Chu Văn Sơn
1. Món nợ của phê bình
Cách nay hơn 20 năm, khi “Chầm chậm tới mình” ra, tôi đã có bài cho Trúc Thông. Nhưng tôi sẽ thật đáng trách, nếu không viết bài này. Không hẳn vì cái duyên văn chương với nhau. Không hẳn vì hiện anh rất yếu. Mà vì một nỗ lực sáng giá có nguy cơ chìm trôi.
Và vì những yêu mến 20 năm nay thầm dành cho anh, chỉ tại lần lữa, mà tôi không tỏ bày. 20 năm đọc anh, rồi đọc cả sự đọc anh, tôi rất vui khi thấy anh được khẳng định, dù đa phần chưa xa hơn mức bình bài thơ, khen tập thơ. Song cứ tiêng tiếc khi thấy anh chỉ được “cất nhắc” kiểu : tác giả nổi với bài Bờ sông vẫn gió (chỉ mỗi bài thôi ư ? nó đã thực là đỉnh, thực tiêu biểu cho anh chưa?), hoặc với cái danh chung chung kiểu : một bản lĩnh “chầm chậm tới mình”, “một đời sống chết với thơ”, hay “một cây bút cách tân thơ”… Đã đành, được vinh danh thế cũng là hiếm, là quý. Nhưng, cả phong danh lẫn xếp chiếu (tới hay chưa tới) đâu đã phải điều đáng bận tâm nhất. Gương mặt nghệ thuật thực sự của thi sĩ ra sao? Hình thù cách tân của anh ngang dọc thế nào? Và ảnh hưởng của anh với thi đàn nữa? Những điều ta thực nóng đợi là đó. Thì vẫn lửng lơ. Sự đọc đương thời thì bận mải với đương đại. Người ngoái lại 20 năm cũ lại mỗi lúc một thưa. Rốt cuộc, Trúc Thông vẫn là một món nợ. Thơ không thể xóa nợ cho con nợ phê bình. Với riêng tôi, đây là món nợ lòng. Đọc Trúc Thông, ngay từ những ngày đầu, tôi đã thấy đọng lại trong mình ba ấn tượng: LỤA, TRONG và ĐẠM. Sống cùng thơ Trúc Thông ngần ấy thời gian, lắng lại sau mỗi tập, mỗi chặng vẫn là ba dáng vẻ: LỤA, TRONG và ĐẠM. Và, đến bây giờ, sự nghiệp anh đã gần như hoàn tất, phiêu du bao cuộc vào cõi thơ ấy rồi, thấy kết lại sau cùng vẫn là ba chữ: ĐẠM, LỤA và TRONG. Thơ anh đã cho tôi hay tôi đã vay anh ba chữ quý ấy ? Tôi chưa nói với anh về chúng bao giờ. Ba bí mật. Một chùm chìa khóa. Tôi giữ cho mình để mở vào cõi nghệ thuật Trúc Thông.
2. Cách tân bằng cái Đạm
Sau chiến tranh, mạch cách tân thơ Việt nổi lên hai hiện tượng: Thanh Thảo và Trúc Thông. Sớm được chú ý, cũng sớm được thừa nhận, cách tân Thanh Thảo nghiêng về làm mới cái viết, cụ thể là kiến tạo thi ảnh (lối tượng trưng, siêu thực) và cấu trúc thi phẩm (xài nhiều dạng cấu trúc lạ, nhất là cấu trúc của âm nhạc). Không đình đám bằng, nhưng tham vọng lớn hơn, Trúc Thông không chỉ muốn làm mới cái viết mà cả cái được viết. Nghĩa là muốn kiếm tìm một hệ thẩm mỹ mới cho mình. Không mộng thủ lĩnh, nhưng qua các tiểu luận, các bài bình thơ và cả thơ nữa, thấy anh có khá nhiều tuyên ngôn của một thủ xướng thầm. Thầm, vì cách phát biểu nhỏ nhẹ và kín đáo. Thầm, vì mong lập thuyết thì ít, muốn chia sẻ triết lí thơ ca của riêng thì nhiều (anh thích gọi các quan niệm ấy là “nhặt cho mình”). Cũng đúng thôi, cần nhất là một triết lí làm điểm tựa cho đức tin. Thiếu một triết lí tin cậy, làm sao đủ đức tin để đi đến tận cùng cái con đường bất trắc bạc bẽo của cách tân. Vả lại, thuyết lí suông đâu có thành thủ lĩnh. Cái uy rốt cùng của một thủ lĩnh phải là tấm gương về dấn thân và thành công. Thật may, ảnh hưởng của Trúc Thông có phần do lí thuyết, nhưng chủ yếu do những thành công mới mẻ của thơ anh. * Không nhất thiết đả phá cái cũ, cách tân trước hết là vượt thoát khỏi bóng đè của cái quen. Cái quen trong nghệ thuật là hệ điều hành âm thầm của những qui phạm thẩm mỹ ăn sâu. Cái quen khiến chủ thể yên chí, tự mãn, không nhận thấy mình tù hãm, xơ mòn, cũ. Cái quen khiến chủ thể ngại ngần, ngờ vực, thậm chí, kì thị, kị giơ với cái lạ, cái mới. Sự sáng suốt và bản lĩnh của một chủ thể cách tân trước hết là nhận diện cái quen và dám thách thức với cái quen. Đâu là cái quen mà Trúc Thông phải đối mặt ? Thơ Việt thời hậu chiến cho đến đầu những năm 80 vẫn là sự tiếp nối thơ thời chiến. Món quen xài lâu thường định hình khẩu vị, nó khiến sự tiếp nhận chỉ ưng lòng thỏa dạ với món quen. Món ấy là gì ? Người ta đã dùng các khái niệm “khuynh hướng Sử thi”, “cảm hứng Lãng mạn” để nói về nghệ thuật thời chiến, “khuynh hướng Thế sự”, “Đời tư” để nhận diện thời hậu chiến. Nhưng tôi muốn nhìn thơ bằng chính mỹ học của thơ. Có thể xem khi Tố Hữu tuyên bố: “Tôi muốn viết những dòng thơ tươi xanh/ Vẫn nóng viết những dòng thơ lửa cháy”, thì gần như một mỹ học của thơ Việt thời chiến đã được xác lập. Đó là thời lên ngôi của những “câu thơ lửa cháy”. Trong “thơ lửa cháy”, loại tình cảm cháy bỏng của con người công dân được ưu tiên (đặc biệt là yêu với căm); dạng tư tưởng sắt đá được nhấn mạnh (minh họa cho ý thức hệ); vẻ đẹp của cái hùng soán ngôi (cái phi thường trở thành phổ biến); loại hình tượng dồi dào và sắc nét được đề cao (chi tiết ngồn ngộn, đường nét khúc chiết, hình khối góc cạnh, sắc màu chói gắt – gam nóng của máu lửa bao trùm, thực lấn át ảo); giọng điệu có thể bi (ca) nhưng lĩnh xướng, hợp xướng vẫn là tráng (ca); ngôn ngữ có thể mềm, nhưng hệ lời chủ vẫn là rắn rỏi, khắc tạc, hô hào… Đó là những bình diện mỹ học cơ bản của thơ thời chiến. Tạm gọi là mỹ học của sự rành rẽ gắt gao. Nó thuộc phạm trù Cái Đậm. Không thế, làm sao có thể là “những câu thơ lửa cháy” ? Cả nền thơ thời chiến tuân thủ những nguyên tắc kia như một áp lực lịch sử. Nó ngự trị lâu dài, dần trở thành khuôn mẫu của thẩm mỹ thơ. Thành “gu” (gout) thơ của cả nền thơ. Đến nỗi khi cuộc chiến qua đi, việc tìm về với “dòng thơ tươi xanh” thành một khó khăn. Muốn viết “dòng thơ tươi xanh”, phải vượt thoát qui phạm của “dòng thơ lửa cháy”. Nghĩa là phải vật vã với những qui phạm đã đông cứng trong gout thơ của cả người viết lẫn người đọc.
***
Trăn trở nhiều về điều đó, Trúc Thông muốn viết thứ thơ tươi xanh, thơ của cái đời thường muôn thuở. Đời thường cần có và đáng có tiếng nói dịu dàng. Đời thường cần có và đáng có sự trong lành. Hồn người sau những trường kì bức xúc, bởi gồng gánh bao nỗi niềm máu lửa, giờ cần được an ủi bồi hoàn bằng những dịu trong. Anh cần kiến tạo cho mình mỹ học riêng để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ấy. Thế là những đường nét của một mỹ học mới manh nha, định hình rồi rõ nét: mỹ học của dịu dàng trong trẻo. Anh bước chân sang địa hạt của Cái Đạm. Trúc Thông thành người cách tân. Nếu cái Đậm hiện ra trong những mau – nồng – nặng – căng – đanh – sắc – gắt – chói… thì cái Đạm lại ẩn sau những thưa – thanh – nhẹ – êm – mềm – mượt – nhã – dịu… Cái Đậm và cái Đạm vốn là hai phạm trù không thể thiếu nhau để làm nên sự cân bằng cho đời sống thẩm mỹ. Nhưng, cảm thụ thẩm mỹ lại phụ thuộc vào giới hạn của những cái gout. Vì thế mà nảy sinh những xung đột không dễ hòa giải. Một cái gout đã nghiêng về Đậm thật khó cảm nhận được vị của cái Đạm. Đã kết rượu Bàu Đá, khó cảm được rượu Sa kê; đã quen uống trà Thái Nguyên, khó xài trà Long Tỉnh. Hướng cách tân của Trúc Thông thật khó vào với gout thơ thịnh hành thời ấy, nhưng thật thú vị. Nhờ anh tìm được cẩm nang nào đó về cái Đạm chăng ? Đương nhiên không. Ở người sáng tác, hình thành một quan niệm cách tân đâu có như tìm đến một cuốn sách, gặp một bậc thầy, lĩnh về những nguyên tắc vàng rồi cứ thế mà viết theo. Ăn sẵn thế, chẳng những bại, mà còn phi nghệ thuật. Cách tân thực sự chỉ có thể là nỗ lực đơn độc của từng chủ thể nghệ sĩ. Bao giờ cách tân cũng phải là những tự nghiệm được nấu nung đúc kết từ chính trải nghiệm trong trường văn trận bút đầy thành bại của bản thân mình. Thêm nữa, cách tân cũng không phải là cắp về cho nhau một bộ đồ nghề mới. Không phải là cuộc giải phẫu thẩm mỹ tạo ra một bộ mặt mới nhờ những vá víu lành nghề. Cũng không phải cuộc ghép tạng, duy trì cơ thể mình bằng những bộ phận vay mượn từ người khác. Mà phải là cuộc thay máu, lột xác, phải trải qua “ngày sinh lại” để hiện diện như một nguồn sống mới trong một nhân vị mới. Nghĩa là sinh thành một con người khác, con người ấy là hiện thân cho một giá trị mới, một điệu sống mới. Cho nên, cách tân thật sự không phải chuyện làm mới cái vỏ, canh tân y phục, mà phải cách cái mạng mình, tức cái mạng – thẩm – mỹ của mình. Trong tâm thức thẩm mỹ, thơ trước thuộc dòng dõi cái Đậm, thơ giờ mang huyết thống của cái Đạm, chẳng phải là cuộc sinh thành mới sao ? Trúc Thông là thế. Nhà thơ, theo anh, chính là người “sáng tạo ra những giá trị trong suốt, cao sang, hiếm quí… người đời vẫn gọi là THƠ”. Anh hình dung thơ như ngôi sao “trên bầu trời kì lạ thế gian – trong tâm hồn xanh vắt con người”. Mỗi bài thơ, theo Trúc Thông, phải là “tác phẩm nghệ thuật thanh thoát”, phải “nhũn nhặn mà rực sáng”, nó “thức dậy trong những từ ngữ đắt giá được đan dệt dường như rất nhẹ nhàng”. Và, tất nhiên, thơ hay phải “bình đạm chứ không phải nhàn nhạt” (Trúc Thông tiểu luận và bình thơ). Với những quan niệm được dẫn dắt bởi một cái Đạm như thế, Trúc Thông đã chầm chậm tới thơ. Sẽ là không quá lời nếu nói: Trúc Thông mới là thi sĩ đầu tiên đem đến thi đàn hậu chiến một nhành thơ tươi xanh, một nguồn thơ trong mát. Một cuộc cách tân nghệ thuật chân chính, nhìn ở bề sâu, chính là cuộc truy tìm bản thể nghệ sĩ. Kiếm tìm cái mới và truy tìm cái tôi chỉ là hai mặt của cùng một nỗ lực. Nếu sự định dạng một hệ thẩm mỹ (cho nghệ thuật) không đồng thời là sự định hình một phong cách (cho mình) thì cuộc cách tân xem như thất bại. Nên, nói về hình thù cách tân thực sự ở một ngòi bút, nhất thiết phải nói đến bản thân thế giới nghệ thuật của người đó.
3.Thế giới của cái Trong
Chọn cách tân là luôn phải đương đầu với bao cám dỗ chết người từng khiến lắm kẻ cạn lòng rẽ hướng: những lề lối ăn khách, những danh vọng thời thượng, những khen ngợi trang kim, những tràng vỗ tay bồng bột của đám đông. Đương đầu với cả những bĩu môi lẫn cười nhạt nữa. Mặc. “Cuối cùng tôi thấy chỉ nên “chiều” chính mình” – Kẻ cách tân này đã bướng bỉnh quả quyết thế. Qua năm tập thơ Chầm chậm tới mình, Maratong, Một ngọn đèn xanh, Vừa đi vừa ở, Mắt trong veo vẫn chỉ một Trúc Thông. Ngay từ đầu. Càng ngày càng rõ nét. Anh đã sáng tạo ra một cõi nghệ thuật riêng. Cõi nghệ thuật của nghệ sĩ vốn muôn hình vạn trạng với biết bao sự vật, hình sắc, âm thanh hỗn mang… Nhưng xét đến cùng, quán xuyến tất tật cõi rậm rạp ấy, bao giờ cũng có một xu thế. Xu thế toát lên từ sự tương tranh tinh vi không ngừng giữa giá trị và phản giá trị. Nếu giá trị đang thắng thế, nghệ sĩ là người lạc quan, thế giới nghệ thuật của anh là cõi vui. Nếu phản giá trị thắng thế, nghệ sĩ là người bi quan, thế giới nghệ thuật của anh là cõi bi hoặc hài. Thi sĩ trữ tình thường nhạy cảm với cái đẹp lâm nguy. Đó cũng là lí do khiến tâm hồn họ luôn trĩu những buồn thương âu lo. Tùy từng tạng nghệ sĩ, mà anh thuộc về giá trị nào, thế giới thẩm mỹ của anh là sự tương tranh nào. Cái trục tư tưởng kiến tạo nên cõi nghệ thuật của anh là sự tương tranh đó. Ở Trúc Thông, nó là gì ? Là sự tương tranh không thôi giữa Trong và Đục/Tạp/Tục. Có giàu – nghèo, sang – hèn, sướng – khổ, thiện – ác… nhưng trội nhất và trùm lên hết vẫn là Trong – Đục. Đọc Trúc Thông, không mấy khó khăn để thấy từ có tần xuất cao nhất rải suốt cả 5 tập thơ là trong: trong, trong suốt, trong veo, trong vắt, trong mát, trong lành, trong trắng, trong sạch, trong ngần… : nhưng thôi, mình chả nói/ mà chỉ nhìn rất trong; em trôi chảy và éo le số phận / khóc hai lần trong veo nước mắt; trong veo lại cõi rối bời thiên thu; ai múa tít dưới chòm sao trong vắt; những công trình trong sạch / tựa mắt các em thơ; ôi tiếng hát / trắng trong hơn cả suối thiên đàng; anh về mát trong làn gió bể; lại lặng thầm trong suốt / như suối khuất rì rào; với lũ chim lũ trẻ / cuộc chơi trong ngần với thần diệu trong anh … Theo Baudelaire, thì những từ đó là chỉ dấu mách cho ta mối ưu tư theo suốt một đời thơ. Mạch từ trong kia mách rằng : khắc khoải về số phận của cái trong giữa cuộc đời đục/tạp chính là bầu tâm sự của đời thơ Trúc Thông. Và nó dẫn lối cho ta vào cõi nghệ thuật thi sĩ. Đến đây, dễ có ý vặn : đã là nghệ sĩ, ai chẳng thích trong ! Vâng. Nhưng đâu phải ai cũng xem nó là giá trị cao quý nhất. Đâu phải ai cũng theo đuổi nó như cảm hứng lớn nhất của một đời thơ rồi kiến tạo nên cả một thế giới thơ.
***
Thế giới nghệ thuật thơ trữ tình, xét đến cùng, là một thế giới hình tượng sống động với ba hệ thống hình tượng song hành và chuyển hóa lẫn nhau: cái Tôi – người Tình – Thế giới. Cái tôi Trúc Thông trong các trang thơ kia là ai ? Là kẻ không tìm cái hùng, cái xảo, cái kì, mà chỉ khao khát kiếm tìm cái trong. Kẻ luôn Ước được cuộc đời trong mãi thế. Trong là cái đẹp, trong cũng là hạnh phúc. Nó đáp ứng cả lý tưởng nhân sinh lẫn lý tưởng thẩm mỹ của Trúc Thông. Nên, cái tôi ấy hân hoan trân quí khi gặp trong, xa xót buồn sầu khi cái trong bị lấn lướt, khuất chìm, mờ đục. Hình tượng người tình trong thơ Trúc Thông khá mờ (chứng tỏ tình yêu lứa đôi không là điểm mạnh của anh), nhưng cũng đủ cho ta thấy nàng là hiện thân của vẻ đẹp trong trẻo sâu thẳm: “màn mưa giăng giăng / mắt em xa thẳm”, “nàng chỉ cần một tình yêu trong sạch / tình yêu đầm nước mắt trong mơ”. Bù trừ, nhân loại nhân vật của anh lại thật đa dạng. Có năm mẫu nhân vật xuất hiện nhiều trong thi giới Trúc Thông : trẻ em, phụ nữ, người lao động nghèo, nghệ sĩ, chiến sĩ. Họ là những em Tâm, em Sa, đám trẻ theo cha mẹ những công trường, đám trẻ hồn nhiên bôi lem trái đất… là mẹ Tiết, mẹ Cao Bằng, mẹ San, là Hy Vọng phố mình, là người bán chiếu, bán than tổ ong, bán tào phớ, quét sân bay, đạp xích lô, xe lôi… là Nguyễn Sáng, Nguyên Hồng, Hạo Nhiên, Trần Lê Văn, Bùi Nguyên Khiết, Trần Hoài Dương, Đào Cảng… Dù khác nhau về xuất thân, tuổi tác, ngành nghề, tầng lớp, dù có tên hay không tên, ai cũng có chút gì mất mát, thua thiệt. Ai cũng nặng buồn, nhưng ai cũng trong dịu, cao cả. Người này “như bông hoa thật tươi thật thắm/ gió dữ lấp vùi / sắc đẹp vẫn vươn vào xa thẳm/ tinh khôi // bảy mươi nhăm tuổi đời ông người ta đọc / áng thơ trong và buồn / độc giả đến muôn đời vẫn nhắc / nhà thơ buồn và trong”, người kia “là bông hoa tí teo náu mình trong cỏ / thơm rất dịu dàng mà chẳng biết hoa đâu”. Người khác như ngọn tháp vô hình mặc đời không thấy đỉnh, vẫn vươn mình trong chìm khuất lãng quên: “Xin thắp hương lên mộ/ vợ chồng bác Nguyễn Chi / và chị A – con gái / bên tháp dương long năm mươi thước / không ai thuyết minh căn nhà cửa trống / cỏ lan vào // một đời / nuôi nghĩa lớn, chịu đòn tra, què tật // ba ngọn tháp dương long / không dựng lên trời”. Những phận người chìm khuất ấy thường lưu lại với hồn thơ bằng tiếng hát, tiếng cười, tiếng khóc và nhất là ánh mắt. Thì bao giờ cũng là ánh mắt trong veo (chứ không phải rực lửa) : “vũ trụ hoang mang người con gái/ mắt đen thẳm long lanh”, “anh đang miết một vành trăng đau khổ / lặn trong đôi mắt núi xa xăm”. Và, không phải ngẫu nhiên anh đặt cho tập thơ gần nhất của mình cái nhan đề Mắt trong veo. Nổi hơn cả trong nhân loại nhân vật kia là trẻ thơ và nghệ sĩ. Với Trúc Thông, trẻ thơ là hiện thân cho cái trong của nhân gian : “trong quá mắt trẻ thơ”. Còn nghệ sĩ là người có thiên chức thanh lọc cuộc đời : “đó là người lọc trong / của cuộc đời rất tạp”. Có thể nói, Trúc Thông là thi sĩ đi tìm cái trong giữa cuộc đời phồn tạp, tìm vào những phận người chìm khuất mà nâng niu những cao cả dịu trong. Vì thế, Trúc Thông hay viết về bóng tối và những vẻ cao trong vẫn ngân rung, long lanh trong bóng tối : “Theo mẹ tôi tôi vào bóng tối / thụ cầm ơi thụ cầm ở lại/ nào hay trong bóng tiếng đàn tôi”. Anh là thi sĩ của những phận người khuất chìm. Hình tượng thế giới trong thơ Trúc Thông thường được vẽ bằng bầu trời – mặt đất. Thì bầu trời rất trong và mặt đất rất lành. Trong đó nổi bật nhất là dòng sông. Mọi con sông muôn nơi đều có mẫu gốc là sông Châu quê mẹ. Bao giờ cũng là một dòng êm lặng và trong lành: “Vẫn sông Châu êm lặng thế thôi mà”. Rồi gam màu chủ của thơ anh là xanh. Sắc độ thường khi là xanh trong, xanh dịu, xanh vắt. Tập thơ quan trọng của anh là Một ngọn đèn xanh. Ánh sáng trong thơ anh bao giờ cũng trong trẻo, tinh khôi : “ru bằng ánh sáng lạ hơn nước / và sắc màu giàu hơn một đời”, “cầu xin cho ánh sáng rót từ cao thẳm / ửng tự lòng hoa / ánh sáng mảnh không bao giờ chịu gẫy”… Vậy là, mỗi hình sắc của thế giới thơ Trúc Thông đều thầm hát về sự dịu trong. Có điều đó là tiếng hát buồn. Có lạc quan về một tương lai trong lành rồi sẽ tới. Nhưng xót xa vẫn nặng hơn. Bởi trong thực tại này, cái đục/cái tạp cứ chèn ép, khuấy nhiễu khiến cái trong thường bị khuất chìm. Trúc Thông là thi sĩ của cái trong lâm nguy. Như thế, là hiện thân tươi ròng của cái Đạm, cái trong chính là bản nguyên của thi giới Trúc Thông.
4.Thi pháp thơ lụa
Một cách đồng bộ, cái Đạm còn qui định cả thi pháp, để tạo nên một lối thơ, một mô hình thơ. Có thể gọi thơ Trúc Thông là thơ lụa. Do vẽ trên mặt lụa, nước màu vừa loang vừa thấm sâu vào thớ lụa, tạo nên từng lớp màu mỏng manh trong vắt, nên loang thấm nhòa mờ trở thành thứ ngôn ngữ ảo diệu của tranh lụa. Nó giúp người vẽ lụa thâu được, làm hiện được lên mặt tranh những vẻ đẹp thị giác đầy huyền ảo. Tranh lụa là một cái nhìn về thế giới. Thế giới lụa ẩn hiện trong một sinh quyển huyền hồ. Thế giới của những vẻ đẹp mơ hồ. Làm thơ theo họa pháp tranh lụa, Trúc Thông như người vẽ tranh trên mặt lụa của ngôn từ. Thơ lụa là mô hình thơ Trúc Thông, mô hình thơ của cái Đạm. Thì Trúc Thông là người xem mơ hồ như hình thức thi vị nhất của cái đẹp. Với anh, thi sĩ là ai ? Là người hành hương vào xứ mơ hồ: “Tôi của gió cánh đồng vô cực/ trừu tượng hơn mơ những giấc mơ”. Không ai có thể chở anh ngoài chính anh phải tự mình phiêu du vào xứ đó : “ai đang tựa trán mỏi mệt / rơi một ngày kiếm sống nặng nề / “xích lô không chú ơi” / chở làm sao được / tôi về xa những xứ mơ hồ”. Là ai nữa ? là người bán quán khuya. Nhưng loại lờ lãi anh mong thật kì lạ. Chúng là những vẻ mơ hồ: “người bán quán thật khuya mong lãi/ anh nhâm nhi quán khuya chờ một cái gì / một cái gì mơ hồ sinh lãi/ lãi lại sinh tiếp một mơ hồ”. Thế đấy. Nhưng, nó là sự sống còn đối với anh. Bởi, “không mơ hồ, anh chết…”(Ghi chép về thơ). Say mê cái mơ hồ, nắm bắt cái mơ hồ được xem là thiên chức của nhà thơ. Và mơ hồ hóa chẳng phải là chiêu thức bao trùm của thơ lụa Trúc Thông sao! Mơ hồ là trạng thái hư hư thực thực. Tạo ra cái mơ hồ là làm mờ nhòe ranh giới giữa thực và hư. Là giao chồng các cõi giới. Quen thuộc nhất là cõi âm và cõi dương. Trong thi giới Trúc Thông, âm dương mờ chồng, những người đã chết dường không chết, họ vẫn đi về đâu đây trong hiện thực này. Người đời không thấy họ, nhưng họ đang đi giữa dòng đời. Này là người chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã hy sinh hồi 1947, vẫn áo trấn thủ quả trám, ca lô sao vàng, giữa niềm vui bật những ngọn đèn ngũ sắc. Này là người lính Hy Vọng phố mình, người đã đi về cõi bên kia, nhưng vẫn về đây cùng tiếng hát trắng trong hơn cả suối thiên đàng. Ấn tượng nhất là em Sa: “trong khu mộ địa / em Sa vẫn có nỗi buồn riêng / mắt âm thầm như khi còn sống / em tha thẩn có gì nóng ruột / tay một bông hoa dại ngó trời… em Sa đặt bông hoa / trên trang sách thời sinh viên đọc dở / bên bờ cỏ / em đi ra cánh đồng / tóc bay áo gió”. Và bóng hình người mẹ, anh hồn người cha trong Bờ sông vẫn gió: “lệ xin giọt cuối để dành / trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha … con xin ngắn lại đường gần / một lần rồi mẹ hãy dần dần đi”. Trong thi giới Trúc Thông, chất liệu đời (thực) và chất liệu văn nghệ (ảo) luôn giao chuyển nhau làm nên một thực tại huyền hồ. Anh dựng Xuân Hương, Tản Đà, Nguyễn Sáng, Nguyễn Diên, Trần Lê Văn… theo cách ấy. Đây, anh dựng Thâm Tâm : “xa xa lũng Phục Hòa / đây lưng chừng Mã Phục / đứng tự điểm nào nhìn thấy Thâm Tâm // từ đỉnh cao các chữ / từ hun hút vực lòng / từ không gian rất đỗi xa xăm / mơ hồ ào ạt sóng”. Trong cùng một không gian thơ kia, thấy chen nhau cùng lúc hai loại đỉnh : đỉnh cao của đèo núi (thực) và đỉnh cao các con chữ (ảo), thấy giao nhau hai chiều sâu : chiều sâu của thung lũng (thực) và chiều sâu của vực lòng (ảo). Vẫn chiêu mơ hồ hóa, hình trong thơ Trúc Thông là dạng hình biến hiện. Không tả, chỉ gợi ; không liên tục, chỉ gián đoạn ; làm nhòe các đường viền của hình bằng xa xôi hóa không gian và xa xưa hóa thời gian. “tiếng chim rơi tịch mịch / nỗi người đi muôn trùng”, “Sữa đang chảy dưới mây trời rất trắng / cỏ đang xanh vào mắt những đàn bò”. Vào thơ Trúc Thông, mọi thứ ngỡ gần thế mà thành xa thế, nhỡn tiền đây mà thăm thẳm bến bờ nào, ngỡ khoảnh khắc này mà lui tận xửa xưa : “Em là mùa xuân / ở giữa mùa thu / mùa thu ru ru / mùa thu bão rớt / màn mưa giăng giăng / mắt em xa thẳm / nào ai hay rằng / em đằng sau mưa / anh ngoài cánh cửa / anh ngoài đêm thẫm / anh ngoài ngàn khơi”, “Sau dải sương giăng thôn xóm xanh mờ / lấp lánh lửa xa … có người mẹ thức / hai người, ba người, bao nhiêu làng đêm / thức đâu từ những triều Lê triều Lý”, “Sông Châu quê mẹ mưa bụi mùa xuân / mẹ con đò kia từng chở mẹ / mẹ người lái đò từng quen biết mẹ / Sóng róc rách mạn đò vẫn như hơn ba mươi năm trước”… Như thế, cõi thơ Trúc Thông là xứ mơ hồ.
***
Để nên thơ lụa, làm sao thiếu chiêu tối giản hóa. Nghệ thuật cao tay xưa rày đều trọng tinh giản. Còn trong hội họa, tinh giản hẳn là nguyên tắc vàng của lụa. Lụa đến gần với tối giản nhất. Không biết tối giản đã khiến Trúc Thông tạo ra thơ lụa, hay do tâm niệm lối thơ lụa mà Trúc Thông đã dụng chiêu tối giản. Chỉ biết tối giản đã thành thi pháp Trúc Thông. Tối giản, cảm xúc còn lại tinh chất. Đọc Trúc Thông, thấy trân quí là nguồn nội cảm mạnh, nhưng xa xót dường đậm hơn, nhạy hơn. Xa xót ngập tràn năm tập thơ, đến nỗi có thể xem xa xót mới chính là điệu tâm hồn Trúc Thông. Nhưng khi chắt lọc cảm xúc thơ cho từng thi phẩm, anh không chạy theo thứ “trữ tình xối xả”, “trữ tình dàn dụa”. Cách của anh là “trung thành tối đa với chớp sáng cảm xúc bộc lộ sâu mạnh nhất tinh hoa thơ con người mình”(Nhặt cho mình). Không vân vi tái hiện những vần vụ dẫn đến chớp sáng. Không đuổi bắt những tỏa lan sau chớp sáng. Chỉ nắm bắt chính cái chớp sáng của cảm xúc. Nên bài thơ bao giờ cũng cất lấy phần tinh chất nhất của cảm xúc thơ: “Nhoai lên, quành xuống / giữa núi xanh / tiếng chim rơi tịch mịch / nỗi người đi muôn trùng”. Chỉ thế thôi, cả một bài thơ có tên là Đường lưng đèo Gió. Gợi cảm hơn là truyền cảm. Nhưng cũng đủ để tia chớp cảm xúc phát sáng tới thăm thẳm tâm người. Điểm này gần với lối “thơ vụt hiện” của Hoàng Hưng. Có điều, nếu Người đi tìm mặt nghiêng về vụt hiện của ý tưởng, thì gã Chầm chậm tới mình lại nghiêng về chớp sáng của tâm tưởng. Lằn ranh dù mong manh, cũng đủ để ai là ai. Tối giản, chi tiết còn tối thiểu. Nó tránh được những rườm rà rậm rạp. Đường nét thấp thoáng, màu sắc tỏ mờ, hình tượng ẩn hiện. Lối vẽ thoáng của phá hơn là kĩ của công. Tối giản, bài thơ bố cục thanh thoáng. Không như một nội thất bày chật tiện nghi, cản hết lối đi của cảm xúc. Mà như căn nhà một thiền giả, đôi món đồ tối thiểu trong đó luôn lay thức và khai mở không gian cho cảm xúc ùa vào. Tối giản, tứ thơ không đóng sập. Đã là bài thơ không thể không có kết. Nhưng thơ Trúc Thông từ chối lối kết khóa chặt. Kết đóng chặt là loại cánh cửa hậu mà cả ý, tình, hình, nhạc tới đó đều no, mãn, đều khuýp trong cùng một then cài. Vì thế, đó là loại tứ tự cô lập. Nó chặn mất lối, hụt mất bước đồng hành của người đọc với tâm tư tác giả. Anh cho loại tứ ấy là “khúc chiết quá, chặt chẽ quá, khôn ngoan quá”. Và giễu tác giả của nó là “vội vàng đoạt lấy cái tứ”, “không cho tứ nó thoát”. Trúc Thông tìm đến loại tứ khép hờ. Kết mà không đóng. Lời dừng, tứ vẫn còn bay. Cả ý, tình, hình, nhạc đều như chờ bên cửa để được nương vào hồn người đọc mà tiếp tục tỏa lan. Có thể nói, tối giản hóa ở Trúc Thông khá gần với cái thanh thoáng trong mỹ học Hai-cư của Nhật. Nó khiến mỗi bài thơ Trúc Thông gọn thoáng như từng thi khúc, phiến khúc (tất nhiên, nó cũng chặn anh đến thơ dài và không thể trường ca). Cả kiểu hình tượng, cả họa pháp cùng dạng cấu tứ theo hướng tối giản như thế khá chụm trong những bài như Tĩnh họa (cần để nguyên định dạng của văn bản, thì hiệu quả nghệ thuật của nó mới rõ nét và trọn vẹn) : Bụi trắng yên trên các mái đôi khe cửa lọt đèn câm vòm đậm xanh cây nói gì phố đêm đông Trùng Khánh hay nhịp điệu Cát Bà: bờ hung hăng khách sạn trầm mặc đảo gần xa nóng ruột biển chậm rãi từng triệu năm đẽo, phạt nhà điêu khắc đá khổng lồ ai thả một lá buồm xa thẳm.
Phải gọi đó là thơ – thủy – mặc.
***
Tranh lụa bao giờ cũng mịn mượt. Không chỉ cái mịn mượt có sẵn của chất liệu, mà cả của lối vẽ. Các lớp màu tinh, mỏng không phủ đắp lên mặt lụa, mà thấm loang, lặn chìm trong thớ lụa, khiến cho ánh lụa không mất. Trái lại, ánh lụa còn giúp cho nước màu óng mượt, lung linh. Mặt khác, nét vẽ lụa thường mềm, hình trên lụa thường mịn. Tất cả khiến ngôn ngữ lụa thật dịu êm. Thơ không phải nghệ thuật thị giác. Thơ có cái mịn mượt riêng của nghệ thuật ngôn từ. Và Trúc Thông đã đem đến điều đó bằng chiêu êm dịu hóa. Trước hết là chọn lụa cho ngôn từ. Nghĩa là chọn hệ lời cho ngôn ngữ thơ. Từ chối thứ ngôn ngữ đậm tính duy lí, với bảng từ vựng nóng, gắt, đanh, sắc, với cú pháp đầy, chặt, nặng nề lôgic. Ngôn ngữ thơ Trúc Thông nghiêng về duy cảm, duy mĩ. Ngôn từ khái niệm, tri giác, suy lí giảm thiểu, ngôn từ của trải nghiệm vốn tươi ròng những cảm giác, cảm xúc gia tăng. Rồi cách dùng chữ của thi sĩ cũng là dịu êm hóa. Thuộc dòng cách tân rải rác trước đó, nhưng cách chữ Trúc Thông khác với cái gắt xóc của Trần Dần, cái gằn gừ của Lê Đạt, Hoàng Hưng, Thanh Tâm Tuyền, cái kì bí của Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, cái bụi bựa của Lê Huy Quang, cái ngổ ngang của Dương Tường (mỗi cách chữ ấy đều có giá trị riêng)… Chữ Trúc Thông có phần gần với cái trong dịu lửng lơ của Nguyễn Đình Thi, Văn Cao. Nhưng mềm mượt hơn. Vì thế, mà luạ hơn. “hun hút trôi / nâu hiền / bên rặng tre / bao nhiêu người đi ngược / con đường xuôi / không về // tuổi thơ / mẹ xa / ngày xưa”, “Các em trang trí gì cho mặt đất / phấn cầm tay di di / phấn trắng quá / ngây thơ tự hát / trái đất cười thích thú được bôi lem / bằng phấn trắng / gạch đỏ / than / trái đất mỉm cười mặt mình ngũ sắc / cười rung … gió cây”. Nhưng không phải không có lúc chữ của anh cũng gợn, trồi, lỗi. Ấy là lúc tri giác qua mặt cảm giác hơi bị ngang nhiên. Nó khiến chữ bị kênh, lũa, trơ. Cú pháp thơ Trúc Thông là thứ cú pháp chấm phá. Theo cấu trúc gián đoạn, câu thơ như giọt màu tròn vẹn cứ tan mình, loang mình thành những dòng thơ. Mỗi dòng thơ như những ngữ đoạn tản dời. Nhưng không rời rạc. Là cậy nhờ vào âm điệu chung. Như chất keo riêng kết nối các ngữ đoạn, âm điệu chính là một thứ cú pháp đặc biệt của thơ Trúc Thông : “xuyên những bức tường / ta phải tấn công / từ ngữ từng núi cao vỏ đạn ! / nhà thơ ơi / dịu dàng ngọn gió / anh đi qua những bức tường / người ta nhìn rõ bóng anh qua / ôi áo ngực gầy / máu rỏ / vài ba chữ / và người ta điên cuồng đuổi theo / tận thẳm cùng bóng tối / xa, xa mãi / trăng trắng mươi lăm dòng… Và, anh nghiêng về thứ âm điệu dìu dặt (chứ chẳng phải hành khúc, hùng hồn). Ngay cả khi anh viết thơ cách luật, cũng không hề ăn theo thứ nhạc có sẵn của thể thơ. Mà bao giờ anh cũng đem vào nó một nhạc điệu dìu dặt, đặc chất của hồn mình : “ngọn lửa kể rằng các chị hiền lắm / các chị dịu dàng, các chị tươi thắm / ngọn lửa rực lên rực rỡ dạt dào / các chị ngực dồn biết mấy ước ao”, “Ai đi lâu lắc tận đẩu tận đâu / bến vẫn bèo xưa trôi xuôi sông Châu / quán chợ quê hương gạch tường long đỏ / còng cây đa đứng vẫn như thuở nào”.Cái dìu dặt của âm điệu làm óng thêm cái mịn mượt cho thơ lụa. Cùng với mơ hồ hóa, tinh giản hóa, thi pháp thơ lụa Trúc Thông chừng như đã hoàn chỉnh bằng chiêu êm dịu hóa này. Mỗi tập thơ của đời thơ Trúc Thông như một kì triển lãm tranh. Năm phòng tranh toàn lụa.
5.Một ngọn đèn xanh
Việc sáng tạo nghệ thuật vẫn có hai thiên hướng: làm giàu mình và làm rõ mình. Để tạo nên một ngòi bút đa dạng, cần làm phong phú bản thân. Để tạo dấu ấn cá tính lại rất cần làm sắc nét bản ngã. Trong sân chơi nghệ thuật, anh sẽ chìm vô tăm tích nếu không thắp nổi một ngọn đèn riêng. Bởi thế, làm giàu mình là quan trọng. Nhưng làm rõ mình mới quyết định. Quyết định đến sự sống còn của một gương mặt nghệ thuật. Với kẻ chọn nghiệp cách tân, yêu cầu này càng cực kì riết róng. Người quen đọc thơ theo mỹ học của cái Đậm dễ thấy thơ Trúc Thông nhẹ, nhạt. Còn theo mỹ học của cái Đạm dễ bị cái vị thơ Trúc Thông hớp hồn. Đâu phải vô cớ mà Nguyễn Bình Phương, một gương mặt cách tân đang nổi, đã thú nhận mình bị đánh gục bởi vẻ thơ này : “Gần như ngay lập tức tôi bị thơ của Trúc Thông khuất phục. Có một cảm giác rất lạ lùng trong những bài thơ ấy : nó gọn dịu, trong vắt, nó có sự kiêu hãnh ngầm trong cái không khí cực tân kỳ mà thời điểm ấy tôi ít gặp được khi đọc các tập thơ khác. Đại khái với tôi, đó là Thơ, chữ thơ viết hoa” . Có thể xem đó là tự thú thay cho cả đám trẻ từng “lâm vào” sức hút khó cưỡng của Trúc Thông hồi ấy. Theo dõi thi đàn, thấy đâu chỉ Nguyễn Bình Phương với Lam chướng, Dương Kiều Minh với Củi lửa, Những thời đại thanh xuân, Trần Quốc Thực với Miền chờ, Tháp cúc, Nguyễn Trác với Ở cuối dòng sông, Chiếc thuyền đêm, Dưới vòm cây long não, mà dường như cả Nguyễn Lương Ngọc với Từ nước, Ngày sinh lại, Nguyễn Khắc Thạch với Dòng sông một bờ, Trần Hùng với Gọi bạn,Thảm thắc, Vườn khuya … rồi sau này cả Phan Huyền Thư, Trần Lê Sơn Ý, Lữ Thị Mai, Đoàn Văn Mật… kẻ đậm người nhạt, đều có “phải lòng” cái duyên của Chầm chậm tới mình, cái chí của Trúc Thông. Họ thấy ở anh không hẳn một ngọn cờ, mà một hoa tiêu, bình dị hơn, một tấm gương gần. Không ầm ĩ hô hào, quyền uy áp đặt, một hệ thẩm mỹ thơ vẫn được lan tỏa tiếp ứng bởi những hồn đồng điệu, những tay bút đồng chí. Ảnh hưởng chân chính trong nghệ thuật là thế chăng ? Một khuynh hướng hay một trường phái cũng thường khởi lên theo cách ấy.
Trong xứ mơ hồ, thơ đã có một ngọn đèn xanh.
CHU VĂN SƠN
Nguồn: vanvn.vn