Hán nôm

TƯ LIỆU HÁN NÔM VỀ TIẾN SĨ NGUYỄN KIỀU VÀ NỮ SĨ ĐOÀN THỊ ĐIỂM


03-01-2024

TƯ LIỆU HÁN NÔM VỀ TIẾN SĨ

NGUYỄN KIỀU VÀ NỮ SĨ ĐOÀN THỊ ĐIỂM

NGUYỄN QUANG HÀ

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội

Lời mở

Tiến sĩ Nguyễn Kiều và Hồng Hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm là danh nhân nổi tiếng trong lịch sử văn học, văn hóa Việt Nam. Viết về các nhân vật lịch sử này có lẽ cần phải đầu tư nhiều công sức hơn nữa với những chuyên khảo dày dặn, công phu. Con đường làm quan, hành trình đi sứ của Nguyễn Kiều và các vấn đề về cuộc đời, tình duyên của hai nhân vật tài tử giai nhân nổi tiếng thế kỷ XVIII là những vấn đề hấp dẫn không chỉ đối với những người cầm bút thuộc giới văn chương mà còn hấp dẫn cho cả những người viết sử. Cuộc đời thực và cuộc đời văn chương, quá trình dấn thân chốn quan trường trong xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII và tình yêu giữa hai thi nhân được thể hiện như thế nào trong các tác phẩm của họ cần được khai thác tìm hiểu… Dưới góc độ nghiên cứu văn bản học các tác phẩm của Nguyễn Kiều và Đoàn Thị Điểm vẫn là một vấn đề lớn được đặt ra cho giới nghiên cứu. Người đời biết đến các tác phẩm nổi tiếng của hai thi nhân nhưng cho đến nay vấn đề nghiên cứu về tiểu sử, hành trạng, các tác phẩm thơ văn vẫn còn một khoảng cách khá xa so với thực tế, chưa xứng với tầm vóc của một tác gia, với một gia tài không nhỏ của bậc tiền nhân để lại. Chẳng hạn vấn đề nghiên cứu các tác phẩm Truyền kỳ tân phả, Tục truyền kỳ của Đoàn Thị Điểm có vị trí như thế nào trong thể loại văn học truyền kỳ. Hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Kiều, trong đó tác phẩm nổi tiếng Sứ hoa tùng vịnh của Nguyễn Kiều, Nguyễn Tông Quai chưa được dịch và công bố rộng rãi. Qua Sứ hoa tùng vịnh có thể giúp cho người đọc thấy được sự tài hoa tao nhã của bậc văn nhân trong ứng tác trên đường khi đi sứ đồng thời thấy được tài ứng đối ngoại giao của bậc trí giả. Lần theo thứ tự của các bài thơ xướng họa trên hành trình đó, người đọc cũng có thể hình dung, thậm chí có thể vẽ được chặng đường đi sứ gian nan của sứ thần Việt Nam. Hay qua các bài thơ thù tạc, các lời đề tựa giao lưu của các sứ thần Trung Quốc, Triều Tiên có thể cho người đọc hiện nay biết được mối quan hệ, uy tín cá nhân, công việc ngoại giao của người đương thời hoặc qua các bài thơ, đề tựa, ví như bài Tưởng dụ đại thần (Úy lạo các đại thần) sẽ giúp cho hậu thế biết được tư tưởng, tình cảm của các bậc vua chúa đối với Nguyễn Kiều nói riêng và đối với các đại thần, trí thức đương thời nói chung… Tuy nhiên, những công việc đó sẽ phải chờ đợi thời gian và trí tuệ của nhiều nhà nghiên cứu. Trong bài viết nhỏ này, trước hết chúng tôi tập hợp một số nhận định của các học giả tiền bối về giá trị văn chương, tài năng của hai thi nhân với những trước tác, đồng thời cũng bước đầu thống kê tư liệu của Nguyễn Kiều, Đoàn Thị Điểm hiện đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sau cùng là tư liệu về tấm bia mộ được tìm thấy trong quá trình khai quật, di dời ngôi mộ Nguyễn Kiều về hợp táng cùng người vợ của ông - Hồng Hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (tháng 7/2011). Để góp phần bổ sung cho việc nghiên cứu văn bia, xác định mộ chí cũng như nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Kiều không thể không tìm hiểu các nguồn tư liệu khác như sắc phong, tộc phả. Thật may mắn những tư liệu quý này cho đến nay vẫn được bảo quản và lưu giữ tốt. Qua 11 bản sắc phong phong cho ông và những người thân yêu nhất trong gia đình Nguyễn Kiều, chúng ta có thể biết thêm nhiều thông tin thú vị để so sánh, đối chiếu với tư liệu khác. Đó là năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) (năm ông thi đỗ Tiến sĩ) được ban sắc phong và cho đến năm Vĩnh Thịnh thứ 16 (1720) ông lại được phong tiếp lần thứ hai. Thân mẫu ông là Nguyễn Thị Liên được phong năm Vĩnh Hựu thứ 4 (1738), Cảnh Hưng thứ 3 (1742); Vợ cả của ông là Nguyễn Thị Đoan được phong năm Cảnh Hưng thứ 3 (1742). Năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748) gia đình ông có đến 4 người được phong: ông nội của ông là Nguyễn Yên Xuân, bà nội là Nguyễn Thị Thực đều được phong tước, con trai trưởng là Nguyễn Dực, cháu đích tôn ông là Nguyễn Lân đều được phong tập ấm. Điều đặc biệt là những sắc phong này đã phản ánh sự việc khi ông đang làm quan hoặc đang sống những người thân cũng được ban tặng. Thậm chí đến năm Cảnh Hưng thứ 47 (1786) - những năm cuối cùng của triều đại Lê Trung hưng, lúc này ông đã mất được 34 năm, người theo hầu ông là Nguyễn Du, thôn Phú Xá, huyện Từ Liêm vì vâng theo hầu bề tôi chuyên lưu ứng vụ lại tuân theo suất đinh bảo vệ Kinh thành, được ban thưởng nhậm chức Huyện thừa, được làm Tiến công thứ lang, Huyện thừa huyện Vĩnh Khánh… Không phải lược quy mà đó là thực chứng đã chỉ ra (không riêng trường hợp Nguyễn Kiều): việc khích lệ, động viên phong hàm, tước cho người thân của người đỗ đạt, làm quan vô hình chung đã tạo nên sức hấp dẫn, sự tác động nhiều chiều cho con đường cử nghiệp, “một người làm quan cả họ được nhờ”. Có khi “ơn vua lộc nước” là giá trị vật chất nhưng có khi đó chỉ có ý nghĩa tinh thần. Con đường quan trường của Nguyễn Kiều tương đối suôn sẻ, từng trải, lịch lãm, tài hoa. Đoàn Thị Điểm cũng xuất thân trong một gia đình khoa cử, danh gia thế phiệt, nổi tiếng thi thư. Nhưng đời tư của Nguyễn Kiều cũng đa đoan, trắc trở, cam chịu cuộc sống thanh bần. Một người làm đến chức Hình bộ Tả Thị lang, tước Hầu nhưng khi qua đời mộ ông cũng bình dị không khác một người dân thường. Điều đó đã cho thấy cuộc đời, tư chất, hành xử của Nguyễn Kiều khác nhiều so với nhiều ông quan to dưới triều Lê - Trịnh, lúc sống xa hoa và khi chết với những ngôi mộ hợp chất trong quan ngoài quách với lăng tẩm hoành tráng!.

1. Tiến sĩ Nguyễn Kiều trong các tư liệu thư tịch tiêu biểu

Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn phần Thiên chương ghi: “Nguyễn Kiều và Nguyễn Tông Quai(1) có Sứ hoa tùng vịnh(2). Phan Huy Chú trong tác phẩm nổi tiếng Lịch triều hiến chương loại chí mục Bang giao chí cũng ghi về ông: “Hiển Tông năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741) (ngang với năm Càn Long thứ 6 nhà Thanh), sai Chánh sứ Nguyễn Kiều, Phó sứ Nguyễn Tông Quai sang cống nhà Thanh(3). Cũng sách này, phần Văn tịch chí ghi: Hạo Hiên thi tập, 1 quyển. Nguyễn Kiều soạn trong khi đi sứ. Nguyễn Kiều người làng Phú Xá, huyện Từ Liêm, đỗ Tiến sĩ năm Vĩnh Thịnh(4). Sách Lịch triều tạp kỷ của Ngô Cao Lãng ghi chính xác cả ngày tháng ông thi đỗ, đó là ngày 11 tháng 6 năm Ất Mùi, Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) có 2 người đỗ Hoàng giáp là Bùi Sĩ Tiêm và Nguyễn Quý Ân và 18 người khác đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân (Nguyễn Kiều cũng đỗ trong số này), có ghi: Nguyễn Kiều làng Phú Xá, đỗ năm 21 tuổi)(5). Các nhà khoa bảng Việt Nam, ghi: Nguyền Kiều (1695 - 1752), người xã Phú Xá, huyện Từ Liêm - nay là thôn Phú Xá, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, Hà Nội. 21 tuổi đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) đời Lê Dụ Tông, được cử đi sứ sang nhà Thanh. Làm quan đến chức Binh bộ Tả Thị lang. Nguyễn Kiều, hiệu Hạo Hiên là chồng của Hồng Hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Tác phẩm có Hạo Hiên thi tập, gồm các bài thơ làm trong khi đi sứ. Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục ghi Nguyễn Kiều và Nguyễn Tông Quai có Sứ Hoa tùng vịnh(6), có thể hiểu Hạo Hiên thi tập là một phần tác phẩm này(7). Tác phẩm của Nguyễn Kiều còn lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, phản ánh trong Di sản Hán Nôm Việt Nam - thư mục đề yếu(8).

Các tác phẩm của Nguyễn Kiều:

Hoa trình ngẫu bút lụ(華程偶笔录):Phó sứ Lê Quang Viện(soạn), 1 bản viết, 246 trang, 29 x 20 cm, ký hiệu. H. 697. Có 515 bài thơ, 4 bài từ, 2 bài ngâm của Lê Quang Viện làm trong dịp đi sứ Trung Quốc năm Cảnh Hưng Quý Tỵ 1773, gồm thơ vịnh cảnh trên đường đi Xương Giang, núi Bút Nghiên, Ngô Châu, núi Đầu Ngựa, đền Nhạc Phi, bài thơ vịnh mùa xuân, hạ, thu, đông. Thơ tặng người Trung Quốc như Tri huyện Linh Châu: Thiện Thần; Tri huyện Hưng An: Trương Văn Xương; Tri huyện Dương Tường: Lý Ứng Xuân; thơ tặng sứ thần Triều Tiên: Lý Túy Quang; thơ tặng ông Thừa chỉ họ Thân; quan Lễ bộ họ Lê; thơ tặng quan Thiêm sự họ Vũ. Tất cả gồm 23 bài thơ và tựa của Thư Hiên (Nguyễn Tông Quai) và Hạo Hiên (Nguyễn Kiều) là những người cùng sứ bộ với Lê Quang Viện.

Hoa trình thi tập 華程詩集(Sứ Hoa tùng vịnh使華從詠), do Nguyễn Tông Quai (biên soạn), 1 bản viết, 82 trang, 21 x 14 cm. kí hiệu A. 2797; 122 bài thơ của Nguyễn Tông Quai làm trong dịp đi sứ Trung Quốc, gồm các bài vịnh cảnh vật trên đường đi như Đài Gia Cát cầu phong, Tô Thị vọng phu, Giếng Tiên, Phục Ba, Giả Nghị miếu, Động Đình hồ, Nhạc Dương lầu, Tam Thanh động , Nam Quan ải , Tám cảnh ở Ngô Châu, Thơ thuật hoài như: Ô Giang hoài cổ, Kim Lăng hoài cổ, Tự thuật, Xích Bích hoài cổ (Xem thêm bản Sứ Hoa tùng vịnh, bản A. 1552). Nguyễn Kiều còn được nhắc đến trong quyển: Càn nguyên ngự chế thi tập do Trịnh Doanh (soạn), Phan Lê Phiên biên tập, bài khải dâng sách của người biên tập đề năm Cảnh Hưng thứ 31 (1770); 1 bản viết (4Q), 210 tr, 26 x 15, 1 khải, 1 mục lục, có chữ Nôm, kí hiệu A.1319. MR. 1127 gồm 265 bài thơ chữ Hán và chữ Nôm gồm nhiều loại (4 Q). Q3: Khen dụ các đại thần (Tưởng dụ đại thần 想谕大臣), gồm 21 bài thơ khen các đại thần như: Thiệu Quận công, Cẩn Quận công, Côn Quận công, Đào Hoàng Thực Thọ Trung hầu. Úy lạo các sứ thần (Tưởng lạo sứ thần 想劳大臣) gồm 10 bài tặng các sứ thần: Nguyễn Kiều, Nguyễn Tông Quai, Vũ Khâm Lân, Nguyễn Huy Oánh (Di sản Hán Nôm Việt Nam - thư mục đề yếu, t1, sđd, tr.201, 202).

Sứ Hoa tùng vịnh (使華從詠); Nguyễn Thư Hiên sáng tác năm Cảnh Hưng Nhâm Tuất (1742), Hồ Sĩ Đống tự Long Thủ, hiệu Dao Đình, đề tựa năm Càn Long Mậu Tuất (1778), Trương Hán Siêu (Trung Quốc) tự là Trác Sơn phủ, hiệu Kim Lăng, đề tựa năm Càn Long Giáp Tý (1774), Lý Bán Thôn, tự Thái Lâm, hiệu Hoài Âm, đề tựa năm Càn Long thứ 13 (1748), Trác Sơn Thị (Trung Quốc) ở Giang Nam, Hồ Tú Tài (Trung Quốc) ở Hồ Nam, Trịnh Bích Tề quan Bộ Lễ bình luận; 17 bản viết, 5 tựa, 1 lời bình. Tác phẩm của ông hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm với ký hiệu sau:

A. 1552, 154 tr, 25 x 14,5 cm, tựa, có 106 tr, 100 bài thơ.

A. 2993, 194 tr, 24 x 13,5cm, tựa.

A. 211; 324 tr, 31 x 22,5 cm, 5 tựa.

A. 2122; 208 tr, 32 x 21,5 cm, 5 tựa.

A. 2122, 208 tr; 32 x 21,8 cm, 1 tựa, có lời bình của Âu Dương Vựng, hiệu Hành Sơn.

A. 2001; 170 tr; 27 x 14,5 cm

A. 551; 142 tr, 31,2 x 20,5cm.

VHv. 1796, 224 tr, 26 x 14,5 cm, 5 tựa.

VHv. 1404/1; 216 tr; 27,5 x 15,5; 5 tựa.

VHv. 1404/2; 154 tr; 25 x 14,5, tựa.

VHv. 1998; 134 tr; 27,2 x 16,5; 5 tựa

VHv. 1481, 202 tr, 24 x 13, 1 tựa.

VHv. 2076; 136 tr, 265 x 15.

Vhv; 2350; 112 tr, 21,8 x 14 cm.

VHv: 2476; 150 tr;28 x 16,5 cm

VHv. 2251; 142 tr, 26,5 x 14,5 cm

Paris: SA.MS, 22, 780 tr; 31 x 23, 5 cm.

Thơ Nguyễn Tông Quai làm trong thời gian đi sứ Trung Quốc năm Cảnh Hưng Nhâm Tuất (1742) đề vịnh trong bữa tiệc tiễn đoàn sứ bộ lên đường ngày 28/9/ Nhâm Tuất (1742), thơ đề vịnh phong cảnh danh thắng trên đường (giếng tiên, động tiên, núi Tô Thị, động Tam Thanh, hồ Động Đình, miếu Bành Tổ... xướng họa với Chánh sứ Nguyễn Kiều (A. 551).

2. Vài nét về Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm

Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748) là một trong những nữ thi sĩ hiếm hoi cùng với Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương… trên văn đàn Việt Nam thế kỷ XVIII. Đoàn Thị Điểm biệt hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, quê ở làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Bà là em của Tiến sĩ Đoàn Doãn Luân và là vợ thứ của Tiến sĩ Nguyễn Kiều. Đoàn Thị Điểm nổi tiếng là một nữ sĩ tài năng văn chương, giỏi về đối đáp xướng họa. Đã có nhiều sách giới thiệu về thân thế, sự nghiệp văn học của bà. Tác phẩm của Đoàn Thị Điểm để lại đến nay cũng tương đối nhiều, đặc biệt là tác phẩm Chinh phụ ngâm (征 婦 吟) được in trong sách giáo khoa phổ thông và được dạy trong nhiều thập kỷ qua(9). Phần ghi về Đoàn Thị Điểm, sách Lịch triều hiến chương loại chí, phần Văn tịch chí có ghi: Tục truyền kỳ (續傳奇)(1 quyển). Nữ Học sĩ Nguyễn Thị Điểm(10) soạn, ghi chép những chuyện linh dị và những chuyện gặp gỡ như Bích Câu kỳ ngộ, Hải Khẩu linh từ, Vân Cát thần nữ, Hoàng Sơn tiên cục, An Ấp liệt nữ, Nghĩa khuyển khuất miêu, gồm 6 truyện, lời văn hoa mỹ dồi dào, nhưng khí cách hơi yếu, kém tập trước (Truyền kỳ mạn lục)(11)...

3. Bia mộ Tiến sĩ Nguyễn Kiều

Tiến sĩ Nguyễn Kiều mất tại quê hương năm 1752, được an táng tại cánh đồng Nhật Tân, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội). Theo PGS. TS. Nguyễn Lân Cường(12), cách đây 34 năm (1977), Giáo sư, Viện sĩ Phạm Huy Thông cùng các nhà Khảo cổ học: Đỗ Văn Ninh, Trịnh Cao Tưởng, Nguyễn Đình Truật đã về đây nghiên cứu ngôi mộ cụ Nguyễn Kiều. Tháng 7 năm 2011, được sự cho phép của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội, Hội Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội tiến hành khai quật mộ cụ Nguyễn Kiều nhằm di dời hài cốt, mộ phần của cụ về nơi khác, đoàn tụ bên mộ Hồng Hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm(13), nhằm giải phóng mặt bằng để Ban quản lý xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây, xây dựng công trình phục vụ dân sinh. PGS- TS Nguyễn Lân Cường là người chủ trì khai quật(14). Ngày 26/7/2011, chúng tôi được gia tộc Nguyễn Kiều báo cho biết hiện nay còn tấm bia chữ Hán trên mộ cần dịch. Hai tấm bia, một tấm bia nhỏ bằng đá trắng, chữ đã bị mờ hết. Có lẽ tấm bia này là tấm bia ban đầu của mộ được làm khi Nguyễn Kiều mất hoặc làm khi cải táng. Còn tấm bia ghi dựng năm 1931 là tấm bia được dựng lại nhân một dịp nâng cấp, sửa sang mộ cụ Nguyễn Kiều trên cơ sở nội dung của tấm bia nhỏ màu đá trắng kia. Tấm bia sau này có kích thước 30 x 60 cm, chữ khắc khá rõ nét, tuy nhiên do mặt bia đá không nhẵn, bị vỡ loang lổ một số chỗ nên đôi chữ bị mất hoặc khó đọc. Ở hàng giữa chữ khắc díu, hơi dày, nhưng đều có thể khôi phục và đọc được toàn bộ văn bản. Nguyễn Kiều là một nhà khoa bảng đỗ đạt nổi tiếng, lại là chồng của Hồng Hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm sống cách chúng ta ngày nay hơn 200 năm nên những tư liệu gì liên quan đến ông, bà đều là những tư liệu đáng quý cần được trân trọng. Tư liệu văn bia này cùng với những tư liệu khảo cổ học khác góp phần xác định ngôi mộ đang được đoàn khai quật chính nghiên cứu, di dời là ngôi mộ của Tiến sĩ Nguyễn Kiều. Sau đây, chúng tôi xin phiên âm, dịch nghĩa, chú thích toàn bộ tấm bia trên.

Nguyên văn chữ Hán:

保大六年辛未仲冬

皇朝00賜乙未科進士金紫榮祿大夫入侍内陪從刑部左侍郎都御史00候阮相公0 序毅政號灝軒先生之墓.

六月拾六日忌時.

富舍社奉造.

 Phiên âm(15):

1931, Bảo Đại lục niên Tân Mùi trọng đông(16)

Hoàng triều 00(17) tứ(18) Ất Mùi khoa(19) Tiến sĩ, Kim tử Vinh lộc đại phu(20), Nhập Thị nội(21) Bồi tụng(22), Hình bộ Tả Thị lang(23) 00 Đô Ngự sử(24) 00 hầu(25), Nguyễn tướng công, húy 0(26), tự(27) Nghị Chính, hiệu(28) Hạo Hiên Tiên sinh chi mộ chí.

Lục nguyệt thập lục nhật kỵ thời.

Phú Xá xã phụng tạo(29).

Dịch nghĩa:

Giữa mùa đông năm Tân Mùi niên hiệu Bảo Đại thứ 6 (1931) (30).

Ban cho: Tiến sĩ khoa Ất Mùi, Kim tử Vinh lộc đại phu, Chức Nhập nội Bồi tụng, Hình bộ Tả Thị lang, Đô Ngự sử, tước hầu. Mộ Nguyễn tướng công, húy Nguyễn (Kiều), tự Nghị Chính, hiệu Hạo Hiên Tiên sinh.

Giỗ ngày 16 tháng 6

Xã Phú Xá kính cẩn tạo.

4. Các tư liệu về sắc phong, gia phả của Nguyễn Kiều và những người trong gia đình ông (sưu tầm tại phường Phú Xá, quận Tây Hồ, Hà Nội (xếp theo trật tự niên đại sắc)(31)

4.1 Về Sắc phong

Hiện còn 11 đạo sắc, nhìn chung các sắc đã cũ nát nhưng còn khá rõ, chúng tôi thể hiện qua bảng tóm tắt như sau:

Stt

Người được

sắc

phong

Mối

quan

hệ

 

Nội dung

Ngày

tháng

phong

sắc

1

 

Nguyễn Kiều

 

Sắc: (Cẩn sự Tá lang - ND chú)….Phụng sự Đại Nguyên soái, Tổng quốc chính Sự thượng An Vương (Trịnh Cương), có triều thần đề nghị thăng chức Hiệu úy. Ông được giữ chức Cẩn sự Tá lang Hiệu úy Viện Hàn lâm.

Ngày 29 tháng 10 năm Vịnh Thịnh

thứ 11 (1715).

2

 

Nguyễn Kiều

 

Sắc: Cẩn sự tá langHiệu úy Viện Hàn lâm, hạ ban Nguyễn Kiều đã nhậm chức rất xứng đáng với phụng chỉ của Đại Nguyên soái Tổng quốc chính sư Thượng thượng phụ, Uy minh Nhân công Thánh đức An Vương (Trịnh Cương) lại có triều thần đề nghị thăng chức Hiệu lý. Ông được giữ chức Cẩn sự lang Hiệu lý, hạ liên Viện Hàn lâm.

Ngày 16 tháng 6

năm Vĩnh Thịnh

thứ 16 (1720).

 

3

 

Bà Nguyễn Thị Liên

Thân

mẫu

của

Tiến

sĩ Nguyễn Kiều

Sắc: cho bà Nguyễn Thị Liên, người xã Phú Xá, huyện Từ Liêm là thân mẫu của ông Nguyễn Kiều từng giữ chức Triều liệt đại phu, Tán trị xứ Nghệ An, Tham chính ty Thừa Chánh sứ, được tham dự phong tặng chức Nghi Nhân. Bà được phong tặng là Hiển cung Đại phu Đông các Học sĩ Nghi nhân.

Ngày 6 tháng 7

năm

Vĩnh Hựu thứ 4

(1738).

 

4

 

Bà Nguyễn Thị Liên

Thân

mẫu Nguyễn Kiều

Sắc: phong cho bà Nguyễn Thị Liên trước đã được tặng chức Đông các Học sĩ Nghi Nhân, vì là thân mẫu của ông Nguyễn Kiều giữ chức Bồi tụng Bộ Công. Hữu Thị lang, nhập Thị kinh diên, tước Cẩm Xuyên bá. Cho nên được tặng thêm chức Lệnh nhân. Bà được nhận chức Tham chính Lệnh nhân xứ Thái Nguyên.

Ngày 28 tháng 8

năm

Cảnh

Hưng

thứ 3

(1742).

 

5

 

Bà Nguyễn Thị Đoan

Vợ

của

ông Nguyễn Kiều

Sắc: cho bà Nguyễn Thị Đoan trước được tặng chức Cẩn Nhân vì là vợ của ông Nguyễn Kiều giữ chức Bồi tụng Bộ Công, Hữu Thị lang, nhập Thị kinh diên, tước Cẩm Xuyên bá, cho nên gia tặng cho bà chức Thận nhân, bà được tặng là Bồi tụng Công bộ Hữu Thị lang, nhập Thị kinh diên. Cẩm Xuyên bá, Thận nhân.

Ngày 28 tháng 8

năm

Cảnh

Hưng

thứ 3

(1742).

 

6

 

Ông Nguyễn Yên Xuân (xã Phú Xá, huyện Từ Liêm)

Ông

nội

của Nguyễn Kiều

Sắc: phong cho ông Nguyễn Yên Xuân, người xã Phú Xá, huyện Từ Liêm, vì là ông nội của Nguyễn Kiều, giữ chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Nhập thị Bồi tụng. Tả Thị lang Bộ Hình, tước Cẩm Xuyên hầu, cho nên được tặng chức Tự khanh, tước Bá. Ông được tặng là Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Đại lý Tự khanh, tước Cẩm Xuyên bá, Trụ quốc, Thượng liên.

Ngày 26 tháng 6

năm

Cảnh

Hưng

thứ 9

(1748).

 

7

 

Ông Nguyễn Yên Xuân, người xã Phú Xá, huyện Từ Liêm

 

 

Ông

nội

của Nguyễn Kiều

Sắc: phong cho ông Nguyễn Yên Xuân, người xã Phú Xá, huyện Từ Liêm, vì là ông nội của Nguyễn Kiều, giữ chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Nhập thị Bồi tụng. Tả Thị lang Bộ Hình, tước Cẩm Xuyên hầu, cho nên được tặng chức Tự khanh, tước Bá. Ông được tặng là Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Đại lý Tự khanh, tước Cẩm Xuyên bá, Trụ quốc, Thượng liên.

Ngày 26 tháng 6

năm

Cảnh

Hưng

thứ 9 (1748).

 

8

 

Bà Nguyễn Thị Thực, người xã Phú Xá, huyện Từ Liêm

Bà nội

của

ông Nguyễn Kiều

Sắc: phong cho bà Nguyễn Thị Thực, người xã Phú Xá, huyện Từ Liêm và là bà nội của ông Nguyễn Kiều giữ chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu. Nhập thị Bồi tụng, Hình bộ Tả Thị lang, Tước Cẩm Xuyên hầu, cho nên được phong tặng chức Tự phu nhân. Bà được phong tặng là Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Đại lý Tự khanh, Cẩm Xá xã, Tựu Phu nhân.

Ngày 16 tháng 6

năm

Cảnh

Hưng

thứ 9 (1748).

 

9

 

Nguyễn Dực

Con trai trưởng

của Nguyễn Kiều

Sắc: Cẩn sự lang Quang lộc Điện tự thừa, Hạ liên Nguyễn Dực vì là con trai trưởng của Nguyễn Kiều giữ chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Nhập thị Bồi tụng, Hình bộ Tả Thị lang, tước Cẩm Xuyên hầu được dự vào phong ấm, phê chuẩn phong ấm Hoằng Tín đại phu.

Ngày 16 tháng 6

năm

Cảnh

Hưng

thứ 9 (1748).

10

 

Nguyễn Lân ( Người xã Phú Xá, huyện Từ Liêm)

Cháu

đích

tôn

của Nguyễn Kiều

Sắc: cho quan viên tôn Nguyễn Lân, người xã Phú Xá, huyện Từ Liêm vì là cháu đích tôn của ông Nguyễn Kiều, giữ chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Nhập thị Bồi tụng, Hình bộ Tả Thị lang, Cẩm Xuyên hầu được dự vào phong ấm, đã được phong Mậu Lâm lang.

Ngày 16 tháng 6

năm

Cảnh

Hưng

thứ 9(1748).

 

11

 

Nguyễn Du, người xã Phú Xá, huyện Từ Liêm

Theo

hầu Nguyễn Kiều

Sắc: cho quan tôn viên Nguyễn Du, người xã Phú Xá, huyện Từ Liêm vì bề tôi vâng theo hầu chuyên lưu ứng vụ lại tuân theo suất đinh bảo vệ Kinh thành, được ban thưởng nhậm chức Huyện thừa. Được làm Tiền công Thứ lang, Huyện thừa huyện Vĩnh Khánh.

Ngày 29 tháng 9 (nhuận)

năm

Cảnh

Hưng

thứ 47 (1786).

12

Nguyễn Kiều

 

(Bài thần chủ) thờ ông Nguyễn Kiều, được ban Tiến sĩ khoa thi Ất Mùi (1715- ND), (từng) trải Chánh sứ, Phó Đô Ngự sử, Cẩm Xuyên hầu, Nguyễn công, tên húy là Kiều, tên tự là Hạo Hiên tiên sinh.

Không ghi niên đại (cháu là Nguyễn

Lân

phụng thờ)

 

4.2 Gia phả dòng họ Nguyễn Kiều(32)

Gia phả dòng họ Nguyễn Kiều do ông Nguyễn Sâm lưu giữ. Niên đại gia phả: sao lại vào ngày tốt, ngày 20 tháng 6 năm Bảo Đại thứ 11 (1936). Gia phả này bị mất nhiều tờ, nay chỉ còn có 11 trang: trang 1 là bài tựa gia phả. Trang 2 đến trang 6 ghi về các thành viên của dòng họ được khoảng 30 thành viên trong họ có ghi những ngày giỗ, ngày mất, tên tự, tên hiệu. Từ trang 7-9, ghi về các ngày cúng quan trọng trong năm như: ngày mồng một tết, rằm tháng giêng, rằm tháng 5, rằm tháng 7, rằm tháng 8, tiết đông chí, tết trừ tịch, văn cúng thổ công, táo quân. Đặc biệt trang thứ 10 ghi về mộ tổ được chôn ở đâu, xứ đồng nào cùng sơ đồ kèm theo. Theo lời ông Nguyễn Sâm (cháu trong gia tộc của Tiến sĩ Nguyễn Kiều) thì trang 10a, bên cạnh sơ đồ về ba ngôi mộ liền nhau, có một ngôi mộ ghi: “Mộ Phủ Bà” và giải thích rằng: tên gọi này chính là chỉ mộ của Hồng Hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Bây giờ lăng mộ của bà đã được tôn tạo. Tờ thứ 11 ghi về các chi dòng họ Nguyễn Kiều gồm 4 chi có từ thời Lê. Cả ba chi này đều từng có người thi đỗ Cử nhân,có người từng làm chức quan Huyện phủ lỵ huyện Nam Chân, Đốc học triều Lê. Tuy nhiên rất tiếc tên húy của các vị này đều thất truyền nên ngày nay không được biết họ tên là gì, rất khó tra cứu. Riêng Nguyễn Kiều thì thông tin khá đầy đủ. Ông thuộc chi thứ tư, các chức tước, năm đỗ, tên tự, tên hiệu, ngày giỗ rất cụ thể, rõ ràng và thống nhất với các văn bản khác, tương tự với nội dung đã được ghi chép trên tấm bia mộ mà chúng tôi công bố ở trên. Gia phả phần ghi về Nguyễn Kiều như sau: “Chi thứ 4Cao tổ, tự là Nghị Chính, hiệu Hạo Hiên, ông đỗ Đệ Tam giáp đỗ Khoa Ất Mùi Đồng Tiến sĩ xuất thân, chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Nhập Thị nội Bồi tụng, Hình bộ Tả Thị lang, Hành Ngự sử đài, Đô Ngự sử, Cẩm Xuyên hầu, Nhập Thị kinh diên, Đốc chính hương trung ban tiết chế thống chế thủy bộ chư dinh trấn. Do lưỡng độ yên đài. Ông giỗ ngày 16 tháng 6”.

Trên đây là những tư liệu - di sản Hán Nôm liên quan đến Tiến sĩ Nguyễn Kiều và Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm - hai danh nhân, thi sĩ nổi tiếng đất Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVIII. Trong một tương lai không xa, khi có điều kiện, chúng ta nên công bố toàn bộ những di sản Hán Nôm và những tư liệu liên quan đến Tiến sĩ Nguyễn Kiều và Hồng Hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Với nguồn tư liệu Hán Nôm phong phú, quý giá của tiền nhân để lại sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu Sử học, Hán Nôm học tiếp tục khai thác, để đánh giá đúng vị trí, tài năng đích thực của hai danh sĩ./.

Chú thích:

(1). Nguyễn Tông Quai (阮宗乖)còn có cách đọc khác là Nguyễn Tông Khuê), hiệu là Thư Hiên, người xã Phúc Khê, huyện Ngự Thiên (tức huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình), đỗ Hoàng giáp năm Tân Sửu (1721), năm Bảo Thái, làm quan đến Tả Thị lang Bộ Hộ, hai lần đi sứ nhà Thanh. Ông là người cùng đi sứ với Nguyễn Kiều.

(2). Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, (Phạm Trọng Điềm phiên dịch và chú thích), Nxb. Sử học, 1962, H, tr. 245.

(3). Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập IV, Nxb. Sử học, H, 1961, tr. 174.

(4). Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập IV, Nxb. Sử học, H, 1961, tr. 95.

(5). Ngô Cao Lãng, Lịch triều tạp kỷ, tập I, (Hoa Bằng dịch và chú giải, Văn Tân hiệu đính), Nxb. KHXH, H, 1975, tr. 223. Lịch triều tạp kỷ cũng có tên khác là Hậu Lê lịch triều tạp kỷ. Ông còn có tên gọi là Cao Lãng, Ngô Cao Lãng hoặc Lê Cao Lãng, tự là Lệnh Phủ, hiệu là Viên Trai, người xã Nguyệt Viên, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đỗ Hương cống khoa Đinh Mão (1807) làm quan đến Tri phủ.

(6). Sứ Hoa tùng vịnh (使華從詠), Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu: A 1552, dày khoảng 106 trang. Đây là tác phẩm viết tay, chữ viết dạng thảo, khó đọc. Chúng tôi đang tiến hành dịch tác phẩm này.

(7). Các nhà khoa bảng Việt Nam, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi (biên soạn), Nxb. Văn học, 2006, tr. 571, 572. Trong một dịp khác, chúng tôi sẽ khảo cứu cụ thể về tập thơ đi sứ này.

(8). Trần Nghĩa - François Gros, Di sản Hán Nôm Việt Nam - thư mục đề yếu, Nxb. KHXH, H. 1993.

(9). Về tác phẩm “Chinh phụ ngâm” hiện lưu hành đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm lý giải, trong đó Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cùng một số học giả khác cho rằng: bản dịch Chinh phụ ngâm (chữ Hán) của Đặng Trần Côn ra chữ Nôm hiện đang lưu hành chính là bản dịch của Phan Huy Ích chứ không phải của Đoàn Thị Điểm (Xem: La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, Nxb. Giáo dục, 1998).

(10). Thị Điểm họ Đoàn, sau lấy chồng họ Nguyễn, nên người ta quen gọi là Nguyễn Thị Điểm (nguyên chú của các dịch giả sách Lịch triều hiến chương loại chí, sđd, tr. 126)

(11). Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, sđd, tr. 126. Tác giả Lịch triều hiến chương loại chí viết lầm là “Truyền kỳ mạn lục”, tên gọi đúng là: “Truyền kỳ tân phả”.

(12). Nguyễn Lân Cường, Vợ chồng Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm: lễ hợp táng sau 260 năm, báo Văn hóa và Thể thao (Số 211, thứ bảy ngày 30/07/2011) (Nếu tính từ năm cụ Nguyễn Kiều mất (1752) cho đến năm 2011 (Di táng, khai quật) là đúng 260 năm chứ không phải là 250 năm. Nhân đây cải chính lại.

(13). Tham gia khai quật có cán bộ Viện Khảo cổ học, cán bộ ban quản lý Di tích danh thắng Hà Nội, giám sát của các cơ quan chức năng, dòng họ Nguyền Kiều ở Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội).

(14). Xem Vợ chồng Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, lễ hợp táng sau 260 năm, của PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, báo Thể thao Văn hóa, số 211, thứ bảy ngày 30/7/2011. Cùng xem: Nguyễn Lân Cường, Báo cáo khai quật mộ Tiến sĩ Nguyễn Kiều, những phát hiện mới về Khảo cổ học, 2011, Nxb. KHXH, 2012).

(15). Xin lưu ý: Chữ nào bị mất hoặc mờ khó đọc chúng tôi đánh ký hiệu chữ (0).

(16). Trọng đông - giữa mùa đông: ngày xưa trong lịch pháp chia một năm làm 4 quý, mỗi quý 3 tháng, tháng đầu là mạnh, tháng thứ 2 là trọng, tháng thứ 3 là quý, như: Mạnh đông, trọng đông, quý đông. Trọng đông ở đây là tháng 11 (năm 1931).

(17). (00) Hai chữ bị mờ, mất một phần, chúng tôi đoán là hai chữ: “Vĩnh Thịnh” (永盛).

(18). Tứ là vua ban: như "Ân tứ"(恩賜), vua ban cho mở khoa thi gọi là “ân khoa”(恩科), ban cho cờ biển khi thi đỗ gọi là “ân tứ”.

(19). Khoa Ất Mùi này được viết trong Đại Việt sử ký tiền biên năm 1715. (Xem Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb. KHXH, H. 1997).

(20). Kim tử Vinh lộc đại phu (金紫榮祿大夫) quan chế thời Hồng Đức, hàm tản quan có hàm Kim tử Vinh lộc đại phu, trật Chánh nhất phẩm văn ban. Thời Lê sơ khi chưa có chuẩn định về tước phong thì có các chức: Triều liệt đại phu, Vinh lộc đại phu, Trung lượng đại phu, Trung vũ đại phu... (Xem Đỗ Văn Ninh - Từ điển chức quan Việt Nam, Nxb. Thanh niên, H, 2002, tr. 373).

(21). Nhập nội (入內): những đại thần được mang thêm chức Nhập nội là chức quan được vua thân tín. Đặt đầu thời Lê, về sau đều dùng theo, như Nhập nội Tư mã, Nhập nội Hành khiển.

(22). Bồi tụng (陪從): thực chất chức Bồi tụng là Á tướng, đứng sau Tể tướng. Đời Lý là Tả Hữu Tham tri chính sự. Đời Trần đặt chức Tri mật viện sự dưới Tướng quốc. Lê sơ đặt Mật Viện tham tri. Đời Hồng Đức bỏ, công việc trả về Lục bộ. Trung hưng về sau, chúa nắm quyền mới đặt quan Bồi tụng / Phủ đường. (Năm Hoằng Định thứ 2 (1601) Nguyễn Danh Thể, Ngô Trí Hòa… làm chức Bồi tụng phủ đường. Lê Chiêu Thống lên ngôi, bãi chức này lại đặt chức Tham tri như trước (Đỗ Văn Ninh, sđd, tr. 107).

(23). Hình bộ Tả Thị lang (刑部左侍榔): chức quan đứng thứ ba trong Bộ Hình thời Nguyễn. Trật chánh tam phẩm. Thời Lê là phó chức của Thượng thư. Quan chế Hồng Đức và Bảo Thái đều cho trật Tòng tam phẩm (Đỗ Văn Ninh, đd, tr 313).

(24). Đô Ngự sử (都御史):đời Lê sơ, Thái Tổ theo quan chế cũ nhà Trần đặt Ngự sử đài có các chức Thị Ngự sử, Ngự sử Trung thừa, Phó trung thừa, Giám sát Ngự sử, Chủ bạ sau mới đổi đặt Đô Ngự sử, Phó đô Ngự sử, Thiên đô Ngự sử cùng Ngự sử đại phu là Trưởng ban. Giữ phong hóa phong độ. Đời Thánh Tông định quan chế chỉ đặt Đô Ngự sử, Phó đô Ngự sử, Thiên Đô Ngự sử, Giám sát Ngự sử và 13 Giám sát Ngự sử các đạo. Thời Trung hưng về sau đều theo. Đô Ngự sử là trưởng quan của Ngự sử đài, Trật chánh tam phẩm, Vinh phong Tư chính thượng khanh. Đời Bảo Thái theo như vậy. Chức Đô Ngự sử xếp cuối hàng Thượng thư. Thời Nguyễn là chức quan đứng đầu Đô sát viện trật Chánh nhị phẩm Văn ban.

(25). “ 0 0 hầu”( 0 0 候). Trong gia phả ghi chức Cẩm Xuyên hầu ( 錦川候).(Nay bổ sung).

(26). Tên húy: tên do cha mẹ đặt cho khi khai sinh, bình thường trong đời sống hàng ngày người ta thường tránh không gọi tên húy. (Vì thế người ta có câu: “Nhập gia vấn húy” (Khi khách vào nhà thì hỏi tên húy các cụ tổ tiên để nếu nói chuyện thì không bị phạm). Trong sổ đinh, điền hay các thủ tục hành chính thuế khóa, hay trong đời sống tâm linh cúng giỗ mới dùng. Ở đây, chúng tôi đoán chữ mất này là chữ “Kiều” (喬) tên thực của Nguyễn Kiều.

(27). Tên tự: thường là tên đặt cho người khi đỗ đạt và làm quan, hoặc tên đặt khi trước tác.

(28). Tên hiệu: tên thường đặt khi mất, tên hiệu thường phản ánh tính cách, phẩm chất của người quá cố

(29). Xã Phú Xá: trước năm 1931… Đồng Khánh địa dư chí (Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên; Philippe Papin - dịch), Viên Cao học Thực hành, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Viễn đông Bác cổ (Pháp), Nxb. Thế giới, 2003, tr 7). Thời gian gần đây, chúng ta còn phát hiện thêm một số tư liệu văn bản của Tiến sĩ Nguyễn Kiều (Xem: Nguyễn Thị Ngọc Yến, Thêm một bài văn của Tiến sĩ Nguyễn Kiều tìm thấy ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, Thông báo Hán Nôm học 2010).

(30). Dòng lạc khoản đề trên bia mộ thường đặt ở hai bên phải và bên trái của dòng chính thường được trình bày ở chính giữa và thường viết thấp hơn dòng chính giữa. Chúng tôi đếm có 7 dòng theo chiều dọc của bia. 7 dòng/ hàng tượng trưng cho “thất tinh”, theo quan niệm của người phương Đông là tượng trưng cho bảy vía của đàn ông. Khi phiên âm theo trật tự, chúng tôi phiên âm lần lượt từ phải qua trái. Ở đây, dòng lạc khoản là:

- 1931, Bảo Đại lục niên Tân Mùi trọng đông (保 大 六 年 辛 未仲冬).

- Lục nguyệt, thập lục nhật kỵ thời (六月十六日忌時).

- Phú Xá xã phụng tạo (富舍社奉造).

(31). Hiện nay toàn bộ 11 Đạo sắc do bà Nguyễn Thị Sơn (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) lưu giữ.

(Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.225-244)

Post by: Khoa Ngữ văn
03-01-2024