Văn học nước ngoài

TỪ MADOLEN II ĐẾN THƠ PHÚC ÂM CỦA BORIS PASTERNAK QUA GÓC NHÌN LIÊN VĂN BẢN


19-10-2020
Tác giả: TS Đỗ Thị Hường

Là một trong những nhà văn Nga tài năng nhất trong lịch sử văn học thế giới, Pasternak được biết đến không chỉ với tư cách tiểu thuyết gia được trao giải Nobel văn chương 1958 với Bác sỹ Zhivago, mà trước hết được biết đến với tư cách nhà thơ trữ tình. Thơ trữ tình được Pasternak sáng tác như một cách giãi bày lòng mình, giãi bày tình yêu đối với cuộc sống, đối với con người, đối với thiên nhiên Nga tươi đẹp. Thơ Pasternak còn mang trong mình những dấu ấn văn hóa Nga sâu đậm. Có lẽ bởi tâm hồn thơ luôn dạt dào trong Pasternak nên cuốn tiểu thuyết duy nhất của ông – Bác sỹ Zhivago cũng mang đậm chất thơ, chất trữ tình lôi cuốn. Và nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết – chàng bác sỹ Zhivago điển trai, tài năng cũng phảng phất dáng dấp và tâm hồn ông.
Trong tiểu thuyết, bên cạnh tư cách là một bác sỹ giỏi, Zhivago còn được biết tới là một nhà thơ tài năng. Thơ của Zhivago gồm những bài được chàng sáng tác trong những đêm không ngủ từ khi còn là thanh niên ở Matxcova cho đến khi đã trở thành một người đàn ông trưởng thành, trải qua nhiều biến cố ở Varukino và cả những bài thơ được viết trong những ngày cuối cùng của cuộc đời sau khi cuộc sống bình yên đã đưa chàng trở lại Matxcova. Những bài thơ của Zhivago được Lara và Evgrav tập hợp lại sau khi chàng qua đời. Tất cả gồm 25 bài thơ hoàn chỉnh, 25 tác phẩm nghệ thuật chất chứa suy tưởng và tâm tư của Zhivago – Pasternak.
Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, Pasternak lớn lên trong sự bao bọc của không gian tri thức và văn hóa. Ông được biết đến là một người có tầm am hiểu sâu rộng về âm nhạc, hội họa, triết học. Zhivago của Pasternak cũng vậy. Mồ côi cha mẹ nhưng được nuôi dưỡng trong bầu không khí học thuật tại nhà giáo sư Gromeko cộng với tư chất thông minh và lòng yêu thích nghệ thuật, Zhivago cho thấy ham mê sáng tạo của chàng ngay khi còn là thanh niên. Những bài thơ Ngôi sao Giáng Sinh, Đêm đông nổi tiếng chính là những sáng tác của Zhivago khi chàng còn rất trẻ. Đọc thơ Zhivago, chúng ta có thể phân loại chúng thành 5 nhóm: những bài thơ về thiên nhiên, tình yêu, Phúc Âm, thành phố và sáng tạo nghệ thuật. Trong tất cả những bài thơ thuộc 5 nhóm đó, những bài thơ viết về Phúc Âm có giá trị đặc biệt.
Tôn giáo, đặc biệt là Kito giáo có một vị trí cực kỳ quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân phương Tây. Ở nước Nga, một đất nước phương Đông nhất Châu Âu, Kito giáo lại có một diện mạo mới, phù hợp với đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Tôn giáo lớn nhất của người dân Nga là Chính Thống giáo Đông phương – giáo phái tự cho giáo hội của mình là truyền thống Cơ Đốc trung thành nhất với các giá trị thần học bắt nguồn từ thời hội thánh tiên khởi. Chính Thống giáo Đông phương đặc biệt coi trọng Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, vị trí của Đức Mẹ nói riêng và các thánh nữ nói chung đều rất được coi trọng. Liệu có phải vì tâm hồn Nga vốn là tâm hồn của một dân tộc đậm tính nữ cho nên tôn giáo của nước Nga cũng là tôn giáo trân trọng sức mạnh của các vị thánh nữ? N.Berdiaev trong bài Tâm hồn Nga đã viết: “Tính tôn giáo Nga – thứ tôn giáo nữ tính, - là tính tôn giáo của hơi ấm sinh học tập thể, được trải nghiệm như hơi ấm thần bí… Đó không hẳn là tôn giáo của Đức Kito, mà đúng hơn là tôn giáo của Đức Mẹ, tôn giáo của mẹ-đất” .
Quay trở lại với Pasternak và Zhivago, như chúng tôi vừa mới nhận định, trong số 25 bài thơ của Zhivago được tập hợp ở cuối cuốn sách thì có đến 7 bài thuộc nhóm thơ Phúc Âm: Trong tuần lễ thánh, Ngôi sao giáng sinh, Phép lạ, Những ngày tệ hại, Vườn Ghêtsêmani và Madolen (2 bài). Những vần thơ viết về Chúa, ca ngợi Chúa hay kể những câu chuyện xung quanh hành trạng và cuộc đời kỳ diệu của Người được Zhivago diễn đạt một cách hết sức tự nhiên. Người đọc dường như đang trò chuyện với một con chiên của Chúa trong không gian vô cùng ấm áp và an lành. Tin Mừng về sự ra đời của Chúa, về sự nghiệp đau đớn nhưng vinh quang của Người, cuộc Thương Khó và cả sự Phục Sinh của Người đã là nguồn cảm hứng vô tận cho tác giả. Có lẽ, nét đặc biệt nhất trong chùm thơ Phúc Âm của Pasternak – Zhivago chính là những vần thơ viết về nữ thánh Maria Madolen (Maria Magdalene) (2 bài).
Maria Madolen – theo Phúc Âm là người phụ nữ trụy lạc, có tội, đã ăn năn, trung thành theo Chúa Jesus Kito, được là người đầu tiên nhìn thấy Kito sống lại, được Thiên Chúa Giáo xếp vào hàng Thánh. Maria Madolen xuất hiện trong rất nhiều trường đoạn liên quan đến những ngày cuối cùng của Chúa Jesus ở trên trần thế. Hình ảnh Maria Madolen được đề cao cả trong bốn Phúc Âm: của Mathew, của Luka, của Macco, của Joan. Cả hai bài Madolen của Zhivago đều là những lời tự bộc bạch của Maria với Đức Chúa. Đó giống như những lời xưng tội của một con chiên trước Đấng Tối Cao của mình.
Ở bài thơ thứ nhất, không gian được tái hiện là không gian đêm khuya khi tất cả ánh sáng đã nhường chỗ cho bóng tối. Và trong ánh sáng tối tăm ấy, tất cả những gì thuộc về thế giới bóng đen lại hiện về trong Maria. Bài thơ được kết cấu thành hai phần riêng biệt, tái hiện hai khung cảnh, hai thế giới, hai niềm tin, hai tâm trạng đối lập nhau. Sợi chỉ xuyên suốt đem lại sự cứu rỗi và niềm hạnh phúc lớn lao cho Maria là niềm tin tuyệt đối vào Con Thiên Chúa, vào sự phục sinh của Người sau Cuộc Thương Khó, vào chân lý: cứ tin là sẽ đến mà Jesus đã rao giảng.
Bài thơ thứ hai là hành trình tâm trạng của Maria Magdalene, cũng là tâm sự về niềm tin của tác giả. Cuộc đời của con người trôi theo một chuỗi những sự kiện, những hạnh phúc, những khổ đau và có thể có không ít những sai lầm. Niềm tin vào sự cứu chuộc linh hồn, niềm tin vào Chúa về ngày phán xét cuối cùng là thứ giải thoát cho con người, đưa con người đến với bến đỗ an toàn trong tinh thần. Dù cho sai lầm có lớn đến đâu chăng nữa, con người vẫn có thể được cứu chuộc, chỉ cần con người có niềm tin. Niềm tin đem đến cho con người khả năng “tiên tri”. Đó là sự phát triển cao hơn thông điệp đã được nói đến trong bài thơ thứ nhất. Ở bài Madolen thứ hai người con gái được giải thoát khỏi những ám ảnh đen tối của quá khứ và một lòng hướng đến Chúa với lòng sùng kính vô bờ.
Cả bài thơ là điệp khúc của những hành động của nhân vật “con”. Đó là những hành động biểu lộ lòng sùng tín của một tín đồ đối với Chúa của mình:
“Trước ngày lễ mọi người đều dọn dẹp
Con tránh xa cảnh bận rộn ấy,
Con tưới nước thơm trong bình
Vào đôi chân vô cùng sạch của Người

Con sờ soạng và không tìm thấy đôi dép
Con không nhìn thấy gì vì nước mắt
Các lọn tóc xõa xuống
Che lấp mắt con như một cái màng.

Chân Người con áp vào vạt áo
Con tưới nước lên đó, hỡi Jesus.
Con quấn chuỗi ngọc đeo cổ vào chân Người.
Con xòa tóc phủ xung quanh chân, thế tấm chăn.”
Người con gái trong bài hành động trái ngược với hành động của tất cả những người khác. Theo lẽ thường, trong ngày lễ, tất cả mọi người đều tập trung dọn dẹp, chuẩn bị đồ lễ và tiến hành các nghi lễ biểu lộ lòng sùng kính. Nhưng người con gái trong bài tránh xa tất cả những cảnh bận rộn ấy. Với cô, không gì quan trọng hơn Đức Chúa. Và cô gái tưới nước thơm lên chân Đức Chúa, phủ tóc, quấn ngọc lên đôi chân Người thay thế tấm chăn, áp đôi chân ấy vào mình với một niềm thành kính vô bờ. Maria Magdalene trong Phúc Âm cũng từng gây kinh ngạc cho ngay cả các tông đồ của Jesus khi hành động như thế. Nhiều người cho đấy là “hành động lãng phí” (Juda Itcariot cho rằng bình nước thơm Maria Magdalene dùng để tưới lên chân Đức Jesus có thể bán được ba trăm quan tiền mang đi chia cho người nghèo – Phúc Âm theo thánh Joan), nhưng như đã nói, đó là hành động tiên báo cho ngày Chúa bị hành hình. Vì thế cho nên, chính cô gái trong bài cũng khẳng định khả năng của mình từ khi có niềm tin vào Chúa:
“Con thấy tương lai rõ từng chi tiết.
Tụa hồ Người bắt nó dừng lại
Bây giờ con có khả năng nói tiên tri
Như các nữ thần thời cổ đại.”
Cũng từ hành động khác người ấy của mình, Maria Magdalene sau này được coi là biểu tượng của “người bị nhạo báng vì lòng sùng tín” .
Những câu thơ tiếp theo trong bài là sự cụ thể hóa khả năng tiên tri của Maria Magdalene:
“Ngày mai tấm rèm trong đền thánh sẽ rơi xuống
Chúng con sẽ tụm thành một đám ở bên ngoài
Và đất sẽ chao đảo dưới chân,
Có lẽ vì thương hại con.

Đám lính áp giải sẽ thay đổi hàng ngũ,
Và bọn kỵ sĩ sẽ bắt đầu tản đi.
Cây thập giá ấy sẽ vươn lên trời
Như vòi rồng phun nước ở trên đầu trong cơn giông bão.
Con sẽ phủ phục xuống đất, bên chân cây thập giá,
Con sẽ chết lặng và cắn môi.
Hai tay Người đang giang rộng và ở đầu cây thập giá
Để ôm quá nhiều người.

Ngần ấy bao dung, ngần ấy đớn đau
Và ngần ấy sức mạnh là để cho ai trên thế gian?
Liệu ngần ấy con người và cuộc đời?
Ngần ấy xóm làng, sông núi trên cõi trần?”
Tất cả những gì Maria Magdalene tưởng tượng chính là những gì sẽ xảy ra với Jesus trong những ngày sắp tới. Người ta sẽ đem Người ra xử tội tại đền thánh, và khi bản án được quyết định, nỗi đau dường như làm chao đảo con người: “Và đất sẽ chao đảo dưới chân/ Có lẽ vì thương hại con”. Mặt đất sẽ chỉ chao đảo thôi, bởi ngày phán xét cuối cùng chưa tới, bởi sau Thương Khó sẽ là Phục Sinh. Khi tai họa ập đến, người con gái trong bài sẵn sàng phủ phục xuống chân người mà mình tôn kính như đã làm trước đó: “Con sẽ phủ phục xuống đất, bên chân cây thập giá,/ Con sẽ chết lặng và cắn môi”. Vẫn là niềm tin và sự thành kính đã tiếp thêm sức mạnh cho người phụ nữ ngoan đạo. Đó chính là cốt lõi của những điều kỳ diệu trong cuộc sống.
Hình ảnh Đức Jesus trên cây thập giá được hình dung gắn với sứ mệnh của Người: sứ mệnh cứu rỗi loài người. Bởi thế cho nên: “Hai tay Người đang giang rộng và ở đầu cây thập giá/ Để ôm quá nhiều người”. Có lẽ, lí giải của nhà thơ về sự cứu chuộc nhân loại ngay cả khi bị đóng đinh trên cây thập giá của Jesus là một phát hiện ý nghĩa. Sự vĩ đại và tầm vóc của Jesus đã được tôn lên một bậc. Tuy nhiên, thời ấy không phải ai cũng hiểu điều đó. Bởi thế cho nên, nhân vật trữ tình trong bài mới thốt lên đầy đau xót: “Ngần ấy bao dung, ngần ấy đớn đau/ Và ngần ấy sức mạnh là để cho ai trên thế gian?/ Liệu ngần ấy con người và cuộc đời?/ Ngần ấy xóm làng, sông núi trên cõi trần?”. Những câu hỏi tu từ chính là những lời than, những lời hỏi bộc lộ nỗi đau xót vô bờ trước sự thật: con người (thời ấy) đâu hiểu được lòng Chúa, đâu cảm biết được sự bao dung và lòng hi sinh vô bờ của Người.
Chỉ có một người hiểu, đó là nhân vật trữ tình. Sự thấu hiểu cũng giúp nhân vật trữ tình vượt qua nỗi đau:
“Nhưng ba ngày như thế sẽ qua đi
Và sẽ đẩy con vào nơi trống không đến mức
Sau thời khoảng khủng khiếp ấy
Con sẽ thấu hiểu sự phục sinh.”
Phải trải qua cảm giác trống rỗng của sự mất mát mới thấu hiểu được cảm giác hạnh phúc vô bờ của sự phục sinh. Sự khủng hoảng khủng khiếp trong tinh thần lúc ấy sẽ được thay thế bằng niềm vui của sự chờ đợi, của niềm tin, hy vọng được đền đáp. Bài thơ gắn những cung bậc cảm xúc rất thật của con người vào những chân lý rất thiêng liêng của Thiên Chúa. Một lần nữa, Maria Magdalene lại cho thấy sức mạnh đến từ niềm tin.
Cả hai bài thơ Madolen của Zhivago – Pasternak đều là những bài thơ chất chứa cảm xúc của người phụ nữ mang tên Maria Magdalene. Hình ảnh Thánh nữ Maria Magdalene hiện lên không đơn thuần là một con chiên bình thường với những cảm xúc trần tục đời thường, Maria Magdalene hiện lên như một người sùng tín, sẵn sàng hy sinh tất cả vì niềm tin với Chúa. Sức mạnh của niềm tin ấy sẽ tạo ra những điều kỳ diệu, và “tiên tri” là một trong những điều kỳ diệu ấy”.
Đặt trong dòng chảy của những vần thơ Zhivago sáng tác trong cả cuộc đời, đặc biệt là những bài thơ Phúc Âm, Madolen đã cho thấy sự am hiểu sâu sắc về Kinh Thánh, về văn hóa của người trí thức ấy. Đó không còn là những câu thơ đơn thuần về đề tài Kinh Thánh, ngợi ca Thiên Chúa một cách dễ dãi, đó là những câu thơ chứa đựng hình tượng và mang triết lý sâu sắc. Hai bài thơ cũng cho thấy con đường đến với Thiên Chúa của Thánh Nữ Maria. Qua đó khẳng định sự gian nan trên hành trình tìm thấy lẽ sống và niềm tin của con người. Đó là hành trình tâm tưởng cùng những đấu tranh không ngừng để đạt được một niềm tin duy nhất, không bị xao động. Chỉ có như thế, con người mới thực sự trở thành con chiên của Chúa, mới thực sự cảm nghiệm được những điều kỳ diệu đến từ lòng tin ấy. Từ một con người trụy lạc, bị coi thường trong mắt mọi người, Maria đã trở thành người được kính trọng chính nhờ sự sám hối và niềm tin của mình.
Hành trình tâm tưởng vươn tới sự cứu chuộc của Maria Magdalene gợi nhớ những suy tư dằn vặt về tội lỗi con người mình của Zhivago. Nếu xét trên bình diện đạo đức, Zhivago không phải là một người chồng, người cha tốt. Zhivago ba lần lấy vợ và có rất nhiều con, nhưng chàng không thể lo lắng được cho những người chàng yêu thương nhất. Chàng lần lượt có lỗi với Tonia – vợ chính thức của chàng, với Lara – người tình cũng là người chàng yêu thương nhất, và với Marina – người đã vì chàng mà chịu nhiều thiệt thòi. Lẽ dĩ nhiên, Zhivago đều yêu thương tất cả, nhưng chàng không thể làm gì được cho họ. Tình yêu, sự dao động, hoàn cảnh thực tế đã khiến chàng trở thành người có cuộc sống nội tâm phức tạp. Và có lẽ, chỉ có niềm tin vào sự cứu chuộc, vào ngày phán xét cuối cùng, vào sự phục sinh mới cho Zhivago đủ sức mạnh để chiến thắng hoàn cảnh và tồn tại.
Chúng ta biết rằng Zhivago trong Bác sỹ Zhivago đã trải qua những biến động to lớn không chỉ trong cuộc đời riêng mà còn là người chứng kiến những cơn “bão táp” lịch sử. Zhivago đã trải qua cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, từng chứng kiến Cách mạng tháng Mười cùng những thay đổi lớn lao của nó đến đời sống từng cá nhân. Zhivago đã từng sống qua thời kỳ đất nước nội chiến, từng chiến đấu trong quân đội Hồng quân với tư cách bác sỹ quân y, từng bị bắt cóc, phải sống trong rừng cùng đoàn quân phiến loạn… Tất cả những biến động lớn lao của lịch sử đã ảnh hưởng đến thái độ, cách suy nghĩ cũng như quan điểm sống của chàng. Và chắc chắn, sự lựa chọn của Zhivago trong cách sống chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nền tảng văn hóa tri thức mà chàng được giáo dục từ nhỏ, và từ hoàn cảnh lịch sử xã hội chàng sống.
Trong tác phẩm, Pasternak không trực tiếp để cho nhân vật của mình cầu Chúa hay xưng tội trước Chúa, nhưng không phải là không có những đoạn nhân vật dùng lí lẽ về niềm tin vào sự xưng tội để tự biện bạch cho hành động sai trái lúc bấy giờ của mình (Zhivago đã định thú thật mối quan hệ của chàng với Lara cho Tonia, nhưng lại tự an ủi là sẽ làm vào những lần sau vì chắc chắn điều đó sẽ đến nhưng chưa cần phải ngay lúc này…). Tất nhiên, liên hệ Maria Magdalene với Zhivago chỉ ở trên khía cạnh đó thì quả thật là khập khiễng, nhưng có khi nào Zhivago muốn hướng tới Thánh Nữ Maria Magdalene như một hình mẫu về niềm tin sẽ được cứu chuộc vào một ngày nào đó? Bởi Maria Magdalene đã từng được giải thoát khỏi bảy quỷ chỉ bằng niềm tin. Bởi Maria Magdalene cũng từng là một con người rất đỗi bình thường.
Những suy tư của Zhivago bộc lộ qua chùm thơ Phúc Âm là những suy tư về sự sống, về cái chết, về đời người, về niềm tin, về nước Chúa… Tất cả được tái hiện trong một không gian được xây dựng một cách tự nhiên không khiên cưỡng. Người đọc dường như đang đọc một bản Phúc Âm bằng thơ. Không gian Kinh Thánh xuất hiện với đủ đầy những cột mốc quan trọng: sự ra đời của Jesus (Ngôi sao giáng sinh), Jesus ở Jerusalem (Những ngày tệ hại), những giây phút cuối cùng cầu nguyện của Jesus (Vườn Ghêtsêmani)… Bên cạnh chùm thơ Phúc Âm, những hình ảnh biểu trưng của Kito giáo cũng xuất hiện rất nhiều trong những bài thơ khác: hình ảnh ngọn nến cháy, hình ảnh dây hoa trường sinh, hình ảnh ngôi sao… Tất cả làm nên một không khí vừa đậm chất thơ vừa đậm chất đạo.
Sự lồng ghép một cách tự nhiên “chất Kinh Thánh” từ đề tài cho đến ngôn ngữ diễn đạt trong những bài thơ Phúc Âm nói chung và hai bài thơ Madolen nói riêng đã cho thấy sức mạnh của văn chương trong một thủ pháp nghệ thuật mới. Đó là liên văn bản.

Liên văn bản là thuật ngữ do nhà lý luận của chủ nghĩa hậu hiện đại Julia Kristeva đưa ra vào năm 1967. Nhà lý luận nhấn mạnh tính chất tự thân của văn bản, không lệ thuộc hoạt động ý chí của cá thể: “Chúng ta gọi Liên văn bản (tác giả nhấn mạnh) cái liên hành vi mang tính văn bản này, xảy ra bên trong mỗi văn bản riêng biệt. Đối với chủ thể nhận thức thì liên văn bản – là khái niệm sẽ trở thành dấu hiệu của cách thức mà văn bản dùng để “đọc” câu chuyện (histoire) và hòa hợp với nó” . Đồng tình và làm rõ hơn quan điểm của Kristeva, nhà nghiên cứu văn học Roland Barthes đưa ra khái niệm về “cái chết của tác giả”, và sau này còn mở rộng ra những khái niệm “cái chết” của văn bản của cá nhân (vì bị hòa tan vào các đoạn trích rõ ràng hoặc không rõ ràng), “cái chết” của độc giả (mà ý thức “không tránh khỏi” mang tính “chắp vá trích đoạn” bất ổn và bất định tới mức không thể tìm ra nguồn gốc của những trích đoạn đã tạo nên ý thức anh ta. Lý giải cụ thể hơn Roland Barthes đã cung cấp cho khái niệm liên văn bản một định thức mang tính quy phạm văn hóa: “Mỗi văn bản là một liên văn bản; mỗi văn bản khác có mặt trong nó ở các cấp độ khác nhau dưới những hình thái ít nhiều nhận thấy được: những văn bản của văn hóa trước đó và những văn bản của văn hóa thực tại xung quanh. Mỗi văn bản đều như là tấm vải mới được dệt bằng những trích dẫn cũ. Những đoạn của các mã văn hóa, các định thức, các cấu trúc nhịp điệu, những mảng vụn biệt ngữ xã hội… - tất cả đều bị văn bản ngốn nuốt và đều bị hòa trộn trong văn bản, bởi vì trước văn bản và xung quanh nó bao giờ cũng tồn tại ngôn ngữ. Với tư cách là điều kiện cần thiết ban đầu cho mọi văn bản, tính liên văn bản không thể bị lược quy vào vấn đề về nguồn gốc hay ảnh hưởng; nó là trường quy tụ những định thức nặc danh, khó xác định nguồn gốc, những trích dẫn vô thức hoặc máy móc, được đưa ra không có ngoặc kép” . Như vậy, theo các nhà lý thuyết, bất kỳ một văn bản nào cũng có giá trị tự thân của nó, không phụ thuộc vào tác giả, người đọc bởi bản thân văn bản đã chất chứa trong nó những giá trị văn hóa không thể chối cãi. Những giá trị văn hóa ấy có thể làm nền tảng cho tác phẩm, cũng có thể là phương tiện giúp nhà văn truyền tải những ám dụ sâu xa theo đúng đặc trưng “ý tại ngôn ngoại” của ngôn ngữ văn chương.
Xét một cách khái quát nhất, hầu như tất cả các tác phẩm văn học Nga nói riêng và các tác phẩm văn học phương Tây nói chung đều chịu sự chi phối, hay nói cách khác đều thoát thai từ một gốc căn bản, đó là Kito giáo (gồm cả Thiên Chúa Giáo và Chính Thống giáo). Những giáo lý truyền thống của Kito, những nghi lễ từ cổ xưa, những biểu tượng tinh thần và cả những lễ hội… tất cả đều ít nhiều mang dấu ấn Kito giáo. Bởi thế cho nên, đối với người được coi là nắm giữ cả “lục địa văn hóa bất tận” như Boris Pasternak thì dấu ấn Kito giáo hiển hiện trong các sáng tác của ông là điều dễ hiểu. Và qua chùm thơ Phúc Âm, đặc biệt qua Madolen, chúng ta thấy rõ sức mạnh từ ngôn từ thấm nhuần dấu ấn Kito giáo của ông. Đọc bài thơ, người đọc không thấy những điển tích Kito giáo được trích dẫn một cách cơ học, mà tinh thần Kito giáo, tinh thần Phúc Âm, niềm tin, niềm hân hoan, sự kính Chúa được diễn đạt một cách tự nhiên như thể đó là tâm tư tình cảm tự trong sâu thẳm tâm hồn Zhivago – Pasternak. Lời bài thơ là lời của Nữ thánh Maria Magdalene tự bạch trước Chúa, nhưng cũng giống như những lời nhân vật chính Zhivago tự thổ lộ lòng mình. Tự thân hai bài thơ Madolen của Zhivago – Pasternak đã là hai câu chuyện hoàn chỉnh với lời kể ngôi thứ nhất là Maria. Maria kể về những việc xảy ra với mình, trong tâm hồn mình từ quá khứ đến hiện tại, thậm chí tương lai.
Đọc Madolen, đầu tiên người đọc dễ có cảm giác đó là bài thơ truyền giáo. Người viết viết ra nhằm mục đích kể lại thánh tích của vị Thánh Nữ. Thế nhưng, ngôn từ và nhạc tính của bài thơ cùng những triết lý và ẩn ý sâu xa ẩn chứa trong đó đã khẳng định giá trị nghệ thuật của chúng. Cái độc giả đón nhận ở bài thơ là hình tượng một người phụ nữ với lòng hy sinh và niềm tin vô điều kiện. Sự cứu chuộc không nằm ở bên ngoài, không chờ đợi được từ bên ngoài, sự cứu chuộc đến từ chính bản thân con người. Niềm tin Thiên Chúa hướng con người tới vị Chúa Trời mà họ tôn sùng, nhưng cũng hướng con người tới chính mình. Bài thơ còn khắc họa hình ảnh vị Chúa Con bao dung và nhân từ với sự hy sinh vô điều kiện cho con người. Chân lý về sự hy sinh, về niềm tin, về sự vĩnh cửu, trường tồn đến từ niềm tin ấy – đối với nhân vật chính Zhivago có thể là cứu cánh cho chàng trong những ngày tháng vô cùng gian nan của cuộc đời, đối với những tín đồ Kito giáo là đức tin và con đường hướng tới. Còn đối với độc giả, đó là những nét đẹp tâm hồn mà bất kỳ ai cũng mong có được. Vậy là, có thể thấy rằng, khám phá những giá trị thơ ca của Pasternak quả thật không đơn giản, người đọc cần phải có sự am hiểu sâu sắc về lịch sử xã hội, về tiểu sử nhà văn và đặc biệt về nền tảng văn hóa đã hun đúc nên nhà thơ thiên tài. Những bài thơ Phúc Âm của Zhivago – Pasternak xét trên một khía cạnh nào đó, chính là đối thoại của nhà thơ với Phúc Âm, là một văn bản liên văn hóa hàm chứa những giá trị sâu sắc.
Như thế, đọc Bác sỹ Zhivago nói chung và những bài thơ của Zhivago – Pasternak nói riêng, người đọc thêm hiểu tư tưởng cũng như quan điểm sống, cách nhìn của nhà thơ đối với cuộc đời, với thời cuộc. Zhivago trong cuộc đời mình đắm chìm trong cái đẹp, đức tin và tình yêu đối với những người phụ nữ, đặc biệt là Lara – biểu tượng cho vẻ đẹp vĩnh hằng của nước Nga. Nữ tính vĩnh hằng – chất Nga, xét ở một khía cạnh nào đó lại liên quan mật thiết tới tôn giáo lớn nhất của người dân Nga – Chính Thống giáo với việc coi trọng Đức Mẹ và các Nữ Thánh bên cạnh việc tôn sùng Jesus. Hình ảnh nhân vật Nữ Thánh Madolen trong thơ của Zhivago cho thấy Chính Thống giáo thực sự đã trở thành tiềm thức văn hóa, trở thành cảm thức thường trực trong bản năng sáng tạo của Pasternak cũng như các nhà thơ nhà văn Nga khác.

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020