Văn học nước ngoài

Nghiên cứu, giảng dạy TPVHNN gắn với đặc trưng văn hóa dân tộc - In trong sách Nghiên cứu, giảng dạy văn học từ thể loại, Kỉ yếu hội thảo quốc gia, chỉ số ISBN 978-604-54-6924-8; tr 104 - 112 (1 thành viên)


29-07-2021
Thể loại văn học gắn liền với quá trình phát triển của lịch sử văn học mỗi dân tộc và thế giới. Có thể nói mà không sợ quá đáng rằng, quá trình phát triển của lịch sử văn học mỗi dân tộc cũng như văn học thế giới chính là quá trình phát triển vận động của các thể loại. Tiếp cận tác phẩm văn học từ góc độ thể loại giúp người dạy và người học tiếp cận được những đặc trưng thi pháp loại thể, từ đó có những nhận thức đúng đắn về những giá trị nội dung, tư tưởng, cảm hứng, tình cảm, tình điệu mà nhà văn, nhà thơ kí thác trong đó, tránh những áp đặt khiên cưỡng, chủ quan. Tuy nhiên, ở mỗi một dân tộc, quốc gia, dù sáng tác theo quy phạm thể loại, các nhà văn, nhà thơ vẫn thể hiện, có thể vô tình hay hữu ý, những giá trị văn hóa riêng của dân tộc, quốc gia mình, làm nên những bản sắc văn hóa trong sáng tác của họ. Vì vậy, khi giảng dạy tác phẩm văn học nước ngoài không thể bỏ qua những trầm tích văn hóa đó. Nếu bỏ qua, chỉ chú trọng khai thác những đặc trưng quy phạm thể loại sẽ rất khó giúp người học cảm nhận được sắc thái văn hóa, tinh thần dân tộc hàm ẩn trong tác phẩm. Nếu người dạy sa vào tình trạng này, người học sẽ thấy mọi tác phẩm của các dân tộc sáng tác theo cùng thể loại sẽ giống nhau, do đó, không cảm nhận được vẻ đẹp riêng trong sáng tác của mỗi dân tộc. Và công việc giảng dạy tác phẩm văn học nước ngoài khi đó sẽ giống như hành động «gọt chân cho vừa giầy». Từ những thực tế trên, chúng tôi cho rằng, dù việc giảng dạy tác phẩm văn học từ loại thể là rất quan trọng và có ý nghĩa lớn. Nhưng người dạy và người học cần hết sức chú ý đặt tác phẩm, tác gia đó trong phối cảnh văn hóa của chính dân tộc đã sản sinh ra sáng tác, tác gia đó. Có như vậy mới cảm nhận chính xác và sâu sắc hơn chiều sâu tư tưởng của tác phẩm. Từ khóa : tác phẩm văn học nước ngoài, loại thể, văn hóa

1

NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY TÁC PHẨM VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI THEO LOẠI THỂ GẮN VỚI ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA DÂN TỘC

Nguyễn Thị Mai Liên

Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

       Lịch sử phát triển của văn học thế giới gắn liền với lịch sử phát triển của thể loại nếu không nói chính là lịch sử phát triển của thể loại. Mỗi thời kì lịch sử, nhân loại lại sản sinh ra thể loại văn học khác nhau do đặc trưng lịch sử, xã hội, cảm quan, tư duy của thời kì đó. Mỗi tác phẩm văn chương dù ở quốc gia nào đều thuộc về một loại hình, một thể loại của văn học, do đó, sẽ mang những đặc trưng quy phạm của loại hình và thể loại mà nó thuộc về. Tuy nhiên, mỗi tác phẩm văn học dù thuộc một thể loại nhưng đồng thời là sáng tác của một cá nhân mang đậm lối tư duy, văn hóa của mỗi dân tộc. Do đó, sẽ có những đặc trưng riêng vượt ra khỏi quy phạm thể loại. Nếu chỉ tiếp cận tác phẩm từ những đặc trưng thể loại mà loại bỏ những giá trị văn hóa riêng trầm tích trong những tác phẩm đó thì không khác gì cố gắng “gọt chân cho vừa giầy”. Hệ quả là người đọc, người học không thể hiểu đúng, hiểu hết, hiểu sâu sắc tác phẩm văn chương. Vì vậy, rất cần tiếp cận tác phẩm văn học theo loại thể gắn với đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc, trong phối cảnh văn hóa dân tộc – vốn là môi sinh của tác phẩm đó. Hơn nữa, việc dạy học tác phẩm văn học nước ngoài theo thể loại gắn với đặc trưng văn hóa còn đáp ứng được những mục tiêu cơ bản của giáo dục mà UNESCO đã đề xuất trong báo cáo nghiên cứu về vấn đề giáo dục (năm 1996) nhằm giúp người học chuẩn bị tốt hành trang bước vào thế kỉ XXI. Bốn mục tiêu trụ cột của giáo dục (4 pillars of education) đó là: - Học để biết (Learning to know) - Học để trưởng thành (Learning to be) - Học để làm (Learning to do) - Học để chung sống (Learning to live together) [UNESCO, 2016, P5]. Dạy học tác phẩm văn học nước ngoài theo thể loại gắn với đặc trưng văn hóa mỗi dân tộc vừa giúp người học tự trang bị chìa khóa thể loại qua tác phẩm cụ thể để mở cách cổng bước vào thế giới của những tác phẩm văn chương cùng thể loại, tức là để làm vừa giúp người học cảm nhận được đặc trưng văn hóa của các dân tộc trầm tích trong những áng văn chương, góp phần trang bị kiến thức về các nền văn hóa nhân loại, giúp các em có thể chấp nhận những khác biệt, cùng chung sống hạnh phúc trong một thế giới đa văn hóa, trong một “ngôi làng toàn cầu” (global village) mà không đánh mất giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mình. Bài báo của chúng tôi gợi dẫn vấn đề dạy học tác phẩm văn học nước ngoài theo thể loại gắn với đặc trưng văn hóa trên ba phương diện: quan niệm về giảng dạy tác phẩm văn học nước ngoài theo thể loại gắn với văn hóa dân tộc, vì sao cần dạy học tác phẩm văn học nước ngoài theo thể loại gắn với văn hóa dân tộc và giảng dạy tác phẩm văn học nước ngoài theo thể loại gắn với văn hóa dân tộc như thế nào. Những kiến giải của chúng tôi trong phạm vi tham luận này chỉ mới ở bước sơ khởi, rất cần những bàn luận cụ thể và hệ thống tiếp theo trong tương lai.

1. Thế nào là nghiên cứu và giảng dạy tác phẩm văn học nước ngoài theo thể loại gắn với văn hóa dân tộc?

     Về khái niệm thể loại, có rất nhiều quan điểm rất phong phú.  Nghệ thuật thơ ca của Aristote (384 – 322 – Triết gia lỗi lạc của Hi Lạp cổ đại) là công trình bàn về loại hình văn học đầu tiên và đến nay, theo Bakhtin (1895 – 1975 – Nhà nghiên cứu khoa học xã hội người Nga), người ta vẫn chưa có gì thêm về thực chất trên cơ sở lí luận trong cuốn sách này. Ông nêu ra những điểm tương đồng giữa các loại: “Sử thi, bi kịch cũng như hài kịch và thơ ca tụng tửu thần, đại bộ phận nhạc sáo, nhạc đàn lục huyền – tất cả những cái đó, nói chung, đều là những nghệ thuật mô phỏng[Aristote, 2007, tr. 10]. Mặt khác, ông cũng phân tích những điểm khác biệt giữa các loại đó: “Giữa chúng có ba điểm khác nhau: hoặc thực hiện sự mô phỏng bằng cái gì (phương tiện - ND), hoặc mô phỏng cái gì (đối tượng - ND), hoặc mô phỏng như thế nào (phương thức - ND) – cho nên không phải lúc nào cũng như nhau cả” [Aristote, 2007, tr. 11, 12]. Aristote đã căn cứ trên ba cơ sở đó mà phân loại thành các loại hay loại hình như sử thi (tự sự), hài kịch, bi kịch (kịch) và thơ ca tụng tửu thần (trữ tình). Đến Platon, dựa trên phương thức phản ánh thế giới của nghệ thuật, ông phân chia thành 3 loại hình: tự sự (sử thi) – tác giả và nhân vật đều có quyền nói; trữ tình – mình tác giả nói, bộc lộ cảm xúc, tình cảm; kịch – chỉ mình nhân vật nói và hành động có kịch tính. Loại hình, tựu chung, là những kiểu tác phẩm có nét chủ đề chung cũng như có thuộc tính hình thức kết cấu chung nhất.  

     Mỗi loại hình văn học lại bao gồm các thể các thể loại khác nhau. M. Bakhtin cho rằng: “Thể loại là hình thức điển hình của toàn bộ tác phẩm, của toàn bộ sự biểu hiện nghệ thuật[Trần Đình Sử, 2017, tr. 241]. Trần Đình Sử trong Dẫn luận thi pháp học văn học cũng bàn về thể loại, phạm trù về chỉnh thể tác phẩm: “Khi nói đến thể loại thì cũng có ý nghĩa đó, song còn thêm hai nghĩa khác. Một là nghĩa chung về lí thuyết, tức quy phạm ổn định, bất biến, và nội dung cụ thể như là biến thể lịch sử, cá tính của tác phẩm cụ thể. Do đó mỗi tác phẩm đều thuộc về một thể và loại nhất định[Trần Đình Sử, 2017, tr. 239]. Thể loại văn học là một phạm trù lịch sử. Mỗi thể loại chỉ xuất hiện ở những giai đoạn phát triển nhất định của văn học, sau đó thường xuyên biến đổi và thay thế nhau. A.N Veselovski là người đầu tiên nêu ra việc loại hình hóa thể loại theo tiến trình lịch sử. Theo sự phát triển lịch sử của nhân cách con người, thể loại cũng có sự phát triển tương ứng.

     Về văn hóa, hiện trên thế giới có khoảng hơn 500 định nghĩa. Mọi khái niệm văn hóa hiển nhiên là đều không được thừa nhận bởi tất cả mọi người. Bởi vì, đúng như hai nhà nhân học Mĩ là A.L Kroeber và A.C Kluckholn đã nhận xét: “... Trên đời này không có gì phiêu diêu, mông lung hơn là danh từ văn hóa. Người ta không thể phân tích văn hóa vì thành phần của nó vô cùng tận... Người ta không thể mô tả văn hóa vì nó muôn mặt. Muốn cô đọng văn hóa thành lời lẽ thì cũng giống như tay không bắt không khí: ta sẽ thấy không khí ở khắp nơi mà riêng trong tay chẳng nắm được gì[Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ, tr. 5]. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin nêu một quan niệm riêng về văn hóa làm cơ sở lí luận triển khai bài viết: Văn hóa là toàn bộ những giá trị nổi bật về tinh thần, vật chất, tri thức và tình cảm đặc trưng cho một xã hội hay một nhóm xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật, văn học, lối sống, các quyền cơ bản của con người, các hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng… Văn hóa có sự biến đổi qua thời gian.

      Dạy học tác phẩm văn học nước ngoài theo thể loại gắn với đặc trưng văn hóa dân tộc, người dạy và người học tiếp cận, khai thác tác phẩm văn học theo những đặc trưng thể loại trên các phương diện biểu hiện như ngôn từ, kiểu chủ đề, nội dung đời sống, tổ chức kết cấu, chức năng xã hội, phương thức tiếp nhận và quy ước thể loại… Tuy nhiên, người dạy và người học không nên bỏ qua những đặc trưng văn hóa trầm tích trong chính những yếu tố đó của tác phẩm, làm nên đặc sắc riêng cho chính tác gia hay tác phẩm đó. Bởi những yếu tố đó thể hiện vẻ đẹp riêng trong đặc sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Điều đó có nghĩa là khi nghiên cứu và giảng dạy tác phẩm văn học nước ngoài, người dạy và người học cần chú ý đặt tác phẩm trong môi sinh của nó, trong phối cảnh văn hóa mà tác phẩm ra đời.

2. Tại sao cần nghiên cứu và giảng dạy tác phẩm văn học nước ngoài theo thể loại gắn với đặc trưng văn hóa dân tộc?

      Vì sao cần dạy học tác phẩm văn học nước ngoài theo thể loại? Cần dạy tác phẩm văn học nói chung và văn học nước ngoài nói riêng theo những đặc trưng thể loại trước hết để tránh những võ đoán, những áp đặt, khiên cưỡng. Mỗi tác phẩm khi sinh thành sẽ mang hình hài một thể loại nào đó. Thể loại là “thuật ngữ chỉ thuộc tính thể / loại của tác phẩm văn học. Không có tác phẩm “siêu thể loại[Trần Đình Sử, 2017, tr. 239]. Thể loại văn học là “hình thức chỉnh thể của toàn bộ tác phẩm, của toàn bộ sự biểu hiện nghệ thuật, một kiểu cấu trúc tác phẩm và một hệ thống biểu đạt có hình tượng” (V.V Koginov).Diễn ngôn của văn học nảy sinh và phát triển theo những cấu trúc mà bản thân nó không thể vi phạm” (G. Genette), thể hiện những khuynh hướng lâu dài, bền vững trong sự phát triển văn học. Cho dù đến thời hiện đại, do vai trò sáng tạo của cá nhân được khẳng định, đường biên các thể loại có thể bị mờ đi, không còn cứng nhắc như thời trung đại hoặc kết hợp với nhau để tạo nên những thể loại mới. Nhưng thể loại văn học vẫn không thể bị thủ tiêu. Ý tưởng sáng tác của nhà văn song hành với việc tượng hình hình hài của tác phẩm trong tư duy, nghĩa là đã phải định hình tác phẩm của mình viết theo loại và thể nào. Trong quá trình sáng tác, nhà văn cũng luôn luôn ý thức khuôn dạng tác phẩm theo những đặc trưng cơ bản nhất của quy phạm thể loại mà mình đang sáng tác. Đặt bút viết tên thể loại trên bìa sách cho đứa con tinh thần của mình là khâu hoàn tất cuối cùng trong quá trình sáng tác đó của nhà văn.

      Chính vì vậy, thể loại là nơi thi pháp học xuất phát. Mỗi thể loại có một đặc trưng, quy phạm về thi pháp nhất định. Nghiên cứu, dạy học tác phẩm văn học theo thể loại, khai thác những giá trị nghệ thuật và tư tưởng đặc trưng của mỗi thể loại là một hướng tiếp cận khoa học, tránh việc gán ghép những yếu tố ngoài thể loại một cách khiên cưỡng cho tác phẩm, từ đó, khai thác đúng đắn, sâu sắc, tránh bỏ sót những giá trị đặc trưng thể loại của tác phẩm.

     Trong bối cảnh dạy học phát triển năng lực hiện nay, việc giảng dạy tác phẩm văn học từ thể loại còn có ý nghĩa thông qua một tác phẩm thuộc một thể loại mà cung cấp chìa khóa cho người học có thể tự mở cánh cổng bước vào thế giới của một tác phẩm khác cũng thuộc thể loại đó một cách dễ dàng hơn.

      Tuy nhiên, “các thể loại văn học không tồn tại độc lập mà có tính hệ thống. Đó là vì thể loại nảy sinh trên cơ sở các điều kiện văn hóa của dân tộc như tiếng nói, chữ viết, ý thức hệ[Trần Đình Sử, 2017, tr. 245]. Văn học là một bộ phận, hơn nữa là một bộ phận chủ đạo của văn hóa bởi tính chất năng động hơn so với những yếu tố khác. Là một yếu tố mạnh, văn học luôn biết tiếp thu những gì ngoài hệ thống để phát triển[Đỗ Lai Thúy, 2009]. Điều này đúng với nhận định của M.Bakhtin: “Cần phải nghiên cứu văn học và tác phẩm văn học như những hệ thống chỉnh thể ở hai cấp liên đới. Hệ thống chỉnh thể của tác phẩm gia nhập hệ thống chỉnh thể của văn học; hệ thống chỉnh thể của văn học, đến lượt nó, lại gia nhập hệ thống chỉnh thể của văn hóa… [Phạm Vĩnh Cư, 2004,  tr.182].

     Khi văn học là một thành tố của hệ thống văn hóa thì khung văn hóa chính là khung nghiên cứu văn học. Văn học với tính cách là một yếu tố của hệ thống văn hóa thì phải chịu sự chi phối hoặc sự quy định của văn hóa. Phê bình văn học dù một tác phẩm, tác giả hay một trào lưu đều phải tìm hiểu trước tiên hệ thống văn hóa mà tác phẩm, tác giả hay trào lưu ấy thuộc vào.

     Văn hóa có nội hàm vô cùng phong phú. Tuy nhiên, sẽ có một một lĩnh vực, một thành tố nào đó ảnh hưởng đậm nét và tổng thể hơn tới một tác phẩm văn học. Vì vậy, khi khai thác những giá trị văn hóa trầm tích trong những tác phẩm văn học cần chú ý hơn tới những thành tố, lĩnh vực này. Chẳng hạn khi nghiên cứu thần thoại, sử thi, thơ sùng tín Ấn Độ nên khai thác những ảnh hưởng của Hindu giáo. Tìm hiểu thơ R.Tagore cần chú ý tính chất đối thoại với các tư tưởng, giáo lí Hindu giáo. Thần thoại Nhật Bản thể hiện tinh thần Thần đạo trong khi Truyện Genji của Murasaki chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo. Nghiên cứu, giảng dạy thơ haiku không thể không tìm hiểu những dấu vết của Thiền tông. Dạy học thơ văn Trung Quốc, nhất là thời cổ trung đại cần thiết tiếp cận từ Nho, Phật, Đạo. Dạy văn học phương Tây hết sức chú ý tới các yếu tố của Cơ Đốc giáo…  

3. Nghiên cứu và giảng dạy tác phẩm văn học nước ngoài theo thể loại gắn với đặc trưng văn hóa mỗi dân tộc như thế nào?

      Trước hết, người dạy cần giúp người học xác định chính xác tác phẩm văn học đó thuộc loại hình và thể loại nào. Từ đó, người dạy cần hướng dẫn người học tìm hiểu những kiến thức về đặc trưng quy phạm thể loại gọi là kiến thức nền. Chẳng hạn với loại thơ trữ tình cần hướng dẫn người học tìm hiểu những yếu tố như khổ thơ, dòng thơ, vần điệu, nhịp điệu, thanh điệu, tứ thơ, nhân vật trữ tình, mạch cảm xúc, hình ảnh thơ, các thủ pháp nghệ thuật, bút pháp… Với kịch, người học cần trang bị kiến thức về xung đột kịch, tình huống kịch, hành động, lời nói, những chỉ dẫn sân khấu… Với loại tự sự, cần giúp người học hiểu thế nào là người kể chuyện, ngôi kể, tình huống truyện, hình tượng nhân vật, không gian – thời gian nghệ thuật, sự kiện, kết cấu, diễn biến tâm lí, dòng ý thức…

     Trong mỗi thể loại, người học cũng cần trang bị những hiểu biết về quy phạm thể loại. Chẳng hạn, khác với thần thoại phản ánh thời kì con người đương đầu với “kẻ thù bốn chân”, sử thi là câu chuyện về thời kì chiến tranh giữa các thành bang khi con người phải chiến đấu chống “kẻ thù hai chân”. Mối quan tâm của sử thi, khác tiểu thuyết, không phải là những số phận cá nhân mà là những vấn đề có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc ở buổi bình minh lịch sử. Sử thi bao giờ cũng được xây dựng dựa trên cơ sở một xung đột chủ yếu về mặt vật chất (tranh giành đất đai, của cải, quyền lực, phụ nữ…) và xung đột này thể hiện thành những cuộc chiến tranh đẫm máu. Nhân vật trung tâm của sử thi là những người anh hùng lí tưởng tiêu biểu cho sức mạnh thể chất và tinh thần của cộng đồng. Họ được khắc họa qua ngôn ngữ và hành động chứ chưa được chú ý miêu tả thế giới nội tâm hay tâm lí. Đó là những nhân vật “nguyên khối”, “nguyên phiến”. Không gian sử thi thường là không gian chiến trường – sân khấu hoành tráng cho tầng tầng lớp lớp anh hùng phô trương sức mạnh, tài năng, trí thông minh và lòng dũng cảm. Thời gian sử thi thường ngắn, tập trung vào thời điểm có độ căng của cuộc sống khi xung đột gay gắt nhất, chiến tranh căng thẳng nhất để người anh hùng thăng hoa, làm hiện lộ mọi khí chất anh hùng… Về kết cấu sự kiện, sử thi thường chỉ xoay quanh một cuộc chiến tranh và thường kết thúc khi kẻ thù trên chiến trường của người anh hùng trung tâm tử trận…

     Trên cơ sở kiến thức về quy phạm thể loại, người học cần đối chiếu vào tác phẩm, xác định những đặc trưng thể loại của tác phẩm đó và những yếu tố sáng tạo, phá vỡ quy phạm thể loại mang đặc trưng văn hóa dân tộc. Muốn vậy, người học lại cần trang bị những kiến thức nền về văn hóa dân tộc thuộc thời đại đã sản sinh ra tác phẩm đó. Những kiến thức này sẽ giúp người học phân tách được những yếu tố văn hóa đã tạo ra những độc đáo, đặc sắc của các sáng tác cùng thể loại ở các dân tộc khác nhau. Chúng tôi lấy ví dụ về sử thi Ấn Độ. Các bộ Mahabharata Ramayana đều mang trong mình những đặc điểm của sử thi như bốn quy tắc mà Hegel đã nêu ra trong Mĩ học: tính khái quát – tính xung đột – tính giáo huấn – nhân vật lí tưởng; cũng như mang những đặc điểm của sử thi mà M. Bakhtin đã nêu trong Lí luận về thi pháp tiểu thuyết: nguồn gốc sử thi là truyền thuyết dân tộc, khoảng cách sử thi... Tuy nhiên, quy phạm thể loại lại ngấm ngầm bị phá vỡ ngay trong nội hàm chính các quy tắc ấy. Về xung đột, thay vì xung đột về vật chất như sử thi Hi Lạp, các sử thi Ấn Độ lại thể hiện những xung đột về đạo đức, tinh thần. Đó là xung đột giữa đạo lí (dharma) – vị tha, yêu thương, sẵn sàng hi sinh hạnh phúc cá nhân vì lợi ích cộng đồng và phi đạo (adharma) – vị kỉ, tham lam, sân hận, vì quyền lợi cá nhân mà chà đạp lên bổn phận. Dẫn đến, thay vì không phân tuyến nhân vật như trong sử thi Hi Lạp, sử thi Ấn Độ lại phân thành hai tuyến chính diện và phản diện biểu tượng cho dharma và adharma. Nhân vật lí tưởng trong sử thi Hi Lạp thiên về vẻ đẹp thể chất. Nếu Akhille biểu tượng cho tài năng, sức mạnh và dũng cảm, Uylisse lại tượng trưng cho trí tuệ, tình yêu quê hương và lòng chung thủy thì người anh hùng Ấn Độ lại mang vẻ đẹp lí tưởng thiên về đạo đức tâm linh. Họ đẹp bởi họ vị tha, bao dung, sẵn sàng hi sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích cộng đồng, trung thành tuyệt đối với bổn phận dharma đến mức được tôn thờ như là “biểu tượng của dharma”, như là hiện thân của thần Bảo Tồn Vishnu. Đây là cơ sở để hiểu đúng về hình tượng nhân vật Rama trong đoạn trích Rama buộc tội thuộc sử thi Ramayana. Trong đoạn trích đó, Rama đã hi sinh hạnh phúc cá nhân vì quyền lợi cộng đồng. Chàng buộc phải nói những lời tàn nhẫn trái với lòng mình để buộc Xita nhảy vào dàn hỏa thiêu chứng minh cho sự trong sạch của mình, giải tỏa nghi ngờ của dân chúng về sự ô uế của nàng. Có như vậy, Rama mới có thể trở thành vị vua mẫu mực, hoàn thành bổn phận cai trị vương quốc của một trang Kshatriya chân chính. Khi thần Lửa trao Xita cho Rama và khẳng định nàng không mảy may phạm tội, Rama vui mừng đón nhận Xita còn dân chúng vui mừng ca tụng Rama như ca tụng một chiến công chàng vừa lập được. Đó là chiến công chiến thắng phần vị kỉ trong mỗi con người. Và theo quan niệm Ấn Độ, đây mới là chiến thắng vinh quang nhất bởi trong Kinh Pháp cú, Phật có dạy: “Chiến thắng hàng ngàn người, hàng ngàn lần trên chiến trường chẳng bằng người tự thắng. Người tự thắng là người vinh quang nhất” [Thích Thiện Siêu, 1993, tr. 322]. Trong thực tế, Rama được nhân dân Ấn Độ coi là hình mẫu anh hùng lí tưởng, được tôn thờ như là “hiện thân của dharma”. Không gian trong sử thi Ấn Độ mở ra ba cõi: thiên giới – trần giới – địa giới, rộng hơn rất nhiều so với sử thi Hi Lạp chỉ giới hạn ở không gian chiến trường (Iliatt) hay biển cả (Odissey). Bởi nếu Homer chú tâm chỉ tái hiện không gian chiến trường để ca ngợi phẩm chất anh hùng trên chiến trường thì Vyasa và Valmiki chủ trương mở rộng không gian ba cõi để khắc họa quá trình sống như một quá trình vượt thoát cái cá nhân, rời bỏ địa giới với tâm ma của yêu quỷ, trần giới của phàm nhân để bước lên cao mãi trên những nấc thang tâm linh, đặt chân đến xứ sở thánh thiện của thần linh của những người anh hùng. Thời gian nghệ thuật trong sử thi Hi Lạp ngắn hơn rất nhiều so với sử thi Ấn Độ. Thời gian tự sự trong sử thi Ấn Độ mở ra toàn bộ cuộc đời nhân vật và thậm chí tới cả kiếp trước và kiếp sau. Nhân vật trải nghiệm một “đời sống toàn diện” [Lê Xuân Khoa, 1965, tr. 20] để đấu tranh với phần vị kỉ trong chính tâm hồn mình, để thức ngộ về giá trị của vị tha và giải thoát. Chiến tranh trong sử thi Ấn Độ, vì thế, không chỉ có nghĩa là cuộc chiến chống lại kẻ thù trên chiến trường mà còn là cuộc chiến chống kẻ thù vị kỉ trong chính tâm hồn mình – cuộc chiến diễn ra mọi nơi, mọi lúc trong suốt cuộc đời. Tất cả những đặc điểm phá vỡ quy phạm thể loại của sử thi Ấn Độ đều được quy định bởi giáo lí của đạo Hindu. Thậm chí, trong thực tế, các sử thi được coi là các dharmasastra tức sách dạy về bổn phận dharma cho đẳng cấp Kshatryia – đẳng cấp vua chúa, chiến binh – tức là kinh điển của đạo Hindu. Vì vậy, nếu không tiếp cận nghiên cứu và dạy học sử thi Ấn Độ từ Hindu giáo thì sẽ bỏ qua phần uyên áo nhất, sâu sắc nhất của tác phẩm. Cũng có thể nói như vậy với các tác phẩm văn chương khác.

      Tóm lại, nghiên cứu và giảng dạy tác phẩm văn học nước ngoài theo thể loại gắn với đặc trưng văn hóa dân tộc là hết sức cần thiết. Hướng tiếp cận này vừa đúng với bản chất của văn học vừa đáp ứng được những mục tiêu giáo dục của UNESCO cũng như những yêu cầu đổi mới giáo dục rất bức thiết của nước ta hiện nay. Hướng tiếp cận này giúp người học trau dồi kiến thức, kĩ năng để hiểu biết, để làm việc, để cùng nhau chung sống hạnh phúc; và từ đó để trưởng thành. Tuy nhiên, việc triển khai cụ thể, chi tiết trong mỗi bài học, giờ học là công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, nhiệt huyết của người dạy và sự đam mê của người học. Và đây cũng chính là khoảng trống khoa học đòi hỏi mỗi người dạy và người học nỗ lực tự làm đầy.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Aristote (2007), Nghệ thuật thơ ca, NXB Lao động, Hà Nội.

Phạm Vĩnh Cư (2004)Sáng tạo và giao lưu, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.

Hegel (2005), Mĩ học, người dịch Phan Ngọc, NXB Văn học, Hà Nội.

Lê Xuân Khoa (1965), Nhập môn triết học Ấn Độ, Quốc gia Giáo dục Sài Gòn.

Thích Thiện Siêu (1993), Kinh Pháp cú, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Hà Nội.

Trần Đình Sử (2017), Dẫn luận thi pháp học văn học, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ, Văn hóa là gì? https://nhantu.net

Đỗ Lai Thúy (2009), Tiếp cận văn học từ hệ thống văn hóa, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 305, tháng 11-2009.

UNESCO (2016), Giáo dục – Kho tàng tiềm ẩn, https://cvdvn.net/2016/03/27.

 

Post by: admin
29-07-2021