Văn học nước ngoài

[PGS.TS Nguyễn Thị Mai Chanh]

CẢM THỨC HIỆN SINH TRONG TIỂU THUYẾT CỦA DIÊM LIÊN KHOA - PGS.TS Nguyễn Thị Mai Chanh


12-08-2021
Tóm tắt: Các sáng tác xuất bản trong vài thập niên giao thời hai thế kỉ XX và XXI như Ngục tình cảm (《情感狱》- 1991), Nhật quang lưu niên (《情感狱》- 1998), Kiên ngạnh như thủy (《坚硬如水》- 2001), Thụ hoạt (《受活》- 2004), Đinh Trang mộng (《丁庄梦》- 2006), Tứ thư (《四书》- 2011), Nhật tức (《日熄》- 2016)… đã đưa tác giả Diêm Liên Khoa (1958 - ) đến với danh hiệu “bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực phi lý” trong văn chương Trung Quốc đương đại. Đáp lại lời ca tụng, Diêm Liên Khoa từng nói: đâu phải tác phẩm phi lý mà chính bản thân cuộc sống là phi lý. Câu nói của Diêm Liên Khoa nhuốm ý vị khiêm nhường và gợi chúng ta nhớ đến đại biểu hàng đầu của văn chương hiện sinh chủ nghĩa - Albert Camus khi văn hào này cho rằng thế giới hay con người không phải phi lý tự nó. Phi lý chỉ xuất hiện thông qua sự kết hợp của cả hai, khi mà sự không tương thích giữa con người và thế giới mà họ sống trong đó tạo nên sự phi lý của đời sống. Phi lý (absurdism) chính là luận đề lớn của Chủ nghĩa hiện sinh. Bài viết của chúng tôi là một cố gắng tìm hiểu biểu hiện của cảm thức hiện sinh trong sáng tác của nhà văn này.

Dẫn nhập

         Là nhà văn từng trải qua hai giai đoạn của sự chuyển đổi hệ hình tư tưởng tại Trung Quốc: giai đoạn “phản tư” với tinh thần tìm kiếm “tính hiện đại của chủ nghĩa xã hội” (thập niên 80 của thế kỉ XX) và giai đoạn “hậu thời kì mới” với sự du nhập, truyền bá rộng rãi các trào lưu tư tưởng phương Tây (thập niên 90), Diêm Liên Khoa đặc biệt có ý thức trong việc tiếp thu những tinh hoa của văn học nước ngoài để làm giàu thêm ý nghĩa và phương thức biểu đạt cho sáng tác của mình. Tác phẩm của ông chịu ảnh hưởng của các trào lưu hiện đại và hậu hiện đại thế giới như: Chủ nghĩa siêu thực, Chủ nghĩa hiện sinh, Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo… Nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc đã vận dụng các lí thuyết của Chủ nghĩa hình thức Nga, lí thuyết Tự sự học, Phân tâm học… để khám phá giá trị tư tưởng cũng như nét đặc sắc nghệ thuật trong tiểu thuyết của nhà văn. Bài viết của chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu tiểu thuyết Diêm Liên Khoa từ lí thuyết của Chủ nghĩa hiện sinh. Đây là vấn đề tuy đã được các nhà nghiên cứu đề cập tới khi tìm hiểu một số tác phẩm của ông, song nhìn chung vẫn chưa được nghiên cứu một cách chuyên sâu, có hệ thống. Qua việc nghiên cứu vấn đề này, chúng tôi thêm một lần lí giải vì sao không ít người hi vọng giải Nobel Văn học danh giá rất có thể sẽ được trao cho nhà văn Trung Quốc đương đại - Diêm Liên Khoa trong thời gian không xa.

         1. “Tồn tại có trước bản chất” – khổ nạn của kiếp người trên đất ở

         Tồn tại nhân gian trong tiểu thuyết Diêm Liên Khoa trước hết và cơ bản là tồn tại của nông dân chốn thôn quê. Có thể nói, ông chính là nhà văn đương đại Trung Quốc đầu tiên đã dụng công tiếp cận lại đề tài nông thôn và thực hiện cải cách mạnh mẽ nhất tiểu thuyết viết về đề tài này (乡村小说 hương thôn tiểu thuyết). Chính cảm quan hiện sinh chủ nghĩa đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới ấy. Trong sáng tác của Diêm Liên Khoa, nông thôn khổ nạn không chỉ còn là câu chuyện đề tài phản ánh, mà đã được nâng lên tầm cao mệnh đề triết học - sinh tồn của kiếp người gắn chặt với đất đai, hiểu theo nghĩa: nếu chỉ có họ trên mảnh đất ấy thì họ hoặc no hoặc đói, nhưng không đến bước bị đọa đày sống không bằng chết. Thực tế hàng ngàn năm là trên đầu họ còn có một lớp người khác, cho nên sự sinh tồn (tồn tại/hiện sinh) của họ dường như chính lại là sự lật ngược cảnh địa ngục lên trần gian. Hoặc nói đúng hơn là cảnh sống hiện tồn của thôn dân đã trở thành tài liệu cho những đầu óc muốn hình dung ra bức tranh địa ngục. Hiện sinh chủ nghĩa nói “tồn tại có trước bản chất”…, vậy thì cuộc sống của những kiếp nạn nông phu đó hẳn không phải là sự chứng thực cho một lời nguyền (kiểu lời nguyền “tội tổ tông” của Ki Tô giáo) hay là sự tha hóa, phiên bản hiện thế của ý niệm chân lý cao siêu nào đó (như trong triết học Plato chẳng hạn). Hàng loạt tiểu thuyết Diêm Liên Khoa miêu tả cái tồn tại nhân gian của người nông dân, của những người mà chỉ để sống được đã là luôn trong trạng thái “cực hạn”.

         Đời sống nông dân khác với sinh hoạt của dân du mục, cũng khác với đời sống của người sản xuất công nghiệp và thợ thủ công. Nông dân không “dời đất” đi được. Như cây bắt rễ từ đất, họ dường như cũng đã phải cắm kết cuộc đời xuống đất quê. Đó chính là điều giúp chúng ta cắt nghĩa xác đáng tại sao Diêm Liên Khoa đã “đổi chiêu” dùng tên gọi của các bộ phận một cái cây để đặt tên chương mục cuốn tiểu thuyết Thụ Hoạt (xuất bản lần đầu năm 2004). Được xem là “Trăm năm cô đơn” của Trung Quốc, Thụ Hoạt gồm tám quyển (37 chương) xếp thứ tự theo số lẻ: Quyển 1 – Rễ (毛须), Quyển 3 – Gốc (根), Quyển 5 – Thân  (干), Quyển 7 – Cành (枝), Quyển 9 – (叶), Quyển 11 – Hoa (花), Quyển 13 – Quả (果实) và Quyển 15 – Hạt (种子). Tác phẩm không những sử dụng tên gọi chu kỳ tăng trưởng thực vật để đặt tên các chương, mà còn dùng tên thực vật để đặt tên cho nhân vật (Mao - cỏ tranh, Liễu - cây liễu). Sự phát triển của cây đời tự sự đã phản ánh chính nó trong kết cấu của bộ tiểu thuyết này. Thụ Hoạt có tình tiết hết sức hoang đường, phi lý: dân làng Thụ Hoạt tổ chức Đoàn nghệ thuật của những trên dưới trăm người tiên thiên tàn tật biểu diễn luân lưu trong vùng để gom tiền cho Huyện trưởng họ Liễu sang Nga mua di hài Lê Nin về quàn tại địa phương nhằm thu hút khách du lịch. Dĩ nhiên, sự phi lý của tình tiết ấy trong tác phẩm dù có tuyệt đỉnh hoang đường đến đâu, thì nó vẫn chỉ là sự thăng hoa từ cái hiện sinh của nhân gian khôn đường tìm kiếm bản chất. Tư liệu thực tế cho biết, trong đợt lũ lớn vào thập niên 50 của thế kỉ XX, ở sông Trường Giang, người dân Vũ Hán phải vác các bao chứa cát có lẫn vôi cục chống lũ. Vôi cục gặp nước bốc hơi nóng làm mù mắt cả một đoàn người, chính quyền bèn bố trí cho những người này sống chung trong hai tòa nhà ở một thôn riêng. Đương thời gọi đó là “Thôn người mù”. Cái thôn tàn tật Thụ Hoạt trong tiểu thuyết cùng tên của Diêm Liên Khoa chính là được gợi ý từ sự kiện ấy. Còn sự kiện “thi hài Lê Nin” thì bắt nguồn từ chuyện khác. Vào lúc Liên Xô tan rã, tờ “Tin tức tham khảo” (参考消息) của Tân Hoa Xã đã đưa tin về việc các đảng phái ở Nga tranh luận chuyện chính phủ nói không có tiền để bảo quản di hài Lê Nin và muốn hỏa táng. Diêm Liên Khoa hết sức chấn động trước tin đó. Nối kết hai “mẩu chuyện” có thực lại với nhau, nhà văn đã thai nghén cốt truyện tiểu thuyết Thụ Hoạt [2, tr.205].

         Hoàn toàn có thể xem Chủ nghĩa hiện sinh trong tiểu thuyết Diêm Liên Khoa là một thứ chủ nghĩa hiện thực “ling-lei”[1] (另类现实主义的艺术方式) dành cho tự sự nông thôn Trung Quốc - một nông thôn mà sự tồn tại của đám người trong đó được gọi là “chịu sống” (theo đúng nghĩa nhan đề tiểu thuyết Thụ Hoạt 《受活》), hoặc cũng có thể diễn đạt theo cách khác là “phơi lê thân kiếp trên đất này”. Thụ Hoạt không ngẫu nhiên kể câu chuyện một thôn trang trải qua bao hỗn loạn ba đào của lịch sử dưới sự lãnh đạo của một chủ tịch huyện thực hiện bước ngoặt “sáng nghiệp kinh điển” (từ thời thượng ngày nay gọi là “startup” - khởi nghiệp) – tổ chức cả thôn hơn trăm người đầy đủ điếc, mù, ngọng, què thành “Đoàn nghệ thuật lưu diễn” biểu diễn lưu động gom tiền để huyện trưởng đi Nga mua thi hài Lê Nin về đặt ở “Nhà kỉ niệm Lê Nin” xây trên Núi Hồn (Hồn Phách Sơn - 魂魄山)[2] nhằm phát triển du lịch sở tại. Trong phương ngôn Hán ngữ, hai chữ “受活” (thụ hoạt) chỉ sự “hưởng thụ”, hay đơn giản là “sướng”, “sống khoái”, “vui sống”, hoặc cũng dùng để biểu đạt ý “vui với đời khổ”, “tìm vui trong khổ ải của đời sống”. Tiểu thuyết này hiện chưa có ấn bản bản dịch Việt ngữ nào, nhưng trong các bài viết đều được gọi là “Làng Thụ Hoạt”. Người đọc tác phẩm dĩ nhiên đều biết và dễ dàng đồng ý hai chữ “Thụ Hoạt” ngoài bìa sách chính là tên của ngôi làng - bối cảnh chính của câu chuyện tiểu thuyết, song điều đó không đồng nghĩa với việc nên hay phải dịch nhan đề tiểu thuyết là “Làng Thụ Hoạt”. Ngay cả khi chúng ta biết là một từ trong phương ngôn với nghĩa đã dẫn ở trên thì cũng không vì thế mà cả quyết đó là chủ ý duy nhất của nhà văn. Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi lại mạnh dạn diễn giải hai chữ của tiêu đề tác phẩm theo nghĩa: “thụ” là “nhận”, “chấp nhận”, “đón lấy”; “hoạt” là “cuộc sống”, “sống”; và muốn dùng cách giải thích này cho ý hướng phân tích ý vị hiện sinh chủ nghĩa của cuốn tiểu thuyết.

         Một tiểu thuyết đỉnh cao viết về đề tài nông thôn khổ nạn khác của Diêm Liên Khoa là Nhật quang lưu niên. Như bao làng quê Trung Quốc, thôn Tam Tính trong tác phẩm này cũng nếm trải đủ các thiên tai nhân họa quét khắp đại lục trong hàng chục thập niên. Chỉ cần đọc một đoạn trong tiểu thuyết, chẳng hạn đoạn kể về phong trào “Đại nhảy vọt” gang thép, độc giả cũng có thể thấy được ý vị hoang đường của một tồn tại nhân sinh quay cuồng vượt qua bất cứ suy tư “bản chất” lịch sử nào của chính con người. Nhật quang lưu niên kể chuyện thôn trưởng Tư Mã Lam đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động thu gom hết lưỡi cuốc, lưỡi cày, đinh sắt, nồi gang, dây xích, cứ một gánh sắt đổi lấy một gánh lương thực. Rồi một cơn cuồng phong nhân họa khác lại bùng phát - Đại cách mạng văn hóa. Lần này cũng lại chính Tư Mã Lam dẫn thôn dân đi bán da, bán xong chờ người đến thanh toán tiền, người thanh toán “đưa đến cho một bó mở ra xem toàn cuốn “hồng bì thư” (cuốn sách in lời dạy của Mao Chủ Tịch)”… Những con người ở cái làng quê khốn khó ấy được miêu tả sống mà chả kịp nghĩ sống là gì. Trong Tự tựa cuốn tiểu thuyết, Diêm Liên Khoa viết: “Người ta ở đời cũng như cỏ cây một kiếp …… Một đời cây cỏ là sao? Ai cũng biết đó là một lần xanh tốt rồi vàng úa, một luân hồi xanh rồi vàng”; “Đã không biết mục đích ban sơ của sống thì cũng không có gì để mà nói mục đích chung của cuộc đời là gì?” [6, tr.8].

         Tiểu thuyết Đinh Trang mộng cũng là tác phẩm hết sức ấn tượng viết về nông thôn Trung Quốc,  dựng lại bối cảnh một thôn làng Trung nguyên (Đinh Trang) - một làng nghèo nhất huyện. Trưởng phòng giáo dục xuống vận động dân làng bán máu. Ông ta đem việc bàn với người đánh kẻng trường Tiểu học là Đinh Thủy Dương. Đinh Thủy Dương tuyên truyền lý luận của trưởng phòng: “Máu như giếng, múc không cạn, càng múc nước càng nhiều”. Thế là cả làng hăng hái thoát nghèo bằng việc bán máu. Con trai của Đinh Thủy Dương là Đinh Huy trở thành đầu nậu mua máu nổi tiếng xa gần. Bọn buôn máu phát tài, mở đường, xây nhà tầng. Mười năm sau kể từ khi bùng nổ cơn sốt bán máu, dân làng nhiễm bệnh chết vãn. Đinh Huy chuyển qua kinh doanh quan tài và xây mộ. Đinh Thủy Dương ăn năn kiếp nạn, vác gậy đánh chết con trai Đinh Huy xong đi từng nhà để “báo hỉ và xin lỗi”. Đinh Trang mộng của Diêm Liên Khoa khiến độc giả nhớ đến kiệt tác văn học hiện sinh Dịch hạch (La Peste) của A. Camus. Văn hào Pháp từng kết thúc tiểu thuyết Dịch hạch: “Thật vậy, nghe những tiếng reo mừng vang lên từ thành phố, Rieux sực nhớ là niềm hoan hỉ ấy luôn luôn bị uy hiếp. Vì điều mà đám người đang hò reo trên đường phố không biết, thì ông biết và người ta có thể đọc trong sách báo: vi trùng dịch hạch không bao giờ chết và mất hẳn. Nó có thể nằm yên hàng chục năm trong đồ đạc, quần áo, nó kiên nhẫn đợi chờ trong các căn buồng, dưới hầm nhà, trong hòm xiểng, trong khăn mù xoa và các đống giấy má... và một ngày nào đó, để gây tai họa cho con người và dạy họ bài học, dịch hạch có thể đánh thức đàn chuột của nó dậy và bắt chúng chạy đến lăn ra chết ở một đô thành nào đó đang sống trong hạnh phúc và phồn vinh” [1, tr.247]. Nếu xem SIDA là “dịch hạch” của loài người ngày nay, thì chúng ta cũng có thể nói với ít nhiều khiên cưỡng rằng, Đinh Trang mộng của Diêm Liên Khoa chính là một Dịch hạch của văn chương Trung Quốc đương đại.

         Có thể nói, chủ đề nhuốm đẫm cảm quan hiện sinh chủ nghĩa - tìm lấy đường sống bằng chính mạng sống của mình - đã trở thành chủ đề quán xuyến nhiều tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa. Và đặc biệt, bao trùm lên các trang viết đó là hình tượng không gian “núi rừng Bá Lâu” (tạm dịch cụm từ “Bá Lâu sơn mạch”) bần cùng, heo hút, chìm đắm trong triền miên thiên tai nhân họa, trong liên miên đói kém và bệnh tật. Không gian này đã trở thành một bối cảnh tự sự liên tác phẩm, một không gian địa lý - lịch sử do nhà văn dựng lên bằng sự trở đi trở lại cùng một đề tài của nhiều tác phẩm từ truyện vừa cho đến tiểu thuyết được viết và xuất bản trong gần ba mươi năm kể từ thập niên 90 của thế kỉ trước cho đến nay[3]. Trong bài phỏng vấn của Riccardo Moratto (bài “Tìm kiếm bản ngã và văn chương giữa đại dịch Covid - 19”, bản tiếng Ý đăng trên tờ Il Manifesto 28/2/2020, bản tiếng Trung đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài, số tháng 3/2020)[4], khi được hỏi “Ông là người Hà Nam, đối với ông “Bá Lâu Sơn” đại biểu điều gì? Đâu là nguyên do khởi hứng của tên gọi đó?”, Diêm Liên Khoa đã trả lời: “Bá Lâu sơn mạch” là một tên gọi địa lý trong văn chương”, “Quê tôi cũng có dãy núi gọi là “Bá Lâu Sơn”, cách nhà tôi chỉ mấy cây số đường đi”…, và ông cho biết: “hai chữ “Bá Lâu” cũng là tên gọi của một loại nông cụ của nông dân Trung Quốc, nó đại biểu cho văn minh trồng trọt, văn minh làng quê. Hai chữ đó không đến từ linh cảm mà đến từ hiện thực”.

         Như vậy, các tiểu thuyết đỉnh cao của văn nghiệp Diêm Liên Khoa đều phô diễn theo bút pháp phi lý cái hiện sinh của nông thôn Trung Quốc. Chúng đều được xuất bản giữa hai mốc: mốc đầu 1991 - năm công bố tác phẩm Tình cảm ngục và mốc gần đây 2016 - năm xuất bản tiểu thuyết Nhật tức. Viết về đề tài nông thôn khổ nạn, chuỗi các tiểu thuyết đều trở đi trở lại với miền đất “Bá Lâu sơn mạch” tạo nên một không gian hiện sinh đặc biệt. Nếu Tình cảm ngục miêu tả người dân thôn Dao Câu bắt đầu từ cơn hồng thủy; thì Nhật tức kể về cơn mộng du tập thể giữa đêm hè oi bức ở tiểu trấn Cao Điền. Rồi đám đông mấy trăm người mộng du đó chết dần chết mòn đi vì đủ nguyên do, đến nỗi nhà Lý Niệm Niệm (nhân vật người kể chuyện) có cửa hàng áo quan bỗng phất lên trông thấy. Tất cả đều thấm đẫm cảm quan hiện sinh phi lý.

         2. “Sống đi đến chết nhưng là sống không bằng chết”

         Chủ nghĩa hiện sinh cho rằng thế giới là phi lí, đời sống nhân loại là thống khổ, con người chỉ có thể giải thoát mình ra khỏi thực tế đó bằng cách chống lại hay bằng chính cái chết. Con người như bị vất vào giữa thế giới khổ nạn, đầy rẫy tai họa, với vô vàn tội ác. J. Sartre dùng những chữ như “âu lo”, “buồn nôn” để mô tả cảm giác của con người trước tồn tại của chính mình.

         Trong tiểu thuyết Nhật quang lưu niên của Diêm Liên Khoa, cơn bão châu chấu hoành hành khắp giải núi Bá Lâu ba ngày, cây lá như bị bóc biến đi màu xanh sự sống, dân thôn Ba Họ (Tam Tính thôn) đứng trước nguy cơ chết đói, họ tranh nhau ăn chuột, ăn kiến, thậm chí ăn cả đất. Cái tai họa “giặc châu chấu” đó chỉ là một cú trời giáng xuống cái thôn vốn mắc bệnh truyền đời. Để cho dân làng có cơ hội sống “thọ” một chút, trưởng thôn Tư Mã Lam lãnh đạo người dân khai mương dẫn nước vào thôn. Người ta đi bán da của mình, thôn nữ thì bán “tài sản vốn có”. Người ta chặt rừng, bán quan tài, bán sạch lợn, gà, dê. Sau cùng, thôn trưởng đời thứ ba sau khi hết hơi hết sức vì cày cuốc lật trở làm mới đất (bởi được khải thị rằng, trở mới đất sẽ giải lời nguyền chết yểu cho thôn dân), đành cầu cứu ngoại viện: cho cả thôn cùng quỳ “dâng” người đẹp Lam Tứ Thập lên chủ nhiệm công xã mong lãnh đạo giúp đỡ vấn đề “tuổi thọ toàn dân”. Nhật quang lưu niên đã phơi bày khổ nạn vĩ đại vượt khỏi hình dung thông thường của kiếp người lê lết trên đất, một nỗi khổ nạn khiến người đọc khó tin, chóng mặt, hãi hùng… “Bán da người”, “bệnh lạ”, “thôn Ba Họ” đều là những hình tượng phi lý - những hình tượng đã tạo nên kì thư về “lao khổ nhân” (người lao khổ). Diêm Liên Khoa từng nói: “Tôi vô cùng sùng bái ba chữ “người lao khổ”, ba chữ đó cấu thành một cách ngày càng rõ ràng hạt nhân sáng tác của tôi” [4, tr.37].

         Tiểu thuyết viết về nông thôn của Diêm Liên Khoa có thể khái quát là “kì thư về khổ nạn của dân quê”. ở đây như là một chữ cũ để biểu đạt cái sắc thái bút pháp hiện sinh chủ nghĩa nơi tiểu thuyết của nhà văn này. Chủ nghĩa hiện sinh nói, cuộc tồn tại của con người chính là hành trình chống đỡ khổ nạn, là tìm sống trong chết, gánh lấy định mệnh. Con người sống là hướng về cái chết mà sống, mỗi một ngày sống qua là mỗi một ngày đến gần cái chết. Tồn tại của nhân sinh là tồn tại của những kiếp sống trên đường đi đến chết chóc. Tiểu thuyết Diêm Liên Khoa biểu hiện cái hiện sinh của đám người sống trong vô vọng nhưng chưa từng tuyệt vọng. Cái nhân thế đó cũng khiến người đọc liên tưởng đến hình tượng Sisyphus trong thần thoại Hy Lạp nhưng theo cách hiểu của A. Camus. Theo thần thoại Hy Lạp, Sisyphus (hay Sisyphos) là vua của Ephyra. Như một hình phạt cho những hành động sai trái của mình, Sisyphus phải đẩy một tảng đá lớn từ chân lên đỉnh đồi. Nhưng mỗi lần đến gần đỉnh đồi, tảng đá lại lăn ngược trở lại chỗ cũ và Sisyphus buộc cứ phải lặp đi lặp lại việc đó mãi mãi. Trong văn hóa phương Tây, mẫu đề Sisyphus trở thành ẩn dụ cho sự nhẫn nại hoặc việc nặng nhọc mất thời gian, vô ích và không hồi kết (sisyphean). Nhưng triết gia - văn hào Pháp A. Camus (1913-1960) lại đọc hiểu thần thoại này theo một cách khác. Đại biểu hàng đầu của văn học hiện sinh chủ nghĩa coi Sisyphus là ẩn dụ của sự phi lý (a metaphor for the absurd). Trong tiểu luận Le Mythe de Sisyphe (1942), A. Camus khẳng định rằng, khi Sisyphus nhận ra sự vô ích của nhiệm vụ và sự chắc chắn về số phận của mình, anh ta có thể tự do nhận ra sự phi lý của hoàn cảnh và đi đến trạng thái chấp nhận. Khi lại bắt đầu vần tảng đá trở lại đỉnh đồi, Sisyphus đã “vượt lên cao hơn số phận của mình. Chàng mạnh hơn tảng đá”. A. Camus nói: “Ta phải tưởng tượng là Sisyphus hạnh phúc”. Như vậy, A. Camus hình dung Sisyphus chịu hình phạt vần đá lên đồi cao như là nhận một sự thách thức, chứ không phải hành động tuyệt vọng. Ông so sánh việc làm của Sisyphus với việc con người tìm kiếm ý nghĩa và mục đích của mình trong tồn tại. Và ông coi đó là một nỗ lực vô ích: chẳng hề có ý nghĩa hay sự hợp lý nào trong tồn tại này. Kể cả khi con người ép phải tin vào sự vô nghĩa của tồn tại, thì con người vẫn cố gắng thể hiện ý nghĩa và giá trị của sự tồn tại của mình. Vẻ đẹp thật sự của Sisyphus là vẻ đẹp của kẻ nắm bắt số phận của mình và tiếp nhận nó như một lời thách thức. Trong tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa, thôn Ba Họ ôm ước mong utopi - kéo dài tuổi thọ (qua mốc 40 tuổi - “tứ thập bất hoặc”!!!), mà hết đời này qua đời khác, họ thực hiện một phản kháng kiểu Sisyphus. Sự phản kháng cái chết của họ rốt cuộc trả giá bằng cái chết của chính họ. Hành trình hiện sinh (tồn tại/ sống) của những con người ấy cho thấy: càng phản kháng khổ nạn thì lại càng gặp nhiều nạn khổ hơn!

          Nhật quang lưu niên được Diêm Liên Khoa phân thành 5 quyển. Quyển 1 nhan đề “Chú thích Thiên ý”, một nhan đề nhuốm mùi “chủ nghĩa định mệnh”: lời nguyền siết chặt lấy tâm tư - người dân trong thôn sẽ không ai sống quá tuổi 40, đó là định mệnh của cả thôn. Truyện kể, trong vòng một trăm năm trở lại đây (dễ khiến người đọc nhớ đến nhan đề tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của G. Márquez), phần lớn dân trong thôn đều bị chết vì chứng “nghẹt họng”. Người ta cố gắng đẻ con, ra sức tăng gia sản xuất rau màu, cày đất thật sâu, đào mương dẫn nước sông về thôn… nhưng những việc được cho là sẽ khắc phục được lời nguyền chết bệnh đó cuối cùng đều thất bại. Đời trưởng thôn thứ nhất (Đỗ Quải Tử) nghĩ: “chỉ cần đàn bà trong thôn đẻ dày như lợn nái thì không sợ trong thôn không có người sống qua 40 tuổi”, thế là đàn bà khắp thôn bụng ai cũng cứ lùm lùm. Đời trưởng thôn thứ hai (Tư Mã Tiếu Tiếu), để rau cải được mùa, ông ta không tiếc đứa con trai phải chết đói. Đời trưởng thôn thứ ba (Lam Bách Tuế) thực hiện cày đất thật sâu, ông này đã không ngại mất con gái về tay lãnh đạo. Đời trưởng thôn thứ tư (Tư Mã Lam - nhân vật trung tâm của tiểu thuyết), tâm huyết của cả thôn lại dồn cho việc “khai mương dẫn thủy”, xem đó là hành động gỡ bỏ lời nguyền. Để “đầu tư” cho dự án, đàn ông trong thôn “bán da”, phụ nữ trong thôn “bán thân”, các cỗ hậu sự (quan tài đóng sẵn) của người già cũng đem ra bán… Nhưng rồi, “Thiên ý” dường như chỉ có thể “chú thích” chứ không thể “cải hoán”: Tư Mã Lam gục chết bên thi thể người đàn bà “tình nhân”, dân làng đớ người ra trước dòng nước hôi thối của con mương “Linh Ẩn”. Có thể nói, liên tục bốn đời trưởng thôn Tam Tính cũng như đang “diễn dịch” câu chuyện Sisyphus.

         Chủ nghĩa hiện sinh quan niệm, sống như là một sự chống lại hay trì hoãn cái chết. Lời nguyền “không ai sống quá 40 tuổi” kể trong tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa treo lơ lửng trên đầu thôn dân. Và tồn tại của họ không gì khác hơn một cuộc gắng sức trì hoãn điều đó như trì hoãn một định mệnh. Độc giả thông thường sẽ gọi đó là “đoản thọ”, “chết non”, hay “yểu mệnh”. Độc giả “có học” thuộc sách kinh điển như Luận ngữ sẽ nhớ đến câu “Tứ thập bất hoặc” của Khổng Tử. Chúng ta không khó nhận thấy ý vị “giễu nhại” cái ý “người ta đến tuổi 40 thì đã không còn bối rối tinh thần” của nhà tiểu thuyết. Những kẻ sống không qua tuổi 40 của cái thôn ấy rõ là chẳng có cơ hội mà “bối rối suy tư” (bất hoặc) đậm chất hiện sinh, nghĩa là chẳng thể sống đủ lâu để kịp nghĩ về cái chết! Để gỡ giải ác nguyền, người dân thôn Tam Tính đã tiêu cạn sức người, sức của, song mọi cố gắng của họ đều công toi. Dòng nước hôi thối ô nhiễm tràn vào con mương… đó chính là “kết quả” của ý nguyện nâng mức tuổi thọ của cả thôn. Họ giống như “một kẻ bị ném xuống mồ cố đâm đầu phá cửa mồ, càng cố đâm mạnh càng nhanh chết”. Cái nghịch lý “vị sinh nhi tử” nồng toát lên từ chuỗi tình tiết dân làng để sống được đã phải ăn cả chuột, quạ, thậm chí thịt người, phải bán da của chính mình (nguyên văn là nhân bì), phụ nữ phải bán thân (nguyên văn: nhân nhục)… cho thấy rõ nét cảm thức hiện sinh chủ nghĩa của Diêm Liên Khoa.

         Thay lời kết

         Thuật ngữ “Chủ nghĩa hiện sinh” (L'existentialisme) được triết gia Pháp - Grabiel Marcel tuyên xưng lần đầu và ngay sau đó được Jean-Paul Sartre sử dụng trong bài thuyết trình của mình vào ngày 29 tháng 11 năm 1945 tại Paris. Bài thuyết trình về sau được xuất bản thành cuốn sách mỏng với tựa đề L’existentialisme est un humanisme (Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản). Bắt đầu từ đó, “một trào lưu triết học phi duy lý phát triển với nhịp điệu chóng mặt ở châu Âu” [3, tr.69]. Nhà nghiên cứu Trần Thiện Đạo trong công trình Từ chủ nghĩa hiện sinh tới thuyết cấu trúc đã viết: “Chủ nghĩa hiện sinh trình bày sự hiện sinh (l’existence) như một hiện tượng đối lập với bản chất (l’essence) và hết sức mù mờ, thay đổi không ngừng; sự hiện sinh do ngẫu sinh (contingence) mà ra, nghĩa là có đó vậy thôi, có đó một cách vô cớ, không bao hàm một ý nghĩa tiên nghiệm nào và không được biện minh bởi một bản chất có sẵn nào” [5, tr.60]. Học giả Phật giáo Thích Đức Nhuận trong bài “Vào đạo Phật qua lối ngõ J. P. Sartre” sau khi dẫn lời triết gia M. Heidegger “Con người là một hữu thể hướng về cái chết” [7, tr.7] cũng đã dẫn ra mấy luận đề lớn trong tư tưởng hiện sinh (theo quan điểm của E. Mounier): Sự ngẫu nhiên của đời sống con người: Con người không phải là một cái gì thiết yếu. Nó là một cái gì thừa thãi; Sự bất lực của lý trí: Lý trí của con người bất lực trong việc tìm hiểu vận mệnh của mình. Do đó, cần phải sống theo tiếng gọi sâu thẳm của tâm hồn, mà Pascal gọi là tiếng nói của con tim; Đời người có giới hạn, thần chết lại vội vã: Sự thật đầy bi đát của cuộc sống đó là sinh ra để rồi chết đi [8, tr.45]. Đọc Diêm Liên Khoa, người đọc dường như đều có thể thấy sự hiển hiện dưới dạng hình tượng sống động những luận đề trong tư tưởng hiện sinh nói trên - một sự hiển hiện có hệ thống tạo nên điều mà chúng tôi nói rõ trong nhan đề bài viết này: Cảm thức hiện sinh trong tiểu thuyết Diêm Liên Khoa.

Tài liệu tham khảo

[1] Camus A. (1989), Dịch hạch, Nguyễn Trọng Định dịch, Nxb Văn học.

[2] Kiều Dĩ Cương chủ biên (2004), Tuyển bình tác phẩm văn học Trung Quốc hiện đại (1918-2003), Quyển B, Nxb Đại học Nam Khai.

[3] Nguyễn Tiến Dũng, Võ Anh Tuấn (2015), “Một số vấn đề cần thống nhất khi nghiên cứu về chủ nghĩa hiện sinh”, Thông tin Khoa học Xã hội, Viện thông tin, số 7.

[4] Lý Đà (2004), “Diêm Liên Khoa – Thụ Hoạt: Một khảo nghiệm quan trọng sáng tác siêu thực”, Tạp chí Nam phương văn đàn, kì 2.

[5] Trần Thiện Đạo (2008), Từ chủ nghĩa hiện sinh tới thuyết cấu trúc, Nxb Tri thức.

[6] Diêm Liên Khoa (2005), Đinh Trang mộng, Nxb Văn nghệ Thượng Hải.

[7] Thích Đức Nhuận (1965), “Vào đạo Phật qua lối ngõ J. P. Sartre”, Tạp chí Vạn Hạnh, Sài Gòn, số 6.

[8] Sartre J.P. (1965), Hiện sinh một nhân bản thuyết (Thụ Nhân dịch), Nxb Nhị Nùng, Sài Gòn.

(Tác giả: Nguyễn Thị Mai Chanh

Bài đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu văn học, 2021, Số 6(592), tr. 53-60)

 

[1] “Ling-lei” (另类) theo phiên âm tiếng Trung nghĩa là “loại khác”, “dạng khác”

[2] Bản dịch Anh ngữ tiểu thuyết này mang nhan đề Nụ hôn Lê Nin (Lenin's Kisses)

[3] Đã có bộ sách tập hợp các tác phẩm của Diêm Liên Khoa liên quan đến đề tài “Bá Lâu” mang nhan đề Bá Lâu hệ liệt (耙耧系列). Không chỉ có tiểu thuyết, Diêm Liên Khoa còn có các truyện vừa như Bá Lâu sơn mạch, Bá Lâu thiên ca (in trong tập Biên niên truyện vừa của Diêm Liên Khoa) gắn với “địa danh” Bá Lâu.

[4] Xin xem https://www.researchgate.net/publication/340645070_yanliankezhuanfang_-_zaiyiqingliuxingdedangxiaxunzhaoziwohewenxue 

Post by: admin
12-08-2021