Mở đầu
Cuối năm 1955, tức là khi cuộc vận động cải cách ruộng đất (CCRD) tại miền Bắc Việt Nam vẫn đang trong quá trình tiến hành, một cuộc triển lãm về CCRD đã được tổ chức tại Hà Nội. Theo dự định ban đầu của ban tổ chức, thời gian triển lãm là tháng 9 và 10, khung giờ mở cửa mỗi ngày từ 9h đến 21h. Tuy nhiên, sau đó vì lượng người đến xem triển lãm quá đông nên thời gian đã được kéo dài sang cả tháng 11, và khung giờ mở cửa được sửa thành 8h đến 21h20. Trong vòng ba tháng, triển lãm đã thu hút được 42 vạn lượt người xem – vượt gấp nhiều lần lượng người đến xem hai cuộc triển lãm về kinh tế và mỹ thuật được tổ chức cùng thời gian đó[i]. Điều này cho thấy, ngay chính trong thời điểm đang diễn ra, thì CCRD đã không đơn thuần chỉ là chuyện của “nông dân” và “nông thôn”, mà là tâm điểm chú ý của toàn xã hội.
Sáu mươi năm sau, ngày 8 tháng 9 năm 2014, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam ở Hà Nội, một cuộc triển lãm lần thứ hai với chủ đề “Cải cách ruộng đất 1946 – 1957” đã khai mạc. Có thể thấy, sau CCRD gần 60 năm, đây là lần đầu tiên có một cuộc triển lãm mang tính chất chuyên đề. Mức độ chú ý của toàn xã hội nói chung và giới truyền thông nói riêng với sự kiện này cao như thế nào, thiết tưởng là điều không khó hình dung. Tuy nhiên, ngay sau khi triển lãm được mở cửa, trên các trang mạng, đặc biệt là các mạng xã hội, dư luận đã lập tức đưa ra nhiều ý kiến phản hồi theo hướng phê phán. Theo đó, nội dung triển lãm quá đơn giản và phiến diện, quá chú trọng vào chủ đề thứ nhất (Tình hình nông thôn Việt Nam trước CCRD) và thứ hai (Thành tựu của CCRD) mà không có sự đầu tư thích đáng vào chủ đề thứ ba (Sai lầm và sửa sai của CCRD). Ngày 11 tháng 9, đơn vị tổ chức đưa ra thông báo: do phòng trưng bày chuyên đề gặp sự cố điện nên triển lãm phải đóng cửa. Cuộc triển lãm chính thức đầu tiên về CCRD sau sáu năm mươi diễn ra như vậy, đương nhiên rất khó có thể nói là thành công. Liên quan đến sự kiện này đã có nhiều ý kiến trái ngược. Tuy nhiên, đó không phải là trọng tâm của bài viết.
Tôi muốn thuật lại hai sự kiện – hai cuộc triển lãm này để nói hai điều: Thứ nhất, đã 60 năm qua đi từ khi cuộc CCRD được phát động tại miền Bắc Việt Nam, song xung quanh sự kiện lịch sử này vẫn còn tồn tại các cách đánh giá rất khác nhau. Và do vậy, nó vẫn mời gọi các ngành nghiên cứu khác nhau ngoài ngành lịch sử, như xã hội học, văn hóa học, kinh tế học, văn học…Thứ hai, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự kiện triển lãm năm 2014, có lẽ nguyên nhân sâu xa nhất không phải nằm ở sự phiến diện về nội dung hay độ tin cậy của các vật phẩm trưng bày, mà ở chỗ cuộc triển lãm thiếu những “câu chuyện” có thể khiến người xem tiếp nhận được. Với một giai đoạn lịch sử kéo dài năm năm (bốn năm tiến hành cải cách và một năm sửa sai), có ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống thường nhật của nhiều thế hệ người Việt Nam, lẽ tất nhiên người xem có quyền mong đợi những “câu chuyện” được tái hiện sinh động và thuyết phục hơn là cái khung “thành tựu và hạn chế”, “sai lầm và sửa sai”. Nhìn lại lịch sử, phản tư lịch sử không thể và không nên tách rời việc kể lại những “câu chuyện”. Mà từ góc độ “kể chuyện”, văn học vẫn được coi là có ưu thế hơn các lĩnh vực khác.
Xuất phát từ suy nghĩ trên, bài viết muốn bàn đến vấn đề phản tư lịch sử và phản tư con người trong văn học viết về cải cách ruộng đất Việt Nam từ sự tham chiếu với trào lưu phản tư trong văn học đương đại Trung Quốc. Những điểm tương đồng giữa lịch sử hiện đương đại của hai nước (bao gồm cả cuộc vận động “thổ cải” tại Trung Quốc và phong trào CCRD ở miền Bắc Việt Nam), và việc văn học đương đại Trung Quốc được dịch thuật, tiếp nhận tại Việt Nam cũng là những tiền đề của bài viết.
Trào lưu phản tư trong văn học Trung Quốc
Văn học phản tư là một hiện tượng, một trào lưu văn học xuất hiện trên văn đàn Trung Quốc vào nửa đầu những năm 80 của thế kỉ XX. "Phản tư" (reflection) vốn là một thuật ngữ triết học bao hàm nhiều tầng ý nghĩa như hồi tưởng, suy xét, phản tỉnh, hoài nghi, đánh giá lại ... những sự kiện trong quá khứ, những kết luận đã được công nhận. Như vậy, nhìn từ góc độ triết học, phản tư là một hoạt động tinh thần tất yếu của loài người. Trong lịch sử văn học đương đại Trung Quốc, "phản tư" mang một ý nghĩa đặc thù: nhìn lại, suy nghĩ lại sự thực lịch sử xoay quanh thời kì Đại cách mạng văn hóa và cả những thời kì trước đó, từ đó đi sâu tìm tòi cội nguồn sâu xa của các vấn đề hiện thực trên các phương diện như hình thái ý thức, quốc dân tính v...v..., xem xét vị trí của con người trong mối quan hệ với tự nhiên và lịch sử, đánh giá lại mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng.
Với tư cách là một trào lưu văn học, văn học phản tư được coi là một sự tiếp nối của dòng văn học vết thương[ii]. "Tiếp nối" không chỉ thể hiện sự xuất hiện trước - sau của hai dòng văn học mà còn cho thấy mối quan hệ đặc thù của hai dòng văn học này: văn học vết thương là nguồn gốc của văn học phản tư, còn văn học phản tư là sự kế thừa, phát triển và sâu sắc hóa của văn học vết thương. "Sâu sắc hóa" ở đây chính là "sự vượt qua những thổ lộ theo kiểu tình cảm mang tính chất vạch trần, tố cáo, đưa vào những thành phần mang tính phân tích lí tính, suy ngẫm xem xét"[iii], hay có thể nói, "văn học vết thương là giai đoạn cảm tính, là cơ sở về mặt tình cảm của văn học phản tư, còn văn học phản tư là sự sinh thành chuyển hóa, sự phát triển về mặt lí tính của văn học vết thương"[iv]. Nói một cách cụ thể, văn học phản tư không chỉ dừng lại ở việc miêu tả, hồi tưởng những đau khổ, bi kịch trong quá khứ hay do quá khứ gây ra mà còn mang khát vọng đi sâu truy tìm căn nguyên lịch sử của những đau khổ, bi kịch đó. Và chính một phần bởi thế nên văn học phản tư không chỉ giới hạn phạm vi đề tài trong hiện thực lịch sử của mười năm động loạn mà còn mở rộng ra cả giai đoạn trước Đại cách mạng văn hóa, thậm chí cả những thời kì lịch sử xa xưa hơn.
Đương nhiên, những thay đổi nói trên của văn học không thể tách rời những tiền đề về mặt lịch sử - xã hội Trung Quốc đương thời. Xã hội dường như bắt đầu công cuộc "hồi sinh" sau một thời kì lịch sử đen tối và đau đớn. Đại hội đại biểu trung ương lần thứ 11 vào tháng 8 năm 1977 tại Bắc Kinh chính thức tuyên bố kết thúc mười năm Đại cách mạng văn hóa, mở ra cái gọi là "thời kì mới" ("tân thời kì") của xã hội Trung Quốc. Toàn xã hội chuyển sang lấy mục tiêu hiện đại hóa, xây dựng đất nước làm đầu. Văn học cũng dần dần thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của "văn học cách mạng văn hóa", tích cực chuyển mình tìm hướng đi mới, trước hết là về nội dung tác phẩm, sau đó là đến hình thức nghệ thuật. Nền văn học sau cách mạng văn hóa được biết đến dưới tên gọi "văn học thời kì mới"[v]. Thời kì đầu những năm 80, văn học từ lí luận đến sáng tác đều có liên quan đến việc nhìn lại và phê phán Đại cách mạng văn hóa. Chính trong bối cảnh đó mà văn học phản tư có cơ hội xuất hiện và tỏa sáng, cho ra đời những tác phẩm có tiếng vang lớn trong xã hội. Như vậy, có thể nói văn học phản tư trước hết là sự phản tư lịch sử, nhưng đồng thời đó cũng là sự phản tư văn học về nhiều mặt mà rõ nét nhất có lẽ là sự tự ý thức về vai trò của tác giả và chức năng “chân chính” của văn học.
Tôi nghĩ rằng, cho dù xem xét văn học phản tư dưới lăng kính nào, thì trước hết vẫn phải đặt nó vào bối cảnh “văn học Trung Quốc những năm 80”[vi]. Đó là một thời kì văn học gắn liền với công cuộc “cải cách mở cửa”, sự ra đời của nó song hành với khuynh hướng hoài nghi và phủ định những thành quả của “mười bảy năm văn học” (chỉ văn học trong khoảng thời gian từ năm 1949 – năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đến năm 1966 – năm bắt đầu cuộc Đại cách mạng văn hóa) và “văn học Đại cách mạng văn hóa” (chỉ văn học trong mười năm Trung Quốc tiến hành Đại cách mạng văn hóa). Vì vậy, xét từ một góc độ nào đó, có thể nói rằng quá trình hoài nghi, phủ định, phản tư… cũng chính là quá trình “văn học những năm 80” thành hình và phát triển. Nhìn sâu hơn một chút, trong cái “khung” văn học những năm 80, văn học phản tư thuộc về bộ phận văn học trước năm 1985. Quan niệm văn học sử phổ biến cho rằng, trước năm 1985, văn học đương đại Trung Quốc chủ yếu được cấu thành bởi các trào lưu “văn học vết thương”, “văn học phản tư” và “văn học cải cách”, sau năm 1985, địa vị chủ lưu của các trào lưu văn học kể trên đã bị thay thế bởi sự phát triển mạnh mẽ của “tiểu thuyết tầm căn”, “tiểu thuyết tiên phong”, “kịch nói tiên phong”, “thơ ca của thế hệ thứ ba” và “tiểu thuyết tân tả thực”. Tiêu chí để chia tách văn học những năm 80 thành hai giai đoạn là: trước năm 1985, các trào lưu văn học đều đi theo hướng tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề chính trị, xã hội, lịch sử của đất nước, còn sau năm 1985, các trào lưu văn học hướng sự chú ý nhiều hơn đến tính tự do, tự chủ của bản thân văn học, và vì thế, được cho là tiến đến gần hơn với bức tranh toàn cảnh của văn học thế giới[vii].
"Phản tư" trong "văn học phản tư" có thể được nhìn và lí giải từ những góc độ khác nhau, trên những phương diện khác nhau. Tuy nhiên, nhắc đến văn học phản tư Trung Quốc, chắn hẳn không ít người liên tưởng ngay đến phản tư lịch sử. "Phản tư" trong văn học, xét từ bản chất, gắn liền với sự nhìn lại lịch sử, viết lại lịch sử, thậm chí từ một góc độ nào đó, có thể nói rằng sự xuất hiện, mức độ và hình thức của yếu tố "lịch sử" trong "phản tư" quyết định sự hiện diện và độ sâu sắc của nhân tố "phản tư" trong văn học. Điều này có vẻ hoàn toàn phù hợp với bối cảnh của văn học phản tư Trung Quốc. Trào lưu văn học phản tư, mà sự ra đời, diễn tiến và thoái trào vẫn được coi là nằm chủ yếu trong giai đoạn từ đầu những năm 80 đến giữa những năm 80 vốn có mối quan hệ không thể tách rời với phản tư lịch sử. Mối quan hệ đặc thù này có thể được lý giải từ nhiều khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất, văn học thời kỳ mới của Trung Quốc nảy nở trên cái nền hoang tàn hiu quạnh của văn nghệ sau mười năm lịch sử động loạn, chứa đựng trong nó một bầu nhiệt hứng tưởng chừng vô tận đối với việc phê phán và phản tư Đại cách mạng văn hóa, và phần nhiều các tác giả văn học, vừa thoát khỏi một thời gian dài bị "cải tạo", sẵn mang trong mình nhu cầu nhìn lại, thuật lại quãng thời gian đã trải qua trong tâm thế như thể vừa bừng tỉnh khỏi một cơn ác mộng. Khía cạnh thứ hai, trào lưu văn học phản tư, xuất hiện ngay sau trào lưu văn học vết thương, về cơ bản chưa thể thoát khỏi bầu không khí mang đậm màu sắc “chính trị” của nửa đầu một thập kỷ văn học thời kỳ mới. Phản tư lịch sử trong văn học lúc này hoặc nhiều hoặc ít, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến biến cố chính trị gần nhất: Đại cách mạng văn hóa. Và như một sự đáp trả tất yếu với khuynh hướng cực tả đã tồn tại trong quá khứ một thời gian quá dài, văn học phản tư bộc lộ những yếu tố "hữu khuynh" với nhiều mức độ khác nhau.
Tuy nhiên, bất chấp vai trò "chủ thể" vô cùng rõ ràng của phản tư lịch sử trong văn học phản tư Trung Quốc, chúng ta không thể không thừa nhận rằng nhìn một cách tổng thể, động lực cho sự phát triển và yếu tố cấu thành nên tính chất đặc sắc của văn học phản tư chính là những phản tư về con người. Đây thực ra không phải là điều văn học phản tư chú trọng ngay từ đầu. Những tác phẩm văn học phản tư được chú ý nhất thời kì đầu vẫn đi theo hướng dùng hình tượng "con người" để minh họa cho phản tư về những vấn đề xã hội, chính trị, lịch sử, văn hóa... Song càng về sau, cùng với sự phát triển của dòng văn học này, ngày càng có nhiều hơn những tác phẩm đi sâu phản tư những khía cạnh của "bản thân con người" như nhân tính, giá trị của con người, sinh mệnh của con người... đồng thời, xét từ một phương diện nào đó, xã hội, chính trị, lịch sử, văn hóa lại trở thành hệ quy chiếu để làm rõ hơn những suy ngẫm về con người. Dĩ nhiên, đây cũng chỉ là nhận xét mang tính "khái quát hóa", còn khi soi rọi vào thực tế sáng tác, có thể thấy trong những tác phẩm cụ thể của nhiều tác giả xuất sắc, ranh giới giữa hai xu hướng phản tư lịch sử và phản tư con người khó có thể phân định rạch ròi.
Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, tôi không có điều kiện để đưa ra các ví dụ nhằm minh họa cho nhận định trên một cách có hệ thống. Tuy nhiên, thiết tưởng có thể nhắc đến một trường hợp khá quen thuộc với bạn đọc và giới nghiên cứu Việt Nam: nhà văn Vương Mông[viii]. Khó có thể phủ nhận cái được gọi là sự "phản tư sắc bén" trong hầu hết các tác phẩm của Vương Mông. Song cũng thật khó để có thể đơn giản xếp tác phẩm của ông vào bất cứ một trào lưu văn học nào đã được định danh như "văn học vết thương" hay "văn học phản tư". Tác phẩm của Vương Mông dường như luôn nằm trên ranh giới giữa hai thái cực: một bên là sự minh chứng xuất sắc cho trào lưu văn học hiện thời, một bên là xu hướng tách ra khỏi dòng chủ lưu đó để đi theo con đường của riêng mình. Trong những sáng tác thuộc giai đoạn đầu tiên của nền văn học Trung Quốc thời kỳ mới từ năm 1978 đến năm 1980 như Cái quý giá nhất (năm 1978), Du du thốn thảo tâm, Mắt của đêm (năm 1979), Âm thanh của mùa xuân, Mộng của biển, Con bướm[ix] (năm 1980), Vương Mông đã sớm bộc lộ bản sắc độc đáo của mình trong xu hướng chung nhìn lại và viết lại lịch sử đương thời. "Lịch sử" trong tác phẩm của ông được soi rọi qua trải nghiệm của cá nhân, hơn thế, đó không hẳn là những trải nghiệm thăng trầm mang tính sự kiện mà là những diễn biến sâu kín, tinh tế trong thế giới nội tâm của mỗi cá nhân con người. Trong hành trình đi sâu tìm hiểu thế giới đó, Vương Mông không khi nào ngừng hoài nghi về "tính hợp lý", "tính tất yếu" của lịch sử. Con người và nội tâm của con người trở thành lăng kính soi rọi lịch sử, những thủ pháp kỹ thuật của tiểu thuyết "dòng ý thức" trở thành phương tiện đắc lực cho sự soi rọi trên. Nhưng cũng chính vì sự đi chệch ra khỏi quỹ đạo chung đó mà tác phẩm của Vương Mông trong giai đoạn này không được chú ý đến một cách thích đáng. Và trong khi dường như toàn bộ nền văn học đang hướng sự quan tâm đến chuyện bộc lộ "vết thương" và "phản tư", thì "Ngay lúc đó tính độc đáo trong những chủ đề này - sự phản tư sắc bén - về cơ bản đã bị bỏ qua, bởi rất ít người có đủ tinh thần hoài nghi đó của Vương Mông"[x]. Lẽ dĩ nhiên, đó là câu chuyện của những năm cuối thập kỷ 70 đầu thập kỷ 80. Chỉ vài ba năm sau, những tác phẩm văn học phản tư hướng đến con người xuất hiện ngày càng nhiều, và thậm chí ở một khía cạnh nào đó, còn được coi là một trong những động lực dẫn đến sự ra đời của trào lưu "văn học tầm căn" - cũng có thể coi là một kiểu "phản tư" dưới một hình thức khác. Và bản thân nhà văn nhạy bén Vương Mông lúc này đã kịp một lần nữa chuyển hướng sáng tác, những cách tân về mặt ngôn ngữ trở thành mối quan tâm lớn của các tác phẩm, và nhân vật thì, ít nhất trên bề mặt, dường như đang trở thành một loại ký hiệu "thoát khỏi" lịch sử, "chống lại" lịch sử. Song đó lại là một vấn đề khác, không thuộc phạm vi của bài viết này.
Văn học phản tư Trung Quốc được giới thiệu và dịch thuật ở Việt Nam không quá muộn nhưng cũng không thể coi là sớm, nhất là xét từ quan hệ láng giềng gần gũi về mặt địa lý và truyền thống giao lưu văn hóa, văn học vốn có của hai nước. Điều này một mặt do chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1979 dẫn đến hệ quả là một thời gian dài sau đó (khoảng mười năm) quan hệ giữa hai nước bị ngưng trệ và đương nhiên, những biến động sôi nổi của văn học Trung Quốc đương thời không thể được giới thiệu một cách rộng rãi với bạn đọc Việt Nam. Mặt khác, nguyên nhân nằm ngay trong chính thực trạng xã hội Việt Nam đương thời. Bất chấp những tranh chấp nhất thời, Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều điểm tương đồng về hoàn cảnh xã hội và chính trị. Tuy nhiên, công cuộc đổi mới, cải cách mở cửa của Việt Nam đi sau Trung Quốc hàng chục năm, do vậy, việc những trào lưu văn học, những tác giả, tác phẩm văn học đương đại Trung Quốc phải mất một khoảng thời gian không nhỏ để có thể được dịch thuật và tiếp nhận ở Việt Nam, thiết tưởng cũng là điều tất yếu.
Theo quan sát của tôi, mặc dù trong nền văn học đương đại Việt Nam không có một trào lưu văn học nào chính thức mang tên "văn học phản tư" như trong nền văn học đương đại Trung Quốc, song khuynh hướng "phản tư" xuất hiện ở nhiều tác phẩm thuộc các dòng văn học khác nhau. Trong phần tiếp theo, bài viết sẽ bàn đến khuynh hướng phản tư trong văn học cải cách ruộng đất Việt Nam nhìn từ sự giao thoa giữa hai khía cạnh "phản tư lịch sử" và "phản tư con người".
Phản tư lịch sử và phản tư con người: đề tài cải cách ruộng đất trong văn học hiện đại Việt Nam
Trước hết cần phải khẳng định rằng, bài viết không có tham vọng đưa ra một cái nhìn khái quát, toàn diện về văn học viết về cải cách ruộng đất Việt Nam mà chỉ bàn về một khuynh hướng (phản tư) từ một góc nhìn (mối quan hệ giữa phản tư lịch sử và phản tư con người) trong mối liên tưởng với một nền văn học khác (văn học đương đại Trung Quốc).
Nếu trào lưu phản tư trong văn học đương đại Trung Quốc cần được lý giải trong bối cảnh “văn học Trung Quốc những năm 1980” gắn liền với công cuộc Cải cách Mở cửa (nguyên văn là “cải cách khai phóng”) được tiến hành sau khi Đại cách mạng văn hóa kết thúc vào năm 1976, thì khuynh hướng phản tư trong văn học Việt Nam cũng không thể tách rời công cuộc Đổi mới được chính thức tiến hành vào năm 1986. Đổi mới trên mọi mặt của đời sống xã hội là tiền đề cho sự đổi mới văn học – một sự đổi mới mà giới nghiên cứu văn học Việt Nam vẫn thống nhất rằng hai đặc trưng cơ bản nhất là xu hướng cá nhân hóa tự sự lịch sử và cách tân kỹ thuật tự sự[xi]. Toàn bộ quá trình lịch sử Việt Nam từ cuối thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XIX với lớp lớp sự kiện trở thành nguồn đề tài vô tận cho văn học. Là một phần của lịch sử hiện đại, CCRD ở miền Bắc Việt Nam trong những năm 1953 – 1957 cũng trở thành đối tượng “phản tư” của các tác phẩm văn học Đổi mới. Bên cạnh đó, một số tác giả lựa chọn giai đoạn lịch sử vốn chứa đựng nhiều “kịch tính” này để tiến hành những thể nghiệm cách tân về mặt kỹ thuật tự sự. Xuất bản năm 1988 bởi NXB Phụ nữ, tiểu thuyết Thiên đường mù của Dương Thu Hương đã kể lại câu chuyện cuộc đời của nhân vật “mẹ tôi”. Mặc dù tác giả chỉ đề cập đến sự kiện CCRD trong dung lượng vài trang tác phẩm, song đã thể hiện rõ nét tính chất quyết định của sự kiện này đối với những biến động trong cuộc đời nhân vật chính. Chồng của “mẹ tôi” bị quy là địa chủ, em trai của “mẹ tôi” lại là đội trưởng đội cải cách. Kết quả là, khi đội cải cách về làng, “mẹ tôi” mất chồng (ông ta phải bỏ trốn), khi đội sửa sai về làng, “mẹ tôi” mất cả quê hương (vì em trai lúc đó bị dân làng coi như kẻ thù nên “mẹ tôi” đành rời bỏ làng quê, chuyển lên thành phố sống). Xuất bản năm 1989, truyện ngắn Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh kể lại lịch sử từ một câu chuyện tình yêu. Hai nhân vật chính trong câu chuyện tình yêu đó là thế hệ sau trong hai gia đình thành phần đối lập, từng có oán thù trong thời kỳ CCRD. Những oán thù tích tụ trong quá khứ đó đã biến câu chuyện tình yêu của họ thành một tấn bi kịch. Năm 1990, nhà văn Nguyễn Khắc Trường cho ra mắt tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma (NXB Hội nhà văn), trong đó tác giả sử dụng câu chuyện về hai gia tộc đối nghịch là nhà họ Vũ và nhà họ Trịnh để tái hiện lại cuộc sống nông thôn Việt Nam. Nhân vật chính – phản diện Vũ Đình Phúc, trưởng họ Vũ Đình, đã lợi dụng cơ hội trong giai đoạn CCRD, đấu tố chính cha đẻ và các em, từ đó mà giành được quyền lực và địa vị. Cũng xuất bản vào năm 1990, tiểu thuyết Ác mộng (NXB Lao động) của Ngô Ngọc Bội có thể được coi là tiểu thuyết đầu tiên của nền văn học Đổi mới lấy CCRD làm đề tài chính. Tác giả Ngô Ngọc Bội từng trực tiếp tham gia vào đội cải cách trong thời kỳ đó. Trong tác phẩm này, đúng như nhan đề, ông đã nhìn lại cuộc CCRD bằng con mắt của “người trong cuộc” và so sánh nó như một cơn “ác mộng”. Nhân vật nam chính trong truyện xuất thân từ một gia đình trung nông có truyền thống cách mạng. Bản thân anh cũng sớm gia nhập Đảng cộng sản và trở thành cán bộ cách mạng. Trước khi xảy ra CCRD, anh kết hôn với một cô gái cùng làng, sinh con, cuộc sống trôi qua trong yên bình. Khi cuộc vận động CCRD đến làng, gia đình vợ anh bị quy là địa chủ, còn chính anh thì bị điều sang một địa phương khác làm cán bộ đội cải cách. Một chuỗi các sự việc vừa hoang đường vừa bi thương nối tiếp nhau xảy ra ở làng quê vốn dĩ rất an bình trước CCRD. Cho đến khi sửa sai xong, mọi người như chợt bừng tỉnh khỏi một cơn ác mộng kéo dài mấy năm trời…
Các tác phẩm nói trên được xuất bản trong khoảng thời gian vài năm sau khi Đổi mới chính thức bắt đầu, cũng tức là giai đoạn thường được gọi là “cởi trói” trong giới văn nghệ. Phản tư CCRD với tư cách là một sự kiện lịch sử vừa mới diễn ra cách đó không lâu thường nghiêng về sắc thái miêu tả và tố cáo, và được xác lập trên cơ sở góc nhìn/quan điểm của một nhân vật nào đó. Xu hướng phản tư CCRD giai đoạn này không thể tách rời với xu hướng cá nhân hóa trong văn học đương thời. Các tác giả thường dựa trên mối quan hệ mang tính xung đột giữa cá nhân và cộng đồng, cá nhân và quốc gia, cá nhân và lịch sử để thuật lại CCRD. Do vậy, có thể nhận thấy mô thức phổ biến nhất là câu chuyện tình yêu – gia đình được sử dụng như cốt truyện xuyên suốt. Sự kiện CCRD thường được phản tư dưới góc độ những ảnh hưởng mà nó gây ra cho cuộc sống của những con người – cá nhân. Câu chuyện tình yêu – gia đình vốn dĩ thuộc về những tầng bậc cơ bản nhất trong cuộc sống thường nhật của con người bình thường, đồng thời cũng là vùng mà các văn kiện chính trị hay tài liệu lịch sử, cho dù có chi tiết đến đâu, cũng khó lòng chạm tới được. Đây chính là một điểm mạnh của văn học trong việc “kể câu chuyện lịch sử” mà phần trên bài viết đã nhắc tới.
Từ khoảng những năm 2000 trở về sau, xuất hiện một số tiểu thuyết dung lượng lớn (6-700 trang) với đề tài là lịch sử Việt Nam hiện đương đại, bao gồm cả thời kỳ CCRD, trong đó có Cuồng phong của Nguyễn Phan Hách (NXB Hội nhà văn, 2008), Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường (NXB Lao động, 2008), và Biết đâu địa ngục thiên đường của Nguyễn Khắc Phê (NXB Phụ nữ, 2010)[xii]. Các tiểu thuyết này thường bao quát một khoảng thời gian lịch sử rất dài: từ thời phong kiến mạt kỳ đến khi Pháp chiếm Việt Nam làm thuộc địa, từ cách mạng tháng Tám năm 1945 đến kháng chiến chống Pháp 1945 – 1954, từ khi Bắc Nam chia cắt hai miền đến năm 1975 kháng chiến chống Mỹ thành công và Bắc Nam thống nhất, từ kiến thiết đất nước năm 1975 đến Đổi mới năm 1986, cho đến cuộc sống đương đại trong nền kinh tế thị trường và thời đại toàn cầu hóa. Không gian hoạt động của các nhân vật cũng được tạo lập theo hướng mở rộng: thường khởi đầu từ bối cảnh một làng quê miền Bắc Việt Nam, rồi mở rộng ra đến các không gian khác như thành thị, miền Nam Việt Nam, Liên Xô, Mỹ…
Lùi xa khỏi sự kiện lịch sử một khoảng cách tầm nửa thế kỷ, những phản tư của văn học đối với CCRD cũng có nhiều thay đổi. CCRD lúc này được đặt vào trong chiều kích lịch sử rộng lớn hơn cả về không gian lẫn thời gian, được lý giải trong mối quan hệ với các sự kiện lịch sử khác, và được đánh giá trên cơ sở quan điểm của mỗi tác giả về đại lịch sử - lịch sử Việt Nam hiện đại. Nếu như các tác phẩm ngay sau giai đoạn Đổi mới mà bài viết đã đề cập đến ở phần trên thường lựa chọn một câu chuyện tình yêu – gia đình làm đầu mối triển khai cốt truyện, thì với những tác phẩm giai đoạn này, mô thức phổ biến được sử dụng lại là mối quan hệ giữa lịch sử của gia tộc với lịch sử của dân tộc.
Trong toàn bộ tiến trình lịch sử được các tác phẩm tái hiện lại, sự kiện CCRD thường được miêu tả như một thời khắc điên rồ, hỗn loạn và khó lý giải của lịch sử. Sự điên rồ, hỗn loạn, khó lý giải này toát ra ngay từ cái cách nó xuất hiện. Không giống với nhiều sự kiện khác, CCRD thường được miêu tả như một thứ “từ bên ngoài” xâm nhập vào cuộc sống của các nhân vật. CCRD hơn một lần được ví như một làn gió lạ, hoặc từ bên trên (“trung ương”, “chính phủ”), hoặc từ nơi khác (tỉnh khác, xã khác, làng khác) thổi vào “làng này”, “xã này”. Do vậy, trước khi CCRD được tiến hành, các nhân vật thường thông qua hình thức “nghe nói”, “nghe đồn” để tạo nên những hình dung về nó. Nhưng rốt cuộc không có sự tưởng tượng nào trùng khớp với thực tế cả. Do vậy, khi CCRD xâm nhập vào cuộc sống của cộng đồng, toàn bộ thế giới trở nên điên đảo: “Chỉ trong một ngày, “ngọn gió” cải cách thổi mà Bút Nam biến thành một thế giới khác. Những con người, vẫn mặt mũi chân tay cũ, mà đã khác hoàn toàn về ý nghĩ. Mọi sự đảo ngược lại, đầu xuống đất, chân chổng lên trời…”[xiii]. Tác giả Thời của thánh thần còn sử dụng cách so sánh: “Cuộc cải cách ruộng đất như cơn bão đen, phá tan tành Nguyễn Kỳ Viên.”[xiv], đến nỗi ngay cả khi nó đã qua đi thì “Như sau một cơn đại hồng thủy, một trận động đất, hoặc một cơn bão khủng khiếp cấp mười ba, đã hơn hai năm rồi mà làng Động vẫn xơ xác tiêu điều.”[xv] Còn tác giả Biết đầu địa ngục thiên đường thì sử dụng cái nhìn mang tính chất hồi tưởng của Tâm – cậu con trai nhỏ trong gia đình – để tái hiện lại “biến cố” CCRD: “Ôi chao! Ngày vui ngắn chẳng tày gang! Cái cảnh tượng hãi hùng mà gia đình anh chờ đợi sau ngày cách mạng tưởng đã không xảy ra. Nào ngờ…”[xvi] Được miêu tả như một cơn gió từ bên ngoài thổi vào cuộc sống của cộng đồng, nên hết thảy các nhân vật trong sự kiện lịch sử này đều không có khả năng ý thức/lý giải được điều đang làm đảo lộn cuộc sống của họ. Người giàu/tầng lớp trên không hiểu tại sao bản thân và gia đình lại bị quy là kẻ thù của nhân dân, bị tước đoạt gia sản và nhân cách, bị làm cho đến mức phải tìm đến cái chết. Người nghèo/tầng lớp dưới không hiểu tại sao mình lại được trao cho thứ quyền lực đáng sợ như vậy, đến mức một lời nói của họ có thể định đoạt số phận và tính mạng của người khác. Còn đa số những người dân bình thường trong cộng đồng thì một mặt không dám giao thiệp với “địa chủ”, mặt khác cũng không muốn hợp tác với “bần cố nông”, họ cố gắng tránh né và nhẫn nại trong vai trò kẻ quan sát, chờ cho “biến cố” qua đi. Và họ đã không phải chờ quá lâu. “Cơn gió” cải cách đến đã nhanh, “cơn gió” sửa sai đến còn nhanh hơn. “Đội sửa sai” lại có mặt, thay thế cho “đội cải cách”. Rồi ngay sau đó là phong trào hợp tác hóa. Nói tóm lại, như tác giả Cuồng phong đã tổng kết: “Năm 1954 giành được chính quyền. 1956 cải cách ruộng đất liền. Có sai, sửa sai cuối năm 1957. Không cho nông thôn “thở” sau sửa sai, 1958 lại lập tức bước vào phong trào “Đổi công” rồi sau đó là “Hợp tác hóa”. Lịch sử chưa bao giờ vận động nhanh như thế, cấp tập như thế.”[xvii] Chính qua sự phản tư này, các tác giả đã phần nào cho thấy sự hoài nghi về tính hợp lý và tính tất yếu của lịch sử, cũng như sự phủ định về khả năng ý thức, lý giải và điều khiển lịch sử của con người.
Như đã nói ở phần trên, các tiểu thuyết này có điểm chung là liên kết lịch sử của gia tộc với lịch sử của dân tộc, hay nói cách khác là tái hiện lịch sử của dân tộc qua lịch sử của một gia tộc cụ thể. Mô thức chung là một gia tộc lớn, có truyền thống lâu đời, đã cùng dân tộc trải qua mọi biến cố lịch sử từ thời mạt kỳ phong kiến cho đến thời kỳ hiện đại. Mang trong mình ý thức dân tộc và lòng yêu nước cao độ, không chịu hợp tác với thực dân Pháp, các thế hệ trước của gia tộc từ quan trở về chốn làng quê, làm nông, dạy học, bốc thuốc…, tạo dựng được uy tín rất cao trong cộng đồng làng xã, thậm chí có thể nói họ là lực lượng nắm giữ tinh hoa truyền thống văn hóa nông thôn Việt Nam. Do vậy, một cách rất tự nhiên, khi cách mạng nổ ra, họ đứng về phía cách mạng, các thế hệ con cháu trong nhà cũng đi theo cách mạng, cùng chiến đấu vì một lý tưởng chung. Kiểu gia tộc như vậy có vẻ như quá đơn giản và lý tưởng, song trên thực tế, đặt trong bối cảnh lịch sử Việt Nam lúc đó, khi quyền lợi của gia tộc và quyền lợi của dân tộc hòa làm một, thì hoàn toàn có thể hình dung được. Đáng chú ý là trong những tiểu thuyết này, các tác giả đều lựa chọn CCRD như mốc đánh dấu quá trình tan rã của gia tộc. Khi người đứng đầu gia tộc bị bắt giữ, hạ nhục, bức tử hay tự sát, gia sản bị tịch thu và phân tán, cũng là khởi đầu cho sự chia rẽ, phân ly của những người trong gia tộc. Tất nhiên sau đó có “sửa sai”. Nhưng cho dù đất đai, tài sản, gia viên và thành phần giai cấp có thể “sửa” được, hoàn nguyên được, thì sự hòa hợp giữa gia tộc và dân tộc, cũng như sự đồng tâm nhất trí được gây dựng trong nhiều thế hệ của các thành viên gia tộc đã vĩnh viễn bị phá vỡ. Sau CCRD, có người tiếp tục ở lại chốn làng quê, có người lên thành phố, có người di cư vào Nam, có người xuất ngoại. Đặc biệt, các tác phẩm đều miêu tả những người thuộc vào thế hệ đang đảm trách vai trò rường cột của gia tộc rơi vào tình trạng anh chị em chia rẽ, bất hòa, nhẹ thì xa cách nhau, nặng thì thù hận, từ bỏ nhau. Mà nguyên nhân chính là suy nghĩ của mỗi người về con đường đi của dân tộc đã rẽ theo nhiều hướng khác nhau, thậm chí đối lập. Sự phân ly này, bất kể là trên phương diện địa lý hay tư tưởng, đều có thể khiến người ta đọc liên tưởng đến sự chia cắt dân tộc trong khoảng thời gian mấy chục năm về sau. Và như thế, “giấc mộng đại đoàn viên dân tộc vỡ tan”[xviii] chính vào cái khoảnh khắc người cha, trụ cột của gia tộc bị đội cải cách dẫn đi, mặc dù lúc đó chưa hề xảy ra bạo lực, cũng chưa ai hình dung được diện mạo thực sự của CCRD sẽ như thế nào.
Có thể thấy, khuynh hướng phản tư trong các tác phẩm nói trên có sự kết hợp chặt chẽ giữa phản tư lịch sử và phản tư con người, và chính trong khi thừa nhận sự nhỏ bé, do dự, bất lực… của con người trước lịch sử, các tác giả đã chạm đến những vấn đề sâu sắc thuộc về nhân tính con người như bản năng sinh tồn, giới hạn của cái ác…, đồng thời cũng gợi mở những vấn đề lớn như mối quan hệ giữa gia tộc và dân tộc trong lịch sử hiện đại của đất nước.
Kết luận
Trở lại với cuộc triển lãm với chủ đề Cải cách ruộng đất vào tháng 9 năm 2014 tại Hà Nội, thiết nghĩ chính cách thức các tác phẩm văn học (mà bài viết đã đề cập) nhìn lại và suy tư về sự kiện lịch sử này có thể được coi như một câu trả lời cho nguyên nhân của sự bất thành của cuộc triển lãm. Một sự kiện lịch sử diễn ra vỏn vẹn trong vài ba năm, đặt trong tiến trình lịch sử hiện đại hơn một thế kỷ của đất nước với biết bao biến động, thật dễ dàng để bị chìm lấp, và càng dễ dàng hơn để bị đơn giản hóa dưới những khái niệm như “thành tựu và hạn chế”, “sai lầm và sửa sai”. Song sự kiện đó, bằng nhiều cách, đã có sức ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài đến cuộc sống của mỗi con người. Do vậy, nhu cầu được “phản tư” của sự kiện CCRD vẫn là bức thiết.
Được gợi ý từ vấn đề “phản tư lịch sử” và “phản tư con người” trong trào lưu phản tư của văn học Trung Quốc, bài viết đã bàn về khuynh hướng phản tư đối với sự kiện CCRD trong một số tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại. Theo đó, với nhóm tác phẩm xuất hiện ngay sau Đổi mới, phản tư CCRD đi đôi với phản tư về con người với tư cách cá nhân, còn với nhóm tác phẩm ra đời sau những năm 2000, phản tư CCRD gắn liền với phản tư về bản chất mối quan hệ giữa con người và lịch sử, được cụ thể hóa qua vấn đề gia tộc và dân tộc trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Tất nhiên, bên cạnh các tác phẩm mà bài viết đề cập đến, còn có những tác phẩm thể hiện khuynh hướng phản tư CCRD theo những cách khác (mà Ba người khác của Tô Hoài là một đại diện). Hy vọng bài viết này sẽ có thể được mở rộng và đào sâu trong một dịp khác.
[i] Theo Đặng Phong (chủ biên): Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945 – 2000, Quyển II: 1955 – 1975, NXB Khoa học xã hội, HN, 2005.
[vii] Có thể tìm thấy những nhận định tương tự về văn học thời kì đổi mới của Việt Nam. Chẳng hạn, trong bài viết Một số vấn đề cơ bản trong nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn từ sau 1975, Nguyễn Văn Long đã chia văn học “từ 1986 trở đi” thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, “từ 1986 đến đầu những năm 90” được nhận diện bởi đặc điểm cơ bản: “đã phát triển mạnh khuynh hướng nhận thức lại hiện thực với cảm hứng phê phán mạnh mẽ trên tinh thần nhân bản”, giai đoạn thứ hai, “từ giữa những năm 90 đến nay”, phân biệt với giai đoạn trước bởi “trong xu thế đi tới sự ổn định của xã hội, văn học về cơ bản cũng trở lại với những quy luật mang tính bình thường…” và “Nếu như trước đó, động lực thúc đẩy văn học đổi mới là nhu cầu đổi mới xã hội và khát vọng dân chủ - đó cũng chính là nội dung cốt lõi của văn học trong chặng đầu đổi mới – thì khoảng mười năm trở lại đây, văn học quan tâm nhiều hơn đến sự đổi mới chính nó…” (In trong Văn học Việt Nam sau 1975 – Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, NXB Giáo dục, 2009).
[ix] Được dịch ở Việt Nam dưới nhan đề Hồ điệp.
[x] Trần Hiểu Minh: Các trào lưu chính trong văn học đương đại Trung Quốc, Bắc Kinh đại học xuất bản xã, 2009. Chương 10: "Văn học vết thương sau "Đại cách mạng văn hóa" và tính phản tư của nó".
[xi] Theo Hoàng Cẩm Giang: Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI: cấu trúc và khuynh hướng, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015, tr.87.
[xii] Trong khoảng thời gian này, có một cuốn tiểu thuyết lấy CCRD làm đề tài là Ba người khác của Tô Hoài (NXB Đà Nẵng, 2006). Vấn đề “phản tư” CCRD trong tác phẩm này, theo tôi, rất độc đáo và vì thế, rất đáng chú ý. Tuy nhiên, do khuôn khổ, bài viết này tạm thời chưa đề cập đến Ba người khác.
[xiii] Nguyễn Phan Hách: Cuồng phong, NXB Hội nhà văn, 2008, tr.169-170.
[xiv] Hoàng Minh Tường: Thời của thánh thần, NXB Lao động, 2008, tr.149.
[xvi] Nguyễn Khắc Phê: Biết đầu địa ngục thiên đường, NXB Phụ nữ, 2010, tr.162-163.
[xvii] Nguyễn Phan Hách: Cuồng phong, NXB Hội nhà văn, 2008, tr.265.
[xviii] Nguyễn Khắc Phê: Biết đầu địa ngục thiên đường, NXB Phụ nữ, 2010, tr.168.