Hán nôm

GIỚI THIỆU MỘT SỐ TƯ LIỆU MỚI VỀ MINH ĐÔ THI VỰNG


15-10-2020
Tác giả: TS Nguyễn Thanh Tùng

Minh đô thi vựng 明 都 詩 彙(MĐTV) là bộ thi tuyển chữ Hán đồ sộ thứ hai của Việt Nam thời trung đại(1) do Bùi Nhữ Tích 裴 汝 惜 (? – ?) biên soạn. Tuy nhiên, cho đến nay, tình hình văn bản của công trình là khá phức tạp. Vẫn còn tồn tại rất nhiều câu hỏi như: soạn giả, quan điểm biên soạn, quá trình truyền bản, hiện trạng văn bản…(2) Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình hình phức tạp đó là vấn đề tư liệu, nhất là những tư liệu gốc có liên quan. Nhằm góp phần giải quyết những vấn đề trên, chúng tôi xin được giới thiệu một tư liệu mới phát hiện – bài Tự tự MĐTV – và sơ bộ thẩm định giá trị của nó.

Minh đô thi vựng 明 都 詩 彙(MĐTV) là bộ thi tuyển chữ Hán đồ sộ thứ hai của Việt Nam thời trung đại(1) do Bùi Nhữ Tích 裴 汝 惜 (? – ?) biên soạn. Tuy nhiên, cho đến nay, tình hình văn bản của công trình là khá phức tạp. Vẫn còn tồn tại rất nhiều câu hỏi như: soạn giả, quan điểm biên soạn, quá trình truyền bản, hiện trạng văn bản…(2) Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình hình phức tạp đó là vấn đề tư liệu, nhất là những tư liệu gốc có liên quan. Nhằm góp phần giải quyết những vấn đề trên, chúng tôi xin được giới thiệu một tư liệu mới phát hiện – bài Tự tự MĐTV – và sơ bộ thẩm định giá trị của nó.

1. Bài Tự tự Minh đô thi vựng

1.1. Lai lịch văn bản

Trước đây, khi khảo sát bản MĐTV (VHv.2392)(3), đặc biệt là khi đọc đến bài Bạt MĐTV của Bùi Ngạn Cơ chép ở cuối sách, chúng tôi cứ băn khoăn, suy đoán, nếu sách có bài Bạt thì hẳn cũng có bài (hoặc một số bài) tựa của ai đó, không ngoại trừ của Bùi Nhữ Tích, viết về công trình này. Vì vậy, chúng tôi đã lưu ý tìm tòi theo hướng suy đoán đó. Và thật may mắn! Chúng tôi đã tìm được một bài tựa như thế. Đó là bài Tự tự MĐTV được chép trong sách Bái Dương thi tập 沛陽 詩 集(tờ 101b – 102a). Sách mang kí hiệu VHv. 142 của Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm. Sách còn có tên khác là Bái Dương Tiến sĩ Ngô tiên sinh thi tập 沛 陽 進 士 吳 先 生 詩 集. Bái Dương thi tập là tập thơ của Tiến sĩ Ngô Thế Vinh (1802 – 1856) hiệu Dương Đình, dày 204 trang giấy dó, khổ 24 x 18 (cm). Văn bản thi tập của ông không rõ được ai đó chép lại bằng lối chữ hành, đá thảo, tương đối dễ đọc. Sách Bái Dương thi tập còn chép lẫn một số tác phẩm chưa rõ tác giả, như: Nguyệt phú月賦, Thanh phong phú 清 風 賦,…Các tác phẩm này (cùng với bài Tự tự) được chép riêng về cuối sách, tách hẳn thành một phần riêng so với phần thơ ca của Ngô Thế Vinh. Điều đó cho thấy người sao chép có ý thức phân biệt tác phẩm của Ngô Thế Vinh với các tác phẩm khác. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy tính chất “cóp nhặt”, tuỳ tiện của văn bản(4). Tính chất tuỳ tiện cũng nằm ngay trong việc chép bài Tự tự. Bên cạnh tiêu đề bài Tự tự có chú: “Kinh vi tài đính tịnh lục” 經 為 裁 訂並 錄 (trải qua việc hiệu đính và sao lục), nhưng trong bài Tự tự có một số chữ bị chép sai, chép lộn do việc người sao chép không nắm được văn mạch và chữ nghĩa, chẳng hạn chép “tiên sinh” (先生) thành “tiên vương” (先 王), “khẳng khải” (肯 綮) thành “khẳng khể” (肯 棨), “tấn hịch” (迅獥) thành “tấn kích” (迅激), “hạ” (下) thành “bất” (不) [Xem phụ lục 2]... Nhưng cũng vì thế, sách lưu giữ lại được bài Tự tự.

Vì sao bài Tự tự lại nằm trong Bái Dương thi tập mà không nằm trong các dị bản MĐTV? Nguyên nhân có lẽ là: văn bản MĐTV còn lại ngày nay không còn nguyên vẹn, bị thất tán hoặc sửa đổi thành các dị bản không đầy đủ (A.2424; A.2171; VHv.2392,…), cho nên bài Tự tự này trong một thời gian dài đã lạc khỏi công trình và tưởng như mất hẳn. Nhưng người sao chép Bái Dương thi tập đã chép được bài Tự tự này từ một nguồn nào đó và vì vậy, bài Tự tự được bảo lưu cho đến ngày nay. Tuy nhiên, từ trước đến nay, khi nghiên cứu về MĐTV, chưa người nào đề cập và khai thác bài Tự tự này.

1.2. Tác giả và niên đại bài Tự tự

Tác giả bài Tựa là ai? Sách Bái Dương thi tập chép rõ: “Cơ Phủ tự tự MĐTV” 基甫自序明都詩彙 (Cơ Phủ tự làm bài Tựa về tác phẩm MĐTV [của mình]). Cơ Phủ là tên hiệu của Bùi Ngạn Cơ 裴彥基, con trai Bùi Nhữ Tích (theo bản VHv.2392). Nhưng đọc sâu vào bài Tựa, dễ dàng nhận thấy đây là bài Tựa của chính Bùi Nhữ Tích chứ không phải Bùi Ngạn Cơ. Theo bài Tựa, tác giả tự thuật rằng: “tôi thuở nhỏ được thờ dưới cửa tiên sinh Bùi Tồn Am, từng được thấy [tiên sinh] luận thuật về văn hiến của nước nhà, liền trăn trở mà đoái mộ”. Điều này trùng với ghi chép của chính Bùi Ngạn Cơ về cha mình trong bài Bạt MĐTV chép trong bản VHv.2392 mà chúng ta đã quen thuộc: “cha tôi… là môn nhân của Bùi Tồn Am tiên sinh”. Cũng theo bài Bạt MĐTV thì sách MĐTV là của Bùi Nhữ Tích, Bùi Ngạn Cơ chỉ biên tập lại mà thôi. Trong khi đó, bài Tự tự lại nêu lại quá trình làm sách MĐTV (xem phụ lục 2). Hơn nữa, Bùi Ngạn Cơ đã viết bài Bạt trình bày việc biên tập của mình thì không có cớ gì lại “tự tự” (tự làm bài bài tựa về sách của mình) ở đầu sách nữa. Như vậy, người sao chép văn bản Bái Dương thi tập đã nhầm lẫn. Hẳn vì khi chép lại bài Tự tự này từ một nguồn nào đó, người sao cũng không có bản gốc MĐTV trong tay, mà có một truyền bản của bản MĐTV đã được Bùi Ngạn Cơ “biên tập”. Hoặc giả, ông cho rằng tên hiệu của Bùi Nhữ Tích là Cơ Phủ chăng? Trên thực tế, Bùi Nhữ Tích, tự là Chi Phúc 之福, hiệu là Khắc Trai cư sĩ 克齋居士 (Bạt MĐTV). Dù sao, chúng ta cũng đã xác định được rõ ràng: bài Tự tự này do chính Bùi Nhữ Tích, soạn giả MĐTV viết. Đây là thông tin quý báu, nâng tầm giá trị của bài Tự tự.

Bài Tự tự được viết khi nào? Sách Bái Dương thi tập không chép lạc khoản của bài Tự tự nên ta không thể xác định thời điểm cụ thể. Nhưng có thể thông qua một vài thông tin trong bài Tự tự để suy đoán. Bài Tự tự có nhắc đến tập Thi sao (tức Lịch triều thi sao) của Bùi Huy Bích, sau đó có câu: “Nay đọc lại tập thơ còn sót lại ấy, già rồi mới có sự thoả đáng nơi tâm”. Người ta chỉ gọi là “di tập” khi tác giả, soạn giả của nó đã mất. Bùi Huy Bích mất năm 1818, vậy bài Tự tự này không thể viết sớm hơn thời điểm ấy. Chúng ta lại cũng biết rằng, Thi sao được khắc in và đổi tên thành Hoàng Việt thi tuyển nhờ một người học trò của cụ Bùi Huy Bích. Bài Tựa Hoàng Việt thi tuyển của Nguyễn Tập nói về việc khắc in này được viết năm Minh Mệnh thứ 6 (1825); cũng có nghĩa là Thi sao được khắc in vào khoảng năm này. Nếu bài Tự tự được viết sau khi Thi sao đã được khắc in thì hẳn Bùi Nhữ Tích phải biết và nhắc đến trong bài Tựa của mình. Như vậy, có thể phỏng đoán rằng, bài Tự tự được viết vào quãng thời gian từ năm 1818 đến 1825. Nếu phỏng đoán này là đúng thì chúng ta còn biết thêm được rằng, Bùi Nhữ Tích có thể sống đến sau năm 1818 (và có khả năng mất trước năm 1825). Đây là chi tiết có thể bổ sung vào tiểu sử của Bùi Nhữ Tích, ngoài những gì chúng ta biết qua bài Bạt MĐTV của Bùi Ngạn Cơ, con trai ông.

1.3. Giá trị của bài Tự tự MĐTV

Bài Tự tự MĐTV của Bùi Nhữ Tích cung cấp cho chúng ta các thông tin quý giá sau:

a. Tên của bộ sách

Bài Tự tự cho biết: “[Tôi] nhân dựa vào tập Thi sao ấy, lại chọn nhặt rộng thêm [biên tập thành sách], được hơn một nghìn bốn trăm bài, chia làm 8 vựng, đặt tên là MĐTV, để tiện xem cho mình”Như vậy, công trình do Bùi Nhữ Tích soạn có tên là “MĐTV”, tên gọi này phù hợp với ghi chép của Nguyễn Thu trong Việt thi tục biên Tiểu dẫn và bản VHv.2392Các tên sách như: “Minh đô thi tuyển”, “Minh đô thi”, “Minh đô thi tập”,... xuất hiện trong các dị bản khác (A.2424; A.2171;…) không phải bản danh của công trình. Điều đó góp phần cho thấy tính chất gần nguyên bản nhất(5) của VHv.2392, ít nhất là về tên gọi.

b. Quá trình và quy cách biên soạn sách

Bùi Nhữ Tích cho biết quá trình biên soạn sách như sau: thuở nhỏ, ông là học trò của Bùi Huy Bích, thấy thầy luận thuật về văn hiến nước nhà, lại soạn bộ Thi sao chép thơ các nhà nên rất ngưỡng mộ. Nhưng ông cũng cho biết sách Thi sao còn giản ước, có “mấy trăm bài”, viết ra cốt để dạy học trò, nên ông vừa căn cứ vào sách ấy, vừa để công sưu tầm, nhặt nhạnh thêm, được một bộ MĐTV “hơn một nghìn bốn trăm bài”, nhiều hơn hẳn sách của thầy để lại. Như vậy, MĐTV được cấu thành từ thơ chép trong Thi sao và thơ do Bùi Nhữ Tích sưu tầm thêm. Sưu tầm thêm từ nguồn nào thì ông không nói rõ. Do chịu ảnh hưởng sâu sắc của Thi sao nên hẳn sách của Bùi Nhữ Tích cũng có quy cách biên soạn tương tự như công trình của Bùi Huy Bích. Quy cách biên soạn của Thi sao, như mô tả của Bùi Nhữ Tích, là: “xếp lên đầu là đế vương các đời, thứ đến là các bậc danh thần, thạc sĩ, và có lược thuật về sự nghiệp và hành trạng của các vị đó, phân chú ở dưới để chỉ cho người học về sau biết rõ”. Nhờ thông tin này, chúng ta có thể hình dung được diện mạo ban đầu của Thi sao (so với Hoàng Việt thi tuyển sau này). Theo như mô tả của Bùi Nhữ Tích, chúng ta nhận thấy, Hoàng Việt thi tuyển bảo lưu được khá nguyên vẹn “bản lai diện mục” của Thi sao. Cũng nhờ bài Tự tự, chúng ta có cơ sở để tìm hiểu thêm nguyên bản MĐTV. Theo Việt thi tục biên Tiểu dẫn của Nguyễn Thu thì sách MĐTV “đem thơ của cả các vị giỏi các triều, từ Lí, Trần, cho đến tận ngày nay, chia làm 5 loại: danh thần, thành thần, nho thần, văn thần, xử sĩ…”, không thấy Nguyễn Thu nhắc đến loại “đế vương các đời”. Mô tả của Bùi Nhữ Tích và của Nguyễn Thu có sự khác biệt. Trong tương lai, chúng ta phải so sánh, khảo sát lại để xem đâu là mô tả đúng đắn, đáng tin cậy.

c. Quy mô của bộ sách

Nhắc đến quy mô của bộ sách, chúng tôi muốn nói đến số quyển và số bài thơ chép trong MĐTV của Bùi Nhữ Tích.

Mặc dù bài Tự tự không ghi rõ số quyển nhưng nó cho biết, Bùi Nhữ Tích chia sách của mình làm 8 “vựng”; 8 “vựng” có thể là 8 quyển. Con số này phù hợp với cách ghi “quyển 7, quyển 8” rồi đến bài Bạt MĐTV (của Bùi Ngạn Cơ) trong bản VHv.2392. Điều đó một lần nữa khẳng định tính chất gần nguyên bản nhất của VHv.2392. Đồng thời, điều này phủ chính thông tin về số quyển mà Việt thi tục biên Tiểu dẫn (Nguyễn Thu) cung cấp: 3 (quyển). Rất có thể, văn bản Việt thi tục biên có sự sai sót trong quá trình sao chép; cũng có thể, Nguyễn Thu không được tiếp xúc với một bản MĐTV đầy đủ.

Số bài mà Bùi Nhữ Tích thu thập được là: “hơn một nghìn bốn trăm bài”. Trong bài Bạt của Bùi Ngạn Cơ (bản VHv.2392) cũng có nói đến số lượng tác phẩm là “hơn một nghìn năm trăm bài”, chênh lệch với con số trong bài Tự tự khoảng trên dưới 100 bài. Sự chênh lệch đó phải chăng là do sự xuất nhập, sai sót của các văn bản? Cũng có thể Bùi Ngạn Cơ tính cả số bài thơ do cha sáng tác (hiện nay chỉ còn 6 bài chép cuối bản VHv.2392) chăng? Hoặc khi biên tập lại sách của cha, Bùi Ngạn Cơ đã thu thập thêm chăng? Vấn đề này cần phải tiếp tục được nghiên cứu. Dẫu sao, điều đó cũng cho thấy sự biến đổi văn bản từ tay Bùi Nhữ Tích đến tay Bùi Ngạn Cơ. Tuy nhiên, việc cả hai văn bản đều nói đến con số hơn nghìn bài đó cho thấy quy mô của MĐTV là tương đối lớn (chỉ sau Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn).

Ngoài ra, bài Tự tự còn thể hiện một vài quan niệm, nhận thức về thơ ca của Bùi Nhữ Tích. Tuy nhiên, điều đó nằm ngoài nội dung của bài viết này.

Tóm lại, bài Tự tự MĐTV của Bùi Nhữ Tích là một tư liệu quý. Nói về các tư liệu có liên quan đến MĐTV và soạn giả của nó – Bùi Nhữ Tích – chúng ta hầu như chỉ có những tác phẩm của người đời sau viết về nó (bài Bạt MĐTV của Bùi Ngạn Cơ, Việt thi tục biên Tiểu dẫn của Nguyễn Thu…). Vì vậy, bài Tự tự MĐTV có ý nghĩa đặc biệt, có độ tin cậy cao, nhiều thông tin quan trọng. Bài Tự tự chỉ dẫn cho chúng ta nhiều thông tin quan trọng, gợi mở khả năng truy hồi lai lịch và phục nguyên lại văn bản một công trình thi tuyển quan trọng của dân tộc.

2. Một dị bản Minh đô thi vựng mới

Như chúng ta đều biết, hiện nay, giới nghiên cứu chỉ mới biết tới 3 dị bản của công trình này hiện tàng trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mà cả ba bản đều không đầy đủ, tình hình văn bản khá phức tạp, đó là các bản: Minh đô thi (A.2424); Minh đô thi tuyển (A.2171); Minh đô thi vựng (VHv.2392)(6). Gần đây, chúng tôi đã tìm thấy thêm một dị bản MĐTV ngoài 3 bản trênSau đây, chúng tôi xin được giới thiệu khái quát về văn bản này.

Dị bản này từ lâu đã nằm trên giá sách tại tư gia ông Nguyễn Xuân Diện, Phó giám đốc Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Được biết chúng tôi quan tâm đến sách này, ông đã vui lòng cho mượn và cho phép được khai thác. Nhân đây chúng tôi xin chân thành cảm ơn thiện ý của ông! Cũng vì thế, chúng tôi tạm gọi dị bản này là bản Nguyễn Xuân Diện (bản NXD) để phân biệt với ba dị bản nêu trên.

Sách rách đầu rách cuối, một số tờ đã mủn nát. Sách chép tay trên giấy dó cũ khổ 21 x 13 cm, khâu gáy, bìa đóng bằng giấy bản cứng, màu hồng. Bìa sách đề Minh đô thi tập (明 都 詩 集), nhưng trong ruột sách lại chép Minh đô thi vựng (明都 詩 彙) (tờ 50a), dưới còn có cước chú bằng chữ nhỏ: “Hà Thanh Bùi gia (Liên Khê cư sĩ Cơ Phủ) biên tập” (河 清 裴 家 蓮 溪 居 士 基 甫 编 輯). Theo chúng tôi, bìa sách chắc do người sau viết vào (chữ có khác), nên có sai dị với tên sách bên trong. Theo bài Tự tự Minh đô thi vựng, cái tên Minh đô thi vựng mới là tên đúng của sách này. Sách gồm 78 tờ (156 trang), mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng khoảng 20 chữ, viết chân phương dễ đọc, có phê điểm bằng mực son, thỉnh thoảng có chú thích (cước chú, hoặc chú trên trán sách) về tiểu sử tác giả hoặc lai lịch, nội dung các tác phẩm. Sách không có dấu hiệu kiêng huý, không ghi niên đại, tên người sao chép, địa điểm sao chép, xuất xứ văn bản… Căn cứ vào tình hình đó, theo suy đoán của chúng tôi, sách này sớm nhất cũng chỉ xuất hiện từ cuối thế kỉ XIX trở về sau.

Đặc biệt, giữa văn bản Minh đô thi vựng (NXD) (tờ 50a) có ghi: Minh đô thi vựng quyển chi tứ 明 都 詩 彙卷之四(Minh đô thi vựng quyển IV). Sau đó là dòng ghi tổng số bài chép. Đây là một thông tin cực kì quan trọng. Bởi vì nó cung cấp cho ta cơ cấu và lai lịch của sách. Từ thông tin trên có thể suy ra, phía trước chính là quyển III. Như vậy, bản NXD bao gồm 2 quyển III và IV (dĩ nhiên là không trọn vẹn do bị rách đầu rách cuối). Vậy đây không phải là một công trình trọn vẹn mà chỉ là một phần (quyển III, IV) trong một bộ sách gồm nhiều quyển. Một phần quyển III chép thơ từ Nguyễn Ức đến Đoàn Nguyễn Tuấn, tổng cộng 31 tác giả với 164 bài thơ. Quyển IV chép 154 bài thơ của 27 tác giả, từ Phạm Mại đến Phạm Nguyễn Du,… Cộng lại chúng ta có 318 bài thơ của 57 tác giả. Tuy nhiên, ở quyển IV có hiện tượng đáng chú ý là: người viết chép thơ từ Phạm Mại (cuối Trần) đến Phạm Nguyễn Du (cuối Lê) (theo trình tự thời gian từ cổ đến kim), rồi đột ngột trở lại chép thơ của Nguyễn Nhân Bị, Nguyễn Ích Tốn, Trần Sùng Dĩnh,… là các tác giả đầu đời Lê (Hồng Đức). Điều này cho phép chúng ta suy đoán rằng, quyển IV kết thúc ở tác giả Phạm Nguyễn Du, và các tác giả còn lại thuộc 1 quyển khác. Sau cùng là một tập giấy mới được đóng gộp vào ghi chép lộn xộn, trong đó có cả thơ của Hồ Chủ tịch (!). Đây là phần không dính dáng gì đến Minh đô thi vựng mà được chép rất muộn về sau.

So sánh với 3 bản Minh đô thi vựng hiện lưu giữ ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi nhận thấy bản NXD khá giống với bản A.2424, từ cước chú: “Hà Thanh, Bùi gia Liên Khê cư sĩ Cơ Phủ biên tập” (tờ 50a), thống kê “chấn vựng nhất bách bát thập thủ” 宸彙一百八十首(tập hợp 180 bài) đến trật tự ghi chép các tác giả, số bài thơ của từng tác giả (tuy có đôi chỗ xuất nhập, lẫn lộn). Tất nhiên, so với bản A.2424, ta cũng thấy hiện tượng bản này rách một số tờ ở giữa sách, khiến cho trình tự chép bị đứt quãng, thiếu hụt (chẳng hạn như trường hợp chép thơ Đặng Minh Khiêm – Đàm Thận Huy). Số tác giả và số bài thơ của bản NXD cũng không đầy đủ, phong phú bằng bản A.2424. Cuối quyển IV của bản NXD (từ tác giả Nguyễn Nhân Bị đến Trần Hoằng) thực ra lại gần giống với phần giữa quyển Hạ của bản A.2424. Từ đây, có thể suy đoán ba khả năng: bản NXD chép lại bản A.2424, hoặc ngược lại, hoặc 2 bản này có cùng một nguồn gốc (tức là cùng chép từ một nguồn khác). Dù thế nào, với bản A.2424, chúng ta đã có thêm một dị bản nhiều tương đồng để nghiên cứu so sánh.

Qua sự tương đồng giữa hai văn bản này, chúng ta có thể quay trở lại xem xét vị trí của bản Minh đô thi (A.2424). Bản này, theo như ghi chép bên trong, gồm 2 quyển Thượng và Hạ. Theo Trần Văn Giáp, bản A.2424 có thể là bản của Bùi Ngạn Cơ “nhân sách của cha mà làm gọn lại, thành 2 quyển thượng và hạ”(2). Theo chúng tôi, với những tư liệu mới tìm thấy, điều này ít có khả năng xảy ra. Bản A.2424 rất giống với bản NXD, mà bản NXD được chép là quyển III, IV, vậy A.2424 có thể cũng chỉ là dị bản của 2 quyển III, IV trong bản cổ hơn đã mất (chỉ có điều bị đổi thành quyển “Thượng” và quyển “Hạ”) chứ không phải sách toát yếu toàn bộ công trình Minh đô thi vựng. Nói khác đi, A.2424 cũng không phải công trình trọn vẹn mà chỉ là một phần của công trình lớn hơn.

Cũng theo bài viết chúng tôi đã công bố, số quyển của Minh đô thi vựng nhiều khả năng là 8 quyển (tương đương với 8 vựng), trong đó bản VHv.2392 đóng góp cho chúng ta quyển VII, VIII (đúng như ghi chép bên trong bản này). Từ thông tin về số quyển mà bản NXD mới cung cấp, có thể thấy bản này và bản A.2424 đóng góp cho chúng ta quyển III, IV của bộ Minh đô thi vựng. Đây là kết luận hết sức quan trọng, giúp chúng có thể hình dung quá trình truyền bản của công trình và góp phần tiến tới phục nguyên văn bản Minh đô thi vựng trong khả năng tư liệu cho phép.

Như vậy, việc phát hiện 1 dị bản Minh đô thi vựng mới (bản NXD) và bài Tự tự Minh đô thi vựng đã góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề văn bản học của công trình nàyChúng ta hoàn toàn có thể phục nguyên được văn bản Minh đô thi vựng từ những dị bản hiện còn và những tư liệu có liên quan. Nhưng đây không phải là nội dung của bài thông báo. Hi vọng rằng, chúng tôi sẽ còn trở lại các vấn đề văn bản học của Minh đô thi vựng một cách chi tiết, đầy đủ hơn trong thời gian tới.

Chú thích

(1) Việt âm thi tập (Phan Phu Tiên, Chu Xa): Mục lục có ghi 612 bài của 113 đơn vị tác giả. Theo bài Tựa của Lý Tử Tấn, văn bản có hơn 700 bài. Tinh tuyển chư gia luật thi (Dương Đức Nhan): theo Phan Huy Chú, sách gồm 5 quyển tập hợp thơ của 13 tác giả Trần, Hồ, Lê sơ gồm 472 bài (Lịch triều hiến chương loại chíVăn tịch chí). Theo Lê Quý Đôn, sách gồm 15 quyển (Đại Việt thông sử, Nghệ văn chí). Nếu quả đúng vậy thì ước lượng tác phẩm cũng chỉ khoảng hơn một nghìn bài. Trích diễm thi tập (Hoàng Đức Lương): theo Lê Quý Đôn sách có 15 quyển, nhưng đến thời ông chỉ còn không quá một nửa (Đại Việt thông sử, Nghệ văn chí. Theo bài Tựa của Hoàng Đức Lương thì sách gồm 6 quyển và phụ chép thơ của tác giả Hoàng Đức Lương (25 bài). Theo Mục lục bản hiện còn sách chép 259 bài thơ của tất cả 41 tác giả. Nếu quả còn đầy đủ 15 quyển, sách này cũng chỉ khoảng chưa đến nghìn bài. Toàn Việt thi lục (Lê Quý Đôn): theo thống kê của Hà Văn Minh trong Nghiên cứu văn bản Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn (Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội, 2006) (các bộ 15 quyển) chép thơ của 176 tác giả với 2337 bài thơ. Nếu tính cả các văn bản Toàn Việt thi lục (trên 15 quyển) thì bộ sách chép khoảng trên 4 nghìn bài thơ của khoảng hơn 3 trăm tác giả. Hoàng Việt thi tuyển (Bùi Huy Bích)6 quyển, chép 562 bài thơ của 167 tác giả. Việt thi tục biên (Nguyễn Thu)chép được 584 bài thơ của 59 tác giả từ thời Mạc đến cuối đời Lê.

(2) Về tình hình cụ thể, xin xem Trần Văn Giáp: Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập 1, Nxb. KHXH, H. 1971; Tìm hiểu kho sách Hán Nôm – nguồn tư liệu văn học, sử học, tập 1, Nxb. KHXH, H. 1972.

(3) Hà Văn Minh, Nguyễn Thanh Tùng: Giới thiệu tình hình văn bản và giá trị một số bộ thi tuyển chữ Hán tiêu biểu của Việt Nam thời trung đại, Tạp chí Khoa học, Trường ĐHSP Hà Nội, số 5 năm 2005, tr.17 – 22.

(4) Cụ thể xin xem Trần Nghĩa, Françoise Gros (đồng chủ biên): Di sản Hán Nôm Việt Nam – Thư mục đề yếu, tập 1, Nxb. KHXH, H. 1993, tr.95.

(5) Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm – nguồn tư liệu văn học, sử học, tập 1, Nxb. KHXH, H. 1972, tr.117./.

(6) Trần Văn Giáp: Lược truyện… Sđd; Tìm hiểu… Sđd.

(7) Trần Văn Giáp: Lược truyện các tác gia Việt Nam, Sđd, tr.117.

 

Phụ lục: PHIÊN ÂM, DỊCH NGHĨA, CHÚ DẪN BÀI

TỰ TỰ MINH ĐÔ THI VỰNG

            Phiên âm

Thi ngôn chí, cố khả dĩ quan. Quan kì thi khả đắc kì tâm nhi khả dĩ đắc kì khí tượng yên. Ngã ư thác vũ, tố xưng văn hiến chi bang. Chính sử chi ngoại, dục quan cổ nhân, khả bất ư thi trưng chi hồ? Dư thiếu thị Bùi Tồn Am tiên sinh chi môn, thường kiến luận thuật ngã quốc văn hiến, triếp đê hồi cố mộ, nhược hữu bất năng dĩ chi ý. Sở trước Thi sao tập số bách thiên. Thủ giả, lịch đại đế vương, thứ cập danh thần, thạc sĩ, nhi lược giảng sự nghiệp hành trạng, phân chú vu hạ, dĩ thị lai học. Kim độc di tập, lê tựu hữu đáng vu tâm. Thiết tư lịch triều ngự chế, thánh học cao minh thượng hĩ. Chu Văn Trinh tiên sinh(1) hoằng thâm tĩnh áo, phảng phất Trình, Chu. Phạm công Ngũ Lão chi Thuật hoài, chí nghiệp chi khẳng khải(2) dã. Đặng công Dung chi Cảm hoài, trung phẫn chi tấn hịch([1]) dã. Phạm công Hiệp Thạch, Nguyễn công Ức Trai, Nguyễn công Thiên Tích, ưu ái chi đôn thiết dã. Nguyễn công Châu Khê, Thân công Hậu Phủ, thù bút chi nhã lệ dã. Phạm công Cổ Sơn, Thái công Lã Đường, hoa thiệm nhi tứ thâm dã. Tha như Tùng Hiên, Hạ Trai, Bạch Vân Am, Chúc Lý Tử, dữ phù ki nhân chư tác, thanh cao phiêu dật, các hữu tiêu trí. Quan hồ kì thi, ý tượng ư thị hồ tưởng kiến, nhi khả dĩ nghiệm kì hành chỉ, tiến thoái chi tích hĩ. Phạm công Lập Trai viết: “Kiến thử thi như kiến thử nhân”, cái vị thử dã. Bách thế chi hạ([2]) quan hồ bách thế chi thượng, kì thị bất ư thị tập hồ? Dư phu Thi sao ước hĩ; cái hữu thâm ý. Đãi khả dữ đại phương quan. Cố dư học thức tiển bình, hựu thị dữ đệ tử sơ học bối miễn tiến chi, bất cầu chi truyền nhi kính đồ kì ước. Kì hề khả ái! Nhân thị tập, hựu phiếm gia thái chích, phàm thiên hữu tứ bách dư thiên, tích vi bát vựng, nhan chi viết: Minh đô thi vựng, tí tự tiện lãm. Nhược viết ngã quan cổ nhân, thực hoạch ngã tâm. Vịnh yên, vị yên, quảng hữu đắc yên? Thị diệc khu, luỹ hành tiên triết chi tư vân nhĩ. Thị vi tự.

            Dịch nghĩa

Thơ nói chí([3]), cho nên [Khổng phu tử mới nói: thơ được] dùng để quan sát([4]). Quan sát thơ của ai thì có thể [thấy] được cái tâm của người đó, và có thể thấy được khí tượng của họ trong đó. Nước ta tuy là vùng đất mới([5]) nhưng vốn là một nước văn hiến. Ngoài chính sử, muốn biết được cổ nhân, thì có thể nào không căn cứ vào sự biểu hiện ở thơ chăng? Tôi thuở nhỏ được hầu dưới cửa tiên sinh Bùi Tồn Am([6]), từng được thấy [tiên sinh] luận thuật về văn hiến của nước nhà, liền trăn trở mà ngưỡng mộ, như không thể kiềm chế được ý nghĩ vậy! Tập Thi sao([7]) của tiên sinh có đến mấy trăm bài, xếp lên đầu là đế vương các đời, thứ đến là các bậc danh thần, thạc sĩ, và có lược thuật về sự nghiệp và hành trạng của các vị đó, chia ra chú thích ở dưới [tên mỗi người] để chỉ cho người học về sau biết rõ. Nay đọc lại tập Thi sao còn sót lại đó, già rồi liền có sự thoả đáng nơi tâm. Trộm nghĩ, những bài ngự chế của đế vương các đời [thể hiện] tài thánh học cao minh vượt trội [không phải bàn nữa]. [Thứ đến, thơ của] tiên sinh Chu Văn Trinh([8]) đạt đến sự thanh tĩnh sâu xa, rộng rãi, phảng phất [phong cách] của ông Trình, ông Chu([9]). Bài Thuật hoài của ông Phạm Ngũ Lão([10]), mấu chốt là ý chí để ở sự nghiệp. Bài Cảm hoài của ông Đặng Dung([11]), sự mãnh liệt là ở lòng trung hoá ra phẫn uất. [Thơ] ông Phạm Hiệp Thạch([12]), ông Nguyễn Ức Trai([13]), ông Nguyễn Thiên Tích([14]) chân thành, tha thiết ở niềm ưu quân ái quốc. [Thơ] ông Nguyễn Châu Khê([15]), ông Thân Hậu Phủ([16]), đẹp đẽ, trang nhã ở ngọn bút thù vịnh. [Thơ] ông Phạm Cổ Sơn([17]), ông Thái Lã Đường([18]), [văn từ] hoa lệ, phong phú mà ý tứ sâu xa. Ngoài ra, sáng tác của các ông như: Tùng Hiên([19]), Hạ Trai([20]), Bạch Vân Am([21]), Chúc Lí Tử([22]) cùng những người ẩn dật khác thì thanh cao, phiêu dật, [thơ mỗi ông] đều có tiêu trí([23]) riêng. Xem thơ các vị ấy thì có thể tưởng tượng thấy ý tượng của chúng và có khả năng suy nghiệm được dấu ấn của sự tiến lui, đi dừng của họ vậy. Ông Phạm Lập Trai([24]) có nói: “Xem thơ này thì như thấy được người này”. Dường như [câu nói của ông] chính là để nói về điều ấy. Trăm đời sau có thể được biết nhờ trăm đời trước, sự trông cậy đó chẳng phải ở trong tập thơ ấy hay sao? Tập Thi sao của thầy tôi giản ước, có lẽ là có thâm ý của Người. [Ý ấy] hầu như các bậc đại phương đều có thể biết được. [Đó là thầy] chiếu cố đến vốn học thức ít ỏi, bình thường của [chúng] tôi, lại trông mong khuyến khích bọn đệ tử sơ học tiến lên, chứ đâu có ý muốn lưu truyền, nên chỉ mưu tính nhanh sự giản ước mà thôi. Điều đó đáng yêu làm sao! [Tôi] nhân dựa vào tập Thi sao ấy, lại chọn nhặt rộng thêm [biên tập thành sách], được hơn một nghìn bốn trăm bài, chia làm 8 vựng, đặt tên là Minh đô thi vựng, để tiện xem cho mình. Nếu [ai đó] nói rằng tôi quan sát (và biết được) cổ nhân, thì [người ấy] thực là hiểu được tấm lòng của tôi vậy. Ngâm vịnh trong đó, thưởng thức trong đó, có được rộng ở trong đó, ấy cũng là tạm khu biệt [để] luôn luôn lưu hành cái riêng của các bậc tiên triết đó thôi. Vậy làm tựa này.

(Nguyễn Thanh Tùng dịch

Nguyễn Đăng Na hiệu đính)

 

[Theo Thông báo Hán Nôm học 2007, 2008. Có chỉnh lí, bổ sung]

 


(1) Nguyên bản chép là “vương” (先 王), hẳn là do chữ “sinh” (先 生) nhầm sang. Hai chữ này tự dạng gần giống nhau, tạm chữa lại.

(2) Nguyên bản chép “khẳng khể” (肯 棨), có lẽ là do chữ “khẳng khải” (肯 綮) nhầm sang, do tự dạng gần nhau. “Khẳng khể” là chữ dùng trong sách Trang Tử, chỉ chỗ kết hợp giữa gân và xương, Bào Đinh là người mổ trâu giỏi chính vì biết lách dao vào chỗ này, nghĩa bóng chỉ chỗ mấu chốt quan trọng.

(3Nguyên bản chép “tấn kích” (迅 激), có lẽ là do chữ “tấn hịch” (迅 獥) nhầm sang. Từ nguyên giải thích chữ “tấn” như sau: “lang tử hữu lực giả, viết tấn” (con của con sói có sức khoẻ, gọi là tấn). Từ nguyên dẫn sách Nhĩ nhã giải thích: “lang tử, hịch, tuyệt hữu lực, tấn” (con của con sói, gọi là hịch, rất có sức mạnh, gọi là tấn). Như vậy, “tấn hịch” chỉ con lang nhỏ mạnh mẽ, nghĩa bóng chỉ sức mạnh, sự mãnh liệt. Tuy nhiên, để chữ “tấn kích” vẫn có nghĩa là: mãnh liệt, riết róng.

([2]) Nguyên bản chép “bất” (不), khiến câu văn tối nghĩa, chúng tôi ngờ là do chữ “hạ” (下) nhầm sang. Hai chữ này tự dạng gần giống nhau. Hơn nữa, trong nguyên bản, hình như ban đầu là chữ “hạ”, sau có nét bút khá mới xen vào chữa lại thành “bất”, nay tạm chữa lại là “hạ”.

([3]) Câu này xuất hiện sớm nhất trong sách Kinh Thư (thiên Nghiêu điển): “Thi ngôn chí, ca vĩnh ngôn” (Thơ nói chí, ca làm cho lời dài thêm).

([4]) Câu này lấy ý Khổng Tử trong sách Luận Ngữ (thiên Dương Hoá): “Tiểu tử! Hà mạc học phù thi? Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán…” (Con ta! Sao không học Kinh Thi, Học Kinh Thi giúp phấn chấn ý chí, nâng cao năng lực quan sát, rèn luyện tính hợp quần, tập phương pháp phê bình,…).

([5]) Nguyên văn “thác vũ”, chỉ vùng đất mới khai phá (khai tí chi cương vực).

([6]) Bùi Tồn Am: tức Bùi Huy Bích (1744 - 1818).

([7]) Chỉ sách Lịch triều thi sao của Bùi Huy Bích, tiền thân của bộ Hoàng Việt thi tuyển.

([8]) Chu Văn Trinh: tức Chu Văn An (? - 1370).

([9]) Trình, Chu: Tức Trình Hiệu (1032 - 1085) và Chu Đôn Di (1017 - 1073), hai nhà lí học nổi tiếng đời Tống.

([10]) Phạm Ngũ Lão (? - 1320).

([11]) Đặng Dung (? - 1413).

([12]) Phạm Hiệp Thạch: tức Phạm Sư Mạnh (thế kỉ XIV).

([13]) Nguyễn Ức Trai: tức Nguyễn Trãi (1380 – 1442).

([14]) Nguyễn Thiên Tích: thế kỉ XV.

([15]) Nguyễn Châu Khê: tức Nguyễn Bảo (thế kỉ XV - XVI)

([16]) Thân Hậu Phủ: tức Thân Nhân Trung (1418 - 1499).

([17]) Phạm Cổ Sơn: tức Phạm Nhân Khanh (thế kỉ XIV).

([18]) Thái Lã Đường: tức Thái Thuận (1440 - ?).

([19]) Tùng Hiên: tức Vũ Cán (1474 - ?)

([20]) Hạ Trai: tức Lý Tử Cấu (thế kỉ XV).

([21]) Bạch Vân Am: tức Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585)

([22]) Chúc Lý Tử: tức Ngô Sĩ Liên (thế kỉ XV).

([23]) Tiêu trí: tức sự lí thú; chữ trong Nguỵ thư: Từ xưa, sáng tác của bậc thánh đạt, sách của bậc hiền triết, không tác phẩm nào không quán xuyến cái lí mà tả thành chương, uẩn súc mà lí thú (uẩn khí tiêu trí)”. Người nước Ngô cũng xưng tụng vẻ đẹp của người ta là “tiêu trí”.

([24]) Phạm Lập Trai: tức Phạm Quý Thích (1759 - 1825).

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020