Các hoạt động

“CHÍ NAM NHI” TRONG BÀI THƠ 'THUẬT HOÀI' CỦA PHẠM NGŨ LÃO


09-03-2023

Nguyễn Ngọc Diệp

(Trường THPT Đoàn Thị Điểm, Hà Nội)

          1. Quan niệm về “chí nam nhi”

          “Chí nam nhi” (chí làm trai, chí tang bồng...), theo tinh thần Nho giáo, thể hiện triết lí sống có lí tưởng, có ý thức trách nhiệm với chính mình và với thời đại của mỗi cá nhân. Chí làm trai đề cao trọng trách, nghĩa vụ của kẻ nam nhi trong trời đất, coi việc lập công danh, lưu được tiếng thơm ở đời như một món nợ cần phải trả.

          Trong văn học dân gian Việt Nam, nhiều bài ca dao ca ngợi chí làm trai của những trang nam nhi có hoài bão tung hoành bốn phương, có khí phách thực hiện trách nhiệm bảo vệ non sông đất nước đã được truyền tụng sâu rộng:

Làm trai cho đáng lên trai,

Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài yên.

hay:       Làm trai cho đáng lên trai,

Thanh gươm, yên ngựa, dặm dài lướt xông.

Vẫy vùng nam, bắc, tây, đông,

Lấy thân che chở non sông nước nhà.

          Chí làm trai trở thành một tư tưởng chi phối nội dung văn học trung đại, thể hiện rõ chức năng giáo dục đạo đức và lí tưởng sống cho con người. Rất nhiều tác giả đã luận bàn về lẽ sống, về tinh thần lập chí hành động theo mẫu hình này. Nhiều tác phẩm dẫu không nhắc đến chữ “nam nhi”/ “làm trai” nhưng tinh thần nam nhi đã trở thành biểu tượng cho khát vọng sống của con người thời đại. Quan niệm về chí nam nhi, theo đó, đã thể hiện ý thức về giá trị của mỗi người trong mối quan hệ với lịch sử, quốc gia.

          2. “Chí nam nhi” trong bài thơ Thuật hoài

          Bài thơ có nhan đề là Thuật hoài (bày tỏ nỗi lòng, chí hướng). Hình tượng bậc tráng sĩ có hùng tâm tráng chí được tác giả thể hiện trong tác phẩm như một hình tượng trung tâm, xuyên suốt:

Phiên âm

Hoành sóc giang sơn cáp kỉ thu,

Tam quân tì hổ, khí thôn Ngưu.

Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

Dịch thơ:

(1). Múa giáo non sông trải mấy thâu,

Ba quân hùng khí át sao Ngưu.

Công danh nam tử còn vương nợ,

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.

(Trần Trọng Kim dịch, theo: Việt Nam sử lược, NXB Tân Việt, 1951)

(2). Múa giáo non sông trải mấy thu,

Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.

Công danh nam tử còn vương nợ,

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.

(Bùi Văn Nguyên dịch, theo: Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập II, NXB Văn học, Hà Nội, 1976)

Nguyên văn bài thơ Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão) trong sách Toàn Việt thi lục. A.1262

           Hai câu đầu, bậc tráng sĩ xuất hiện trong tư thế “đối diện” với vận mệnh của đất nước. “Múa giáo non sông trải mấy thâu”: Câu thơ mở ra không gian mênh mông rộng lớn của “giang sơn” hùng vĩ, của thời gian dạn dày, từng trải. Câu thơ nguyên văn là “Hoành sóc giang sơn cáp kỉ thu”. Tư thế “hoành sóc”(cầm ngang ngọn giáo), đặc tả hình ảnh trang nam nhi oai phong, lẫm liệt; hiên ngang, vững chãi; kiên gan bền chí thực hiện nhiệm vụ bảo vệ non sông. Câu thơ dịch là “múa giáo” chưa thể hiện rõ tầm vóc lớn lao và vẻ đẹp hào hùng đó.

          Bằng việc sử dụng các hình ảnh so sánh có tính biểu trưng, câu thơ thứ hai thể hiện niềm tự hào của tác giả về sức mạnh của quân đội nhà Trần: “Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu”. Bản dịch của Trần Trọng Kim đã đề xuất hiểu “khí thôn Ngưu” là khí thế mạnh mẽ làm mờ át sao Ngưu. ở một bản dịch khác, Bùi Văn Nguyên đề xuất dịch câu thơ này là “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”. Tuy cách hiểu khác nhau nhưng cả hai bản dịch đều khẳng định sức mạnh của quân đội nói chung. Căn cứ vào ngữ nghĩa văn bản và tính đa nghĩa của hình tượng trong văn học cổ, chúng ta có thể chấp nhận cả hai cách hiểu này.

          Cụm từ “tam quân” trong ý thơ trên thường được giải thích là ba cánh quân: gồm tiền quân, trung quân, hậu quân hoặc tả quân, trung quân, hữu quân. Nếu hiểu như vậy, “tam quân” chỉ là cách tổ chức đội hình binh lính trong hành quân hoặc dàn binh của một trận đánh. Theo tác giả cuốn Văn bản tác phẩm Hán Nôm trong nhà trường (tr.153) thì “tam quân” là quy định về tổ chức biên chế quân đội thời xưa, quân là đơn vị quân đội lớn nhất, dưới quân là các đơn vị như sư, lữ,... và đơn vị nhỏ nhất là ngũ: “Theo quy định của binh chế, một quốc gia tự chủ (chư hầu lớn) có quyền có từ 3 quân, chư hầu vừa có 2 quân, chư hầu nhỏ có 1 quân, các nước quá nhỏ (nước phụ dung, chư hầu của chư hầu) không có quyền có quân đội”. Cách lí giải này còn cần đợi kiểm chứng thêm nhưng tạm cho thấy tính hợp lí nhất định. Ứng với câu thơ của Phạm Ngũ Lão, “Ba quân sức mạnh át sao Ngưu” thể hiện niềm tự hào của tác giả về sức mạnh tự chủ, tự lực tự cường của quân đội Đại Việt.

          Hai câu sau, vẻ đẹp chí nam nhi trong bài thơ tiếp tục được thể hiện ở triết lí hành động mạnh mẽ:

Công danh nam tử còn vương nợ,

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.

          Câu thơ nguyên văn nhắc đến món nợ công danh của kẻ làm trai. Phàm là thân nam nhi sinh ra trong trời đất phải lập được chiến công, lưu được tiếng thơm. Sau này, Nguyễn Công Trứ cũng triết lí: “Đã mang tiếng ở trong trời đất,/ Phải có danh gì với núi sông (Đi thi tự vịnh). Lập công, lưu danh sử sách là lí tưởng sống tích cực của kẻ làm trai trong xã hội phong kiến.

          Câu thơ của Phạm Ngũ Lão nhắc tới Vũ hầu Gia Cát Lượng, quân sư của Lưu Bị thời Tam Quốc (Trung Hoa). Gia Cát Lượng nổi tiếng là người có đức, có tài và đã đem tài năng ấy giúp Lưu Bị thực hiện hoài bão phục hưng nhà Hán. Tuy sự nghiệp không thành nhưng ông đã lập được nhiều công trạng lớn, trở thành biểu tượng của khát vọng lập công.

          Có nhiều ý kiến cho rằng hai câu thơ thể hiện cái thẹn của Phạm Ngũ Lão khi chưa có được tài mưu lược, chưa lập được công trạng lớn như Vũ Hầu; đồng thời cho đó là biểu hiện của sự khiêm tốn, là cái thẹn của con người có chí lớn, nhân cách lớn. Lại có một số ý kiến khác cho rằng: So sánh mình với Vũ hầu, với một người nổi tiếng trong sử sách, ý thơ thể hiện sự kiêu hãnh của Phạm Ngũ Lão,…

          Xét mạch ý của bài thơ, có thể diễn giải logic hai câu kết của tác phẩm như sau:

Làm trai, (nếu) chưa trả xong nợ công danh,

(Thì sẽ) hổ thẹn khi nghe người đời nhắc đến sự nghiệp của Vũ Hầu.

          Phạm Ngũ Lão là một danh tướng thời Trần, nổi tiếng là người có tài thao lược. Tuy xuất thân áo vải nhưng đã được thăng tới chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu. Đã góp bao công lao vào sự nghiệp trị quốc, bình thiên hạ, ấy thế nhưng Phạm Ngũ Lão vẫn luôn nhìn lại mình để tự nhắc nhở: Nếu chưa trả xong nợ công danh thì sẽ hổ thẹn khi nghe người đời nhắc đến Vũ hầu. Câu thơ mang ý biện luận, thể hiện một triết lí sống mạnh mẽ, thôi thúc, dấn thân. Đó cũng chính là ý thức trách nhiệm, đồng thời là lí tưởng sống cao cả của con người thời đại.

          3. Kết luận

          Văn học đời Trần có nhiều khuynh hướng chủ đề, nhưng khuynh hướng chủ đạo vẫn là bộc lộ tinh thần yêu nước, yêu nước gắn liền với sự nghiệp bảo vệ giang sơn, với khát vọng củng cố nền tự chủ quốc gia. Bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão có thể coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất trong mạch chủ đề này. Cảm hứng thơ hùng hồn, mạnh mẽ, ý thơ rắn rỏi hiên ngang, ngôn từ cô đọng hàm súc, bút pháp tung hoành phóng túng, triết lí khái quát sâu sắc,… của tác phẩm đã giúp xây dựng một tượng đài về con người có tầm vóc sánh cùng lịch sử non sông.

          Tài liệu tham khảo

  1. Đinh Gia Khánh (Chủ biên, 1976), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập 2, NXB Văn học, Hà Nội.
  2. Hà Minh (Chủ biên, 2018), Văn bản tác phẩm Hán Nôm trong nhà trường, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  3. Trần Đình Sử (2005), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  4. Lã Nhâm Thìn (2009), Phân tích tác phẩm trung đại Việt Nam từ góc nhìn thể loại, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  5. Trần Nho Thìn (2009), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hoá. NXB Giáo dục, Hà Nội.
Post by: Khoa Ngữ văn
09-03-2023