隴 頭 今 日 皓 題 詩
七 夕 分 襟 又 一 期
客 裡 疏 狂 還 笑 我
花 邊 襝 衽 更 憑 誰
美 人 月 下 星 辰 遠
仙 女 山 中 信 息 歧
記 語 尋 梅 多 少 客
還 愁 梅 亦 瘐 南 枝
Tạp chí Hán Nôm số 5/2004 có đăng tải bài viết của tác giả Nguyễn Minh Tường góp ý văn bản phục hồi và bản dịch bài thơ gởi vợ thứ ba của Trần Thiện Chánh của tôi được đăng trên Tạp chí Xưa & Naysố 210, tháng 4/2004. Trước hết, tôi cảm ơn tác giả Nguyễn Minh Tường đã quan tâm với bài viết của tôi, và còn tạo điều kiện cho tôi được nói thêm lần nữa về bài thơ này, vì trong bài trên Tạp chí Xưa & Nay, tôi chỉ có thể bước đầu phục hồi văn bản chủ yếu trên cơ sở ngôn ngữ và chữ Hán chứ chưa thể đi sâu vào nội dung, trong khi đây cũng là một dữ kiện quan trọng để phục hồi văn bản tác phẩm.
Do sơ suất của tôi lúc đánh máy chữ Hán, hai chữ “mai” 梅 ở câu 7 và 8 trong văn bản in trên Tạp chí Xưa và Nay đã bị lầm thành “mai” 枚. Tôi cảm ơn tác giả Nguyễn Minh Tường và xin nhận lỗi với người đọc về điểm này.
Tuy chưa yên tâm về văn bản phục hồi của tôi (mà điều này cũng hợp lý thôi vì cả tôi cũng chưa yên tâm), tác giả Nguyễn Minh Tường vẫn sử dụng văn bản ấy để đưa ra một bản dịch khác. Nói khác đi, tác giả Nguyễn Minh Tường chủ yếu góp ý về bản dịch chứ không phải về văn bản được phục hồi. Tuy nhiên, văn bản phục hồi bước đầu ấy vẫn chưa hoàn chỉnh. ít nhất, nó còn phải được sửa chữ “hữu” ở câu 7 thành chữ “nữ”. Sau đây là những lập luận của tôi, theo thứ tự từng câu và từ chữ tới nghĩa.
1. Về câu “Khách lý sơ cuồng hoàn tiếu ngã”. Dịch sát từng chữ, từ “khách lý” có nghĩa là “ở nơi đất khách (hay “Trong cảnh làm khách” như tác giả Nguyễn Minh Tường hiểu cũng được)”, đều chỉ việc đang ở xa quê hương, chứ tôi chưa từng thấy ai dịch thành “trong số khách” như tác giả Nguyễn Minh Tường. Còn từ “sơ cuồng” trong văn chương cổ thường được tác giả dùng để nói về bản thân, có khi mang ý than thở, có khi mang ý tự đắc pha lẫn màu sắc tự trào. Điều này hoàn toàn phù hợp với con người Trần Thiện Chánh, một nhà nho lúc thiếu thời thì “Tuổi trẻ hùng tâm bốc tận trời, Làm quan chẳng thích, thích chơi bời” (Thư hoài) còn sau này lúc ra Bắc làm Tán tương rồi Tán lý quân thứ Sơn Tây cũng có lần bị giáng cấp vì tội “Cấp phát tiền lương trái quy định, hút thuốc phiện, giả ốm để cưới vợ lẽ” (xem thêm Cao Tự Thanh: Thơ Trần Thiện Chánh, Nxb. KHXH, H. 1995). Và “sơ cuồng” không phải là “cuồng nhẹ, cuồng ít” như cách hiểu của tác giả Nguyễn Minh Tường. “Sơ” là sơ suất, không tinh tế cẩn thận (đây ý nói không quan tâm tới các quy định lễ giáo lễ nghi lặt vặt), “cuồng” là ngông nghênh (đây ý nói ngang tàng, cao ngạo), và ở trường hợp Trần Thiện Chánh thì từ này còn gói ghém sự đắc ý chua chát về bản thân. Ngay trong bài thơ gởi vợ thứ hai mà tôi đã giới thiệu trong quyển Thơ Trần Thiện Chánh, ông cũng từng viết “Tối nan tác phụ vị phu cuồng” (Thật khôn làm vợ bởi chồng cuồng), tức tự nhận mình là “cuồng”. Cho nên phải hiểu từ “sơ cuồng” ở bài thơ gởi vợ thứ ba này Trần Thiện Chánh tự nói về mình, còn dịch ra “ngông cuồng” cũng không có gì sai, sở dĩ tác giả Nguyễn Minh Tường cảm thấy “nặng quá” chỉ vì từ “ngông cuồng” hiện nay chủ yếu được dùng với nghĩa xấu, mất đi nét nghĩa trung tính và lối dùng kiểu phản nghĩa như trước kia mà thôi. Cần nói thêm rằng chữ “cuồng” của Trần Thiện Chánh là chữ “cuồng” trong văn chương, không đơn giản như chữ “cuồng” trong từ điển, không phải cứ tra đủ từ điển là có thể hiểu đúng văn chương.
2. Về câu “Hoa biên liễm nhiễm cánh bằng thùy”. Câu dịch “Bên hoa khép nép biết cậy vào ai” của tôi trên Tạp chí Xưa & Nay chưa thật rõ nghĩa. Hai câu thực bài thơ lập ý rất xuất sáo, chữ “bằng” (dựa, cậy) ở câu này lại càng tinh vi, thâu tóm và hóa giải hết câu “đất khách ngông cuồng vẫn tự cười mình” giống như lạc đề rất lạc lõng ở trên. Trần Thiện Chánh muốn nói không có người vợ hiền hậu nhu mì (khép nép bên hoa) bên cạnh để có một “cái phanh” trong cuộc sống và ứng xử, một chỗ dựa về tình cảm và tâm lý, nên “biết cậy vào ai” đây tức “biết có ai”.
Nhưng trên câu chữ mà nói, cũng có thể đưa ra một cách hiểu khác hẳn về hai câu 3-4 là “Đất khách ngông cuồng còn đang cười ta, Bên hoa khép nép biết dựa vào ai”, tức Trần Thiện Chánh tưởng tượng người vợ nơi xa vẫn chế nhạo mình ngông cuồng song đang lẻ loi không có chồng bên cạnh. Lúc đầu tôi đã cân nhắc về ý nghĩa này, song bài của tác giả Nguyên Hùng trên Tạp chí Xưa & Nay số 208, 2004 giới thiệu đây là thư gởi vợ của Trần Thiện Chánh, nên tôi đã hướng tới cách dịch “Ký nội”. Chứ nếu nhan đề bài thơ là “Hoài nội” (nhớ vợ) thì chắc chắn phải dịch theo cách này. Trong trường hợp này thì tác giả Nguyễn Minh Tường đã đúng một nửa khi hiểu chữ “tiếu” (cười) là người khác cười Trần Thiện Chánh chứ không phải ông tự cười mình, có điều kẻ ấy chỉ có thể là người bạn đời đã quá rõ tính nết của ông mà thôi.
3. Về từ “tiên nữ”. Trong Hán tự, chữ “nữ” 女 và chữ “hữu” 友 có tự hình gần nhau, rất dễ lầm. “Tiên nữ sơn trung tín tức kỳ” (Tiên nữ trong non tin tức không đều) là lấy tích Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai, ý Trần Thiện Chánh muốn ví vợ như tiên nữ trong núi sâu, sau khi chia tay không thể gởi thư cho mình thường xuyên. Tương tự, câu “Mỹ nhân nguyệt hạ tinh thần viễn” phía trên cũng có điển cố, là lấy ý từ câu “Hội hướng Dao đài nguyệt hạ phùng” (Dưới trăng sẽ gặp ở Dao đài) trong ba bài Thanh bình điệu của Lý Bạch, ý Trần Thiện Chánh muốn nói cuộc gặp gỡ dưới ánh trăng mà mình mong mỏi ấy cũng xa xôi như sao trời. Ngoài ra hai câu “Mỹ nhân... tín tức kỳ” là hai câu luận, phải tập trung vào việc bày tỏ tình cảm với vợ mà cụ thể ở đây là than thở chuyện “người thì xa xôi, thư thì thưa thớt” mới đúng thể cách Đường thi, chứ hiểu câu 5 là “Trần Thiện Chánh tự nói về mình” như tác giả Nguyễn Minh Tường thì tôi e lạc đề. Hơn thế nữa, tôi không rõ tác giả Nguyễn Minh Tưòng dựa vào chứng cứ nào để khẳng định lúc làm bài thơ gởi vợ này thì “Trần Thiện Chánh đang làm quan tại vùng núi non Ninh Bình”, có điều giả sử đúng như thế thì một người được điều về giữ chức Tuần phủ Ninh Bình sau khi quân Pháp trả lại tỉnh thành đầu năm 1874 như Trần Thiện Chánh cũng phải làm việc ở tỉnh lỵ, có phố xá chợ búa, chứ không lẽ nào lại dời nha môn vào trong núi sâu.
4. Về hai chữ “mai” trong hai câu 7 - 8. Hai chữ này bị lặp, nói chung là điều mà những người làm thơ Đường luật ngày trước rất tránh, nhưng ngoại trừ khả năng văn bản không chính xác, thì với một nhà thơ tài hoa như Trần Thiện Chánh đây là cố ý chứ không phải bí chữ. Tôi còn nghĩ có thể người vợ này của Trần Thiện Chánh tên Mai, nhưng như đã nói trong bài trên Tạp chí Xưa và Nay, tôi chưa có dịp được tiếp xúc với hậu duệ của ông để tìm hiểu, nên đành tạm gác lại không dám đoán bậy sửa bừa, bản dịch vì vậy cũng chưa rõ nghĩa. Nhưng tác giả Nguyễn Minh Tường dịch câu 7 không đúng ngữ pháp Hán ngữ, lại giải thích sai tích “tầm mai” nên hiểu chưa đúng câu này? “Tìm mai” đây không phải lấy ý từ bài Tạp thi của Vương Duy mà là từ bài Tuyết hậu tầm mai của Lục Du “Thanh đế cung trung đệ nhất phi, Bảo hương huân triệt tố tiêu y. Định tri trích tùy bất dung cửu, Vạn hộc ngọc trần lai sính quy (Trong điện vua xuân bậc ái phi, Áo tơ trắng toát nức hương bay. Vốn hay bị trích không lâu nữa, Bụi ngọc muôn thưng sẽ đón về). “Tìm mai” đây ý nói muốn trở về chỗ cũ của mình, như câu “Tìm mai đạp tuyết nguyệt xâm khăn” của Nguyễn Trãi lúc về Côn Sơn tỏ ý muốn trở lại làm quan trong triều đình, câu “Trong sương chịu lạnh bởi tìm mai” trong 20 bài thơ Nôm của Trịnh Hoài Đức làm lúc đi sứ Trung Quốc tỏ ý nhớ nước nhớ quê... đều rút từ điển này. Do vậy, “những khách tìm mai” mà Trần Thiện Chánh muốn nói tới là những người yêu nước Nam Kỳ ra tỵ địa ở vùng Nam Trung bộ cùng chỗ với vợ ông. Tóm lại trên cơ sở cấu tứ bài thơ và văn bản hiện có phải hiểu hai câu cuối là “Nhờ nhắn lời với những khách nhớ quê chỗ bà, Rằng ta vẫn buồn cho cành mai cũng đang gầy guộc ở phương Nam”./.
C.T.T