Văn học Việt Nam hiện đại

Tiểu thuyết về đề tài chiến tranh sau 1975 và những thành tựu nghệ thuật bị bỏ lỡ.


12-10-2020

Văn học Việt Nam từ sau 1975, nhất là từ thời kỳ đổi mới, là một quá trình văn học rất phong phú, đa dạng và không ít phức tạp, lại còn đang tiếp diễn. Việc nghiên cứu, đánh giá giai đoạn văn học này quả thực là công việc còn nhiều khó khăn. Sự tồn tại nhiều ý kiến, nhận định, đánh giá khác nhau về những vấn đề và hiện tượng của văn học những năm qua là điều đương nhiên. Trước tình hình đó, một hội thảo khoa học toàn quốc, mang tên “Văn học Việt Nam sau 1975 - Những vấn đế nghiên cứu và giảng dạy” đã được tổ chức tại khoa Ngữ Văn trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội tháng 4 năm 2005. Đó là một trong những sinh hoạt học thuật quy mô và nghiêm túc, nhằm nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về tiến trình văn học ba mươi năm, từ 1975 đến thời điểm hội thảo được tổ chức. Chúng tôi chia sẻ một số bài viết tham dự hội thảo này, nhằm cung cấp cho sinh viên và bạn đọc một nguồn tư liệu tham khảo.

Trên tờ Văn nghệ Trẻ số ra ngày 26/7/2004, một phóng viên trong khi trò chuyện cùng nhà văn Bảo Ninh, nhân nhắc tới hiện tượng khán giả lèo tèo vào rạp xem phim Người đàn bà mộng du của đạo diễn Thanh Vân, một bộ phim mà chính tác giả cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh từng viết bài ngợi ca hết lời, đã thẳng thắn nhận xét rằng “ Anh thấy đấy, khán giả, độc giả ngày nay họ mệt với đề tài chiến tranh như thế nào rồi”.

Có thực là khán giả, độc giả ngày nay đã mệt với đề tài chiến tranh hay không? Theo tôi, bây giờ và cho đến nhiều chục năm về sau này, chiến tranh vẫn cứ là một đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều thế hệ con người Việt Nam cùng các bên từng tham gia vào sự cố đặc biệt này. Sự thờ ơ của khán giả, độc giả đối với những bộ phim về đề tài chiến tranh, hay rộng hơn, những cuốn sách viết về đề tài chiến tranh là một thực tế khiến ta bắt buộc phải suy ngẫm. Những người cầm bút cựu chiến binh và cả những người cầm bút không là cựu chiến binh, nhưng từng trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài ngót ba mươi năm ở thế kỷ trước không thể chỉ chọn một thái độ là đổ lỗi cho độc giả và chọn một cách lý giải rằng đó là biểu hiện cụ thể, sinh động của bệnh chóng quên, lối sống hời hợt, chú mục vào hiện tại của con người thời đại bùng nổ các phương tiện thông tin, thời đại tiêu thụ mà cần phải nghiêm túc tự thấy rằng chúng ta, những nhà tiểu thuyết về đề tài này, do những hạn chế ở tầm tư tưởng và ở bản lĩnh nghệ thuật nên đã chưa tạo được cho đề tài nói trên một giá trị đủ để lôi cuốn con người hôm nay bước vào cái thế giới từng là nỗi kinh hoàng và là niềm vinh dự, là những biến động vô cùng to lớn, hết sức hào hùng và cũng là một sự kiện bất thường, khốc liệt đã phũ phàng can thiệp vào số phận của hàng triệu con người đồng thời đã, đang và sẽ còn tiếp tục hằn in dấu ấn của nó lên tích cách, tâm hồn của hàng triệu con người Việt Nam trong hiện tại cũng như trong tương lai. Nhưng đâu mới thực sự là những điều đáng và cần phải quan tâm đối với những người cầm bút ở ta về đề tài chiến tranh trên chính cái thể loại từng được coi là “ sử thi của thời đại mới”, cái thể loại mà, với những ưu thế vượt trội của nó trong thời hiện đại, lẽ ra, nó không đáng để người đọc đối xử một cách lãnh đạm như thế?

Theo tôi, bởi các phương diện sau đây:

1.     Mở rộng phạm vi hiện thực phản ánh nhưng chưa có đủ sự táo bạo cho việcphát huy trí tưởng tượng và giải phóng những mãnh lực của hư cấu nghệ thuật.

Cần phải khẳng định rằng ngay sau 1975, tiểu thuyết về chiến tranh là mảng gây được những tiếng vang nhất định trong công chúng. Người đọc đón nhận các tiểu thuyết Miền cháy của Nguyễn Minh Châu, Trong cơn gió lốc của Khuất Quang Thụy, Năm 75 họ đã sống như thế của Nguyễn Trí Huân với một thái độ hồ hởi, nồng nhiệt. Điều này là khá dễ hiểu vì hai lẽ: một là, vì phần lớn độc giả vừa đi qua chiến tranh, chính họ là lực lượng trực tiếp hoặc gián tiếp làm nên chiến thắng, do đó, cái nhu cầu chia sẻ niềm vui và gian lao qua cuộc sống hàng ngày và qua trang sách giữa cộng đồng những người đang được cả thế giới ngưỡng mộ và khâm phục trở nên một tất yếu. Hai là, không có gì hấp dẫn bằng những ấn tượng còn nóng hổi, còn vương hơi nóng của khói lửa cuộc chiến do các nhà văn quân đội trực tiếp thể hiện trên từng trang sách.

Nhưng rồi, cùng với thời gian, người ta bắt đầu phải học cách thích nghi với cuộc sống của thời bình. Điều đó cũng có nghĩa là, đối với người cầm bút, chiến tranh giờ đây cần được nhìn khác trước, với những suy ngẫm, sàng lọc, chọn lựa và cần phải hướng tới một cách thể hiện có tính nghệ thuật hơn, trong thế quân bình hoàn toàn khác trước giữa nhà văn và người đọc. Tức là, nếu nhà tiểu thuyết nào mang trong mình cái ý định chinh phục người đọc hậu chiến nhưng lại không vượt qua được cái nhìn giản đơn, một chiều và thể hiện trong tầm mắt của độc giả một cuộc chiến tranh như trước đây anh ta hoặc đồng đội của anh ta từng kinh nghiệm thì cầm chắc cuốn sách của anh ta sớm muộn sẽ bị lãng quên. Cuộc chiến tranh càng lùi xa, ký ức về chiến tranh càng hiện rõ và được cô đọng. Nhưng cuộc chiến tranh đi vào trang sách của các nhà văn lại phải được mở rộng những chiều kích khác nhau của nó. Bởi giờ đây, người đọc có quyền được nhận thức về hai cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt đã qua như chính nó từng hiện diện chứ không phải những cuộc chiến tranh mà nhà văn muốn người đọc hiện thời cần tiếp cận nó. Quyền lực của những người nắm trong tay sự thật ( các nhà văn cựu hoặc đang là quân nhân ) thực ra, không nhiều đối với người đọc ngày nay. Vả lại, những sự thật đó, dù phong phú đến bao nhiêu, chân thực đến bao nhiêu, cũng không thể lấy nó làm đại diện cho ba mươi năm chiến tranh vô cùng gay go và khốc liệt, dai dẳng và dữ dội đã qua. Bởi vậy, các nhà văn chỉ có thể vượt qua thử thách ghê gớm này bằng nỗ lực mở rộng phạm vi hiện thực trên những trang sách của mình. Trong những năm 80 mươi, Sao Mai của Dũng Hà, Mở rừng của Lê Lựu, Lửa từ những ngôi nhà của Nguyễn Minh Châu, Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh, Nắng đồng bằng của Chu Lai, Thung lũng thử thách của Thái Bá Lợi, và hơn chục năm gần đây Thời xa vắng của Lê Lựu, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng, Một ngày và một đời của Lê Văn Thảo...với những mảng hiện thực đôi khi gây ấn tượng thật dữ dội, thật bất ngờ có cả những bí mật về chiến công cũng như tổn thất, những vinh quang và bi kịch cùng nhiều phương diện khác của chiến tranh đến tận thời điểm lúc bấy giờ mới lần đầu được hiện diện trong mắt người đọc, chính là những cuốn tiểu thuyết bộc lộ cái nỗ lực đáp ứng nhu cầu chính đáng nói trên của người đọc đồng thời rất có thể cũng là nhu cầu sâu thẳm  của chính mỗi người cầm bút.

Tuy nhiên, thật đáng suy ngẫm khi có người nhận xét rằng, cũng là viết về chiến tranh mà đọc Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoi, Giã từ vũ khí của E. Hemingway thì ám ảnh nhường ấy, xúc động nhường ấy vậy mà đọc tiểu thuyết về chiến tranh của ta thì...trong khi đó, tuổi quân của L. Tolstoi ở Xêvaxtôpôn, của E. Heminhway trên chiến trường nước ý, chẳng thấm vào đâu nếu so sánh với tuổi quân của các nhà văn ta! Sự khác biệt nói trên xuất phát từ chỗ L. Tolstoi và E. Hemingway không mấy bận tâm với việc có nên viết văn như một người từng có một thời mặc áo lính hay không  mà bận tâm hơn hết tới việc viết văn như một nghệ sĩ văn chương. Cái thực tế chiến tranh bề mặt mà nhà văn hay bất cứ người nào đã trải qua, nói một cách cực đoan, là vô ích với tất cả những ai không cùng ta chung  hành trang ấy.

Bởi thế, tôi cho rằng, sự tuyệt đối trung thành với những trải nghiệm cá nhân của nhà văn cùng quan niệm cần phải tái hiện chiến tranh một cách hiện thực chủ nghĩa ở một góc độ nào đó, đã chặn đường không tạo điều kiện để các nhà văn có thể phát huy sức mạnh của trí tưởng tượng đồng thời giải phóng những mãnh lực tiềm ẩn của sự hư cấu nghệ thuật, ngõ hầu có thể giúp những người đọc đương đại và cả sau này thức nhận về chiến tranh bằng cái nhìn từ nhiều chiều kích của không gian và thời gian những cuộc chiến đã qua. Và đây mới là điều thực sự cần thiết cho một đề tài như đề tài chiến tranh và một thể loại như thể loại tiểu thuyết.

2.     Cố gắng tạo dựng những tính cách những số phận độc đáo, đặc biệt nhưng còn tự giam mình trong những quan niệm nghệ thuật về con người chưa thoát khỏi tính chất giản đơn, nhất phiến.

            Trong cuốn “ Văn học Việt Nam trong thời đại mới”, ở phần “ Văn xuôi những năm 1975-1985 viết về cuộc kháng chiến chống xâm lược Mĩ”, khi bàn về những thành tựu xây dựng nhân vật của các nhà tiểu thuyết về đề tài chiến tranh, Nguyễn Văn Long có nhận xét: “ Trong nhiều sáng tác gần đây, bên cạnh ý nghĩa lịch sử của cuộc chiến tranh, đã thấy sự gia tăng chú ý của nhà văn đến việc trình bày “con người trong biến diễn lịch sử”, đặc biệt, nhiều tác phẩm đã chú ý “ xây dựng những hoàn cảnh quyết liệt, đầy xung đột phức tạp, đưa nhân vật của mình vào những tình huống hết sức khó khăn, trình bày những biến diễn và số phận không giản đơn của con người”1.

Đó là một nhận định xác đáng. Những nỗ lực nhằm vươn tới mục đích khắc họa con người thời đại mình với những phẩm chất riêng biệt, đa diện, phức tạp và khó lặp lại của Thái Bá Lợi trong Hai người trở lại trung đoàn, của Nguyễn Trí Huân trong Năm 75 họ đã sống như thếChim én bay của Lê Lựu trong Thời xa vắng, của Nam Hà trong Đất miền Đông, của Nguyễn Trọng Oánh trong Đất trắng, của Nguyễn Minh Châu trong Cỏ lau, của Dương Hướng trong Bến không chồng, của Bảo Ninh trong Nỗi buồn chiến tranh... đã tập hợp thành một đội ngũ đông đảo tạo ra cả một thế giới nhân vật của chiến tranh, dĩ nhiên, mang diện mạo đặc biệt của chiến tranh.

Dù tác phẩm của các nhà văn kể trên có để lại trên ký ức ta những vết hằn khác biệt nhau đến thế nào thì ta cũng không thể không thừa nhận rằng :  đã có trong đời sống văn học những con người không đơn giản, những con người mà sự hiện diện của họ trên trang sách vừa là một bằng chứng về sự nhào nặn ghê gớm của chiến tranh vừa là một bằng chứng về vẻ đẹp vị tha, cao cả không dễ thời nào cũng có được đồng thời lại là một bằng chứng về cái vô cùng bí ẩn của tâm hồn con người.

Đó là Lực trong Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu, lặng lẽ chịu đựng những mất mát lớn lao nhất của đời mình nhưng đồng thời cũng thấm thía một cách sâu sắc tính chất tàn khốc của chiến tranh: “ Chiến tranh, kháng chiến, không phải như một số người khác, đến bây giờ tôi không hề mảy may nuối tiếc đã dốc tất cả tuổi trẻ vào đấy cống hiến cho nó, nhưng nó như một nhát dao phạt ngang mà hai nửa cuộc đời tôi bị chặt lìa thật khó gắn liền lại như cũ. Nhưng đau đớn hơn là hai nửa cuộc đời tôi cũng không bị cắt lìa hẳn.”

Đó là Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh “ đứng lặng ngắm nhìn toàn cảnh đời mình đang mất đi, đang trôi xa, đang vĩnh biệt chính mình”. Mãi mãi cái kẻ đi ra khỏi chiến tranh ấy không thể tìm lại được con người trước đây của mình nữa. Chiến tranh đã vĩnh viễn lấy đi của anh tuổi trẻ, tình yêu và cái nhìn chân thành, trong sáng vào cõi đời. 

Điểm nhìn mới mẻ, không dễ được nhiều người chấp nhận ngay của các tác giả những cuốn tiểu thuyết vừa dẫn quả nhiên đã tạo nên những phản ứng khác nhau trong công chúng bởi nó, một mặt buộc nhiều người đọc đối diện một thực tại khác của chiến tranh mặt khác, làm lộ ra những câu hỏi, những tra vấn đau đớn, báo hiệu một rạn nứt thực sự trong thức nhận của các nhà tiểu thuyết về đề tài này. Nhưng cũng theo Anatoli Solokov, sự gây sốc, đã và sẽ còn xảy ra của Bảo Ninh đối với người đọc đương đại chỉ là do ông đã “ viết khác hơn so với các nhà văn Việt Nam thuộc thế hệ lớn tuổi hơn, nhưng việc đó không có nghĩa là ông giảm thiểu chủ nghĩa anh hùng và sự quả cảm của nhân dân mình1ngược lại, cả Bảo Ninh và Nguyễn Minh Châu, với những cách khác nhau, trên chính đề tài chiến tranh, đã vượt qua lối miêu tả chiến tranh kiểu tường thuật các chiến dịch để hướng sự quan tâm của mình tới con người. Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu và Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh cần phải được khẳng định là những cuốn tiểu thuyết “ mô tả chiến tranh đầy xúc động, đậm tính nhân văn”, như lời của Anatoli Solokov.

        Đáng tiếc, những nỗ lực theo hướng nói trên ở các nhà văn không phải lúc nào cũng đạt được những hiệu quả như mong muốn. Mặt khác, chính bản thân họ, do những ràng buộc của những trải nghiệm cá nhân, nhiều khi đã không đủ can đảm và táo bạo trao hoàn toàn quyền tự do cho các nhân vật, để có thể chấp nhận viết như một phiêu lưu vào cái miền chưa biết của tâm hồn và tính cách con người. Chừng nào, những người cầm bút còn coi nhẹ những điều này, cũng có nghĩa là họ sẽ  còn tiếp tục  sản xuất ra những cuốn tiểu thuyết giàu tính khả đoán mà ít tính sáng tạo và, do đó, đành phải tiếp tục chấp nhận sự lãnh đạm, thờ ơ của người đương thời.

3.     Đã ưu tiên cho việc phân tích tâm lý nhưng chưa thực sự dám đối diện với những bí hiểm của tâm hồn con người.

 

Không thể không đề cập đến một thực tế là sau hàng chục năm chiến tranh, các nhà tiểu thuyết ở ta vẫn giữ quán tính của lối viết thời chiến. Thiên hướng viết nhanh, viết vội, trước thì để kịp phục vụ, tuyên truyền, nay thì nhằm sớm có mặt với thị trường chi phối khá mạnh ở khá nhiều cây bút.

Điều nói trên tất nhiên dẫn đến một hậu quả đúng như Nguyễn Văn Long trong cuốn “ Văn học Việt Nam trong thời đại mới” từng đánh giá: “ Không hiếm những trang sách có nhiều tiếng nổ đạn bom mà vẫn thiếu tính chiến đấu; có nhiều sự việc con người mà vẫn thiếu tính hiện thực, nó giống thứ cây cảnh chỉ cốt bày trong mấy ngày tết, nhiều “ hoa lá cành” nhưng yểu mệnh. Bởi vì cái chính là tư tưởng, là vấn đề thì lại hời hợt, nông cạn như bộ rễ cây không được cắm xuống đất thực”1

Những căn bệnh đã nói, trước hết ảnh hưởng đến khuynh hướng phân tích tâm lý.

Một người cầm bút khá nổi tiếng ở hải ngoại kể lại rằng hồi trẻ ngẫu nhiên ông được đọc một cuốn tiểu thuyết của Nhật. Chuyện hai người yêu nhau tha thiết. Chẳng may, cô gái bị tai nạn, nhan sắc bị hủy hoại. Cô sống trong mặc cảm sợ hãi, đau xót với một ý nghĩ giày vò rằng người yêu vì thủy chung mà suốt đời phải ngắm khuôn mặt biến dạng, xấu xí của mình. Biết nỗi lòng cô, người con trai lặng lẽ dùng kim chọc mù hai mắt của mình.”   Nội dung cuốn sách được kể vắn tắt kèm lời nhận xét rằng ông ta kinh hoàng về sự bí hiểm của tâm hồn con người!

 Tất nhiên, tiểu thuyết ở ta nói chung và đề tài chiến tranh nói riêng chưa tạo được những tính cách đặc biệt như thế.

Những nỗ lực của Dương Hướng trong Bến không chồng, của Bảo Ninh trong Nỗi buồn chiến tranh, của Nguyễn Bình Phương trong Thoạt kỳ thủy chỉ là những cố gắng bước đầu. Tiểu thuyết phân tích tâm lý về đề tài chiến tranh ở ta chắc chắn sẽ là một hiện tượng nổi trội trong tương lai nhưng hiện thời thì vẫn cứ là một cái gì lấp ló mãi từ phía chân trời.

         

                                                           

­­­­­­­__________________

Tư liệu tham khảo

1 Nguyễn Văn Long – Văn học Việt Nam trong thời đại mới, nxb GD, H. 2002.

2Anatoli Solokov - Văn hóa và văn học Việt Nam trong những năm đổi mới 1986-1996 Vân Trang dịch, http://www.talawas.org ngày 25.5.2004

 


1 Nguyễn Văn Long – Văn học Việt Nam trong thời đại mới, nxb GD, H. 2002, tr216.

1 Anatoli Solokov - Văn hóa và văn học Việt Nam trong những năm đổi mới 1986-1996 Vân Trang dịch,

1 Nguyễn Văn Long – Sdd, tr.203.

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020