Văn học Việt Nam hiện đại

VÀI SUY NGHĨ VỀ KHUYNH HƯỚNG SIÊU THỰC TRONG THƠ MỚI 1932 - 1945


11-10-2020

1.Lâu nay, Thơ mới vẫn được quan niệm chủ yếu là thơ lãng mạn, hiểu lãng mạn với tư cách là một trường phái thơ ca, phân biệt với tượng trưng và siêu thực. Thực chất, Thơ mới là một hành trình tiếp thu những trào lưu thơ Pháp: lần lượt từ thơ lãng mạn thế kỉ XIX với Chateubriand, Lamartine, Musset, Vigny, Hugo, đến nhóm Thi Sơn với Théophile Gautier, Leconte de Liste, qua thơ tượng trưng với Baudelaire, Verlaine, Rimbaud, Mallarmé và có những biểu hiện đầu tiên gần với thơ siêu thực những năm 20 của thế kỉ XX. Bởi không tìm được những căn cứ xác thực về sự xuất hiện chính thức của lý thuyết siêu thực phương Tây ở Việt Nam thời kì Thơ mới, thao tác của chúng tôi là đi từ thực tiễn Thơ mới, trên cơ sở những tri thức nền tảng về những đặc trưng cơ bản của siêu thực phương Tây để đề xuất một vấn đề cần được nghiên cứu kĩ lưỡng hơn: liệu có thể nói đến một khuynh hướng siêu thực trong Thơ mới 1932 đến 1945? Tất nhiên,  khác với chủ nghĩa siêu thực Pháp là sản phẩm trực tiếp từ cơn cuồng nộ Dada, với điểm tựa triết học từ học thuyết của Bergson và Freud, siêu thực Việt, do truyền thống dung hòa mọi thái cực, lại không trực tiếp hứng chịu hệ lụy từ cuộc Thế chiến I kinh hoàng, cộng thêm với việc tiếp nhận cùng một lúc nhiều trào lưu nghệ thuật  không thể đẩy lên thành chủ nghĩa.  Không có tác giả Việt nào viết theo lối siêu thực mà có thể đặt vừa vặn một ô theo lí thuyết siêu thực của phương Tây, nhưng có thể khẳng định một ý hướng rõ rệt thể hiện trong cả  quan niệm và thực tiễn sáng tác như một vận động có tính quy luật của quá trình hiện đại hóa thi ca Việt Nam, vừa như nhu cầu tự thân vừa dưới ảnh hưởng từ phương Tây.

2. Từ 1936 trở đi, Thơ mới đã hình thành những quan niệm thực sự đứt gãy so với thơ lãng mạn giai đoạn trước, thể hiện trong quan niệm của trường thơ Loạn, nhóm Xuân Thu Nhã Tập, nhóm Dạ Đài. Có thể tìm thấy những điểm gần gũi với tư duy và phương pháp sáng tác thơ siêu thực  trong các bài thơ văn xuôi của Hàn Mặc Tử (Quan niệm thơ, Chơi giữa mùa trăng, Chiêm bao và sự thật,…), tựa tập Thơ điên và tựa tập Điêu tàn do chính hai tác giả Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên tự viết, tuyên ngôn Thơ của Xuân Thu Nhã Tập và Tuyên ngôn tượng trưng của Dạ Đài. Với họ, thơ là địa hạt của huyền diệu, thần bí, cao siêu. Hàn Mặc Tử gọi đó là “nguồn trong trẻo” là một “cõi trời cách biệt”, là cõi “huyền diệu”, “mông lung”, “địa hạt siêu thần”, “những bến bờ xa lạ của cảm giác”, là cõi giới của “Mơ ước”, “Huyền diệu”, “Sáng láng” và “vượt ra ngoài hẳn hư linh”, đó là nơi“rộng rinh không bờ bến” mà thi sĩ mải miết bước vào như một “người khách lạ”. Chế Lan Viên gọi đó là “Dòng sông Linh quằn quại”.  Xuân Thu Nhã Tập gọi đó là “cõi vô cùng” với “những lớp dày của tiềm thức và vô thức”. Dạ Đài gọi nó là cõi “âm u”, “vô biên” , là một cõi giới trùng phức mà “sau cái thế giới hiện lên hàng chữ phải ấn giấu muôn nghìn thế giới, cả thế giới đương thành và đương hủy,… Các nhà thơ đề cao trực giác và cho rằng Nhà thơ là một chủng loại đặc biệt, hiện lên như những khách lạ, là người mơ, người say, người điên,…tựu trung lại, là những siêu nhân với cuộc đời. Họ tiềm ẩn những năng lượng bất thường và báo hiệu những bùng nổ phá cách trong thơ, sáng tạo trong trạng thái điên loạn như những kẻ lên đồng, nhập thần. Nó là những trạng thái “điên”, “mơ”, “say” được đẩy đến tột cùng – sáng tạo nằm ngoài hành lang kiểm duyệt của ý thức. Cái mơ của lãng mạn thuộc về lãnh địa của cảm xúc, nó vẫn nằm trong sự điều khiển của ý thức. Còn cái mơ, say, điên của siêu thực thuộc cõi vô thức, rất gần với quan niệm của Freud về sáng tạo như cách giải phóng những xung năng, những ẩn ức ngủ quên. Đó là khi cõi vô thức thức dậy và dành lại địa vị làm bá chủ trong tâm linh con người. Đó chính là trạng thái sáng tạo trong quan niệm của thơ siêu thực.

Tuy nhiên, chúng tôi không tìm thấy căn cứ xác thực cho thấy các nhà thơ mới trực tiếp thừa nhận ảnh hưởng của trường phái siêu thực. Ngay cả bản “Tuyên ngôn tượng trưng” (Dạ Đài), có rất nhiều điểm gặp gỡ với chủ nghĩa siêu thực, nhưng ngay cách đặt nhan đề và cách các thi sĩ tự gọi mình là các “thi sĩ tượng trưng” cho thấy ở thời điểm muộn màng nhất của hướng tìm tòi cuối cùng trong Thơ mới - 1946, vẫn chưa có dấu hiệu thực chứng các nhà thơ Việt chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực Pháp. Cần lí giải sự gặp gỡ giữa quan niệm của Thơ mới với chủ nghĩa siêu thực như thế nào? Theo chúng tôi, có thể đặt ra giả thuyết trong Thơ mới, các tác giả đã tiếp thu chủ nghĩa tượng trưng- chủ nghĩa có nhiều điểm gần gũi với siêu thực. Trên cơ sở đó, họ đã tự mình phát triển quan niệm thơ và chạm đến nghệ thuật siêu thực. Có thể khẳng định siêu thực xuất hiện ở Thơ mới trên hai mức độ: thứ nhất, đó là thứ siêu thực tự phát được hình thành theo sự vận động tất yếu của đặc trưng, bản chất thơ; thứ hai, đó là thứ siêu thực tự giác nhưng gián tiếp ảnh hưởng qua sáng tác nước ngoài và theo đà phát sinh tự nhiên mà từ tượng trưng đã dấn bước dần sang siêu thực.

3. Dù đã xuất hiện trước đó rất lâu, nhưng phải đến giai đoạn hậu kì Thơ mới, những yếu tố siêu thực mới trỗi dậy thành khuynh hướng. Tuy nhiên, tham vọng đi tìm một chất vàng mười nguyên vẹn là siêu thực thuần túy trong Thơ mới là bất khả. Do cùng một lúc tiếp nhận nhiều nguồn thơ khác nhau, siêu thực trong Thơ mới là một tạp chất, ở nhiều tác giả, chất siêu thực và tượng trưng đã hòa hợp với nhau đến mức khó có thể tách rời.

Chủ nghĩa siêu thực tìm đến thế giới của giấc mơ, của những ám ảnh vô thức để tạo nên một thế giới hình tượng và thi ảnh riêng biệt. Thơ mới giai đoạn hậu kì đã gặp gỡ với thơ siêu thực phương Tây khi các tác giả đem vào thơ một thế giới hình tượng dị kì: thế giới nguyên thủy của Đinh Hùng, thế giới điên loạn trong thơ Chế Lan Viên,…và đặc biệt, là thế giới đầy lạ lẫm, ma quái trong Thơ điên của Hàn Mặc Tử. Nếu Mộng trong thơ lãng mạn mộng chủ yếu là cõi lí tưởng, đối lập với thực tại trần trụi hàng ngày (cõi mộng) hoặc là phương cách thoát ly thực tại (mơ mộng), thì cõi mộng của các nhà thơ này khác hẳn: nó là một thế giới thực tại của chiêm bao. Nó không phải sản phẩm của trí tưởng tượng mà là sản phẩm của hoạt động vô thức, là sự lên tiếng của những ẩn ức, ám ảnh bị đè nén bên trong. Nó không đối lập với thực tại mà chính là thực tại ở chiều sâu và xa hơn. Nó là một thế giới đa diện trùng phức chứ không phải thế giới phẳng như thơ lãng mạn gợi ra.

Thi giới siêu thực trong Mê hồn ca của Đinh Hùng chập chờn giữa thế giới nguyên thủy tiền kiếp và đô thị hiện đại. Chế Lan Viên trong “Điêu tàn” đã tạo ra một thế giới kinh dị với những sọ dừa, xương khô, bóng ma Hời,... Tuy nhiên, ở Chế Lan Viên, siêu thực chủ yếu thể hiện ở bình diện quan niệm, còn ở bình diện sáng tác, Chế Lan Viên vẫn là người làm thơ Điên đầy tỉnh táo. Siêu thực trong Thơ mới thể hiện đậm đặc nhất trong thơ Hàn Mặc Tử, đặc biệt là tập Đau thương. Ở Đau thương xuất hiện nhiều hình ảnh hư ảo, chập chờn thực – mộng, đến từ trạng thái vô thức của thi nhân mà trăng đã hiện diện đầy ám ảnh. Hàn Mặc Tử để trăng bao phủ, xâm chiếm, đồng hóa tất cả: “Không gian dày đặc toàn trăng cả/ Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng”, “Nước hóa thành trăng trăng ra nước/ Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm”. Trăng biết quì, sấp mặt, cúi mình, ngã ngửa, biết ghen, biết rụng,…Vượt lên thủ pháp nhân hóa quen thuộc ( chẳng hạn với Xuân Diệu: “Trăng từ viễn xứ/ Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn”.) những hình ảnh thơ Hàn Mặc Tử được tạo ra từ vô thức tính dục và đời sống tâm lí cuồng loạn. Vì thế, vẫn là thủ pháp nhân hóa, nhưng bản thân thủ pháp đã chuyển hóa tự nhiên thành vấn đề cái nhìn, cảm quan thế giới và sự thăng hoa của những ẩn ức từ đời sống vô thức cá nhân. Dấu vết tượng trưng đậm nét trong thi ảnh thơ Hàn Mặc Tử, nhưng có thể, do thể trạng và tâm lý, Hàn Mặc Tử  sống nhiều, sống sâu với những ám ảnh mãnh liệt của vô thức. Đời sống vô thức kết hợp với những kĩ thuật của bút pháp tượng trưng đã tạo ra những câu thơ trùng phức siêu thực – tượng trưng đến mức không thể tách bạch.

Cái tôi trữ tình Thơ mới giai đoạn hậu kì cũng có diện mạo khác hẳn giai đoạn trước: cái tôi trong trạng thái vô thức, điên loạn, mê sảng, cái tôi với sự nguyên phiến bị phá vỡ thành những thực thể li hợp bất định. Các thi sĩ làm thơ như một khoảnh khắc lên đồng. Khoảnh khắc ấy thi sĩ là một kẻ khác nhưng lại là một kẻ khác thể hiện vẹn nguyên con người thi sĩ nhất. Trạng thái ấy được Đinh Hùng, Chế Lan Viên và đặc biệt là Hàn Mặc Tử nói đến nhiều trong sáng tác: “Mê em, ta thoát thân hình/ Nhập hồn cây cỏ, đa tình mỗi đêm” (Đinh Hùng),… “Điên! Điên! Điên! Và say nữa xin say/ Điên đến chết và say cho đến khóc” (Chế Lan Viên),“Anh điên anh nói như người dại/ Van lạy không gian xóa những ngày” (Hàn Mặc Tử),…Nếu cái tôi ý thức là cái tôi nguyên phiến, thì cái tôi vô thức là cái tôi bị chia lìa, phân rã, bất định, li tan. Cái tôi của Hàn Mặc Tử mang cấu trúc đa tầng phức hợp, có sự phân thân giữa thân xác với linh hồn. Con người tự hình thành tha nhân ngay trong chính bản thân mình. Trong một cái tôi có nhiều “kẻ khác”Kẻ khác ấy đến từ đời sống vô thức, đầy lạ lẫm: “Ai đi lẳng lặng trên làn nước/ Với lại ai ngồi khít cạnh tôi”. Cái tôi trữ tình trong thơ Hàn Mặc Tử vừa phân rã vừa bất định. Phân rã trong cấu trúc cái tôi và bất định trong động thái trữ tình. Nhưng đó không phải là những mảnh thể rời rạc mà đan xen nhau, tranh chấp, phản trái nhau tạo thành một trạng thái chập chờn bất định. Đây là nét đặc trưng của cái tôi trữ tình trong thơ siêu thực.

Phương thức tạo hình đặc trưng của chủ nghĩa siêu thực là đặt những hình ảnh vốn rất xa nhau lại cạnh nhau để tạo nên những “va đập chói lòa của hình ảnh”, nhằm thoát khỏi từ trường của những thói quen liên kết ngôn ngữ thông thường và phục sinh ngôn ngữ trong những chiều kích thẩm mỹ mới cũng được thấy rõ trong thơ mới hậu kì. Trong những câu thơ của Nguyễn Xuân Sanh, chẳng hạn, bài“Buồn xưa” có những kết hợp hình ảnh theo lối siêu thực trên nhiều cấp độ, không dễ cảm nhận, chẳng hạn cách tạo tác “nhạc trầm mi”, “hồn xanh ngát”, “trái xuân sa”, “vai suối tươi”, “ngàn mày tràng giang”, “vây tóc mưa” . Xuân Thu Nhã Tập đã chớm chạm đến “ngôi đền” siêu thực bằng cách cắt dán lắp ghép để tạo nên những hình ảnh  lạ lẫm. Nhưng xét về mức độ, Xuân Thu chưa tạo ra được những hình ảnh “chói lòa” như thơ siêu thực phương Tây. Chính tôn chỉ phục hưng văn hóa phương Đông, giữ lại căn cốt của mình vừa là điểm mạnh, điểm riêng, nhưng cũng vừa là giới hạn của Xuân Thu, bởi tiềm lực truyền thống chưa đủ mạnh và sự thẩm thấu cái mới chưa thật sâu, sự hòa trộn giữa cổ điển và hiện đại chưa thật nhuần nhuyễn.

4. Thơ mới đã chạm đến nghệ thuật siêu thực trong nỗ lực phát triển tự thân của văn học Việt hơn, nghiêng về sự phát triển nội sinh hơn ngoại nhập, mà đậm đặc nhất là những sáng tác như hệ quả của những chấn thương tinh thần của Đinh Hùng, Hàn Mặc Tử. Tuy nhiên bút pháp tự động –kĩ thuật viết đặc trưng của chủ nghĩa siêu thực – còn mờ nhạt và không có đại diện nào thực sự tiêu biểu. Trường hợp Hàn Mặc Tử, dù đã có những vần thơ theo lối viết tự hành, nhưng vẫn chưa phải là một lối viết được ý thức, mà vẫn nghiêng về bản năng. Như một hệ quả, siêu thực thời kì này chưa được ý thức tự giác, và do chặng đường phát triển quá ngắn, tốc độ chuyển đổi quá nhanh, nên có nhiều điểm giao với thơ lãng mạn, tượng trưng, thể hiện trong rõ trong một nhà thơ, thậm chí ngay trong một thi phẩm, một thi ảnh.

Không trở thành chủ nghĩa với những tuyên ngôn, chủ soái, lập thuyết, đăng đàn, nhưng cuộc tương ngộ Đông Tây khiến yếu tố siêu thực trong thơ Việt phát triển thành một khuynh hướng mạnh mẽ vừa đứt đoạn vừa nối tiếp từ Thơ mới đến thơ đương đại. Sau Thơ mới là Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyễn Quốc Chánh, Phan Đan, hay ca từ của Trịnh Công Sơn…ở miền Nam hay một số sáng tác giai đoạn sau của các thành viên Nhân Văn Giai Phẩm, và sau này, với Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Phan Nhiên Hạo… và nhiều người trẻ hơn, thực sự đã khiến siêu thực đã trở thành một khuynh hướng mạnh mẽ không thể phủ nhận trong thơ Việt Nam và cần đến những lí giải thấu đáo hơn.

 

                                                    Nguồn: Văn nghệ trẻ, số 11 (749), ra ngày 13/03/2011.

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020