Hán nôm

Khảo luận tầm nguyên từ song thanh, điệp vận, điệp âm trong Ngục trung nhật kí


08-04-2024

Tóm tắt. Bài viết khảo luận về hệ thống từ song thanh, điệp vận, điệp âm trong Ngục trung nhật kí, từ đó, nhận định về sự vay mượn và sáng tạo về ngôn từ của Hồ Chí Minh. Đồng thời, bài viết tìm hiểu về sự tương tác, phát triển của hệ thống ngôn từ này trong tiếng Việt hiện đại. Ngục trung nhật kí gồm 102 từ song thanh, điệp vận, điệp âm, trong đó từ được vay mượn chiếm 76%, từ được sáng tạo chiếm 24%. Những từ vay mượn và sáng tạo kết hợp hài hòa trong các tác phẩm, thể hiện tài năng ngôn từ của tác giả. Trong những từ song thanh, điệp vận, điệp âm thuộc Nhật kí trong tù có những từ gia nhập vào tiếng Việt và có những từ không gia nhập vào tiếng Việt. Từ gia nhập vào tiếng Việt chiếm 42% và từ không gia nhập vào tiếng Việt chiếm 58%. Những từ đã gia nhập vào tiếng Việt luôn có những biến đổi để trở nên phù hợp hơn với thực tiễn, tỉ lệ những từ biến đổi chiếm 16%. Số liệu này cho thấy sự giao thoa giữa tiếng Việt và tiếng Hán, giữa ngôn ngữ văn chương và ngôn ngữ đời thường, đồng thời khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của tiếng Việt trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Từ khóa: Ngục trung nhật kí, Hồ Chí Minh, song thanh, điệp vận, điệp âm.

1. Mở đầu Nhật kí trong tù là thi tập bằng chữ Hán được Hồ Chí Minh viết trong khoảng thời gian bị bắt giam tại Trung Quốc, văn bản của tác phẩm hiện được sao in trong cuốn Hồ Chí Minh và 5 bảo vật quốc gia. Bài viết này đặt vấn đề từ câu thơ trong bài Vô đề thuộc Ngục trung nhật kí: 身体在獄中, 精神在獄外 (Thân thể tại ngục trung/ Tinh thần tại ngục ngoại), hai câu thơ gồm các từ đọc bằng âm đọc Hán Việt như sau: thân thể, tinh thần, tại, ngục trung, ngục ngoại. Người sử dụng tiếng Việt thông thường có thể hiểu được một số từ trong những từ trên. Như vậy, từ trong tác phẩm văn chương bằng chữ Hán của người Việt Nam có mối quan hệ với tiếng Hán và được sự phát triển trong tiếng Việt hiện đại là vấn đề cần được tìm hiểu một cách chi tiết và hệ thống. Bài viết khảo luận về hệ thống từ song thanh (viết tắt ST), điệp vận (viết tắt ĐV), điệp âm (viết tắt ĐÂ) trong Ngục trung nhật kí (viết tắt NTNK), từ đó, nhận định về sự vay mượn và sáng tạo về ngôn từ của tác giả, đồng thời tìm hiểu về sự tương tác, phát triển của hệ thống ngôn từ này trong tiếng Việt hiện đại, góp phần khẳng định tài năng văn chương của tác giả, đồng thời góp phần xác định đặc điểm của tiếng Việt hiện đại.
Toàn văn xem tại: 
https://drive.google.com/file/d/1O15IwGF4hyUanINR0p3jmcrmLj1WeQAD/view?usp=drive_link

Post by: Khoa Ngữ văn
08-04-2024