Văn học nước ngoài

LƯU NIỆT ÂU VÀ GIẤC MƠ MANG TÊN “THƯỢNG HẢI”


19-10-2020
Tác giả: TS Nguyễn Thị Diệu Linh

Trong phần mở đầu kịch bản mang tên “A Lady to Keep You Company” đăng tải trên Tạp chí Văn nghệ phong cảnh tại Thượng Hải vào tháng 6 năm 1934, Lưu Niệt Âu đã viết: “Thời đại: Hiện đại; Địa điểm: Đô thị”. “Hiện đại” và “Đô thị”, hai từ ngắn gọn đó đủ để khái quát không chỉ thời gian và không gian mà còn cả tinh thần các tác phẩm của Lưu Niệt Âu.

      Lưu Niệt Âu, tên thật là Lưu Xán Ba, sinh năm 1900 (1905?), là người Đài Nam, Đài Loan. Ông từng có thời gian dài lớn lên ở Nhật Bản, sau khi tốt nghiệp đại học ở Nhật, ông quay về Trung Quốc học tiếng Pháp ở Trường Đại học Chấn Đán, Thượng Hải. Mối duyên nợ của ông với thành phố Thượng Hải cũng bắt đầu từ đây. Cùng một số người bạn đồng chí hướng, ông đã mở hiệu sách ở Thượng Hải, thành lập những tạp chí tân tiến như Chuyến tàu không đường ray và Tân văn nghệ, xuất bản tập truyện ngắn Phong cảnh đô thị. Trong các tác phẩm của mình, ông đã thử nghiệm các phương thức sáng tác mới mang đậm dấu ấn của văn học Phương Tây và văn học Nhật Bản. Ông được biết đến như người khai sáng của phái tiểu thuyết “tân cảm giác” tại Trung Quốc. Tập truyện ngắn Phong cảnh đô thị (nguyên văn “Đô thị phong cảnh tuyến”) của ông là tập truyện đầu tiên sáng tác theo khuynh hướng “tân cảm giác” của văn học hiện đại Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông còn quan tâm đến việc cách tân nghệ thuật điện ảnh. Ông đã cùng bạn hữu thành lập Tạp chí Điện ảnh hiện đại, và tự viết kịch bản, đạo diễn một số bộ phim như “Nụ cười vĩnh cửu”, “Mối tình đầu”.

      Từng sang lại Nhật Bản một thời gian nhưng sau khi cuộc chiến tranh chống Nhật nổ ra vào năm 1931, ông lại quay về Trung Quốc. Năm 1939 (1940?), ông bị ám sát ở Thượng Hải. Có thuyết nói thủ phạm là người của Quốc dân đảng, có thuyết lại cho rằng ông bị sát hại do mâu thuẫn với một số nhân vật xã hội đen đương thời. Lưu Niệt Âu rời bỏ cuộc sống và văn đàn khi mới chỉ 35 tuổi. Cuộc đời ông ngắn ngủi và đầy bất ngờ như chính vẻ phù hoa của cái thành phố mà ông miêu tả trong các trang viết của mình. Mặc dù tác phẩm ông để lại rất ít ỏi, vỏn vẹn một tập truyện ngắn Phong cảnh đô thị gồm 8 truyện, và một vài sáng tác lẻ tẻ khác, song những tác phẩm đó đã đủ để xác lập vị trí không thể thay thế của Lưu Niệt Âu trong lịch sử văn học và điện ảnh Trung Quốc hiện đại.

      Lưu Niệt Âu cùng với Mục Thời Anh, Thi Trập Tồn là những tên tuổi tiêu biểu cho phái “tân cảm giác” của Trung Quốc, trong đó Lưu Niệt Âu được coi là người đặt nền móng, còn Mục Thời Anh, Thi Trập Tồn là những người tiếp nối và phát triển. Phái “tân cảm giác” này xuất hiện trên văn đàn Trung Quốc vào khoảng cuối những năm 1920 đầu những năm 1930, tác phẩm chủ yếu là của các tác giả ở Thượng Hải. Sáng tác của họ, từ nội dung đến hình thức, đều xoay quanh sự quan sát, thể nghiệm và cảm nhận về đô thị hiện đại.

      Thi Trập Tồn từng nói rằng, ở con người và văn chương Lưu Niệt Âu có sự pha trộn của ba thứ văn hóa: một phần ba là Đài Loan, một phần ba là Nhật Bản, và một phần ba là Thượng Hải[1]. Tuy nhiên, nếu phải tìm ra một yếu tố làm nên linh hồn cho những sáng tác của ông thì có lẽ đó vẫn là đô thị mang tên Thượng Hải. Dưới ngòi bút của ông, thành phố Thượng Hải không còn chỉ là một thứ “bối cảnh” ẩn đằng sau những câu chuyện và nhân vật như trước đây nữa mà đã trở thành một đối tượng thẩm mỹ, một thực thể độc lập, tràn đầy sức sống. Thành phố này là nơi ông gửi gắm những giấc mơ: viết văn, làm báo, quay phim..., là nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tác của ông, là bầu không khí ông hít thở hàng ngày. Ông say đắm nó và căm ghét nó, theo đuổi nó và chối bỏ nó, thưởng thức vẻ phù hoa mê hoặc của nó và chứng kiến cả sự tăm tối suy đồi của nó...

      Trong hai truyện ngắn “Trò chơi” và “Hai kẻ vô cảm với thời gian” được giới thiệu dưới đây, chúng ta bắt gặp một Thượng Hải của Lưu Niệt Âu hiện diện trong những không gian đặc thù: các tòa cao ốc, đường phố tấp nập, trung tâm thương mại, chung cư, công viên, nhà hát, rạp chiếu bóng, trường đua ngựa, vũ trường, quán cà phê, phòng trà…; trong nhịp điệu thời gian mà có lúc thì hối hả như trong một cuộc chạy đua, có lúc lại ngưng trệ tù đọng đến bức bối; và tất nhiên, trong hình ảnh những con người của thành phố - những người đàn bà và đàn ông đang chơi “trò chơi” tình yêu và tình dục. Đặc biệt, Lưu Niệt Âu dành nhiều sự quan tâm cho hình ảnh những người đàn bà của thành phố. Như Di Quang trong “Trò chơi”, như cô gái không rõ tên trong “Hai kẻ vô cảm với thời gian”. Những người đàn bà ấy sở hữu vẻ bề ngoài, tính cách và lối sống hòa làm một với vẻ phù du quyến rũ chết người của thành phố.

      Đằng sau hình ảnh những người đàn ông của thành phố, thấp thoáng bóng dáng của chính Lưu Niệt Âu. Họ là một phần không thể tách rời của cái thành phố mà họ đang sống, họ mải miết chơi với nó trong những trò chơi bất tận lúc thắng lúc thua. Nhưng có nhiều lúc họ chợt tỉnh giấc mơ để quan sát nó bằng cặp mắt của một kẻ vừa ở bên trong vừa ở bên ngoài. Giống như Bộ Thanh trong “Trò chơi”: “Sáng hôm nay anh từ nhà một người bạn bước ra ngoài, khi đi qua một đường phố náo nhiệt, anh cảm thấy mọi thứ trong cái thành phố này đã chết cả rồi (…) Trước mắt anh chỉ còn là một dải sa mạc lớn, im lìm như thời cổ đại.” Giống như H. trong “Hai kẻ vô cảm với thời gian”: “Trong cái thành phố hết thảy đều là tạm thời và thuận tiện này, những thứ không thay đổi nhất có lẽ chính là những công trình kiến trúc xẻ núi mà mọc lên dọc theo đường phố, nhưng chúng cũng chỉ mới tồn tại khoảng bốn năm mươi năm mà thôi.” Những nhân vật đó, cũng như Lưu Niệt Âu, là những đứa con cưng của Thượng Hải. Họ sống, làm việc, vui chơi và yêu đương theo những quy luật do thành phố đặt ra. Trong mỗi câu chuyện cụ thể dưới ngòi bút của Lưu Niệt Âu, ta thấy dường như họ đang theo đuổi tiền tài, danh vọng, tình yêu hay dục vọng… Nhưng khi nhìn một cách tổng thể, ta mới phát hiện ra rằng những thứ đó chẳng qua chỉ là những biến thể mang những tên gọi khác nhau của cùng một giấc mơ có tên “thành phố”.

      Nói về ngôn ngữ, nếu ai đó muốn tìm trong các sáng tác của Lưu Niệt Âu một thứ tiếng Hán mẫu mực thuần khiết thì hẳn sẽ vô cùng thất vọng. Ngôn ngữ trong tác phẩm của ông, nói theo một cách nào đó, mang tính chất của giai đoạn giao thời cũ – mới, Đông – Tây, và in đậm phong cách rất riêng của cá nhân tác giả. Từ từ vựng, ngữ pháp đến giọng điệu đều có sự pha trộn giữa tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Nhật. Bên cạnh dấu ấn của phái “tân cảm giác” Nhật Bản mà Lưu Niệt Âu chịu ảnh hưởng, ở sự pha trộn đôi khi nhất thời, hỗn loạn và bất ổn ấy, ta có thể cảm nhận được những thể nghiệm sâu sắc của riêng tác giả về cuộc sống và con người trong một đô thị hiện đại.

(in trong "Thượng Hải - Tokyo - Hà Nội - Seoul trong văn chương Đông Á đầu thế kỉ XX")

 


 

[1] Dẫn theo “Lời giới thiệu của người biên soạn” trong Đô thị phong cảnh tuyến, tác giả Lưu Niệt Âu, người biên soạn Trần Tử Thiện, Hàng Châu: NXB Văn nghệ Chiết Giang, 2004, tr.2. 

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020