAM
Con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam một thời trở thành “câu hỏi” của thế giới, một “vấn đề” cần giải mã.
Kẻ thù xâm lược đặt câu hỏi: “bóng ma “Việt Minh” là ai?” Có hay không “quân Việt Minh”- đội quân du kích chân trần, lội bộ và khoác súng trường. Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân ta cũng được gọi là “Bộ Tư lệnh Việt Minh” và Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam cũng được xem là “Đài Việt Minh”. Thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ, cũng chính là thất bại của Mỹ. Vậy nhưng ngay sau đó, Mỹ lại tiếp tục cuộc chiến mới với “những đối thủ chất lượng cao” mà quân Pháp bại trận đã phải thừa nhận. Trong những quyển hồi ký sau này, các chính khách Mỹ đã cay đắng nhận ra sai lầm chiến lược là không hiểu con người Việt Nam, đến mức sa lầy vào cuộc chiến tranh phi nghĩa, tốn kém khủng khiếp, để rồi chuốc lấy thất bại nặng nề.
Những người có lương tri, quan tâm đến chiến sự ở Việt Nam, đã có lúc lo lắng và tự đặt câu hỏi: “Việt Nam có dám đánh Mỹ không?”.
Khi chúng ta đã tiến hành cuộc chiến đấu dũng cảm và bước đầu thắng lợi, thế giới lại đặt câu hỏi: “Liệu Việt Nam có thắng Mỹ hay không?”.
Các nhà thơ Việt Nam lúc đó, mà ca sĩ nổi bật và hào hùng bậc nhất – Tố Hữu đã đáp trả vô cùng mạnh mẽ:
Ta sẽ đánh, đánh những đòn sét đánh
Lũ diều hâu phải rã cánh tan đầu
Bài ca xuân 71
Ta sẵn sàng xé trái tim ta
Cho Tổ quốc, và cho tất cả
..............
Đời yêu ta, ta phải thắng cho Đời
Việt Nam máu và hoa
Quyết chiến! Quyết thắng! Đó là ý chí, là tâm niệm, là nguyện vọng ngày đêm nung nấu của mỗi người dân để dồn chuyển vào sức mạnh tay búa, đường cày, mũi gươm, ngọn súng.
Con người Việt Nam – nhẫn nại, kiên cường, bất khuất, dũng cảm tồn tại và chiến thắng đã là lời giải đáp đầu tiên, trước hết thật hùng hồn cho thế giới.
Có lẽ tiêu biểu nhất là “ những nàng xuân rất dịu dàng” thời Ra trận chống Mỹ: “Nhẹ nhàng tay cấy bên sông ấy/ Súng khoác trên lưng, chẳng ngỡ ngàng” (Xuân sớm).
Đã có những bình luận của người nước ngoài châm biếm sâu sắc, cười ra nước mắt cho kẻ chiến bại: Bọn đế quốc chỉ biết đếm – tiền bạc, đạn bom,... mà không biết làm thơ nên chúng thất bại. Đúng là bọn máu lạnh ấy không biết làm thơ đã đành, nhưng chúng cũng không chịu đọc thơ, nhất là thơ Việt Nam. Bởi nếu đọc thơ Tố Hữu, chúng sẽ thấy được bức tranh toàn cảnh của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Nổi lên trên công cuộc giữ nước và dựng nước thời đại mới là gương mặt cốt cách con người: từ chân dung vị lãnh tụ tối cao đến hình ảnh người dân thường Nhà nhiếp ảnh tài ba đã thu hình đủ loại người, đủ nhóm người, lớp người trên các mặt trận sản xuất và chiến đấu, từ rất trẻ - Lượm, Chuyện em,... đến những bà mẹ luống tuổi: Bà mẹ Việt bắc, Bà bủ, Bầm ơi, Mẹ Suốt, Mẹ Diệm. Hình tượng người phụ nữ cũng khá đông đảo: Phá đường, Chị là người mẹ, Người con gái Việt Nam, Tiếng chổi tre, Chiếc áo xanh, Chị và em, Chị bí thư nhà máy, Người mẹ nuôi,... Ngoài ra, thơ còn có đủ người thợ của cả xưa và nay: Đời thợ, Hãy nhớ lấy lời tôi, Xưởng nhà, Hát trên giàn khoan dầu, Chuyện vui xí nghiệp,... Người lao động, nông dân hiện lên như những gương mặt thân quen, chủ lực quân từ đồng ruộng đến chiến trường. Nổi bật nhất là hình ảnh cá nhân và tập thể những người nông dân mặc áo lính , từ anh Vệ quốc quân hiện diện sớm nhất với Cá nước, và lớp lớp chiến sĩ anh hùng xuất hiện trong bản tráng ca Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Chân dung, hình tượng tuyệt đẹp của anh Giải phóng quân cũng được khắc hoạ rõ nét qua hàng loạt bài thơ xuân – Chào xuân 67, Bài ca xuân 68, Xuân 69, Bài ca xuân 1971 cho đến Toàn thắng về ta. Hình ảnh nhân dân như một hình tượng khái quát, được thể hiện quán xuyến qua rất nhiều khung cảnh chung. Ta đi tới: “Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp/ Cao như núi, dài như sông/ Chí ta lớn như biển Đông trước mặt”. Chào xuân 67: “Xuân hãy xem! Cuộc diễu binh hùng vĩ/ Ba mốt triệu nhân dân/ Tất cả hành quân/ Tất cả thành chiến sĩ”.
Chiến tranh và hoà bình xen kẽ, đan lồng, tiếp nối trong hiện thục đời sống. Có thời, có con người phải tạm thời rời bỏ cuốc cày để cầm súng,nhưng rồi đến lúc buông súng lại về với ruộng vườn, chuồng trại. Đó là hình ảnh anh bộ đội phục viên Hồ Giáo trở thành anh hùng lao động trong Thăm trại Ba Vì, Gặp anh Hồ Giáo, là chân dung Trung đoàn trưởng Tư Khương về hưu lại tình nguyện chỉ huy mấy trung đoàn thanh niên đi khai hoang vùng Đất mới miền Nam trong Đồng Tháp Mười…
Cái hay của thơ Tố Hữu không chỉ là điểm duyệt đầy đủ chân dung, mà quan trọng hơn, còn là thể hiện thật chính xác bộ mặt tinh thần, những tính cách tạo nên nhân cách của nhân vật trữ tình.
Thành công chủ yếu của Tố Hữu – chính là đã thâu tóm được thế giới tâm hồn, những tính cách điển hình làm nên một nhân cách cao đẹp cũng là bản lĩnh cao cường của con người Việt Nam – phầm chất “vàng” của “ nhân phẩm,lương tâm”.
Con người Việt Nam, nổi bật là con người anh hùng, bất khuất, tiêu biểu cho ý chí tiến công cách mạng trong thời đại. Đó cũng là biểu tượng ngời sáng của chiến đấu và chiến thắng vì lý tưởng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của thời đại Hồ Chí Minh..
Tính cách này được quán xuyến qua những chặng đường lịch sử cách mạng, từ thời tiền khởi nghĩa đến suốt 30 năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả sau năm 1975.
Theo chân Bác: Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận khẳng định chủ nghĩa anh hùng truyền thống tiếp sức, làm nên sức mạnh tổng hợp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng ngày nay: “Có lẽ nghìn năm đã dạn dày/ Anh hùng xưa để giống hôm nay” (Tâm sự).
Buộc phải cầm súng tự vệ, nhưng Việt Nam vốn là một dân tộc yêu chuộng hoà bình. Con người Việt Nam mang bản chất nhân ái, đôn hậu. Chủ nghĩa nhân văn là một truyền thống quý giá bậc nhất. Chính vì yêu thương nên chúng ta biết căm ghét cái ác, lên án và chống lại các thế lực xâm lăng, dù hùng hậu, siêu cường. Yêu thương chính là động lực, là nguồn sức mạnh chính yếu để chiến đấu và chiến thắng.
Bình Ngô đại cáo vang vọng muôn đời:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo
Nhân và nghĩa truyền thống là tư tưởng coi trọng con người, coi trọng nhân dân, hoà hiếu giữa các dân tộc, và cũng là lòng bao dung, độ lượng với kẻ thù đã đầu hàng. Tư tưởng ấy được phát huy và biến hoá trong thời đại mới cách mạng: “Tình thương lớn mạnh hơn lửa thép/ Trận địa đây xây giữa lòng người” (Việt Nam máu và hoa).
Toàn thắng về ta – bản “Bình Mỹ đại cáo” hiện đại, tạo dựng tượng đài Thần chiến thắng với những dáng vẻ, tư thế, thần thái thật oai hùng của Anh Giải phóng quân:
Thuở Anh đi, sắc nhọn ngọn tầm vông
Giản dị như chàng trai làng Gióng
Vũ khí, chính là Anh, lòng yêu thương mênh mông
Vũ khí, chính là Anh, lửa căm hờn nóng bỏng!
.............................................
Khí phách Anh là Trường Sơn thanh cao
Rất mãnh liệt và cũng rất dịu dàng, tâm hồn Anh là muôn trùng sóng bể!
Đó là hình tượng kết tinh sự gắn bó hữu cơ chí anh hùng và đức nhân văn của con người chiến đấu.
Yêu thương, Tin tưởng và Hy vọng. Chủ nghĩa lạc quan không tách rời với tinh thần nhân văn và khí phách anh hùng.
Trong chiến trận, con người “biết lẽ phải, biết yêu thương căm giận/ Biết đi tới và làm nên thắng trận... Ta quyết thắng. Giành mùa xuân đẹp nhất!” (Bài ca xuân 68). Hoà bình lập lại, con người Việt Nam bước vào sự nghiệp mới: “Xây dựng đời ta, phá vòng vây kẻ xấu/ Thêm một cuộc trường chinh, cho ánh sáng văn minh xoá bóng đêm lạc hậu”. Ước vọng cháy bỏng của Tố Hữu với tương lai:
Mở rộng con đường huyền thoại Hồ Chí Minh
Cho Tổ quốc mai sau lên tuyến đầu nhân loại
Cảm nghĩ đầu xuân 2002
Trên trời: “Nhộn nhịp trời xanh những chuyến bay nhanh, khoẻ”. Dưới nước: “Cầu đẹp thêm duyên dáng những dòng sông”. Ngoài khơi: “Ôi! Biển Đông chưa bao giờ đẹp thế/ Những giàn khoan khí đỏ khơi xa/ Nối đuôi nhau những con tàu bay phấp phới lá cờ ta/ Vượt sóng lớn, ra khắp đại dương hùng vĩ”.
Đã xuất hiện thấp thoáng bóng dáng sáng đẹp những con người thời hoà bình xây dựng đổi mới và bước đầu hội nhập thế giới.
Có những con người rất đẹp giữa đời thường trong ánh sáng lãng mạn mà hào hùng mới: “Hàng tơ trong suốt trắng tinh /Rung rinh tia sáng, lung linh vòm trời”(Tằm tơ Bảo Lộc).Lại có những con người với giấc mơ huyền thoại mới: “Ba mươi năm lẻ cầm quân /Mười năm qua lại dầm thân Tháp Mười / Đào kênh, xây ruộng, luyện người…”(Đồng Tháp Mười).Trong hoàn cảnh đất nước còn biết bao thử thách gian truân để vượt qua ải đói nghèo , nhà thơ đã phát hiện con người “ như ngọn lửa” bừng cháy “sinh lực tuổi thanh xuân” trên những công trình thuỷ điện. Đó là hình mẫu “những con người thật mới”:
Hai bàn tay anh, hai bàn tay sắt
Đang dựng xây vững chắc cho đời
Và dựng xây cả những con người!
Những bàn tay xây dựng
Còn biết bao đức tính tốt đẹp của người Việt Nam được khắc hoạ trong thơ : cần cù, nhẫn nại, giản dị, khiêm tốn, hồn nhiên, thanh khiết…Ta chỉ biết rằng, suốt một đời của mình, Tố Hữu đã thành công đặc sắc trong việc xây dựng một nhân cách Việt Nam cao đẹp tuyệt vời. Đó là chưa kể, trong đó có Con Người Việt Nam nhất như nhân vật huyền thoại của dân tộc và cũng là của nhân loại – Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người. Tuy nhiên, đây lại là một chủ đề lớn của một công trình khác.
II) CON NGƯỜI NHƯ GIÁ TRỊ THIÊNG LIÊNG NHẤT
“Khi dân tộc nhịp bước cùng thời đại”là hoàn cảnh lịch sử mới. “Việt Nam ơi ! / Người là ai ? Mà trở thành nhân loại” là quan hệ thế giới mới. Sự mở rộng chủ đề thơ thực chất là nâng cao tầm vóc, vị thế con người mới. Phẩm giá con người dân tộc được so đọ, đối sánh với giá trị người giữa nhân gian toàn cầu, trong thời đại.
Tố Hữu không chỉ thể hiện con người mà còn bàn luận về con người. Nói cách khác, nhà thơ quan tâm đến vấn đế con người: bản chất tâm hồn và sức mạnh tinh thần, bước đường trưởng thành của nhân cách... Thế giới tâm hồn của con người, xưa nay vẫn là một bí ẩn chưa được khai thác hết. Văn học nghệ thuật nói chung là sự nỗ lực không ngừng để tìm tòi và phát hiện con người dưới những ánh sáng mới của lịch sử.
Con người mới cách mạng Việt Nam đã được tôn vinh là con người lương tri nhân loại, con người lương tâm thời đại: “Ta hoá vàng nhân phẩm,lương tâm”(Việt Nam máu và hoa).
Chế Lan Viên đã phát hiện ra một tình thế mới trong thơ, cũng là thể hiện một tâm trạng mới của nhà thơ Tố Hữu: “Chưa bao giờ trạng thái hỏi xuất hiện trong thơ nhiều đến thế... Hỏi để mà trả lời. Hỏi để mà khẳng định... Nhờ sự cọ xát mà câu hỏi và lời đáp ấy đã bật ra nhiều ánh sáng”:
... Và ở đâu? Trên Trái đất này
Người vẫn ngọt ngào qua muôn nỗi đắng cay
... Vì sao ngày một thanh tân
Vì sao người lại mến thân hơn nhiều?
Tự hỏi và tự giải đáp. Có khi là người hỏi và mình trả lời. Tâm sự có ghi đề từ Trả lời một bạn văn nước ngoài. Tiếng chổi tre là nói với nhau, nhưng chủ yếu là muốn nói với những ai đó ở tận những nẻo trời xa đâu đó. Cũng như Nhật ký đường về, Đường vào là một đối thoại kín đáo, tế nhị mà ráo riết, đáo để như kiểu nói “lạt mềm buộc chặt” khôn ngoan của con người Việt Nam:
... Bạn đường, ai tỉnh ai say?
Có đi tiền tuyến thì bay với mình
... Xóm làng đang dậy gà khuya
Đường xa gánh nặng ai chia với mình?
Đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại quốc tế và kêu gọi đoàn kết thế giới đấy!
Thường những vấn đề chính trị, thời sự lớn lao được đề xuất một cách tâm tình bằng giọng trữ tình tha thiết. Khác hẳn nét phong cách chính luận, triết luận của Chế Lan Viên, Tố Hữu làm triết lý nhưng không lập luận suy tư hàn lâm, đó là triết lý của trái tim –hồn hậu mà sâu đằm .
Ta có thể thâu tóm những vấn đề con người trong thời đại mà Tố Hữu đặt ra trong thơ như sau:
- Con người dân tộc và thời đại trong truyền thống và cách mạng.
- Con người trong các mối quan hệ xã hội và lịch sử.
- Con người “trên đời” – con người nhân tình thế thái.
Vào tuổi “ cuối thu”, trong tâm thế bình thản và tâm trạng suy nghiệm, Tố Hữu như dồn nén, lắng đọng nhiều điều về con người hơn. Đó cũng là lẽ tự nhiên của một người giàu trải nghiệm.
Thực ra, Tố Hữu làm triết lý từ rất sớm. Ba tiếng (Từ ấy) được tờ báo nước ngoài in lại như một bài thơ có chiều sâu triết học. Tuy nhiên, phải vào tuổi “bất hoặc” rồi “tri thiên mệnh” trở đi, nhà thơ mới đạt đến những độ chín muồi về suy tư. Đây cũng là lúc nhà thơ có những tư tưởng tiếp sức cho tâm hồn: “Đã nghe gió ngày mai thổi lại/ Đã nghe hồn thời đại bay cao” (Ba mươi năm đời ta có Đảng ).
Bao giờ con người Việt Nam cũng được đặt trong khung cảnh, hoàn cảnh, không gian – thời gian xác định, là con người cụ thể trong lịch sử:
Khi dân tộc nhịp bước cùng thời đại
Ở tầng nghĩa thứ nhất, đó là con người hiện đại, con người nhập cuộc trong dòng chảy của lịch sử dân tộc và thời đại. Một bà mẹ chở đò trên sông có một tuyên ngôn lý tưởng vô cùng bình dị: “Mẹ rằng: Cứu nước mình chờ chi ai?”. Câu thơ sau đây cũng thể hiện sự giác ngộ sâu sắc: “Ta hiểu vì sao ta chiến đấu/ Ta hiểu vì ai ta hiến máu”. Ta và ai là ở tầm dân tộc và thế giới. Cao đẹp thay sứ mệnh của con người Việt Nam – vì hạnh phúc của tương lai nhân loại:
Nếu được làm hạt giống để mùa sau
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Chúng ta quyết chịu “vạn ngày lửa đạn” cho “nhân loại ngẩng cao đầu” những “nghìn năm” với ngọn cờ độc lập, tự do.
Dân tộc theo nghĩa hiện đại còn có nghĩa là truyền thống và cách mạng. Trong sứ mệnh thời đại, còn ẩn sâu đạo lý dân tộc. “Bốn biển anh em hoà hợp lại” cũng là quan niệm truyền thống mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tuyên bố: “Vì trong bốn biển đều là anh em”.
Con người trong thơ Tố Hữu ngày càng cao đẹp với tầm vóc thời đại. Ở Từ ấy, nổi bật là con người dấn thân. Thời Việt Bắc, nhà thơ giới thiệu hình ảnh của con người giải phóng. Từ Gió lộng, là hình mẫu hoàn toàn mới: con người tập thể, con người tự do. Trong cuộc Ra trận hào hùng, dân tộc được tượng trưng cho con người xả thân vì nghĩa lớn với hình ảnh đậm chất huyền thoại:
... Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa.
... Ta sẵn sàng xé trái tim ta
Cho Tổ quốc và cho tất cả.
Tố Hữu là người có suy nghĩ sâu sắc về con người trong các mối quan hệ xã hội. Tiếng ru là bài thơ đậm đà triết lý và đạo lý.
Sự nghiệp cá nhân sẽ tạo dựng sự nghiệp tập thể, chẳng khác nào “thân lúa chín” tạo nên “mùa vàng”. Hiểu rộng ra, đó là quan hệ giữa con người với nhân gian. Con người sẽ phát sáng như tinh tú hay tàn lụi như đốm lửa đều ở sự nghiệp, công trình của cá nhân với xã hội, với cuộc đời.
Con người các thế hệ là sự tiếp nối các dòng đời trong thời gian lịch sử.
Đạo lý ở đây thật sâu đậm – niềm tin yêu thắm thiết mang tính truyền thống:“Tre già yêu lấy măng non/ Chắt chiu như mẹ yêu con tháng ngày”.
Con người (1993) có khuynh hướng triết luận lọt vào vườn thơ trữ tình như một bông hoa lạ với sắc hương đầy triết lý.
Về tuổi tác, Tố Hữu đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, thừa sức để bàn triết lý. Nhưng điều quan trọng là tình thế đã và đang diễn ra bao đổi thay, xáo trộn ở tầm vĩ mô: “Vết thương đau, đau cả thế gian này” (Người đứng đó, Lênin), “Đảo điên thiên hạ đổi màu, tên” (Thăm Bác, chiều đông). Mượn tâm thế của Bác, Tố Hữu nói lên trải nghiệm bản thân: “hằng nghe đủ chuyện trên đời/ Dở hay, khôn dại, khóc hay cười”. Giờ đây, Tố Hữu nêu lên triết luận của mình về Con người. Ở bài thơ, ít ra có mấy luận điểm quan trọng nổi bật thâu tóm được quan niệm con người qua sáng tác từ xưa, đến nay được nhấn mạnh
1/Con người tạo nên chính mình. Con người là sản phẩm của tự nhiên, cũng là của chính mình.
2/ Con người là chủ thể của lịch sử, Con người là động lực của phát triển, là chủ thể của sáng tạo văn hoá, văn minh.
3/ Con người là giá trị cao nhất. Con người là mục tiêu đầu tiên và cuối cùng.
4/ Con người sống giữa nhân gian .Con người mang thế thái,nhân tình.
Tố Hữu đã hơn một lần ra tuyên ngôn về chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa lạc quan cách mạng. Nhà thơ có một lời tuyên chiến ngầm không kém phần quyết liệt – thiện chống ác, tiến bộ chống tha hoá:
Đời Người không thể lại là kiếp con
Và một lời kêu gọi mạnh mẽ cho một nhân sinh quan có sắc thái mới: sống đổi mới, sống sáng tạo, sống khám phá (chống “sống mòn” tức sống thụ động, chai lì ). Ý tưởng được gửi gắm như tâm huyết cuối đời của Tố Hữu: “Tự tay ta khai thác thiên nhiên, khám phá cả chính mình” (Cảm nghĩ đầu xuân 2002).
Trước hết và sau cùng chính là ta phải khám phá chính mình để tạo ra giá trị bản thân , một nội lực như ẩn tàng tiềm năng “ nguyên tử’ tinh thần.
Con người như một đúc kết hệ thống luận đề về Giá trị Người, Chất lượng Người cần phải có trong “Trăm năm”, “Đời người”. Đó là chiều sâu triết lý thơ của Tố Hữu về con người nói chung mà nổi bật là con người dân tộc trong thời đại.Qua thử thách đấu tranh “Vì thiêng liêng giá trị Con Người”khốc liệt “Chúng muốn đốt ta thành tro bụi/Ta hoá vàng nhân phẩm,lương tâm’, Việt Nam ngời sáng “trở thành nhân loại”.
*
Theo nhà thơ, người ta không ai là thần thánh. “Trời không có thiên thần/ Đất không có thánh nhân”. Ta không thể ảo tưởng về mình, ta “không tự ngắm mình” nhất là trong thời hội nhập toàn cầu, cạnh tranh hoà bình về văn minh, văn hoá.
Đấu tranh để hoàn thiện nhân cách tốt đẹp là một việc cần làm suốt đời. Tuy nhiên, ta cần phải biết tự hào chính đáng với danh hiệu vinh quang – Con Người Việt Nam.
Con người Việt Nam đấu tranh dựng nước và giữ nước hôm qua, hôm nay và ngày mai luôn đồng nghĩa với con người lương tri nhân loại, con người lương tâm thời đại cũng là con người đạo lý dân tộc – dân tộc truyền thống nghìn năm văn hiến và dân tộc văn hoá văn minh hiện đại. Con người đã được ký gửi niềm tin và hy vọng nhân loại đã , đang phát sáng, cần tiếp tục toả sáng trong tương lai.
Tố Hữu – ca sĩ sử thi hào hùng của thời đại mới cách mạng - khi ra đi còn gửi lại bao thông điệp thiết tha tâm huyết nhất và những kỳ vọng vô cùng mãnh liệt về Đất nước, Con người Việt Nam. Nhà thơ lớn tưởng như nghe tiếng của Bác Hồ - “ Người trồng người vĩ đại” nhắc nhở gìn giữ và phát huy “phẩm chất vàng” nhân cách Việt Nam:
Chớ ngủ say trên vòng hoa chiến thắng
Hãy liêm chính, giữ lòng trong sáng
………………………………………..
Chân lý không ở hư vị, hư vinh
Gía trị mới trong mỗi con người mới.
Chào thế kỷ 21 !
CHÚ THÍCH
(*) PGS – TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hà Minh Đức (2004) . Tố Hữu - cách mạng và thơ – Đại học Quốc gia Hà Nội
[2] Đoàn Trọng Huy (2007), Tố Hữu in trong Tinh hoa văn thơ thế kỷ XX, Giáo dục.
[3] Tố Hữu (2008) , Toàn tập – Thơ ca – Văn học.