Nghiên cứu khoa học

SO SÁNH CÁCH DỊCH DANH TỪ CỦA BẢN NÔM CHINH PHỤ NGÂM HIỆN HÀNH VỚI BA BẢN DỊCH NÔM KHÁC


15-11-2021

NGUYỄN DANH ĐẠT

Nói đến văn bản dịch Chinh phụ ngâm hiện hành hẳn mọi người dễ thừa nhận rằng đây là một kỳ công, nó không chỉ phản ánh rèn luyện gian khổ để đạt đến trình độ nghệ thuật xuất sắc cuả cá nhân người dịch mà còn phản ánh cả trình độ ngôn ngữ và văn học của dân tộc ta trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

Để làm sáng rõ, trong phạm vi bài này, chúng tôi xin phép được khảo sát riêng về cách dịch danh từ mà theo ý chúng tôi, đã tập trung được những nét đặc sắc của bản dịch.

Trước hết cách làm của chúng tôi là thống kê phân loại những danh từ có trong nguyên tác rồi đem so sánh với những từ ngữ chuyển đổi tương ứng trong các bản dịch khác nhau(1). Sau đó mới phân tích tìm nguyên nhân của những trường hợp chuyển dịch. Để có thể tiến hành được, dựa theo ý nghĩa và mô hình câu Hán văn của từng đơn vị từ ngữ đã được bản Nôm chuyển đổi, chúng tôi tạm thời chia ra làm ba loại chính theo ba hạng sau đây:

a) Dạng nguyên: là dạng gồm những từ ngữ:

- Nguyên cấu trúc là âm đọc Hán Việt. Ví dụ: Hịch, nguyệt.

- Cấu trúc và âm đọc đã chuyển sang Việt. Ví dụ: Bán dạ: nửa đêm.

- Cấu trúc và âm đọc đã chuyển sang Việt, trong đó đã có thêm hoặc bớt đi một số yếu tố do đặc trưng ngôn ngữ Việt quyết định. Ví dụ: Hồng nhan: Khách má hồng(thêm: “khách”). Hàm Dương: chốn Hàm Dương (thêm: “chốn”). Kỳ Lân đài: Đài Lân (bớt: “kỳ”).

b) Dạng đổi: Những loại này có nguyên nhân là do đặc trưng giữa hai ngôn ngữ khác nhau hoặc là do văn cảnh và cách lĩnh hội nội dung nguyên tác khác nhau của người dịch, cho nên những từ ngữ Hán Việt trong nguyên tác không đi theo hướng như trên mà được chuyển sang một dạng khác với mục đích là miêu tả nội dung ý nghĩa của từ ngữ nguyên tác.

Ví dụ: Long tuyền(nguyên là tên riêng của một thanh gươm quý) dịch là “gươm”

Tạc dạ phòng (nguyên nghĩa là: phòng đêm qua) dịch là “buồng cũ chiếu chăn”.

c) Dạng lược: Đó là những từ ngữ có trong nguyên tác nhưng khi đối chiếu với bản dịch Nôm, chúng tôi không thấy có sự hiện diện của những từ Nôm tương ứng mà được hàm ẩn dưới những dạng khác nhau trong câu thơ Nôm. Ví dụ: “vân hoàn mấn” trong câu “vị quân sơ truất vân hoàn mấn(xin vì chàng mà chải chuốt mái tóc mây), ” nhưng tác phẩm lại dịch là: “xin vì chàng rũ lớp phong sương”. Ở đây, cụm danh từ “mớ tóc mây” đã ẩn cả vào trong câu thơ trên. Trường hợp này chúng tôi xếp vào loại không địch và gọi là dạng lược. Trên cơ sở như vậy, chúng tôi tập trung khảo sát 603 danh từ có trong tác phẩm theo 3 dạng đã trình bày. Sau đây là kết quả cụ thể:

1. Kết quả chung khi so sánh với các bản dịch khác.

Căn cứ vào nguyên tắc phân chia trên, sau khi khảo sát 603 danh từ Hán Việt có trong nguyên tắc, so sánh với cả 4 bản dịch(chúng tôi gọi bản dịch hiện hành là bản A, các bản khác là B, C, D) chúng tôi thấy tình hình diễn ra như sau:

Qua bản tổng hợp trên, chúng tôi thấy tình hình chung cả 4 bản dịch đều có sự tương đương về phương thức chuyển hoá danh từ: dạng nguyên trên dưới 60 %; dạng đổi trên dưới 20%; dạng lược cũng vậy, khoảng trên dưới 20%. Tình hình đó cho thấy mức độ nhận thức đối với nội dung nguyên tác của các bản dịch cũng đã đi sát nhau tương đối. Cả 4 bản dịch đều thể hiện rõ khả năng chuyển hoá danh từ Hán Việt sang Nôm là rất phong phú và đa dạng. Đọc tất cả các bản dịch, mọi người dễ nhận thấy sự diễn biến và mức độ phát triển mạnh mẽ của tiếng Việt. Đặc biệt ở bản dịch hiện hành, với mức độ Việt hoá cao của nó, từng chữ, từng câu, đã trở thành những viên ngọc quý tiêu biểu cho ngôn ngữ đẹp đẽ, trong sáng của văn chương Việt Nam.

2. Riêng đối với bản Nôm hiện hành:

Tuy vậy, vấn đề không phải là số lượng mà là chất lượng.Đến đây một câu hỏi đặt ra và cần được giải đáp, đó là bản dịch hiện hành đã đi theo hướng như thế nào mà đạt được trình độ cao về nghệ thuật như thế”.

Dựa vào tài liệu thống kê được, ở đây chúng tôi cũng sẽ phân tích và bình luận về ba dạng khác nhau của việc chuyển dịch từ Hán Việt sang Nôm như sau:

TT Các bản dịch Nôm Dạng nguyên Dạng đổi Dạng lược
1 2 3 Tổng số
SL % SL % SL % SL % SL % SL %
1 A 54 8 118 31 151 25 393 65,17 09 15,42 117 19,40
2 B 66 10 213 35 137 22 416 68,19 115 19,07 72 11,94
3 C 55 9 181 30 131 21 367 60,93 121 20,1 115 19,07
4 D 48 7 204 33 95 15 347 57,54 132 21,89 124 20,56

Dạng nguyên: Dạng này có tất cả 393 trường hợp chiếm 56,7%, trong đó, có 54 trường hợp giữ nguyên âm đọc Hán Việt, chiếm 8%. Khi nghiên cứu những trường hợp này, chúng tôi thấy trên đại thể, các danh từ này phần lớn đều đã hoàn toàn lọt vào trong hệ thống các tự ngữ Việt. Các danh từ này đều có thể đứng độc lập như những danh từ thuần Việt khác.Đây là một bước tiến khá dài của dịch phẩm hiện hành trên con đường Việt hóa từ ngữ HánViệt. Nó không những đã vượt xa các dịch phẩm Chinh phụ ngâm khác mà còn là một mẫu mực cho một lối diễn đạt trong sáng theo cách nói và viết của người Việt. Vể điểm này có lẽ chúng tôi không cần phải bàn thêm. Đây chỉ xin nêu lên một số trường hợp ở các bản dịch khác chứng tỏ ở đó các dịch giả đã chưa thoát được khỏi ảnh hưởng của Hán Ngữ, do đó mức độ Việt hoá còn bị hạn chế. Ví dụ:

TT Danh từ Hán Bản Nôm A dịch Cách dịch của các bản Nôm khác
1 Vũ thần Quan võ B: kẻ vũ thần
2 Thê noa Thê noa B: tình duyên
C: nỗi vợ con
D: tình thất gia
3 Oán Oán B: Giận thiết tha
C: Giận
4 Trượng phu chí Chí làm trai B: Trượng phu
5 Mã cách Da ngựa B: Mã cách

Còn hiện tượng “thêm bớt” thì ở văn bản có 151 trường hợp, chiếm 33%. Khi phân tích hạng này, chúng tôi thấy có những đặc điểm sau:

Nguyên tác viết:

Thiên địa phong trần,
Hồng nhan đa truân,
Du du bỉ thương hề, thuỳ tạo nhân.

Bản dịch hiện hành:

“Thủa trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên,
Xanh kia thăm thẳm tầng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này”.

Ở câu thơ Nôm trước các danh từ trời đất, gió bụi, má hồng, truân chiêm là những từ ngữ Việt có thể nói là biểu hiện những khái niệm tương đương với các chữ Hán: Thiên địa, phong trần, hồng nhan, truân, tác giả đã thêm các từ thuở (thuở trời đất), cơn (cơn gió bụi), khách (khách má hồng) theo những đặc trưng cho phép của ngôn của ngôn ngữ Việt khiến cho câu văn thêm cụ thể, thêm sáng, Điều đó nếu đem đối chiếu với các bản dịch khác thì càng dễ thấy:

Bản B: Trời đất thủa gió bay bụi nổi
Khách hồng nhan nhiều nỗi truân chuyên
Kìa thăm thẳm nhẽ thương nhiên
Uẩy ai gây dựng nhân duyên lỡ làng?
Bản C: Nào trời đất nổi cơn gió bụi
Kẻ hồng nhan nhiêu nỗi gian truân
Kìa xanh thăm thẳm mấy lần
Duyên này ai khéo xây vần cho nên?
Bản D: Trên trời đưới đất bụi bay
Má hồng phận bạc đắng cay nhiều bề
Vòi vọi kia ngõ hay chẳng tả
ấy vì ai tạo hoá nhân duyên?

Trừ bản D, bản dịch có nhiều chỗ không sát đúng với tinh thần nội dung nguyên tác, (câu đầu đã diễn tả một cảnh tượng trời đất gió bụi chung chung, không làm người đọc có liên tưởng với cảnh tượng chiến tranh. Nhân vật chịu nỗi cơ cực ở nguyên tác là tất cả mọi người phụ nữ nói chung chứ không riêng gì “má hồng phận bạc”, câu thơ cũng chưa nói thoát), thì bản B và C là có nhiều nét gần gũi với bản A. Tuy vậy đối chiếu với hai bản dịch trên, có điều dễ cho chúng ta phải suy nghĩ là ngoài những từ còn phải bàn như: nên dịch hay không nên dịch chữ Nhân Hán Việt thành danh từ Nôm “nhân duyên” (bản B) hay “duyên này” (bản C) hoặc còn vướng nhiều ảnh hưởng ngữ âm và cấu trúc hán như “thương thiên” (bản B). ở đây có một từ thêm vào hết sức quan trọng, nó chứng tỏ sự thâm nhập sâu sắc hay chưa sâu sắc nội dung của nguyên tác, đó là từ “thuở” (bản A, bản B) hay chữ “nẻo” (bản B). Trong hai từ thêm vào đó, từ nào thể hiện đúng nội dung nguyên tác?

Trước hết từ “thuở” là một khái niệm chỉ thời gian bắt đầu của một hành động, tương đương với các từ “buổi” “lúc” “khi” (Đái Xuân Ninh: hoạt động của từ tiếng việt NXB, Hà Nội, 1978. Tr 107), còn “nẻo” là một lối đi, một lối đi, một đường đi (Đào Duy Anh: Từ điển Truyện Kiều - phần giải thích từ “nẻo”).

Trong nguyên tác, do tính chất khái quát ca của tổ hợp thiên địa phong trần và do yêu cầu kết cấu của câu thơ không cho phép tác giả thêm những từ có tính chất xác định về thơì gian hay không gian, khiến các dịch giả khi cầm bút trở nên phân vân (bản D tránh không dịch) do đó mới có tình trạng “thuở” và thêm “nẻo”.

Ta có thể nói rằng ở đây tác giả của dịch phẩm A, B dùng “thuở” là xác đáng, vì:

- “Thuở” là chỉ phạm vi của thời gian. Đó là thời gian bao giờ cũng có khả năng hàm chứa cả không gian bên trong nó. Câu thơ dịhc thêm chữ “thuở” tiếp đến thêm chữ “cơn” (đứng trước danh từ “gió bụi”), chỉ một hiện tượng, một tình trạng đột nhiên xảy ra và có tính chất dữ dội (Đái Xuân Ninh, sách đã dẫn, tr. 107) cho ta liên tưởng ngay tính chất đột biến bắt đầu của hiện tượng, khác với “nẻo” chỉ cho ta một phạm vi có hạn định trong không gian, chữ “nẻo” ở đây nói không đúng ý nghĩa của nguyên tác.

- “Thuở” rất phù hợp với nội dung nguyên tác muốn diễn đạt. Điều đó thể hiện rõ khi ta đọc tiếp câu thơ số 8, số 9 của nguyên tác:

Thanh bình tam bách niên thiên hạ
Tòng thử nhung y thuộc vũ thần.

Chỉ thêm một chữ “thuở” trong câu đầu, tiếp đến thêm chữ “cũ” vào câu số 8 và gói kết lại với nhóm từ “từ đây” đã góp phần làm sáng tỏ dụng ý của nội dung khúc ngâm mà trong nguyên tác có khi vì lý do đặc trưng ngôn ngữ hoặc do luật thơ khiến những ý đó phải ẩn đi. Sự phát hiện ý đồ của nội dung nguyên tác để rồi thêm một số từ thích đáng vào trong bản dịch tiéeng dân tộc, đồng thời với việc kết hợp những từ ngữ có sẵn của nguyên tác tạo thành một khối hoàn chỉnh bổ sung cho nhau để làm sáng rõ nội dung nguyên tác chỉ có thể thực hiện được trong tay những nghệ sĩ có tài. Điều này thật hiển nhiên khi ta đem so sánh với bản B.

Bản B tuy cũng dựa vào một từ “thuở” thật đấy nhưng ý câu thơ yếu hơn hẳn so với bản dịch hiện hành. Lý do thật dễ thấy: Câu số 8 “thanh bình tam bách niên thiên hạ”, bản B lại dịch một ý chung chung là: “ba trăm năm dưới đời bình trị”, không ăn ý với câu sau: “Việc nhung y với kẻ vũ thần”.

- Sử dụng từ biệt loại hoặc những danh từ có khả năng mang tính biệt loại để cụ thể hoá nội dung từ ngữ Hán. Dưới đây, xin nêu ba ví dụ để so sánh giữa các bản dịch khác:

TT Nguyên tác viết Bản dịch A Bản dịch B
1 Nhất nhung yên Một cỗ nhung yên Một chiếc nhung yên
2 Công danh Áng công danh Hội công danh
3 Sơ song Bức rèm thưa Chiếc song thưa
4 Lộ nhất quần Một đàn  Một lũ cò (Bản B)

Đi đôi với việc thêm vào những từ biệt loại hết sức chính xác đối với từng danh từ như trên, nghiên cứu bản dịch Nôm hiện hành, chúng tôi còn thấy một hiện tượng đáng chú ý khác. Đó là người dịch đã cụ thể hoá hay thông tục hoá những từ ngữ mang điển cố hết sức cầu kỳ khó hiểu của nguyên tác bằng cách thêm vào trước nó những từ mang tính biệt loại như: “Sự” thêm vào trước danh từ “Phục ba” để dịch từ “Mã Viện”, “Cành”, “đoá” vào trước danh từ “Diêu”, “Nguỵ” để dịch từ “Diêu hoàng, Nguỵ tử” của tiếng Hán.

Ở đây, sự khiến người đọc dễ liên tưởng tới một sự trạng ít nhiều có tổ chức, có diễn biến, có kết thúc; còn “cành” và “đoá” khiến người đọc nghĩ ngay đây là những danh từ chung chỉ loài thực vật và các loài hoa, khác nào như “cành mẫu đơn”, “đoá hoa”...

Có thể nói đây là một hình thức Việt hoá các từ Hán mang điển cố của dịch phẩm thật là đặc sắc. Điều này không thấy có trong các bản dịch khác.

b) Dạng đổi và dạng lược.

Theo thống kê, tỷ số đổi và lược ở các bản dịch tương đối ngang nhau:

Bản A: 34,8%; Bản B: 31,01%; Bản C: 39,17%; Bản D: 42,45%.

Nhưng sở dĩ bản A, chất lượng cao hơn cả ba bản Nôm còn lại là vì bản này đã đi theo hướng mà các bản dịch khác (B.C.D) chưa làm được, hoặc làm được nhưng chưa đầy đủ. Hướng đó là: dịch phẩm luôn luôn bám sát phong cách diễn đạt của tiếng Việt, không lệ thuộc vào hình thức biểu đạt của nguyên tác Hán văn (mặc dầu ở đây nguyên tác cũng đã được Việt hoá). Dịch phẩm sẵn sàng chuyển đổi hoặc gạt hẳn những yếu tố ngoại lai khiến cho văn bản Nôm tuy là văn bản dịch mà nhiều người có cảm giác như văn làm (Hoàng Xuân Hãn). và sau đây là những hướng đi cụ thể đó:

- Từ ngữ Hán Việt sang Nôm phải đổi khác đi do những từ ngữ đó phản ánh tổ chức đời sống xã hội Hán khác Việt. Ví dụ:

Tỉnh ấp chuyển sang Nôm là nhà thôn. Ở đây danh từ không phải ở dạng nguyên như trên mà người dịch đã chuyển nghĩa theo tinh thần của nội dung từ ngữ đó. Theo các nhà nghiên cứu Hán ngữ thì tỉnh có nghĩa là giếng, ấp có nghĩa là làng xóm. Riêng chữ tỉnh cũng có nghĩa là làng xóm. Theo phép của chế độ nhà Chu xưa, mỗi một dặm đất vuông vạch theo chữ “tỉnh” làm 9 phần, mỗi phần trăm mẫu, chia cho 8 nhà (làng xóm) còn phần chính giữa là của công. Tám nhà chung sức làm phần thứ 9 ở giữa là công điền khỏi nạp thuế. Vì vậy gọi là tỉnh điền, tỉnh ấp. Cách tổ chức đó hoàn toàn khác với xóm thôn Việt Nam. Vì vậy dịch phẩm Nôm hiện hành đổi tỉnh ấ sang nhà thôn (Nhà thôn gió bụi chông chênh) là hoàn toàn phù hợp với cách nghĩ của người Việt Nam. Các bản nôm khác bỏ qua không dịch, theo ý chúng tôi có lẽ đây là một danh từ xem ra cũng khó chuyển đạt, bởi người dịch các bản Nôm B, C, D đã bị vướng về ấn tượng tổ chức xã hội Hán như đã trình bày.

Quắc: có nghĩa là cái tai bị cắt rời ra. Theo tập tục của người Hán, giết giặc cắt lấy tai trái đem về nộp lấy công là yêu cầu không thể thiếu đối với người lính khi tính công. Vậy quắc ở đây vừa có nghĩa là tai trái vừa có nghĩa là công. Bản Nôm hiện hành đã không bị lệ thuộc vào tập quán hiển hiện của từ đó mà đã dịch thành từ công (Triều thiên vào trước cung đình dâng công), trong khi đó các bản dịch khác vẫn bị ấn tượng về từ “quắc” khống chế.

Bản B dịch: “Dâng đầu Hiệt lợi chín trùng Vị ương”

Bản C dịch: “Cung Ương hiến quắc, rạng nhờ khen không”

Bản D dịch: “Cung Vị ương mấy quắc đem tâu”.

Thanh ty kỵ, hưởng điệp lang: (Ngựa thanh ty, Hiên hưởng điệp) trong câu: Quân biên vân ủng thang ty kỵ, Thiếp xứ đài sinh hưởng điệp lang.

Ngựa thanh ty vốn là thứ ngựa quý, buộc tơ xanh ở đuôi, chuyên dùng cho tướng tá cưỡi (Lại Ngọc Cang: CPNKT và GT. Tr. 375).

Hiên hưởng điệp: Vua Ngô Phù Sai cho người đào đất, bắc gỗ làm sàn cho Tây Thi đi lên trên để có tiếng vang nên gọi là “hưởng điệp lang”.

Bản dịch Nôm hiện hành đã đổi hai nhóm từ trên thành ngựa (thay cho từ “thanh ty kỵ”) và lối cũ (thay cho “hưởng điệp lang”):

Chàng dong ngựa dặm đường mây phủ
Thiếp dạo hùi lối cũ rêu in.

Trong khi đó bản B dịch: “ngựa”, “thềm hoa”.
Chàng chốn nà o ngựa len mây nổi
Chốn thiếp ngồi rêu nổi thềm hoa.

Bản C dịch: “Hàng kỵ”, “chái”:

Chốn chàng đi mây chen hàng kỵ
Chốn thiếp ngồi, chái để những rêu.

Bản D dịch: “quân kỵ”, “hưởng điệp”

Mây tuôn quân kỵ theo chàng
Rêu lang hưởng điệp là làng thiếp nương.

So sánh như thế, chúng tôi thấy bản Nôm hiện hành đã dựa hẳn vào tinh thần nội dung nguyên tác để dịch, không hề bị lệ thuộc máy móc vào các từ ngữ Hán cụ thể. Nhờ đó câu thơ dẽ trở nên thanh thoát bóng bẩy.

- Những từ ngữ Hán phải đổi hay phải lược đi vì phong cách diễn đạt ngôn ngữ Hán khác phong cách diễn đạt của ngôn ngữ Việt.

+ Tỉnh lược chủ ngữ

Hành nhân trọng pháp khinh ly biệt, dịch là:

“Phép công là trọng niềm tây sá nào”, hành nhân ở đây bị lược bỏ.

Cẩm trướng quân vương tri dã vô, dịch là:

“Trên trướng gấm thấu hay chăng nhẽ”, quân vương bị lược.

Tính khái quát thay thế tính cụ thể quá chi tiết của Hán. Ví dụ:

Lương nhân nhị thập Ngô môn hào

(Chàng hai mươi tuổi dòng hào kiệt họ Ngô).

Bản A dịch là:

“Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt”.

Ở đây, tuổi 20, dòng họ Ngô đã bị thay thế bằng tuổi trẻ và hào kiệt.

Khứ khứ lạc mai thanh tiệm viễn

(Tiếng hát lạc mai nghe xa dần).

Bản A dịch là:

“Tiếng địch trỗi nghe chừng đồng vọng”.

Lạc mai là một khúc nhạc cụ thể đã bị thay thế bằng tiếng địch.

Thiếp quy xứ hề tạc dạ phòng,

(Nơi thiếp trở về là phòng đêm qua).

Bản A dịch:

“Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn”.

Buồng đêm qua bị thay bằng buồng cũ chiếu chăn...

Tóm lại, những từ ngữ Nôm trong bản dịch hiện hành đã phản ảnh cuộc sống văn hoá, cách suy nghĩ của người Việt luôn hướng theo thói quen dân tộc như trên đã trình bày. Bởi vậy, từng chữ từng câu trong dịch phẩm là những viên ngọc quý đậm đà sắc thái tâm hồn của người Việt. Những câu thơ đó không hề bị gò bó, không hề sa vào những chi tiết vụn vặt cầu kỳ. Đọc thơ Chinh phụ ngâm sở dĩ người đọc cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái chính là vì vậy.

CHÚ THÍCH

(1) Nguyên tác Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn đã được nhiều người dịch ra Nôm. ở đây chúng tôi căn cứ vào 4 bản đã được Hoàng Xuân Hãn cho công bố để khảo sát. Xem: Chinh phụ ngâm bị khảo, Nxb Minh Tân. Paris, 1953.

http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/8601.htm

Post by: admin
15-11-2021