Văn học nước ngoài

SỰ PHÂN CỰC KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG SÁNG TÁC CỦA KAWABATA


19-10-2020
Tác giả: PGS. TS Nguyễn Thị Mai Liên

Kawabata là nhà văn đầu tiên của Nhật Bản được giải Nôben văn chương. Khi ông cầm bút sáng tác cũng là lúc văn học Nhật Bản chịu ảnh hưởng sâu sắc của ngọn gió văn học phương Tây. Thoạt đầu, Kawabata cũng ít nhiều hấp thu các khuynh hướng đó. Ông sáng tác theo chủ nghĩa Tân cảm giác. Song ông vẫn chủ trương giữ vững di sản văn học và truyền thống mĩ học dân tộc.



Không gian nghệ thuật là “hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả, trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong trường nhìn nhất định, qua đó thế giới nghệ thuật bộc lộ toàn bộ quảng tính của nó...Không gian nghệ thuật gắn liền với cảm thụ về không gian nên mang tính chủ quan. Do vậy không gian nghệ thuật có tính độc lập tương đối không quy được vào không gian địa lý..”1. “Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay của một giai đoạn văn học”2. Như vậy, tác phẩm văn học nào cũng xây dựng một mô hình không gian nghệ thuật sáng tạo để thực hiện sự miêu tả, trần thuật, từ đó bộc lộ những quan niệm, tư tưởng độc đáo của nhà văn về cuộc đời.
Kawabata là nhà văn đầu tiên của Nhật Bản được giải Nôben văn chương. Khi ông cầm bút sáng tác cũng là lúc văn học Nhật Bản chịu ảnh hưởng sâu sắc của ngọn gió văn học phương Tây. Thoạt đầu, Kawabata cũng ít nhiều hấp thu các khuynh hướng đó. Ông sáng tác theo chủ nghĩa Tân cảm giác. Song ông vẫn chủ trương giữ vững di sản văn học và truyền thống mĩ học dân tộc. Ông nói: ''Bị lôi cuốn bởi những trào lưu hiện đại phương Tây, đôi lúc tôi cũng lấy đó làm mẫu. Nhưng về gốc rễ , tôi vẫn là người phương Đông và không bao giờ từ bỏ con đường ấy''3. Trong diễn văn đọc tại lễ trao giải Nobel năm 1968, Anders Sterling khẳng định: “Cũng như người đồng hương cao niên quá cố Tanizaki, phải thừa nhận là ông đã chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực phương Tây nhưng đồng thời ông cũng lấy văn chương cổ điển Nhật Bản làm nền tảng và nhờ đó đại diện cho một khuynh hướng rõ rệt về sự hoài vọng và gìn giữ phong cách truyền thống thật sự của đất nước”4. Xu hướng cổ điển của Kawabata là xu hướng cổ điển sau khi đã trải qua một thời kì hiện đại. Tâm hồn Nhật, truyền thống yêu cái đẹp, giữ gìn cái đẹp, phát huy giá trị vĩnh hằng của cái đẹp trong đời sống con người và trong nghệ thuật trở thành chủ đề chính trong các tác phẩm của Kawabata. Vì vậy, ông thường được coi là ''người lữ khách muôn đời đi tìm cái đẹp '' (Mishima Yakio), là ''người cứu rỗi cái đẹp'' (Nhật Chiêu ). Để thể hiện chủ đề trên, Kawabata đã xây dựng trong sáng tác của mình không gian nghệ thuật là tổng hoà của những đối cực, thể hiện chiều sâu suy tưởng của nhà văn về một hành trình từ bỏ và kiếm tìm: Không gian thực tại- không gian hư ảo, không gian đô thị- không gian nguyên sơ, ...
I. Không gian thực tại:
1. Không gian đô thị: phồn hoa, ồn ào, lạnh lẽo
Trong sáng của Kawabata, không gian thực tại được phân thành hai cực rõ nét. Chúng tôi tạm gọi là không gian đô thị và không gian nguyên sơ. Cụm từ sau dùng để chỉ loại không gian nguyên sơ, nơi còn lưu giữ những vẻ đẹp truyền thống của Nhật Bản mà nhà văn suốt đời tìm kiếm. Nó xuất hiện đối sánh với không gian đô thị dùng để chỉ không gian do con người tạo tác tuy nhiên lại chất chứa nhiều dục vọng xấu xa mà nhà văn đã lên tiếng phê phán.
Trong sáng tác của Kawabata, bên cạnh một thiên nhiên nguyên sơ trong lành, tinh khiết còn có một không gian thứ hai, thiên nhiên do con người tạo tác. Đó là nơi thị thành bụi bặm, ồn ào nhưng lại lạnh lẽo. Hầu hết, các nhân vật lữ nhân đều thực hiện hành trình rời bỏ không gian đô thị để trở về với thiên nhiên nguyên sơ, trong sáng như một sự trở về với cội nguồn, với bản thể của chính mình, trở về với sự bằng an tự tại vốn có của tâm hồn, tìm lại Phật tính vốn có trong tâm. Không gian đô thị được biểu tượng hoá thành một số hình thức cụ thể.
1.1.Tokyo
Một địa danh mà Kawabata hay sử dụng làm biểu tượng cho loại không gian này là Tokyo. Trong Vũ nữ Izu, hay trong Xứ tuyết, những nhân vật lữ nhân sống ở Tokyo. Trong cảm nhận của họ, Tokyo ồn ào, đông đúc nhưng thật lạnh lẽo. Cô đơn, nhàm chán giữa cảnh phồn hoa đô hội, họ đã rời bỏ Tokyo, hành hương lên vùng suối nước nóng ở phía Bắc Nhật Bản. Nơi phương Bắc giá lạnh, họ thấy tâm hồn như được gột rửa. Họ đã tìm được hơi ấm của tình người, tìm được sự thư thái cho tâm hồn. Chuyến du hành từ Tôkyô lên xứ sở tuyết trắng của các nhân vật trong tiểu thuyết của Kawabata vì thế có dáng dấp những chuyến hành hương lên miền Oku của thi sĩ lãng du Basho thuở nào. Rời kinh thành Êdo phồn hoa nhưng cũng thật ồn ào bụi bặm, Basho muốn đi tìm “cái kỳ diệu của cuộc sống, đó cũng chính là cái đẹp, đó là cái đã bị con người đánh mất trong xã hội hiện đại của Êdo, của những thành phố đông đảo mà rỗng không. Một lần nữa, nhà thơ quay về với thiên nhiên, với một nền văn hoá dung dị và thuần phác còn giữ được trong lòng phương bắc xa xôi”5
Trong Vũ nữ Izu và Xứ tuyết, thiên nhiên thứ hai tuy không đựơc miêu tả trực tiếp, cụ thể nhưng nhờ một không gian đối lập với nó là xứ tuyết nên người đọc cảm nhận được rất rõ nét.
1.2. Hộp đêm
Trong tiểu thuyết Người đẹp say ngủ, hình tượng không gian hộp đêm đóng vai trò quan trọng. Đó là bối cảnh để toàn bộ câu chuyện diễn ra. Theo sự giới thiệu của một ông già đã bất lực, ở tuổi sáu mươi bảy, Eguchi đã đến hộp đêm để đi tìm lại những cảm giác thời thanh xuân trên thân hình của những cô gái trẻ. Những cô gái ở đây đều bị uống thuốc ngủ cho đến khi mê mệt. Ngôi nhà có những người đẹp ngủ mê trong cảm nhận của Eguchi thật kỳ quặc, bí ẩn và gần như ma quái. Vì những điều bí ẩn của ngôi nhà nên ở cổng không có bất cứ bảng hiệu nào. Cửa ra vào luôn khoá chặt. Không khí im ắng, tĩnh mịch. Ngoại trừ người đàn bà ra mở cổng cho ông, chẳng có bóng người nào khác. Trong các căn phòng, ánh sáng luôn luôn lờ mờ. Hình ảnh căn phòng mờ tối được tác giả nhắc lại nhiều lần:
“Những tấm màn nhung màu đỏ thẫm. Màu đỏ trông thẫm hơn trong ánh sáng lờ mờ. Như thể có một vừng sáng mỏng lơ lửng trước các màn, như thể ông bước vào một thế giới ma quái. Màn che cả bốn bức tường”.
Đến hộp đêm ma quái, Eguchi nhận ra đây đích thực là nơi che đậy những thủ đoạn kiếm tiền và tiêu tiền xấu xa. Mụ chủ quán đích thực là một mụ Tú Bà hốt bạc trên thân xác của những cô gái trẻ bất hạnh. Những ông già gần đất xa trời dùng tiền để tìm lại cảm giác thời trẻ trên cơ thể những cô gái bị đánh thuốc mê. Eguchi vừa cảm thấy thương xót cho những cô gái trẻ bất hạnh vừa thấy ghê sợ những con người trong không gian hộp đêm như mụ chủ, những khách làng chơi già nua, ghê sợ cả chính mình. Có lúc, ông thấy mình giống như một con ma.
1.3. Trà thất ô uế
Trong tiểu thuyết Ngàn cánh hạc, nhà văn buồn bã trước sự suy vi của những truyền thống cũ mà trà đạo – một nét đẹp trong văn hoá Nhật Bản là một. Trà đạo xuất hiện ở Nhật thế kỷ XII cùng với Thiền tông. Trà đạo không đơn thuần là một hệ thống những lễ nghi pha và thưởng thức matcha – một thứ trà xanh dạng bột du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ VIII. Mục đích cơ bản của trà đạo là tĩnh tâm, chứng ngộ Phật tính tức sự an tịnh, thanh thản vốn có trong mỗi con người giữa những rối ren, xáo động của thế giới trần ai. Như vậy trà đạo chịu ảnh hưởng sâu sắc của Thiền tông. Đạo Thiền cho rằng khi sinh ra, con người cùng vạn vật đều có Phật tính. Nhưng càng lớn, do tác động của thế giới bên ngoài, những dục vọng càng dấy lên khiến con người trở nên đau khổ. Uống trà chính là một cách thức rũ bỏ những phiền muộn tục luỵ, kiếm tìm bản chất an lạc của tâm hồn. Muốn tìm bản chất thì phải vượt qua những yếu tố hình thức. Hình thức càng đơn sơ thì sự chứng ngộ càng dễ dàng. Vì vậy, một buổi trà đạo bao giờ cũng diễn ra trong khung cảnh vô cùng giản dị, thanh đạm. Một trà thất nhỏ, một vài bình hoa cắm theo kiểu đơn giản nhất, một vài bức tranh thuỷ mặc hoặc thư pháp, một vài người bạn tâm giao. Thế nhưng từ thế kỷ XVI, trà đạo đã “bị thế quyền phong kiến sử dụng như một mụ mối trong chợ chính trị. Những buổi thiết trà thường là mặt tiền che đậy những cuộc thương lượng bên trong, và những vị trà sư khả kính chỉ là những quân cờ dưới trướng các lãnh chúa. Những cái chết bí mật của các thủ lãnh trường phái trà đạo trong suốt bốn thế kỷ nằm trong những bí mật của nghệ thuật trà trị, và họ chết đi, mang cả bí mật của trà trị sang thế giới bên kia”6. Trong Ngàn cánh hạc, Kawabata cũng viết về nền trà mà gốc rễ đã bị lung lay. Trà thất đã trở thành nơi mối lái kiếm chồng. Mặc dù không giống với trà trị thời trước nhưng trà mối thời nay cũng làm vấy bẩn không khí thanh tao của trà thất, làm hoen ố vẻ đẹp thiêng liêng của trà đạo, khiến cho hương trà phải “hoá thành cánh hạc bay đi”.
1.4. Không gian đổ vỡ: Già nua, mệt mỏi
Không gian đô thị trong sáng tác của Kawabata còn chất chứa trong đó những tàn phai, đổ vỡ, thất bại. Trong Tiếng rền của núi, nhân vật chính của tác phẩm, ông già Shingo, là một người vô cùng nhạy cảm. Tâm hồn ông luôn mở rộng đón nhận những âm thanh dù tế vi nhất của cuộc sống quanh ông, từ một giọt sương rơi trên lá đến tiếng côn trùng rỉ rả góc vườn mỗi độ thu về, từ tiếng hạt dẻ rơi trong tiệc cưới đến tiếng ngáy của người vợ lúc bước vào tuổi ngũ tuần. Ông xúc động trước những hình ảnh đơn sơ nhất của cảnh vật và con người, từ hình ảnh cây bạch quả vườn nhà đang ra nụ tới những đoá hướng dương nhà hàng xóm như những cái đầu vĩ nhân bị gió mưa quật tơi tả lăn lóc dưới lòng đường, từ chiếc mặt nạ kịch No mang gương mặt trẻ thơ vĩnh cửu đến câu chuyện ông bạn Kitamoto không chịu già, cứ soi gương nhổ hết những sợi tóc bạc cho đến khi chết trong cảnh điên dở…. Qua những âm thanh, hình ảnh nhỏ nhặt của cỏ cây, của cuộc đời mà người bình thường chúng ta trong cuộc sống vội vã không mấy để ý và cũng không đủ thính tai để nghe, Shingo đã thấy được âm thanh vô thường của cả vũ trụ. Ông cảm nhận được trước hết sự tàn phai, rơi rụng của cỏ cây trong thiên nhiên, sự lão hoá từng ngày trên cơ thể ông, những thất vọng chua xót trong cuộc đời ông, sự rạn vỡ của những giá trị truyền thống không chỉ trong chính gia đình ông mà còn của cả xã hội. Biết bao những thanh âm vô thường mơ hồ ấy dường như đã cộng hưởng lại để tạo thành tiếng vọng mạnh mẽ, sâu thẳm của sơn âm. Shingo nghe thấy tiếng núi, tiếng của tuổi già. Tiếng núi khiến ông sợ và rùng mình như giờ chết đã điểm7 . Thời gian trần thuật của tiểu thuyết bắt đầu khi Shingo bước vào tuổi sáu mươi hai. Ở tuổi đó, Shingo cảm nhận được rất rõ những dấu hiệu của sự lão hoá trên cơ thể mình mà trước hết là sự suy giảm của trí nhớ. Câu chuyện khởi đầu bằng việc Shingo cố mà không tài nào nhớ nổi gương mặt của Kaio, người giúp việc cho nhà ông nửa năm vừa mới bỏ đi được năm ngày. Ở công ty, Suychi giữ vai trò “nhắc vở” cho cha. Công việc đó ở nhà do bà Yasuko và cô con dâu Kikuko đảm nhiệm. Ba người trong gia đình làm nhiệm vụ lấp chỗ trống trong trí nhớ của Shingo. Chứng mất ngủ hành hạ ông hàng đêm. Tóc ông bạc đi trông thấy từng ngày. Cuộc sống phía trước là nghĩa địa tăm tối. Những người bạn bằng tuổi ông lần lượt ra đi. Toriyama nghe đâu vì bị vợ bỏ đói mà chết. Mizuta bất ngờ chết trên tay một cô gái điếm. Kitamota chết trong cảnh điên dở, tuyệt vọng vì không chống lại được tuổi già.
Không những thế, Shingo còn cảm nhận được một cách đắng cay những thất bại trong cuộc đời ông mà cũng là những rạn vỡ dường như không thể hàn gắn trong gia đình ông, bắt đầu từ tình yêu. Thuở trẻ, Shingo đã yêu tha thiết một người con gái xinh đẹp bằng tuổi chị mình. Nhưng người chị đã bước trước, “sang sông” với một chàng trai đẹp đẽ. Chị sinh được hai đứa con rồi vội qua đời khi nhan sắc chưa kịp tàn phai. Vì yêu chị nên Shingo đã cưới người em là bà Yasuko, vợ ông bây giờ. Nhưng Yasuko chẳng có gì giống với người chị đã quá cố của bà cả về ngoại hình lẫn nội tâm. “Shingo chưa bao giờ tìm lại được chút hương thừa của chị, ngoài tiếng ngáy của người em”
Phuxaco, đứa con gái đầu lòng sinh ra cũng làm Shingo thất vọng bởi nó còn xấu hơn mẹ. Tính cách nó càng lớn càng khó chịu hơn. Đi lấy chồng chưa được bao lâu, Phuxaco đã ôm hai con về nhà bố mẹ đẻ do gia đình lục đục. Chồng Phuxaco cờ bạc rồi nghiện ngập, buôn bán ma tuý rồi phải bỏ trốn. Từ khi về nhà bố mẹ, cách nói năng của Phuxaco với mọi người thể hiện thái độ ứng xử rất kém cỏi. Cô luôn chọc giận bố mẹ rồi em trai, em dâu. Cách đối xử của Phuxaco với thiên nhiên cũng không một chút tao nhã. Để con gái làm quen với những con ve, Phuxaco đã cắt cụt những cái cánh ve. Từ đấy hễ thấy ve là đứa bé lại cắt cụt cánh của chúng. Suychi, cậu con trai thứ hai là niềm hy vọng vô bờ của Shingo. Nhưng nó cũng sớm làm Shingo thất vọng. Vừa lấy vợ được hai năm, Suychi đã có tình nhân, mà đó lại là một cô gái điếm. Thậm chí anh ta còn trơ trẽn lấy tiền của nhân tình để đưa vợ đi phá thai. Những đứa con trai, con gái đã làm Shingo vô cùng cay đắng và buồn bã.
Thất vọng trước thực tại xã hội, nhân vật của Kawabata đã thực hiện những hành trình để tìm lại vẻ đẹp truyền thống đang dần bị mai một trong hiện tại. Những chuyến đi đó có khi hướng về một không gian thực như xứ sở phương bắc chìm trong tuyết trắng tinh khiết, hay miền cố đô hiền hoà; cũng có khi là miền không gian hư ảo trong gương soi, trong những giấc mơ.
2. Không gian nguyên sơ: tĩnh tịch, hài hoà
Không gian nguyên sơ được nhà văn cụ thể hoá bằng một số hình tượng không gian như xứ tuyết, cố đô...
2.1. “Xứ tuyết”:
Chịu ảnh hưởng mỹ học Thiền và Thần đạo ở sự suy nghiệm hoà nhập vào tổng thể thiên nhiên, không gian trong tác phẩm của Kawabata trước hết là thiên nhiên bốn mùa với cảnh sắc rất riêng của Nhật Bản, không hề ước lệ. Đó là một thiên nhiên nguyên sơ chưa bị thế giới bon chen làm vấy đục, phô bày tất cả vẻ tươi đẹp, trong lành và hài hoà.
Trong Xứ tuyết, nhân vật Shimamura ba lần đến vùng đất phương Bắc xa xôi vào ba mùa khác nhau. Cảnh vật xứ lạ hiện lên qua đôi mắt khát khao hướng tới thiên nhiên thật trữ tình quyến rũ. Lần đầu tiên đến đây vào mùa xuân, anh đã ''không rời mắt khỏi những cây cỏ đang đâm chồi nảy lộc xanh tươi trên sườn núi '', ''không khí ngát hương thơm của cành non lá mới lôi cuốn anh '' 8.Tâm hồn nhạy cảm của Shimamura rung động sâu sắc trước cánh bướm ''run rẩy trong gió thu như những tờ giấy mỏng ''. ''Chàng ngắm không biết chán, không, chẳng bao giờ chán những thảm hoa màu ánh bạc mà mùa thu đã trải lên các triền núi '', ''từng đám chuồn chuồn nhiều không kể xiết bay lượn trong gió ''9.
Sẽ không ngạc nhiên về Shimamura nếu ta biết ở Nhật, người ta thường tổ chức những chuyến xe lửa chở khách nhàn du đi nghe chim sơn ca hót lúc nửa đêm, xem hoa anh đào nở, ngắm lớp tuyết đầu tiên tô điểm núi non. Vào mùa hè, tại các ga xe lửa có dán những tờ affich mời gọi công chúng đi săn đom đóm. Shimamura mang một tâm hồn Nhật Bản tiêu biểu: yêu, trân trọng ngay cả những sinh vật nhỏ bé, yếu đuối. Chúng có quyền tồn tại bình đẳng cùng con người trong vũ trụ bao la.
Thiên nhiên trong Xứ tuyết với vẻ trong sáng, tinh khiết dường như có khả năng thanh lọc mạnh mẽ tâm hồn con người. Lần thứ ba, Shimamura đến xứ sở của tuyết vào mùa đông cùng với những bộ áo kimono may bằng vải chijimi để tẩy chúng theo lối truyền thống - tẩy bằng tuyết. ''Chỉ nghĩ đến thứ sợi gai trắng tinh đó trải trên mặt tuyết và hoà màu lẫn với tuyết để ánh hồng lên trong nắng mai, Shimamura cũng đã thấy rộn lên cảm giác một sự tẩy lọc đến độ không những chàng tin chắc rằng những bộ áo kimono của mình đã trút bỏ được ở nơi đó những chướng khí và những vết dơ của mùa hè mà ngay chính con người chàng cũng dường như được tẩy rửa sạch sẽ '' 10.
Trong truyện Vũ nữ Izu, chàng sinh viên trẻ tuổi cũng hành hương lên vùng suối nước nóng ở phía Bắc Nhật Bản. Sống ở Tokyo đông đúc nhưng chàng lại cảm thấy cô đơn, trống trải. Đấy là lý do vì sao chàng đã rời bỏ Tokyo lên xứ tuyết. Trong cảm nhận của chàng, phong cảnh vùng núi thật phóng khoáng, bầu trời thu quang đãng. Con người sống thư thái, ngập trong hương vị của cây cỏ và núi đồi. Chàng hoà mình vào không gian nơi biển cả vào lúc “mặt trời ban mai toả rạng, sưởi ấm những thung lũng núi. Nơi cửa sông, một bãi cát trải rộng và trắng xoá”. Trong không gian của vùng suối nước nóng, chàng đã tìm lại được sự ấm áp, thư thái của tâm hồn.
2.2. “Cố đô”:
Cũng mang ý nghĩa biểu tượng tương tự như xứ tuyết là không gian cố đô. Bối cảnh thực chính là Kyoto, kinh đô cũ của Nhật Bản. Xa xưa, tên của miền đất này là Heian, nghĩa là hoà bình, yên ổn. Heian chính thức được Thiên hoàng Kanmu chọn làm kinh đô của Nhật kể từ năm 794. Trong suốt gần bốn thế kỷ (794- 1185) là trung tâm của Nhật Bản, Heian đã phát triển cực thịnh. Đi vào sáng tác của Kawabata, vùng đất thơ mộng, cổ kính này trở thành nơi lưu giữ những vẻ đẹp truyền thống của Nhật Bản, là biểu tượng cho thiên nhiên nguyên sơ, trinh bạch.
Không gian cố đô hiện lên trong nhiều tác phẩm của Kawabata. Trong tiểu thuyết Cố đô, nó không chỉ được lấy làm bối cảnh chính cho một câu chuyện buồn mà theo một số nhà nghiên cứu nó là “một nhân vật chính của tác phẩm”. Naeko và Chieko là hai chị em sinh đôi của một gia đình nông dân. Theo một hủ tục thời xưa ở Nhật Bản, việc sinh hai đứa con như vậy đem lại nhiều vận rủi cho gia đình nên bố mẹ hai cô đã bỏ Chieko trước cửa hiệu bán vải của nhà Takichiro. Ông bà Takichiro không có con. Họ bèn nhận cô bé làm con nuôi và coi cô bé như con đẻ. Chieko lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ nuôi. Khi Chieko học hết trung học, bà Takichiro đã tiết lộ sự thật về nguồn gốc của Chieko cho cô nghe. Sau sự kiện đó, bà càng yêu mến Chieko hơn. Trong một buổi đi dự lễ hội, Chieko gặp một cô gái xinh đẹp giống hệt cô. Lần hỏi, Chieko biết đó chính là người chị em sinh đôi của mình. Từ đó cô thường đến làng Bắc Sơn để gặp người chị em của mình. Qua Naeko, Chieko biết cha mẹ họ đã mất. Naeko kiếm sống rất vất vả. Ông bà Takichiro mong muốn Naeko về sống cùng với họ. Nhưng cảm nhận được sự khác biệt về hoàn cảnh sống nên Naeko đã từ chối lời đề nghị ấy. Hai chị em chia tay nhau sau khi đã cùng ngủ một đêm dưới một mái nhà trong một buổi sớm sương mù giăng trắng xoá, khi cả thành phố Tokyo còn chìm trong giấc ngủ. Câu chuyện trên được đặt trong một không gian hết sức nên thơ của cố đô. Đó là nơi thiên nhiên ngập tràn sắc xanh trinh nguyên của thông, sắc hồng phớt của hoa anh đào đang độ. Hồ nước trong vắt làm tôn lên những màu sắc lộng lẫy. Khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ đồng nhất với vẻ đẹp của tình người:
“Thật vậy, cây anh đào đẹp lạ thường. Nó đứng đó, buông cành chẳng khác nào một cây liễu rủ. Chieko bước vào dưới tán che của nó, và một cơn gió nhẹ làm rớt xuống vai nàng, xuống bên chân nàng mấy cánh hoa. Những bông hoa rụng phủ đầy mặt đất phía dưới cây anh đào, bảy tám bông gì đó dập dờn trên mặt nước. Có sào trúc chống đỡ cành, vậy mà những đầu cành thanh mảnh, kết đầy hoa, vẫn rủ sát đất”11.
Không gian cố đô mang vẻ đẹp của một xứ sở huyền thoại với những con người có tâm hồn thánh thiện như vừa bước ra từ nước thiên đàng. Đó là ông bà Takichiro có trái tim nhân hậu. Họ đã mở rộng vòng tay âu yếm đón cô bé bị bỏ rơi đáng thương. Ông Takichiro rất tha thiết với những giá trị truyền thống của Nhật Bản đặc biệt là những chiếc đai áo kimono. Ông đã vào ở ẩn trong chùa để học thiết kế những mẫu vẽ kimono độc đáo mặc dù ông là một nhà kinh doanh tơ lụa. Đó là chàng trai Hiedo thông minh nhẫn nại, một trong những thợ dệt đai áo kimono giỏi nhất vùng cố đô. Chàng có một trái tim yêu rất đỗi chân thành. Đó là cô gái Chieko có tâm hồn tinh tế nhạy cảm, trái tim chứa đầy yêu thương. Ở xứ sở huyền thoại này, con người ứng xử với con người, con người ứng xử với thiên nhiên theo một nguyên tắc mà người Nhật coi là một lý tưởng thẩm mỹ thời Heian: miyabi – tinh tế, tao nhã. Cố đô là miền đất linh thiêng trong hoài niệm của nhà văn.
Trong tiểu thuyết Đẹp và buồn, cố đô là nơi trở về của Ueno sau những lầm lạc của trái tim. Mười lăm tuổi, Ueno bị người tình bỏ rơi. Đứa con của nàng với người tình chết yểu. Ueno đã phát điên. Mẹ nàng đưa nàng về Kyoto để tìm một chốn bình yên cho tâm hồn đau khổ của nàng. Cố đô yên ả như một cõi hư không với hoa anh đào nở trong tiếng chuông chùa ngân vang đã trả lại cho Ueno sự thanh thản của tâm hồn. Nàng học hoạ và nhanh chóng trở thành một họa sĩ nổi tiếng. Những thù hận xưa đã được nàng rũ bỏ. Hai mươi năm sau, nàng đã đón và gặp người tình cũ trong một buổi chiều cố đô yên tĩnh, trong những tiếng chuông chùa ngân vang và trong sự thanh thản tịch lặng của tâm hồn.
Không gian “xứ tuyết”, “cố đô” trong Xứ tuyết, trong Cố đô, Đẹp và buồn hay Vũ nữ Izu là những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng tượng trưng cho một thế giới nguyên sơ trong sáng, đối lập với thế giới đô thị phồn hoa, ồn ào, bụi bặm. Đó cũng là Phật tính tinh khiết sâu thẳm trong mỗi con người. Những lữ nhân hành hương lên xứ tuyết, đến cố đô chính là thực hiện hành trình đi tìm lại bản thể của chính mình mà hàng ngày trong cuộc sống náo nhiệt nơi phố phường họ đã đánh mất. Con đường lên xứ tuyết, đến với cố đô trong sáng tác của Kawabata là nẻo đường sâu thẳm lên Oku trong thơ Basho, cũng là con đường tới linh sơn trong Linh sơn của Cao Hành Kiện sau này.

II. Không gian hư ảo
1. Không gian gương soi
Từ xa xưa, người Nhật đã quan niệm rằng cái đẹp là cái hư ảo. Cái đẹp chỉ tồn tại ở một nơi rất xa xôi, cách biệt với thế giới trần tục. Họ đã nêu lên triết lý ấy trong một tiên thoại thấm đẫm ánh trăng: Nàng tiên trong ống tre. Nàng tiên Ánh trăng trong truyện vì không chấp nhận cuộc sống trần tục đầy những kẻ bất tài, vô dụng, giả dối nên đã bay về cung trăng- quê hương của nàng. Nàng là biểu tượng của cái đẹp lung linh, huyền ảo, xa vời.
Kawabata đã kế thừa triết lý đó và bày tỏ quan niệm về cái đẹp hư ảo của mình thông qua hình tượng nghệ thuật. Nhà văn đã xây dựng một không gian nghệ thuật đặc biệt: không gian gương soi tương phản với không gian hiện hữu. Hình ảnh của thế giới thực tại hiện lên trong gương khiến người ta có cảm giác về một không gian hư ảo. Kawabata đã miêu tả không gian gương soi để nói lên nhận thức của mình về sự huyền diệu của cái đẹp. Cái đẹp lung linh quyến rũ nhưng cũng thật xa xôi, hư ảo so với thế giới thực tại. Bởi khi nhìn vào gương, ta luôn thấy giữa thế giới thực và hình bóng của nó có một khoảng cách vô hình. Và nhà văn luôn khát khao hướng tới cái đẹp ấy, một cái đẹp tuyệt đối, vượt mọi giới hạn không gian - thời gian. Đó chỉ có thể là cái đẹp tồn tại trong cảm giác con người .
Khái niệm không gian gương soi trong tác phẩm của Kawabata có nội hàm rất đa dạng. Đó không phải chỉ là những tấm gương thông thường. Đó có thể là một ô cửa kính trên toa tàu, một giọt sương trên lá, một vũng nước dưới sân sau cơn mưa, một đôi mắt của con người…Chúng đều có khả năng soi chiếu, phản ánh sự vật. Trong không gian đặc biệt này, mọi hình ảnh của thiên nhiên và con người đều không có thực. Nó chỉ là hình ảnh phản chiếu của cái thực. Nhưng những hình ảnh không thực đó bao giờ cũng đẹp, đẹp hơn cả hình ảnh thực bên ngoài của nó.
Trong truyện Thuỷ nguyệt, vợ chồng Kyoko soi gương và bỗng nhận thấy điều kì lạ đó. Kyoko nhận xét: “Trong gương, bầu trời ánh lên sắc bạc…còn bầu trời ngoài cửa sổ thì xám ngoét như chì. Bầu trời trong gương không gợi lên cảm giác nặng nề. Bầu trời ấy quả thực rất sáng sủa”12.
Chân dung nàng Yoko- biểu tượng của vẻ đẹp tâm hồn trong tiểu thuyết Xứ tuyết chủ yếu hiện lên qua những tấm gương. Vẻ quyến rũ lạ lùng của đôi mắt nàng hiện lên qua ô kính toa tàu hoả chở Shimamura lên xứ tuyết lần thứ hai. Sự vị tha của nàng được tái hiện chân thực qua đôi mắt quan sát khách quan của một người đồng hành là Shimamura. Nàng chăm sóc chu đáo, nhiệt tình cho người bạn trai đau yếu đi cùng. Nàng lo lắng cho người anh trai mà theo nàng là còn trẻ người non dạ, gửi gắm, nhờ bác trạm trưởng nhà ga chăm sóc anh…Vẻ đẹp thánh thiện của nàng suốt đời Shimamura ngưỡng mộ, mơ tưởng.
Ngay từ tiêu đề, truyện ngắn Thuỷ nguyệt đã toát lên triết lý về cái đẹp hư ảo. Trăng vốn là hình ảnh tượng trưng cho cái đẹp trong thơ ca. Nước có vai trò như một tấm gương soi. Trăng soi đáy nước là một biểu tượng tuyệt vời của cái đẹp huyền hoặc, kỳ ảo. Những hình ảnh thiên nhiên, con người trong truyện đều hiện lên chủ yếu qua những tấm gương. Vẻ đẹp của Kyoko thường hiện lên qua đôi mắt của những người chồng của nàng. Người chồng cũ trong ngày đầu tiên của cuộc sống riêng, khi ngắm nàng trang điểm đã ngây người sung sướng thán phục nhan sắc của nàng. Còn người chồng mới mặc dù kết hôn với nàng khi cả hai không còn trẻ nhưng anh vẫn ngưỡng mộ vẻ đẹp của nàng. Anh nhận thấy ở nàng vẻ thanh tân của một thiếu nữ, và vẻ kiều diễm của một tiên nữ. Khi biết Kyoko sinh trưởng ở gần Sanzyo anh thốt lên thán phục: “Thảo nào em đẹp như tiên. Chẳng phải vô cớ mà thiên hạ vẫn thường bảo: muốn kén gái đẹp thì tìm đến Sanzyo, thuộc tỉnh Etigo”13.
Những tấm gương còn soi chiếu vẻ đẹp tâm hồn của nàng- một tâm hồn trong sáng, yêu thiên nhiên tha thiết, thuỷ chung và vị tha. Dùng những tấm gương ngắm nhìn thế giới bên ngoài, người chồng cũ của Kyoko còn thấy cả hình ảnh của vợ mình trong đó. Trong gương, vợ anh đang tần tảo cuốc đất trồng rau dưới vườn, đang nhẫn nại chải tóc cho anh rồi bôi lên đó một chút dầu hải đường.... Hai chiếc gương mà nàng đặt lên ngực anh trước lúc hoả táng còn phản chiếu những cánh hoa cúc trắng- biểu tượng của tình yêu trong sáng thầm lặng mà mãnh liệt nàng dành cho anh trước lúc anh ra đi vĩnh viễn sang thế giới bên kia. Vẻ đẹp của Kyoko mãi mãi thuộc về những tấm gương soi. Trong xã hội Nhật Bản hiện đại bị lối sống vật chất, công nghiệp phương Tây xâm thực, liệu có còn những nàng Kyoko?
2. Không gian giấc mơ: Miền tuổi trẻ
Tiểu thuyết Tiếng rền của núi nêu ra một triết lý sâu sắc. Để nhìn bao quát một quả núi, người ta phải đứng cách nó một khoảng đủ xa. Cũng như vậy, những chân lý vĩnh cửu của cuộc sống thường chỉ tìm thấy khi đã sống qua hết cả đời mình, khi đã để lại sau lưng một chặng đường kinh nghiệm và hiểu biết đủ để nhìn nhận lại một cách sáng suốt toàn bộ cuộc sống.
Ở tuổi sáu mươi hai, ông già Shingô nhận thức được chân lý rằng tuổi trẻ thật đẹp và cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi mọi vẻ đẹp của nó còn nguyên vẹn. Khi tuổi già ập đến, Singô nhận thấy bao điều phiền toái, đáng sợ của nó. Trí nhớ của ông trở nên kém cỏi. Tóc ông bạc đi trông thấy trước mắt. Cái chết rình rập chờ đợi phía cuối cuộc đời. Lần lượt, ông phải vĩnh biệt hết người bạn này đến người bạn khác, chia buồn với hết bà quả phụ này đến bà quả phụ khác.
Mệt mỏi vì tuổi già, Shingô luôn mơ về tuổi thanh xuân. Ông ước ao mình có thể trẻ lại bằng cách tháo cái đầu – lúc này đã giống như một cỗ máy rệu rã - để tra dầu căn chỉnh giống như cách người ta vẫn làm mới xe cộ máy móc. Trong giấc ngủ mộng mị của người già, ông luôn thấy hiển hiện hình ảnh ông đang ôm trong tay một người đàn bà. Người đàn bà còn trẻ, gần như một cô gái. Ông không xác định bản thân ông bao nhiêu tuổi. Có lẽ là vẫn còn trẻ, vì ông còn cùng cô gái chạy nhảy nhanh nhẹn giữa những cây thông. Ông ôm cô gái theo cách của một người trẻ tuổi.
Ông say mê chiếc mặt nạ kịch No mang gương mặt một đứa trẻ – biểu tượng của tuổi thanh xuân vĩnh viễn. Ông thích thú với phát hiện của các nhà khoa học Mỹ. Họ khai quật được những hạt sen trong một ngôi mộ cổ có niên đại hai nghìn năm. Vậy mà khi gieo trồng trên mảnh đất hiện đại, nó vẫn nảy mầm xanh tươi. Ông ước ao con người cũng có thể giống như những hạt sen kia. Sau giấc ngủ hàng ngàn năm, lại tỉnh dậy, trẻ trung, tràn sức sống. Những khát khao thầm kín của Singô cũng là nhạc điệu tâm hồn của cả một thế hệ. Những người bạn cũ của ông đều chán ghét và kinh sợ tuổi già. Một người bạn cũ của ông đã soi gương nhổ sạch tóc bạc trên đầu rồi chết trong cảnh điên dở vì không chấp nhận tuổi già. Cả một thế hệ đã chiến đấu tuyệt vọng để níu giữ tuổi thanh xuân, níu giữ cái đẹp. Trong cuộc chiến ấy, thời gian đã chiến thắng. Con người đã thất bại trước thời gian nhưng con người nhận thức được chân lý.
Không gian nghệ thuật trong sáng tác của Kawabata phối hợp những đối cực: Không gian thực tại và không gian hư ảo, không gian đô thị và không gian nguyên sơ, không gian thực tại đổ vỡ già nua, mệt mỏi và không gian giấc mơ trẻ trung, sung mãn...Dựng lên một mô hình không gian chia đôi, Kawabata đã tái hiện vấn đề cơ bản trong xã hội Nhật Bản thời nhà văn cầm bút và sáng tác. Đó là sự xung đột giữa việc tiếp thu những yếu tố hiện đại của văn minh Âu-Mỹ và việc bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống. Trong bối cảnh xã hội “mới cũ tranh nhau, Á Âu lộn xộn”, nhà văn đã tiếp thu những yếu tố tích cực của đời sống hiện đại, chối từ những yếu tố đi ngược lại với văn hoá truyền thống tốt đẹp. Đó là một cách biểu lộ tình cảm yêu quê hương, đất nước thiết tha.
..............................
Chú thích:
1,2. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi- Từ điển thuật ngữ văn học, Giáo dục, H, 2004, tr 160, 161.
3. Lưu Đức Trung- Yasunary Kawabata, cuộc đời và tác phẩm- nxb Giáo dục, H, 1997, tr 13
4. Anders Sterling – Kawabata, tiếng tăm nhà văn đã vượt xa biên giới Nhật Bản-VnE
5. Nhật Chiêu- Văn học Nhật Bản từ khởi thuỷ đến 1868, Giáo dục, H, 2003, tr 269
6. Y. Kawabata- Tuyển tập tác phẩm, Lao động, H, 2005, tr 1007
7. Một câu chuyện cổ tích của Nhật Bản kể lại rằng ngày xưa có một vị vua vì sợ nhìn thấy tuổi già nên ra lệnh nhà nào có người già thì phải mang vào núi.
8,9. Yasunari Kawabata- Vùng băng tuyết, Giang Hà Vị dịch, Mũi Cà Mau, 1998, tr 95, 96.
10,11. Yasunari Kawabata- Vùng băng tuyết, Giang Hà Vị dịch, Mũi Cà Mau, 1998,
12,13. Nhiều tác giả : Văn 12. nxb Giáo dục, H, 1997, tr 122, 119

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020