Tham luận HT kỉ niệm 110 năm ngày sinh Y.Kawabata – Khoa Văn ĐHSP HN, 6/2009
Nhân vật là “con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học”1.“Nhân vật văn học thể hiện quan niệm nghệ thuật và lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn về con người. Vì thế nhân vật luôn gắn chặt với chủ đề của tác phẩm”2 . Trong tác phẩm văn học, nhà văn xây dựng những hình tượng nhân vật để biểu đạt lý tưởng thẩm mỹ và quan niệm nghệ thuật của nhà văn về cuộc đời và con người. Mỗi nhà văn có quan niệm và lý tưởng riêng nên hình tượng nhân vật trong các sáng tác lại có những nét sáng tạo độc đáo.
Y.Kawabata là nhà văn Nhật Bản nổi tiếng thời kỳ cận- hiện đại. Khi ông cầm bút sáng tác, văn hoá, văn học phương Tây đang ảnh hưởng sâu sắc tới văn hoá, văn học Nhật Bản. Đôi khi, nhà văn bị cuốn theo trận cuồng phong đó. Nhưng về cơ bản, ông vẫn kế thừa di sản văn hoá, văn học truyền thống. Bút pháp nghệ thuật nói chung và hình tượng nhân vật trong sáng tác của Kawabata vì thế có sự dung hợp của truyền thống Nhật Bản và văn học phương Tây một cách nhuần nhuyễn theo tinh thần “Hoà hồn Dương tài” khởi phát từ thời đại Minh Trị. Hình tượng nhân vật được ông xây dựng để thể hiện chủ đề đi tìm cái đẹp, lưu giữ và phát huy giá trị truyền thống của văn hoá Nhật Bản nên có nhiều nét độc đáo. Trong sáng tác của Kawabata, người đọc thường bắt gặp kiểu hình tượng nhân vật biểu tượng, xây dựng những cặp nhân vật tạo nên những hiệu quả bất ngờ. Tâm lý nhân vật của Kawabata cũng được phân tích rất sâu sắc.
1. Nhân vật biểu tượng
“Theo nghĩa hẹp, biểu tượng là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lý sâu xa về con người và cuộc đời”3. Trong bài viết này, chúng tôi dùng khái niệm nhân vật biểu tượng với ý nghĩa là một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt mang nhiều lớp nghĩa có khả năng truyền cảm lớn, vưà khái quát được bản chất hiện tượng, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lý sâu xa về con người và cuộc đời. Đọc sáng tác của Y. Kawabata, độc giả trước hết bắt gặp hai kiểu nhân vật biểu tượng: Hình tượng người đàn ông – lữ nhân đi tìm chân lý, cái đẹp và hình tượng người phụ nữ - cái đẹp- những cánh hoa anh đào mong manh.
a. Người lữ hành vĩnh cửu (Eien no tabibito – vĩnh viễn lữ nhân)- đó là mệnh danh mà nhà văn Nhật Bản Mishima Yukio đã đặt cho Kawabata. Trong suốt cuộc đời mình, Kawabata đã mải miết du hành để kiếm tìm cái đẹp trong thiên nhiên và con người Nhật Bản. Các nhà nghiên cứu thường cho rằng, có lẽ, con người ông đã hoá thân thành những nhân vật lữ nhân xuất hiện hầu hết trong những trang tiểu thuyết và truyện trong lòng tay của Kawabata. “Mỗi tiểu thuyết của Kawabata là một đài gương cho nhà văn ngắm mình ở những chặng đời: tuổi trẻ, trung niên và tuổi già”4. Tuy Kawabata luôn luôn phủ nhận mối quan hệ này và cho rằng nhận xét như vậy là “võ đoán, quy chụp” nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là hình ảnh nhân vật này đã thể hiện sáng tạo xuất sắc chủ đề “tìm kiếm cái đẹp”- một lẽ sống căn bản của cuộc đời ông.
Tiểu thuyết đầu tay Vũ nữ Izu sáng tác năm Kawabata hai mươi sáu tuổi dẫn người đọc say mê theo dấu chân của một chàng sinh viên trẻ tuổi. Rời trường đại học ở chốn phồn hoa với nỗi buồn vì cảm giác cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời, chàng rong ruổi trên những nẻo đường của xứ sở suối nước nóng, vùng núi Izu. Tại đây, chàng làm quen với một gánh xiếc rong. Trong gánh xiếc có một cô vũ nữ trẻ trung, xinh đẹp tên là Kaoru. Mới mười ba tuổi, nàng giống như một nhành liễu xanh non vươn lên đón không khí mùa xuân trong lành. Vẻ đẹp trong sáng, hồn nhiên của nàng đã khiến chàng trai rung động sâu sắc. Nàng giống như một suối nước tinh khiết rửa sạch mọi ưu phiền trong trái tim chàng. Về phần Kaoru, nàng cũng mở rộng tâm hồn mình đón nhận chàng sinh viên. Giữa hai người đã nảy sinh những tình cảm rất chân thành. Tuy nhiên, thực sự, đó chỉ là những rung động rất mơ hồ, khó có thể coi là tình yêu nam nữ như một số nhà nghiên cứu vẫn khẳng định. Tiểu thuyết kết thúc bằng một cuộc chia tay xúc động. Chàng sinh viên lên tàu trở về Kyôtô với tâm trạng trống trải, còn cô vũ nữ theo gia đình đến Oshima.
Chuyến du hành từ Tôkyô lên xứ Izu để khoả lấp nỗi buồn cô đơn của chàng trai có dáng dấp những chuyến hành hương lên miền Oku của thi sĩ lãng du Basho thuở nào. Rời kinh thành Êdo phồn hoa nhưng cũng thật ồn ào bụi bặm, Basho muốn đi tìm “cái kỳ diệu của cuộc sống, đó cũng chính là cái đẹp, đó là cái đã bị con người đánh mất trong xã hội hiện đại của Êdo, của những thành phố đông đảo mà rỗng không. Một lần nữa, nhà thơ quay về với thiên nhiên, với một nền văn hoá dung dị và thuần phác còn giữ được trong lòng phương bắc xa xôi”5. Còn chàng sinh viên, chính tại nơi phương Bắc giá lạnh, chàng tìm được hơi ấm của tình người mộc mạc. Mặc dù kết thúc tiểu thuyết là một cuộc chia tay nhưng chàng trai trẻ không cảm thấy sầu muộn. Chàng giúp đỡ một bà cụ, nhận đưa cụ đến Ueno, mua cho cụ chiếc vé đến Mito. Nỗi buồn của chàng lại được một cậu bé an ủi, sẻ chia. Vì vậy, dường như nó đã tan ra thành nước mắt và từng giọt trôi đi, để lại trong chàng một sự thanh thản vô cùng.
Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất mà Kawabata sáng tác ở tuổi trung niên là Xứ tuyết.
Shimamura, nhân vật trung tâm của tác phẩm là một người đàn ông trạc tứ tuần đã có vợ và con ở Tokyo. Chán ghét cuộc sống nhàn rỗi, buồn tẻ ở chốn thị thành, Shimamura ba lần lên xứ tuyết: lần đầu vào mùa xuân, lần thứ hai vào mùa đông và lần thứ ba vào mùa thu. Tuy nhiên dòng thời gian trần thuật của tác phẩm lại bắt đầu từ chuyến đi thứ hai của chàng. Những chuyến đi lên xứ tuyết của Shimamura cũng gợi người đọc liên tưởng tới cuộc hành trình trên con đường sâu thẳm để đi tìm bản chất cuộc sống- cái đẹp đích thực, cái đẹp lý tưởng. Qua dòng hồi tưởng của Shimamura, người đọc biết rằng, lần đầu lên xứ tuyết, chàng đã gặp một gheisa tên là Komako. Sau một tuần trượt tuyết, trở về trạm suối nước nóng nghỉ ngơi, chàng tìm đến một cô gái để làm vơi đi nỗi cô đơn. Tình cờ cô gái đó là Komako. Ở Komako toát lên vẻ đẹp đầy nhục cảm của đôi môi, làn da, chiếc cổ, bờ vai, bộ ngực, thân thể, vòng eo…
“Cử động của chúng (đôi môi) thật quyến rũ và chúng căng lên chỉ cốt để sau đó giãn ra buông thả hơn, duyên dáng hơn- đó cũng là biểu lộ của toàn bộ thân thể cô, căng lên giây lát để rồi lả lơi hơn, đầy nữ tính trong sự trẻ trung đẹp đẽ của cô”6
Những cảm xúc mà Komako gợi lên trong Shimamura thường cũng là những khát khao nhục cảm. Ấn tượng mà nàng để lại trong Shimamura là những cảm xúc nhục cảm. Lần thứ hai đến xứ tuyết, chàng nhìn những ngón tay và hồi tưởng lại:
“Trong lúc buồn chán, Shimamura lơ đãng nhìn mu bàn tay trái, anh cựa quậy các ngón tay và tự nhủ rằng chỉ có bàn tay này, sự vuốt ve của các ngón tay ở bàn tay này là còn giữ lại được kỷ niệm tinh tế và sống động, ký ức nóng hổi và đầy nhục cảm về người đàn bà mà anh sắp tới gặp”7
Lần thứ hai đến xứ tuyết, Shimamura bị chinh phục bởi vẻ đẹp của Yoko. Nàng để lại ấn tượng trong chàng trước hết bởi vẻ đẹp trong sáng của giọng nói:
“Giọng nàng sao mà tuyệt diệu thế, nó vang cao và rung lên trên tuyết và trong màn đêm; nó có một vẻ quyến rũ cảm động đến nỗi làm trái tim người ta man mác buồn”8.
Vẻ cảm động quyến rũ này có thể xuất phát từ sự quan tâm lo lắng đến cậu em trai đang làm việc tại nhà ga và cả bác trưởng ga trong giọng nói của nàng. Nàng băn khoăn cả chuyện ăn, uống, mặc của cậu em trai. Từng cử chỉ nàng chăm sóc cho chàng trai ốm yếu đi cùng đều toát lên một sự chu đáo đến mức Shimamura nghĩ rằng họ là vợ chồng. Sau này chàng mới biết, chàng trai đó chỉ là con bà chủ quán trà nơi Yoko và cả Komako làm việc.
Hình ảnh để lại những ám ảnh sâu đậm nhất trong Shimamura có lẽ là đôi mắt của Yoko. Ngay trong những phút giây đầu nhìn thấy nàng, Shimamura đã nhiều lần nhìn vào mắt Yoko trong tấm kính cửa sổ con tàu và mỗi lần, chúng lại gợi lên những xúc cảm khác nhau. Lần đầu tiên, chàng bắt gặp đôi mắt Yoko trên tấm kính cửa toa tàu. Lần ấy đã làm chàng sững sờ, suýt kêu lên một tiếng. Lần thứ hai, khi ô cửa kính lại bị hơi nước làm mờ, Shimamura đưa tay lau hết hơi nước và chàng nhận ra đôi mắt mà chàng nhìn thấy có vẻ đẹp kỳ lạ. Tuy nhiên vẻ lạnh lùng xa cách của nàng khiến Shimamura e ngại. Lần thứ ba, nhờ một ánh sáng tít xa loé lên, Shimamura nhìn rõ hơn đôi mắt và đọc được bao điều từ đôi mắt ấy.
Cảm nhận của Shimamura về hai người con gái hoàn toàn khác nhau. Nếu Komako để lại những xúc cảm “nóng hổi” của lửa rất đỗi hiện thực và gần gũi trên đôi bàn tay của Shimamura thì Yoko là sự “lạnh lùng” của tuyết rất siêu thực và xa vời. Komako là một giai nhân của mặt đất thấm mồ hôi và nước mắt với những xúc cảm da thịt, với những yêu, ghét, ghen tuông, hờn giận. Còn Yoko? Nhìn nàng nổi bật trên nền trời đêm trong khung kính, Shimamura như lạc vào một thế giới thần diệu mà Yoko là một nhân vật xa xưa, “một con người lý tưởng nào đó của thế giới huyền thoại”.
Kể từ khi Yoko xuất hiện trong cuộc đời Shimamura, mối quan hệ giữa Shimamura và Komako ngày càng trở nên gượng gạo. Chàng mỗi ngày một xa cách Komako hơn. Và khi Yoko chết trong một đám lửa cháy, Shimamura ngẩng đầu nhìn bầu trời. Chàng cảm thấy dải Ngân Hà như tuôn chảy lên chàng trong một tiếng thét gầm dữ dội.
Hành hương lên xứ sở của tuyết trắng tinh khiết, Shimamura mong muốn tìm lại cái đẹp thuần khiết mà ở Tokyo, chàng không thể tìm thấy. Trong những bước đi chập chững ban đầu, chàng lạc bước sa vào mối tình đầy nhục cảm với Komako mặc dù chàng hoàn toàn ý thức được ý nghĩa tội lỗi của hành vi đó. Rõ ràng khi Shimamura chỉ định làm quen với một gheisa để tiêu khiển và không muốn dây dưa phiền toái thì chàng thực chất cũng giống như tất cả các khách làng chơi khác. Nhưng Yoko giống như một thiên sứ, đã thức tỉnh chàng, giúp chàng nhận thức được cái đẹp đích thực, chắp cho tâm hồn chàng một đôi cánh để bay lên hoà vào dải Ngân Hà lung linh sáng trên cao.
Thuỵ Khuê, trong bài viết Từ Murasaki đến Kawabata đã so sánh Komako- Yoko với Kiều và Vân. Bà cho rằng, giống như Thuý Vân được Nguyễn Du dùng như một đòn bẩy để tô đậm Thuý Kiều, Yoko chỉ là cái nền để Komako nổi bật. Vì vậy, bà chưa thoả đáng trong việc chỉ ra ý nghĩa của tiểu thuyết Xứ tuyết. Chúng tôi cho rằng không phải như vậy. Quan hệ Komako – Yoko là quan hệ tương phản. Komako biểu tượng cho cái đẹp nhục cảm, hiện thực. Yoko cho cái đẹp tâm hồn, lãng mạn. Từ say mê Komako tới ngưỡng vọng Yoko, nhận thức của Shimamura đã thực hiện một bước chuyển dài từ ngộ nhận sang minh triết về bản chất của cái đẹp.
Tiếng rền của núi (Sơn âm) ra đời năm 1952 khi Kawabata ở tuổi ngũ tuần. Cốt truyện thực đơn giản. Câu chuyện dường như là một sự lượm lặt những sự kiện vụn vặt diễn ra hàng ngày trong gia đình ông già Shingo. Và mặc dù trong truyện không có một chuyến hành hương nào giống chuyến đi của chàng sinh viên lên xứ Izu hay những chuyến lên xứ tuyết của Shimamura nhưng hình ảnh ông già Shingo vẫn gợi người ta liên tưởng tới hình ảnh một lữ nhân. Xuôi theo dòng chảy của thời gian, thể xác của Shingo mỗi ngày một gần hơn nghĩa địa nhưng tâm hồn ông, ký ức ông dường như đang thực hiện một cuộc hành hương ngược về thời trai trẻ để tìm lại vẻ đẹp một thời thanh xuân đã xa.
Trong bài viết Từ Murasaki đến Kawabata, Thuỵ Khuê cho rằng: “Tiếng núi, tuy được viết cùng thời với Ngàn cánh hạc, nhưng với một quan niệm khác Ngàn cánh hạc. Nếu Xứ tuyết và Ngàn cánh hạc- chiếu vào những chân dung phụ nữ, đặt trong bối cảnh xã hội Nhật Bản xa rời truyền thống- là những tiếng xưa gọi về hiện tại; thì Sơn âm, là tiếng núi vọng lên từ lòng đất, không màng quá khứ hiện tại, bỏ cả bối cảnh xã hội , để chỉ giữ lấy phần phi thời gian, chiếu thẳng vào nội tâm con người, một người đàn ông: Ogata Shingo”9. Chúng tôi không nghĩ như vậy. Tiếng rền của núi thực chất vẫn nằm trong dòng mạch tư tưởng thống nhất với các tác phẩm trên. Tác phẩm vẫn đặt ra vấn đề gìn giữ những giá trị, những cái đẹp truyền thống của Nhật Bản trước sự tấn công của lối sống thời kỹ trị trong những năm năm mươi của thế kỷ XX.
Nhân vật chính của tác phẩm, ông già Shingo, là một người vô cùng nhạy cảm. Tâm hồn ông luôn mở rộng đón nhận những âm thanh dù tế vi nhất của cuộc sống quanh ông, từ một giọt sương rơi trên lá đến tiếng côn trùng rỉ rả góc vườn mỗi độ thu về, từ tiếng hạt dẻ rơi trong tiệc cưới đến tiếng ngáy của người vợ lúc bước vào tuổi ngũ tuần. Ông xúc động trước những hình ảnh đơn sơ nhất của cảnh vật và con người, từ hình ảnh cây bạch quả vườn nhà đang ra nụ tới những đoá hướng dương nhà hàng xóm như những cái đầu vĩ nhân bị gió mưa quật tơi tả lăn lóc dưới lòng đường, từ chiếc mặt nạ kịch No mang gương mặt trẻ thơ vĩnh cửu đến câu chuyện ông bạn Kitamoto không chịu già, cứ soi gương nhổ hết những sợi tóc bạc cho đến khi chết trong cảnh điên dở…. Qua những âm thanh, hình ảnh nhỏ nhặt của cỏ cây, của cuộc đời mà người bình thường chúng ta trong cuộc sống vội vã không mấy để ý và cũng không đủ thính tai để nghe, Shingo đã thấy được âm thanh vô thường của cả vũ trụ. Ông cảm nhận được trước hết sự tàn phai, rơi rụng của cỏ cây trong thiên nhiên, sự lão hoá từng ngày trên cơ thể ông, những thất vọng chua xót trong cuộc đời ông, sự rạn vỡ của những giá trị truyền thống không chỉ trong chính gia đình ông mà còn của cả xã hội. Biết bao những thanh âm vô thường mơ hồ ấy dường như đã cộng hưởng lại để tạo thành tiếng vọng mạnh mẽ, sâu thẳm của sơn âm. Shingo nghe thấy tiếng núi, tiếng của tuổi già. Tiếng núi khiến ông sợ và rùng mình như giờ chết đã điểm9.
Thời gian trần thuật của tiểu thuyết bắt đầu khi Shingo bước vào tuổi sáu mươi hai. Ở tuổi đó, Shingo cảm nhận được rất rõ những dấu hiệu của sự lão hoá trên cơ thể mình mà trước hết là sự suy giảm của trí nhớ. Câu chuyện khởi đầu bằng việc Shingo cố mà không tài nào nhớ nổi gương mặt của Kaio, người giúp việc cho nhà ông nửa năm vừa mới bỏ đi được năm ngày. Ở công ty, Suychi giữ vai trò “nhắc vở” cho cha. Công việc đó ở nhà do bà Yasuko và cô con dâu Kikuko đảm nhiệm. Ba người trong gia đình làm nhiệm vụ lấp chỗ trống trong trí nhớ của Shingo. Chứng mất ngủ hành hạ ông hàng đêm. Tóc ông bạc đi trông thấy từng ngày. Cuộc sống phía trước là nghĩa địa tăm tối. Những người bạn bằng tuổi ông lần lượt ra đi. Toriyama nghe đâu vì bị vợ bỏ đói mà chết. Mizuta bất ngờ chết trên tay một cô gái điếm. Kitamota chết trong cảnh điên dở, tuyệt vọng vì không chống lại được tuổi già.
Không những thế, Shingo còn cảm nhận được một cách đắng cay những thất bại trong cuộc đời ông mà cũng là những rạn vỡ dường như không thể hàn gắn trong gia đình ông, bắt đầu từ tình yêu. Thuở trẻ, Shingo đã yêu tha thiết một người con gái xinh đẹp bằng tuổi chị mình. Nhưng người chị đã bước trước, “sang sông” với một chàng trai đẹp đẽ. Chị sinh được hai đứa con rồi vội qua đời khi nhan sắc chưa kịp tàn phai. Vì yêu chị nên Shingo đã cưới người em là bà Yasuko, vợ ông bây giờ. Nhưng Yasuko chẳng có gì giống với người chị đã quá cố của bà cả về ngoại hình lẫn nội tâm. “Shingo chưa bao giờ tìm lại được chút hương thừa của chị, ngoài tiếng ngáy của người em”
Phuxaco, đứa con gái đầu lòng sinh ra cũng làm Shingo thất vọng bởi nó còn xấu hơn mẹ. Tính cách nó càng lớn càng khó chịu hơn. Đi lấy chồng chưa được bao lâu, Phuxaco đã ôm hai con về nhà bố mẹ đẻ do gia đình lục đục. Chồng Phuxaco cờ bạc rồi nghiện ngập, buôn bán ma tuý rồi phải bỏ trốn. Từ khi về nhà bố mẹ, cách nói năng của Phuxaco với mọi người thể hiện thái độ ứng xử rất kém cỏi. Cô luôn chọc giận bố mẹ, em trai, em dâu. Cách đối xử của Phuxaco với thiên nhiên cũng không một chút tao nhã. Để con gái làm quen với những con ve, Phuxaco đã cắt cụt những cái cánh ve. Từ đấy hễ thấy ve là đứa bé lại cắt cụt cánh của chúng. Suychi, cậu con trai thứ hai là niềm hy vọng vô bờ của Shingo. Nhưng nó cũng sớm làm Shingo thất vọng. Vừa lấy vợ được hai năm, Suychi đã có tình nhân, mà đó lại là một cô gái điếm. Thậm chí anh ta còn trơ trẽn lấy tiền của nhân tình để đưa vợ đi phá thai. Những đứa con trai, con gái đã làm Shingo vô cùng buồn bã. Ông chỉ có thể tìm thấy lời động viên an ủi từ cô con dâu xinh đẹp, yêu kiều. Cô là hiện thân của cái đẹp mà suốt đời Shingo tìm kiếm. Shingo tìm thấy nhiều sự tương đồng giữa cô và người phụ nữ năm xưa ông đã ngưỡng mộ. Hình ảnh đẹp đẽ đó luôn trở về trong giấc mơ ông. Trong mơ, thực sự Shingo đã thực hiện một hành trình ngược về quá khứ để tìm lại những vẻ đẹp truyền thống đang dần bị mai một trong hiện tại.
Trong ba tiểu thuyết tiêu biểu cho ba chặng đời của Kawabata, độc giả đều dễ dàng nhận thấy hình ảnh nhân vật chính mang bóng dáng một lữ nhân đi tìm cái đẹp. Trước thực tại mà bề ngoài có vẻ náo nhiệt nhưng bên trong chất chứa những đổ vỡ, cô đơn, lữ khách đã ra đi tìm kiếm những giá trị đích thực của cuộc sống. Đó là cái đẹp thanh tao dịu dàng của tâm hồn Nhật Bản truyền thống. Cái đẹp đó dường như chỉ tồn tại ở một nơi nào đó xa xôi hay trong miền ký ức sâu thẳm của mỗi con người. Còn trong thực tại, nó đang bị đoạ đầy. Hình ảnh lữ khách cô đơn đi tìm cái đẹp trong sáng tác của Kawabata gợi người ta nhớ đến thi sĩ hành hương Basho một mình trên những nẻo đường Nhật Bản. Chân lý là kho tàng riêng mỗi người phải tự mình tìm kiếm. Đó không phải là công việc của nhóm nên hình ảnh lữ khách đi tìm cái đẹp thường là kiểu nhân vật cô đơn.
b. Những cánh anh đào mong manh
Trong bài viết Đặc điểm thi pháp truyện trong lòng bàn tay của Y. Kawabata, Hoàng Long có chỉ ra một hình ảnh trung tâm của thể loại truyện trong lòng bàn tay của Y.Kawabata là “hình ảnh người nữ hiện thân cho cái đẹp mà người lữ khách muôn đời theo dấu”. Tuy nhiên đây cũng là những nhân vật chính trong các tiểu thuyết của Kawabata. Hình ảnh những nhân vật nữ thường gợi người đọc nhớ tới những cánh anh đào lộng lẫy nhưng hết sức mong manh.
Ngay ở tiểu thuyết đầu tay Vũ nữ Izu, Kawabata đã khắc hoạ hình ảnh một thiếu nữ như thế: Kaoru. Mới mười ba tuổi, nàng giống như một nhành liễu xanh non vươn lên đón không khí mùa xuân trong lành. Vẻ đẹp trong sáng, hồn nhiên của nàng đã khiến chàng trai rung động sâu sắc. Tuy nhiên trong số phận của nàng, người đọc cảm nhận được một nỗi u buồn mênh mông. Nàng là thành viên một gánh xiếc gia đình. Làm nghề mua vui cho thiên hạ nhưng nàng và cả gia đình chỉ nhận được sự mỉa mai, khinh rẻ của người đời. Kết thúc tiểu thuyết, nàng chia tay với chàng sinh viên. Chàng lên tàu trở về Tokyo, còn Kaoru, nhà văn không nói rõ đi đâu. Thân phận mỏng manh của nàng lênh đênh trôi dạt về phương trời nào, không ai biết.
Trong tiểu thuyết Xứ tuyết, cô gái Yoko tuy không được miêu tả trực tiếp nhưng qua cảm nhận của nhân vật Shimamura hiện lên rất đẹp. Vẻ đẹp của nàng trong sáng, thánh thiện như thiên thần. Vì thế, Shimamura chỉ có thể mơ tưởng về nàng như về một hình bóng thuộc một thế giới xa xôi. Nàng đẹp nhưng số phận của nàng thật đáng thương. Nàng chết trong một đám cháy khủng khiếp. Từ trên cao, nàng rơi xuống như một cánh hoa đào đang độ rực rỡ thì rơi rụng.
Trên hành trình xuôi theo dòng thời gian cuộc sống, một cuộc sống bề ngoài có vẻ rất thành công nhưng bên trong lại chất chứa rất nhiều đổ vỡ, thất bại, trái tim ông già Singô lại ngược dòng trở về với những năm tháng thanh xuân tươi đẹp. Ông trở về để tìm kiếm một hình bóng xa xôi, một hình bóng đã có thời làm trái tim ông xao xuyến, “không ngủ yên”. Đó là người chị gái của bà Yaxucô, vợ ông. Chị ấy xinh đẹp đến không ngờ. Chị kết hôn với một chàng trai đẹp đẽ. Nhưng cuộc sống của chị thật ngắn ngủi. Chị qua đời để lại hai đứa con nhỏ. Nhan sắc của chị chưa kịp tàn phai. Những kỷ niệm về chị còn mãi trong tim cả Singô và Yaxuco. Chị giống như chiếc lá diêu bông suốt đời Singô hời gọi, kiếm tìm.
Số phận nữ họa sĩ tài hoa Ueno trong tiểu thuyết Đẹp và Buồn có lẽ đã được nhà văn khái quát lại trong hai từ tên của tác phẩm. Mười lăm tuổi, nàng đã yêu say đắm một người đàn ông có vợ và con. Vô tư, trong sáng, Ueno đã dâng hiến tất cả mà không hề so đo, tính toán. Anh ta cũng yêu Ueno nhưng không thể bỏ vợ và con. Sau khi Ueno đi bệnh viện phá thai, nàng gần như phát điên. Mẹ nàng muốn nàng đoạn tuyệt hẳn với người tình nên đã đưa nàng đi Kyôtô. Nàng học hoạ và trở thành một họa sĩ nổi tiếng. Tuy nhiên, hình ảnh của người đàn ông không bao giờ phai mờ trong tâm trí nàng. Nàng ở vậy cho đến khi gặp một cô học trò đồng tính. Vì yêu nàng mà cô gái đã tìm cách trả thù cho nàng. Cô gái tìm cách mê hoặc con trai người tình năm xưa của Ueno rồi rủ anh ta ra hồ bơi. Thuyền bị hỏng máy rồi chìm. Chàng trai bị chết, cái chết được lý giải như một tai nạn thương tâm.
Đẹp và buồn, đó cũng là số phận của những nhân vật nữ nói chung trong sáng tác của Kawabata. Xây dựng hệ thống hình tượng nhân vật nữ xinh đẹp nhưng có số phận bất hạnh, Kawabata đã kế thừa lý tưởng thẩm mỹ và bút pháp tác phẩm Truyện Genji của Murasaki nói riêng và văn học Nhật Bản thời Heian nói chung. Đó là sự đề cao vẻ đẹp tàn phai u buồn của sự vật, đề cao cảm xúc trước sự phôi pha của cái đẹp. Vẻ đẹp đó được hình tượng hoá thành hình ảnh những người phụ nữ, những cánh anh đào xinh đẹp nhưng cũng thật mong manh. Cuộc đời của họ bất ổn, nổi trôi không bằng cuộc đời của một mảnh vải chijimi. Về họ, Kawabata đã viết với một nỗi niềm xúc động và cảm thông vô bờ.
2. Cặp Nhân vật
Trong văn học thế giới Đông Tây kim cổ, các nhà văn thường hay xây dựng những cặp nhân vật nhằm biểu đạt một ý đồ sáng tạo nghệ thuật nào đó. Cũng không hiếm những cặp nhân vật rất nổi tiếng như Đôn Kihôtê và Sanxô Panxa trong tiểu thuyết Đôn Kihôtê, Thuý Vân – Thuý Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. .. Nhưng sử dụng cặp nhân vật như một hình thức nghệ thuật quan trọng, thống nhất xuyên suốt trong sự nghiệp sáng tác như Kawabata là một trường hợp khá độc đáo. Hầu như trong tác phẩm nào của Kawabata, người đọc cũng có thể bắt gặp cặp nhân vật có mối quan hệ đối sánh hay đối lập. Những cặp nhân vật này trong sáng tác của Kawabata thường gây hiệu quả bất ngờ trong việc biểu đạt tư tưởng của người viết.
a. Cặp đối lập:
Trong tiểu thuyết Xứ tuyết nổi tiếng, nhà văn đã xây dựng một cặp nhân vật mang ý nghĩa đối lập là Yoko và Komako. Hai cô đều là những ca nữ phục vụ trong một quán trà trên vùng xứ tuyết băng giá. Xét về ngoại hình, khó có thể đánh giá ai hơn ai. Xét về tài năng, cả hai đều mười phân vẹn mười. Trong cảm nhận của Shimamura, cả hai đều có sức hút lạ lùng. Tuy nhiên cũng xuất phát từ những cảm nhận của Shimamura, mỗi người lại có những nét đẹp riêng, toát lên một thần thái riêng không thể nhầm lẫn. Komako mang một vẻ đẹp thân thể gần như là khêu gợi. Vẻ đẹp của nàng thường dấy lên trong Shimamura những ham muốn có tính bản năng:
“Cô mỉm cười hiền dịu, như dưới một ánh sáng chói lọi. Và có lẽ với nụ cười đó, cô đã nghĩ đến “hồi nọ”, vì anh thấy mặt cô đỏ dần, như toàn bộ cơ thể cô mỗi lúc một nóng rực lên theo những lời lẽ nồng cháy anh nói với cô. Vì cô cúi người về phía trước, đầu nghiêng một chút và vươn thẳng, nên anh có thể trông thấy lưng cô đỏ ửng dưới áo kimono hơi hở ra. Gáy cô và làn da ở đó trông thật khêu gợi và khi tương phản với mái tóc đen sẫm, da thịt cô chỗ ấy càng làm anh thèm muốn. Trong cơn thèm khát rạo rực cháy bỏng, anh tưởng như cô đang khoả thân trước mắt anh”11
“Ánh sáng trong phòng giờ đây đã đủ để Shimamura có thể trông thấy vẻ đẹp tươi thắm của má cô, một màu đỏ hồng tươi tắn và rực rỡ khiến anh bị hớp hồn” 12
Komako thường để lại trong Shimamura những ấn tượng cảm giác về vẻ đẹp nhục thể. Nơi lưu giữ những kỷ niệm về Komako trong Shimamura chính là bàn tay. Khi gặp lại Komako lần thứ hai, chính Shimamura đã khẳng định như vậy với nàng:
“Đến chân cầu thang, anh xoè bàn tay trái giơ ra trước mặt cô:
- Bàn tay này vẫn giữ những kỷ niệm tốt đẹp nhất về em”13
Komako thường gợi lên trong Shimamura những khát khao nhục cảm:
“Xa Komako, anh luôn nghĩ về cô. Biết cô gần bên, anh đột nhiên thèm muốn để khát khao một làn da, sự đụng chạm với một nước da người mịn màng, thanh khiết”14
Hầu như trái ngược với Komako, Shimamura lại cảm nhận ở Yoko một vẻ đẹp huyền bí, siêu nhiên, lạnh lùng, xa xôi, vẻ đẹp của tuyết, một vẻ đẹp lý tưởng:
“Và anh nhớ lại vẻ đẹp tinh khiết, khó tả nên lời của đốm lửa lạnh lẽo ở xa kia, vẻ thần tiên của điểm sáng ấy khi nó chuyển dịch qua khuôn mặt người đàn bà trẻ mà dưới đó là phong cảnh ban đêm chạy về phía sau, trong cánh cửa của toa tàu, ánh sáng ấy trong một lúc đã chiếu rọi đầy vẻ siêu nhiên cái nhìn của nàng”15
“Và gương mặt xinh đẹp cảm động ấy như thể hất tất cả ra cái buồn tẻ âm u xung quanh. Hình ảnh gương mặt đó có vẻ phi thực và nếu vậy cũng phải trong suốt”16
Vẻ đẹp của Yoko gợi Shimamura liên tưởng tới vẻ đẹp của những cô gái Nhật Bản thời xưa, vẻ đẹp truyền thống:
“Khi anh nghe giọng Yoko làm sống lại bài hát thời thơ ấu, trong lúc tắm, anh vụt có ý nghĩ các cô gái thời xa xưa ấy, cùng một lúc, cũng cất tiếng hát trong lúc chăm chú vào công việc, khom mình trên khung dệt, đưa thoi chạy vun vút qua giữa hai làn sợi. Dường như giọng hát của Yoko bắt theo nhịp những động tác của các cô thợ dệt đang hiện ra trong sự tưởng tượng của anh”17
Thông qua cặp nhân vật tương phản Yoko và Komako, Kawabata muốn gửi đến người đọc một quan niệm của ông về cái đẹp và quá trình nhận thức cái đẹp. Mặc dù không phủ nhận cái đẹp ngoại hình và những rung động trước vẻ đẹp ấy nhưng nhà văn đề cao và trân trọng vẻ đẹp tinh thần và những cảm xúc trước vẻ đẹp lý tưởng. Quá trình nhận thức cái đẹp chân chính diễn ra cũng không hề đơn giản. Người ta rất có thể phải trải qua những lầm lạc, khổ đau mới có thể đến được chân lý ấy.
Tiểu thuyết Ngàn cánh hạc thấm đẫm nỗi xót xa, niềm bi cảm của nhà văn trước sự suy vi của trà đạo. Những kẻ tự coi là thầy dạy trà bị tha hoá trở thành những “Mã Giám Sinh”, những mụ “Tú Bà” chính hiệu. Trà đạo vốn là một nghệ thuật, một mỹ học của người Nhật. Trà đạo là con đường thông qua việc uống trà để đạt tới cái trong sạch, thanh tịnh của tâm hồn. Nhưng trong tay những vị “trà sư”- những mụ mai mối, những gã buôn người, trà đạo đã trở thành “trà tình”, “trà mối”. Tiêu biểu cho loại trà sư giả hiệu đó chính là Kurimoto Chikako. Chikako được khắc hoạ với những đường nét rất hiện thực. Nhà văn không miêu tả nhiều chi tiết rườm rà mà chỉ tập trung vào một số nét gây ấn tượng mạnh cho độc giả. Ngay từ đầu tác phẩm, nhà văn đã đặc tả cái bớt trên ngực mụ, cái bớt mà Kikuji đã nhìn thấy khi chàng cùng cha đến nhà bà ta năm chàng chín tuổi. Cái bớt to bằng bàn tay, màu tím than, trên mọc nhiều lông đến nỗi mụ phải cắt bớt đi. Nó trông gớm ghiếc như một con cóc. Hình ảnh ấy chưa bao giờ thôi ám ảnh trí óc Kikuji. “Đôi khi chàng tưởng tượng như chính cuộc sống của chàng cũng bị vướng mắc trong cái ấn tượng về nó”. Không chỉ gớm ghiếc về ngoại hình, Chikako còn đáng sợ với những toan tính, những âm mưu đen tối, thâm độc. Thuở trẻ, Chikako ganh ghét với Ota, người đàn bà được cha của Kikuji yêu mến. Chikako đã dùng mọi thủ đoạn đe doạ Ota để có được tình yêu của cha Kikuji. Bà ta vội vã báo tin cho mẹ chàng, giả bộ đứng về phía mẹ chàng như thể một đồng minh tận tâm và vô tư nhất. Ngay cả trước mặt Kikuji, Chikako cũng không ngần ngại hạ nhục bà Ota. Giờ đây, khi bà Ota đã khuất núi, Chikako vẫn không buông tha. Vì muốn chia cắt tình yêu của Kikuji- con trai người tình năm xưa với Fumiko, con gái bà Ota nên Chikako đã tổ chức một buổi uống trà nhằm giới thiệu Kikuji với cô gái nhà Inamura.
Đối lập với Chikako là cô gái nhà Inamura, cô gái luôn cầm một chiếc khăn tay lụa màu hồng thêu ngàn cánh hạc. Nàng là biểu tượng của vẻ đẹp thanh tao trong sáng. Những âm mưu đen tối dường như không làm hoen ố tâm hồn nàng. Trước mắt Kikuji, “cô gái nhà Inamura bỗng trở nên đẹp lạ thường, nàng nổi bật lên trên những mẩu chuyện nhỏ nhen của những người đàn bà đứng tuổi đang vây quanh chàng kia”18.
Cô gái rất đẹp. Khung cảnh thiên nhiên quanh nàng cũng vậy. Không gian tràn đầy ánh sáng. Những nhành lá non. Những cánh hạc trắng tung bay. Tất cả gợi lên một vẻ đẹp thanh xuân, trong sáng, tinh khôi. Cô gái đang học trà đạo ở nhà Chikako. Nàng là hình bóng của cái đẹp dĩ vãng đã cất cánh bay đi hay là niềm hy vọng của nhà văn về một tương lai của trà đạo trong bối cảnh suy vi hiện tại của nó?
Hai nhân vật thầy trò hoạ sĩ Ueno trong Đẹp và buồn cũng là một cặp đối lập. Mặc dù đều là những phụ nữ xinh đẹp, đều có chung niềm đam mê nghệ thuật hội hoạ, cùng là những hoạ sĩ tài năng nhưng Ueno và học trò của cô đối lập nhau về tính cách và tâm hồn. Ueno thực sự là một người con gái vị tha, nhân hậu. Nàng yêu Oki - một người đàn ông ba mươi mốt tuổi khi nàng vừa tuổi trăng tròn. Nàng đã hiến dâng tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình cho người mà mình yêu. Nàng có thai. Nhưng anh ta không dứt khoát đoạn tuyệt với gia đình vợ con để đến với nàng. Mẹ nàng đã đưa nàng đi Kiôtô để nàng quên đi nỗi đau bị bỏ rơi. Khi đứa con chết, Ueno gần như phát điên, phải vào điều trị trong bệnh viện. Từ đó nàng đã ở vậy khép kín lòng mình bởi trái tim nàng đã dành hết cho mối tình đầu. Nàng luôn thương nhớ người tình năm xưa và không hề oán trách anh. Hơn hai mươi năm sau, Oki đề nghị gặp lại nàng. Ueno lúc này là một hoạ sĩ nổi tiếng đã nhận lời. Nàng tiếp ông với một phong thái lịch thiệp, đúng mực và đầy bao dung. Cuộc gặp gỡ giữa hai người thực sự là một cuộc kỳ ngộ giữa những người bạn cũ. Trái ngược với Ueno, Keiko, học trò của nàng là một cô gái độc ác, thù hận. Keiko là một người đồng tính. Cô ta yêu cô giáo dạy hoạ của mình. Vì yêu Ueno nên Keiko đã tìm mọi cách để trả thù cho cô giáo và cũng là cách cô ta bảo vệ tình yêu với cô giáo của mình mặc dù Ueno đã nhiều lần tìm cách can ngăn. Keiko tìm cách ngủ qua đêm với Oki để hạ nhục ông ta, bêu riếu ông ta với Ueno. Không những thế Keiko còn lừa gạt tình cảm của Taichiro, con trai của Oki. Cô ta hò hẹn Taichiro ra hồ để tắm. Chiếc thuyền chở đôi trai gái đã chết máy, chìm xuống hồ một cách bí ẩn. Taichiro chết còn Keiko thì không. Đây chính là màn kịch Keiko dựng lên để hãm hại Taichiro trả thù cho cô Ueno. Bên cạnh một Keiko đầy thù hận, ích kỷ, tàn nhẫn là một Ueno chan chứa yêu thương, vị tha và độ lượng. Chính việc đặt hai nhân vật tương phản cạnh nhau đã làm nổi bật vẻ đẹp của Ueno.
b. Cặp đối sánh:
Không chỉ xây dựng cặp nhân vật đối lập, nhà văn còn tạo dựng những nhân vật đối sánh. Những cặp nhân vật này cũng góp phần giúp nhà văn thể hiện tư tưởng sâu xa.
Trong “truyện trong lòng tay” Địa tạng vương Bồ Tát Oshin có một cặp nhân vật có tính đối sánh, bổ sung cho nhau. Đó là Điạ tạng vương Bồ Tát Oshin và người kỹ nữ. Cả hai người con gái – một người trong huyền thoại và một người hiện hữu bằng xương bằng thịt - đều rất xinh đẹp. Số phận của họ cũng rất giống nhau: đều chỉ là vợ chung mua vui cho khắp thiên hạ, bị khinh rẻ, bị chà đạp. Khi bước vào tuổi xế chiều, đứng bóng, họ không còn được ai đoái hoài tới. Địa tạng vương Bồ Tát Oshin trở thành những hồn ma vô thừa nhận. Nàng được tạc thành tượng thờ chung trước cửa lữ điếm. Còn người thiếu nữ thanh xuân thuở nào giờ xanh xao, tàn tạ. Cặp nhân vật Địa tạng vương Bồ tát Oshin và kỹ nữ bổ sung cho nhau làm rõ hơn kiếp người đau khổ của những người phụ nữ .
Người chị gái của bà Yaxuco và Kikuko- con dâu ông bà Shingo là một cặp đối sánh, bổ sung lẫn nhau để hoàn thiện một hình mẫu vẻ đẹp truyền thống Nhật Bản. Nhân vật người chị gái bà Yaxuco không được tập trung khắc họa rõ nét. Bà không được tác giả đặt tên, cũng không được miêu tả rõ ngoại hình cũng như tính cách. Nhưng qua cảm nhận của Shingo- người đàn ông ngưỡng mộ bà như một tín đồ, bà thực sự là hiện thân của nữ thần Sắc đẹp- trong sáng, tinh khiết và xa vời. Bà lấy chồng, có hai con rồi qua đời khi nhan sắc chưa kịp tàn phai. Hình ảnh bà thường hiện lên trong những giấc mơ của Shingo như là biểu tượng của cái đẹp vĩnh cửu. Vẻ đẹp của bà dường như còn phảng phất đâu đó trong hình ảnh của Kikuko, con dâu của ông bà Shingo. Kikuko là cô gái xinh đẹp. Mặc dù đã có chồng nhưng Kikuko vẫn mang vẻ đẹp ngây thơ trong trắng của một thiếu nữ. “Trong điệu bộ ngúng nguẩy đôi vai của Kikuko, Singo nhận thấy có một vẻ gì đó rất đáng yêu, thoáng một nét đỏm dáng thơ ngây”. Kikuko rất yêu thiên nhiên. Cô cùng cha chồng chia sẻ những rung động trước vẻ đẹp của cỏ cây hoa lá: một bông hoa hướng dương nở bên bờ rào hàng xóm, một cây gbinco đâm chồi, một khóm hoa huệ đen hé nụ; xúc động trước một tiếng ve, tiếng đàn chim ó bay về làm tổ trên mái nhà, tiếng chuông chùa ngân nga... Cô yêu thích những làn điệu hát ru, sưu tầm tất cả những bài hát ru trên thế giới rồi đôi khi khe khẽ hát theo những lúc không có ai. “Mỗi khi thấy cảnh ấy, trái tim Singo như muốn chảy tan ra vì trìu mến. Theo ông, những bài hát ru là một lời ngợi ca cao nhất đối với phái nữ”. Nhân vật người chị gái và Kikuko là một cặp nhân vật đối sánh, bổ sung cho nhau để làm nổi bật một hình mẫu của vẻ đẹp truyền thống Nhật Bản.
Cặp nhân vật là một trong những hình thức nghệ thuật quan trọng giúp nhà văn thể hiện chủ đề tư tưởng.Trong tác phẩm của Kawabata có kiểu cặp đối lập và cặp đối sánh. Cặp đối sánh gồm hai nhân vật có nhiều nét tương đồng vì vậy chúng góp phần hoàn thiện một quan niệm thẩm mỹ nào đó của nhà văn. Cặp đối lập thường có những đặc điểm tương phản. Qua việc đặt chúng cạnh nhau, nhà văn đã làm nổi bật quan điểm của mình: phủ định hay khẳng định, phê phán hay ngợi ca, nâng niu trân trọng hay khước từ…Những giá trị truyền thống của Nhật Bản đều nằm trong cảm hứng ngợi ca, trân trọng của nhà văn.
3. Phân tích tâm lý nhân vật
Anders Sterling trên VnE đã nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lý của Kawabata:
“Kawabata đặc biệt được ca tụng là một nhà phân tích tài tình tâm lý phụ nữ. Nghệ thuật bậc thầy này của ông biểu hiện trong hai đoản thiên tiểu thuyết Xứ tuyết và Ngàn cánh hạc. Trong hai tác phẩm này, chúng ta có thể thấy được khả năng miêu tả xuất sắc những trường đoạn gợi tình, sự quan sát sắc sảo tinh tế, sự đan xen những chi tiết nhỏ nhặt, bí ẩn làm lu mờ kỹ thuật kể chuyện của châu Âu”.
http://vietsciences.free.fr cũng khẳng định: “Với các hình ảnh mang nhiều màu sắc, nhiều tính nhạy bén về tâm lý và các hình ảnh mô tả Komako đã khiến cho nhà văn Kawabata nổi danh là bậc thầy về tâm lý phụ nữ”.
Đọc sáng tác của Kawabata, chúng tôi cũng nhận thấy khả năng phân tích tâm lý nhân vật tuyệt vời trong sáng tác của ông.
a.“Phép biện chứng tâm hồn”:
Tâm lý nhân vật trong sáng tác của Kawabata giống như một dòng sông luôn trôi chảy. Nó phát triển rất phức tạp dưới sự tác động của những yếu tố bên ngoài. Nhà văn đã nắm bắt và miêu tả rất tài tình những trạng thái tinh tế trong tâm hồn nhân vật.
Trong tiểu thuyết Xứ tuyết, có thể nói Kawabata đã rất xuất sắc khi miêu tả tâm lý nhân vật Komako. Komako là một phụ nữ có hoàn cảnh và tâm lý rất phức tạp. Một mặt cô yêu Shimamura. Mặt khác cô không được phép gắn bó sâu đậm với anh bởi dù sao anh ta cũng chỉ là một khách du lịch lưu lại mấy ngày ở xứ tuyết. Hơn nữa Shimamura đã có vợ và con ở Tokyo. Buổi tối mùa đông, trước khi Shimamura rời xứ tuyết, Komako có tâm trạng rất bất thường, lời nói, hành động của cô đầy rẫy những mâu thuẫn . Cô nài nỉ anh đi dạo mặc dù trời rét buốt. Dù con đường từ lữ quán nơi Shimamura trọ đến nhà ga dài hai cây số nhưng cô vẫn yêu cầu anh đi. Về đến phòng, cô tuyệt vọng buông mình ngồi phịch xuống, không nói một lời, đầu rũ ra, hai tay thọc sâu vào ngăn sưởi. Cô đòi về nhưng lại bảo ngồi đây một lát. Sau đó lại bảo ngồi đây cho đến sáng. Rồi lại đòi về. Cuối cùng cô bộc bạch nỗi niềm sâu kín của mình:
“Em không thể nói là mọi chuyện dễ dàng đối với em! Anh phải về Tokyo. Chuyện đó thật không dễ dàng đối với em!”.
Mặc dù vậy, cô vẫn van vỉ cầu xin Shimamura về Tokyo rồi lại kiên quyết không cho anh về:
“- Em xin anh: anh hãy trở về Tokyo đi!
- Đúng là anh định ngày mai sẽ lên tàu thật
- Sao cơ? Không! … Anh không đi, anh không có lý do gì để đi cả, phải không?
Cô chồm dậy như một người thức giấc đột ngột, với vẻ ngạc nhiên hơi hốt hoảng trong đôi mắt”19 .
Ngòi bút của Kawabata đã phân tích rất kỹ lưỡng tâm trạng giằng xé, đầy rẫy những mâu thuẫn của Komako trong tình cảm với Shimamura. Yêu Shimamura say đắm nhưng nàng không thể níu giữ được anh. Sự bất lực của nàng bộc lộ chân thành đến tội nghiệp.
Komako là một geisha. Có lẽ nàng luôn luôn bị ám ảnh bởi thân phận thấp hèn của mình nên mỗi khi Shimamura khen nàng, nàng đều có cảm giác anh đang chế giễu. Nàng cảm thấy bị tổn thương. Cảm xúc của nàng khi anh khen bộc lộ rất nhiều dạng thức: giận dữ, căm ghét, đau khổ. Chỉ bằng một vài nét phác hoạ cử chỉ, ngôn ngữ của Komako, cả thế giới nội tâm luôn vận động biến đổi phong phú của nàng đã hiện lên thật rõ nét:
“- Một người đàn bà tuyệt hảo! – Anh tiếp.
- Gì cơ?
- Đàn bà tuyệt hảo!
- Anh nói gì lạ thế!
Cô ngoảnh đầu như để tránh cảm giác chà xát của cằm Shimamura vào vai mình.
Đột nhiên, không hiểu sao, Komako chống người lên một khuỷu tay, giọng run lên vì giận dữ:
- Một người đàn bà tuyệt hảo, hả? Sao anh ăn nói thế? Anh muốn nói gì vậy?
Shhimamura đăm đăm nhìn cô, không trả lời.
- Anh thừa nhận đi: chính vì thế mà anh đến đây đấy à? Anh chế giễu em! Anh khinh em quá đấy!
Mắt cô rực lửa, vai cô run lên vì giận, mặt đỏ nhừ. Nhưng cơn giận bừng bừng ấy lại nguôi ngay lập tức như khi nó bốc lên và nước mắt ràn rụa trên gương mặt tái ngắt:
- Em ghét anh! Trời ơi! Em ghét anh đến chừng nào!
…. - Trời ơi , sao tôi khổ thế này, - cô kêu nho nhỏ, người cuộn tròn như trái bóng, đầu gục lên gối nức nở”20.
Kawabata đã tái hiện lại những cảm xúc sâu kín trong tâm hồn nàng geisha tội nghiệp. Vì gia cảnh, nàng đã phải dấn thân vào cuộc sống nơi lữ quán với những “cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm”. Nàng khát khao một tình yêu sắt son chân thành. Nhưng làm sao nàng có thể tìm được ở nơi những khách làng chơi đến rồi đi vội vã. Những người con gái như nàng chỉ được coi là những thú tiêu khiển. Giống như con chim từng bị tên, nàng nghi ngờ tất cả những tình cảm mà Shimamura dành cho nàng. Tất cả những trạng thái tâm lý đó được miêu tả thật tinh tế. Điều đó chứng tỏ cái tài và cái tâm của nhà văn. Ông hiểu và cảm thông sâu sắc với những khổ đau mà Komako và những người con gái có số phận như nàng phải trải qua. Tình yêu của Kawabata dành cho các geisha đã có sự gặp gỡ với tấm lòng của Basho dành cho các du nữ trong những bài thơ hai- cư hay tấm lòng của Nguyễn Du dành cho nàng Kiều, nàng Tiểu Thanh trong Truyện Kiều và Độc Tiểu Thanh ký.
Không chỉ xuất sắc trong việc khắc hoạ tâm lý nhân vật nữ, Kawabata cũng rất tài tình trong việc tái hiện những biến đổi tế vi trong tâm hồn những người đàn ông như Shimamura. Shimamura lên xứ tuyết ba lần. Lần thứ nhất, để giải khuây, anh cho gọi một geisha đến trò chuyện. Người được anh chọn là Komako. Vẻ đẹp và sự đáng yêu của Komako đã khiến anh có cảm giác gắn bó, gần gũi với nàng. Trên chuyến tàu lên xứ tuyết lần hai, Shimamura gặp một cô gái có vẻ đẹp thánh thiện. Cử chỉ, hành vi của nàng toát lên một lòng vị tha vô bờ. Lòng ngập tràn mối thiện cảm với cô gái ấy nhưng lúc nào Shimamura cũng có cảm giác giữa nàng và anh có một khoảng cách không vượt qua nổi. Khi biết Yoko- cô gái trên tàu sống cùng với Komako dưới một mái nhà, anh rơi vào một cảm giác kỳ lạ:
“Từ khi biết Yoko có mặt ở nhà này, Shimamura cảm thấy hơi ngượng ngập, không hiểu vì sao. Anh tự cho là kỳ quặc nếu như lại cho người gọi Komako tới. Có phút nào đó trống rỗng nơi anh. Sự tồn tại của Komako vẫn làm cho anh thấy đẹp đấy, nhưng hãy để cái hư ảo và cô đơn đến, mặc dù anh thầm biết Komako đã dâng hiến cho anh tình yêu tất cả. Trống rỗng. Và sự gắng gỏi, sự lao vào kiếm sống của cô làm cho anh đau khổ, như đụng vào chỗ hiểm. Anh xót xa như thương tiếc chính mình.
Đôi mắt ngây thơ kia, đôi mắt của Yoko có thể rọi sáng đến đáy của những chuyện đó, anh chắc thế và anh cũng chẳng biết vì sao, sự thực ra sao, khi mình bị người con gái ấy hút hồn”21
Kawabata đã khắc hoạ chính xác sự vận động trong tâm hồn lữ khách Kawabata. Trên con đường đi tìm cái đẹp, ban đầu anh sa vào lầm lạc. Anh ngỡ Komako là cái đẹp đích thực. Nhưng Yoko xuất hiện. Vẻ đẹp của nàng- vẻ đẹp của tâm hồn cao thượng tương phản với vẻ đẹp nhục cảm của Komako khiến anh nhận ra đâu là vẻ đẹp bấy lâu anh tìm kiếm. Chính sự xuất hiện của của Yoko đã tạo nên trong Shimamura một cảm giác xấu hổ, ngượng ngùng nếu như chàng tiếp tục mối quan hệ thân xác với Komako. Cái đẹp bao giờ cũng cũng có chức năng cứu rỗi. Cái đẹp đã chắp cho tâm hồn Shimamura đôi cánh vượt lên những gì tầm thường, trần tục.
Thành công trong nghệ thuật khắc họa những diễn biến tinh tế trong tâm hồn nhân vật, Kawabata thực sự là bậc thầy về tâm lý. Nhưng đó cũng là biểu hiện của một cái tâm nhạy cảm, rung động sâu sa trước những nỗi niềm u ẩn của con người.
b. Thống nhất tâm và cảnh
Trong văn học phương Đông, một trong những thủ pháp nghệ thuật quan trọng mà các nhà văn hay sử dụng để khắc hoạ nội tâm nhân vật chính là dùng thiên nhiên để biểu đạt. Thủ pháp nghệ thuật này xuất phát từ quan niệm về sự tương thông giữa tâm và cảnh:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Trong sáng tác của mình, Kawabata cũng thường hay sử dụng thiên nhiên để thể hiện thế giới nội tâm thầm kín của nhân vật.
Trong tiểu thuyết Tiếng rền của núi, vào ngày lễ kỷ niệm 700 năm kinh đô Phật giáo ở Kamakura vào mùa hoa anh đào nở, vợ chồng Singo và cô con dâu Kikuko cùng trò chuyện về cái chết đầy xúc động của một cặp vợ chồng già. Chồng là một nhà từ thiện lớn, Phó chủ tịch Hội đua thuyền Nhật Bản, nguyên Chủ tịch hãng sản xuất thuyền buồm, sáu mươi chín tuổi. Còn bà vợ thì sáu mươi tám. Khi qua đời, họ để lại một lá thư trăng trối giải thích vì sao họ đã bỏ nhà ra đi biệt tích:
“Chúng tôi không muốn đạt đến tình trạng đáng ghét của tuổi già, khi mà người ta chỉ còn sống đếm từng ngày và bị thế giới và mọi người quên lãng. Hai chúng tôi không muốn sống đến lúc đó. ..Con người ta cần phải ra đi trong lúc còn được yêu mến. Vì thế chúng tôi rời bỏ thế giới này trong tình yêu thương của gia đình và của vô vàn bạn hữu cùng các bậc đồng nghiệp, đồng niên”22
Câu chuyện đó đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng Singo. Ông nghĩ gì, nhà văn không miêu tả trực tiếp. Nhưng hình ảnh cây anh đào được miêu tả qua cái nhìn của Singo đã nói lên nỗi lòng sâu kín của ông:
“Singo lặng thinh ngắm nhìn cây anh đào nở đầy hoa. Những cánh hoa đầy đặn và lộng lẫy bồng bềnh trôi trong sắc trời chiều xanh ngắt. Cả đường nét lẫn màu sắc của vòm tán không hề gợi nghĩ đến sức mạnh, nhưng cây hoa dường như vẫn choán hết cả bầu trời. Nó đang ở vào giai đoạn nảy nở rực rỡ nhất, và khó có thể tin rằng một vẻ huy hoàng dường ấy lại sắp mất đi. Những chiếc lá sắc trắng từ trên cành rụng xuống lả tả và phủ lên mặt đất xung quanh gốc cây như một tấm thảm”23.
Với một tâm hồn nhạy cảm, từ câu chuyện về cái chết đầy ấn tượng của hai vợ chồng thương gia nọ, Singo nghĩ về số phận mong manh, ngắn ngủi của kiếp người. Hình ảnh những cánh anh đào rơi rụng lả tả gợi ông liên tưởng tới sự phù du của số phận con người. Đây cũng luôn là một ám ảnh sâu đậm trong tâm hồn Nhật Bản. Những bông hoa lả tả trong buổi sáng mùa xuân, lá rơi trong chiều thu, những bông tuyết tan, giọt sương trên ngọn cỏ, bọt nước trên sóng… tất cả đều đánh thức nỗi ám ảnh về sự phù du ngắn ngủi của cuộc sống trong tâm trí người Nhật.
Singo trong Tiếng rền của núi là một ông già, nhạy cảm, tinh mắt, thính tai. Ông nghe, ông nhìn thấy trong những âm thanh, hình ảnh hết sức quen thuộc của thiên nhiên tiếng nói âm thầm của nó. Và những âm thanh của chúng đã lên tiếng hộ nỗi lòng của ông:
“Một đêm sáng trăng.
Từ ngoài vườn vẳng vào tiếng ve sầu. Singo không ngờ rằng tiếng ve lại có thể râm ran đến như vậy. Phải chăng là chúng đang ngủ mơ những ác mộng, ông thầm nghĩ. Đêm trăng này đối với ông hun hút vô bờ bến.
Tháng tám vừa mới bắt đầu, vậy mà các loài côn trùng mùa thu đã bắt đầu lên tiếng . Singo nghe có tiếng động nhẹ nào đó. Hình như sương đang rơi trên cành lá.
Sau đó ông nghe thấy tiếng núi rền. Trời không gió. Trăng gần rằm sáng rõ, nhưng qua màn đêm ẩm ướt, hình dáng quả núi phía sau nhà nhoà nhạt, mờ ảo và hoàn toàn bất động…
Singo bỗng chợt nghĩ hay là ông nghe thấy tiếng biển. Nhưng không - đây rõ ràng là tiếng núi.
Nó giống như tiếng gió xa, nhưng có thể ví với tiếng rền rĩ trầm vang từ sâu trong lòng đất vọng ra. Singo cảm thấy như đó là tiếng rền từ trong chính bản thân mình hoặc bị ù tai, vì thế ông lắc mạnh đầu”24
Trong những âm thanh bình dị của cỏ cây hoa lá, Singo cảm nhận được quy luật vô thường của cuộc sống. Vạn vật xung quanh ta đang vận động âm thầm từng giây phút. Con người cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Trong văn học Nhật Bản, núi biểu tượng cho nơi ở của người già. Sơn âm ấy là tiếng của tuổi già, của cái chết. Nghe thấy tiếng núi có lẽ Singo đã cảm nhận được tuổi già đang dần đến với ông?
Truyện ngắn Thuỷ nguyệt cũng đề cập đến mối quan hệ tương thông giữa cảnh vật và tâm trạng con người. Hai vợ chồng Kyoko thường cùng nhau soi gương để ngắm nhìn cảnh vật bên ngoài. Kyoko nhận ra rằng:
“- Trong gương, bầu trời ánh lên sắc bạc- Nàng nói, rồi ngước nhìn qua cửa sổ và thêm: - Còn bầu trời ngoài cửa sổ thì xám ngoét như chì.
Bầu trời trong gương không gợi lên cảm giác nặng nề. Bầu trời ấy quả thực rất sáng sủa: “- Thế sắc trời trong gương là màu sắc mà đôi mắt của gương nhìn thấy hay sao? … - Kyoko muốn nói: “Là màu sắc của hai người yêu nhau thắm thiết nhìn thấy hay sao”. Sắc cây in bóng trong gương cũng xanh tươi hơn, so với màu sắc thực của nó”.25
Cảnh vật mà con người nhìn thấy thường đã mang tâm trạng của chủ thể. Vợ chồng Kyoko yêu nhau tha thiết. Họ hạnh phúc khi được ở bên nhau. Vì vậy, bầu trời, cảnh vật trong đôi mắt họ trở nên xanh hơn, rực rỡ hơn nhuốm màu sắc của cảm giác hạnh phúc.
Kawabata được coi là bậc thầy tâm lý nhân vật. Sự hiểu biết về thế giới tâm tư, tình cảm, tinh thần con người của Kawabata biểu hiện cái tài cũng như cái tâm của ông. Ông cảm thông đặc biệt đối với các nhân vật nữ có số phận éo le. Dưới ngòi bút tài tình của ông, những trạng thái tâm lý phức tạp của họ hiện lên có sức lay động tình cảm của người đọc, giúp người đọc hiểu hơn từ đó trân trọng hơn những phụ nữ mà trước đây người đời thường không mấy thiện cảm. Lý tưởng bình đẳng của Thiền tông được thi hào Basho nhiệt tâm thể hiện trong thơ hai- cư đã được Kawabata kế thừa và phát huy xuất sắc.
CHÚ THÍCH
1,2,3. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học, Giáo dục, H, 2004, tr 235, 236, 24
4. Y. Kawabata- Tuyển tập tác phẩm, Lao động, H, 2005, tr 999
5. Nhật Chiêu- Văn học Nhật Bản từ khởi thuỷ đến 1868, Giáo dục, H, 2003, tr 269
6,7, 8. Y. Kawabata, sđd, tr 270, 223, 222
. 9. Y. Kawabata, sđd, tr 1012
10. Một câu chuyện cổ tích của Nhật Bản kể lại rằng ngày xưa có một vị vua vì sợ nhìn thấy tuổi già nên ra lệnh nhà nào có người già thì phải mang vào núi.
11,12,13,14,15,16,17, 18, 19. Y. Kawabata, sdd trang 246, 252, 229, 295, 224, 258, 324, 351, 273, 274
20,21,22, 23. Y. Kawabata, sdd trang 309, 306, 495, 497
24. Y. Kawabata, sdd trang 441
25. Y. Kawabata, sđd, tr 56