Các hoạt động

[Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du, Độc Tiểu Thanh kí, Liên Hương Tử, văn bản]

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM TIỂU THANH KÍ


19-07-2023

Bài thơ Độc Tiểu Thanh kí nổi tiếng được Nguyễn Du viết dựa trên việc đọc nguồn tư liệu Trung Hoa về nhân vật Tiểu Thanh. Mặc dù đã tìm được nhiều tư liệu hữu quan, nhưng cho đến nay, giới nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn tư liệu cụ thể nào được Nguyễn Du tham khảo. Bài viết này giới thiệu một văn bản Tiểu Thanh kí hiện được tàng trữ tại Thư viện bang Bavaria, Cộng hòa Liên bang Đức. Qua việc khảo sát hiện trạng văn bản, niên đại, tác giả, nội dung chính, kiểu loại của tác phẩm Tiểu Thanh kí, bài viết đề xuất rằng đây có thể là nguồn tư liệu được Nguyễn Du tham khảo để viết nên Độc Tiểu Thanh kí. Bài viết cũng gợi ý một vài hướng nghiên cứu tiếp theo liên quan đến mối quan hệ giữa Tiểu Thanh kí Độc Tiểu Thanh kí.

Từ khóa: Độc Tiểu Thanh kí, Tiểu Thanh kí, văn bản, Nguyễn Du, Liên Hương Tử

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM TIỂU THANH KÍ

 

Nguyễn Thanh Tùng

1. Mở đầu

Độc Tiểu Thanh kí 讀小青記là một bài thơ rất nổi tiếng của Đại thi hào Nguyễn Du 阮攸 (1766 – 1820), nhất là khi nó được đưa vào sách giáo khoa Văn 10 (từ năm 1990). Nhưng cho đến nay, xung quanh bài thơ vẫn tồn tại nhiều tranh luận, mà nổi bật nhất có lẽ vẫn là vấn đề “Tiểu Thanh kí” là gì hay nói cách khác là vấn đề nguồn tư liệu, cảm hứng để Nguyễn Du viết nên bài thơ bất hủ. Theo đó, giới nghiên cứu, bao gồm cả chúng tôi, đều cho rằng không có văn bản nào có tên là Tiểu Thanh kí 小青記, mà chỉ có Tiểu Thanh truyện小青傳 (Ngu Sơ tân chí虞初新志), Tiểu Thanh小青(Tình sử情史), Mai tự hận tích 梅嶼恨跡 (Tây Hồ giai thoại 西湖佳話), Tiểu Thanh 小青 (Mĩ nhân thư 美人書), Tiểu Thanh Phật xá 小青佛舍 (Tây Hồ mộng tầm 西湖夢尋)1... Bài viết này sẽ giới thiệu một văn bản Tiểu Thanh kí và luận thuật về khả năng Nguyễn Du đã đọc nó để viết nên bài thơ Độc Tiểu Thanh kí.

2. Nội dung

2.1. Hiện trạng văn bản

Hiện tại, Thư viện bang Bavaria (Cộng hòa Liên bang Đức) đang lưu giữ một văn bản Tiểu Thanh kí 小青記mang kí hiệu: L.sin. J 72. Đây là một văn bản in mộc bản, rất quý hiếm, có tính “độc bản” vì chưa thấy có văn bản nào khác còn được lưu giữ. Trong khi tìm hiểu nguồn gốc bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du, chúng tôi may mắn được tiếp xúc với bản scan của văn bản do Thư viện bang Bavaria cung cấp. Sau đây chúng tôi xin mô tả văn bản này.

Bìa văn bản (màu cam) được trang trí diềm hoa – thú ở 4 bên, ở giữa in 3 chữ lớn “Tiểu Thanh kí” 小青記ghi tên tác phẩm (rút gọn), bên trái có dòng chữ “Hoa Hàn đường”/ 華翰堂 ghi tên hiệu sách (thư phường) (Xem H.1).

Tiếp đó là tờ mục lục (không đánh số trang), gồm có tên tác phẩm đầy đủ là Tân tập nhã điệu Lí Huyền Huyền Tiểu Thanh kí新輯雅調李玄玄小青記 (Truyện về Lí Huyền Huyền Tiểu Thanh theo điệu tao nhã mới được biên tập) (Xem H.2). Hai chữ “tân tập”/新輯 cho thấy đây là tác phẩm mới được sáng tác chứ không phải là tác phẩm cũ, được in lại. Mục lục gồm có 26 mục (không chia quyển) bao quát nội dung của tác phẩm (xem cụ thể ở phần sau).

Tiếp đến, trang mở đầu tác phẩm có dòng chữ: “Tân tập nhã điệu Lí Huyền Huyền Tiểu Thanh kí ngoại tập” 新輯雅調李玄玄小青記外集. Hai chữ “ngoại tập”/外集 ngụ ý đây là một tác phẩm vựng tập bản thảo văn chương bên ngoài tập sách chính thức (đã định bản lưu hành ở đời), phần nhiều do hậu nhân biên tập những tác phẩm khuyết sót, ngụy tác hoặc không quan trọng mà thành (正集(传世的定本)以外的文稿汇编,多为后人编集遗缺﹑伪作或次要作品而成) 2. Bên cạnh dòng trên có dòng lạc khoản ghi chú về “hậu nhân” hay tác giả của “ngoại tập” đó là: “Đông Quan Liên Hương tử thủ trước”/ 東官忴香子手著 (Trước tác của Liên Hương tử ở Đông Quan).

Các trang chính văn (khổ sách khoảng 10cm x18cm) có kết cấu như sau: Bốn bên là viền đơn, lòng sách để trắng, đuôi cá đơn, phần dưới lòng sách ghi số tờ. Mỗi nửa tờ được chia làm 10 cột, mỗi cột 3 dòng văn vần tạp ngôn (chủ yếu là dòng thất ngôn và được trình bày trong khuôn khổ của dòng thất ngôn, bên cạnh đó là ngũ ngôn, lục ngôn, bát ngôn, cửu ngôn…; xen lẫn một số thơ văn, thư từ của Tiểu Thanh còn sót lại trong tập Phần dư thảo 焚餘艸; một vài bài thơ của văn nhân tài tử qua thăm viếng Cô Sơn hay đọc tập Phần dư thảo; vài bài điếu văn viếng Tiểu Thanh của người thân của nhân vật).

Ở giữa tờ 17 và 18 có chèn 1 tờ bìa (cũng được đánh số tờ là 18, cho thấy tờ bìa này được kẹp vào có chủ ý rõ ràng để phân quyển chứ không phải bị lạc vào trong quá trình truyền bản) có nội dung giống tờ bìa của cả tập sách. Dường như tờ bìa này có tác dụng chia văn bản ra làm 2 quyển. Kết hợp với việc ở tờ 25b, sau khi kết thúc tác phẩm, có dòng chữ: “Quyển Nhị - Vĩ chung”/ 卷二尾終 (quyển Nhị-Vĩ kết thúc) thì có thể thấy, phần ruột sách gồm có 2 quyển (Quyển Thủ hay Quyển Nhất và Quyển Vĩ hay Quyển Nhị, với tổng cộng 25 tờ). Nội dung sách được bảo quản khá tốt, trọn vẹn. Chất lượng in ấn không quá tốt cho thấy đây là dòng sách thương mại bình dân của tư nhân. Chữ được khắc in không quá đẹp nhưng tương đối rõ ràng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

H.1: Bìa Tiểu Thanh kí

H.2: Mục lục Tiểu Thanh kí

2.2. Niên đại văn bản và tác phẩm

Căn cứ vào tên nhà sách “Hoa Hàn đường” có thể xác định phần nào niên đại văn bản. “Hoa Hàn đường” (tên đầy đủ là “Hoa Hàn đường thư lâm” 華翰堂書林) là một nhà sách (thư phường) ở “Quản thành” (tức thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông ngày nay). Không rõ thời gian nhà sách được thành lập, nhưng nó hoạt động trong khoảng triều Càn Long 乾隆 (1736 – 1795) đến Hàm Phong 咸豐 (1851 – 1861), đã khắc in và phát hành một số sách như: Tử trúc lâm trung Quán Âm xuất thế紫竹林中觀音出世 (in năm 1776), Tân tập Thiên tự văn tự vựng 新輯千字文字彙 (in năm 1777), Biệt tục chính âm vựng biên đại toàn 别俗正音汇编大全 (in năm 1785), Tú tượng Uyên ương bảo chẩm 繡像鴛鴦寳枕 (còn có tên là Giao Long thất bảo truyện 蛟龍七寳傳) (chưa rõ năm in), Tân đính cửu tài tử Nhị Hà 新訂九才子二荷 (in vào khoảng năm 1793),  Tân tuyển hoa liễu tranh đào 新選花柳争桃(hay Hoa liễu tranh đào tam cô kì duyên花柳争桃三姑奇缘, in năm 1829), Trùng khắc Chí bảo tập重刻至寶集 (in năm 1859), Đệ bát tài tử Hoa Tiên toàn bản第八才子花笺全本 (khắc in đời Càn Long)… Từ đó, bước đầu có thể xác định Tiểu Thanh kí được in vào khoảng nửa cuối thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX.

Căn cứ vào mối quan hệ có tính chất tiền đề - kế thừa giữa văn bản này với văn bản Nhị Hà Hoa sử (bản in cũng của Hoa Hàn đường), nhà nghiên cứu Từ Xảo Việt đã chỉ ra: Tiểu Thanh kí ra đời trước Nhị Hà Hoa sử (in năm 1793)3. Như vậy, Tiểu Thanh kí còn có thể còn được in sớm hơn năm 1793. Từ đó suy ra, Tiểu Thanh kí cũng phải ra đời sớm hơn năm 1793.

Từ Xảo Việt cũng căn cứ vào văn bản Tiểu Thanh kí trong đó chữ “huyền”/ 玄 được viết bớt nét cuối (ở một vài chỗ) để cho rằng văn bản này có tị húy Hoàng đế Khang Hi. Từ đó, ông cho rằng, bản in phải xuất hiện sau năm 1662 và trước năm 17934. Về điểm này, chúng tôi còn hoài nghi bởi ở nhiều chỗ khác (ngay trên bìa sách), chữ “huyền” được in bình thường. Việc một số chữ bị khắc thiếu nét cũng phổ biến trong văn bản này vì đây là một bản in phổ thông, chất lượng in không cao.

Tóm lại, chỉ có thể biết được rằng, văn bản xuất hiện sớm hơn năm 1793. Từ đó suy ra, tác phẩm Tiểu Thanh kí cũng xuất hiện sớm hơn thời điểm đó. Đây là một thông tin cực kì quan trọng để xác định nhà thơ Nguyễn Du có thể đọc tác phẩm này hay không và có khả năng đọc khi nào.

2.3. Tác giả Tiểu Thanh kí

“Đông Quan Liên Hương tử” là ai? Các nhà nghiên cứu Trung Quốc5 cho biết: Đông Quan chỉ huyện Đông Quản, tỉnh Quảng Đông (nay là thành phố Đông Quản, trực thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc); “Liên Hương tử” chỉ là biệt hiệu hay bút danh (với nghĩa là “Thương hương tiếc ngọc” như trong một câu trong Tiểu Thanh kí: Liên hương tích ngọc hữu đồng tình/ 忴香惜玉有同情). Từ Xảo Việt qua nghiên cứu so sánh Tiểu Thanh kí Nhị Hà Hoa sử còn đặt vấn đề tác giả của 2 tác phẩm có lẽ là một người6. Tuy nhiên, cho đến nay hiện vẫn chưa rõ “Liên Hương tử” là ai. Chỉ chắc rằng ông là một người sống thời Thanh, quê huyện Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, có tài chữ nghĩa và là một tác giả theo khuynh hướng diễm tình.

Quan điểm, lí do ông viết Tiểu Thanh kí được trình bày trực tiếp ở phần đầu và phần cuối tác phẩm. Phần đầu, tác giả viết: “Nhàn nhã giãi bày ý nghĩ ngổn ngang của mình / Dưới song cửa treo đèn lồng phổ thành khúc/ Dám nói rằng ngọc ngà theo gió mà nhả ra!/ Hãy đem năng lực soi xét sắc bén mà xem xét các bậc hiền xưa/ Nếu họ mà có tài toàn vẹn, diện mạo xinh đẹp/ Thì sẽ khiến cho người ngưỡng mộ và lưu luyến/ Những bậc phong lưu mà mai một thì để lại mối hận ngàn đời/ Thương hương tiếc ngọc nên có sự đồng cảm/ Những bậc kiều diễm mấy đời có thể kể ra được/ Nay phẩm bình mấy bậc mĩ nữ nổi danh./ […]/ Ngẫu nhiên mở xem dã sử và Phần dư thảo/ Chép về một mĩ nữ nổi tiếng về tài năng, dung mạo/ Nguyên quán đất Quảng Lăng, họ Lí/ Là một bậc thuyền quyên ở Dương Châu/ Biểu tự Tiểu Thanh tuổi mười sáu/ Biệt danh lại gọi là Lí Huyền Huyền/等閑抒我牢騒意/篝燈窻下譜成篇/敢云珠玉随風唾/聊将巨眼閱前賢/若彼才全和貌美/令人景行流連/埋没風流千古恨/忴香惜玉有同情/数代艷妆堪屈指/品評當日幾名媛/[…]偶披野史焚餘艸/載將才貌一名媛/原籍廣陵身姓李/楊州府内一嬋娟/表字小青年二八/别名又喚李玄玄”7 .

Kết thúc tác phẩm, tác giả cũng viết: “Vốn là nhận được và đọc hết Phần dư thảo/ Tình dạt dào vô hạn nằm trong đó/ Một là vì giai nhân mà bảo tốn quả tuệ/ Hai là cùng các bậc tài tử giải tỏa muộn sầu/ Tay cầm kiếm há giữ mãi nỗi hận nghìn đời/ Bút hoa nhân bộc lộ tấm lòng ngàn lời/ Nếu hỏi sự tình thực hay giả/ Thì hãy theo sự dẫn dắt của ngòi bút./ 原來接歴焚餘艸/旡限沵情在个中/一為佳人存慧果/二和君子觧愁容/手劍豈留千古恨/筆花因發萬言胸/若问事情眞與僞/管城子在可相從”8.

Như vậy, Liên Hương tử sáng tác Tiểu Thanh kí dựa trên hai nguồn là dã sử và tập Phần dư thảo (Bản thảo còn lại không bị đốt), từ cảm hứng xót thương, trân trọng dành cho những người phụ nữ tài tình nhưng bạc mệnh (tư tưởng này được người viết nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm) cũng như tư tưởng khuyến thiện trừng ác. Phương thức sáng tác của Liên Hương tử là cải biên, phóng tác từ nguồn tư liệu đã có. Tuy nhiên, ngay tác giả cũng không chắc chắn về tính chân thực của câu chuyện mình kể (tất nhiên kể cả những phần ông hư cấu thêm). Điều đó dường như phù hợp với một số dấu hiệu về sự hư cấu trong “dã sử”, “giai thoại” về Tiểu Thanh (chẳng hạn: tên nhân vật Tiểu Thanh/ Huyền Huyền và Tử Hư đều có tính ước lệ: họ của Tiểu Thanh rất mù mờ; cái tên Tiểu Thanh được cho là cách viết chiết tự từ chữ “Tình”, “Huyền Huyền” mang tính chất huyền bí; “Tử Hư” nghĩa là hư ảo;…). Đây là điểm cần lưu ý khi nghiên cứu, diễn giải Tiểu Thanh kí cũng như Độc Tiểu Thanh kí.

2.4. Cốt truyện và loại hình tác phẩm

Như đã nói, toàn bộ tác phẩm được chia làm 26 mục. Nội dung từng mục đại lược như sau:

1. Tiên cơ điểm hóa 仙姫點化 (Nàng tiên chỉ dạy lẽ huyền): Giới thiệu họ tên (họ Lí 李, nguyên tên Diệu Linh 妙齡, tên khác là Huyền Huyền 玄玄, biểu tự Tiểu Thanh), quê quán (Quảng Lăng, Hàng Châu), gia cảnh (cha làm quan, nhưng mất sớm nên gia đình sa sút; mẹ vốn dạy học; có một em trai nhỏ), nhan sắc (vô cùng xinh đẹp), tài năng (hay thơ văn), các mối quan hệ (thường với các thiếu nữ phong lưu, tài tử) của Tiểu Thanh. Có một ni sư (thực chất là thiên tiên) báo trước sự đoản mệnh của Tiểu Thanh, khuyên đi tu hoặc không nên học chữ thì mới tránh được, nhưng không được mẹ Tiểu Thanh nghe lời.

2. Thanh nương du ngoạn 靑娘遊玩 (Nàng Tiểu Thanh đi du ngoạn): Giới thiệu họ tên (họ Phùng 馮, tên Tử Hư 子虚), quê quán (Tây Hồ, Dương Châu), gia cảnh (giàu có; lấy vợ họ Tần vụng về, ồn ào, gần 10 năm vẫn chưa có con), dung mạo (cổ quái, đáng ghét), tài năng (ngu lậu, không biết chữ), tính cách (thô bỉ, phàm tục, háo danh, ham tửu sắc, chỉ biết đến tiền, không có lòng tự trọng) người chồng tương lai của Tiểu Thanh. Vào cuối xuân, tiết trời tươi đẹp, Tiểu Thanh đi chơi cùng bạn bè.

3. Viên đình ngộ mĩ 園亭遇美 (Bên đình gặp gỡ người đẹp): Phùng Tử Hư gặp Tiểu Thanh trong hội xuân, si mê sắc đẹp của nàng; thăm dò gia cảnh nhà Tiểu Thanh, nghĩ cách cưới Tiểu Thanh về làm thiếp.

4. Thỉnh thê nạp thiếp 請妻納妾 (Xin phép vợ cả cưới thiếp): Phùng Tử Hư về nhà “xin phép” vợ nạp thiếp để có con nối dõi. Vợ Phùng miễn cưỡng đồng ý, hạn cho trong vòng nửa tháng phải nạp được thiếp (với dự tính Phùng không thực hiện được, không ngờ Phùng đã tính toán đâu vào đấy).

5. Thuyết hôn doãn sính 説婚允聘 (Bàn hôn sự, nhận lễ vật): Phùng thuê bà mối đến dạm hỏi, dùng lời ngọt lễ hậu để thuyết phục mẹ Tiểu Thanh.

6. Sính thú Thanh nương 聘娶靑娘 (Đưa sính lễ cưới Tiểu Thanh): Mẹ Tiểu Thanh tham tiền, hám danh, đồng ý; Tiểu Thanh miễn cưỡng nghe lời nhưng có ấn tượng, dự cảm xấu về người chồng tương lai. Phùng Tử Hư đưa Tiểu Thanh về Dương Châu. Người vợ cả không ngờ Tử Hư cưới được người thiếp vô cùng xinh đẹp, phong lưu, liền nổi cơn ghen, tìm nhiều cách uy hiếp, cấm đoán nhằm hủy hoại nhan sắc, tinh thần của nàng.

7. Tương hội quan đăng 相會觀燈 (Gặp nhau xem hội hoa đăng): Dương phu nhân (chị của Phạm Tử Hư) và Lục nương (con gái phu nhân) gặp Tiểu Thanh, cùng đi xem hội hoa đăng, mến mộ thương cảm Tiểu Thanh, tìm cách động viên, giúp đỡ nàng đối phó với vợ cả (ý tưởng đưa nàng ra Cô Sơn).

8. Yêu du Thiên Trúc 邀遊天竺 (Mời đi chơi chùa Thiên Trúc): Dương phu nhân, Lục nương mời Tần thị và Tiểu Thanh đi chơi chùa Thiên Trúc. Tần thị phản ứng khi bị Tiểu Thanh ngầm chỉ trích về lòng từ bi (ở viện Quán Âm). Nhân đó, Dương phu nhân đề xuất đưa nàng ra Cô Sơn để cách li hai người. Tần thị tán thành.

9. Kí ngộ Cô Sơn 寄遇孤山 (Gửi gắm người đến Cô Sơn): Tần thị đưa Tiểu Thanh ra Cô Sơn cùng với một nàng hầu là Xuân Mai 春梅 (có chỗ viết là Xuân Hương 春香), gắt gao cấm nàng tiếp xúc với chồng và thế giới bên ngoài với những yêu sách phi lí. Nàng ở Cô Sơn với rất nhiều cảnh đẹp nhưng trong lòng không thiết tha gì.

10. Sầu thán canh trù 愁嘆更籌 (Buồn bã than đếm canh khuya): Tả tình cảnh cô đơn, sầu tủi, lời oán thán của Tiểu Thanh.

11. Đối hoa tự thán 對花自嘆 (Nhìn hoa tự than thở): Tả nỗi tiếc nhớ Tiểu Thanh của Phùng Tử Hư.

12. Đồng ngoạn Tây Hồ 同玩西湖 (Cùng ngắm Tây Hồ): Dương phu nhân, Lục nương và Tần thị ra du ngoạn Tây Hồ, rủ Tiểu Thanh cùng đi. Tiểu Thanh miễn cưỡng nghe theo.

13. Đăng lâu chước nghị 登樓酌議 (Lên lầu chuốc rượu, bàn chuyện): Dương phu nhân và Lục nương chuốc rượu cho Tần thị say mèm, lén lên lầu trên thuyền chuyện trò riêng với Tiểu Thanh, nhân đó khuyên nàng bỏ trốn, tìm duyên mới, nhưng Tiểu Thanh không nghe vì tin vào định mệnh an bài và muốn giữ gìn thanh danh, lễ giáo.

14. Thương tình thác vịnh 傷情托詠 (Tình bi thương gửi vào thơ): Tiểu Thanh làm thơ, từ, nói về hoàn cảnh, tâm trạng của bản thân.

15. Tiểu Thanh điếu ảnh 小靑吊影 (Tiểu Thanh thương xót bóng mình): Tiểu Thanh điếu mộ Tô Tiểu Tiểu; thương xót đối thoại với bóng của mình trong nước và trong gương.

16. Thức phá đố tâm 識破妬心 (Tỉnh táo phá vỡ lòng ghen): Tiểu Thanh nhuốm bệnh nặng nhưng không chịu uống thuốc độc do Tần thị gửi đến.

17. Thư biệt phu nhân 書别夫人 (Viết thư từ biệt phu nhân): Tiểu Thanh viết Biệt Dương phu nhân thư (Thư từ biệt Dương phu nhân).

18. Bệnh tả đan thanh 病冩丹靑 (Nhuốm bệnh, cho người vẽ tranh): Tiểu Thanh nhờ họa sư vẽ tranh truyền thần cho mình. Nhưng hai bức đầu không thành công.

19. Phó thi vĩnh biệt 付詩永别 (Đưa thơ vĩnh biệt): Họa sư vẽ bức họa thứ ba thành công. Tiểu Thanh tự cúng tranh mình rồi nhờ người hầu cất giấu bức tranh đó. Tiểu Thanh làm bài thơ tuyệt mệnh.

20. Bão hận quy minh 抱恨歸冥 (Ôm hận về cõi u minh): Tiểu Thanh mất khi mới 18 tuổi. Phùng sinh nghe tin vội chạy đến, khóc ngất, hộc máu, cho chôn cất Tiểu Thanh ngay ở Cô Sơn. Nhờ người làm bài Ai vãn ái thiếp Tiểu Thanh văn (Văn ai điếu người thiếp yêu Tiểu Thanh). Tần thị nghe tin vui mừng, đến vờ điếu viếng, sai người tìm thơ phú của Tiểu Thanh và bức tranh vẽ nàng đem đốt hết. May mắn là còn lại: bức tranh giao cho người hầu; các thơ văn gửi cho Dương phu nhân, Lục nương và các thân hữu;… (mười phần chỉ còn lại một – hai , nằm trong tập Phần dư thảo); chép thơ đề vịnh, ai điếu của một vài văn nhân tài tử (Lục Mật Am, Mộng Mai Hiên).

21. Phu nhân vãn điếu 夫人輓吊 (Phu nhân điếu viếng): Con hầu Xuân Hương tìm đến chỗ Dương phu nhân và Lục nương báo tin buồn; hai người đau xót làm bài Tế ngô thứ cấm Tiểu Thanh Lí thư văn 祭吾庶妗小青李姐文 (Văn khấn em dâu thứ Lý Tiểu Thanh) sai Xuân Hương đem về đốt trước mộ Tiểu Thanh.

22. Độ hóa đăng tiên 渡化登仙 (Độ lên cõi tiên): Quần tiên báo cáo với Tây Vương Mẫu chuyện đời Tiểu Thanh, Vương Mẫu sai đi đón Tiểu Thanh về trời, sai làm tiên nữ phụ trách văn tự ở Dao Trì, phong làm Nhụy Châu tiên tử. Mẹ và em Tiểu Thanh khóc thương con. Dương phu nhân và Lục nương quay trở lại Hàng Châu thăm Cô Sơn, viếng mộ Tiểu Thanh.

23. Tử mẫu tế điện子母祭奠 (Mẹ con lễ tế): Mẹ và em trai Tiểu Thanh đau buồn tế Tiểu Thanh.

24. Hiển linh phục hội 顯靈復會 (Hiển linh quay lại gặp gỡ): Trên Dao Trì, Tiểu Thanh nghe thấu lời mẹ con Dương phu nhân, xin với Vương Mẫu được cùng chư tiên xuống hiển thánh, an ủi, khuyến giới và cảm tạ Dương phu nhân cùng Lục nương.

25. Đố phụ thỉnh tội 妬婦請罪 (Người vợ ghen xin thứ tội): Đúng lúc ấy, Tần thị bất ngờ đến Cô Sơn, thấy Tiểu Thanh đã hiển thánh, bèn phủ phục xin tha tội. Tiểu Thanh bảo về tu dưỡng âm đức, chăm lễ Phật thần.

26. Dao Trì vĩnh lạc 瑤池永樂 (An vui mãi mãi ở Dao Trì): Quần tiên về trời hưởng an lạc mãi mãi. Lục nương và Dương phu nhân đều có kết cục tốt đẹp (sau cũng trở thành thần tiên). Tần thị tính ghen giảm đi, cho chồng lấy vợ mong có con nối dõi, rốt cuộc cũng không có con, khi chết bị đày xuống ngục Phong Đô. Bài học đạo đức, nhân quả cho nhân gian.

Sơ bộ so sánh Tiểu Thanh kí với các văn bản chúng ta đã biết (trong Ngu Sơ tân chí, Tình sử, Tây Hồ giai thoại,…), có thể thấy, Tiểu Thanh kí cơ bản kế thừa các thông tin, tình tiết trong cốt truyện về Tiểu Thanh đã có (với sự xáo trộn nhỏ về trình tự, trong đó nội dung cốt truyện Tiểu Thanh kí gần nhất với thiên Mai tự hận tích trong Tây Hồ giai thoại của Cổ Mặc Lãng Tử thời Khang Hi – có lẽ vì hai văn bản này gần nhau về niên đại, thời đại). Tuy nhiên, Tiểu Thanh kí có một số khác biệt lớn sau:

- Tiểu Thanh họ Lí chứ không phải họ Phùng. Các tư liệu trước đây giải thích vì trùng họ với chồng nên họ của nàng ít được nhắc đến (?) để kiêng tránh. Phải chăng Liên Hương tử không thấy lí giải đó là thuyết phục và ông đã có được tư liệu khác cho thấy họ thật của nàng. Và phải chăng vì Tiểu Thanh làm thiếp họ Phùng nên người ta mới thường gọi nàng là Phùng Tiểu Thanh và từ đó tưởng họ thật của nàng là họ Phùng?...

- Ni sư dự báo số phận Tiểu Thanh chính là một vị thiên tiên. Vị thiên tiên này sẽ còn xuất hiện ở phần cuối tác phẩm như là người sẽ bảo trợ trực tiếp cho Tiểu Thanh trở thành tiên nữ trên Dao Trì.

- Diện mạo, tính cách, tài năng của Phùng Tử Hư bị “xú hóa” (xấu xí, ham sắc ham tiền, không biết chữ, háo danh) để nhấn mạnh tính chất “lậu quân, tục vật”, dường như nhằm gia tăng bi kịch của Tiểu Thanh như lời ni sư có nhận xét: “Nửa đời luống kết hôn nhân xấu/ Ngọc ngà sợ rằng bị phương hại vì rơi vào tay tục”/ 半生徒結惡姻緣/珠玉恐妨歸俗手9.

- Lí do Tiểu Thanh không nghe lời Dương phu nhân bỏ trốn khỏi Cô Sơn ngoài việc chấp nhận định mệnh còn là bảo vệ thanh danh, lễ giáo (theo tư tưởng Nho giáo).

- Toàn bộ phần kết thúc có hậu của tác phẩm (từ mục 20 đến mục 24) cho thấy ảnh hưởng của tư tưởng khuyến thiện trừng ác mang màu sắc tôn giáo, tín ngưỡng dân gian vùng Nam Trung Quốc (thế kỉ XVI - XIX).

Tiểu Thanh kí được các nhà nghiên cứu Trung Quốc xếp vào loại hình “mộc ngư ca”/ 木魚歌 , tức là (văn bản) các truyện thơ (thường được viết bằng thể tạp ngôn trường thiên, trong đó thể thất ngôn cổ phong là chủ đạo, có thể dùng để diễn xướng) thịnh hành ở miền Nam Trung Quốc (đặc biệt là ở tỉnh Quảng Đông) từ cuối triều Minh đến đầu thời Dân Quốc trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như: Đệ bát tài tử Hoa tiên kí, Ngọc Kiều Lê, Bình Sơn Lãnh Yến, Đệ cửu tài tử Nhị Hà Hoa sử,Loại hình này cũng được xếp vào hình thái “tục văn học” (văn học thông tục) trong văn học Trung Quốc. Về mặt thể tài, mộc ngư ca được xếp vào thể khúc. Một ngư ca sử dụng 2 loại khúc điệu là “chính xoang” 正腔 (âm điệu sảng khoái, vui tươi) và “khổ hầu” 苦喉 (âm điệu trầm lắng, bi ai). Khi diễn xướng, nghệ nhân thường dùng 3 loại đàn là nhị hồ, đàn tranh cổ và đàn tam huyền (3 dây) để hỗ trợ, cũng có thể sử dụng thẻ tre để đánh nhịp, phân tiết thứ. Nguồn gốc cốt truyện của mộc ngư ca rất phong phú: truyện Phật giáo, truyện truyền kì, truyện dã sử, truyện thời sự (đương thời),… Tiểu Thanh kí có thể xếp vào loại “mộc ngư ca” có nguồn gốc từ truyện truyền kì hoặc dã sử.

3. Thay lời kết

Cho đến nay, phần nhiều các nhà nghiên cứu nhất trí cho rằng Nguyễn Du viết Độc Tiểu Thanh kí trước khi đi sứ Trung Quốc (1815), tức là viết tại Việt Nam. Với việc phát hiện ra tác phẩm Tiểu Thanh kí, giả thuyết này càng được củng cố, khẳng định. Thực vậy, chỉ cần đọc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du hoàn toàn có đủ các thông tin để viết bài thơ Độc Tiểu Thanh kí. Các thông tin về Tiểu Thanh được Nguyễn Du nhắc đến trong bài thơ của mình đều có thể được tìm thấy trong Tiểu Thanh kí. Với việc niên đại của Tiểu Thanh kí sớm hơn 1793, việc Nguyễn Du đọc được tác phẩm này là rất cao. Hơn nữa, sách được in và phát hành ở Đông Quản, Quảng Đông khá gần Đại Việt lúc bấy giờ nên con đường để sách vượt biên giới đến với những độc giả như Nguyễn Du không quá phức tạp. Như thế, nhiều khả năng bài thơ được Nguyễn Du làm từ việc đọc tác phẩm Tiểu Thanh kí chứ không phải từ việc ông đi viếng điếu Tiểu Thanh. Hơn nữa, ta biết rằng, ít nhất một “mộc ngư ca” nổi tiếng khác là Đệ bát tài tử Hoa Tiên kí (cũng có văn bản được in ở Đông Quản, Quảng Đông thời Càn Long) đã xuất hiện ở Việt Nam chí ít vào nửa cuối thế kỉ XVIII và được Nguyễn Huy Tự 阮輝嗣 (1743-1790) – cháu vợ Nguyễn Du – diễn Nôm thành Truyện Hoa Tiên nổi tiếng. Nguyễn Huy Tự có điều kiện tiếp xúc với mộc ngư ca Hoa Tiên kí thì không có lí gì Nguyễn Du không thể tiếp xúc với Tiểu Thanh kí từ sớm. Điều này cũng được hỗ trợ thêm từ chi tiết một “người thân” khác của Nguyễn Du là Vũ Trinh 武楨 (1759 – 1828) [anh rể Nguyễn Du] từ khoảng năm 1794 trở về trước đã nhắc đến Tiểu Thanh trong tác phẩm Lan Trì Kiến văn lục (thiên Liên Hồ quận quân). Vậy là, có thể thấy rằng, từ khá sớm, Nguyễn Du đã đọc được chí ít là một ca bản về Tiểu Thanh (Tiểu Thanh kí), đã biết đến Phần dư thảo của Tiểu Thanh và xúc động viết nên bài thơ nổi tiếng. Nhan đề bài thơ cho thấy rõ hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Đọc (tác phẩm) Tiểu Thanh kí. Nhưng con đường nào để Tiểu Thanh kí đến tay Nguyễn Du và các tác giả Việt Nam khác (nếu có) như thế nào? Họ đã đọc và tiếp nhận ca bản này ra sao? Nội dung Tiểu Thanh kí có giúp gì cho việc làm sáng tỏ hơn bài thơ Độc Tiểu Thanh kí hay không?... Những vấn đề như thế vượt quá điều kiện, phạm vi của bài viết này và hi vọng sẽ sớm được tiếp tục nghiên cứu, giải quyết trong tương lai./.

N.T.T

[Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 1 - 2023, tr.68-76]

Chú thích và tài liệu tham khảo

  1. Xem: Hà Văn Minh (Chủ biên, 2018), Văn bản tác phẩm Hán Nôm trong nhà trường, NXB. Giáo dục, Hà Nội; Nguyễn Đăng Na (2007), “Độc Tiểu Thanh kí – tư liệu và hướng nghiên cứu”, trong: Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, NXB. Giáo dục, Hà Nội, tr.275-323.
  2. La Trúc Phong (Chủ biên, 1994), Hán ngữ đại từ điển, Tập 3, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, Thượng Hải, tr.1162-1163/ 羅竹風 (主编 1994), 漢語大詞典, 第三集, 漢語大詞典出版社, 上海, 頁1162-1163。
  3. Từ Xảo Việt (2020), “Nhị Hà Hoa sử thám khảo – kiêm luận dữ Tiểu Thanh kí chi quan hệ”, trong Văn hiến, số 5, tr.179 – 189/ 徐巧越 (2020), 〈二荷花史探考——兼论与小青记之关系〉, 文献, 2020年第5期, 頁179-189.
  4. Từ Xảo Việt (2020), “Nhị Hà Hoa sử thám khảo – kiêm luận dữ Tiểu Thanh kí chi quan hệ”, tlđd.
  5. Thôi Uẩn Hoa (2016), “Âu Châu đồ thư quán tàng Thanh đại tục khúc trân bản tứ chủng tập khảo”, trong: Hoàng Sĩ Trung (Chủ biên, 2016), Hí khúc dữ tục văn học nghiên cứu (đệ nhất tập), Xã hội khoa học văn hiến xuất bản xã, Bắc Kinh, tr.269-278 / 崔藴华 (2016), 〈欧洲图书馆藏清代俗曲珍本四种辑考〉, 黄仕忠 (主编, 2016), 戏曲与俗文学研究(第1辑), 社会科学文献出版社, 北京,頁269-278; Từ Xảo Việt (2020), “Nhị Hà Hoa sử thám khảo – kiêm luận dữ Tiểu Thanh kí chi quan hệ”, tlđd.
  6. Từ Xảo Việt (2020), “Nhị Hà Hoa sử thám khảo – kiêm luận dữ Tiểu Thanh kí chi quan hệ”, tlđd.
  7. Liên Hương tử (?), Tiểu Thanh kí, Hoa Hàn đường, tờ 1a-b / 忴香子 (?), 小青记,華翰堂, Thư viện Bang Bavarian, Cộng hòa Liên bang Đức, kí hiệu: L.sin.J 72, 頁 1a-b.
  8. Liên Hương tử (?), Tiểu Thanh kí, Hoa Hàn đường, tlđd, tờ 25b.
  9. Liên Hương tử (?), Tiểu Thanh kí, Hoa Hàn đường, tlđd tờ 1b.
Post by: Khoa Ngữ văn
19-07-2023