Kiệt tác “Don Quijote - nhà quí tộc tài ba xứ Mancha” của Miguel de Cervantes là một tác phẩm đồ sộ. Trong 126 chương của tác phẩm được coi là “tiểu thuyết - bách khoa”[4, tr.71] về cuộc sống Tây ban nha hậu kỳ Phục hưng này có 669 nhân vật. Tuy nhiên, phần lớn các nhân vật xuất hiện trong tác phẩm hoặc nằm ở rìa của mạch cốt truyện, chỉ có ý nghĩa bổ trợ cho ý thức của nhân vật chính, hoặc thuộc về thế giới xám nhờ của đời thường và “đóng vai trò không hơn đàn cừu hay những chiếc cối xay gió mà Don Quijote phải đương đầu”[3, tr.354]. Nổi bật lên trên các nhân vật phụ bổ trợ và cái nền xám nhờ ấy là cặp nhân vật trung tâm Don Quijote và Sancho Panza.
Về cặp nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết của Cervantes, nhà thơ Đức H. Heine có viết: "Hai nhân vật mang tên Don Quijote và Sancho Panza không ngừng nhại lại nhau nhưng đồng thời bổ trợ cho nhau một cách kì lạ để gộp lại với nhau thành nhân vật chính của tiểu thuyết, hai nhân vật này chứng tỏ linh cảm nghệ thuật và chiều sâu trí tuệ của nhà văn".
Hiện tượng hai nhân vật “nhại lại nhau, nhưng đồng thời bổ trợ cho nhau... gộp lại với nhau” trong văn học được các nhà lý luận phê bình gọi là nghệ thuật lưỡng hoá (dédoublement). Tuy nhiên, ngoài ý nghĩa đó ra, thuật ngữ “lưỡng hoá” còn có thể được dùng để chỉ thủ pháp tạo dựng “hai con người”, hai tính cách trong một nhân vật. Cặp nhân vật Don Quijote và Sancho Panza còn ứng với cả nghĩa thứ hai này của “lưỡng hoá”: trong Don Quijote dường như tồn tại “hai con người” và cả Sancho Panza cũng vậy.
Cặp nhân vật lưỡng hoá Don Quijote và Sancho Panza là một sáng tạo độc đáo của Cervantes. Không đơn thuần là một thủ pháp hình thức, cặp nhân vật này còn mang trong mình cả giải pháp cho vấn đề chính mà tác phẩm đặt ra - vấn đề thực tế và lý tưởng.
Thông qua việc khảo sát những nét tương phản và tương đồng của cặp nhân vật Don Quijote và Sancho Panza ở dạng đối sánh tĩnh tại cũng như trong quá trình vận động của hai nhân vật theo mạch phát triển của cốt truyện, trong bài viết này chúng tôi muốn làm sáng tỏ cơ cấu và chức năng của cặp nhân vật này, đồng thời góp một tiếng nói vào cách hiểu tác phẩm vĩ đại của Cervantes.
1. Những tương phản và tương đồng khởi thuỷ
Trong lần ra đi thứ nhất Don Quijote chưa có giám mã theo hầu. Trang bị cho mình tên tuổi, ngựa chiến, giáp trụ, vũ khí, hình ảnh người phụ nữ lý tưởng của trái tim, Don Quijote tưởng là đã đủ để ra đi "trả thù cho những người bị xúc phạm, bênh vực kẻ yếu hèn, uốn nắn những điều sai trái, phi lí, đả phá mọi lạm dụng bất công"(“Don Quijote” phần I, chương 2 – Sau đây chúng tôi sẽ dùng tắt chữ số La mã và Arap để chỉ xuất xứ đoạn trích dẫn từ phần và chương nào của tác phẩm). Phải cho đến lúc lão chủ quán mà Don Quijote nghĩ là “quan trấn thành”, trước khi làm lễ tấn phong tước hiệp sỹ cho chàng, nhắc chàng nhớ đến điều “hiển nhiên” là các hiệp sỹ giang hồ đều cần phải có “giám mã” cũng như “tiền và các thứ cần thiết khác như băng cuốn, thuốc cao” (I,3), bấy giờ chàng hiệp sỹ mới bắt đầu ý thức về cái mình còn thiếu cho cuộc hành trình. Don Quijote “quay ngựa về làng” ngay để lấy “những vật dụng cần thiết, đặc biệt là tiền nong và áo sơ mi, đồng thời kiếm một giám mã theo hầu”, “Chàng định tâm chọn bác nông dân ở cạnh nhà, bác này nghèo và đông con nhưng làm giám mã cho hiệp sỹ thì thật là hợp”(I,4). Sancho Panza bắt đầu xuất hiện trong tác phẩm như sự bổ sung cái thuần tuý vật chất vào hành trang vốn thuần tuý tinh thần của Don Quijote. Bổ sung như vậy cũng có nghĩa là đối sánh bởi những nét tương phản được nhấn mạnh như các đối cực.
Những nét tương phản này được Cervantes làm nổi bật ngay từ những chặng đường đầu tiên của cuộc ra đi lần thứ hai, khi Don Quijote và Sancho Panza bắt đầu sóng đôi nhau trên dặm đường thiên lý.
Trước hết là sự tương phản về hình thức bên ngoài.
Về thể chất: Don Quijote cao và gầy ngẳng, Sancho Panza bụng phệ (“panza” tiếng Tây ban nha có nghĩa là “bụng phệ”), mình ngắn, chân chim;
Về phương tiện di chuyển: Don Quijote cưỡi trên con ngựa Rocinante gầy còm, Sancho Panza ngồi trên lưng con lừa Xám chắc nịch;
Về vật dụng hộ thân: Don Quijote mặc giáp trụ, mang ngọn thương dài, Sancho Panza đeo bầu rượu và cái túi hai ngăn đựng thức ăn, thuốc cao và những đồ dùng sinh hoạt.
Các cặp phạm trù “cao – thấp”, “dài – tròn”, “gầy – béo”, “vật dụng và phương tiện chiến đấu – vật dụng và phương tiện sinh hoạt” không chỉ được dùng để phân vai cho hai nhân vật “hiệp sỹ - giám mã”, chúng còn tạo ấn tượng tương phản giữa hai quan niệm sống khác nhau.
Quả vậy, sự tương phản không chỉ dừng ở phương diện hình thức bên ngoài. ở đầu tác phẩm Don Quijote dường như hoàn toàn sống trong thế giới tưởng tượng của những tiểu thuyết hiệp sĩ phi thực tế, còn Sancho Panza thì dường như chỉ lo đến chuyện no bụng. Don Quijote luôn nghiêm túc, Sancho Panza luôn tếu táo. Don Quijote xông xáo, nhiệt tình, không quan tâm đến thực tế sinh hoạt, lại hiểu biết rất nhiều những vấn đề trừu tượng, nói năng lưu loát, thẳng thắn, nhưng bằng thứ ngôn ngữ cầu kỳ, kiểu cách, sách vở, còn Sancho Panza thụ động, lại có cái nhìn hết sức thực tế, nói năng quẩn quanh về những đề tài mang tính vật chất cụ thể với những câu thành ngữ tục ngữ chồng chất. Don Quijote luôn can thiệp vào chuyện người khác và biết quên mình vì lý tưởng, Sancho Panza tránh va chạm, lại luôn chỉ nghĩ đến những quyền lợi vật chất của riêng mình. Don Quijote từng nói với Sancho Panza: "Anh sinh ra để ngủ, còn ta sinh ra để thức"(II,68).
Don Quijote và Sancho Panza còn là sự tương phản mang tính lịch sử cụ thể giữa giai tầng trí thức quí tộc và nông dân ít học trong xã hội Tây ban nha thời bấy giờ. Mặc dù Don Quijote chỉ là một hidalgo (quí tộc nghèo) trong xã hội Tây ban nha lúc đó đã không còn được mấy người coi trọng, nhưng ý thức về khoảng cách xã hội với người nông dân Sancho Panza vẫn có. Khi lầm tưởng tiếng chày nện dạ báo hiệu cho một cuộc phiêu lưu và bị Sancho Panza cười giễu, Don Quijote tuyên bố: “Có bắt buộc một hiệp sỹ như ta phải phân biệt được các âm thanh và biết tiếng chày nện dạ như thế nào không? Hơn nữa, thực ra ta có nhìn thấy cái chày nện dạ bao giờ; ta đâu thô lỗ như anh vốn sinh ra và lớn lên bên những cái chày đó”(I,20).
Ở đầu tác phẩm Don Quijote và Sancho Panza còn tương phản ở khả năng tưởng tượng, tư duy trừu tượng và khả năng nhìn thấy, tư duy cụ thể.
Don Quijote trên những chặng đường đầu tiên của cuộc phiêu lưu gần như sống hoàn toàn trong thế giới tưởng tượng của mình. Trong thế giới ấy không có Aldonza Lorenzo, chỉ có Dulcinea; không có quán trọ, chỉ có lâu đài; không có những chiếc cối xay gió, chỉ có những tên khổng lồ; không có những đàn cừu, chỉ có những đội quân... Chìm ngập trong thế giới của những cuốn sách hư cấu, Don Quijote áp đặt những điều đã đọc trên trang sách vào cuộc sống thực. Don Quijote dường như không thể hình dung được cuộc sống lại có thể khác những trang sách. Chàng hiệp sĩ ngơ ngác về những điều "chưa hề thấy sách nào nói tới"(I,3). Don Quijote dường như không nhìn thấy, mà chỉ tưởng tượng ra, tất nhiên là trên cơ sở những cuốn sách đã đọc.
Sancho Panza ở đầu cuốn tiểu thuyết lại bắt đầu từ một cực khác. Thế giới của bác bó hẹp trong thực tế trần trụi. Sancho Panza nhìn thấy những gì cụ thể trước mắt, chứ không thể hình dung nổi thế nào là khái quát và tưởng tượng. Sancho Panza có lần kể cho Don Quijote nghe một câu chuyện về chàng chăn dê Lope ghen tuông bỏ người yêu ra đi. Bác tuyên bố: "người kể với tôi nói rằng chuyện này hoàn toàn có thật, cho nên khi kể lại cho người khác, tôi có thể khẳng định và thề rằng tôi đã được nhìn thấy". Chuyện bị bỏ dở ở đoạn Lope đưa đàn dê sang sông, vì Sancho Panza khi đếm từng con dê sang sông đã bị vấp, như bác nói: "quên một con là hết chuyện" (I,20).
Don Quijotevà Sancho Panza dường như hai thái cực đối lập của một thể thống nhất. Don Quijote nhận thức mối quan hệ giữa mình và Sancho Panza như “đầu” với “thân”, “khi cái đầu đau, toàn thân cũng đau”(II,2). Sự tương phản này vốn bắt nguồn từ tín ngưỡng văn hoá cổ xưa giữa trời và đất, tinh thần và vật chất, trừu tượng và cụ thể, mơ và thực, "phần trên" và "phần dưới", theo cách nói của M.Bakhtin [1, tr.314]. Đó còn là tương phản giữa văn hoá bác học và văn hoá dân gian, giữa cái cao siêu và thông tục, nghiêm nghị và tếu táo. Don Quijote, theo nhà nghiên cứu L.Pinsky, có nguồn gốc xa xôi từ hình tượng tráng sỹ trong anh hùng ca, biến thể qua tiểu thuyết hiệp sỹ. Còn Sancho Panza, cũng theo nhà nghiên cứu này, gợi nhớ hình tượng “chàng ngốc” trong truyện cổ, biến thể qua loại hình sân khấu dân gian bobo thế kỷ XVI ở Tây ban nha [3, tr.350].
Mặc dù có những nét tương phản nói trên, Don Quijote và Sancho Panza vẫn “dường như cùng được rập theo một khuôn”(II,2). Cặp nhân vật này còn có nhiều điểm tương đồng.
Cả Don Quijote và Sancho Panza đều có khát vọng đổi đời: Don Quijote muốn đoạn tuyệt với nếp sống tầm thường nhỏ hẹp của một hidalgo, Sancho Panza muốn đoạn tuyệt với cuộc sống nghèo khó ở nơi quê nhà. Ước mơ về "hòn đảo" và cuộc sống ấm no của Sancho Panza vốn bắt nguồn từ văn hoá dân gian cũng chính đáng như khát vọng lập chiến công vì mọi người của Don Kihote. Don Quijote và Sancho Panza có chung sự "ngây thơ" của cả hai ước mơ ấy. Chính điểm tương đồng này đã gắn bó hai thầy trò chàng hiệp sĩ, thúc đẩy họ lên đường.
Cả Don Quijote lẫn Sancho Panza đều là những tính cách lưỡng phân. Trong Don Quijote dường như có sự tráo đổi giữa hai con người: một điên rồ, một tỉnh táo. Cũng như trong Sancho Panza có sự tráo đổi qua lại giữa hai nét tính cách đối lập ranh mãnh và ngây thơ. Mối tương quan giữa sự điên rồ và tỉnh táo của Don Quijote thực chất phản ánh độ chênh giữa lý tưởng lập chiến công vì mọi người và sự xa rời thực tế đời sống của muôn người ở bên trong chàng hiệp sĩ quí tộc. Cũng như vậy, mối tương quan giữa cái khôn ngoan và ngốc nghếc của Sancho Panza phản ánh độ chênh giữa những toan tính vật chất vị kỷ và khát vọng đổi đời cho tất cả ẩn sâu ở bên trong người giám mã nông dân.
Là những tính cách lưỡng phân, cả Don Quijote lẫn Sancho Panza lại cùng không thể ý thức được sự phân tách giữa thế giới thực tế và tưởng tượng. Don Quijote tiếp cận với thế giới thực và ảo bằng tư duy nguyên hợp. Đối với chàng, giữa thế giới thực và thế giới hư cấu không có ranh giới. Don Quijote hình dung các nhân vật trong tiểu thuyết kiếm hiệp như những người thật có thể sống và hành động cùng với mọi người trong thế giới thực, khi biện luận chàng luôn xếp các nhân vật lịch sử có thật vào cùng một dãy với các hình tượng hư cấu làm người nghe “không khỏi ngạc nhiên thấy chàng lẫn lộn giữa cái thật và cái giả”(I,49). Tương tự như vậy, vượt ra ngoài thực tế sinh hoạt đời thường, Sancho Panza không thể phân biệt được cô gái Dorotea với công chúa Micomicona, ra sức đi tìm cái đầu của “tên khổng lồ” – bao đựng rượu mà chủ mình chém đứt, hoàn toàn không ngạc nhiên khi đi toàn trên đường bộ tới nhậm chức ở một “hòn đảo”, sẵn sàng hoà giải thực tại với hư ảo để gọi cái chậu cạo râu (mà Don Quijote cướp của bác phó cạo vì cho đó là cái mũ trụ của tên khổng lồ Mambrino) là “cái chậu mũ trụ” (I,44).
Chính “trò chơi” giữa thực và ảo diễn ra một cách tự nhiên với những kết hợp bất ngờ, những tráo đổi không có bước chuyển trung gian trong ý thức của Don Quijote và Sancho Panza đã làm nên nét độc đáo của cặp nhân vật này. Nhấn mạnh tư duy nguyên hợp và tính mâu thuẫn “ngây thơ” kỳ vĩ trong “bản tính tự nhiên” của ý thức con người trong Don Quijote và Sancho Panza, Cervantes đã phát huy chủ nghĩa nhân văn Phục hưng, mở ra cho cặp nhân vật này khả năng luôn luôn không trùng khít với chính mình, vượt lên trên chính bản thân mình, luôn luôn vận động và thay đổi.
2. Vận động “nghịch dị” và tác động tương hỗ
M.Bakhtin gọi chủ nghĩa hiện thực thời Phục hưng là “chủ nghĩa hiện thực nghịch dị” (grotesque realisme) [1, tr.312]. Theo Bakhtin, nghịch dị ở nghĩa gốc qua những hình chạm khắc trên tấm hoa văn cổ tìm thấy ở La mã thế kỷ XV thể hiện “một phong cách đùa nghịch phi thường, kết hợp quái dị và tự do những hình ảnh thực vật, động vật và con người – chúng chuyển hoá lẫn vào nhau, cứ như cái này làm nảy nở cái kia”[1, tr.324-325], “hình tượng nghịch dị thâu tóm hiện tượng trong trạng thái biến chuyển của nó, khi biến hoá chưa hoàn tất...”[1, tr.316]. Hai đặc điểm nổi bật của hình tượng nghịch dị, theo Bakhtin, là “thái độ đối với thời gian, với sự hình thành” và “tính lưỡng trị”[1, tr.317]. Nghịch dị hiểu theo nghĩa đó thực chất là sự kết hợp một cách quái dị những cái tưởng khó có thể kết hợp được trong một chỉnh thể động, chưa hoàn tất, các thành tố luôn chuyển hoá vào nhau để biến thể thành những kết hợp mới, đồng thời vẫn để lộ các cực của nó. Nghịch dị là loại hình tư duy nghệ thuật đặc trưng cho buổi giao thời, lúc cái mới và cái cũ còn đồng thời tồn tại với nhau trong những kết hợp quái dị của chúng. Trong công trình về Rabelais của mình, M.Bakhtin có liên hệ đến “Don Quijote” của Cervantes và coi cặp nhân vật Don Quijote và Sancho Panza là một cặp nhân vật nghịch dị [1, tr.314]. Chất nghịch dị của cặp nhân vật Don Quijote và Sancho Panza thể hiện ở chất lưỡng tính, sự kết hợp kỳ quái các đối cực và vận động biến hoá, hình thành không ngừng của nó trong một chỉnh thể gây cười. Nhìn từ góc độ này, chúng ta có thể lý giải được vận động tính cách của cặp nhân vật Don Quijote và Sancho Panza.
Trước tiên đó vẫn là một sự hình thành, phát triển dọc theo chiều dài thời gian của mạch cốt truyện.
Ba nghìn dặm đường đi cùng nhau trên đất nước Tây ban nha đã làm cho cả Don Quijote lẫn Sancho Panza cùng biến đổi. Mỗi nhân vật với các cực ở bên trong đã tự có những vận động biến thái để không trùng khít với chính mình, đồng thời hai nhân vật tác động lẫn nhau và cùng chịu tác động của thực tế đời sống Tây ban nha trên mỗi bước đường phiêu lưu.
Don Quijote tiếp thu bài học thực tế đầu tiên của lão chủ quán và tìm được cho mình bác giám mã Sancho Panza - nhân vật bổ trợ tuyệt vời cho cái nhìn thiếu thực tế của chàng hiệp sĩ. Trên đường đi, thực tại đời sống tấn công vào thành luỹ tưởng tượng của Don Quijote, bắt chàng phải nhìn thấy nó, thừa nhận cảm giác thực về nó. Những lời khuyên và những câu tục ngữ, thành ngữ của Sancho Panza góp phần không nhỏ vào cuộc tấn công đó. Sau khi giải cứu cho đoàn tù khổ sai, Don Quijote thú nhận với Sancho Panza: "Nếu ta nghe lời anh chắc không đến nỗi cay đắng như thế này... anh đừng nghĩ rằng ta ương ngạnh và không bao giờ chịu nghe lời khuyên can của anh, lần này ta sẽ nghe anh và sẽ tránh đòn sấm sét của đội Santa Hermandas mà anh lo sợ"(I,23). Sau khi nghe Sancho Panza kể về cuộc gặp gỡ với nàng Dulcinea "hơi nặng mùi như đàn ông... đang sàng hơn một tạ lúa trong sân nhà" (Sancho Panza bịa ra cuộc gặp gỡ này dựa trên những hiểu biết của mình về Aldonza Lorenzo), Don Quijote chỉ còn có thể bấu víu vào "sự phù phép" để gìn giữ thế giới tưởng tượng đang lung lay của mình và hỏi ý kiến Sancho Panza: "Theo ý anh, ta phải làm gì?"(I,31). Đến đầu phần II của cuốn tiểu thuyết Don Quijote không còn gọi quán trọ là lâu đài nữa và chịu nghe lý luận "vững chắc" của Sancho Panza để thay đổi quyết định đánh nhau với một gánh hát (II,11). Trong cuộc gặp gỡ với "nàng Dulcinea và hai cô hầu gái" ở Toboso (do Sancho Panza ứng tác để lừa chủ), Don Quijote bắt đầu căng mắt ra mà chỉ "nhìn thấy" đó là ba cô thôn nữ cưỡi lừa. Cuối cùng, mặc dù đã gắng gượng giải thích tất cả bằng “sự phù phép”, chàng hiệp sỹ vẫn không thể rũ bỏ ấn tượng về “mùi tỏi sống” toát ra từ các cô gái đó (II,10). Tất cả những điều trông thấy, cảm thấy trong thực tế đã dẫn Don Quijote tới giấc mơ ở dưới hang Montesinos. Trong giấc mơ, Don Quijote được nghe hồn ma của chính hiệp sĩ Montesinos kể chuyện ông ta nhận lời đem trái tim "phải nặng tới một cân" của Durandarte về cho nàng Belerma và đã "bỏ một dúm muối vào quả tim cho khỏi có mùi". Cũng chính trong giấc mơ đó, Don Quijote dường như nhận ra nàng Dulcinea trong số "ba cô gái quê vừa đi vừa nhảy nhót như những con dê trên cánh đồng xanh tốt", rồi được nghe một trong hai cô gái cùng đi với Dulcinea thay mặt cho nàng hỏi vay sáu đồng real và "cầm đợ cái váy mới bằng sợi bông"(II,23). Thực tại ùa cả vào giấc mơ "nhìn tận mắt, sờ tận tay" của nhân vật. Thực tế cuộc sống nhàn rỗi, bị lăng nhục và mất tự do trong toà lâu đài công tước làm Don Quijote phải thốt lên câu nói nổi tiếng sau khi rời khỏi nơi đó: "Tự do, Sancho ạ, là một trong những món quà tặng quí giá nhất mà trời ban cho con người: không có kho báu nào dù là ở trong lòng đất hay dưới đáy biển có thể sánh được với nó. Vì tự do, cũng như vì danh dự, người ta có thể hy sinh cả tính mạng, và sự mất tự do là điều bất hạnh lớn nhất trong tất cả những điều bất hạnh có thể xảy ra với con người"(II,58). Đó không chỉ đơn thuần là lời trích dẫn từ trang sách ngụ ngôn Ezop nữa, mà còn là chân lý đã được trải nghiệm qua thực tế mất tự do của chàng hiệp sĩ. Hơn thế, ở cuối tác phẩm, Don Quijote còn có thể kết hợp được kiến thức bác học với trí tuệ dân gian. Don Quijote thường chê Sancho Panza làm hỏng ngôn ngữ và là "cái bị chứa đầy tục ngữ", vậy mà có lúc lại phải nhờ Sancho Panza tìm cho một câu tục ngữ thích hợp để thể hiện ý tưởng, có lúc lại còn tự hào với Sancho Panza: "Ta dùng tục ngữ không kém gì ngươi". Sancho Panza cũng nhận thấy điều đó: "Ngài mắng tôi hay dùng tục ngữ mà ngài cứ tuôn ra từng cặp"(II,67). Sách vở, trí tuệ nhân dân và thực tế cuộc đời gặp nhau ở đó. Lý tưởng được thực tế hoá, hay nói cách khác, Don Quijote đã được "Sancho Panza hoá".
Cũng trên đường đi, Sancho Panza mặc dù nhận thấy đầu óc ông chủ của mình "quay cuồng như cối xay"(I,8), nhưng "cuối cùng cũng tin" những lời nói "có sức thuyết phục" của Don Quijote (I,18). Sancho Panza gắn bó với ông chủ của mình một cách kỳ lạ. Sancho Panza tuyên bố khi nghĩ đến chuyện phiêu lưu làm giàu là "tôi dễ dàng vượt qua mọi khó khăn cùng ông chủ ngốc nghếch của tôi mà tôi biết chắc là một kẻ điên chứ chẳng phải hiệp sĩ gì hết", nhưng cũng nhận định về Don Kihote: "Ông không biết làm hại ai, chỉ làm tốt cho mọi người... Tôi yêu, tôi quí ông cũng chỉ vì cái nết hiền lành đó"(II,13). Dần dần Sancho Panza đi tới chỗ đánh giá Don Quijote "không rồ dại mà quật cường"(II,17) và phân biệt Don Quijote với "cả lò hiệp sĩ giang hồ ngu ngốc thời xưa": "Về những hiệp sĩ giang hồ thời nay, tôi không có ý kiến; tôi kính trọng họ vì ngài nằm trong số đó, và tôi cũng hiểu rằng trí tuệ của ngài hơn hẳn con quỉ ở một điểm mỗi khi ngài phát biểu hay suy nghĩ"(II,28). Trí tuệ của Don Quijote làm sống dậy "trí tưởng tượng khô cằn" của Sancho Panza. Khi kể về sự kiện đưa thư cho nàng Dulcinea không có thật cho chủ nghe, Sancho Panza mới chỉ bịa ra trên hiểu biết thực tế. Đầu phần II của cuốn tiểu thuyết, trong cuộc gặp gỡ với ba cô thôn nữ cưỡi lừa ở làng Toboso, Sancho Panza thậm chí đã có thể tưởng tượng và miêu tả cho Don Quijote thấy nàng Dulcinea là một trong ba cô thôn nữ ấy bằng ngôn ngữ của tiểu thuyết hiệp sỹ: "Bà và hai cô thị nữ đeo đầy ngọc ngà châu báu, mặc toàn những hàng gấm nhiễu thượng hảo hạng, rực cả một góc trời. Tóc họ xoã xuống vai giống như những tia mặt trời lung linh trước gió..."(II,10). Không có khả năng tráo đổi hoàn toàn thực tại bằng tưởng tượng như Don Quijote, bác giám mã nông dân Sancho Panza tìm cách kết nối đồng thời hai bình diện này một cách độc đáo: "Lũ pháp sư xấu xa và độc bụng kia!.. Biến đôi mắt ngọc của bà chủ ta thành những mấu cây sồi điển điển, biến mớ tóc vàng của bà thành những sợi lông đuôi bò đỏ hoe, biến những đường nét tuyệt đẹp thành xấu xí, như vậy chưa đủ sao? Nỡ nào lũ bay xúc phạm tới cả hương thơm trên người bà! ít ra, khi ngửi mùi thơm đó, người ta có thể đoán được con người thật nấp dưới cái vỏ xấu xí bên ngoài. Riêng ta thấy bà chẳng những không xấu xí mà rất đẹp là đằng khác; đã vậy ở mép bên phải của bà có nốt ruồi với bảy tám sợi lông vàng nom hệt như những sợi tơ vàng, dài tới hơn một gang tay, khiến bà đã đẹp lại càng xinh"(II,10).
Chịu ảnh hưởng của tinh thần nhân văn chủ nghĩa trong những lời nói của Don Kihote lúc tỉnh táo, Sancho Panza không chỉ phát triển trí tưởng tượng, mà còn mở rộng vốn ngôn từ trừu tượng, và còn dần dần nhận thức thực tại được sâu hơn, vứt bỏ được phần nào những suy tính cá nhân vị kỷ, bộc lộ những suy nghĩ vì mọi người. Đầu phần II của cuốn tiểu thuyết, Sancho Panza đã có thể nói với vợ những lời thông thái đến mức tác giả, với tư cách là người dịch cuốn sách của hiền sỹ Hamete, cho rằng chương sách đó là giả bởi nó “vượt quá sức của bác” giám mã (II,5). Trước khi Sancho Panza đi nhậm chức ở "hòn đảo" Barataria, Don Quijote khuyên nhủ Sancho Panza rất nhiều điều về sự bình đẳng giữa người với người, về lẽ công bằng, lòng nhân ái: "Đức hạnh phải do tu dưỡng mới có... tự nó có giá trị cao hơn dòng máu"; "Đừng để tình cảm riêng xen vào công việc tố tụng của người khác kẻo mất sáng suốt"; "Làm việc... không phải vì sức nặng của quà cáp mà vì sức nặng của lòng bác ái"(II,42-43)... Mặc dù tuyên bố là “chẳng nhớ câu nào” trong số những lời dạy bảo của Don Quijote, nhưng khi vừa đến nhận chức, Sancho Panza từ chối giới từ "don" quí tộc mà người ta gán cho: "Tôi không có "don" gì hết và cả họ nhà tôi cũng không hề có bao giờ... tất cả đều là Panza khong cần thêm "don" hay "dona" gì cả"(II,45). Trong thời gian làm thống đốc Sancho Panza đã cố gắng để "mang lại ánh sáng cho tất cả mọi người", xét xử mọi việc hết sức công bằng. Và con người vốn "chẳng có của cải tài sản nào khác ngoài những câu tục ngữ" dùng không đúng chỗ (II,43) và những câu nói quẩn quanh giờ đây lại biện luận thông thái và bác học đến nỗi giám sát viên của công tước phải thốt lên: "Một người thất học như ngài, một chữ bẻ đôi cũng không biết, thốt ra những lời hay ho như vậy... không thể ngờ ngài tài giỏi đến thế"(II,49). Vốn luôn mơ tưởng về chức thống đốc và dường như chỉ nghĩ đến danh lợi, vậy mà khi rời khỏi ghế thống đốc Sancho Panza đã có khả năng tuyên bố: "Các ngài hãy tránh ra để tôi được trở về với tự do trước kia của tôi... Tôi sinh ra không phải để làm thống đốc... Tôi quen với công việc cày cuốc, tỉa xén cành nho hơn... Tay tôi cầm liềm hợp hơn cầm quyền trượng thống đốc... Tôi tới đây nhậm chức với hai bàn tay trắng và ra đi cũng với hai bàn tay trắng, khác hẳn những thống đốc các đảo khác thường làm..."(II,53). Cái tếu táo dân gian tự phát của Sancho Panza ở đầu tác phẩm đến đoạn cuối đã trở thành tinh thần lạc quan được ý thức rõ ràng. Bác đã có thể an ủi chàng hiệp sĩ: "Kẻ bại trận hôm nay là người chiến thắng ngày mai"(II,74). Cái nhìn thực tế của Sancho Panza được nâng lên tầm lý tưởng trong quá trình "Don Quijote hoá". Chính điều này là cơ sở để nhà văn, nhà nghiên cứu M.Unamuno tuyên bố: “Chính Sancho cần phải khẳng định vĩnh viễn chủ nghĩa Don Quijote trên trái đất của chúng ta. Hỡi Hiệp sĩ cao quý, khi Sancho trung thành của chàng thắng yên cho Rocinante của chàng, khi bác ta đeo khiên và giương cao ngọn giáo của chàng, khi ấy chàng hồi sinh trong bác ta và khi ấy ước mơ của chàng sẽ thành hiện thực”[2, tr.62-63].
Vấn đề tất nhiên không phải ở sự đột biến của nhân vật, trong Sancho Panza vốn tiềm ẩn khả năng tưởng tượng, khát vọng đem lại no ấm cho mọi người, cũng như trong Don Quijote tiềm ẩn khả năng nhìn nhận thực tế và khả năng kết hợp tri thức bác học với trí tuệ nhân dân. Tác động qua lại giữa hai nhân vật làm cho những khả năng ấy được thực hiện và phát huy cao độ.
Tuy vậy, quá trình hình thành, phát triển tính cách của cặp nhân vật Don Quijote và Sancho Panza là một quá trình không hoàn tất, thể hiện tính lưỡng trị của những hình tượng nghịch dị.
Cho đến cuối tác phẩm, Sancho Panza vẫn không thoát khỏi những toan tính vật chất vị kỷ khi chịu nhận đòn ăn tiền để giải phù phép cho Dulcinea (II,71), cũng như Don Quijote cho đến ngay trước khi ốm chết vẫn điên rồ định đi chăn cừu (II,73). Tất nhiên, ảnh hưởng của “cái cũ” nằm trong ý thức nhân vật không còn đậm đặc như ở đầu tác phẩm. Song vận động ý thức của cặp nhân vật Don Quijote và Sancho Panza không hoàn toàn theo một đường thẳng liên tục, trong quá trình vận động luôn có thể có những biến thái bất ngờ. Độ chênh dù sao vẫn có, và độ chênh đó, một mặt, duy trì tiếng cười của độc giả cho đến cuối tác phẩm; mặt khác, thể hiện những kết hợp bất ngờ của “bản tính tự nhiên” trong bối cảnh lịch sử chung của buổi giao thời - thời đại Phục hưng.
Mang trong mình tính chất lưỡng hoá và nghịch dị, Don Quijote và Sancho Panza là cặp nhân vật vừa tương phản vừa bổ trợ cho nhau. Trên suốt ba nghìn dặm đường phiêu lưu trên đất nước Tây ban nha, chàng hiệp sĩ và giám mã của mình đã cùng nhận thức cuộc sống và ảnh hưởng lẫn nhau để điều chỉnh những mâu thuẫn bên trong của mình. Dù chưa hoàn tất, nhưng đó là cả một quá trình ý thức và tự ý thức lớn lao. Quá trình "thực tế hoá lý tưởng" của Don Quijote và quá trình "nâng thực tế lên tầm cao lý tưởng" của Sancho Panza trong cuốn tiểu thuyết khẳng định giải pháp cho vấn đề lý tưởng và thực tế của Cervantes như sự tổng hoà lý tưởng nhân văn với trí tuệ dân gian thực tế mang tính nhân dân sâu sắc. Mặc dù không miêu tả trực tiếp thế giới nội tâm của nhân vật (đi sâu vào miêu tả nội tâm có thể làm cho tính cách hành động của Don Quijote trở nên không nhất quán), Cervantes vẫn có thể chỉ ra vận động bên trong của các tính cách phức tạp. Cuốn tiểu thuyết với kết cấu lồng ghép cổ xưa được thống nhất lại xung quanh cặp nhân vật trung tâm Don Quijote và Sancho Panza làm thành một trong những chỉnh thể tiểu thuyết ý thức đầu tiên của thời hiện đại.
Tài liệu tham khảo
1. M.Bakhtin. Những bài báo phê bình văn học. M., 1986.
2. Cervantes và văn học thế giới. M.,1969.
3. L.Pinsky. Chủ nghĩa hiện thực thời Phục hưng. M.,1971.
4. V.Sklovsky. Về lý thuyết văn xuôi. L.,1925.
(Bài viết đã đăng trên Tạp Chí Khoa Học - ĐHSP Hà Nội- số 2 - 2004).