Là cuốn sách tự thuật về con người và cuộc đời của một bậc thánh sư, Tự truyện Gandhi mang đến cho độc giả một cái nhìn nội quan mới mẻ về tác giả. Từ góc nhìn độc đáo này, chân dung bậc thánh sư hiện lên cao cả, mà vô cùng gần gũi, bình dị. Hình ảnh Gandhi hiện lên giữa đời thường trong cuộc đấu tranh giành độc lập, bình đẳng cho tầng lớp bị coi là hạ tiện; trong cuộc vật lộn mưu sinh để xây dựng gia đình và trong cuộc đấu tranh với phần vị kỉ ẩn náu sâu thẳm nội giới khiến người đọc cảm phục và yêu quý một nhân cách lớn vô ngần. Ông thuộc về thế giới vĩnh cửu của những bậc hiền nhân.
Bài viết nhân kỉ niệm 150 năm ngày sinh M.Gandhi
đã đăng trên tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và châu Á, số Tháng 6 /2019.
Ba danh nhân Ấn Độ Rabindranath Tagore (1861 - 1941) - Mahatma Gandhi (1869 - 1948) – Jawaharlan Neru (1889 - 1964) – được tôn vinh là Tam linh vị của Ấn Độ hiện đại. R. Tagore là một nhà thơ, nhà văn, kịch gia, tiểu thuyết gia, họa sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng của bang Bengal, triết gia Bà la môn và là một nhà dân tộc chủ nghĩa. Ông được trao Giải Nobel Văn học năm 1913 cho tập thơ Dâng và là người châu Á đầu tiên nhận được giải thưởng cao quý này. Ông còn là tác giả của Quốc ca Ấn Độ (Jana Gana Mana), Sri Lanka (Sri Lanka Matha) và Bangladesh. J. Neru là lãnh tụ tối cao của phong trào độc lập Ấn Độ. Ông đã lãnh đạo Ấn Độ từ khi độc lập vào năm 1947 cho đến năm 1964 khi ông qua đời. Với nhân dân Ấn Độ, Nehru là kiến trúc sư của nhà nước hiện đại Ấn Độ: một nước cộng hòa có chủ quyền, thế tục và dân chủ. Ông được biết đến như là Pandit Nehru ("Học giả Nehru") hay như Panditji ("Học giả"). Trẻ em Ấn Độ gọi ông là Chacha Nehru - "Bác Nehru". Nehru cũng là nhà văn, sử gia và là tộc trưởng của gia tộc Nehru - Gandhi, một dòng tộc nổi tiếng nhất trên chính trường Ấn Độ. M.Gandhi là “anh hùng dân tộc Ấn Độ, người đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ của hàng triệu người dân”. Ông được nhân dân Ấn Độ tôn xưng là Mahatma (Thánh sư hay Đại nhân) nhưng với thái độ khiêm cung, ông luôn cảm thấy không thoải mái với danh xưng đó. Về một con người vĩ đại như M. Gandhi, có rất nhiều công trình lớn nghiên cứu. Có thể nhắc đến những trước tác như M. Chatterjee (193), Gandhi’s Religious Thought, Luân Đôn; Elst, K. (2001). Gandhi and Godse: A review and a critique. New Delhi: Voice of India; Harijan, A Journal of Applied Gandhiism, New York 1933-54; R.N. Iyer (1973), The Moral and Political Thought of Mahatma Gandhi, New York; J.T.F. Jordens (1998), Gandhi’s Religion. A Homespun Shawl, Basingstoke; B. Parekh (1995), Gandhi's Political Philosophy; G. Richards (1982), The Philosophy of Gandhi, Luân Đôn; R.J. Terchek (2001), Gandhi, New Delhi; Gandhi: A Photo biography by Peter Rühe ISBN 0714892793; The Essential Gandhi: An Anthology of His Writings on His Life, Work, and Ideas by Louis Fischer ISBN 1400030501; Gandhi: A Life by Yogesh Chadha ISBN 0471350621; Gandhi and India: A Century in Focus by Sofri, Gianni (1995), ISBN 1900624125; The Kingdom of God is Within You by Leo Tolstoy (1894), ISBN 0803294042. Có thể nhận thấy, những công trình này thiên về nghiên cứu tư tưởng tôn giáo, triết học của Gandhi. Vì thế trong bài viết này, chúng tôi có khuynh hướng tái hiện hình ảnh Gandhi qua một sáng tác nổi tiếng của ông là cuốn Tự truyện Gandhi, qua đó, người đọc có thể hình dung phần nào chân dung của một bậc thánh sư: cao cả mà rất đỗi bình dị.
1. Một chiến sĩ kiên cường đấu tranh vì độc lập dân tộc, bình đẳng cho con người
Từ hơn 1.500 tr CN, xã hội Ấn Độ đã phân biệt đẳng cấp (varna) dựa trên màu da, huyết thống. Trong thần thoại Veda, thần Khổng lồ Purusha đã sinh ra người Balamon từ miệng, người Kshatriya từ cánh tay, người Vaisya từ eo lưng và người Shudra từ bàn chân. Luật Manu đã kế thừa tư tưởng ấy, quy định sự phân biệt đẳng cấp vô cùng nghiệt ngã. Những người thuộc đẳng cấp dưới bị khinh thường và chà đạp. Cuộc sống của họ hết sức cùng cực. Gandhi đã đấu tranh đòi bình đẳng cho những người thuộc đẳng cấp dưới. Ông nói: “Chế độ đẳng cấp là một điều lạc hậu và lỗi thời. Nó phải ra đi nếu cả Ấn Độ giáo lẫn Ấn Độ muốn tồn tại và phát triển”1. Từ năm 1877, Ấn Độ trở thành thuộc địa của Anh. Những người Ấn Độ da màu càng bị kì thị. Họ bị chèn ép, đàn áp ở bất cứ đâu. Gandhi cũng không ngoại lệ. Chính bản thân ông cũng bị những người da trắng đối xử rất bất công. Khi ông đi tàu, mặc dù mua vé hạng nhất nhưng ông vẫn bị đuổi xuống toa hạng ba. Cùng mua vé đi xe ngựa, nhưng ông bị buộc phải ra ngồi cạnh chỗ người phu xe. Chứng kiến cảnh mình bị ngược đãi, Gandhi không khỏi đau xót cho những Ấn kiều như ông ở Nam Phi. Vì vậy, ông đã đấu tranh không mệt mỏi, thậm chí không màng đến nguy hiểm, để đòi quyền bình đẳng cho những người Ấn Độ thuộc đẳng cấp dưới và Ấn kiều. Ông làm tất cả mọi việc có thể nếu nó phụng sự cho Tổ quốc bởi lí tưởng của ông là: “Một người ái quốc không thể bỏ sót một ngành nào trong việc phụng sự đất mẹ”2.
Ngay từ khi còn là một cậu bé, Gandhi đã bày tỏ ý chí đấu tranh đó dù rất ngây thơ. Gia đình theo đạo Vaisshanava, ăn chay, kiêng ăn thịt, nhưng qua lời của những người bạn, cậu bé Gadhi đã nói dối cha mẹ mong muốn ăn thịt vì cho rằng ăn thịt để có sức khỏe, để cả dân tộc Ấn khỏe mạnh để có thể đánh bại người Anh.
Gandhi sang Nam Phi để tranh biện cho vụ kiện của một người Ấn. Sau khi hoàn thành vụ kiện, ông dự định trở về Ấn Độ. Song tình cờ đọc một trang báo có nhan đề Quyền đầu phiếu của người Ấn có nội dung trình bày về dự luật của viện lập pháp với mục đích là tước quyền đầu phiếu của người Ấn trong việc bầu cử Hội đồng lập pháp Natal. Nhận thấy, nếu dự luật này thành luật, số phận của những người Ấn ở đây sẽ vô cùng khốn đốn. “Nó giống như chiếc đinh đầu tiên đóng vào quan tài” chôn những người Ấn Độ ở Natal. Gandhi đã kêu gọi những người Ấn Độ thuộc mọi tôn giáo, lĩnh vực, nghề nghiệp, địa phương… đoàn kết đấu tranh đòi quyền bỏ phiếu. Mặc dù, cuối cùng dự luật đã được thông qua, nhưng cuộc vận động đã đem lại một sức sống mới cho đoàn thể và khiến những người Ấn Độ ở Natal một niềm tin xác tín rằng đoàn thể là một khối không thể phân chia, và họ có phận sự tranh đấu cho quyền lợi chính trị cũng như cho quyền lợi thương mãi của mình. Và vì vấn đề này, Gandhi đã quyết định ở lại Natal đồng hành với họ trong cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng. Ông luôn tâm nguyện: “Phục vụ những người nghèo vẫn là nguyện vọng của lòng tôi, và nguyện vọng ấy đã luôn luôn đẩy tôi vào giữa những người nghèo và khiến tôi có thể đồng hóa mình với họ”3. Ở Natal, Gandhi đã thành lập Hội Ấn kiều sẵn sàng giúp đỡ những người cần đến sự giúp đỡ của ông. Rất nhiều người Ấn lao động khế ước – một hình thức lao động không khác nô lệ, bị những ông chủ người Âu áp bức, đánh đập dã man đã tìm đến Hội và họ đã nhận được sự giúp đỡ chí tình từ Gandhi. Khi Gandhi rời Nam Phi về nước, chính phủ Nam Phi đã bãi bỏ các khoản thuế riêng cho người Ấn Độ và đạo luật hạn chế sự di trú của họ tại Nam Phi.
Sau ba năm ở Nam Phi, Gandhi trở về Ấn Độ. Ông không ngại ngần tham gia làm công việc ở Sở Vệ sinh. Mục đích của ông là tuyên truyền và mang đến cho những người Ấn Độ một lối sống vệ sinh, văn minh, chống lại bệnh dịch đang bùng phát mạnh ở Bombay. Với mục đích ấy, ông đã đến từng nhà, vào xem xét khu vệ sinh của từng gia đình để thay đổi tập tục sinh hoạt mất vệ sinh của họ, điều mà tất cả các nhân viên khác ở sở vệ sinh đều không làm.
Khi trở lại Nam Phi, Gandhi tiếp tục công việc của một luật sư bảo trợ về luật pháp cho những người Ấn Độ ở Natal. Nhưng ông cảm thấy không thỏa mãn bởi ông luôn khát khao công việc nhân đạo lâu dài. Vì vậy, ông đã dành thời gian mỗi ngày hai tiếng để làm việc trong một bệnh viện Chính phủ dành cho những người lao động khế ước. Công việc của ông là xác nhận lời khai của bệnh nhân, trình bày lại với bác sĩ và phát thuốc theo toa đã cho.
Khi đến Johannesburg, Gandhi nhận được những lời than thở rằng những sĩ quan châu Á ở đây thay vì bảo vệ, che chở cho những kiều dân Trung Hoa, Ấn Độ và các xứ khác, họ lại bóc lột những kiều dân này đến tận cùng. Gandhi đã thu thập chứng cứ, mang đến Ti Cảnh sát đấu tranh. Mặc dù điều này là hết sức khó khăn vì rất khó tìm được một bồi thẩm đoàn da trắng ở Nam Phi để buộc tội một bị can da màu phạm tội. Được sự ủng hộ của viên cảnh sát trưởng, hai sĩ quan trong số rất nhiều tên bị nghi ngờ đã bị bắt và đưa ra tòa xét xử. Tội trạng của chúng quá rõ nhưng chúng chỉ bị cách chức mà được tha bổng không bị kết tội. Mặc dù những viên sĩ quan này rất tệ nhưng Gandhi không thù ghét họ trên phương diện cá nhân. Chính họ cũng biết điều này nên khi gặp khó khăn, họ vẫn đến gặp ông nhờ vả. Và ông cũng sẵn sàng giúp họ. Ông hành động theo một quan niệm vị tha, cao thượng: “Hãy ghét tội lỗi, đừng ghét kẻ phạm tội”4.
Gandhi sẵn sàng làm cố vấn pháp luật cho người nghèo mà không màng đến lệ phí họ phải trả. Hầu hết số tiền ông kiếm được dành để xây cất bệnh viện cho người nghèo. Khi cuộc chiến Boer diễn ra, Gandhi cùng hơn một nghìn người Ấn đã tham gia cứu thương những người lính. Hành động thiện nguyện của họ đã được ca tụng. Đồng thời, nó đã góp phần tạo nên mối quan hệ keo sơn gắn bó giữa những người Ấn Độ thuộc mọi đẳng cấp, nghề nghiệp, tôn giáo… Những người lính da trắng cũng bày tỏ thái độ biết ơn sâu sắc vì sự giúp đỡ của họ. Khi những người Zulu ở Natal kháng cự lệnh bắt đóng một khoản thuế mới của chính phủ, tộc trưởng đâm một nhát giáo vào viên trung sĩ thu thuế, họ bị khép tội “nổi loạn” và bị chính quyền đàn áp. Gandhi đã tham gia vào đội cứu thương giúp đỡ những người Zulu vô tội. Thảm kịch mà những người Zulu phải gánh chịu là chất liệu để Gandhi trầm tư và minh triết về Phạm hạnh và thuyết Bất bạo động (Satyagraha) nổi tiếng của ông.
Vậy “Bất bạo động là gì”? Chính Gandhi đã khái lược quan niệm của ông như sau: “Một người theo đuổi Bất bạo động chỉ trung thành với niềm tin của anh ta khi mà mọi hành vi của anh ta đều tuôn phát từ lòng thương cảm, khi anh ta cố hết sức để tránh làm hại đến sinh vật nhỏ bé nhất, cố cứu nó, và nỗ lực không ngừng để thoát khỏi cái thòng lọng chết người của bạo động”5. Tuy nhiên, Gandhi cũng cho rằng, người bất bạo động “luôn luôn tiến lên trong niềm từ bi, tiết dục, song vẫn không bao giờ có thể hoàn toàn thoát khỏi bạo động”6. Và do đó, “khi hai quốc gia đánh nhau, nhiệm vụ của một người bất bạo động là phải chấm dứt chiến tranh. Kẻ nào không làm được việc đó, kẻ nào không có năng lực chống lại cuộc chiến, không đủ khả năng để chống chiến tranh, thì có thể dự phần trong chiến cuộc mà vẫn cố hết mình để tự giải thoát, giải thoát quốc gia và nhân loại ra khỏi chiến tranh”7. Tư tưởng Bất bạo động của Gandhi thực chất thể hiện một tinh thần nhân đạo, nhân văn cao cả, một khát vọng hòa bình cho nhân loại, nhất là những người bị coi là tầng lớp dưới trong xã hội, những người yếu thế, đặc biệt dễ bị tổn thương. R.Rolland tuy cho rằng học thuyết này không thể áp dụng ở châu Âu nhưng ông vẫn hết lời ca ngợi: “Tôi vẫn cảm thấy cần thiết phải truyền giảng thuyết Bất bạo động của Gandhi bởi vì nó là điều thiện và chân lí tuyệt đối đúng và nó sẽ là phương tiện duy nhất để cứu rỗi nền văn minh nhân loại ra khỏi thảm họa của chiến tranh hủy diệt”8.
Tagore nhận xét về ông như sau: “Ông ngừng lại ở ngưỡng cửa các căn nhà tồi tàn của hàng ngàn người cùng khốn, y phục của ông y hệt y phục của họ. Ông nói với họ bằng ngôn ngữ của họ. Đó mới thực là một chân lí sinh động chứ không phải chỉ là những lời suông trong sách vở. Vì vậy mà tiếng tôn xưng Mahatma (Thánh sư) mà dân Ấn tặng ông đã thành tên thực của ông. Ai là người cảm thấy như ông rằng tất cả mọi người Ấn chính là da thịt của mình, máu mủ của mình? Khi tình thương tới gõ cửa Ấn Độ thì cửa đã mở toang chờ sẵn rồi… Nghe tiếng gọi của Gandhi, Ấn Độ xông ngay tới một cảnh vinh quang cao quý mới, như hồi xưa, rất xa xăm, khi Phật tổ tuyên bố đạo từ bi, thương yêu cả mọi sinh vật”9.
Trong cuốn Gandhi – A Life được xuất bản năm 1969, Krishna Kripalani đã khẳng định: “Trong suốt ba thập kỉ, kể từ khi ông tham gia vào cuộc đấu tranh chính trị, ông đã đưa dân tộc đến ngưỡng cửa của tự do”10. Suy ngẫm về giây phút ông ngã xuống bởi viên đạn của kẻ sát nhân Godse, Casey đã thốt lên: “Khi điều kinh khủng đó xảy ra, luồng ánh sáng đặc biệt đã rời khỏi Ấn Độ”11.
2. Một con người đầy trách nhiệm đối với gia đình
Mặc dù bận rộn bôn ba với lí tưởng đời mình nhưng Gandhi luôn cố gắn hoàn thành bổn phận của một người con, người chồng, người cha, người em trong gia đình với một niềm yêu thương trìu mến. Với cha mẹ, Gandhi là một người con rất mực hiếu thảo. Ông cho rằng, phẩm chất này của ông được hình thành nhờ vở kịch mà ông được xem từ thời ấu thơ. Vở kịch đó có tên là Shravana Pitribhakti Nakata. Vở kịch kể về lòng hiếu thảo của Shravana đối với cha mẹ. Ông đã đọc nó một cách say mê. Hình ảnh để lại ấn tượng sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong tâm hồn ông là hình ảnh Shravana cõng trên vai hai cha mẹ mù đi hành hương, cảnh Shravana khóc thảm thiết khi cha mẹ mất. Cậu bé Gandhi khi đó tự nhủ: “Đây là một tấm gương mà ta phải theo”. Quả thật, sau này, Gandhi đã yêu kính cha mẹ hết lòng. Cậu đã chăm sóc cha mẹ cẩn thận, chu đáo. Vừa tan học, cậu thường chạy một mạch về nhà và chăm sóc cha. Xin nghỉ học thể thao ở trường để có mặt ở nhà mỗi buổi chiều vì cha cần sự có mặt của cậu. Cha Gandhi bị ốm nặng, cùng với mẹ, cậu đã săn sóc cha một cách thường xuyên bên giường bệnh. Gandhi làm phận sự của một điều dưỡng viên, băng bó, lấy thuốc cho cha. Mỗi đêm, cậu thường thoa bóp chân cho cha và chỉ đi ngủ khi ông bảo đi ngủ hoặc khi ông ngủ thiếp đi. Cậu không khi nào xao lãng bổn phận đó. Tất cả thời gian có được sau khi học bài đều dành để chăm sóc cha. Do mong muốn có sức khỏe để có thể chiến thắng thực dân Anh, giành độc lập dân tộc, Gandhi đã giấu cha mẹ, theo đuổi việc ăn thịt, đi ngược lại với quy tắc ăn chay của tôn giáo mình. Song Gandhi rất đau khổ vì cho rằng mình đã lừa dối cha mẹ: “Tôi biết rằng, nếu mẹ tôi và cha tôi mà tình cờ biết được tôi đã trở thành một kẻ ăn thịt, thì họ sẽ rất kinh hoàng. Ý nghĩ đó cứ gậm nhấm trái tim tôi. Bởi thế, tôi tự nhủ: “Mặc dù rất cần phải ăn thịt, và rất cần phải mở cuộc cải cách về ăn uống khắp trong nước song lừa dối cha mẹ là một điều tệ hơn cả sự không ăn thịt”12.
Trong ứng xử với vợ, Gandhi đã biết vượt lên những luật lệ và lề thói thông thường của một người chồng Ấn Độ. Một người chồng Ấn Độ thường coi mình là Chúa tể của vợ, còn người vợ có bổn phận lăng xăng hầu hạ chồng. Gandhi tự nhận thấy người vợ không phải là một kẻ nô lệ của người chồng, mà là một người bạn, một người giúp đỡ và chia sẻ những vui buồn cùng mình, một người ngang hàng, có tự do ngang với mình để chọn con đường riêng. Không những thế, Gandhi còn là một người chồng rất yêu vợ. Gandhi lấy Kasturbai khi còn học phổ thông và theo sự đính ước của cha mẹ. Song ông đã dành cho vợ tình cảm chân thành: “Tôi phải thừa nhận rằng tôi yêu nàng say đắm. Ngay cả ở trường, tôi cũng thường nghĩ đến nàng, và ý nghĩ về lúc chiều xuống và cuộc gặp gỡ sau đó của chúng tôi vẫn thường ám ảnh tôi. Tôi thường giữ nàng rất khuya để nói chuyện bâng quơ”. Tình yêu đích thực khiến con người trở nên vị tha, trao đi mà không cần đền đáp: “Tình yêu của tôi hoàn toàn tập trung vào một người đàn bà, và tôi muốn tình yêu ấy được đền đáp. Nhưng cho dù không có sự đền đáp, đấy cũng không thể là một mối bất hạnh khôn khuây bởi vì tôi đã có tình yêu đích thực, dù là đơn phương”13. Mặc dù, theo tục lệ, hầu như sống với vợ rất ít, Gandhi đã rất cố gắng dạy vợ mình biết chữ. Từ một cô bé thất học, bà Kasturbai có thể viết những bức thư thông thường và hiểu tiếng Gurajati đơn giản.
Đối với anh chị em, Gandhi cũng cư xử đầy yêu thương. Khi người anh rể bị ốm nặng, người chị của Gandhi không thể chăm sóc chồng, Gandhi đã đón anh đến nhà mình ngày đêm chăm sóc anh cho đến khi qua đời. Chăm sóc người ốm đã dần phát triển thành một đam mê của ông.
Với con cái, Gandhi giáo dục, chăm sóc con bằng một cách thức riêng. Ông rất nghiêm khắc với con nhưng cũng luôn tôn trọng suy nghĩ của con. Chính ông đã tự dạy học cho các con.
3. Một con người có trình độ tâm linh cao khiết
Trung thực vô ngần là một phẩm chất nổi bật ở Gadhi. Phẩm chất này thể hiện ngay từ khi ông còn là một cậu bé. Với suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ, Gandhi cho rằng, để có sức khỏe chống lại thực dân Anh, giành độc lập, thì phải ăn thịt. Hành động này đi ngược lại với nguyên tắc ăn chay theo tôn giáo của ông. Nên mặc dù đã lén lút giấu cha mẹ ăn thịt giấu nhưng do không muốn day dứt lương tâm vì nói dối cha mẹ nên cậu đã từ bỏ việc ăn thịt. Khi đến Anh, các sinh viên Ấn Độ thường nói dối về tình trạng đã kết hôn của mình nhằm mục đích kết thân với các cô gái bản xứ. Tuy nhiên, Gandhi đã không làm như vậy. Cậu đã tẩy sạch mình khỏi ung nhọt của sự dối trá bằng cách không ngần ngại nói về tình trạng hôn nhân của mình. Trung thực vô ngần, Gandhi cũng không hề giấu diếm quá trình đấu tranh khó khăn đối với dục vọng, để đạt được Phạm hạnh. Chính điều này đã khiến chúng ta cảm thấy ông vô cùng gần gũi và giản dị.
Gandhi là người có chí kiên định. Ông kiên quyết sang Anh học tập dù bị đe dọa khai trừ ra khỏi đẳng cấp, dù mới 18 tuổi, chưa có một chút kinh nghiệm gì về việc học tập ở nước ngoài và tương lai. Khi ở Anh, rất nhiều người khuyên Gandhi từ bỏ lời thề ăn chay để thích hợp với khí hậu và cuộc sống học tập căng thẳng nhưng cậu đã kiên quyết từ chối: “Một lời thề vẫn là một lời thề. Không thể nuốt lời được”14.
Gandhi cũng khiến chúng ta yêu mến và cảm phục bởi lối sống cần kiệm, chăm chỉ và liêm khiết. Khi sang Anh học luật, ông không sống xa hoa lãng phí mà rất tiết kiệm, chỉ thuê một căn phòng trọ, ăn uống rất kham khổ; học rất nhiều ngoại ngữ tiếng Anh, Pháp, Latin. Sau này, khi đưa gia đình sang Nam Phi, thu nhập của một luật sư có thể sống một cuộc sống đầy đủ nhưng Gandhi vẫn sống hết sức đơn giản. Ông và vợ tự giặt là quần áo, tự cắt tóc để tiết kiệm tiền. Mặc dù cuộc sống không mấy dư dả nhưng Gandhi đã xung hết vào công quỹ số quà, trang sức bạn hữu đã tặng ông khi ông rời Nam Phi trở về Ấn Độ. Số tiền ấy được ông sử dụng cho những hoạt động chung của các đoàn thể. Ông quan niệm rằng một người làm việc công không nên nhận những món quà đắt giá.
Gandhi tôn thờ sự vị tha. Với ông, sự từ bỏ là hình thức cao cả nhất của tôn giáo. Đó là điều vô cùng lôi cuốn Gandhi. Những câu thơ: “Nhưng ta nói cho ngươi biết: đừng cưỡng lại sự ác, mà kẻ nào đánh người má phải, hãy chìa má trái của ngươi ra nữa. Và nếu ai lấy của ngươi chiếc áo, người hãy đưa luôn cho nó chiếc đồng hồ”; “Nhận một bát nước, người hãy đến trả một bữa cơm ngon”15 đặc biệt thu hút Gandhi.
Mặc dù là người theo Ấn Độ giáo, nhưng Gandhi vẫn có cái nhìn phản biện đối với phần lớn các tôn giáo, bao gồm cả tôn giáo của gia đình. Ông nhận rõ hạn chế của Ấn Độ giáo trong cái nhìn kì thị phân biệt đẳng cấp. Trong Tự truyện, ông đã bày tỏ quan điểm như sau: “Như vậy, nếu tôi không thừa nhận Thiên chúa giáo là toàn hảo hoặc vĩ đại nhất thì tôi cũng chẳng tin Ấn Độ giáo được như vậy. Những nhược điểm của Ấn Độ giáo đập ngay vào mắt tôi. Nếu kì thị người ti tiện (untouchability) là một thành phần của Ấn Độ giáo thì nó là thành phần hủ nát hoặc là một cục bướu. Tôi không thể hiểu lí do tồn tại của đa số phe phái và giai cấp xã hội. Thế nào là ý nghĩa của câu nói: "Phệ-đà là những lời cảm hứng của Thượng đế"? Nếu chúng được truyền cảm, thì tại sao Thánh kinh và Koran lại không? Khi các người bạn Thiên chúa giáo tìm cách thuyết phục cải đạo, các người bạn Hồi giáo cũng làm như vậy. Abdullah Sheth liên tục khuyến dụ tôi nghiên cứu Hồi giáo và dĩ nhiên là ông ta luôn có những gì để nói về cái đẹp của nó”16. Khi được hỏi có phải là môn đồ Ấn giáo hay không, ông trả lời: “Đúng, tôi là môn đồ Ấn giáo. Tôi cũng là một tín đồ Thiên chúa giáo, một tín đồ Hồi giáo, một Phật tử và một môn đồ Do Thái17. Gandhi tin rằng, tinh hoa của mỗi tôn giáo là chân lí và tình thương. Nói cách khác, Chân lí và Tình thương chính là tôn giáo mà Gandhi tôn thờ, suốt đời tòng phục và hiện thực hóa.
Qua Tự truyện Gandhi, hình ảnh một bậc thánh sư hiện lên vừa cao cả vừa gần gũi, khiêm cung. Không chỉ là một chiến sĩ kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh đấu tranh cho độc lập dân tộc, bình đẳng, hạnh phúc cho những người bị coi là hạ tiện, phẩm cách tâm linh cao khiết, tâm hồn rộng mở, Gandhi trước hết còn là một người con của gia đình bình dị, mộc mạc, chan chứa yêu thương. Những vẻ đẹp tưởng như tương phản trong Gandhi kết tinh những tư tưởng thâm trầm vĩ đại của văn hóa Ấn Độ ngàn năm trầm tích trong những áng kinh văn Veda, Upanishad, Ramayana… của những tư tưởng gia vĩ đại, cũng như trí huệ và tình thương bao la riêng có của một bậc hiền nhân. Tư tưởng và tình cảm tiến bộ của ông dành cho con người và vạn vật vượt lên trên mọi giới hạn chật hẹp của phàm nhân kì thị về tôn giáo, màu da, lãnh thổ, nghề nghiệp, đẳng cấp, giống, loài… Vì thế, nó đạt tới tầm vóc vũ trụ và vĩnh cửu.
…………………..
Chú thích
1. Lương Duy Thứ (chủ biên) (1996), Giáo trình văn học phương Đông, Giáo dục, tr. 154.
2. Mahatma Gandhi (2016), Tự truyện Gandhi, Hồng Đức, tr. 191.
3. Mahatma Gandhi (2016), Tự truyện Gandhi, Hồng Đức, tr. 166.
4. Mahatma Gandhi (2016), Tự truyện Gandhi, Hồng Đức, tr. 287.
5. Mahatma Gandhi (2016), Tự truyện Gandhi, Hồng Đức, tr. 364.
6. Mahatma Gandhi (2016), Tự truyện Gandhi, Hồng Đức, tr. 364.
7. Mahatma Gandhi (2016), Tự truyện Gandhi, Hồng Đức, tr. 364.
8. Michel Albil, Gandhi et R. Rolland, Harper & Row Publisher, San Francisco, America, p. 215. Chuyển dẫn Đỗ Thu Hà (2015), Giáo trình văn học Ấn Độ, Đại học Quốc gia, tr. 424.
9. Will Durant (2003), Lịch sử văn minh Ấn Độ, Người dịch: Nguyễn Hiến Lê, Chương IX, mục VI. MAHATMA GANDHI.
10. Krishna Kripanali (1969), Gandhi – A Life, Orient Longmans, New Delhi, p. 67.
11. Chuyển dẫn Đỗ Thu Hà (2015), Giáo trình văn học Ấn Độ, Đại học Quốc gia, tr. 420.
12. Mahatma Gandhi (2016), Tự truyện Gandhi, Hồng Đức, tr.34.
13. Mahatma Gandhi (2016), Tự truyện Gandhi, Hồng Đức, tr. 23.
14. Mahatma Gandhi (2016), Tự truyện Gandhi, Hồng Đức, tr. 59.
15. Mahatma Gandhi (2016), Tự truyện Gandhi, Hồng Đức, tr. 81.
16. Wiki, Mahatma Gandhi, Được sửa đổi lần cuối vào ngày 14 tháng 1 năm 2019, 17:31.
17. Wiki, Mahatma Gandhi, Được sửa đổi lần cuối vào ngày 14 tháng 1 năm 2019 lúc 17:31.