“Don Quijote nhà quí tộc tài ba xứ Mancha” của M.Cervantes và "Thằng ngây"[1] của F.Dostoievsky được liệt vào hàng những kiệt tác hàng đầu của văn học nhân loại. Là những mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của tiểu thuyết hiện thực châu Âu, hai tác phẩm phản ánh hai thời đại cách xa nhau hơn hai thế kỷ rưỡi lại có một mối quan hệ kế thừa và phát triển trực tiếp.
Năm 1605, Cervantes sáng tạo nên Don Quijote - nhân vật bất hủ điển hình cho lòng đam mê lý tưởng và nhiệt tình hành động vì lý tưởng. Có thể tranh luận nhiều về chính bản chất lý tưởng của Don Quijote nhưng không thể không thừa nhận nhiệt tình hành động vì lý tưởng của nhân vật. Lần đầu tiên trong lịch sử văn học châu Âu nhân vật nhiệt tình tranh đấu cho lý tưởng lại không được lý tưởng hoá mà bộc lộ sự thiếu thực tế của mình khi phải đối mặt với thực tại phũ phàng, cay đắng và thất bại trong tiếng cười chua xót. Bản chất bi kịch của văn học hiện thực nhân văn chủ nghĩa hậu kỳ Phục hưng thể hiện qua sự hài hước cay đắng ấy.
Giữa thế kỷ XIX, chủ nghĩa hiện thực phát triển lên một bước mới trong ý thức về tính lịch sử cụ thể của hình tượng, sự khủng hoảng niềm tin và khát vọng hành động trở nên bức bối trên khắp nước Nga cũng như hầu hết các nước châu Âu lại càng làm cho nhân vật nhiệt tình hành động vì lý tưởng như Don Quijote trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh ấy, F.Dostoievsky trong "Nhật ký nhà văn" đưa ra những lời đánh giá cao nhất về nhân vật cũng như tác phẩm của Cervantes: "Don Quijote... là hiệp sĩ hào hiệp nhất trong số tất cả những hiệp sĩ từng tồn tại trên đời, là người dung dị nhất về tâm hồn và là một trong những người vĩ đại nhất vì trái tim... Trên toàn thế giới không có gì sâu sắc và mạnh mẽ hơn tác phẩm ấy. Cho đến nay đó là lời nói vĩ đại cuối cùng của tư tưởng nhân loại, đó là sự hài hước cay đắng nhất mà con người có thể thể hiện được”[2].
Trong khoảng thời gian 1867-1868, với ý đồ xây dựng nhân vật đam mê lý tưởng cải biến thế giới bằng tình yêu thương, "nhân vật chính diện tuyệt vời"[3], "Hoàng thân J.Christ"(IX,246), Dostoievsky đã đặc biệt chú trọng đến kinh nghiệm xây dựng nhân vật lý tưởng của Cervantes. Hình tượng Don Quijote được đưa trực tiếp vào văn bản chính thức của tác phẩm "Thằng ngây" (1868) tạo thành leitmotif cho nhân vật hoàng thân Myshkin. Vấn đề lý tưởng và thực tế trong tác phẩm của Dostoievsky cũng được đặt ra một cách gay gắt. Nguyên tắc "trần thế hoá nhân vật lý tưởng", nguyên tắc xây dựng cặp nhân vật tương phản và bổ trợ (vốn được Cervantes sử dụng dường như tự phát bằng linh cảm nghệ thuật thiên tài của mình) đến tác phẩm của Dostoievsky đã trở thành một nguyên tắc nghệ thuật được ý thức triệt để. Trong tác phẩm của mình dường như Dostoievsky vừa học tập Cervantes, vừa ngầm tranh luận với Cervantes về vấn đề thực tế và lý tưởng. Hai kiệt tác của hai thời đại soi chiếu vào nhau đem lại những bài học quí báu về kinh nghiệm xây dựng nhân vật lý tưởng trong tiểu thuyết hiện thực. Trong bài viết này chúng tôi chỉ xin tập trung vào nguyên tắc trần thế hóa nhân vật lý tưởng, một trong những bài học đắt giá nhất mà Cervantes và Dostoievsky để lại cho đời sau.
***
Nếu coi Don Quijote là một nhân vật lý tưởng (dù không được lý tưởng hoá), thì bản chất lý tưởng của chàng là gì? Liệu nó có đơn thuần là sự đồng nhất với lý tưởng hiệp sĩ đã lỗi thời trong quá khứ để có thể khẳng định rằng "Đông Kisốt là đại biểu cho giai tầng phong kiến mù quáng, ngoan cố, trên miệng hố diệt vong"[4] như một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên về Cervantes ở Việt Nam đã nhận định hay không?
Ngay trong lần ra đi thứ nhất Don Quijote đã ý thức rõ rằng chàng lên đường phiêu lưu để "trả thù cho những người bị xúc phạm, bênh vực kẻ yếu hèn, uốn nắn những điều sai trái, phi lý, đả phá mọi lạm dụng bất công"[5]. Don Quijote nhấn mạnh rằng lý tưởng của mình là lý tưởng "hiệp sĩ giang hồ", phân biệt nó với nếp sống nhàn tảng của những "hiệp sĩ cung đình" như hiệp sĩ áo xanh Don Diego với những "con chim mồi dễ bảo", với tinh thần phụng sự đức vua và nhà thờ theo kiểu hiệp sĩ trung cổ [II,17]. Lý tưởng hiệp sĩ của Don Quijote chứa đựng trong đó phần tinh tuý nhất của những "hiệp sĩ giang hồ đời xưa" và nếu kết hợp nó với những lời hùng biện của chàng về “thời đại hoàng kim và thời đại thiết khí”[I,11], về giá trị của tự do [II,58], với những lời dặn dò của chàng trước khi Sancho Panza đi nhậm chức [II, 42,43] thì còn có thể thấy bóng dáng của tinh thần nhân văn chủ nghĩa thời đại Phục hưng trong lý tưởng của chàng. Các nhà nhân văn chủ nghĩa muốn làm “sống lại”(Phục hưng) thời Cổ đại vì một thời đại mới tốt đẹp hơn còn chưa đến, Don Quijote ý thức sứ mệnh của mình là “sinh ra trong thời đại thiết khí để làm sống lại thời đại hoàng kim”, thậm chí còn muốn bằng hành động của mình làm “lu mờ” những chiến công hiển hách thời xưa [I,20]. Đó là nhân danh quá khứ để hướng tới tương lai, trở về với tuổi thơ để mong tuổi trưởng thành khác đến.
Ngay trong nhan đề tác phẩm "El ingenioso hidalgo Don Quijote de la Mancha" Cervantes đã ngầm chỉ ra mâu thuẫn giữa cái tầm thường của một hidalgo (quí tộc ngèo) ở vùng đất buồn tẻ Mancha với cái phi thường của một Don Quijote ingenioso (tài ba, trí xảo). Một chàng hidalgo nghèo với cái tên tầm thường thậm chí còn không xác định là Alonso "Quijada hay Quesada gì đó"[I,1] đã "quên cả thú đi săn và công việc nhà" để thả mình vào thế giới phi thường của những chiến công hiệp sĩ trong những trang tiểu thuyết, rồi nảy ra ý định tự làm nên chính mình - ý tưởng điển hình cho chủ nghĩa nhân văn Phục hưng. Chàng tự biến mình thành hiệp sĩ Don Quijote xứ Mancha, biến cô nông dân tầm thường Aldonza Lorenzo thành Dulcinea xứ Toboso, biến con ngựa còm khẳng khiu trong tàu ngựa từ một con ngựa tầm thường (rocin) thành con ngựa đứng đầu trong loài ngựa Rocinante. Với thế giới tưởng tượng “điên rồ” của mình, Don Quijote ra đi để tuyên chiến với nếp sống, nếp nghĩ "tỉnh táo" một cách tầm thường của con người. Nếp sống tầm thường, giống như những chiếc cối xay gió trên cánh đồng Montiel, mạnh như những tên khổng lồ trăm tay Briareo, tuy đánh ngã chàng hiệp sĩ nhưng không lay chuyển được ý chí chiến đấu của chàng [I,8]. Don Quijote không chỉ hùng hồn trong biện luận, chàng lao vào những trận chiến với lòng nhiệt tình hành động và khí thế ngút trời. Không phải lỗi của chàng khi trong thực tại lý tưởng thường xuyên “bị phù phép” để không ai nhìn thấy được sự cao quí của nó. Cũng không phải lỗi của chàng khi trong nếp sống đời thường người ta đã quá quen với cảnh mất tự do đến nỗi không cần đến tự do giống như con sư tử mà chàng bắt người ta mở cửa chuồng cho nó ra để quyết một trận sống còn [II,17]. Don Quijote phải chịu đựng hết thất bại này đến thất bại khác, phải trở thành trò cười, bị giam hãm, và vô tình trở thành kẻ mua vui cho những kẻ buồn chán trong cuộc đời tẻ nhạt như vợ chồng công tước, như Don Antonio... Khó khăn hơn cả lại chính là cuộc đấu tranh với những “người bạn” như cha xứ, bác phó cạo, như cậu tú Sansón Carrasco... những người bằng mọi cách cố gắng lôi chàng hiệp sĩ trở về với cái “tỉnh táo” đời thường. Cha xứ và bác phó cạo đã bắt được Don Quijote đưa về sau song cũi, kết thúc chuyến ra đi lần thứ hai. Sansón Carrasco, với quyết tâm và sự “tỉnh táo” mạnh như người khổng lồ Sansón trong kinh thánh, dù không chiến thắng được chàng khi cải trang thành hiệp sĩ Gương sáng, thì cuối cùng cũng đã đánh ngã chàng trong phục trang của hiệp sĩ Vầng trăng bạc [II,64]. Bất chấp tất cả mọi thất bại, có một cái gì đó cao cả trong sự “điên rồ” của Don Quijote, trong cuộc chiến không cân sức với cái “tỉnh táo” tầm thường của cuộc đời. Qua nhiều thế kỷ, sự “điên rồ cao cả” đó được nhân loại thừa nhận. Năm 1842, nhà phê bình V.Belinsky tuyên bố: "Những Don Quijote từng có khi loài người xuất hiện và sẽ còn có thể có cho đến khi nào nhân loại còn chưa rã đám bỏ về với những cánh rừng. Don Quijote là người hào hiệp và thông thái với tất cả sự nồng nhiệt của tâm hồn hiến dâng tất cả cho lý tưởng yêu quí của chàng với những nhu cầu của thời đại, với việc nó không thể được thực hiện bằng hành động, được chuyển hoá thành việc làm... có cái gì buồn và bi thảm trong số phận của nhân vật hài hước này... Mỗi một con người có một chút gì của Don Quijote, nhưng thường Don Quijote hơn cả là những người có trí tưởng tượng rực cháy, có tâm hồn đầy yêu thương, có trái tim hào hiệp, thậm chí có một trí tuệ và ý chí mạnh mẽ..."[6]. Năm 1860, nhà văn I.Turgenev trong bài viết nổi tiếng "Hamlet và Don Quijote" nhận định:"Chịu đựng tất cả những mất mát hy sinh, Don Quijote chỉ coi cuộc sống có giá trị chừng nào nó phục vụ cho việc thực hiện lý tưởng, lập lại công bằng, hợp lý trên trái đất này... Sự vững vàng trong nền tảng đạo đức của nhân vật đem lại cho nó sức mạnh đặc biệt và sự hùng hồn của những lời biện luận, cũng như toàn bộ hình tượng, bất chấp những tình huống hài hước và nhục nhã mà nhân vật thường xuyên rơi vào... "[7].
Don Quijote với lòng nhiệt tình xả thân vì lý tưởng, bất chấp mọi thất bại đắng cay như vậy lại không được Cervantes miêu tả như một nhân vật anh hùng hay bi kịch. Trái lại, Don Quijote được xây dựng như một trong những nhân vật “buồn cười nhất thế gian”. Giễu nhại và phá vỡ nguyên tắc “lý tưởng hóa” từ nguồn gốc xuất thân đến ngoại hình nhân vật trong các tiểu thuyết hiệp sĩ, nhân vật của Cervantes xuất thân từ một hidalgo “tuổi đã trạc ngũ tuần” tầm thường tự mình trở thành hiệp sĩ, rồi chàng hiệp sĩ được “trần thế hoá” từ cái tên “Quijote” (chỉ bộ phận áo giáp che bắp đùi) đến cái vẻ bề ngoài gầy ngẳng, ngựa chiến cũng khẳng khiu không kém, với phục trang, vũ khí khập khiễng, chắp vá (áo hộ thân ở phần trên bằng da vốn là phục trang hiệp sĩ loại nhẹ, ở phần dưới lại là giáp trụ hạng nặng, mũ trụ ngay từ đầu đã vỡ mất một nửa phải bồi lại bằng giấy bồi, sau này giáo gãy, lại phải thay thế bằng cành cây, mũ trụ vỡ hẳn lại phải thay thế bằng “chiến lợi phẩm” là chiếc chậu cạo râu). Nhân vật anh hùng trở thành một kẻ điên rồ với trí tưởng tượng hoang đường phi thực tế. Để soi chiếu lý tưởng vào thực tế và ngược lại, Cervantes còn soi chiếu Don Quijote vào nhân vật chung đôi cùng cặp của mình là bác giám mã nông dân Sancho Panza thể hiện cái nhìn “hiện thực sát mặt đất”, nhân vật vừa tương phản vừa bổ trợ cho chàng hiệp sĩ. Mặc dù ngây thơ và “điên rồ” không kém chủ mình trong ước mơ “thống trị một hòn đảo”, giám mã Sancho Panza cũng nhận thấy rằng ông chủ của mình “là một kẻ điên chứ chẳng phải hiệp sĩ gì hết”[II,13]. Quả là Don Quijote điên thật khi bắt chước một cách mù quáng những lề thói hình thức của các hiệp sĩ từ trang sách (hành xác không cần có nguyên do để tỏ tình yêu với Dulcinea, giải phóng cho đoàn tù khổ sai rồi lại còn bắt họ phải đeo xích xiềng vào để đến trình diện tình nương của mình). Cái điên rồ đáng cười nhất xuất phát từ sự “thiếu nhạy cảm với thực tại”(V.Belinsky) của chàng hiệp sĩ. Cervantes ném nhân vật vào những tình huống thực tế đời thường nhất, bắt nhân vật phải va chạm với những chiếc cối xay gió, những tiếng chày nện dạ, những đàn cừu, đàn lợn, những đám tang, đám lễ cầu mưa; Cervantes bắt chàng phải gặp những cô gái điếm, những gã lái la say rượu, thằng bé Andrés và lão chủ Haldudos, người tù Alger, gặp Dulcinea “bị phù phép” thành một trong ba cô thôn nữ cưỡi lừa, gặp hồn ma “rất thực tế” của hiệp sĩ Montecinos, cô hầu gái tinh nghịch Altisidora, bà quản gia đáng thương Rodríguez, những kẻ bợm nghịch như lão chủ quán, tên ăn trộm Ginés de Pasamonte, rồi những kẻ thượng lưu buồn chán như Don Diego, Don Antonio, vợ chồng công tước... Thực tế đời sống tấn công vào thế giới hoang đường tưởng tượng trong tâm trí chàng hiệp sĩ làm bật lên tiếng cười bất tận.
Tuy nhiên, trần thế hóa nhân vật bằng những tình huống thực tế gây cười không phải lúc nào cũng là “hạ thấp” nhân vật. Những tình huống điên rồ và chua xót nhất lại có thể là những tình huống thể hiện tính phi thực tế của chính lý tưởng cao đẹp nhất của chàng hiệp sĩ. Những tình huống này vừa hài hước, vừa cao cả, nó vừa hạ nhân vật xuống, vừa nâng nhân vật lên. Nó là “tiếng cười nước đôi”(M.Bakhtin) vừa phủ định vừa tái sinh. Tiếng cười ấy không chỉ hướng về chủ thể hành động thiếu thực tế mà còn hướng tới cả thực tại tàn nhẫn và đắng cay. Khi cứu thằng bé Andrés, Don Quijote bất chấp lời phản đối của thằng bé, kiên quyết gọi lão chủ Haldudos là hiệp sĩ và tin vào lời hứa của hắn bởi “Cả Haldudos cũng có thể trở thành hiệp sĩ!”. Niềm tin vào bản chất tốt đẹp của mỗi người vốn là một trong những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa nhân văn. Niềm tin ấy không có điểm tựa trong thực tại phũ phàng hậu kỳ Phục hưng, bởi vậy khi Don Quijote đi rồi thằng bé Andrés lại bị đánh còn đau hơn trước [I,4]. Cũng trong chương sách này, Don Quijote còn chặn đám lái buôn lại để bắt họ phải thừa nhận Dulcinea là người đàn bà xinh đẹp nhất dù họ chưa nhìn thấy nàng bao giờ. Thoạt nhìn đây là hành động hết sức điên rồ, nhưng nếu lưu ý rằng Don Quijote coi Dulcinea là hiện thân của lý tưởng và muốn áp đặt lý tưởng ấy cho mọi người, thì có thể thấy hành động ấy không điên rồ hơn cuộc đấu tranh của các nhà nhân văn chủ nghĩa thời đại Phục hưng muốn nhân loại thừa nhận lý tưởng về Con Người Trần Thế toàn thiện hoàn mỹ khi nhân loại còn chưa thể nhìn thấy điều đó trong thực tại. Cười nhân vật, người đọc cười những ước vọng cao cả nhất, nhưng cũng phi thực tế nhất của con người.
Sự chuyển đổi vào nhau và tráo đổi giữa cái điên và cái tỉnh (chứ không đơn thuần là kết hợp “lúc điên, lúc tỉnh”) trong nhân vật Don Quijote, một mặt, thể hiện “tính nghịch dị” mang tinh thần “carnaval hóa”[8] điển hình cho chủ nghĩa hiện thực Phục hưng khi miêu tả bản tính tự nhiên kỳ vĩ của con người; mặt khác, nó thể hiện nguyên tắc trần thế hóa nhân vật lý tưởng làm cho nhân vật sống động hơn, đa nghĩa hơn, đồng thời phản ánh được mâu thuẫn gay gắt giữa lý tưởng và thực tại trong tác phẩm hiện thực.
Phát hiện ra mẫu hình nhân vật hành động vì lý tưởng đấu tranh với nếp sống, nếp nghĩ tầm thường, tráo đổi cái điên và cái tỉnh một cách nghịch dị trong nhân vật Don Quijote, Cervantes là một trong những nhà văn đầu tiên trong lịch sử văn học nhân loại đưa ra nguyên tắc trần thế hóa nhân vật lý tưởng trong tiểu thuyết hiện thực. Nguyên tắc ấy trong những chặng đường phát triển tiếp theo của thể loại tiểu thuyết có những người kế thừa xuất sắc.
***
Hoàng thân Myshkin trong tiểu thuyết “Thằng ngây” của F.Dostoievsky bắt đầu cuộc hành trình đến với cuộc đời từ điểm kết thúc của Don Quijote. Cuối tác phẩm “Don Quijote” phần II, nhân vật của Cervantes dường như trở nên “tỉnh táo” (cái tỉnh táo dù sao cũng rất khác với quan niệm "tỉnh táo" thông thường của các nhân vật khác trong tác phẩm). Trước khi chết, Don Quijote lại trở thành “Alonso nhân hậu”. Dù nỗi buồn nhớ những cuộc phiêu lưu và ý thức về cuộc sống mất tự do làm chàng phát ốm và qua đời, nhưng Don Quijote chỉ đoạn tuyệt với hình thức đấu tranh bằng ngọn giáo như một hiệp sĩ giang hồ. Nếu ta lưu ý rằng lý tưởng của Don Quijote rộng hơn lý tưởng hiệp sĩ giang hồ, có thể thấy Don Quijote lưu giữ từ lý tưởng nhân văn của mình trái tim nhiệt thành, nhân hậu chan chứa tình yêu thương con người. Hoàng thân Myshkin của Dostoievsky mang trong mình lý tưởng cải biến thế giới bằng sức mạnh của tình yêu thương ấy.
Như trên đã nói, qua nhân vật Myshkin, Dostoievsky muốn tái hiện hình ảnh của Chúa cứu thế J.Christ như một “nhân vật chính diện tuyệt vời”. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho rằng Dostoievsky đã không thực hiện được ý đồ nghệ thuật ấy trong tiểu thuyết của mình, bởi vậy mà nhận định về Myshkin như “kẻ mạo danh”, “J.Christ giả”, như “vị thánh mất niềm tin”[9]. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã không chú ý đúng mức đến bản chất đa nghĩa và “độ rộng” của hình tượng, chính cái bản chất đa nghĩa đã gây nên những ý kiến trái ngược tồn tại hàng thế kỷ về nhân vật Don Quijote của Cervantes.
Lý tưởng cải biến thế giới bằng tình yêu thương của hoàng thân Myshkin đúng là bắt nguồn từ hình ảnh của Chúa cứu thế J.Christ, nhưng đối với Dostoievsky, đó là hình ảnh của Chúa như một nhà truyền giáo và như một nhân cách vị tha nêu cao ngọn cờ nhân bản và hy sinh vì nó trong thời đại đảo điên của đế chế La mã suy tàn chứ không phải là Chúa như một uy tín bất di bất dịch trong nhà thờ thời Trung cổ. Điều này làm cho lý tưởng của Myshkin trở nên gần gũi với lý tưởng của Don Quijote và chủ nghĩa nhân văn Phục hưng vốn không phủ nhận Chúa mà chỉ phủ nhận sự thối nát của giáo hội Trung cổ. Đó là lý do tại sao nhân vật Ippolit trong tác phẩm gọi hoàng thân Myshkin là “Con Người”(VIII,348), còn nhà thần học kinh viện K.Leonchev phê phán cách hiểu đạo thiên chúa của Dostoievsky mang sắc thái “quá hồng”[10].
Lý tưởng của hoàng thân Myshkin như vậy thực chất cũng là nhân danh việc quay trở lại tuổi thơ của nhân loại để mơ ước và hành động vì một tuổi trưởng thành khác tốt đẹp hơn còn chưa đến. Có lẽ chính vì vậy ngay trong những trang đầu tác phẩm của Dostoievsky, hoàng thân Myshkin trong gia đình tướng Epanchin được coi như còn “hoàn toàn là một đứa trẻ” lên tiếng kể về cuộc sống của mình cùng những đứa trẻ ở Thụy Sĩ: những “giọt nước mắt trẻ thơ” trong thực tại trở nên trăn trở và nhức nhối, đồng thời “chất trẻ thơ” trở thành niềm cứu rỗi cho mỗi người, sự hòa đồng của thế giới trẻ thơ trong tình yêu thương trở thành niềm mơ ước khôn nguôi (VIII,57-65). Nỗi đau và ước vọng trẻ thơ đó làm người đọc nhớ tới thằng bé Andrés trong tiểu thuyết của Cervantes, những đứa trẻ tranh nhau cái lồng dế khi Don Quijote trở về tới đầu làng và cả sự ngây thơ kỳ vĩ của chàng hiệp sĩ từng được Sancho Panza ghi nhận: “Giá như có đứa trẻ nào bảo ông rằng giữa trưa là đêm, ông cũng tin ngay”[II,13].
Cũng như Don Quijote coi cô gái nông dân Aldonza Lorenzo là nàng Dulcinea hiện thân của cái đẹp lý tưởng “bị phù phép”, đối với hoàng thân Myshkin, cô gái bị ruồng bỏ đáng thương Mari ở Thụy Sĩ, Natasia Philipopna điên dại vì bị giày vò, lăng nhục và Aglaia kiêu hãnh, bất hạnh ở Peterburg... trở thành hình ảnh lý tưởng của cái đẹp sánh với hình ảnh của Marie Magdalen và hình ảnh của Đức Mẹ theo cách hiểu của Pushkin trong bài thơ “Chàng hiệp sĩ nghèo” được trích dẫn đan xen với hình tượng Don Quijote trong tác phẩm (VIII,205-211). Hoàng thân Myshkin đấu tranh vì cái đẹp và tin rằng “Cái đẹp sẽ cứu thế giới!”(VIII,436).
Vì những đứa trẻ (đối với Dostoievsky, khái niệm này bao gồm cả những đứa trẻ mới lớn như Kolia Ivolghin, Ippolit... lẫn những “đứa trẻ lớn” bị cuốn đi theo đam mê của bản năng hồn nhiên bị xâm hại như Lebedev, tướng Ivolghin, Ganhia Ivolghin, Rogojin...) và vì những người phụ nữ hiện thân cho cái đẹp bị lăng nhục, hoàng thân Myshkin, vừa chân ướt chân ráo từ Thụy sĩ đến Peterburg, còn chưa hoàn toàn chữa khỏi căn bệnh “ngây dại” của mình, đã ngay lập tức bằng sức mạnh của tình yêu thương tuyên chiến với nếp sống của những kẻ buôn người tầm thường giả dối bao trùm lên xã hội Peteburg, nếp sống trong đó con người trở nên ích kỷ, xa lạ với nhau, với tính người và lòng vị tha. Khác với Don Quijote, hoàng thân Myshkin nhạy cảm với thực tại, có khả năng thấu hiểu và khơi dậy những gì tốt đẹp nhất từ tất cả những người mà chàng tiếp xúc. Vũ khí của chàng là lòng nhiệt tình chân thật và sự cảm thông sâu sắc với mọi người, là những câu chuyện làm gương rút từ những trải nghiệm thực tế cuộc đời. Tuy nhiên, không vì phương thức đấu tranh khác hơn mà hoàng thân Myshkin có một kết cục khả quan hơn Don Quijote. Xã hội Peterburg của những địa chủ Totsky, tướng Epanchin trong thực tế mạnh không kém gì những chiếc cối xay gió trên đất nước Tây Ban Nha thời đại Phục hưng. Hoàng thân Myshkin lầm lụi, đau khổ, giằng xé, bị người ta ném thẳng vào mặt những lời lăng nhục: “kẻ lập dị”, “thằng ngây”, “đồ quái thai”, “kẻ bệnh hoạn”... phải chịu những cái tát theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Không cứu đượcAglaia khỏi lòng tự ái bị thương tổn bởi sự kiêu hãnh dằn vặt, không cứu được Natasia Philipopna khỏi cái chết dường như đã được dự báo trước, hoàng thân Myshkin trở về với trạng thái “ngây dại”, đôi tay thương cảm dường như vẫn vuốt ve an ủi kẻ giết người đồng thời là nạn nhân tuyệt vọng của những đam mê Rogojin.
Hoàng thân Myshkin không hoàn toàn là hiện thân của “tính nhu hòa phi trần thế một cách bệnh tật”[11]. Nhân vật lý tưởng của Dostoievsky không lưu giữ những nét tính cách “phi trần thế” ở trong thực tại. Giống như trong tác phẩm của Cervantes, trong tiểu thuyết của Dostoievsky lý tưởng được trần thế hóa một cách “rất người” tạo nên sự chuyển đổi vào nhau và tráo đổi giữa các đối cực “cao cả - thấp hèn” một cách nghịch dị.
Ngay từ tên và họ nhân vật của Dostoievsky đã chứa đựng bên trong sự kết hợp cái mạnh mẽ và cái yếu đuối như các đối cực: tên Lev - “sư tử” - từ chỉ giống vật to lớn không chỉ đơn thuần là biểu tượng cho sức mạnh vương giả xuất chúng, lòng kiêu hãnh, mà còn là biểu tượng của J.Christ cao cả[12] (cái tên này gợi nhớ đến một trong những biệt hiệu của Don Quijote - hiệp sĩ sư tử); thế nhưng họ Myshkin có gốc từ myshk - “chuột” lại là từ chỉ loài vật nhỏ bé, yếu đuối, tầm thường.
ở đầu tác phẩm, hoàng thân Myshkin - J.Christ là một quí tộc nghèo không một xu dính túi, còn nghèo hơn cả Don Quijote. Trong xã hội Peterburg lúc đó nghèo khổ đồng nghĩa với thấp hèn. Trái lại, khi được thừa kế gia sản bạc triệu, trong con mắt bọn buôn người chàng lập tức trở nên cao quí. Trải nghiệm hai đối cực vật chất của thực tại, hoàng thân Myshkin dường như tráo đổi nó với những quan niệm về đối cực tinh thần.
Trong sổ ghi chép chuẩn bị cho tác phẩm, Dostoievsky nhấn mạnh: “Hoàng thân - bệnh ngây dại!”(IX,280). Không phải “điên” mà là “ngây dại”. Phạm trù “ngây dại” trong sáng tác của Dostoievsky thường lấp loáng ánh sáng thượng giới, nó chứa đựng và tráo đổi bên trong nó cả sự ngây ngô lẫn khả năng thấu suốt, nhưng nó được miêu tả rất trần thế và không được lý tưởng hóa, thậm chí không có cả ấn tượng bi tráng thường có thể có đối với sự “điên rồ”. Nhân vật bắt đầu xuất hiện trong tác phẩm khi còn chưa dứt hẳn căn bệnh “ngây dại”. Dọc theo chiều dài tác phẩm cái ngây ngô, chân thành đến lập dị của hoàng thân Myshkin nhiều khi lại sáng suốt hơn cái tỉnh táo tầm thường của các nhân vật khác. Tuy vậy, cuối tác phẩm, hoàng thân Myshkin trở về trạng thái “ngây dại” hoàn toàn như một căn bệnh: “Giá bây giờ ông Sneider từ Thụy Sĩ đến đây mà nhìn người học trò, và cũng là người bệnh cũ của ông, thì chính ông ta, nhớ lại tình trạng mà hoàng thân đôi lúc rơi vào trong năm chữa bệnh đầu tiên tại Thụy sĩ, chắc ông cũng đến huơ tay và than như lúc đó: “Thằng ngây!”(VIII,507); “Lizaveta Procofievna đau lòng khóc khi thấy cảnh suy sụp và bệnh hoạn của hoàng thân”(VIII,509).
Nếu như Don Quijote chỉ mang trong mình hai đối cực chủ yếu điên rồ- tỉnh táo, thì hoàng thân Myshkin như một hình tượng nghịch dị thâu tóm vào trong mình nhiều đối cực khác nhau: cao cả - tầm thường, giàu có - nghèo hèn, cao quí - thấp hèn, sáng suốt - ngây ngô, mạnh mẽ - yếu đuối, xuất chúng - tầm thường, vĩ đại - nhỏ bé... Thời đại trở nên phức tạp hơn, nhân vật trở nên “rộng hơn”, phức tạp hơn. Chính vì vậy mà Don Quijote chỉ cần có một Sancho Panza làm nhân vật chung đôi cùng cặp, còn hoàng thân Myshkin cần phải có cả một hệ thống nhân vật chung đôi. Hầu hết các nhân vật bất kể chính diện hay phản diện có quan hệ với hoàng thân Myshkin đều soi chiếu vào một phần nào đó trong tính cách, tâm hồn nhân vật chính “quá rộng” và có khả năng bao chứa các đối cực này. Nguyên tắc trần thế hóa nhân vật được thể hiện đặc biệt qua những nét tương đồng bất ngờ giữa Myshkin với những nhân vật “không thể coi là chính diện” như Ganhia Ivolghin, Ippolit, Lebedev, tướng Ivolghin...
Hình tượng Don Quijote và hình tượng “Hiệp sĩ nghèo” của Pushkin (vốn được sáng tạo nên trên cơ sở những suy ngẫm của nhà thơ Nga về chính nhân vật của Cervantes) như những nhân vật văn chương được trực tiếp đưa vào tác phẩm của Dostoievsky và trở thành những nhân vật chung đôi quan trọng nhất của hoàng thân Myshkin ẩn mình dưới mạch ngầm văn bản. Nhân vật Aglaia nhận được thư của Myshkin đã tình cờ để nó vào “một cuốn sách dày đóng bìa cứng” và một tuần sau khi nàng xem lại và nhận ra đó là cuốn “Don Quijote nhà quí tộc tài ba xứ Mancha”, nàng “cười rất ghê - chẳng rõ vì sao”(VIII,157). ít lâu sau khi bình luận về nhân vật khắc kỷ phụng thờ cái đẹp lý tưởng của Pushkin, Aglaia tuyên bố: “Trên thế gian không có ai cao quí hơn “hiệp sĩ nghèo” của Pushkin!”, và nói thêm: “Hiệp sĩ nghèo” - đó cũng chính là Don Quijote, chỉ có điều không hài hước mà nghiêm túc”(VIII,207). Aglaia không chấp nhận nhân vật lý tưởng có thể “buồn cười”. Dostoievsky dường như cũng không muốn hạ thấp nhân vật bằng tiếng cười thái quá, nhưng khi soi chiếu cả hai nhân vật văn học vào hoàng thân Myshkin nhà văn tổng hòa vào nhân vật của mình cả hai bình diện cười cợt và nghiêm túc. Hoàng thân Myshkin tuy không hoàn toàn “buồn cười” như Don Quijote, nhưng trong tác phẩm chàng cũng bị các nhân vật khác “cười nhạo” nhiều không kém nhân vật của Cervantes. Có điều lạ là hoàng thân Myshkin coi tiếng cười của người khác đối với mình tự nhiên như thể chính mình có thể cười mình, bởi vậy mà có thể hòa tiếng cười của mình vào đó, mong biến tiếng cười chế nhạo thành tiếng cười vui vẻ hòa đồng. Trong cảnh “giới thiệu con rể tương lai” trong phòng khách nhà Epanchin, hoàng thân Myshkin đúng như linh cảm đã đánh vỡ chiếc bình quí và không kìm lòng được đã nói lên những lời tâm sự như những lời truyền giáo tự đáy lòng: “Tôi cứ mãi lo sợ bộ điệu tức cười của tôi sẽ hạ thấp ý nghĩ và tư tưởng chính yếu của tôi. Tôi không có cử chỉ. Tôi có những cử chỉ bao giờ cũng ngược đời, mà điều đó gây cười và hạ thấp tư tưởng... Chẳng có gì phải xấu hổ rằng chúng ta nực cười, phải không? Bởi đúng như thế, chúng ta nực cười, nông nổi, đầy thói hư tật xấu, chúng ta chán chường, không biết cách nhìn nhận, không biết cách hiểu sao cho đúng, chúng ta ai nấy đều thế cả, cả quí vị, cả tôi, và họ!... Quí vị biết không, theo tôi, lắm lúc trở nên nực cười lại là tốt, hay hơn ấy chứ: ta sẽ sẵn lòng khoan dung, tha thứ cho nhau...”(VIII,458).
Nỗi sợ trở thành kẻ nực cười có thể ngăn trở, hạ thấp con người, khả năng chấp nhận tiếng cười của người khác đối với mình thực chất là thừa nhận bản chất trần thế của mình lại có thể nâng con người lên tầm cao lý tưởng.
***
Lý tưởng bao giờ cũng là sự vượt ra khỏi nếp sống, nếp nghĩ tầm thường. Con người trong nếp sống, nếp nghĩ tầm thường sợ nhất là bị cười chê, hạ thấp. Trải nghiệm thực tế cuộc sống, chiến thắng được nếp nghĩ tầm thường đó, con người vươn lên tầm cao lý tưởng. Không giống như những nhân vật lý tưởng của anh hùng ca hay bi kịch, càng không giống những nhân vật lý tưởng của chủ nghĩa lãng mạn, nhân vật lý tưởng của Cervantes và Dostoievsky không phải là những nhân vật thuần túy tinh thần. Đó là những nhân vật trải nghiệm mọi cay đắng cuộc đời, mọi trạng thái trần thế của con người và bằng những trải nghiệm đó chiến đấu để loại trừ cái thấp hèn nô lệ ra khỏi chính mình và người khác, đánh thức dậy lý tưởng cao cả đang ngủ quên bên trong mỗi con người.
Don Quijote chiến đấu bằng ngọn giáo “dẹp yên mọi sự bất bằng”, hoàng thân Myshkin chiến đấu bằng sức mạnh của tình yêu thương cảm hóa con người. Trong thực tại phũ phàng, cả hai đều tạm thời thất bại, nhưng họ gieo vào lòng người khát vọng vươn tới lý tưởng. Cuối tác phẩm của Cervantes, Don Quijote qua đời, nhưng nhân vật Sancho Panza, người thừa kế tinh thần của chàng tuyên bố: “Kẻ thất bại hôm nay sẽ là người chiến thắng ngày mai!” Cuối tác phẩm của Dostoievsky, hoàng thân Myshkin rơi vào trạng thái “ngây dại”, nhưng cậu bé Kolia Ivolghin đã trưởng thành để đi tiếp con đường của người đi trước.
Tiểu thuyết hiện thực không lý tưởng hóa thực tại, không lý tưởng hóa nhân vật anh hùng, nhưng nó thể nghiệm những phương thức và khả năng thực hiện lý tưởng. Nguyên tắc trần thế hóa nhân vật lý tưởng trong tiểu thuyết hiện thực của Cervantes và Don Quijote chỉ ra “độ rộng” có thể của con người, nó không trần tục hóa lý tưởng, nó là phương pháp nâng thực tế lên tầm cao lý tưởng qua những trải nghiệm đắng cay của Con Người.
20/4/2005
(Bài viết đã đăng trên TC Khoa học ĐHSP HN, số 5, 2005, tr.3-10)
[1] Tên tác phẩm được dịch ra tiếng Việt qua bản dịch của Phạm Xuân Thảo là "Gã khờ", trong nhiều công trình nghiên cứu ở Việt Nam tên tác phẩm thường được dịch là "Chàng ngốc". Tên tác phẩm trong nguyên bản tiếng Nga là "Идиот", dựa vào các lớp nghĩa của từ này trong tiếng Nga, căn cứ vào nội dung tác phẩm và mối liên quan tới phạm trù "ngây dại" trong các tiểu thuyết của Dostoievsky, chúng tôi dịch lại là "Thằng ngây".
[2] F.M.Dostoievsky.-Nhật ký nhà văn. Moskva, 1985, tr.185,477.
[3] F.M.Dostoievsky.-Toàn tập tác phẩm- 30 t., t.XXVIII, q..2. Leningrad, 1985, tr.251. (Những trích dẫn tiếp theo từ bộ sách này sẽ được chú thích ngay trên văn bản trong ngoặc đơn, chữ số La mã chỉ số tập, chữ số arap chỉ số trang).
[4] Đặng Thai Mai.- Tuyển tập. T.2. Hà Nội, Nxb Văn học, 1984, tr.315.
[5] M.Cervantes.- Don Quijote nhà quí tộc tài ba xứ Mancha. T.I, chương 2. Hà Nội, Nxb Văn học, 2001. (Những trích dẫn tiếp theo từ tác phẩm này sẽ được chú thích ngay trên văn bản trong ngoặc vuông, chữ số La mã chỉ số tập, chữ số arap chỉ số chương).
[6] V.G.Belinsky.-Toàn tập tác phẩm, t.VI. Moskva, 1955, tr.34.
[7] I.X.Turgenev.-Toàn tập tác phẩm, t.VIII. Moskva-Leningrad, 1964, tr.173-178.
[8] Xem: M.Bakhtin.- Những bài báo phê bình văn học. Moskva, 1986, 314.
[9] Tiểu thuyết “Thằng ngây” của F.M. Dostoievsky: tình trạng nghiên cứu hiện thời (Tuyển tập công trình của các nhà nghiên cứu Nga và nước ngoài dưới sự chỉ đạo biên tập của T.A.Kasatkina). Moskva, 2001, tr.156-158, 276, 310.
[10] K.Leonchev.- Phương đông, nước Nga và chủ nghĩa Slavo.T.2. Moskva, tr.298.
[11] T.A.Motyleva.- Dostoievsky và văn học thế giới// Sáng tác của Dostoievsky. Moskva, 1959, tr.27.
[12] V.V.Ivanov, V.N.Toporov. Sư tử// Từ điển bách khoa: Thần thoại các dân tộc trên thế giới. T.2. Moskva, 1992, tr.42.