Văn học nước ngoài

Motif folklore trong sáng tác Kafka và Murakami, Tạp chí Nghiên cứu văn học, 2019, ISBN: (2 thành viên)


29-07-2021
TÓM TẮT       F. Kafka là một nhà văn lớn của thế kỉ XX. Trong suốt thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI, tư tưởng Kafka đã đổ bóng xuống châu Âu, rồi trải dài sang châu Á, trong đó, đặc biệt phải kể đến Nhật Bản. Sáng tác của ông ảnh hưởng khá rõ lên sáng tác của H. Murakami, một nhà văn đương đại xuất sắc của Nhật Bản. Hai nhà văn đã tiếp thu và sử dụng sáng tạo thành công rất nhiều motif có nguồn gốc từ văn học dân gian để biểu đạt nhận thức, tư tưởng sâu sắc về xã hội, nhân sinh. Bài viết này không nhằm mục đích chứng minh H. Murakami đã chịu ảnh hưởng của F. Kafka, mà trên cơ sở xác định một số motif folklore cơ bản được tái sinh mới mẻ trong tiểu thuyết F. Kafka và Murakami như motif hành trình tới xứ sở khác; ngược đãi tàn nhẫn, hóa thân..., phân tích giá trị của chúng trong việc biểu đạt tư tưởng chủ đạo về con người, xã hội, cuộc đời… trong sáng tác của hai nhà văn, từ đó gợi mở con đường tiếp cận so sánh hai nhà văn từ folklore. Từ khóa: motif, folklore, F. Kafka, H.Murakami         ABSTRACT         F. Kafka is a great writer of the twentieth century. During the twentieth century and the early twentieth century, Kafka's thoughts had silhouetted a shadow on Europe, then stretched to Asia, in particular, Japan. His composition strongly influenced the composition of H. Murakami, a prominent contemporary Japanese writer. Two writers have successfully used a lot of motifs originating from folklore to express deep awareness and thought about society and humanity. This article is not intended to prove that H. Murakami was influenced by F. Kafka, but on the basis of identifying some of the newly revived fundamental folklore motifs in the novel F. Kafka and Murakami as a journey motif to another country; cruel persecution, transformation..., analyzing their value in expressing the dominant ideology of people, society and life... in the writings of two writers, thereby opening the path the comparison two writers from folklore. Key words: motif, folklore, F. Kafka, H.Murakami

MOTIF FOLKLORE

TRONG SÁNG TÁC CỦA F. KAFKA VÀ H. MURAKAMI

Nguyễn Thị Mai Liên

Lương Hải Vân

      

       Không phải ngẫu nhiên mà Max Brod – người bạn thân của F. Kafka, người đã không nỡ đốt toàn bộ di cảo của F. Kafka như di nguyện của nhà văn, để chúng ta hôm nay có được một di sản tinh thần quý báu, đã nhận định: “Sẽ có một ngày, tên tuổi Kafka sẽ được đặt cho thế kỉ XX”. Trong suốt thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI, tư tưởng Kafka đã đổ bóng xuống châu Âu, rồi trải dài sang châu Á, trong đó, đặc biệt phải kể đến Nhật Bản. Nhật Bản với tinh thần ham học hỏi đã thực hiện công cuộc Duy tân lần thứ hai vào năm 1868 dưới thời Minh Trị, mở cửa đón “mưa Âu, gió Mĩ” (công cuộc Duy tân lần thứ nhất diễn ra trong thời Cổ đại bắt đầu từ thời Asuka (593 - 710), mở rộng đón luồng gió từ lục địa Trung Hoa). Cùng với việc tiếp nhận khoa học, kĩ thuật, tư tưởng luận lí, thể chế…, Nhật Bản đã tiếp nhận mạnh mẽ những sáng tác văn học phương Tây. Sáng tác của các tác gia phương Tây được dịch ồ ạt trong đó có các tác phẩm của F. Kafka. H. Murakami đã đón nhận sáng tác của F.Kafka với một tình cảm yêu mến nhiệt thành. Tác phẩm của ông tiếp biến F. Kafka đậm nét. H. Murakami đã viết tiểu thuyết Kafka bên bờ biển như một sự tôn vinh thần tượng của mình. Và với tác phẩm này, Murakami đã trở thành người Nhật đầu tiên nhận được giải thưởng Franz Kafka do Cộng hòa Czech trao tặng năm 2006.   

       Ảnh hưởng của F. Kafka lên sáng tác của H. Murakami là không thể phủ nhận. Dấu vết đầu tiên dễ nhận thấy là tên một số tác phẩm của H. Murakami có liên quan đến F. Kafka, chẳng hạn như tiểu thuyết Kafka bên bờ biển hay truyện Samsa yêu gợi nhớ đến nhân vật Gregor Samsa trong tác phẩm Hóa thân của F. Kafka. Hơn nữa, đọc tác phẩm của F. Kafka và H. Murakami, độc giả thường thấy sự tương đồng giữa những yếu tố văn hóa dân gian trong hình thức nghệ thuật tiểu thuyết, đặc biệt là các motif folklore. Điều này khó minh định hơn rằng H. Murakami chủ động tiếp thu sáng tạo những yếu tố này trong sáng tác của F. Kafka hay hai nhà văn cùng hấp thu những motif này từ mạch nguồn văn hóa dân gian vốn đã trở thành tài sản chung của nhân loại, đúng như Franz Boas, nhà folklore học nổi tiếng đã từng khẳng định vai trò của huyền thoại với tư cách là chất liệu nghệ thuật góp phần tạo nên những sáng tác huyền ảo ngoài folklore: “Dường như các thế giới thần thoại vừa mới được dựng nên chỉ là để tan vỡ ra, để cho các thế giới mới lại được sản sinh từ những mảnh vỡ của chúng”1. F. Kafka và Murakami đã tiếp thu (có thể là có ý thức, có thể là vô thức) và sử dụng sáng tạo thành công rất nhiều motif có nguồn gốc từ văn học dân gian. Bài viết không nhằm mục đích chứng minh H. Murakami đã chịu ảnh hưởng của F. Kafka, mà trên cơ sở minh định khái niệm motif, xác định một số motif folklore cơ bản được tái sinh mới mẻ trong tiểu thuyết F. Kafka và Murakami như motif hành trình tới xứ sở khác; ngược đãi tàn nhẫn, hóa thân..., phân tích giá trị của chúng trong việc biểu đạt tư tưởng chủ đạo về con người, xã hội, cuộc đời… trong sáng tác của hai nhà văn, từ đó gợi mở con đường tiếp cận so sánh hai nhà văn từ folklore.

  1. Khái niệm motif

       Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “motif, từ Hán Việt là mẫu đề, có thể chuyển thành các từ khuôn, dạng hoặc kiểu trong tiếng Việt, nhằm chỉ những thành tố, những bộ phận lớn hoặc nhỏ đã được hình thành ổn định bền vững và được sử dụng nhiều lần trong sáng tác văn học nghệ thuật, nhất là trong văn học nghệ thuật dân gian2.

        Nguyễn Tấn Đắc trong Truyện kể dân gian đọc bằng type và motif cho rằng: Motif là thuật ngữ chỉ bất kì một phần nào mà ở một tiết (item) của folklore có thể phân tích ra được... Motif truyện kể đôi khi là những khái niệm rất đơn giản, thường gặp trong truyện kể truyền thống. Có thể đó là những tạo vật khác thường như thần tiên, phù thủy, rồng, yêu tinh, người mẹ ghẻ ác, con vật biết nói... có thể đó là những thế giới diệu kì, hoặc ở những nơi ma thuật luôn có hiệu lực... Bản thân motif cũng có thể đã là một mẫu kể ngắn và đơn giản, một sự việc đủ sức gây ấn tượng hoặc làm vui thích cho người nghe3.

       Type được S. Thompson định nghĩa là những cốt kể (narrative) có thể tồn tại độc lập trong kho truyện truyền miệng. Còn motif là thuật ngữ chỉ bất kì một phần nào mà ở một tiết (item) của folklore có thể phân tích ra được.

        Như vậy, type được hiểu là cốt truyện còn motif là những chi tiết cấu thành nên cốt truyện. Giữa motif và type có mối quan hệ yếu tố - hệ thống.

         Khi motif là những tạo vật khác thường thì nó gần như chính là biểu tượng (thần tiên, phù thủy, rồng, mẹ ghẻ...). Ngoài ra còn có những motif là một mẫu kể ngắn, đơn giản, có hành động cụ thể đi kèm với đối tượng (rắn hóa người, rắn báo oán...).

        Các motif tiêu biểu mà chúng tôi khảo sát và phân tích trong bài được xác định dựa trên bảng tra motif của Stith Thompson (Motif-index of folk-literature: a classification of narrative elements in folktales, ballads, myths, fables, medieval romances, exempla, fabliaux, jest-books, and local legends) là hành trình tới xứ sở khác (F0. Journey to other worlds), ngược đãi tàn nhẫn (S460. Other cruel persecutions), hóa thân (D0-D699. Transformation). Đây là những motif then chốt đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề trong sáng tác của F. Kafka và H. Murakami.

  1.  Motif hành trình tới xứ sở khác(F0. Journey to other worlds)

          Trong công trình Folktale, Stith Thompson, nhà folklore học nổi tiếng, đã đề cập đến sự di chuyển không gian trong truyện kể dân gian: “Ta đã từng biết đến những câu chuyện mà trong đó, người anh hùng thực hiện một hành trình đi đến một thế giới khác. Đôi lúc đó là những thế giới ở dưới thấp như địa ngục của Dante hoặc có thể là thế giới ở trên cao như thiên đường. Đôi khi hướng di chuyển của những hành trình đến thế giới khác không được chỉ ra một cách rõ ràng. Không hiếm khi đó chỉ là những hành trình đi xuyên qua thế giới của nước4. Nhận định về giá trị của yếu tố nghệ thuật này, ông cho rằng việc di chuyển đó “không chỉ được dùng như là những nền tảng cơ bản của thế giới tưởng tượng mà còn được dùng để tạo ra tính hấp dẫn của các câu chuyện kể”5.

         Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ W.H. Auden gọi Kafka là "Dante của thế kỉ XX”6. Thần khúc - tác phẩm nổi tiếng nhất của Dante - vẫn thường được gọi là La Divina Commedia - "Kinh Thánh của thời Trung cổ". Trong tác phẩm này, Dante đặt ra cho mình một mục đích cao cả là giúp loài người thoát khỏi nỗi sợ hãi trước cái chết. Nhiệm vụ này ở thời bấy giờ là vô cùng quan trọng. Bởi vì, con người có một nỗi sợ mơ hồ về những cực hình ở địa ngục họ vẫn nghe qua những thuyết giáo. Khác với những nhà triết học theo trường phái Epicurus, Dante không khuyên người đời quên đi cái chết, hay như những nhà triết học thế kỉ Ánh sáng, khẳng định rằng Địa ngục là do các cha đạo nghĩ ra, Dante tin rằng địa ngục là có thật và  để thoát khỏi địa ngục, con người cần có lòng can đảm, danh dự và tình yêu. Xuất phát từ mục đích đó, Dante đã tưởng tượng ra câu chuyện về hành trình qua địa ngục của mình cùng với linh hồn người yêu – nàng thơ của Dante – thiếu nữ cao thượng và trong trắng Beatrice.

        Trong sáng tác của F. Kafka, người mà Max Brod nhận định sẽ có một ngày, tên tuổi sẽ được đặt cho thế kỉ XX, nhân vật cũng thường thực hiện một hành trình tới một xứ sở khác như trong Thần khúc của Dante. Trong tiểu thuyết Lâu đài, nhân vật chính là một người đàn ông bí ẩn không tên, chỉ được kí hiệu bằng một kí tự K. K có mục đích là đi tới lâu đài của bá tước Westwest. Nhưng anh ta đến đó để làm gì thì độc giả cũng không hề biết. Tuy nhiên, K chỉ có thể đến được ngôi làng nằm dưới chân lâu đài mà không thể tiếp cận được lâu đài. Hành trình vô vọng tiếp cận lâu đài của K kéo dài sáu ngày, đến ngày thứ bảy, K nhắm mắt lìa đời vì kiệt sức. Hành trình tới lâu đài khuất dạng trên ngọn núi phía trước, bị bóng tối và sương mù của K được giải mã như là ẩn dụ cho “một trò chơi tung hứng của thứ quyền lực hành chính mà ngài Klamm hư ảo kia là đại diện. K khác nào diễn viên của một vở kịch siêu thực, quay cuồng giữa những mồi nhử, như con thú đói khát không khi nào chạm nổi vào thức ăn”7.

       Tuy nhiên, Lâu đài không chỉ dừng lại ở việc “đả phá quan hệ giữa tầng lớp cai trị (các viên chức trong lâu đài) và giới bị trị (dân làng)”8 cũng như kết án hệ thống chính quyền quan liêu, chuyên quyền. Max Brod cho rằng hành trình đó còn mang ý nghĩa tôn giáo. “Cái lâu đài mà K không bén mảng tới gần được chính là điều mà các nhà thần học gọi là “ân sủng”, là sự lèo lái số phận con người bởi Chúa Trời. Trong cả ba tiểu thuyết của F. Kafka, Brod đều thấy chủ đề cơ bản là sự hòa đồng của cá nhân vào tập thể, đồng thời là sự hòa đồng vào nước Chúa và K đấu tranh nhằm giành lấy ân sủng này”9. Hannah Arendt (1906 - 1975) – nữ triết gia Đức, gốc Do Thái – “ví hành trình thân phận của K với số phận người Do Thái, cố gắng tìm một chỗ đứng trong các xã hội châu Âu”10

       Tiểu thuyết Vụ án tái hiện hành trình đi tìm nguyên nhân bản án của anh nhân viên ngân hàng Josef K. Vào đúng sinh nhật lần thứ 30 của mình, K. thức dậy, thấy xuất hiện hai người lạ mặt mặc đồng phục ập vào nhà, tự xưng là người của tòa và tuyên bố anh bị kết án. Ban đầu, anh ngỡ đấy là một trò đùa, bởi mấy kẻ lạ mặt chỉ một mực gán anh có tội mà không hề cho biết đó là tội gì, chỉ bảo làm theo lệnh cấp trên. K bị cuốn vào vòng xoáy đi tìm nguyên nhân bản án cũng như chạy tội cho bản thân. Để đi tìm nguyên nhân bản án, tìm kẻ luận tội mình và chạy án, K phải theo hai nhân viên tòa án thực hiện hành trình vào một thế giới hỗn tạp: văn phòng hành chính, nhà trọ, nhà riêng, tòa án, nhà thờ… Không gian ngột ngạt, chật chội, thiếu ánh sáng. Hầu như tất cả các tòa nhà đều là tòa án. Các văn phòng tư pháp của tòa mọc lên khắp mọi nơi:  “Hầu hết tầng nóc nhà nào cũng có các văn phòng ấy”, khiến cho K hoàn toàn “mù tịt” không biết đâu là nơi ở, đâu là phòng làm việc của tòa. Đến nhà thờ – nơi ngự trị của Chúa Cứu thế cũng biến thành tòa án. Mặc dù đôn đáo trong mê cung tòa án nhưng cuối cùng K cũng không tìm ra lí do vì sao phạm tội và anh bị kết án tử hình. Trước khi bị mũi dao đâm vào tim, K chỉ kịp kêu lên một tiếng: “Như một con chó”. Không gian K đi qua gợi lên không gian sống đọa đày của con người hiện đại, mà trong đó, con người không tìm thấy chân lí để bấu víu tìm lối thoát. Chúa đã không còn. Hành trình của K trong suốt một năm đi tìm lời giải cho sự kết tội phi lí của tòa án ẩn dụ cho thân phận con người. Tồn tại của con người thực sự phi lí. Con người ngay từ khi sinh ra đã lơ lửng trên đầu bản án tử hình mà không rõ mình phạm tội gì. Chỉ biết rằng một ngày nào đó, con người sẽ bị xử tử dù có tội hay không. Nó cũng cho thấy nỗ lực của con người trong việc vượt lên những phi lí đã được mặc định bởi số phận. “Nhận thức và mô tả cái phi lí trong phận người, Kafka như gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho con người đồng thời cất lên tiếng kêu cứu, giải thoát cho kiếp người. Đó là chiều sâu nhân đạo trong tác phẩm Vụ án khi viết về hành trình đi tìm “bản án” của K”11.

        Trong hầu hết các sáng tác của H. Murakami cũng luôn hiện diện một hành trình của nhân vật. Trong Kafka bên bờ biển là hành trình chạy trốn bất định của Kafka để thoát khỏi lời nguyền giết cha, quan hệ với mẹ và chị. Trong Biên niên kí chim vặn dây cót là hành trình xuống giếng để đi tìm người vợ bị mất tích bí ẩn cũng chính là hành trình tìm về với bản thể, với Phật tính vốn có trong mỗi người của nhân vật chính. Trong tiểu thuyết 1Q84, nhân vật lạc vào thế giới thấp dưới mặt đất, ẩn dụ cho địa ngục, nơi cư ngụ của yêu quỷ, nơi cái ác ngự trị. Trên đường đến khách sạn để thực thi việc giết chết gã đàn ông trí thức bạo hành vợ, do tắc đường, Aomame đã rời taxi, đi bộ leo xuống một chiếc thang sâu hun hút. Từ năm 1984, Aomame đã lạc vào năm 1Q84. Hành động xuống thang lạc vào xứ sở dưới mặt đất như là lạc vào địa giới, tầng thế giới thấp nhất theo quan niệm trung cổ. Tại đây, cô đã liên tiếp thực thi trách nhiệm chống lại cái ác và tìm lại được người bạn trai xa cách đã 20 năm – tình yêu đích thực của mình. Cuộc chiến chống lại cái ác của Aomame bắt đầu bằng việc cô được bà chủ lâu đài ở Azabu giao nhiệm vụ giết chết một gã đàn ông bạo hành vợ. Đỉnh cao của cuộc chiến là việc Aomame nhận nhiệm giết chết thủ lĩnh của giáo phái Sakigake, kẻ vẫn được gọi bằng cái tên Lãnh Tụ nhưng lại có hành vi của một ác quỷ. Nhờ bản lĩnh kiên cường, trí thông minh và sự nhạy cảm khác thường, Aomame đã giết chết Lãnh Tụ. Với tâm hồn trong sáng, tình yêu thánh thiện, thủy chung từ thuở lên 10 dành cho Tengo, Aomame trở thành biểu tượng của cái thiện, đương đầu và chiến thắng cái ác. Theo Murakami, văn học nghệ thuật có vai trò thức tỉnh, giúp nhân loại nhận thức về cái ác, từ đó có hành động chống lại cái ác. Câu chuyện kết thúc có hậu giống như cổ tích. Tình yêu thánh thiện giữa Tengo và Aomame tưởng chừng bị chết yểu trong lạnh lùng, vô cảm của cuộc đời cuối cùng đã nảy mầm kết quả. Hình ảnh hai vầng trăng xuất hiện trên bầu trời thế giới 1Q84 rồi lại hóa nhập thành một ở cuối tiểu thuyết khi hai nhân vật Tengo và Aomame trở về năm 1984 gặp lại nhau sau 20 năm xa cách ẩn dụ cho tình yêu, hạnh phúc, tuy mong manh, hư ảo như ánh trăng trong mênh mông đêm tối nhưng cũng bất diệt như ánh trăng. Đó cũng là niềm tin mãnh liệt của nhà văn vào sức mạnh huyền diệu của hạnh phúc, tình yêu dù nó bị dập vùi trong giông gió.

         Như vậy, cùng sử dụng motif F0. Hành trình tới xứ sở khác (F0. Journey to other worlds) nhưng nếu F. Kafka thường sử dụng dạng F110. Hành trình đến các thế giới khác trên mặt đất (F110. Journey to terrestrial otherworlds) thì H. Murakami tiếp biến kiểu F80. Hành trình đến thế giới thấp hơn (F80. Journey to lower world). Các kiểu motif được tiếp biến thể hiện chiều sâu tư tưởng của các nhà văn về cuộc đời. Nếu hành trình đến thế giới khác trên mặt đất trong tiểu thuyết của F. Kafka – mang đậm màu sắc hiện sinh chủ nghĩa - ẩn dụ cho hành trình lạc vào, bị bỏ rơi trong cuộc đời, ẩn dụ cho cuộc sống của con người trong một xã hội hiện đại ngột ngạt, xa lạ khiến con người cảm thấy cô đơn, mất nơi nương tựa, mất niềm tin thì hành trình xuống thế giới thấp hơn – biểu tượng của địa ngục, nơi ở của yêu quỷ trong sáng tác của H. Murakami là hành trình đi tìm và chiến đấu chống lại cái Ác – phe Tường, bảo vệ cái Thiện – phe Trứng như cách nói của Murakami.

      3. Motif “ngược đãi tàn nhẫn” (S460. Other cruel persecutions) 

      Vấn đề cơ bản trong tác phẩm Kafka, như nhiều nhà nghiên cứu xác định bao gồm sự ghẻ lạnh, sự dã man về thể xác và tâm lí, các nhân vật trong cuộc điều tra đáng sợ, và sự biến đổi kì bí 12. Kafka cũng đề cập đến vấn đề mâu thuẫn của con người với thể chế quan liêu. William Burrows cho rằng tác phẩm của ông tập trong vào các quan niệm về đấu tranh, thương đau, cô đơn, và nhu cầu quan hệ giữa con người 13. Gilles DeleuzeFélix Guattari lại cho rằng những chủ đề về sự ghẻ lạnh và ngược đãi, dù có hiện diện trong Kafka, nhưng đã bị giới phê bình nhấn mạnh quá mức. Trong tác phẩm của mình, Kafka thường tạo ra những thế giới độc ác, phi lí 14, 15. Nhà văn Milan Kundera cho rằng yếu tố hài hước siêu thực của Kafka có vẻ đối nghịch với Dostoevsky, người xây dựng hình tượng những nhân vật chịu hình phạt do một tội ác. Còn trong sáng tác của Kafka, nhân vật bị trừng phạt mặc dù chưa phạm tội. Ông cũng cho rằng cảm hứng của Kafka dành cho những tình huống đặc thù xuất phát từ những trải nghiệm từ cuộc sống của chính nhà văn trong một gia đình gia trưởng cũng như  trong một nhà nước chuyên chế16.

       Đúng như các nhà phê bình nhận định, nhân vật trong sáng tác của F. Kafka thường cô đơn tuyệt đối do bị lưu đày trong sự ghẻ lạnh, thậm chí là ngược đãi trong một xã hội độc ác, lạnh lùng đầy rẫy những bất công, phi lí. Trong tiểu thuyết Lâu đài, K đến ngôi làng, nhưng không ai đón nhận K. Tất cả hắt hủi K. Người ở lâu đài cũng từ chối K một cách lạnh lùng. Frieda, người tình của K đã chua xót thừa nhận: “Trên trái đất này không có nơi nào yên ổn cho tình yêu chúng ta, không ở trong làng cũng không ở đâu khác, vì thế, em hình dung ra một nấm mộ sâu và hẹp, ở đó, chúng ta ôm chặt nhau như siết bằng kìm, em vùi mặt vào anh, anh vùi mặt vào em và sẽ không còn ai thấy chúng ta nữa”17. Con người, tình yêu không còn chốn dung thân trên mặt đất. Trong Hóa thân, Gregore Samsa làm việc như một cái máy, đến mức quên cả bản thân để cung phụng cả gia đình. Gia đình, dường như, cũng không coi anh như một thành viên mà chỉ là một nguồn chu cấp. Khi anh bị biến thành một con bọ, cả nhà xa lánh, ghê tởm anh, đối xử với anh như một con bọ hôi hám. Cha anh dùng gậy, giấy báo cuốn anh lôi vào phòng, lấy táo ném vào chỗ hiểm trên lưng đuổi anh cho khuất mắt. Anh lê lết vào phòng với cái lưng bê bết máu trong tiếng quát: “Xéo đi! Xéo đi!” của cha. Trái táo dính luôn ở đó khiến anh tê liệt hàng tháng và chấn thương vĩnh viễn. Em gái anh chỉ mong anh chết và khi anh chết, cả nhà thở phào nhẹ nhõm. Trong tiểu thuyết Vụ án, Josef K bị đối xử như một kẻ tội phạm mặc dù tòa án không thể luận tội anh. Cuối cùng, anh bị giết chết nhục nhã như một con chó. Nếu trong cổ tích, nhân vật bị ngược đãi là một cá nhân đại diện cho một tầng lớp, và chủ yếu bị ngược đãi về thể chất thì trong sáng tác của F. Kafka, nhân vật bị ngược đãi biểu tượng cho thân phận con người nói chung trong xã hội hiện đại. Họ bị đày đọa không chỉ về thể chất mà còn chủ yếu về tinh thần. Nhân vật không có tên riêng cụ thể, đường nét cá nhân bị xóa mờ, chỉ còn là một kí tự - K. K đại diện cho phận người bị lưu đày, bị giam cầm trong chính nhà giam xã hội quan liêu, lạnh lùng. Con người là nạn nhân nhưng không thể nào nhận biết được chính xác kẻ nào đã đày đọa mình. Tâm trạng, cảm giác của các nhân vật trong sáng tác của F. Kafka đúng như cảm giác của nhà văn được ông ghi trong nhật kí:

        “Đóng kín trong bốn bức tường, tôi thấy mình như một kẻ di cư bị tống giam ở một nước xa lạ... Tôi thấy gia đình mình như những người ngoại quốc lạ lùng mà những tập tục, nghi thức và chính ngôn ngữ của họ thách đố sự tìm hiểu... mặc dù tôi không muốn thế, họ vẫn bắt tôi phải tham gia vào những nghi lễ kì quái của họ... Tôi không thể kháng cự lại18. Kafka, có lẽ do bị ám ảnh bởi một gia đình luôn ngột ngạt, căng thẳng vì sự gia trưởng của người cha chuyên áp chế cả gia đình, nên đã dùng những bạo lực gia đình để ẩn dụ cho những bạo lực, sự chuyên chế của xã hội.

        Motif “ngược đãi tàn nhẫn” lại được H. Murakami sử dụng để tập trung tái hiện cuộc đấu tranh Thiện – Ác, một vấn đề có tính chất vĩnh cửu trong văn học nhân loại – tiếp tục phản ánh cuộc đấu tranh đã bắt đầu từ thời thần thoại ẩn dưới cuộc chiến giữa Thần và Quỷ, và được đặt ra hết sức gay gắt trong thế kỉ XX, XXI, mà theo cách nói của Murakami là cuộc đấu tranh giữa Trứng và Tường.  Murakami đã thể hiện thái độ dứt khoát đứng về phe Trứng, bênh vực, bảo vệ phe Trứng, khẳng định chiến thắng nhất định thuộc về cái Thiện. Motif “ngược đãi tàn nhẫn” trong sáng tác của Murakami thể hiện dưới muôn hình vạn trạng. Đó đều là những vấn đề nhức nhối của nhân loại trong thế kỉ XX, XXI: kì thị tôn giáo, bạo hành gia đình, bạo lực học đường về thể xác và tinh thần, nội chiến, thảm sát giữa các dân tộc... Cái ác có sức mạnh vô hình và có khả năng lây lan như một loại virus, lặng lẽ đục ruỗng tinh thần con người từ bên trong. Trong Biên niên kí chim vặn dây cót, người anh vợ Wataya Noboru của nhân vật chính Toru Okada đại diện cho cái ác. Trong 1Q84, nhà văn đã dùng Người Tí Hon để xây dựng hình tượng Ác Quỷ mới. Bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào, trong bất cứ con người nào cũng có thể xuất hiện Người Tí Hon và như lời nhân vật Lãnh Tụ thì “từ thời viễn cổ, chúng ta đã luôn chung sống với họ rồi”. Ngược đãi tàn nhẫn không còn là hành vi của mẹ ghẻ với con chồng, người anh với người em, chủ nhà với đầy tớ… như trong cổ tích, mà có thể là của người chồng đối với vợ, nhân tình với nhân tình, cha mẹ với con cái..., không chỉ là ngược đãi thể xác mà còn cả về tinh thần. Anh con rể của bà chủ lâu đài Azabu hành hạ vợ khiến người vợ lâm vào tình trạng u uất và cuối cùng treo cổ tự tử năm 36 tuổi cùng với cái thai 6 tháng. Chồng của Tamaki – bạn gái thân nhất của Aomame - đối xử tàn tệ với Tamaki dẫn đến kết cục Tamaki cũng treo cổ tự vẫn. Nhân tình của mẹ Tengo đã giết chết mẹ anh trong khách sạn. Người tình của nữ cảnh sát Ayumi đã còng tay cô vào thành giường rồi xiết cổ cô đến chết trong tình trạng không mảnh vải che thân. Cái ác khủng khiếp hiện hình thành Lãnh Tụ giáo phái Sakigake – một thủ lĩnh biến thái, thường xuyên ấu dâm với những cô bé mười tuổi, con của các tín đồ trong giáo phái, thậm chí với cả con gái của mình.

       Cái ác có sức mạnh hủy diệt đáng sợ khi âm thầm khi hung hãn. Trong khi cái thiện hiện ra mong manh, nhỏ bé, là những thân phận trẻ em, thiếu nữ, phụ nữ xinh đẹp, là hạnh phúc, tình yêu. Hai nhân vật chính Kawana Tengo - Aomame và tình yêu trong trẻo, đẹp đẽ của hai con người cô độc, thánh thiện đại diện cho cái Thiện, cái Đẹp. Aomame như là thiên sứ thực hiện sứ mệnh tiêu diệt cái ác.

       Câu chuyện kết thúc có hậu giống như cổ tích. Tình yêu thánh thiện mà mong manh giữa Tengo và Aomame tưởng chừng bị chết yểu trong lạnh lùng, vô cảm của cuộc đời cuối cùng đã nảy mầm kết quả. Cái Thiện, cái Đẹp cuối cùng đã chiến thắng cái ác, thể hiện niềm tin của nhà văn vào sức mạnh bất diệt của cái Thiện.

         Vấn đề nhức nhối của nhân loại – hành vi ngược đãi đồng loại - đã lay động mãnh liệt tới tâm can của F. Kafka, trở nên nhức nhối trên những trang viết của ông. Qua motif “ngược đãi tàn nhẫn”, Kafka đã dự cảm về một thế giới con người xa lạ với nhau, đối xử với nhau như là khác loài. H. Murakami đã tiếp nối motif trên và thể hiện thành những biểu hiện đa dạng hơn, mang đặc trưng của xã hội loài người trong thế kỉ XX và XXI. Ông tuyên chiến với sự ngược đãi đồng loại và tin tưởng vào chiến thắng của yêu thương.

  1. Motif “hóa thân” (D0-D699 Transformation)

     Trong sáng tác của F. Kafka và H. Murakami đều có motif hóa thân (D0-D699 Transformation) tuy nhiên kiểu hóa thân trong sáng tác của mỗi nhà văn thì khác nhau. Trong tiểu thuyết (có tính chất như một truyện vừa) Hóa thân nổi tiếng, nhà văn đã sử dụng motif hóa thân dạng D180. Hóa thân: con người thành côn trùng (D180. Transformation: man to insect). Trong truyện ngắn Samsa yêu, “nhà văn best seller” người Nhật lại sử dụng dạng D10 - D99. Hóa thân: con người thành người khác (D10-D99. Transformation of man to different man).

       Trong Hóa thân, tác phẩm được coi là “hư cấu sáng tạo có ảnh hưởng nhất của thế kỉ XX”, Gregor Samsa, một nhân viên bán hàng, một sớm thức dậy, thấy mình hóa thành một con bọ khổng lồ. Câu chuyện tha hóa có tính phổ biến của Samsa được Kafka dùng hình tượng con bọ kì quái để diễn giải quá trình tha hóa và lí giải nguyên nhân của quá trình ấy. Chính trong buổi sáng thấy mình hóa thân, Samsa mới có cơ hội nằm suy nghĩ về thân phận bán hàng thê thảm của mình, bởi hàng ngày, anh phải quay cuồng mưu sinh. Dù không thích công việc đó chút nào, nhưng anh vẫn phải đeo đuổi vì miếng cơm manh áo và vì cuộc sống của những người khác trong gia đình. Tuy nhiên, gia đình, dường như, dần dần, không coi anh là một thành viên nữa mà chỉ như một nguồn chu cấp. Gã chủ luôn không hài lòng với nhân viên dù họ có siêng năng cỡ nào nên anh luôn phải cố gắng vượt giới hạn bản thân. Vì thế, anh lao vào công việc như một con thiêu thân để có thể đem về nhiều tiền. Điều đó đồng nghĩa với việc, anh không có thời gian bên gia đình, anh dần trở nên xa lạ với chính người thân của anh. Đến mức, một ngày, họ thuộc về những thế giới khác nhau, không còn khả năng giao tiếp. Cha anh cầm gậy đuổi anh: “Xéo đi! Xéo đi!” bởi trong mắt ông, anh là một con bọ ghê tởm phiền toái. Anh muốn nói chuyện với mẹ nhưng chỉ phát ra những tiếng kêu rin rít. Anh phải nấp vào phòng mỗi khi em gái mang thức ăn vào cho anh vì sợ làm em hoảng hốt. Anh không còn là anh nữa trong mắt mọi người. Mặc dù tâm trí anh vẫn vẹn nguyên những mối bận tâm, lo lắng như những ngày đầu: lo sợ mất việc, sẽ không ai nuôi cả gia đình; nhớ đến ước mơ được học đàn của em gái. Nổi lên trên những trang viết của Kafka là băn khoăn về vấn đề con người sẽ được nhìn nhận là con người từ góc độ nào? Tự thân hay tha nhân? Từ đầu đến cuối, tâm tính của Gregor là của một con người nhưng anh dần biến thành côn trùng bởi ánh mắt của những người xung quanh. Tấm gương phóng chiếu đó khiến phần người trong anh dần tha hóa. Nhưng cái tinh thần tự ý làm người trong anh luôn cố gắng vùng vẫy để thoát khỏi phần bọ. Anh tìm cách bẻ gãy lớp vỏ cánh cứng, cái thân nhiều chân, cưỡng lại cái ham muốn thức ăn thối… để tìm lại nhân cách. Tuy vậy, nỗ lực của anh bất thành. Anh chết trong tiếng thở phào nhẹ nhõm của mọi người.

        Trong truyện ngắn Samsa yêu, nhân vật “anh” tỉnh dậy cũng thấy mình hóa thân, trở thành Gregor Samsa trong một căn phòng ở Praha. Trong thân thể mới, anh thấy mình yếu đuối, không một chút sinh lực, không khả năng tự vệ. Và vì vậy, sự tồn tại của cái thân thể người mới vô nghĩa, phi lí làm sao, thậm chí còn không có ý nghĩa bằng một con cá hay một bông hoa hướng dương: “Samsa kinh tởm nhìn xuống cơ thể trần truồng của mình. Anh mới ốm yếu làm sao! Còn tệ hơn ốm yếu. Nó chẳng còn sở hữu một phương tiện nào để tự vệ nữa […]. Cái thứ này có thực là anh không? Một cơ thể ngớ ngẩn, dễ tàn phá đến vậy (không có cái vỏ bảo vệ nào, không thứ vũ khí nào để tấn công) mà sống sót được trên cõi đời ư? Tại sao anh không biến luôn thành một con cá cho rồi? Hay một bông hoa hướng dương? Một con cá hay một bông hoa hướng dương thì còn có nghĩa. Dẫu sao thì cũng có nhiều ý nghĩa hơn cái thằng người Gregor Samsa này”19. Nhưng tình yêu đã khiến Samsa thay đổi. Samsa không muốn làm bông hoa hướng dương hay con cá bởi chúng không bao giờ có được cảm xúc của con người khi yêu: “Chỉ nghĩ đến cô thôi, anh đanh đã thấy ấm áp trong lòng. Anh không còn mong muốn mình trở thành một con cá hay một bông hoa hướng dương nữa - hoặc bất kì thứ gì khác. Anh hoan hỉ vì được làm người. Chắc chắn vẫn rất bất tiện vì phải đi bằng hai chân và mặc quần áo. Còn quá nhiều điều anh chưa biết. Thế nhưng nếu là cá hay hoa hướng dương chứ không phải một con người, anh sẽ không bao giờ có được cảm xúc này. Anh cảm thấy thế”20. Thân phận người trong sáng tác của H. Murakami nhờ tình yêu đã trở nên không còn phi lí. Làm người thực sự là khó khăn bởi bản chất con người yếu đuối, dễ dàng bị phần con thôn tính nhưng vì tình yêu, nhờ tình yêu, con người sẽ cố gắng học cách làm người và trở thành con người nhờ tình yêu.

       Sự khác nhau trong phong cách nghệ thuật sử dụng motif folklore của hai nhà văn có thể xuất phát từ nhiều lí do như thời đại, hoàn cảnh gia đình, tâm lí cá nhân, văn hóa dân tộc của hai dân tộc Tiệp và Nhật Bản… Về thời đại, Franz Kafka sống trong một thời kì xã hội đầy biến động. Phong trào đàn áp người Do Thái diễn ra mạnh mẽ vào đầu thế kỉ XX. Khi còn là một cậu bé, Franz vô cùng sợ hãi khi thấy ngôi nhà của những người hàng xóm bị kẻ lạ mặt đến đập phá tan hoang. Do họ “Kafka” nghe không giống của người Do Thái nên gia đình nhà văn may mắn thoát nạn. Những năm cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, khi mà H. Murakami sống và viết, thế giới cũng vô cùng bất ổn, Những vấn đề hậu quả chiến tranh hạt nhân, xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo, bạo lực, chiến tranh, di cư… trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Hoàn cảnh gia đình của hai nhà văn rất khác nhau. F. Kafka sinh ra trong một gia đình Do Thái Ashkenazi thuộc tầng lớp trung lưu. Cha ông, Hermann Kafka (1852-1931), là con thứ tư của Jacob Kafka, một người mổ thịt. Cha của Kafka được nhà viết tiểu sử Stanley Corngold miêu tả là một thương gia rất gia trưởng, ích kỉ và hống hách. Còn F. Kafka lại là cậu bé rất nhút nhát. Căng thẳng cha con, không khí gia đình ngột ngạt trở thành nỗi ám ảnh trong các trang viết của F. Kafka. Trong khi H. Murakami có ông nội là một nhà sư; ông ngoại là một thương gia ở Osaka. Bố và mẹ ông đều là giáo viên môn Văn học Nhật Bản… Chính hoàn cảnh thời đại và gia đình đã tạo nên những điểm tương đồng và dị biệt trong cá tính sáng tạo và trong phong cách sáng tác của hai nhà văn thiên tài.   

       Qua những motif dân gian như hành trình đến xứ sở khác, ngược đãi tàn nhẫn, hóa thân được tiếp biến sáng tạo với nhiều dạng thức khác nhau, nổi lên mối trăn trở, xót xa của các nhà văn về phận làm người. Con người vốn bị định mệnh lưu đày, lạc đến thế giới hỗn độn này, thánh thiện như Thiên Thần, trong trẻo như Ánh Trăng nhưng cô đơn và yếu đuối như Trứng. Thế rồi, con người bị bao vây và tấn công dai dẳng, khi âm thầm, khi hung hãn, từ bên ngoài rồi từ bên trong bởi Ác Quỷ, mạnh mẽ, lì lợm như Tường; tăm tối, lạnh lẽo như Bóng Đêm. Có người thất bại trong cuộc chiến đó: kẻ tha hóa, kẻ chết nhục nhã (như trong sáng tác của F. Kafka) nhưng cũng có người nỗ lực vượt thoát, đánh bại Ác Quỷ nhờ sự tin tưởng và sức mạnh nơi Tình Yêu (như trong sáng tác của H. Murakami). Cái Đẹp - Tình Yêu như Ánh Trăng mong manh mà vĩnh cửu chính là lực lượng có thể chiến thắng cái Ác, có thể xua đi Bóng Tối mênh mông. Tiểu thuyết bộc lộ cái nhìn tràn đầy tư tưởng nhân đạo, nhân văn của F. Kafka và H. Murakami về cuộc đời cũng như khả năng tiếp biến, tái sinh sáng tạo những motif dân gian của hai nhà văn lớn.

.............................................

CHÚ THÍCH

1 Chuyển dẫn Claude Lévi-Strauss, 2006, “Cấu trúc của thần thoại” trong Những vấn đề nhân học tôn giáo,/ Charles F. Keyes, Karl Marx, Emile Durkheim…, Dịch: Hoàng Cầm, NXB Đà Nẵng; Tạp chí Xưa và Nay, 2006, phebinhvanhoc.com.vn/cau-truc-than-thoai.

 2Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Lê Bá Hán (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Hà Nội, tr. 197.

3 Nguyễn Tấn Đắc (2011), Truyện kể dân gian đọc bằng type và motif, NXB KHXH, Hà Nội, trang 27.

4,5 S. Thompson (1946), Folktale, The Dryden press, New York, tr 256.

6 Bloom, Harold (2002), Genius: A Mosaic of One Hundred Exemplary Creative Minds, New York: Warner Books, ISBN 978-0-446-52717-0, p. 206.

7 F. Kafka (2016), Lâu đài, NXB Văn học, Hà Nội, trang bìa 4.

8,9, 10 F. Kafka (2016), Lâu đài, NXB Văn học, Hà Nội, tr. 9, 10.

11. Phan Ngọc Lan, Vụ án của F. Kafka và những chiều kích của số phận, bookhunterclub.com.

12 Bossy, Michel-André (2001), Artists, Writers, and Musicians: An Encyclopedia of People Who Changed the World. Westport, CT: Oryx Press. ISBN 978-1-57356-154-9, p.100, https://vi.wikipedia.org/wiki/Franz_Kafka

13Burrows, William (ngày 22 tháng 12 năm 2011), “Winter read: The Castle by Franz Kafka”. The Guardian. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2012, https://vi.wikipedia.org/wiki/Franz_Kafka

14 Kavanagh, Thomas M. (Spring 1972), “Kafka's "The Trial": The Semiotics of the Absurd”. NOVEL: A Forum on Fiction (Durham, NC: Duke University Press) 5 (3). JSTOR 1345282. doi:10.2307/1345282. tr. 242–253, https://vi.wikipedia.org/wiki/Franz_Kafka

15 Rahn, Josh (2011), Existentialism, Online Literature, Truy cập ngày 5 tháng 8 năm 2012. https://vi.wikipedia.org/wiki/Franz_Kafka

16 Kundera, Milan (Winter 1988), “Kafka's World”, The Wilson Quarterly (Washington, DC: The Woodrow Wilson International Center for Scholars) 12 (5). JSTOR 40257735, p. 82-99. https://vi.wikipedia.org/wiki/Franz_Kafka.

17 F. Kafka (2016), Lâu đài, NXB Văn học, Hà Nội, tr. 9. 

18 Preece, Julian (2001). The Cambridge Companion to Kafka. Cambridge: Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-66391-5, p.15-31.

19.20 H. Murakami, Samsa yêu, nhilinhblog.blogspot.com/2013.


     

Thông tin người viết:

1. Họ và tên: Nguyễn Thị Mai Liên

  • Học hàm, học vị: PGS. TS
  • Chức vụ: Giảng viên
  • Cơ quan công tác: Đại học Sư phạm Hà Nội
  • Địa chỉ: 136 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Điện thoại: 0936 170 688
  • Email: mailien.edu@gmail.com

2. Lương Hải Vân

     - Học hàm, học vị: Thạc sĩ, Nghiên cứu sinh

     - Chức vụ: Giảng viên

     - Cơ quan công tác: Đại học Thủ đô

     - Địa chỉ: 98 Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội

     - Điện thoại:  098 550 2509

     - Email: vanlh3012@gmail.com

 

Post by: admin
29-07-2021