Văn học Việt Nam hiện đại

Nhà văn hiện đại Việt Nam: Những giới hạn và sứ mệnh


11-10-2020

(suy nghĩ từ những sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp)

TRẦN VĂN TOÀN

          Nhà văn - anh ta là ai? Anh ta và những tác phẩm của mình đảm nhận những sứ mệnh nào? đâu là những giới hạn? Đấy là những câu hỏi mà người cầm bút không thể né tránh. Tuy nhiên, không chỉ có người cầm bút tham gia vào câu trả lời này. Có những câu trả lời được đề xuất từ phía đại chúng, lại có những câu trả lời đến từ phía những nhà đạo đức, những nhà chính trị. Có những câu trả lời đến từ những chuẩn mực truyền thống, lại có những câu trả lời đến từ những áp lực của hiện tại và tương lai... Tất cả những câu trả lời này, trong đích hướng của chúng, đều có tham vọng thay nhà văn đưa ra câu trả lời cho chính anh ta. Chính vì thế, nhà văn, để đưa ra câu trả lời của mình, dù muốn hay không, cũng phải tiến hành một sự đính chính, khước từ, đối thoại với những câu trả lời dội đến anh ta từ nhiều hướng. Trên thực tế thì đây là điều bất khả đối với phần lớn những người cầm bút ở một thời đại cụ thể. Họ, hoặc là thoả mãn với những câu trả lời có sẵn, hoặc bị “méo”, bị lạc giọng trong tiếng ồn. Điều này giải thích vì sao chỉ ở những nhà văn hàng đầu những câu hỏi trên mới trở thành sự cật vấn không khoan nhượng, trở thành một nội dung, thậm chí là nội dung quan trọng nhất  trong các tác phẩm của họ. Bằng cách trả lời những câu hỏi này họ để lại trong tác phẩm chân dung tinh thần của mình, cái nhìn phản tỉnh về chính mình. Một cách tự nhiên, đây sẽ là một tiêu chí để những người làm văn học sử nhận diện về đặc điểm của một thời kỳ văn học nhất định.

          Đi tìm chân dung của nhà văn hiện đại qua những sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp là nhiệm vụ của bài viết này. Mặc dù tư liệu khảo sát chủ yếu là tác phẩm nhưng, trong trường hợp cần thiết, một sự liên liên hệ đối chiếu với quan điểm về văn học được Nguyễn Huy Thiệp phát biểu trực tiếp cũng sẽ được tiến hành và thao tác này theo chúng tôi là cần thiết.

 

          1/1.1 Vì nhiều lý do, ở Việt Nam, chức năng nhận thức và phản ánh hiện thực mặc nhiên được xem là một trong những chức năng quan trọng nhất của văn học. Nhà văn do đó gánh vác sứ mệnh “thư ký trung thành của thời đại” như một sự tự nguyện với rất nhiều bận tâm giành cho nó. Với không ít người, đấy là băn khoăn duy nhất và quan trọng nhất khi cầm bút. Đây là một quan niệm cần nhận được sự phản biện. Không phải ngẫu nhiên trong triết học phương Tây hình thành cả một truyền thống từ Lock qua Hume, kết tinh ở Kant, nối dài đến Popper. Tất cả các nhà triết học này đều không ngừng đặt ra những câu hỏi về khả năng nhận thức của con người. Con người dùng những phạm trù tri thức của mình để nhận biết về thế giới, thiết lập mối quan hệ nhân quả, tương tác giữa các sự kiện mà nó nắm bắt được... Tuy nhiên, tất cả những lý thuyết, những luận giải đó chỉ là sản phẩm của trí tuệ - một quy ước mà con người tạo ra hơn là đặc điểm của thế giới khách quan. Ngay như ngôn ngữ - chất liệu của văn học – cũng là một hệ thống quy ước, nó cung cấp một và chỉ một mà thôi về cái nhìn thế giới. Bức tranh thế giới trong tác phẩm văn học vì thế thật èo uột và chẳng có gì là xác tín. Kỳ vọng vào khả năng nhận thức của văn học, do thế, là một nhầm lẫn to lớn. Nhà văn họ Vũ trong Bài học tiếng Việt đã cay đắng nhận thấy: vũ trụ là “hỗn độn vô minh... Văn học không phải là tất cả. Không nên quá coi trọng văn học. Văn học chỉ là từ ngữ. Như những ngọn gió...”[1]. Những gì dấu vết đời sống mà văn học tải chở vào trong tác phẩm đôi khi thật vụn vặt, vô nghĩa, ấm ớ, kiểu như: “Cậu Cấn chồng cô Sinh là thương binh. Họ quen biết nhau trong dịp tình cờ. Hai người cùng trú dưới hiên nhà trong một trận mưa. Chuyện này đã có người viết (thế mới biết nhà văn ở ta xông xáo!). Theo đồn đại, đại để đấy là một “xen” (scene) về tình yêu giản dị, trong sáng, không vụ lợi, cuộc sống là duy vật biện chứng, hài hòa, đẹp, đáng yêu, v.v...[2]. Không mấy khó khăn để nhận ra giọng giễu nhại trong đoạn văn trên. Cũng xin lưu ý: sự lạm phát rất nhiều những tính từ ở câu kết trong đoạn văn trên không đưa lại một sự chân thực nào cho lời kể nếu không muốn nói là khiến cho những gì được nói tới càng trở nên tù mù. Dưới dạng trực tiếp, trong tiểu luận Thời của tiểu thuyết, Nguyễn Huy Thiệp công khai bày tỏ sự nghi ngờ trong năng lực nhận thức hiện thực của văn học: tiểu thuyết “không phải là tấm gương soi của thời đại gì hết: nó kể chuyện và nhầm lẫn lung tung [3]. Có lẽ chính vì thế mà Nguyễn Huy Thiệp trong phần lớn những tác phẩm của mình hoàn toàn gạt bỏ vai trò của miêu tả. Thay vào đó, lối kể theo kiểu liệt kê các sự kiện, các cảm giác (thuần túy chỉ là những cảm giác) được nhà văn này đặc biệt ưa thích. Miêu tả bao giờ cũng hàm trong nó một sự lý giải và cắt nghĩa nào đó về đối tượng. Kể cho phép nhà văn có thể giấu đi mọi sự cắt nghĩa - mà thuộc tính của chúng là sự phiến diện và sai lạc. Trên văn bản chỉ là những chuỗi sự kiện được tái hiện trần trụi với giọng văn lạnh.

Lý giải, cắt nghĩa về hiện thực, như thế, là một nhầm lẫn to lớn, một sứ mệnh bất khả mà người ta đã bắt văn học phải mang vác. Với một nhà văn hiện đại đó là điểm đầu tiên phải khước từ.

1.2. Các nhà văn trong những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp là những người có thể tạng mẫn cảm. Họ hiểu và cảm nhận một cách tinh tế sức ép của cuộc đời lên tồn tại của một cá thể. Có khi họ còn được miêu tả như một nhà tiên tri thấu thị. Rất tinh tế nhưng bất lực. Tất cả họ đều bị lún sâu trong đám bùng nhùng của hiện thực đời sống, hoàn toàn không có khả năng tác động đến hiện thực. Nhân vật thi sĩ trong Sang sông là như thế (sức mạnh hành động trong tác phẩm này là tên buôn đồ cổ, anh thanh niên, và đáng kể nhất là tên cướp), Nguyễn Du khi đặt bên cạnh chân dung của Gia Long (Vàng lửa) là như thế. Với tất cả sự tàn nhẫn của mình, vua Gia Long vẫn có năng lực: “làm cho lịch sử sinh động hẳn lên”, đem tới “sức đẩy ...với khối cộng đồng” - điều mà Nguyễn Du không bao giờ có được. Trong Mưa Nhã Nam, Đồ Ngạn khi đứng trước một nhân vật mạnh mẽ như Hoàng Hoa Thám đã nhận thấy chuyện làm thơ của mình là một hành vi “đê tiện”. Đồ Ngạn nói với Hoàng Hoa Thám bằng tất của sự mặc cảm của những kẻ cầm bút: “Anh là một thi sĩ ma vương...Anh đã làm những điều mà bọn văn chương suốt đời thèm muốn. Chúng không làm sao biến được ngọn bút của chúng thành ngọn giáo hay cái câu liêm[4]

Những trình bày ở trên đặt ta trước một thức nhận: người nghệ sĩ - trong hành trình nhận thức về mình - phải thoát ra khỏi những nhầm lẫn “vương giả” - những nhầm lẫn gắn liền với những danh xưng đẹp đẽ, cao quý: người thư ký của thời đại, nhà cách mạng, người dự báo hiện thực... Thoát khỏi những nhầm lẫn này không hề đơn giản và dễ dàng vì như thế nó khiến nhà văn phải đối lập mình với những kỳ vọng, những hình ảnh đẹp đẽ của họ trong nhận thức truyền thống của cộng đồng. Nếu như ở đây cần một so sánh thì có lẽ là: trong quá khứ Nam Cao, Nguyễn Minh Châu tự đấu tranh và mổ xẻ chính mình để vươn tới những thiên chức mà cộng đồng đã kỳ vọng về họ thì trong hiện tại Nguyễn Huy Thiệp hiệu đính lại để chỉ ra những bất khả, những giới hạn mà nhà văn và tác phẩm của mình chẳng thể vượt qua. Nhà văn và tác phẩm của họ không có nhiều sức mạnh như đã từng bị ngộ nhận. Và việc chấp nhận những giới hạn này như một thực tế là một sự dũng cảm tê tái đối với người cầm bút. Hiểu thế mới thấy hết sự dũng cảm của nhân vật Tú Xương khi ông giữ khoảng cách với tiếng gọi Đông Du đầy thống thiết. Ông có con đường của riêng mình. Những dòng cuối cùng của truyện ngắn này là hình ảnh: “Tú Xương đi. Kìa Tú Xương đang đi... Ông “thõng tay vào chợ[5]. Ông Tú, rốt cục, đã đi theo con đường của mình - một nhà thơ. Ông biết rõ, và dũng cảm chấp nhận những giới hạn của mình. Cách đặt vấn đề này thực sự là sự giải thiêng đối với những huyền thoại về nhà văn và văn học. Những huyền thoại thật đẹp (và đã từng đảm nhận những sứ mệnh trọng đại ở những thời kỳ nhất định) nhưng giờ đây cần phải được gỡ bỏ để đảm nhận những sứ mệnh (cũng là những huyền thoại?) mới.

2./ Sứ mệnh của một nhà văn hiện đại được thực hiện trong sự cô đơn tuyệt đối.

          2.1 Sứ mệnh duy nhất của nhà văn, không gì khác đó là hướng đến những giá trị nhân văn. Thoạt nhìn đấy là một mệnh đề cũ kỹ. Điểm khác biệt là ở chỗ các nhà văn trước Nguyễn Huy Thiệp nói đến nó với sự hân hoan, với niềm tin về nhân văn như là một hằng số của tồn tại người - những hạt ngọc ẩn giấu trong cuộc đời mà nhà văn là kẻ kiếm tìm. Một cuộc kiếm tìm mà dù nhọc lòng đến đâu, lầm lạc đến đâu thì rồi cũng sẽ được đền đáp một cách xứng đáng. Nguyễn Huy Thiệp nói về sứ mệnh này một cách căng thẳng, bi phẫn: “Điều khốn nạn, trớ trêu và cũng là điểm yếu của một nhà văn là dù hiểu đời, lịch lãm đến đâu cuối cùng anh ta vẫn phải hành xử và biết trình bày tư tưởng nhân đạo một cách nghệ thuật. Giá trị nhân đạo là lý do duy nhất để cho văn học tồn tại”. Tại  sao lại là “khốn nạn”, “trớ trêu”, “điểm yếu ”?  Trong cách nói này, giá trị nhân đạo dường như là một tương phản với kinh nghiệm đời sống của nhà văn. Nói cách khác: nhân đạo đó không phải là một giá trị hiện tồn, trong logic của thực tại đời sống nó lầm lạc và yếu đuối. Giá trị nhân đạo là một logic khác với logic của thực tế đời sống. Đây là một vấn nạn của xã hội hiện đại ở đó sự thành công là biện minh cao nhất cho mọi hành xử của con người. Ngay từ những năm 1918, Spengler đã viết cuốn sách Hoàng hôn của phương Tây tiên tri cho hậu thế với một cảm nhận chua chát: “Bộ não lên ngôi vua bởi vì tâm hồn đã về hưu”. Ở Việt Nam, tác phẩm đầu tiên cho thấy sự đồng điệu với cảm nhận này của Spengler, có lẽ là Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác (được viết vào những năm 1978 - 1981) khi để cho nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh thuyết lý: “phân chia thiện ác là điều không hợp với luật tự nhiên ...Thiện là thành, ác là bại. Hễ thành công thì tự nhiên thiện. Cho nên điều quan trọng là phải thành công[6] Càng ngày, cảm nhận này càng là một ám ảnh trong văn học Việt Nam. Người ta hoảng sợ, tê tái nhận thấy: cái ác đem lại sự thành công, đem lại sức mạnh. Đây là cảm nhận của một ông vua - bậc chí tôn - về sự cần thiết và mạnh mẽ của cái ác: “ Kẻ làm quan làm vua có thể chẳng ác nhưng phải làm ác. Cái ác gắn với vua quan. Cái ác làm món ăn của vua quan. Thiếu cái ác một ngày, ngai vàng buồn rầu. Thiếu cái ác vài tuần trăng, ngai vàng rung rinh. Thiếu cái ác một năm ngai vàng sụp đổ...Cái ác và cái cuồng nộ bao giờ cũng sống bầy đàn đông đúc...cái tàn nhẫn cuồng nộ phải đâu có phần quyến rũ” [7]. Cái ác đồng nghĩa với cái hợp lý. Nó chinh phục và khẳng định sức mạnh tuyệt đối của mình dù khiến người ta phẫn nộ và tủi hổ. “Đúng một cách khốn kiếp” - đấy là thực tại mà chúng ta đang phải đối mặt. Định đề này được Nguyễn Huy Thiệp đề xuất và ngay lập tức ông không cô đơn trong kinh nghiệm sống này của mình. Nhưng những nhà văn trong tác phẩm của ông thì tuyệt đối cô đơn: “Tư tưởng nhân đạo, tình cảm nhân đạo sẽ chẳng được ai đoái hoài nếu không có những nhà văn[8]. Trong khi cảm nhận tất cả những va xiết của cuộc đời thực, nhà văn, người nghệ sĩ không ngừng căng thẳng hướng về cái đẹp tuyệt đối. Đấy là hình ảnh của Trương Chi khi chàng hát:

                             Những khao khát của ta

                             Hướng về tuyệt đối

                            Ta là Trương Chi

                             Ta ca ngợi tình yêu

                             Nở từ hạt thiện

                             Và bông hoa của tự nhiên

                             Là sự chân thật lạnh buốt[9]

Đấy cũng là hình ảnh của Nguyễn Trãi từ cảm nhận của Nguyễn Thị Lộ: “Ông là một nhà duy mỹ. Đạo đức duy mỹ chất chứa hiểm nguy, chất chứa phiêu lưu nhưng nó sâu sắc, không bịp bợm, hẳn nó giá trị gấp nhiều triệu lần thứ đạo đức duy lý trắng trợn của trật tự bầy đoàn”. Phẩm chất này khiến Nguyễn “cô đơn giữa đời như một hành tinh hoặc một ngọn gió[10].

Tha thiết và không ngừng tạo lập trong tác phẩm của mình những giá trị nhân đạo - những giá trị mất giá trong logic đời sống thực tại đưa lại cho văn học một sứ mệnh mới: không phải là sự ngợi ca mà sự phản biện với toàn bộ trật tự của đời sống hiện tồn - một trật tự đầy sức mạnh, lịch sự và bóng bẩy. Sự phản biện này buộc người ta phải đặt câu hỏi về sự tồn tại của toàn bộ thế giới quanh mình, về chính mình. Đấy là một trạng thái thật chẳng dễ chịu gì. Con người là động vật có lý trí và vì thế nó có thêm khả năng tô vẽ và biện minh cho những hành động của mình. Nó cần điều này để “tỉnh táo, lạnh lùng, dứt điểm”. Phải đặt câu hỏi về những gì mà nó tô vẽ khiến người ta khó chịu nếu không muốn nói là phẫn nộ. Anh Lai - một Vụ trưởng sắp đi làm đại sứ ở nước ngoài, một người đầy học thức và thông minh - đã phẫn nộ ném ra những chất vấn cho nhân vật nhà văn trong tác phẩm: “Chú là ai? Tại sao chú lại viết ra những thứ làm cho mọi người dằn vặt lòng mình? Chú có quyền gì? Ai trao cho chú cái quyền năng ấy? ...Từ bản chất, tôi vừa căm ghét vừa sợ hãi, cảm phục những người như chú[11]. Từ sớm hơn, nhân vật diễn viên - thi sĩ trong Chút thoáng Xuân Hương đã nói về sứ mệnh oái oăm này của văn học băng một giọng dằn dỗi: “Văn chương là thứ bỉ ổi bậc nhất!... Nó gây ra sự nổi loạn trong cuộc đời thường. Cuộc đời trôi đi đơn giản. Day đi dứt lại làm gì?[12]. Kant có một nhận xét sâu sắc: không thể kết án đạo đức cho một con rắn độc. Nó không biết tự vấn, phán xét. Con người thì không thể. Nó dằn vặt, trằn trọc, phán xử mình. Thường thì, để tự vệ nó không dám nhìn thẳng vào mình. Và văn học là sự nhắc nhở lương tâm và sự phán xét mỗi khi con người không còn đủ năng lực để đối diện với mình. Văn học hiện đại là một thứ văn học xa lạ với cảm hứng ca hát. Nó không chiều chuộng và ve vuốt. Nó khinh bạc, chất vấn gây hấn nữa. Nhưng trong tầng sâu ngầm ẩn lại vời vợi nỗi buồn, nhiều khi tê tái. Để đo tầm vóc của nỗi buồn ấy, tôi xin trích dẫn ra đây một nhận xét của chính Nguyễn Huy Thiệp: “Khoảng hơn chục năm trở lại đây, ở Việt Nam không có những nhà văn có phong độ, khí phách lớn. Đến ngay cả nỗi buồn cũng không phải là nỗi buồn lớn[13]. Nỗi buồn lớn theo tôi hiểu là nỗi buồn khiến người ta phải dằn vặt, bất an, không ngừng đưa ra những chất vấn về sự hiện tồn của chính mình. Bằng cách ấy, theo logic của Kant, văn học trở thành nơi lưu giữ của nhân tính. Ta hiểu vì sao khi Nguyễn Huy Thiệp cay đắng “nhận ra sự vô nghĩa của văn học” - còn gì vô nghĩa hơn khi theo đuổi một logic ảo ảnh- thì cũng đồng thời ông đã làm xuất hiện trước ta thiên chức cao cả của văn học: cô đơn đặt ra những câu hỏi mà bầy đàn với sự thực dụng mạnh mẽ mù quáng của mình gạt bỏ.

2.2.Khi vẽ chân dung các nhà văn, những người nghệ sĩ Nguyễn Huy Thiệp thường không miêu tả những đặc điểm nhân dạng của họ. Ngoại hình của họ là kết quả của những trải nghiệm nhân sinh, là thứ ngôn ngữ trực tiếp cho thấy cảm nhận của họ về cuộc đời. Thường thì đó là những chân dung nhàu nát, bám đầy bụi đời và nỗi đau khổ. Đây là chân dung của Nguyễn Du: “một người bé nhỏ (tại sao lại bé nhỏ? trước những đau khổ của cuộc đời này có ai là không bé nhỏ? - TVT chú), mặt nhàu nát vì đau khổ[14]. Cũng như thế là chân dung của nhân vật nhà thơ trong Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt: “Hắn đội chiếc mũ cát trắng rộng vành, chiếc mũ đã cũ, ngả màu cháo lòng(...)Hắn đã nếm trải bao nhiêu phong trần, bao nhiêu thay đổi trên đời(...),nỗi u hoài tê tái trong đáy mắt hắn”.[15] Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: những cảm nhận và trải nghiệm về cuộc đời, với người cầm bút, đó chính là tài sản duy nhất của họ. Thứ tài sản ấy, với số đông, thật khó chia sẻ. “Những một mình em uống rượu hồng”, “Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây” - trong cảm nhận của cậu con trai hay chữ và cô gái mười tám tuổi - những câu thơ ấy cô đơn và bí ẩn như chính người viết ra chúng. Đấy là những câu thơ mà người ta phải cân nó bằng tất của những trải nghiệm buồn vui của một đời. Quan trọng hơn, để có được thứ tài sản ấy họ phải không ngừng sống, không ngừng cảm nhận những va xiết về cuộc đời. Không ngừng trình ra những cảm nhận, định giá về đời sống. Những định giá, và cảm nhận của họ như tôi đã nói ở trên luôn đem lại cảm giác về sự bất an trước thực tại bằng cách đặt ra vô số những câu hỏi về tồn tại. Đặc điểm này khiến cho viết văn trở thành một nghề nghiệp bất trắc. Trong truyện ngắn Chút thoáng Xuân Hương, Nguyễn Huy Thiệp dựng nên cuộc đối thoại, ở đó tri huyện Thặng - không chút khách khí- đã  cảnh báo: “Không hách thì để cho bon văn chương các chú làm loạn à? Văn chương là miếng đất nghịch[16]. Thông điệp này, một lần nữa, được nhắc lại trong truyện ngắn Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt với lời bình luận của lão bộc về nghề nghiệp của thi sĩ: “Thưa ông, nghề nghiệp của ông thật nguy hiểm”. Người lão bộc hiền lành vô danh ấy, một cách hồn nhiên, đã trở thành một tín sứ truyền đạt một cách trung thành nhất thông điệp của quan chánh Cẩm (biểu tượng của an toàn và trật tự xã hội): “...hễ mà loạn thì phải bắt ngay những người làm thơ trước đã[17]. Sự hồn nhiên ở đây, vào một thời điểm nào đó sẽ là sự đồng tình, một thứ công cụ tự nguyện. Điều này đòi hỏi sự dấn thân và hơn thế là sự trung thực của nhà văn để thực hiện sứ mệnh nghề nghiệp của mình. Có lẽ chỉ trong thời hiện đại người ta mới thấy hết khó khăn của sự nói. Trước trật tự xã hội, nhà văn có thể toan tính, mặc cả về những trải nghiệm của mình. Anh ta có thể sẽ tự hỏi theo kiểu Hăm-lét: nói hay không nói. Tuy nhiên, do chỗ, như đã nói ở trên: kinh nghiệm và trải nghiệm về cuộc đời là tài sản duy nhất của nhà văn nên sự khôn ngoan, toan tính trong việc trình bày những kinh nghiệm sống của mình sẽ đặt anh ta trước nguy cơ trắng tay với tư cách một người cầm bút. Anh ta, để thực hiện thiên chức của mình, không có một lựa chọn nào khác là buộc phải trình ra trung thực đến tận đáy kinh nghiệm sống của mình. Để làm được điều ấy, đương nhiên đòi hỏi sự dũng cảm, quá nhiều những sự dũng cảm. Trong tiểu luận gây nhiều tranh cãi: Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn, có một thức nhận rất đáng lưu tâm của Nguyễn Huy Thiệp: ở các nhà văn ở thế hệ trước như Tô Hoài “những kinh nghiệm viết văn của họ luôn đan xen với những kinh nghiệm đối nhân xử thế. Văn học ...hiển nhiên là “nghệ thuật sống””, nhà văn là người “chiêm nghiệm nhiều hơn thể nghịêm[18]”. Khi văn học trở thành “nghệ thuật sống”, trở thành “kinh nghiệm đối nhân xử thế” ta có những nhà văn khôn ngoan và lịch lãm nhưng những trang viết của họ vì thế có nguy cơ trở nên “sạch sẽ một cách gớm ghiếc”. Trong thời hiện đại, “Thức ăn của văn học là cuộc sống của chính tác giả”. Nhà văn không thể là những chân dung sạch sẽ, hoạt bát theo kiểu một lái buôn, biết nói những câu bông đùa tinh tế, “những đối thoại hóm hỉnh kiểu phòng khách” (chân dung của Hoàng trong Bài học tiếng Việt). Anh ta phải sống, phải trả giá. Không ngừng cảm nhận những xô đẩy tăm tối của định mệnh. Không ngừng săn đuổi những cảm nhận mà cuộc đời đã chọn anh ta để gửi lại những dấu vết của mình. Như ta sẽ thấy sau này, tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp luôn làm người ta khắc khoải và sợ hãi trước những cảm nhận tê buốt về những lẽ đời được trình bày một cách trần trụi. Không thể có sự nhân nhượng và thỏa hiệp khi cầm bút cho dù thỏa hiệp có lẽ là kinh nghiệm làm người quan trọng nhất trong “muôn sự ở đời”. Một chân dung về nhà văn như thế tuyệt đối không hứa hẹn danh vọng và phù hoa như sự ngộ nhận của ông bố và bà mẹ của nhân vật xưng tôi trong truyện ngắn Chú Hoạt tôi[19]. Trái lại, lựa chọn làm một nhà văn đòi hòi sự dũng cảm, sự phiêu lưu với chính cuộc đời của mình. Một lựa chọn như thế, đương nhiên, không thể là một lựa chọn cho đám đông. Thêm một lý do khiến cho nhà văn hiện đại là một thân phận cô đơn. Sự cô đơn của lòng dũng cảm.

2.3 Những gì đã trình bày ở trên cho thấy cô đơn là định mệnh và cũng là yếu tính của nhà văn hiện đại. Cô đơn là cách thế để nhà văn nối mình với nhân dân, với lịch sử. Sự thỏa hiệp và ve vãn những thị hiếu của bầy đàn sẽ giết chết người nghệ sĩ. Trương Chi đã có lúc hát ca ngợi công danh, ca ngợi tiền bạc. Đấy là khoảnh khắc thảm hại nhất của chàng: “Chàng khò khè trong cổ. Chưa bao giờ chàng hát một bài hát thô bỉ thế này. Bài hát chỉ toàn “ấy a” với lại “huầy dô”. Bài hát đông người[20]. Cô đơn là bi kịch tất yếu và cần thiết để nhà văn thực hiện sự mệnh của mình: họ là đại diện cho những ăn năn, cho sự ưu tư trên vầng trán của cộng đồng. Một sứ mệnh vinh quang nhưng, trước tiên, thật bạc bẽo! Nguyễn Huy Thiệp không hề ngộ nhận về vinh quang của một nhà văn: “Về cơ bản, nhà văn đứng về số đông nhân dân, đôi khi bất đắc dĩ còn là đại diện không công của họ, một danh chức hão huyền chẳng báu bở gì [21]. Điều đáng trân trọng là Nguyễn Huy Thiệp và các nhân vật nhà văn của anh đã chấp nhận danh chức cũng đồng thời là danh phận ấy!          

          3. Trở lại với những câu hỏi về nhà văn và tác phẩm được nêu ở phần mở đầu. Đấy là những câu hỏi mà mọi câu trả lời về nó đều chịu sự ước thúc của lịch sử. Điều ấy cũng có nghĩa là nó luôn đòi hỏi những câu trả lời mới, những đính chính và kèm theo đó là những ngộ nhận mới. Nguyễn Huy Thiệp với câu trả lời của mình cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Nếu nó đã góp phần đính chính thì nó cũng đồng thời chờ đợi một sự đính chính trong tương lai.

Những trình bày của chúng tôi chắc chắn là sơ lược và nhiều ngộ nhận. Chỉ xin lưu ý: để nhận diện về văn học hiện đại không thể bỏ qua việc nhận diện về những đặc tính của chủ thể sáng tác, nhận diện những câu hỏi mà người cầm bút - hoặc hữu thức, hoặc vô thức - phải đối diện trước nó. Bài viết này, nếu có một ý nghĩa nào đó, thì không phải là giải quyết mà chỉ là: đặt ra một vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu.

                                                          Hà nội, 4/2005

 


[1] Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp – NXB Trẻ 2003 – Tr690. Tất cả những trích dẫn về Nguyễn Huy Thiệp trong bài viết nếu không chú đều rút từ sách này.

[2] Tldd – tr.53

[3] Nguyễn Huy Thiệp – Thời của tiểu thuyết – báo Ngày nay – số 21 - 2003

[4] Tldd – tr 286

[5] Thương cả cho đời bạc - Tlđd – tr 533

[6] Nguyễn Mộng Giác – Sông Côn mùa lũ  tập 1– NXB Văn học 2003– in lần thứ hai – tr530,531

[7] Nguyễn Xuân Khánh – Hồ Quý Ly – nxb Phụ nữ - HN 2002 – tr.723

[8] Nguyễn Huy Thiệp -Tuổi hai mươi yêu dấu  (tiểu thuyết)– chương 30

[9] Trương chi – Tlđd – tr 468,469

[10] Nguyễn Thị Lộ - Tlđd – tr 450,455

[11] Quan âm chỉ lộ - báo Ngày nay – số Tểt Ất Dậu 2005

[12] Tlđd – tr 429

[13] Nguyễn Huy Thiệp – Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn – Báo Ngày Nay số 5 - 2004

[14] Tlđd – tr 211

[15] Tlđd – tr 549, 552, 555

[16] TLđd – tr 417

[17] Tlđd – tr 554

[18] Nguyễn Huy Thiệp – Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn – Báo Ngày Nay số 4 - 2004

[19] “thỉnh thoảng, độ dăm ba tháng, bố tôi lại lục đâu ra được một bài thơ, bài vè gì đó của chú Hoạt ở trên một tờ báo lẻ(...). Dần dần, không hiểu sao bố tôi dứt khoát tin rằng chú Hoạt là người thành đạt lắm ở trong xã hội, còn mẹ tôi thì chắc mẩm chú Hoạt đã rất giàu” – Tlđ d – tr.682

[20] Trương Chi – Tlđd – tr 495, 496

[21] Nguyễn Huy Thiệp – Tuổi hai mươi yêu dấu  (tiểu thuyết) – chương 30

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020