Văn học nước ngoài

SỰ THAY ĐỔI MÀU SẮC GIỚI TÍNH TRONG VĂN HỌC NHẬT BẢN THỜI HEIAN VÀ KAMAKURA


19-10-2020
Tác giả: PGS. TS Nguyễn Thị Mai Liên

SỰ THAY ĐỔI MÀU SẮC GIỚI TÍNH TRONG VĂN HỌC
NHẬT BẢN THỜI HEIAN VÀ KAMAKURA
TS. Nguyễn Thị Mai Liên
Đại học Sư phạm Hà Nội
I. MỞ ĐẦU
Các nhà nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam ít nhiều đã từng đề cập đến vấn đề màu sắc giới tính trong văn học Nhật Bản thời Heian và Kamakura. Họ đều thừa nhận văn học Heian mang màu sắc nữ tính, còn văn học Kamakura đậm màu sắc anh hùng cao thượng. Tuy nhiên phân tích cụ thể những biểu hiện của nó thì hầu như chưa có công trình nào. Reischauer, trong cuốn Nhật Bản hôm qua và hôm nay (Japan Past and Present) cho rằng chính những tác phẩm nhật ký và tiểu thuyết của các phụ nữ quý tộc “là chứng cớ hiển nhiên về sự có mặt của một nền văn hoá bản xứ thật sự Nhật Bản”. Trong diễn từ đọc tại lễ trao giải Nobel văn chương năm 1968, Kawabata khẳng định: “Văn hoá Heian là văn hoá vương triều, mà văn hoá vương triều là văn hoá nữ phái.”. R.H.P Mason & J.G Caiger trong Lịch sử Nhật Bản cũng thừa nhận “tài năng văn học đã nở rộ trong giới phụ nữ thời Heian”. Trong cuốn Văn học Nhật Bản từ cổ đến cận đại, vai trò quan trọng của phụ nữ quý tộc Heian đối với văn hoá văn học cũng được N.I.Konrat nhấn mạnh như sau: “Thời Heian, phụ nữ đóng vai trò chủ chốt trong đời sống và trong văn học. Xuất hiện nhiều nhân tài là nữ giới”. Văn học Nhật Bản từ thế kỷ XIII đến XVI được ông cho là có tính chất “anh hùng ca hiệp sĩ” Trong cuốn Văn học Nhật Bản từ khởi thuỷ đến 1868, Nhật Chiêu cũng thừa nhận: “Bước vào văn chương Heian, ta cảm nhận lập tức một không khí diễm tình và đa cảm, đầy mùi hương nữ tính”. Ông cũng so sánh và chỉ ra sự thay đổi màu sắc giới tính trong văn học Kamakura và Heian là “yếu tố anh hùng đã thay thế yếu tố nữ tính”, văn chương Kamakura là văn chương “võ sĩ đạo”
Trong tiến trình phát triển của văn học Nhật Bản quả là có hai thời đại mà màu sắc giới tính thể hiện hết sức đậm nét: Heian và Kamakura. Bước vào thế giới văn học Heian, người đọc được tắm mình trong một “không khí diễm tình và đa cảm, tràn ngập mùi hương nữ tính”. Điều này cũng dễ hiểu bởi những sáng tác văn học giai đoạn này chủ yếu là của các tác giả nữ. Kế sau thời đại thống trị của văn chương nữ lưu lại là mấy thế kỷ văn học đậm màu nam tính. Thay cho làn hương nữ tính dịu dàng, quyến rũ là mùi khói lửa chiến tranh, là tiếng gươm khua, ngựa hí.
Nghiên cứu vấn đề giới trong văn học nói chung và trong văn học Nhật Bản nói riêng là một hướng nghiên cứu mới. Từ góc độ giới tính, người nghiên cứu có thể tiếp cận và lý giải được nhiều hiện tượng văn học.
Ở bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích một số biểu hiện cơ bản của màu sắc giới tính trong văn học Heian và Kamakura Nhật Bản trong đề tài, thể loại, nhân vật, lý tưởng thẩm mỹ…Đồng thời sử dụng phương pháp liên ngành, so sánh để chỉ ra đặc trưng của màu sắc giới tính trong từng thời kỳ.
II. MÀU SẮC NỮ TÍNH TRONG VĂN HỌC HEIAN (794- 1185)
1. Dòng văn chương nữ lưu
Đến thời Nara (710- 794), đạo Phật đã trở thành quốc giáo của Nhật Bản. Sư sãi là một thế lực chính trị, có ảnh hưởng lớn trong triều. Nhiều vị hoà thượng có tham vọng quyền lực định khuynh loát triều đình, nhòm ngó ngôi vị Thiên hoàng. Để chống lại những ảnh hưởng ấy, Thiên hoàng Kanmu đã quyết định thiên đô về thị trấn Kyoto, chấm dứt những rối ren ở Nara.
Kinh đô mới được đặt tên là Heian (Bình An) thể hiện ước mơ triều đại mới trôi qua trong thái bình, thịnh trị. Dưới trướng của Thiên hoàng Kanmu, Heian đựơc xây dựng trở thành một trong những thành phố lớn nhất thế giới thời bấy giờ. Thời Heian, giới quý tộc sống rất xa hoa. Tuy nhiên cuộc sống của họ vẫn mang tính cách Nhật, tức là vẫn tiết chế, không hoang phí và trác táng vô độ. Trong Nhật Bản tư tưởng sử, Ishida Kazuyoshi nhận xét: “Trong mấy thế kỷ cầm quyền, xã hội quý tộc chỉ sống xa hoa chứ không sa đoạ, sống vinh hoa chứ không trác táng”. Họ theo đuổi những thú vui tao nhã như cầm, kỳ, thi, họa, ngắm hoa, ngắm trăng, đốt hương, hội hè, yến tiệc…
Trong bối cảnh thanh bình, thịnh trị, văn học Nhật Bản thời Heian xuất hiện một hiện tượng kiệt xuất, phi thường, đó là dòng văn chương nữ lưu. Dòng văn học này kết tập trong nó rất nhiều cây bút nổi tiếng thế giới như Murasaki Shikibu, Sei Shonagon, Izumi, Ono no Komachi…với những kiệt tác lừng danh như Truyện Genji, Sách gối đầu, …Đây thực sự là một hiện tượng văn học độc đáo bởi ở các nước phong kiến phương Đông, người phụ nữ không được coi trọng, không được học hành đến nơi đến chốn.
Vì sao, thiên tài văn chương nữ giới lại nở rộ dưới thời Heian? Các nhà nghiên cứu đã giải thích vấn đề này theo nhiều cách. Thứ nhất do xã hội Heian còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của chế độ mẫu hệ. Phụ nữ vẫn có quyền độc lập đáng kể kinh tế và có địa vị nhất định trong xã hội. Thậm chí nhiều phụ nữ còn là Nữ thiên hoàng. Chính vì vậy, Trung Quốc đã từng gọi Nhật Bản là “xứ sở của nữ vương”. Thứ hai các gia đình quý tộc Heian thường có tham vọng nắm giữ quyền lực trong triều đình. Một cách hữu hiệu là có con gái gả vào trong triều làm vương phi hay hoàng hậu. Vì thế, các tiểu thư quý tộc Heian được tiếp thu một học vấn khá toàn diện để có thể trở thành một người con gái tài sắc vẹn toàn. Điều này giải thích tại sao trình độ học vấn của các cô gái quý tộc Heian rất cao, phụ nữ không xứ nào thời đó sánh được. Thứ ba mặc dù học Hán văn nhưng các tiểu thư Heian không bị ảnh hưởng bởi cái khí chất khô cằn của Khổng giáo. Họ say mê viết những gì đem lại cảm hứng cho họ thông qua các thể loại tiểu thuyết, tuỳ bút, nhật ký bằng chữ kana chứ không thích khoa trương sự uyên bác kinh sách Trung Quốc như nam giới. Chính sự xuất hiện của dòng văn chương nữ lưu đã đem đến cho văn học Heian một bản sắc dân tộc đậm đà. Trong Nhật Bản quá khứ và hiện tại (Japan Past and Present), Reichauer khẳng định: “Nhật ký và tiểu thuyết của các phụ nữ quý tộc là chứng cớ hiển nhiên về sự có mặt của một nền văn hoá bản xú thực sự Nhật Bản. Các tác phẩm ấy không có hình mẫu ở văn chương Trung Quốc. Mọi điều trong đó thuần tuý Nhật Bản. Văn chương Trung Quốc đã nhập lưu vào văn hoá mới và người Nhật, mới được biết chữ viết không lâu đã sản sinh một nền văn chương vĩ đại của chính mình”.
Có thể điểm qua tên tuổi của những cây bút nữ nổi tiếng trong văn học Heian như Murasaki Shikibu- tác giả của kiệt tác Truyện Genji, Nhật ký Murasaki Shikibu; Sei Shonagon với Sách gối đầu; nữ thi sĩ Izumi với Nhật ký Izumi; nữ thi sĩ - người đẹp Ono no Komachi; nữ thi sĩ Ise- cung phi của Thiên hoàng Uda; nữ văn sĩ Koshikibu- tác giả của truyện Người không vượt qua ngọn đồi hò hẹn; mẹ của Fujiwara Michitsuna- tác giả của Phù du nhật ký….
1. Văn chương Heian- văn chương của cái đẹp nữ tính (yasashii)
Văn chương Heian đậm mùi hương nữ tính với một vẻ diễm tình nồng nàn xúc cảm. Tính nữ thể hiện ở một số phương diện sau:
Lý tưởng thẩm mỹ cơ bản là cái đẹp u buồn (aware)
Nhạy cảm với cái đẹp vô thường là cảm xúc có tính chất truyền thống trong văn học Nhật Bản bởi ngư¬ời Nhật vốn yêu vẻ đẹp mong manh của hoa anh đào, luôn bị ám ảnh bởi sự phù du, hư¬ ảo của cuộc đời. Phụ nữ hơn bất cứ ai cảm nhận tinh tế hơn dòng chảy vô hình của thời gian. Họ có thể thấy thời gian đang trôi qua một sợi tóc bạc, một nếp chân chim trên khoé mắt…Vì vậy, trong tác phẩm của mình, các nữ sĩ Heian thường thể hiện niềm bi cảm của mình trước sự tàn phai của cái đẹp. Cảm xúc này được gọi lên bằng một thuật ngữ là mono no aware (gọi tắt là aware). Mono là sự vật, no là của, aware là nỗi buồn, niềm bi ai- vật ai. Nghĩa chung là niềm bi cảm trước sự phù du, ngắn ngủi của cái đẹp, của thiên nhiên và cuộc sống con người. Bao trùm văn chương nữ lưu Heian là cảm thức aware.
Trong số đó thể nói Truyện Genji của nữ văn sĩ Murasaki Shikibu thấm đẫm cảm xúc aware, cảm xúc về vẻ đẹp thanh tao, nỗi buồn sâu lắng hoà quyện trong niềm bi cảm vô th¬ường hơn cả. Trong những cuốn sách phê bình văn học xuất hiện từ thời Heian trở đi, aware được xem như một tiêu chí để đánh giá sự thành công của một tác phẩm văn học. Truyện Genji được đánh giá cao khi nó thể hiện xuất sắc niềm bi cảm nhân sinh đó: “Có người hỏi: chương nào tuyệt diệu và gây ấn tượng sâu xa hơn cả?
Không có chương nào tuyệt diệu hơn Kiritsubo. Từ mấy lời mở đầu đến lời cuối cùng diễn tả lễ thành nhân của Genji, toàn chương tràn đầy cảm thức aware làm đậm sắc thái ngôn ngữ, tình cảnh và mọi điều khác
Trong chương Bóng cây kim tước chi, cuộc thảo luận trong một đêm mưa về việc phân loại phụ nữ chứa nhiều điều đáng ca ngợi. Chương Yugao thấm đẫm một niềm bi cảm aware.
Hội lá đỏ và tiệc hoa là những chương khó quên, cái nào cũng lý thú và diễm lệ. Aoi là một chương thu hút và đầy xúc động aware.
Chương Kashiwagi chứa đựng cảnh lên đường đi Ise quả là lộng lẫy và diễm lệ. Cảnh sau cái chết của Thiên hoàng, Fujistbo phát thệ quy y gợi lên bi cảm aware.
Lưu đày ở Suma là một chương mãnh liệt và đầy nỗi niềm aware”.
Niềm bi cảm aware là chủ đề chính của tác phẩm. Nó chi phối mọi phương diện nghệ thuật của tiểu thuyết Truyện Genji từ kết cấu, đến nhân vật, đến không gian - thời gian. .. Tác phẩm gồm 54 chương kể về những cuộc đời kế tiếp nhau của hoàng tử Genji, Kaoru và Niou. Kaoru là con riêng của vợ Genji. Còn Niou là cháu ngoại của Genji. Sau khi nhân vật chính là hoàng tử Genji hào quang sáng chói qua đời, truyện không kết thúc mà tiếp tục kể về cuộc đời của thế hệ tiếp sau. Đặc điểm này khiến Truyện Genji khác với tiểu thuyết phương Tây vì tiểu thuyết phương Tây chỉ men theo cuộc đời của một nhân vật chính. Kết cấu đó được các nhà nghiên cứu gọi là kết cấu tranh cuộn Nhật Bản. Chính kiểu kết cấu này đã cho phép Murasaki diễn tả được sự phong phú, không ngừng vận động của thế giới vô thường này. Cuộc đời một con người dù hào quang sáng chói đến mấy cũng không thể là tâm điểm vĩnh cửu của vũ trụ. Tất cả hào quang, vinh hoa, phú quý, hạnh phúc, tuổi trẻ và cả những cuộc tình … rồi sẽ bị cuốn đi trong dòng chảy của thời gian.
Đề tài chính trong văn học là hôn nhân và luyến ái
Phụ nữ phương Đông và phương Tây, xưa và nay, quý tộc hay bình dân, giàu hay nghèo …. đều khát khao hạnh phúc trong tình yêu và hôn nhân, nhất là thời phong kiến khi mà ngoài gia đình, hầu như họ không có mối quan tâm nào khác. Nam giới tất nhiên cũng mong muốn tình yêu và hôn nhân hạnh phúc nhưng họ còn sự nghiệp. Những khát vọng nhân bản thầm kín của phụ nữ Heian, những tâm tư tình cảm khi yêu như hạnh phúc và khổ đau, ghen tuông, hờn giận, … được họ thổ lộ trong những trang tiểu thuyết, tuỳ bút, nhật ký, thơ.
Nhật kí phù du (Kagero nikki- Thanh linh nhật ký) là một cuốn nhật ký nổi tiếng. Chúng ta không biết nhiều về tác giả của cuốn nhật kí này. Dựa trên những điều người viết tâm sự trong cuốn sách, người đọc biết đây là cuốn nhật kí của một người phụ nữ là mẹ của Fujiwara Michitsuna. Bà mất vào năm 995. Ba tập của cuốn nhật kí này được viết khoảng sau năm 971, kể lại những sự kiện diễn ra trong khoảng 20 năm từ 954 đến 974 chủ yếu là những sự kiện liên quan đến cuộc hôn nhân không hạnh phúc của của bà với một người chồng vốn là họ hàng xa tên là Fujiwara Kaneie (Chính là vị hoàng tử được nhắc đến trong nhật kí).
Qua cuốn nhật kí, người đọc hiểu sâu sắc hơn đời sống tình cảm của một người phụ nữ quý tộc Nhật Bản thời đại Heian. Nàng đã yêu say mê và chân thành. Nàng đã kết hôn với người mà nàng yêu và sinh hạ một đứa con trai. Tuy nhiên cuộc hôn nhân ấy đem lại cho nàng nhiều đau khổ. Chồng nàng bỏ rơi nàng chạy theo những người đàn bà khác. Nàng bắt gặp lá thư anh ta viết tỏ tình với họ. Anh ta đến với người tình nhưng lại nói dối nàng là bận việc triều chính. Theo phong tục quý tộc thời bấy giờ nàng không sống chung với chồng. Nhưng đêm đêm nàng phải nghe tiếng xe của chồng chở tình nhân qua nhà trong sự chịu đựng nhẫn nhục. Số phận của nàng tiêu biểu cho những người phụ nữ là nạn nhân của những người đàn ông ích kỉ thuộc tầng lớp quý tộc thượng lưu.
Về mặt nghệ thuật, tập nhật kí đã miêu tả giản dị và tinh tế tâm lí của phụ nữ khi yêu như sự cô đơn, nỗi buồn, hờn giận…Đánh giá về Phù du nhật kí, một nhà phê bình đã viết : “Nổi bật giữa các tác phẩm độc đáo, nó vượt qua cả Sách gối đầu lẫn Nhật kí Murasaki trong cách thể hiện thế giới quan của một thành viên điển hình cho phụ nữ quí tộc thời ấy” (S. Kato, Lịch sử văn học Nhật Bản, tập 1, Fayard. Intertextes, 1985, tr 210).
Nửa đêm tỉnh giấc (Yohano nezame- Dạ bán mị giác) kể về mối tình say đắm của một chàng trai quý tộc với Naka no hime, thứ nữ của quan Thượng thư. Trong một chuyến về quê, chàng trai vốn là một hoàng thân, em trai của nữ Thiên hoàng đã làm quen với Naka no hime. Vào một đêm trăng đẹp, nàng chơi đàn koto ngoài hiên. Bị thu hút bởi tiếng đàn, chàng tiến lại gần hàng giậu trúc và say mê ngắm nhìn cô gái trẻ đẹp đang chơi đàn. Chàng làm quen và trở thành người tình của nàng. Tuy nhiên, chàng về kinh đô lấy vợ dù không quên người tình năm xưa.
Truyện kể Genji viết về rất nhiều mối tình của chàng hoàng tử đào hoa Genji với các cô gái xinh đẹp. N.I Konrat trong Văn học Nhật Bản từ cổ đến cận đại đã chỉ ra ba toạ độ của Truyện kể Genji là: thể loại tiểu thuyết- phong cách vabun- đề tài tình yêu và những người phụ nữ Heian. Trong cuộc đời hoàng tử Genji xuất hiện nhiều mỹ nữ được chàng yêu và không được chàng yêu. Genji kết hôn với công chúa Aoi nhưng không hề yêu nàng. Chàng dành tình cảm cho kế mẫu Fujitsubo và có con với kế mẫu. Chàng yêu Murasaki, cháu gái của một tu sĩ rồi dan díu với em gái thái hậu Kokiden khiến thái hậu nổi giận. Genji buộc phải tự lưu đày đến vùng biển Suma. Tại đây, Genji đã đi tìm quên lãng trong một mối tình phương xa với người con gái ở Akashi. Genji qua đời ở tuổi năm mươi hai sau khi người tình lý tưởng của chàng là Murasaki chết. Tuy nhiên, tiểu thuyết không kết thúc. Câu chuyện tiếp tục với những mối tình của hai chàng trai nổi bật là Kaoru- con riêng của vợ Genji, và Niou - cháu ngoại của Genji.
Truyện xứ Ise (Ise monogatari) miêu thuật đời sống một chàng trai quý tộc, đầy những phiêu lưu tình ái, thường được đồng hoá với một con người có thực là nhà thơ Narihira.
Các nữ thi sĩ huyền thoại như Izumi, Ono no Komachi, Ise cũng thường bày tỏ những khát khao hạnh phúc, những nỗi khổ đau bất hạnh trong tính yêu. Thơ của họ chủ yếu được tuyển trong Cổ kim tập (Kokinshu):
Từ khi tôi nhìn thấy
Người tôi mong chờ
Trong một giấc mơ
Thì niềm tin từ đấy
Tôi đặt vào trong mơ (Komachi)

Một điều không ai thấy
đang tan nát giữa đời
âm thầm tàn rơi
Là bông hoa dại
Trong trái tim tôi (Komachi)

Nếu thân xác tôi
Trông tựa một cánh đồng
Tàn úa giữa mùa đông
Thì cho dù cỏ cháy
Tôi vẫn mộng ngày xuân (Ise)

Kỷ niệm cuối cùng em hỏi
Khi đi khỏi thế gian này
Mà tim em khao khát
Hãy đến, anh ơi, lần nữa
kẻo rồi em chết ngày mai! (Izumi)
Nhân vật chính trong văn xuôi Heian đa số là những mĩ nhân - biểu tượng của cái Đẹp. Nàng Kaguya Hime trong truyện Tiểu thư Ánh Trăng là một người con gái xinh đẹp. Nàng xuất hiện và toả ánh hào quang trong một ống tre. Vẻ đẹp của nàng là niềm mơ ước của nhiều chàng trai. Họ đến cầu hôn nàng nhưng không ai vượt qua được thử thách của nàng, không ai xứng đáng với nàng. Họ là những kẻ giả dối, bất tài vô dụng. Kaguya Hime bay về cung trăng, quê hương của nàng. Cái đẹp không chấp nhận sống chung với cái xấu xa, giả dối.
Nhân vật chính trong truyện Tiểu thư yêu sâu bọ là nàng tiểu thư thích sâu bọ. Đó là một cô gái đầy cá tính với những hành động vượt ra ngoài lề thói giả tạo của xã hội. Nàng không nhổ lông mày, không nhuộm răng đen như các thiếu nữ thời đó. Nàng không ngại đi tìm bắt sâu dù phải phơi mặt trước người lạ vì nàng rất yêu những con sâu. Tình yêu của nàng dành cho những con vật xấu xí xuất phát từ một quan niệm sâu sắc rằng loài bướm tuy đẹp đẽ nhưng thực ra đó chỉ là hình tướng bên ngoài. Những con sâu đầy lông mới chính là bản chất của loài bướm.
Trong Truyện Genji, bên cạnh chàng hoàng tử đào hoa là rất nhiều mỹ nữ. Họ xinh đẹp nhưng mệnh yểu. Họ hoặc chết khi còn trẻ hoặc quy y khi thời gian chưa kịp làm băng hoại nhan sắc. Họ là biểu tượng của cái đẹp mong manh trong cuộc sống này.
Các thể loại tiểu thuyết, tuỳ bút, nhật ký nở rộ do nhu cầu thổ lộ những quan sát cuộc sống, bộc bạch những khát khao, trăn trở rất đời thường của những người phụ nữ.
III.MÀU SẮC NAM TÍNH TRONG VĂN HỌC KAMAKURA (1185-1603)
1. Kamakura - thời đại chìm trong khói lửa nội chiến
Do vị trí biệt lập (cách đất liền 115 dặm) nên Nhật Bản tránh được hầu hết các cuộc xâm lăng nhưng lại không tránh được nội chiến. Suốt bốn thế kỷ đầu thời kỳ Trung đại, Nhật Bản chìm trong khói lửa chiến tranh của những cuộc chiến giữa các dòng họ võ sĩ và quý tộc. Cuối cùng tầng lớp võ sĩ đạo đã chiến thắng quý tộc. Tuy nhiên họ cũng không dám lật đổ Thiên hoàng mà chỉ dám thiết lập một chế độ cai trị song song với Thiên hoàng. Chế độ đó gọi là Mạc phủ. Hình thức hai chế độ cùng song song cai trị tồn tại suốt bảy thế kỷ. Tuy không bị lật đổ nhưng tầng lớp quý tộc đã mất vai trò quan trọng trong xã hội. Tầng lớp võ sĩ đạo đã thay thế vị trí của quý tộc. Thời đại Kamakura là thời đại của võ sĩ.
2. Văn chương Kamakura - văn chương anh hùng, cao thượng
Do ảnh hưởng của bối cảnh lịch sử, văn chương Kamakura có nhiều nét tương phản với văn chương Heian. Tính chất anh hùng cao thượng đã thay thế tính chất nữ tính đa cảm. Yếu tố tâm linh đã thế chỗ yếu tố tâm lý. Vẻ đơn sơ, dung dị thay thế sự cầu kỳ, xa hoa. Màu sắc nam tính trong văn học Kamakura thể hiện ở một số phương diện sau.
Lý tưởng thẩm mỹ là wabi (giản dị)
Do nhận thấy nếu cứ theo đuổi những thú vui, không chịu khó rèn luyện võ nghệ thì sẽ mất hết quyền lực ở địa phương như tầng lớp quý tộc nên giới võ sĩ đạo khuyến khích cuộc sống giản dị, khắc khổ, theo đuổi nghệ thuật quân sự để giành được quyền lực thực sự nhất là ở những vùng xa trung ương. Chính lối sống giản dị của tầng lớp võ sĩ đạo đã tạo nên sắc màu dung dị cho văn hoá Kamakura. Văn chương Kamakura theo đuổi lý tưởng thẩm mỹ nổi bật là wabi. Wabi là đơn sơ, giản dị. Nguyên lý này khẳng định rằng cái đẹp nằm trong chính sự thanh tịnh, đạm bạc. Cả sự thô sơ cũng hàm chứa sự mầu nhiệm không ngờ. “Đôi khi cả đất sét thô sơ của chúng sinh lại biến thành một La hán, một Bồ tát, hay một vị Phật”.
Đề tài trong nhiều tác phẩm văn học Kamakura là chiến tranh.
Thế kỷ XII ở Nhật mở đầu cho hỗn loạn và nội chiến. Nội bộ nhà quý tộc Fujiwara lục đục. Họ không tự giải quyết được phải nhờ đến các dòng võ gia Genji và Heike can thiệp. Vì thế, cuộc chiến giữa hai nhà võ sĩ đạo diễn ra. Đến năm 1185, bằng chiến thắng trên biển Dan no Ura, dòng họ Genji đã đánh bại dòng họ Heike, mở đầu thời kỳ của võ sĩ đạo. Thế kỷ XII với tính chất bi tráng đã là nguồn cảm hứng bất tận cho văn chương. Câu chuyện về các kiếm sĩ và anh thư là đề tài cho sáng tác của các nhà văn.
Một trong những tác phẩm bi tráng hay nhất viết về đề tài chiến tranh thời Kamakura là Truyện Heike (Heike monogatari). Những trận chiến được kể trong tác phẩm diễn ra trong 5 năm từ 1180 đến 1185. Tác phẩm mở đầu bằng một tiếng chuông chùa Gion. Kết thúc tác phẩm cũng là một tiếng chuông vang lên từ một ngôi chùa ở ngoại vi Kyôtô. Giữa hai hồi chuông là câu chuỵên về sự hưng vong của một dòng họ- dòng võ gia Heike. Đầu tác phẩm, họ là những người đứng trên đỉnh cao của quyền lực và vinh quang. Nhưng kết thúc tác phẩm, số phận của họ bị chôn vùi dưới đáy sâu biển Dan no Ura. Hồi kết bi thảm của họ được tác giả lý giải như là hệ quả tất yếu của tham vọng. Tác phẩm nhuốm màu sắc tư tưởng Phật giáo vô thường.
Ngoài Truyện Heike còn có những tác phẩm khác về đề tài chiến tranh như Hogen monogatari, Heiji monogatari, Genpei seisuiki… Tất cả kể về những cuộc nội chiến xảy ra trước các biến cố của Truyện Heike.
Bên cạnh đó còn có tác phẩm Thái bình chiến ký. Đề tài của tác phẩm là những âm mưu, lừa đảo, tiêu diệt, trừng phạt, chém giết…giữa các phe phái. Tuy nhiên những câu chuyện u thảm, đáng buồn gợi lên bộ mặt đáng sợ của chiến tranh ấy, mỉa mai thay lại được ghi chép trong một tác phẩm có tên là Teiheiki tức Ghi chép về thái bình. Song vượt lên trên những tàn khốc của xung đột là khát vọng về một cuộc sống thái bình.
Nếu như nhân vật chính trong nhiều tác phẩm Heian là phụ nữ thì nhân vật chính trong các tác phẩm văn học thời kỳ này là anh hùng, võ sĩ đạo.
Trong tác phẩm Truyện Heike, lấy bối cảnh là những chiến trường nổi tiếng như Ichi no Tani, Yashima, Dan no Ura …, tác giả đã khắc họa hình tượng những con người bị cuốn vào cuồng phong của lịch sử. Hành động của họ là chiến đấu không ngừng. Vì vậy thế giới của Truyện Heike là thế giới của hành động, khác hẳn thế giới của Truyện Genji là thế giới của niềm bi cảm. Những nhân vật chính của truyện là những tướng lĩnh của cả hai phe Genji và Heike. Họ hiện lên rất hiện thực với tất cả những nét tương phản, có thể đẹp mà cũng có khi rất tham lam, thô lỗ, xấu xí. Họ “sống thật với máu, mồ hôi, nước mắt, nụ cười, những bắp thịt nổi cuồn cuộn và những con ngựa tung vó trong ánh mặt trời chói loà”. Các võ sĩ chủ yếu là những nhân vật hành động, họ không mấy chú ý đến những phức tạp nội tâm như những nhân vật trong truyện Genji. Chàng trai Atsumori, người cháu trai trẻ tuổi của tướng Heike đã chơi nhạc ở trong thành luỹ. Chàng chết trong khi còn mang bên mình một cây sáo trúc. Tuổi trẻ, cây sáo trúc, cái chết- tất cả đã làm người đọc phải rơi lệ, làm kẻ thù của chàng nhận ra bản chất tàn nhẫn và phi lý của chiến tranh. Những vừ sĩ Genji là những người vụ cựng can đảm và tràn đầy quyết tâm. Điển hỡnh trong số họ là Yụsinaka. Trong cuốn Tỏm, chương XI, sau khi chiến thắng toạ quan Thượng hoàng Gụ - Sirakawa, Yụsinaka đó tuyờn bố một cỏch đầy hài hước: “Nếu ta muốn, ta cú thể trở thành hoàng đế hoặc toạ quan hoàng thượng. Thế nhưng làm hoàng đế thỡ ta phải thay đổi kiểu tóc thành kiểu trẻ con. Như thế thỡ ta khụng thớch. Nếu làm toạ quan thượng hoàng thỡ ta phải gọt trọc đầu như hoà thượng. Điều đó thỡ ta lại ghột. Thế thỡ thử hỏi trở thành hoàng đế hay toạ quan thượng hoàng làm cỏi gỡ?” Coi thường quyền lực, Yụsinaka là mẫu mực của lớp vừ sĩ mới.
Bên cạnh những anh hùng lý tưởng cao thượng như Atsumori, Yụsinaka là những viên tướng tham lam vô độ, tàn nhẫn. Và đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự suy vong của cả một dòng họ. Phần tiếp theo của chương I, sau tiếng chuụng, truyện lờn ỏn thúi nghờnh ngang, dục vọng và lũng tham vụ độ của Kiyômôri và một số nhõn vật thuộc dũng họ Heike. Đứng trờn đỉnh cao quyền lực vinh quang, người em rể của Kiyụmụri ngạo nghễ tuyờn bố: “Nếu ai khụng phải là người của dũng họ Heike thỡ kẻ đó không phải là con người”. Dưới cỏi nhỡn của tỏc giả đây là nguồn gốc mọi khổ đau và sự diệt vong của dũng họ Heike.
Thể loại văn học đặc trưng của văn chương samurai là các tác phẩm quân ký (gunki), chiến ký (senki). Quân ký là những câu chuyện khai thác khía cạnh bi thảm của chiến tranh. Chúng thường được kể đi kể lại theo tiếng đàn tì bà trên khắp mọi nẻo đường của xứ sở Nhật Bản bởi những người hát rong gọi là tỳ bà pháp sư. Đàn tỳ bà có bốn hoặc năm dây. Người đánh dùng móng ngà để gảy. Âm điệu của đàn rất u nhã, cũng có khi rất hùng tráng. Tiếng đàn hoà vào giọng kể quân ký của các pháp sư có sức lôi cuốn mạnh mẽ.
Chiến ký cũng là thể loại viết về chiến tranh, chủ yếu viết về thời Nam Bắc triều. Nhưng người kể không phải là các pháp sư. Cách kể cũng khác. Chủ yếu chúng được bình và đọc trước đám đông. So với quân ký thì chiến ký có tính chất bác học hơn vì người kể thường lồng vào lời kể quan điểm của chính mình.
Văn học Nhật Bản có lịch sử lâu đời, phát triển qua nhiều thời kỳ. Mỗi thời kỳ, văn học có những đặc điểm hết sức độc đáo do sự chi phối của hoàn cảnh xã hội. Qua phân tích sự thay đổi màu sắc giới tính trong văn học Nhật Bản thời Hein và Kamakura, có thể nhận thấy giới tính có ảnh hưởng sâu sắc tới văn học. Đây thực sự là vấn đề quan trọng cần được quan tâm nghiên cứu thích đáng hơn.
……………………….
Tài liệu tham khảo
1. Nhật Chiêu- Văn học Nhật Bản từ khởi thuỷ đến 1868, Giáo dục, Hà Nội, 2003
2. S. Kato, Lịch sử văn học Nhật Bản, tập 1, Fayard. Intertextes, 1985,
3. Y. Kawabat- Đất Phù Tang, Cái Đẹp và Tôi, Cao Ngọc Phượng dịch, Lá Bối, Sài Gòn, 1969.
4. N.I Konrat- Văn học Nhật Bản từ cổ đến cận đại, Đà Nẵng, 1999
5. R.H.P Mason & J.G Caiger- Lịch sử Nhật Bản, Lao Động, Hà Nội, 2003
6. G.B Samsom- Lược sử văn hoá Nhật Bản, tập 1, KHXH, Hà Nội,1990
7. M. Shikibu- Truyện kể Genji, tập 1, KHXH, Hà Nội, 1991
8. M. Shikibu- Truyện kể Genji, tập 2, KHXH, Hà Nội, 1991
9. Truyện kể Heike, tập 1, KHXH, Hà Nội, 1989
10. Truyện kể Heike, tập 2, KHXH, Hà Nội, 1989
Tóm tắt: Sự thay đổi màu sắc giới tính
trong văn học Nhật Bản thời Heian và Kamakura
Bài viết đã trình bày những biểu hiện cơ bản của màu sắc giới tính trong văn học Nhật Bản thời Heian và Kamakura. Sự thay đổi màu sắc giới tính trong văn học Nhật Bản Heian và Kamakura thể hiện ở một số phương diện như đề tài (từ đề tài tình yêu, hôn nhân sang đề tài chiến tranh, võ sĩ đạo), thể loại (quân ký, chiến ký thay thế cho tiểu thuyết, tuỳ bút, nhật ký), hình tượng nhân vật chính (hình tượng tướng quân, võ sĩ xuất hiện chiếm vị trí chủ đạo trong văn học thay cho những người phụ nữ xinh đẹp), lý tưởng thẩm mỹ cũng có sự thay đổi (từ sự tôn thờ cái đẹp u buồn, tàn phai trong văn học Heian chuyển sang tôn thờ cái đẹp giản dị, anh hùng, cao thượng trong văn học Kamakura). Bài viết cũng phân tích cơ sở xã hội để lý giải hiện tượng trên.
Kỷ yếu hội thảo Giới trong văn học và ngôn ngữ học, ĐHSP Hà Nội 4/2009

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020