Văn học Việt Nam hiện đại

Tỏa sáng sắc xuân Hồ Chí Minh


12-10-2020

Con người và văn chương Hồ Chí Minh thường gắn liền với Mùa xuân. Cuộc đời huyền thoại của Người là bài thơ Xuân tuyệt đẹp cùng sự nghiệp văn thơ thấm đượm Sức xuân mạnh mẽ.Ánh sáng kỳ diệu Hồ Chí Minh là sự tỏa ngời sắc xuân rạng rỡ mãi mãi.

 

Trong không khí Vui bất tuyệt của cuộc cách mạng tháng Tám long trời lở đất sau ngày khởi nghĩa ở Huế thành công, nhà thơ trẻ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ Hồ Chí Minh vào ngày 26/8/1945 với cảm hứng linh diệu:

Hai câu mở đầu thật trang trọng và tôn vinh: “Hồ Chí Minh/ Người lính già”.

Hai câu kết như ước vọng thiết tha:“Hồ Chí Minh/ Người trẻ mãi không già”.

Sau một thời gian thời gian gần gũi với Bác Hồ, ở Sáng tháng Năm (1951), nhà thơ dần nắm bắt được phong cách sống, làm việc của lãnh tụ, đã đặc tả như làm toát ra một thần thái kỳ lạ:

Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười

Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi

Quả thật, như lời tiên tri hiệu nghiệm, một đời Hồ Chí Minh đã chống chọi với tuổi tác, cưỡng lại quy luật của tạo hóa để giữ được Tuổi trẻ như mùa xuân của cuộc đời.

Trong kháng chiến chống Pháp, dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn “ung dung” “ngày rộng tháng dài”, làm thơ chơi chữ Thất cửu (7x9=63): “Chưa năm mươi đã kêu già/ Sáu ba, mình vẫn nghĩ là đang trai” (Sáu mươi ba tuổi). Tháng 6 năm 1964, khoảng năm năm trước khi đi xa, Người vẫn tự nhủ:

Bảy mươi tư tuổi vẫn không già

Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta

Bảy mươi tư tuổi vẫn không già

Lấy mình hiểu người, Hồ Chí Minh luôn lấy thơ làm quà để động viên các bậc bô lão: Tặng các cụ phụ lão (1960): “Càng già, càng dẻo, càng dai/ Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai”. Người viết báo ca ngợi: “Tuổi cao chí khí càng cao/ Chống Mỹ cứu nước già nào kém ai”. (Càng già càng giỏi – 1965).

Thực ra, giữ sức khỏe, sức trẻ để sống và hành động cách mạng cũng là một cuộc chiến âm thầm đầy quả cảm. Ngục tù, xiềng xích làm tiêu hao sinh lực, cuộc sống gian khổ nơi núi rừng chiến khu làm giảm sút thể lực, nhưng tất cả đã hòa vào quá khứ. Giờ đây, thời gian và thời tiết mới là mối đe dọa trực tiếp. Đó là cuộc chiến đấu thật dữ dội mà thầm lặng: “Cơn yếu đau trong mỗi tế bào/ Trận đánh diễn ra trong mỗi hồng cầu... Trong hơi thở dồn, trong khớp xương đau/ Người chống chọi qua từng bữa ăn, giấc ngủ” (Di chúc của Người – Chế Lan Viên). Bác rất biết cách tự kiềm chế. Không đề (3/1968) nêu lên một chiến thắng của bản thân: “Thuốc không, rượu cữ đã ba năm/ Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần”. Người tự răn mình với Hai điều chí nên (Nhị vật): “Thuốc không, rượu chẳng có mừng xuân” và có giấc mơ vui vẻ thật “tội nghiệp”: “Trong mộng thuốc thơm và rượu ngọt”!

Là người yêu đời bậc nhất, Người chỉ có duy nhất một tiếc nuối là không còn được sống lâu hơn để phục vụ Nhân dân, phục vụ Đất nước (Di chúc).

***

Hồ Chí Minh luôn “trẻ mãi không già”. Khi đã cao niên, không ngày nào Người phải sống trong tuổi già. Ấy là nhờ có bí quyết: sống khỏe, sống trẻ, sống vui, sống có ích.

Nói cách khác, Hồ Chí Minh là một người đầy sức sống. Gọi đúng ra, đó chính là sức trẻ, sức xuân – chính là cái nội lực mạnh mẽ vô cùng đã chiến thắng sự tàn phá của thời gian. Tuổi càng cao, sức càng yếu, nhất là ở độ tuổi “xưa nay hiếm”. Đó là một sự thật không thể phủ nhận.

Nhưng, ngoài ra cũng còn một sự thật hiển nhiên khác: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” (Truyện Kiều – câu 420).

Là con người cách mạng, từng xoay chuyển tình thế, đảo lại thời cuộc, Người cũng dễ dàng lật ngược tình thế của bản thân với chỉ duy nhất một thứ thuốc: rèn luyện thể chất và bồi dưỡng tinh thần để tạo ra sức sống, sức trẻ, lại phải biết duy trì và phát triển sức lửa nữa.

  Ta cần kết hợp nội lực với sức tập thể, sức phong trào cộng đồng. Ta phải biến bí quyết cá nhân thành quyết sách công khai của tất cả, cho tất cả.

Đó là lí do, một mặt là để chăm sóc cho sức lực của bản thân, mặt khác là hô hào toàn dân chăm lo sức khỏe và thể dục (Cứu quốc số 199 – 27/4/1966với lời tâm huyết: “Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta, ai cũng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Người cũng tập. Ở chiến khu thì: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang” – một cách sống cũng là cách tập. Ở Phủ Chủ tịch, Bác vẫn tập đều, khi mắc bệnh nặng, sức khỏe giảm sút thì Bác lại càng tập. Nhà thơ Chế Lan Viên đã lột tả thật cảm động điều đó: “Người làm chủ lấy mình/ Bằng bàn tay cầm gập chẳng run run/ bằng trận ho cố nén/ Bằng viên đá xiết vào tay rèn luyện/ Bằng mỗi bước trên đường xoài Bác cố bước đi nhanh” (Di chúc của Người).

Người sống thật là sống, sống cho ra sống. Đó là lối sống được diễn tả bằng triết học là “sống ở đời” và “làm người” như quan niệm sống mà Bác đã phát biểu.

Một mặt, Bác tu thân, nhưng mặt khác, phải hướng dẫn Đường Kách mệnh, nên Bác viết Đạo đức cách mạng để ai cũng thực hiện, tạo nên sức mạnh tinh thần.

Một trong những vị thuốc bổ dưỡng cốt yếu hàng đầu là “sinh vị” – tức sức sống: sống là cho, là cống hiến; sống yêu đời, say mê hết mức cuộc đời; sống hy vọng mãnh liệt vào tương lai tốt đẹp.

Phương thức “hồi xuân”, “trường sinh bất lão” này, nói theo chữ nghĩa, chính là chủ nghĩa lạc quan Hồ Chí Minh.

***

Con người đầy sức trẻ Hồ Chí Minh đã sống một cuộc đời xông xáo, tung hoành như một chiến sĩ.

Hai mươi mốt tuổi, Người đã ra đi tìm đường cứu nước, dấn thân vào muôn trùng gian khổ. Anh Ba đã sống bằng hai bàn tay, không nề hà bất cứ công việc nặng nhọc nào, kể cả đó là công việc vất vả, nặng nhọc nhất: phụ bếp, đốt lò, quét tuyết để kiếm sống và hoạt động bí mật. Đó là lúc sức “đang trai” đầy khí phách. Sau nhiều khổ luyện học ngoại ngữ, Nguyễn Ái Quốc ra báo, làm chủ bút kiêm phát hành. Sau đó, Bác viết văn, vung bút đuổi giặc thù, tấn công tội ác, diễn thuyết, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức các hiệp hội, đoàn thể mang tầm vóc quốc tế. Tiếng nói và trước tác của Nguyễn Ái Quốc đã làm rung động xã hội, vang vọng trên các diễn đàn thế giới – các Hội nghị quốc tế Cộng sản. Tất cả những hoạt động ghê gớm ấy đều trong tầm tuổi “đang xoan”. Ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài là từng ấy năm Bác hoạt động sung sức, dũng cảm.

Từ năm 1945 cho đến hết 24 năm tại vị, Người luôn làm việc ngày đêm, qua muôn gian nghìn khó bằng một sức lực hiếm có. Có lẽ Người là vị Nguyên thù quốc gia đặc biệt nhất thế giới, gắn bó với nhân dân và lặn lội với thực tế đời sống nhiều nhất, với tất cả sự gian nan, vất vả, khó nhọc và nhiều khi là cả nguy hiểm nữa: trèo đèo, lội suối, băng ngàn, cưỡi ngựa, đi bộ, đáp thuyền... để quan sát trận địa, vi hành vào đơn vị, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, nông thôn và xóm chợ khắp mọi cuộc sống. Người đi bằng đủ mọi phương tiện: đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường không,.... Người đi giao lưu quốc tế, lại làm thơ, viết báo, nói chuyện, lên lớp, hầu như suốt quanh năm ngày tháng. Đó là biểu hiện của bậc thầy cách mạng thế giới: “Dạy người không biết mỏi” (Hối nhân nhi bất quyện). Lời nói, chữ nghĩa của Người luôn toát ra một sức sống, sức chiến đấu như xưa và còn hơn thế nữa, chẳng khác nào sự thăng hoa của sức trẻ từ thời trai tráng. Đó vẫn là “gió táp, mưa sa” của một tay trên. Hoặc như cảm nhận về một thời văn chương của Người, nhà văn Cuba Felix Rita Rodriguez đã viết: “Chúng ta thấy một luồng gió quật khởi với sức mạnh rung chuyển đã thổi mà sau này với thiên tài của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biến nó thành cơn dông tố cách mạng chỉ biết có thắng lợi” (1)Để hiểu ý tưởng này, chỉ cần đọc mấy bài báo, bài thơ khoảng cuối đời của Người.

Năm 1968, với bút danh Chiến sĩ, Người viết bài về Đại bại tướng quân Vét Mỡ Lợn đã cút về nước mẹ Hoa Kỳ (Nhân Dân – 13/6/1968)(*), Tổng Giôn và vụ giết chết nghị sĩ R. Kennơđi (Nhân Dân – 15/6/1968) (**) có câu kết nhắc lại lời thơ Mừng xuân – 1968: Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.

Năm 1969, Bác có các bài: Không đề, Chúc Tết các đồng chí cán bộ đang công tác tại Pari, Mừng xuân – 1969 là những vần thơ vui và khỏe.

Trong thơ Bác, tình và thép chan hòa, tâm sự cá nhân gắn liền với ước vọng chung, cảm xúc riêng tư không tách rời các sự kiện lớn lao của đất nước, của dân tộc. Làn gió xuân tươi trẻ vẫn bừng bừng khí thế chiến đấu, toát lên một tâm hồn đượm xuân sắc: “Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm/ Vẫn vững hai vai việc nước nhà (Không đề).

Những lời chúc thật thắm thiết và mạnh mẽ:

                                               Tiến lên!

                                 Chiến sĩ đồng bào

Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn

Mừng xuân 1969

***

Như một lẽ tự nhiên, Hồ Chí Minh thường gắn sự kiện và cuộc đời với tâm tình, ý tưởng với Mùa xuân.

Mùa xuân, vẻ xuân, tiết xuân, khí thế xuân từ hồn tỏa ra văn thơ và cuộc sống của Người.

Mùa xuân, trước hết, thể hiện vẻ đẹp của đất trời, là mùa vạn vật tươi nở, tràn đầy sức sống nhân sinh.

Bài thơ Nguyên tiêu là một điển hình rực rỡ của sắc màu xuân. Ở đây, ta thấy có ba màu xanh hòa lẫn vào nhau:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Đó là sắc màu sông xuân (xuân giang), nước xuân (xuân thủy) và trời xuân (xuân thiên). Tất cả đều lồng lộng dưới ánh trăng soi.

Ở Tiết xuân Mậu Thân (Mậu Thân xuân tiết – 1968), bài thơ xuân cuối đời của mình, Hồ Chí Minh vẫn chứng minh mình là một nhà thơ – họa sĩ tài ba với bức tranh xuân phối màu tuyệt đẹp: hoa tía, hồng nở rộ, chim trắng chao lượn, oanh vàng tung cánh trên nền trời mây bay chuyển... Ở bức tranh thơ, cảnh không tĩnh mà rất động với thần sắc và khí thế thật linh hoạt.

Mùa xuân mang ý nghĩa xã hội thực ra cũng đã có ở những cảnh xuân trên “Giữa dòng bàn bạc việc quân”, “Miền Nam thắng trận kéo về tin vui”.

Tuy nhiên, rõ rệt nhất là ở những sự kiện lịch sử lớn trong đời hoạt động cách mạng. Mùa xuân năm 1942, Người tìm ra “cẩm nang” cho thời kỳ cứu nước: Lênin và các dân tộc thuộc địa viết bằng tiếng Nga (in trên báo Sự thật số 27, 1/1924).

Tháng 1 năm 1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành chính đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), sau đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

Người trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng trong nước là từ một mùa xuân lịch sử: “Ơi sáng xuân nay, Xuân 41/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về ... Im lặng. Con chim hót .../ Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!/ Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người” (Theo chân Bác – Tố Hữu). Thơ chúc Tết Giáp Ngọ 1954 báo trước chiến thắng mùa xuân năm ấy: “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”. Theo lịch tiến quân, Mừng xuân 1968 tiên tri thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân được Người ghi lại bằng bức tranh chiến thắng rực rỡ trong Mậu Thân xuân tiết (Tiết xuân Mậu Thân). Mùa xuân 1969 cũng là mùa xuân vui cuối cùng trong đời Bác. Bài thơ Chúc Tết nhìn ra viễn cảnh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” từ Mừng xuân – 1969: “Gà Xuân túc túc rạng đông/ Đưa tin thắng lợi cờ hồng bay cao”.

Mùa xuân nhân quần, đối với Người, cũng là Mùa xuân nhân ái, Mùa xuân nhân dân. Ở đây, ta thấy rõ vẻ đẹp con người trong xã hội, trước đất trời, niềm vui -  cũng như tình thương yêu của Người dành cho tất cả.

Tết kháng chiến đầu tiên, Người có Thư gửi các chiến sĩ cảm tử quân thủ đô (2) với lời mở đầu thật thân thiết, cảm động: “Cùng các chiến sĩ yêu quý Trung đoàn Thủ đô – Các em ăn Tết thế nào? Vui vẻ lắm chứ? Tôi và các nhân viên Chính phủ vì nhớ các em nên không ai nỡ ăn Tết”.

Người luôn nhắc nhở chiến sĩ phải luôn phát huy tinh thần quật cường của ông cha ta: “Các em quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và lời chúc hăng hái tiến lên. Người cũng không quên gửi Thư chúc Tết đồng bào trong vùng tạm bị địch chiếm (2/1949) chúc: “Đồng bào yêu quý” giữ vững tinh thần kháng chiến đón tiếp ngày giải phóng vẻ vang. Cuối thư là lời nhắn gửi các cháu thanh niên và nhi đồng: “Bác không có quà Tết gì, chỉ gửi các cháu nhiều cái hôn âu yếm” (3).

Người Việt Nam ta ai cũng biết các đối tượng được Bác ưu ái nhất là nhi đồng và thanh, thiếu niên. Người đã có một định nghĩa thơ: “Trẻ em như búp trên cành” và một định nghĩa văn chương bất hủ: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” (Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến) (4). Bản Di chúc đã để lại muôn vàn tình thương yêu cho thế hệ trẻ với lời căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.

***

Tính đến năm 2012, tức cách nay đã hơn 72 năm – hơn một Hội (bằng sáu Giáp tính theo âm lịch), bài thơ Xuân đầu tiên của Hồ Chí Minh xuất hiện: Mừng xuân 1942 viết đúng vào Ngày 1 tháng 1 năm 1942

Từ đó, đã thành lệ, hầu như năm nào, ngoại trừ một vài năm với lý do đặc biệt, đều có thơ Chúc Tết của Bác gửi đồng bào. Đó là thơ – thư chúc tụng theo phong tục cổ truyền, cũng là mỹ tục trong đời sống mới:

Mấy câu thành thật nôm na,

Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân

Có những vần thơ mở ra một tầm vóc lớn lao, con người thiên nhiên, con người tạo vật. Hồ Chí Minh hiện ra thật giản dị như chân lý của cuộc sống:

Mùa xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân

Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây – 1.1.1965

Đó là ý tưởng vĩ đại qua câu chữ nhỏ bé.

Ta nhớ đây cũng là lời nhắn gửi qua bản Di chúc chính thức được công bố sau này: Người mong di hài được hỏa táng, hộp tro chôn ở ba miền Đất nước, trong đó có miền đất Tổ. Người căn dặn – Không cần bia đá, bảng vàng mà chỉ có cây xanh: “Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao cho các cụ phụ lão” (Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam – Hà Nội, 1989).

Các nhà thơ thường nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của con người yêu thiên nhiên vô hạn Hồ Chí Minh: “Bác sống như trời đất của ta/ Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa” (Tố Hữu), “Thôi không đốn gốc cổ thụ già che ở trước sân/ (Đốn một thân cây, động lòng người đến thế!”) (Chế Lan Viên). Thế giới lại bình luận về ý tưởng “xanh hóa” đất đai là tư tưởng lớn của nhà khoa học lớn: bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Vậy, Người còn là Con người nhân loại cả về phương diện tự nhiên và xã hội. Kì vỹ thay là chủ trương và ước vọng “xanh hóa”. Đất nước cũng là “xuân hóa” địa cầu!

Những năm kháng chiến chống Pháp, thơ xuân của Người là những lời ngợi khen chiến đấu, cũng là tôn vinh và ước vọng chiến thắng. Xuân Bính Tuất 1946 – xuân kháng chiến đầu tiên, Người mong: “Kiến quốc mau thành công/ Kháng chiến mau thắng lợi”. Chúc năm mới từ năm 47 trở đi, là điệp khúc “nhất định thắng lợi”“nhất định thành công” được mở ra trong bản hùng ca chiến trận.

Những năm 1960, 1961, thơ xuân Hồ Chí Minh thật vui, mừng Đất nước, mừng Đảng và đưa ra viễn cảnh tươi sáng của công cuộc xây dựng cuộc sống mới: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Từ năm 65, ước vọng thống nhất hai miền Nam Bắc đã cháy bỏng trong thơ xuân chống Mỹ. Mừng xuân 1968, 1969 đã như có lời “truyền hịch”: “Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên chiến sĩ, đồng bào!”.

Trong thơ xuân, Hồ Chí Minh có sự kết hợp hài hòa tuyệt đẹp của ba mùa xuân: xuân đất trời, xuân chế độ và xuân tâm hồn; có sự đan lồng nhuần nhuyễn giữa con người cá nhân và con người xã hội, giữa con người dân tộc và con người nhân loại: “Hòa bình dân chủ thế giới khắp Nam Bắc Tây Đông” (Thơ chúc Tết Giáp Ngọ - 1954), “Mừng Xuân, Xuân cả thế gian” (Mừng xuân Nguyên Đán thế nào – 1/1966) (5).

Thơ xuân nổi trội chủ nghĩa lạc quan, mang tinh thần truyền thống Nhân văn vào Anh hùng của dân tộc trong thời đại.

Nhớ thơ xuân Bác Hồ như một tâm thức linh thiêng, cũng là một đạo lý dân tộc với người đã tạo ra Kỷ Nguyên mới: Độc lập, Tự do, Mùa xuân mới hạnh phúc vĩnh cửu cho muôn thế hệ.

Hồ Chí Minh đã để lại một di sản đồ sộ là SỰ NGHIỆP VĨ ĐẠI sống mãi với lịch sử. Trong di sản ấy có TƯ TƯỞNG LỚN, TÂM HỒN LỚN góp phần mở ra MÙA XUÂN NHÂN LOẠI:

Hương tình nhân loại bay man mác

Nhân loại vươn lên ánh mặt trời

Đó là tiếng thơ như tiếng hát thời đại bất hủ, vang lên từ mùa xuân dân tộc đầu tiên (6).

Hồ Chí Minh – Người hội tụ của những nguồn ánh sáng (7) như đang tỏa chiếu một TÂM HỒN XUÂN cho HÔM NAY, cho NGÀY MAI...

CHÚ THÍCH

(*) William Westmoreland

(**) Lyndon Baines Johnson – Robert Fitzgerald Kennedy

(1) Nhiều tác giả - Nghiên cứu học tập thơ văn Hồ Chí Minh – Khoa học xã hội – Hà Nội, 1979.

(2), (3) Hồ Chí Minh – Văn chính luận – Giáo dục, 1997.

(4) Thành Duy – Danh ngôn Hồ Chí Minh – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – Văn học, 2011.

(5) Hồ Chí Minh – Thơ toàn tập – Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2000.

(6) Tố Hữu – Xuân nhân loại, Bài ca xuân 68.

(7) Chế Lan Viên – Nếu quên thanh gươm, ta chẳng hiểu Người.

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020