Văn học nước ngoài

[Dostoevsky, Nguyễn Huy Thiệp, tiếp nhận, cảm quan nghệ thuật]

DOSTOEVSKY VÀ CẢM QUAN NGHỆ THUẬT CỦA NGUYỄN HUY THIỆP (PGS.TS Đỗ Hải Phong)


06-11-2021
Ảnh hưởng của F.M.Dostoevsky đến sáng tác của nhà văn Việt Nam hiện đại Nguyễn Huy Thiệp từng được chính nhà văn khẳng định. Bài viết đi sâu nghiên cứu ảnh hưởng của Dostoevsky tới Nguyễn Huy Thiệp thông qua hai danh ngôn của nhà văn Nga được nhà văn Việt Nam trích dẫn. Hai danh ngôn thể hiện cảm quan về thế giới và con người trong sáng tác của Dostoevsky thực chất cũng góp phần kiến tạo cảm quan nghệ thuật trong sáng tác của nhà văn Việt Nam. Sáng tác của Dostoevsky, như vậy, tham gia vào việc thúc đẩy sự phát triển của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Sự tiếp biến Dostoevsky ở Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp thể hiện khả năng kết hợp độc đáo cảm quan Phương Đông truyền thống với những tư tưởng thần học, triết học Phương Tây và Nga vừa cổ điển, vừa hiện đại. Điều đó khẳng định khả năng hội nhập của văn học Việt Nam hiện đại với văn học thế giới.

 

 

T

rong bài tổng quan Dostoevsky ở Việt Nam in trong tập 20 Dostoevsky - Tư liệu và nghiên cứu (Saint Petersburg, 2013), chúng tôi đã có dịp đề cập đến hai khuynh hướng tiếp biến Dostoevsky trong sáng tác của một số nhà văn Việt Nam từ đầu thế kỷ XX – khuynh hướng phóng tác từ nội dung tác phẩm cụ thể của Dostoevsky (Người thất chí của Hồ Biểu Chánh; Tội ác và hối hận, Em ơi đừng tuyệt vọng của Vũ Bằng) và khuynh hướng phỏng phong cách nghệ thuật của nhà văn với kiểu nhân vật biến động tâm lý phức tạp, chập chờn giữa hai bờ “thiện – ác”, mang màu sắc hiện sinh chủ nghĩa (Bướm trắng của Nhất Linh) [1]. Trong suốt thế kỷ XX, nếu như khuynh hướng tiếp biến thứ nhất có phần giảm thiểu, thì khuynh hướng thứ hai ngày một được tăng cường trong văn học Việt Nam. Có thể thấy ảnh hưởng phong cách miêu tả tâm lý của Dostoevsky qua sáng tác của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, phần nào cả Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền. Đến những năm 1980, thực tại đời sống ở Việt Nam trở nên phức tạp với những khủng hoảng xã hội sâu sắc dấy lên một “làn sóng Dostoevsky” mới: dưới tác động của bối cảnh thời đại, ảnh hưởng của Dostoevsky tới nhiều nhà văn Việt Nam đã không chỉ dừng lại ở phong cách miêu tả tâm lý, mà bắt đầu kiến tạo nên những nét tương đồng cả về cảm quan nghệ thuật. Sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, và đặc biệt là Nguyễn Huy Thiệp là minh chứng cho điều đó.

Nói đến ảnh hưởng “không thể phủ nhận” của Dostoevsky tới Nguyễn Huy Thiệp, người ta thường nhắc đến những yếu tố tương đồng về chủ đề, kết cấu cốt truyện của truyện ngắn Không có vua (1987) với Anh em nhà Karamazov [2], đến mối quan hệ liên văn bản qua nhan đề tác phẩm và lời đề từ cho truyện ngắn Tội ác và trừng phạt (1990)[3]. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, mối quan hệ Dostoevsky – Nguyễn Huy Thiệp không chỉ giới hạn trong những chi tiết liên văn bản về chủ đề, kết cấu cốt truyện cụ thể của hai truyện ngắn này với hai tiểu thuyết của Dostoevsky, mà còn thể hiện qua sự tương đồng về cảm quan nghệ thuật của hai nhà văn. Trong số những nhà văn Việt Nam chịu ảnh hưởng của Dostoevsky, Nguyễn Huy Thiệp là trường hợp hiếm hoi tiệm cận cảm quan nghệ thuật của nhà văn Nga vĩ đại, tất nhiên, trong một tầm vóc, bối cảnh văn hóa, văn chương, thời đại có nhiều điểm khác biệt. Trong bài viết này, để tiếp cận vấn đề Dostoevsky và cảm quan nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp, ngoài phương pháp nghiên cứu ảnh hưởng - tiếp biến, chúng tôi còn sử dụng phương pháp đối chiếu loại hình để làm nổi bật những tương đồng cảm quan nghệ thuật của hai nhà văn.

 

1. “Chúa Kitô ở với thú vật trước khi ở với ta”

Ở mặt sau chiếc đĩa gốm vẽ chân dung Dostoevsky tặng cho nhà nghiên cứu Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Huy Thiệp dẫn một danh ngôn của Dostoevsky mà ông tâm đắc: “Chúa Kitô ở với thú vật trước khi ở với ta”. Đây là phương án dịch một câu được rút ra từ Chương 2, Quyển 6, Phần 2 tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov của Dostoevsky: Truyện đời trưởng lão Zoxima do Alexey Fedrovich tập hợp và chấp bút. Trong chương này, sau khi điểm lại những câu chuyện khủng khiếp nhất trong Kinh thánh về con người trải nghiệm khổ đau tột cùng mà không mất đức tin vào Chúa như “sự hội tụ của khoảnh khắc trần thế nhất thời với chân lý vĩnh cửu”, cha Zoxima kể về cuộc trò chuyện với một anh dân chài “chừng mười tám tuổi” về “vẻ đẹp của cõi thế này do Chúa tạo dựng nên, về bí nhiệm vĩ đại của thế gian”: “Anh hãy nhìn con ngựa xem, - tôi nói với anh ta, một con vật cao quý, gần gụi với người, hay hãy nhìn con bò kia, nó nuôi sống người, làm việc cho người, con vật ủ rũ và tư lự, hãy nhìn mắt nó mà xem: hiền lành biết bao, quyến luyến với người biết bao, tuy người thường đánh đập nó tàn nhẫn, mắt nó hiền lành quá chừng, cả tin quá chừng, đẹp xiết bao. Thật cảm động khi còn biết thêm rằng nó không vướng chút tội lỗi, bởi vì tất cả mọi vật, tất cả, trừ con người, đều không có tội lỗi, và Chúa Kitô ở cùng vạn vật trước khi ở với chúng ta...”[4] (Câu cuối trong bản dịch của Vũ Đình Lưu: “Chúa Kitô trước hết sống với loài vật”[5]). Ở đây, cha Zoxima triển khai luận điểm của mình từ một chi tiết trong Phúc âm Máccô kể về việc Đấng Kitô “ở trong hoang địa 40 ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú...”[6] rồi sau đó mới đến với thế giới loài người. Cha Zoxima diễn giải thêm: “Ở nơi nọ - tôi nói với anh ta, - có một con gấu đáng sợ đi lang thang trong rừng, con gấu ghê gớm, dữ tợn, nhưng đấy hoàn toàn không phải lỗi của nó”. Và tôi kể cho anh ta nghe: một lần con gấu đến chỗ một vị thánh cao cả tu ở một trai phòng nhỏ trong rừng, vị thánh cao cả động lòng thương con vật, không mảy may sợ hãi bước ra cho nó một miếng bánh mì: “Con đi đi, Chúa Kitô ở cùng con”, và con thú dữ tợn rời đi ngoan ngoãn, hiền lành, không làm hại ai”[7].

Lời của cha Zoxima không đơn thuần là dụ ngôn về cách ứng xử của con người với loài vật và khát vọng về tình yêu thương kết nối thế gian. Nó còn thể hiện cảm quan của chính Dostoevsky về thế giới với những con người – bản năng lầm lụi, lầm lạc trong mối quan hệ với Chúa (hiện thân cho tình yêu thương) như điểm tựa tinh thần cho tồn tại bản thể. Thế giới khốn cùng và tội lỗi của Dostevsky là thế giới của những kẻ chưa thể thành người: những con người – con vật lầm lụi, “hiền lành… bị đánh đập tàn nhẫn”, bị “lăng mạ và sỉ nhục” và những con người – con thú lầm lạc, “ghê gớm, dữ tợn”, bị “quỷ ám” mà trở nên tàn bạo, nhẫn tâm (theo quan điểm của Zoxima, thực chất họ cũng là những kẻ “đáng thương” và Chúa không bỏ rơi họ). Ngay từ khi Dostoevsky bắt đầu khẳng định vị trí của mình trên văn đàn, nhà phê bình N.A.Dobroliubov đã nhận thấy khuynh hướng nhấn mạnh nỗi đau khổ cùng cực của con người trong sáng tác của nhà văn: “Trong tác phẩm của Dostoevsky ta tìm ra một điểm chung ít nhiều đều có thể nhận thấy trong tất cả những gì ông từng viết: một nỗi đau về con người thừa nhận mình không đủ sức và rốt cuộc thậm chí không có quyền làm người đầy đủ, đúng nghĩa, độc lập, tự thân... Giọng điệu của mỗi truyện như cào xé tim ta bởi những chất vấn uất hận, như trào lên trong ta một nỗi đau buốt não”[8]. Tuy nhiên, trải nghiệm đau khổ đối với nhà văn lại là tiền đề cho khả năng được hưởng hạnh phúc. Đối với Dostoevsky, “con người không sinh ra đã hưởng hạnh phúc, mà chỉ xứng đáng có được hạnh phúc, qua những trải nghiệm khổ đau”[9]. Ý thức về thế giới khốn cùng và tội lỗi làm nảy sinh khát vọng đổi thay thế giới. Những nhân vật nhà tư tưởng ở trung tâm tác phẩm của Dostoevsky trăn trở trong mâu thuẫn giữa hai giải pháp đổi thay thế giới tồn tại đồng thời như hai “lẽ phải” giằng xé: hoặc chấp nhận cô đơn, kiêu hãnh nổi loạn chống lại trật tự thế giới do Chúa sắp đặt, biết tàn nhẫn với đồng loại, có khả năng “bước qua máu”, chủ trương thiết lập “thế giới mới” bằng bạo lực; hoặc chấp nhận đi đến tận cùng nỗi khổ đau, gìn giữ Chúa ở trong lòng, kiên định giải pháp tình thương, cảm hóa thế giới. Đến ngày phán xử cuối cùng, không chỉ những con người kiên định giải pháp tình thương được cứu rỗi, mà cả những con người – con thú bị “quỷ ám”, những “kẻ phạm trọng tội” cũng sẽ tự hủy diệt để được phục sinh thành CON NGƯỜI. Đề từ cho Lũ người quỷ ám của Dostoevsky dẫn Phúc âm Luca nói về lũ quỷ ám nhập vào đàn lợn lao mình xuống hồ tự hủy diệt để con người được phục sinh về bên Chúa. Thế giới con người trong sáng tác của Dostoevsky là thế giới hỗn độn ở ngưỡng giới hạn của ý thức. Các đối cực - phần con người và phần con vật ở trong mỗi nhân vật của Dostoevsky -  tráo đổi vào nhau trong một kết hợp lưỡng trị. Tính lưỡng trị tạo nên kiểu nhân vật song trùng, đồng thời kiến thiết nên hệ thống nhân vật chung đôi đặc trưng cho sáng tác của Dostoevsky. Những nhân vật chung đôi như sự tráo đổi “phần trên” và “phần dưới” ấy vật lộn trong một “thế giới lộn trái” mang trong nó “cảm hứng về sự thay thế và biến đổi, cảm hứng về cái chết và sự sinh thành, hủy diệt và tái sinh”, mang tinh thần lễ hội carnaval [10]. Những “con vật, con thú” của Dostoevsky, suy cho cùng chính là những con người khổ đau “hành hạ” lẫn nhau trên cõi đời này, những con người đôi khi không nhận biết được dù thế nào đi nữa Chúa “trước hết ở cùng”, đồng hành với họ trong khao khát làm người.

Nguyễn Huy Thiệp làm quen với tác phẩm của Dostoevsky có lẽ từ rất sớm. Ý thức về thế giới tội lỗi của những con người – con thú và cuộc trò chuyện của cha Zoxima với “chàng trai trẻ yêu núi rừng” sống dậy trong ông mạnh mẽ ngay từ những tháng năm dạy học ở miền núi rừng Tây Bắc.

Trong thế giới nghệ thuật của Dostoevsky khó có thể có hình tượng muông thú trực tiếp, mà chủ yếu chỉ là những ám dụ so sánh. Nguyễn Huy Thiệp thì khác. Nhà văn nung nấu những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp văn chương của mình tại miền núi rừng, nơi cuộc sống con người chưa hoàn toàn tách biệt với thế giới muông thú. Trong Những ngọn gió Hua Tát (1971-1986), nhiều nhân vật được miêu tả với những nét tương đồng hay đồng nhất với thế giới muông thú: “Khó là trai bản Hua Tát. Chàng mồ côi cha mẹ, sống như con don, con dim. Con don, con dim sống thui thủi, đi con đường riêng, ăn uống thế nào không ai biết được” (Trái tim hổ, 14-15)[11]; “Miệng lão hộc lên như tiếng lợn lòi… Gần sáng lão già bỗng đứng phắt dậy nhanh như con sóc. Lão nảy ý định lấy xác vợ làm mồi để săn con thú, con thú lớn nhất của đời mình… Một vết đạn xuyên qua trán lão. Lão đã bắn được con thú lớn nhất của đời mình” (Con thú lớn nhất, 17); “Chàng như một con thú lạ sống giữa mọi người”(Sạ, 30); “Sinh là một thiếu nữ mồ côi ở bản Hua Tát… nàng sống thui thủi như con chim cút” (Nàng Sinh, 34)… Trong Những ngọn gió Hua Tát có những cặp song trùng người – vật tráo đổi vị trí, thay thế cho nhau: Khó – hổ (Trái tim hổ), người vợ - con công, lão thợ săn – con thú lớn (Con thú lớn nhất), thằng San – sói con (Sói trả thù). Xuất hiện kiểu nhân vật dị dạng (khuyết tật hay có nét dị biệt) như Pùa, Khó trong Trái tim hổ (tiền thân của Tốn trong Không có vua, hay Cún trong truyện Cún…),  kiểu nhân vật “quỷ ám” như Lò Thị Bua trong Nàng Bua, kiểu nhân vật “thằng điên... thằng rồ... kẻ khùng” nổi loạn như Sạ trong Sạ, ông Nhân trong Sói trả thù… Hệ thống nhân vật con người mang thân phận khổ đau, bị lăng nhục như con vật, con người “điên lên” với bản năng săn mồi như con thú, hay con người dị dạng “chưa thành người” trong Những ngọn gió Hua Tát mang nhiều yếu tố của cảm quan carnaval. Trong những sáng tác về sau của Nguyễn Huy Thiệp kiểu nhân vật người – vật hay dị dạng “chưa thành người” xuất hiện trong những tình huống carnaval đặc biệt ấn tượng. Tâm trạng bột phát của ông Bổng trong đám nhốn nháo vây quanh bà chị dâu hấp hối - “Thế là chị thương em nhất. Cả làng họ gọi em là đồ chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuân gọi em là đồ khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người” (Tướng về hưu, 99),- có nét tương đồng với nhân vật Nastasia Filippopna trong Chàng ngốc khi nghe hoàng thân Mưshkin tuyên bố trước đám đông những kẻ buôn người rằng ông sẵn sàng yêu thương nàng chỉ “như một con người”, không vì bất cứ thứ gì khác. Trong Không có vua, những con người – con vật trơ tráo “không phải xấu hổ” vì bản năng thú vật như lão Kiền, như Đoài, hay sự bừng thức của xung năng xâm hại ghê tởm trong giấc mơ của Khảm - “Em mơ thấy đi giết lợn, giết mãi không chết, con lợn cứ nhe răng cười, thế là bị đuổi đi dọn cả một bể cứt…” (Không có vua, 128) – chính là cả một thế giới carnaval tương tự như trong tiểu thuyết của Dostoevsky. Tất cả như trong lễ hội ma quỷ của thế giới những kẻ “chỉ có độc một khát vọng thành người thế mà không được” (Cún, 56). Ý thức về thế giới khổ đau không chỉ về vật chất, mà đặc biệt về tinh thần tràn ngập trong sáng tác của Dostoevsky lẫn Nguyễn Huy Thiệp. Song trải nghiệm khổ đau “như thú vật” trong sáng tác của hai nhà văn dường như lại có thể được coi là tiền đề cho khát vọng hạnh phúc.

Trong Lời mở đầu cho Những ngọn gió Hua Tát, người dẫn chuyện của Nguyễn Huy Thiệp khẳng định triết lý hạnh phúc phảng phất tinh thần trải nghiệm khổ đau của Dostoevsky: “Có thể những chuyện cổ ấy nói nhiều đến nỗi đau khổ con người, nhưng chính hiểu rõ những đau khổ ấy mà ở trong ta nảy nở ra sự sáng suốt đạo đức, lòng cao thượng, tính người” (Lời tựa, 13). Trong chùm 10 truyện, có tới 5 truyện kết lại bằng những cái chết đau đớn, khủng khiếp; trong 5 truyện còn lại – nhân vật chính lúc đầu cũng phải trải nghiệm những khổ đau, cơ cực của kẻ bị ghẻ lạnh, ruồng bỏ và chỉ khi gặp được người hiểu rõ giá trị của khổ đau thì mới có thể có được hạnh phúc. Tư tưởng ấy được nhấn mạnh trong câu chuyện cuối – Nàng Sinh: vị hoàng đế cải trang vi hành hiểu rõ giá trị của cô gái mồ côi đã cân bằng được những đau khổ cuộc đời mình với sức nặng khủng khiếp của “những nỗi đau khổ, những lời cầu xin tích tụ trong hòn đá nhỏ” đã đem lại hạnh phúc cho cô. Những nhân vật chính trong Những ngọn gió Hua Tát đều cô đơn. Hạnh phúc hiếm hoi, mong manh mà họ được hưởng chỉ có thể tới từ những cá nhân cũng cô đơn như họ. Đó chính là tiền đề cho cuộc kiếm tìm vô vọng của những nhân vật trong nhiều truyện ngắn về sau của Nguyễn Huy Thiệp như Chương (Con gái thủy thần), cậu bé bến Cốc (Chảy đi sông ơi), Nhâm (Thương nhớ đồng quê), Ngọc (Những người thợ xẻ)…

Bắt đầu từ Những ngọn gió Hua Tát, cũng giống như trong nhiều tác phẩm của Dostoevsky, có thể thấy Nguyễn Huy Thiệp không chỉ dừng ở việc thuật lại những sự vật, sự việc cụ thể, mà luôn hướng người đọc tới ý thức về mối quan hệ giữa nhân cách con người với thế giới hay cuộc sống con người nói chung. Màu sắc huyền thoại vùng cao tăng cường tầm vóc cho mối quan hệ đó. Giống như “căn hộ quan tài” ở Petersburg của Raskolnikov, hay thị trấn tỉnh lỵ nhỏ Skotoprigonievsk trong Anh em nhà Karamazov trở thành mô hình của cả thế giới do Chúa sắp đặt, những câu chuyện trong bản nhỏ của Nguyễn Huy Thiệp luôn có khuynh hướng tỏa rộng tầm bao quát ra “bao điều cay đắng xảy ra trên thế gian này”: “Tin đồn như con chim cắt truyền khắp thung lũng. Ở bếp lửa, chân quản, dưới suối, trên nương, đâu đâu người ta cũng nói về trái tim hổ. Tin đồn bay xuống cả vùng đồng bằng của người Kinh, bay lên cả đỉnh núi cao của người Mông” (Trái tim hổ, 14). Không chỉ dừng lại ở mở rộng không gian, Nguyễn Huy Thiệp có biệt tài cài những câu hỏi lửng mở rộng tình huống truyện và trường liên tưởng vượt ra ngoài ngữ cảnh để người đọc suy ngẫm về cuộc sống của chính mình như con người nói chung: “Có rất nhiều người đi săn con hổ. Có người Thái, người Kinh, người Mông… Người thì muốn săn hổ để lấy trái tim làm bùa hộ mệnh, người thì muốn lấy trái tim làm thuốc. Trách họ thế nào được? Đời người ta, ai chẳng từng săn đuổi bao điều phù du?” (Trái tim hổ, 14).

 Phần lớn các nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp, ngay từ trong chùm truyện ngắn đầu tay, luôn trăn trở về thái độ của Then (Đấng Tối cao) đối với con người (tương tự như Chúa của Dostoevsky): “Lão hoang mang sợ hãi. Then đã trừng phạt thế gian như lời người ta đồn đại hay chăng” (Con Thú lớn nhất, 17); “Hãy cầu Then đi! – Một bô lão bảo Hặc. – Trời đang hạn hán, tất cả mó nước đều đã cạn khô. Nếu con trung thực, con hãy cầu Then mưa xuống” (Tiệc xòe vui nhất, 22); “Ông Pành an ủi: - Đừng sợ… đừng sợ… Cơn giận của Then sẽ qua đi thôi…” (Đất quên, 26)… Trong Những ngọn gió Hua Tát, phần nhiều những sự bất hạnh, những tai họa, những tội ác, những cái chết thảm khốc không trực tiếp do con người chủ ý gây ra thường được các nhân vật tìm cách ý thức, lý giải như sự báo ứng, như sự huyền bí của vũ trụ, như thể họ cố gắng nắm bắt quy luật, cơ cấu của cuộc sống, để định đoạt lối sống. Đó là sự manh nha của kiểu nhân vật ý thức hệ gần với những nhân vật nhà tư tưởng của Dostoevsky. Về sau, nhân vật trong những truyện ngắn lịch sử, truyện danh nhân của Nguyễn Huy Thiệp trăn trở về mệnh trời, về vận khí đất nước trong mối quan hệ đối nghịch như các “lẽ phải” tồn tại đồng thời: quan niệm “lấy lý lẽ văn chương và sự công bằng pháp luật hướng đạo dân mình” của ông phủ Vĩnh Tường đối lại với quan niệm “dân quen nô lệ, luật cứ ngặt nghèo nghiêm khắc là xong” của tri huyện Thặng (Chút thoáng Xuân Hương, 81); “lòng tốt nhỏ không cứu được ai” của Nguyễn Du “thông cảm với những đau khổ của các số phận đơn lẻ” đối lại với “lòng tốt lớn của nhà chính trị không chỉ là làm việc thiện với một số phận đơn lẻ” như Gia Long (Vàng lửa, 234); lòng yêu thương dân chúng - “tôn sùng đám đông” của Nguyễn Trãi đối lại với quan điểm “chỉ những cá nhân siêu việt mới có khả năng gây men cho lịch sử” của Lê Lợi (Nguyễn Thị Lộ, 263)... Cách ứng xử vương đạo hay bá đạo với thế giới trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp dường như không chỉ có nguồn gốc từ thuật trị nước Trung Hoa, mà còn như được đúc kết cả từ những xung đột giữa trái tim vị tha với trí tuệ lạnh lùng kiêu hãnh bên trong hệ tư tưởng của Raskolnikov trong Tội ác và hình phạt, hay là ánh phản chiếu những cuộc đối thoại gay gắt giữa các giải pháp đổi thay thế giới của Đại pháp quan – Zoxima, Ivan – Aliosha trong Anh em nhà Karamazov.

Thế giới nghệ thuật của Dostoevsky cũng như của Nguyễn Huy Thiệp là thế giới khổ đau hỗn độn đến tột cùng của những con người chưa thực sự là con người. Một số nhân vật mang màu sắc hiện sinh trong thế giới ấy rơi vào cảm thức “không có vua”, cảm giác bị Chúa bỏ rơi, hành xử như “mọi việc đều được phép làm”, song chính họ không thể ý thức hết được rằng Chúa vẫn “ở với” họ, với thế giới “thú vật”, trước khi ở với con người theo đúng nghĩa của nó.

 

2. “Cái đẹp sẽ cứu thế giới”

Danh ngôn “Cái đẹp sẽ cứu thế giới” của Dostoevsky (красота спасёт мир) được Nguyễn Huy Thiệp lấy làm đề từ cho truyện ngắn Tội ác và trừng phạt. Câu nói này vốn là lời của hoàng thân Mưshkin được chàng trai trẻ ốm đau, muốn từ giã cõi đời Ippolit trong tiểu thuyết Chàng ngốc dẫn lại để trêu chọc hoàng thân: “Thưa quý vị, - hắn lớn tiếng với mọi người, - hoàng thân vẫn cho là cái đẹp sẽ cứu thế giới. Và tôi cho rằng lý do khiến ngài nẩy sinh ý tưởng ngộ nghĩnh đó là vì ngài đang yêu. Kính thưa quý vị, hoàng thân đang yêu đấy. Vừa mới đây, ngài bước vào, tôi đã tin là thế rồi. Nào hoàng thân, đừng đỏ mặt chứ, tôi lại ái ngại cho ngài mất thôi! Cái đẹp nào sẽ cứu thế giới?”[12]. Hoàng thân Mưshkin im lặng, không hưởng ứng lời đùa cợt. Đối với “nhân vật chính diện tuyệt vời” Mưshkin, cũng như đối với Dostoevsky, cái đẹp không hẳn chỉ là phạm trù thẩm mỹ, mà phần nhiều lại còn là phạm trù nhân văn. Sững sờ trước chân dung Nastasia Filippopna, hoàng thân Mưshkin từng thốt lên: “Gương mặt thật lạ lùng! Tôi chắc số phận nàng cũng lạ lùng không kém. Khuôn mặt vui tươi, vậy mà nàng chắc đã phải chịu đớn đau khủng khiếp! Đôi mắt nói lên điều đó, đôi gò má, rồi hai chấm nhỏ dưới đuôi mắt kia. Gương mặt kiêu hãnh, kiêu hãnh khủng khiếp, ta cũng chẳng biết nàng có nhân từ hay không nữa. Ôi, chỉ cần nàng nhân từ thôi, thì tất cả được cứu rỗi”[13]. Cái đẹp là cuộc đấu tranh giữa con người kiêu hãnh và con người nhân từ của người phụ nữ phải chịu những đớn đau khủng khiếp. Trong Anh em nhà Karamazov, nhân vật Dmitri diễn giải rõ hơn: “Cái đẹp không chỉ khủng khiếp, mà còn bí ẩn. Ở đó quỷ sứ và chúa trời đấu tranh với nhau, mà chiến trường là trái tim con người”[14].

Hiện thân cho cái đẹp đối với Dostoevsky trước hết là những nhân vật phụ nữ bị lăng nhục, phải trải nghiệm những chấn thương khủng khiếp về thể xác, về tinh thần, họ kiêu hãnh, nóng bỏng, quyết liệt, họ có thể phản ứng với thế giới bằng uất hận, song thế nào đi nữa, cuối cùng lòng khao khát yêu thương từ thẳm sâu con người nhân từ của họ cũng chiến thắng. Và đó là cơ sở cho sự cứu rỗi của thế giới. Nastasia Filipoppna trong Chàng Ngốc trở thành món hàng mua bán, trao đổi của xã hội buôn người Petersburg, khi ý thức được tình yêu – lòng thương chân thành của hoàng thân, lại lựa chọn hy sinh, giam mình trong tình yêu - đam mê của Rogozhin. Nàng linh cảm trước được, mà không né tránh cái chết thảm khốc, để hai người đàn ông có thể gặp lại nhau, an ủi nhau trong nỗi tiếc thương nàng. Grushenka trong Anh em nhà Karamazov cũng trở thành món hàng trao đổi, bị lăng nhục, muốn trơ tráo trả thù thế giới, mà cuối cùng vẫn có thể hồi sinh trong tình yêu thương, như vin vào “một nhánh hành” mà đứng dậy.

Trong truyện ngắn Tội ác và trừng phạt, Nguyễn Huy Thiệp, khi dựng chân dung nữ nhân vật phạm tội giết cha, đã không có một lời nào về sắc đẹp của cô, mà chỉ miêu tả sự biến dạng vì khổ đau của cô gái mười sáu tuổi ấy: “Khuôn mặt cô đanh lại, khắc khổ. Mái tóc đỏ quạch, rối bời. Cô nói bằng giọng trầm, khô đặc hệt như đàn ông” (Tội ác và trừng phạt, 278). Theo người kể chuyện của Nguyễn Huy Thiệp, sự buồn chán, trống rỗng tâm hồn, “đời sống tinh thần tăm tối cùng hoàn cảnh quẫn bách vật chất”, cũng như “sự mông muội tinh thần” làm nảy sinh những tội ác man rợ, trắng trợn, tàn nhẫn. Cô gái “phẫn uất”, giết người cha đã lăng nhục cô bằng rìu (như Raskolnikov trong Tội ác và hình phạt), thiêu chết ba đứa em, rồi treo cổ tự tử. “Khi tôi hỏi cô gái mười sáu tuổi phạm tội giết người có biết về tình yêu hay không, cô ta nói là không biết. Tội ác không bao giờ biết tới tình yêu... Tội ác sinh ra tội ác... Tội ác cứ nhân thêm. Và đến lúc nào đấy, sẽ bốc lửa. Sự trừng phạt sẽ đến. Sẽ đến ngày phán xử cuối cùng”. Môtip “ngày phán xử cuối cùng”, nỗi xót xa “cháu có chết cũng chẳng ai thương” của cô gái và bài tụng “Vô tướng” đáp ứng lời thỉnh cầu về “một bài kinh sám hối” sau khi chết của cô chính là biểu hiện của “cái đẹp cứu rỗi thế giới” – đau khổ, căm hận, tội lỗi “bốc lửa” tự hủy diệt để được tái sinh trong tha thứ, yêu thương.

Cái đẹp trong thế giới nghệ thuật của Dostoevsky, cũng như của Nguyễn Huy Thiệp, tất nhiên, không loại trừ sắc thái thẩm mỹ. Những người phụ nữ đẹp - đối tượng của yêu thương như Pùa, như nàng Bua, như Hà Thị E, như Muôn, như nàng Sinh trong Những ngọn gió Hua Tát đều trải nghiệm đau khổ, sợ hãi, thậm chí nhục nhã, họ không toàn thiện hoàn mỹ, nhưng họ là hiện thân cho cái đẹp vừa đáng yêu vừa “khủng khiếp” vẫn hiện diện trên mặt đất này. Họ trở thành phép thử sự tồn tại của ý niệm về Đấng tối cao vẫn còn tồn tại trong lòng những con người – thú của thế giới khổ đau. Những Con gái thủy thần, Mẹ Cả, Gianna Đoàn Thị Phượng trong Con gái thủy thần, Xuân Hương trong Chút thoáng Xuân hương, Thị Lộ trong Nguyễn Thị Lộ, Ngô Thị Vinh Hoa trong Phẩm tiết, con khỉ mẹ trong Muối của rừng, chị Thắm trong Chảy đi sông ơi, chị Hiên trong Những bài học nông thôn, chị Thục trong Những người thợ xẻ… và cả Sinh trong Không có vua nữa – chính là hiện thân cho ý niệm “cái đẹp sẽ cứu thế giới” trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Họ không hẳn là “thánh nữ”, họ đồng thời còn là nạn nhân của thế giới dường như không có chỗ cho cái đẹp, nhưng họ là biểu tượng không tắt của tình yêu thương cứu rỗi thế giới khổ đau. Họ hiểu “con người ta tăm tối lắm”, mà vẫn tâm niệm: “Đừng trách họ thế. – Người phụ nữ an ủi tôi, giọng nói ngân nga như hát. - Có ai yêu thương họ đâu… Họ đói và ngu muội lắm…” (Chảy đi sông ơi, 70). Trong phần kết truyện Không có vua, vào dịp giỗ 100 ngày lão Kiền, cũng là chuẩn bị đón mừng một sinh linh mới trong gia đình, các nhân vật tụ họp và bất ngờ có một khoảnh khắc kết nối yêu thương: “Sinh cười: Cứ thế này thì không thấy khổ”. Cấn hỏi: “Thế ngày thường thì thấy khổ à?” Sinh bảo: “Khổ chứ. Nhục lắm. Vừa đau đớn, vừa chua xót. Nhưng thương lắm” (Không có vua, 131). Trong thời khắc hủy diệt – sinh thành (giống như trong lễ hội carnaval), ngay cả Đoài – nhân vật gần nhất với kiểu nhân vật hư vô chủ nghĩa trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp – cũng dường như nhất thời ý thức được sự tồn tại của cái đẹp, thốt lên trong niềm hứng khởi: “Cuộc sống dù khỉ gió nhưng đẹp tuyệt vời”. Ý thức về cái đẹp không thể hiện sự yếu đuối, không phải là “dấu hiệu đầu tiên của sự bất lực” như nhân vật Raskolnikov của Dostoevsky tuyên bố, ý thức về cái đẹp giúp cho con người ở bờ vực thẳm của cuộc sống thú vật, không thể quyết rơi hẳn vào vòng tay Quỷ sứ, mà vẫn còn có cảm nhận Chúa ở bên mình. Cả Raskolnikov, cả Ivan Karamazov đều có thể còn được cứu rỗi chính là bởi họ không thể loại trừ đươc cái đẹp và tình yêu thương ra khỏi tâm thức của mình. Và đó là cơ sở cho sự cứu rỗi, không chỉ của họ, mà của cả thế giới khổ đau này.

Những nhân vật nhận thức, nhân vật trong hành trình tìm kiếm lẽ sống trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp như Chương (Con gái thủy thần), cậu bé bến Cốc (Chảy đi sông ơi), Nhâm (Thương nhớ đồng quê), Ngọc (Những người thợ xẻ)… đều nuôi dưỡng ý thức về cái đẹp không tắt ở trong lòng người. Cũng như chính Nguyễn Huy Thiệp – cây bút văn xuôi nghiệt ngã nhất trong văn học Việt Nam hiện đại – dù sao cũng không hẳn là đến với chủ nghĩa hư vô, mà vẫn khắc khoải trong “khát vọng hài hòa”, buồn, cô đơn, song không phủ nhận tuyệt đối ý niệm về cái đẹp như một số nhà văn hậu hiện đại thế hệ sau. Có lẽ danh ngôn của Dostoevsky đã góp phần nuôi dưỡng ý niệm không tắt về cái đẹp trong cảm quan của nhà văn Việt Nam hiện đại này.

 

*

Sáng tác của Dostoevsky ảnh hưởng đến nhiều nhà văn hiện đại của Việt Nam ngay từ đầu thế kỷ XX. Song có thể thấy, càng tiến gần đến cuối thế kỷ XX, khi bối cảnh xã hội trở nên phức tạp hơn, khủng hoảng tinh thần của con người trở nên căng thẳng hơn, người đọc Việt Nam càng cảm thấy Dostoevsky trở nên gần gũi với mình hơn. Nguyễn Huy Thiệp thường tâm sự rằng, trước khi cầm bút sáng tác, ông đã ngẫm ngợi trên trang sách của mấy trăm nhà văn thế giới. Nguyễn Huy Thiệp còn là một thầy giáo dạy sử, lịch sử tư tưởng, văn chương Phương Đông thấm đẫm cảm quan nghệ thuật của ông. Chúng tôi cho rằng, cuộc gặp gỡ với Dostoevsky là một trong những cuộc gặp gỡ quý giá nhất đối với nhà văn từng làm đảo lộn thị hiếu thẩm mỹ của người đọc Việt Nam này. Nguyễn Huy Thiệp không phải là người đầu tiên tìm cách kết hợp hệ tư tưởng của Dostoevsky và các nhân vật của ông với tư tưởng Phương Đông. Khuynh hướng này ta có thể thấy ngay từ Hồ Biểu Chánh khi phóng tác Tội ác và hình phạt của Dostoevsky thành Người thất chí. Song có thể nói, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn hiếm hoi đã tổng hòa được một cách nhuần nhuyễn cảm quan nghệ thuật của Dostevsky với cảm quan nghệ thuật Á Đông trong thời đại các giá trị truyền thống bị đảo lộn, khủng hoảng. Và điều quý nhất, khác với một số cây bút văn học hiện đại ở Việt Nam dường như không phân biệt được chủ nghĩa hiện sinh trong quan điểm một số nhân vật của Dostoevsky với lời phán xét hệ quan điểm ấy của chính nhà văn, Nguyễn Huy Thiệp ý thức rõ sự khác biệt giữa hệ quan điểm nổi loạn của các nhân vật trong sáng tác của Dostoevsky với hệ tư tưởng của chính nhà văn. Đó là lý do vì sao đọc những trang văn “gây sốc” của Nguyễn Huy Thiệp ta vẫn gìn giữ được điểm tựa niềm tin vào con người. Như những độc giả Dostoevsky hằng mong đợi, đọc Nguyễn Huy Thiệp ta vẫn cố kết một niềm tin “rất Á Đông” rằng, dù thế nào đi nữa cái đẹp – tình thương không mất đi trên mặt đất. Và sau cơn khủng hoảng, sau những trải nghiệm cuộc sống có lúc gần với cuộc sống “thú vật” của các nhân vật, ta cùng với những nhân vật ấy vẫn sẽ được cứu rỗi, bởi ta cũng như họ, nhiều khi vô thức, vẫn “ở cùng” cái đẹp trên thế gian này.

Trong khuôn khổ có hạn của bài viết, chúng tôi không kỳ vọng khám phá được hết những nét tương đồng trong cảm quan nghệ thuật của hai nhà văn. Chúng tôi hy vọng rằng bài viết mở ra một triển vọng nghiên cứu tiếp theo cho vấn đề tiếp nhận Dostoevsky ở Việt Nam, cũng như khơi gợi những khám phá thế giới nghệ thuật đặc sắc của Nguyễn Huy Thiệp trong tương lai./.

 

(Đỗ Hải Phong - Bài đã đăng trên TC Nghiên cứu văn học, số 7-2021, tr.55-64)

 

[1] Достоевский: Материалы и исследования, т.20, Санкт-Петербург, Нестор-История, 2013, с.221-222.

[2] Nguyễn Văn Dân, Nghiên cứu văn học – Lí luận và ứng dụng, NXB GD, 1999, tr.252-253.

[3] Nguyễn Văn Thuấn, Du hành giữa các văn bản – Nguyễn Huy Thiệp Xã hội Việt Nam sau 1975, NXB Đại học Huế, tr.299-300.

[4] Достоевский Ф. М. Полное собрание сочинений в тридцати томах, т. 14/ Наука. Ленинградское отделение, 1976, с.268; F.M.Dostoevsky, Anh em nhà Karamazov (Phạm Mạnh Hùng dịch), 2000, NXB Văn học – TTVHNN Đông Tây, tr.425.

[5] F.M.Dostoevsky, Anh em nhà Karamazov (Vũ Đình Lưu dịch), 1972, Nguồn sáng, tr.337.

[6] Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, NXB TP Hồ Chí Minh, 2002, tr.1329.

[7] Достоевский Ф. М. Полное собрание сочинений в тридцати томах, т. 14/ Наука. Ленинградское отделение, 1976, с.268.

[8] Достоевский в русской критике, Москва, Гослитиздат. 1956, с.58-59.

[9] Достоевский Ф. М. Полное собрание сочинений в тридцати томах, т.7, 1973, с.154-155.

[10] М.М.Бахтин, Проблемы поэтики Достоевского (4-е изд.), Москва, Сов. Россия, 1979, с.143.

[11] Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, NXB Văn học – Đông A, 2019, tr.13. Xuất xứ mọi trích dẫn từ truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đều từ sách này, tên tác phẩm và số trang được chú trong ngoặc đơn ngay trong văn bản bài viết.

[12] Достоевский Ф. М. Полное собрание сочинений в тридцати томах, т.8, 1973, с.317.

[13] Достоевский Ф. М. Полное собрание сочинений в тридцати томах, т.8, 1973, с.31-32.

[14] Достоевский Ф. М. Полное собрание сочинений в тридцати томах, т.14, 1976, с.100.

 

Post by: admin
06-11-2021