Tất cả có 73 xã phường, phân bố ở các đời như sau:
- Minh Mệnh có 9 chữ: Cảo: 7, Đam: 2
- Thiệu Trị 29 chữ: Hoa: 23, Tông: 2, Tuyền: 4, Triền: 4
- Tự Đức 7 chữ: Hồng: 4, Hằng: 1, Thường: 1, Chương: 1
- Đồng Khánh 1 chữ: Đường
- Thành Thái 23 chữ: Hương: 11, Đường: 10, Chiêu: 1, Biện: 1
Từ bảng kê này, chúng tôi có nhận xét:
Hương là chữ húy đời Kiến Phúc, nhưng trong văn bản sách Đồng Khánh địa dư chí lục (soạn đời Đồng Khánh) tất cả các chữ “Hương” vẫn còn hiện diện, đến đời Thành Thái (sách Danh mục làng xã Hà Nội cuối thế kỷ XIX) mới thấy đổi tên mới.
Đường, Biện là chữ húy đời Đồng Khánh, nhưng cũng sách trên vẫn thấy ghi tên cũ, chỉ đến đời Thành Thái mới đổi hàng loạt (trừ 1 chữ “Đường” tên xã Đường Bạt đổi thành Thường Bạt, đến đời Thành Thái lại đổi thành Thiệu Bạt)(5).
Ngoài việc đổi tên do kiêng húy, 2 chữ Thiên và Nguyễn thuộc diện từ tôn kính nên đến đời Tự Đức đều phải đổi. Có 4 trường hợp tên tổng xã có chữ “Thiên”, như Thiên Mỗ đổi thành Đại Mỗ, Thiên Kiện thành Đại Kiện và Thiên Mạc thành Hòa Mạc; 3 trường hợp tên tổng xã có chữ “Nguyễn” phải đổi, như Nguyễn Xá thành Tiên Xá và Nam Xá.
Những tư liệu này rất có ý nghĩa trong việc nghiên cứu diên cách địa danh đến từng xã thôn phường phố của Hà Nội từ đầu đến cuối thời Nguyễn.
2/ Lớp địa danh phường xã thôn ngót một thế kỷ của Hà Nội:
Trong số 14 tác phẩm mà chúng tôi tuyển chọn, có 5 tài liệu kê được lớp địa danh đến phường xã thôn:
- Các trấn tổng xã danh bị lãm (đời Gia Long)
- Bắc Thành địa dư chí lục (đời Minh Mệnh)
- Hà Nội địa bạ (đời Tự Đức)
- Đồng Khánh địa dư chí lục (đời Đồng Khánh)
- Danh mục làng xã Hà Nội cuối thế kỷ XIX (đời Thành Thái).
Hai tài liệu đầu phản ánh lớp địa danh đời Gia Long-Minh Mệnh về trước, không có nhiều thay đổi; 2 tài liệu tiếp theo ghi địa danh đời Thiệu Trị có nhiều thay đổi, đến Tự Đức - Đồng Khánh không thay đổi; tài liệu cuối cùng là lớp địa danh đời Thành Thái, có nhiều thay đổi.
Với số tài liệu khá đủ và tương đối liên tục như vậy, người nghiên cứu có thể lập một bảng tra hệ thống địa danh của Hà Nội từ đời Gia Long cho đến đời Thành Thái. Qua hệ thống này, có thể nhận ra sự đổi tên của từng phường, xã, thôn, kể cả tên đổi vì kiêng huý và sự cắt chuyển đơn vị tổng, xã thôn phường từ nơi này sang nơi kia v.v... Ví dụ Hoa Kinh là tên từ đời Minh Mệnh về trước của thôn thuộc tổng Khương Đình huyện Thanh Trì, đời Thiệu Trị kiêng huý chữ Hoa đổi là Minh Kinh, đến đời Thành Thái đổi là Chính Kinh, thường gọi là Kẻ Mọc, nay thuộc quận Thanh Xuân v.v...
Đây là nguồn tư liệu hết sức quý giá và cần thiết để nghiên cứu diên cách địa danh đến từng phường xã thôn của Hà Nội trong thời gian gần trọn thế kỷ XIX.
3/ Tư liệu về phố phường, cửa ô của Hà Nội xưa
Sách Thăng Long cổ tích khảo là tài liệu duy nhất cung cấp cho chúng ta tên và vị trí của 17 trong số 21 cửa ô đời Lê.
Cũng chính sách này ghi được tên một số phường của Thăng Long thời Lê và tên các phố của thành Hà Nội cuối thời Nguyễn. Đặc biệt quý là danh sách tên Nôm của các phố phường và nghề nghiệp của dân sinh sống ở đó.
Năm 1888 Hà Nội trở thành nhượng địa, thực dân Pháp xây dựng mới và quy hoạch thành phố theo kiểu phương Tây thì sách Nam quốc địa dư chí lược và Nam quốc địa dư ghi được khi đó thành phố Hà Nội chia làm 8 hộ (Hà Thành bát hộ), mặt phố chia làm 4 hạng, gồm 55 phố.
Sách Hà Nội địa dư lại cung cấp cho chúng ta thêm tư liệu tìm hiểu về việc người Hà Nội xưa đặt tên phố như: "Có nơi đặt theo tên điện như Huy Văn, Giảng Võ; có nơi đặt theo tên cổng thành như Trường An, Bảo Khánh; có nơi đặt theo tên đàn như Xã Tắc, Phong Vân; có nơi đặt theo tên cơ quan nhà nước như Khâm Thiên, Công Bộ, Ngự Sử; có nơi lại đặt theo tên đơn vị quân đội như Thị Vật, Tiền Tiệp v.v..."
Những tư liệu thuộc loại này thật hiếm, thật quý, thật hữu ích đối với việc nghiên cứu phố phường Hà Nội xưa.
4/ Tư liệu về Hoàng Thành thời Lê, thành Hà Nội thời Nguyễn
a/ Hoàng thành đời Lê:
Sách Bắc Thành địa dư chí lục, Đại Việt địa dư toàn biên, Đại Nam nhất thống chí, Thăng Long cổ tích khảo v.v... có những thông tin rất quý về Hoàng Thành mà không một loại thư tịch nào ghi được.
Đại Việt địa dư toàn biên viết: “Căn cứ vào đồ bản thành Thăng Long đời Hồng Đức, thì thành này hình như thước thợ mộc. Ba mặt đông, nam, bắc vuông vắn, mặt tây và nam dài bằng một nửa. Cửa đông bắt đầu từ thôn Đức Môn (trước là thôn Đông Môn) tổng Đồng Xuân, theo hướng bắc đến sông Tô Lịch, đi bờ bên tả qua cửa bắc về phía tây đối với phường Nhật Chiêu, theo về phía nam là cửa Bảo Khánh, theo hướng nam đến phía trước bên hữu Văn Miếu, lại đến phía sau qua sang bên tả là cửa Nam, đi thẳng về phía đông. Đấy là dấu cũ thành Thăng Long, ở giữa là cung thành, trong cửa cung thành là Đoan Môn. Trong Đoan Môn là điện Thị Triều, trong điện Thị Triều là điện Kính Thiên. Bên hữu điện Kính Thiên là điện Chí Kính, bên tả là điện Văn Thọ. Bên hữu Đoan Môn là Tây Trường An, bên tả là Đông Trường An. Trong có suối Ngọc. Ngoài cung thành là Hoàng thành. Về bên đông, phía trước là Thái Miếu, phía sau là Đông Cung. Bên tây qua núi Khán Sơn là điện Giảng Võ. Lại về phía tây là đền thờ Linh Lang. Trường thi Hội đều ở đấy. Hoàng thành, cung thành đều xây bằng gạch. Nền điện Kính Thiên ở chỗ đất bằng có gò đất nổi lên cao, bằng phẳng vuông vắn. Sách địa lý nói rằng “núi Nùng ở chính giữa” tức là nơi này. Đằng sau lại mọc ra núi Tam Sơn, bên hữu lại mọc ra núi Khán Sơn”.
Sách Hà Nội địa dư ghi: “Thành mở 4 cổng: cổng phía đông là Tường Phù, phía tây là Diệu Đức, phía nam là Đại Hưng, phía bắc là Quảng Phúc, lại đắp thành đất bao bọc ở xung quanh. Năm Thiên Thành 2 (1029) đắp một lớp thành bao bọc ở xung quanh gọi là Phượng Thành. Đầu thời Trần vẫn giữ theo như thế và định ra hai bạn phường Tả và Hữu của Kinh thành ...Nội thành gọi là thành Long Phượng. Đầu niên hiệu Quang Thuận triều Lê mới cho xây thành Đại La, lại nhân theo quy chế thời Lý, Trần, mở mang Phượng Thành, xây rộng ra 8 dặm”.
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: "Đời Lý gọi là thành Thăng Long, mở cửa Đại Hưng, tức là đình Quảng Minh ngày nay, phía bắc là cửa Đông Hoa tức là cầu Đông Thị ngày nay, phía tây là cửa Quảng Đức tức đường Giảng Võ ngày nay, còn cửa Diệu Đức ở phía bắc thì nay bị lở xuống sông” v.v...
Những ghi chép về vị trí các cửa thành, kiến trúc di tích liên hoàn như vậy v.v... là những tư liệu hết sức quý giá giúp chúng ta lần theo đó mà đi tìm vị trí Hoàng thành xưa.
b/ Thành Hà Nội thời Nguyễn:
Khi kinh đô chuyển vào Phú Xuân thì thành Thăng Long đặt là đại trấn thành. Việc xây dựng, sửa sang và mở rộng quy mô được ghi chép trong nhiều tài liệu và khá phong phú.
Sách Bắc Thành địa dư chí lục ghi: “Trên núi Nùng trong thành dựng 5 toà chính điện, Hoàng cung và 6 nhà ở hai bên tả hữu, xung quanh có tường xây, mở 5 cửa, lại mở một cửa ngách để thông vào nội đình, xây từng bậc dẫn vào đường hẻm... Ngoài đường hẻm là cửa Đoan Môn, trên cổng có khắc hai chữ “Đoan Môn” (di tích này từ triều Lý nay vẫn giữ nguyên), trên cổng đặt lầu trống.
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Thành tỉnh Hà Nội chu vi hơn 432 trượng, cao 1 trượng 1 thước 2 tấc, hào rộng trên dưới 4 trượng, mở 5 cửa, ở địa phận hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Từ đời nhà Lê về trước kinh đô đều đặt ở đây, lại có tên là thành Phụng Thiên, ở trong thành Đại La. Thành lâu năm sụt đổ, đến đời Tây Sơn, theo nền cũ đắp thành quanh từ cửa Đông Hoa đến cửa Đại Hưng. Bản triều đầu đời Gia Long lấy làm lỵ sở của Bắc Thành. Năm thứ 3 (1804), triều thần bàn rằng thể chế xây thành của Tây Sơn không hợp qui chế cũ, tâu xin sửa đổi. Năm thứ 4 (1805), sai quan đốc sức việc xây đắp, trong thành dựng kỳ đài và 2 toà hành cung, chính điện, tả hữu vu mỗi bên một toà; mặt sau dựng ba toà nội điện, một tả vu, một hữu vu, sau điện dựng lầu Tinh Bắc; quanh nội điện đều xây tường gạch; lại đằng trước chính điện xây một đường ống bằng đá thẳng đến Đoan Môn, có biển bằng đá khắc hai chữ “Đoan Môn”, đấy là di tích từ đời Lý. Ngoài cửa dựng nhà bia, xây kỳ đài, qui mô rộng lớn. Năm Minh Mệnh thứ 12 chia tỉnh hạt, lấy thành này làm thành tỉnh Hà Nội, năm thứ 16 cho rằng thân thành quá cao, giảm bớt đi 1 thước 8 tấc. Các đời Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị dùng thành này làm sở bang giao”.
5/ Tài liệu địa chí với việc nghiên cứu di tích văn hóa
Ngoài giá trị về lịch sử văn hoá mà ai cũng biết, chúng tôi muốn nói đến những giá trị đặc biệt khác:
- Vị trí của hàng loạt núi non và di tích được ghi trong sách là thông tin đáng tin cậy cho người nghiên cứu dựa vào đó để xác định địa điểm, từ đó góp phần vào việc xác định khu vực Hoàng Thành mà hiện nay giới nhiên cứu trong cả nước đang tập trung sức lực nghiên cứu.
- Việc ghi chép quá trình xây dựng, trùng tu, đổi tên v.v... là những thông tin quý để tìm hiểu lịch sử di tích. Như quán Trấn Vũ, năm Minh Mệnh 21 (1840) đổi thành Chân Vũ; chùa Long Ân, năm Minh Mệnh 2 cho đổi là Sùng Ân điện; năm Thiệu Trị 1 (1841) lại đổi là chùa Hoằng Ân v.v...
- Tài liệu địa chí duy nhất ghi về phủ chúa Trịnh là Thăng Long cổ tích khảo cho chúng ta biết vị trí của phủ như sau: "ở phía đông nam thành 1 dặm, phố Cấm Chỉ huyện Thọ Xương là cửa trước phủ, phố Hoành Đình ở phường Phục Cổ tức là cửa sau phủ". Phố Hoành Đình tức phố Đình Ngang thuộc phường Cửa Nam, vị trí như vậy tương đương với khu vực phố Cửa Nam đến phố Cấm Chỉ ngày nay.
Có thể tóm tắt những giá trị chính của nguồn tài liệu địa chí như sau:
1. Về thay đổi địa dư của Hà Nội: từ lúc chỉ có 2 huyện, sau cải cách địa dư mở rộng nhất: 15 huyện, bao gồm toàn bộ nội thành Hà Nội, tỉnh Hà Đông và tỉnh Hà Nam ngày nay; sau đó chỉ còn 13, rồi 11 huyện.
2. Về thay đổi địa danh: 72 xã thôn có tên trùng với chữ húy phải đổi là Cảo, Đam, Hoa, Tông, Tuyền, Triền, Hồng, Hằng, Thường, Chương, Đường, Hương, Đường, Chiêu, Biện; 4 xã thôn có chữ trùng từ tôn kính là Thiên và Nguyễn. Ngoài ra còn có các lý do khác như tách nhập xã thôn, lý do tu từ v.v...
3. Lớp địa danh đến cấp phường, xã, thôn đời Gia Long, Minh Mệnh, Tự Đức, Đồng Khánh và Thành Thái.
4. Về thành Thăng Long: núi Nùng là nơi nhà Lý xây chính điện, đời Lê đổi là điện Kính Thiên, đời Tây Sơn theo nền cũ đắp thành quanh từ cửa Đông Hoa đến cửa Đại Hưng, thời Nguyễn về cơ bản vẫn theo di tích từ đời Lý mà mở rộng thêm, năm Minh Mệnh 16 cho hạ bớt thành xuống 1 thước 8 tấc.
5. Tên và vị trí 17/21 cửa ô; tên 55 phố thuộc nội thành đầu thế kỷ XX, đặc biệt quý là tên Nôm và mặt hàng bán đặc trưng của các phố.
6. Các núi sông, di tích v.v... ngoài giá trị văn hóa, lịch sử thì vị trí của chúng có giá trị trong việc góp phần giúp các nhà nghiên cứu xác định vị trí Hoàng Thành và các kiến trúc liên quan đến thành Thăng Long xưa.
*
**
Với những giá trị đích thực như vậy, chúng tôi tin rằng những tác phẩm địa chí cổ hiện còn thực sự là những tài liệu quý giá, hữu ích đối với việc nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội về nhiều phương diện.
N.T.N
CHÚ THÍCH:
(1) Đại Việt sử ký toàn thư, bản Chính Hòa, Hoàng Văn Lâu dịch chú, GS. Hà Văn Tấn hiệu đính, Nxb. KHXH, H. 1993, T2, tr.12.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd. tr.507.
(3) Các nhà nghiên cứu như GS. Trần Quốc Vượng, Vũ Tuân Sán, Nguyễn Khắc Đạm, Nguyễn Vinh Phúc, Hoàng Đạo Thúy v.v... trong các công trình nghiên cứu về Hà Nội đã lập danh sách 36 phường, nhưng chưa khớp nhau.
(4) Huyện Hoàn Long trước thuộc tỉnh Hà Đông, sau thành Đại lý đặc biệt của thành phố Hà Nội.
(5) Về lệnh kiêng húy và các chữ húy, xin xem: Chữ húy Việt Nam qua các triều đại, Ngô Đức Thọ, Nxb. Văn hóa, H. 1977./.
http://hannom.org.vn/web/tchn/data/0502v.htm#nghia69
|