Thuộc nhà văn thế hệ tiên phong lớp thứ hai của trào lưu văn học xuất hiện vào cuối thập niên 90 của thế kỉ trước, Dư Hoa được giới phê bình Trung Quốc đánh giá là cây bút đầy cá tính, người kế thừa, phát triển tinh thần Lỗ Tấn tiêu biểu nhất. Cùng hấp thụ tinh hoa văn hoá truyền thống được tích luỹ từ ngàn đời, lại tiếp thu rộng rãi nguồn ảnh hưởng của văn học phương Tây hiện đại, Lỗ Tấn và Dư Hoa có nhiều nét tương đồng trên phương diện nghệ thuật. Đặc biệt, trong sáng tác của hai nhà văn đồng hương Chiết Giang đều thấy xuất hiện kiểu nhân vật rất ấn tượng, mang đậm đặc trưng tính cách Trung Hoa - nhân vật đám đông. Qua hệ thống hình tượng quen thuộc này, các nhà văn khơi sâu nỗi đau tâm hồn của con người thời đại, phơi bày những trang sử đầy tính chất bi kịch khắc nghiệt, thê thảm của xã hội Trung Quốc ở vào các giai đoạn lịch sử có biến cố trọng đại. Tuy thuộc dạng nhân vật phụ, không mang tên tuổi, ngoại hình, lai lịch, tính cách cụ thể, song nhân vật đám đông giữ vai trò không nhỏ trong việc thể hiện ý đồ nghệ thuật của nhà văn.
Trong bốn cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Dư Hoa ra đời vào thập niên cuối của TK XX, đầu TK XXI (1), Huynh đệ có dung lượng lớn hơn cả, đồng thời bao quát phạm vi phản ánh hiện thực sâu rộng. Tiểu thuyết gồm hai tập, đề cập tới hai mảng đề tài riêng, song chúng được nối kết với nhau trong một chỉnh thể thống nhất. Tập một lấy bối cảnh là cuộc Cách mạng văn hoá 1966-1976, tập hai là thời kì cải cách mở cửa, Trung Quốc hồ hởi bước vào phát triển kinh tế thị trường. Ở thời kì trước, con người bị đè nén, ức chế, rơi vào tình trạng bi đát tột cùng, trở thành kẻ nô lệ cho quyền lực chính trị, quyền tự do cũng như quyền sống của họ đều bị tước đoạt một cách trắng trợn. Vào thời kì sau, con người ngỡ tưởng được tự do cởi trói, song thực chất vẫn chẳng thể thoát ra khỏi trạng thái nô lệ giữa thời đại luân lí đảo điên, nô lệ cho đồng tiền, dục vọng. Bao trùm tác phẩm là bầu không khí náo loạn, căng thẳng, ngột ngạt, bế tắc, hệ quả của cơ chế xã hội đậm sắc màu bạo lực, trấn áp, lạnh lùng, giả dối.
Nhân vật đám đông hiện lên trong Huynh đệ trước hết là những con người hiếu kì, thích tụ tập, a dua theo người khác, luôn xem bất hạnh của kẻ khác là thú vui của bản thân. Họ thường có mặt nơi không gian công cộng, như quán ăn, đường phố, con ngõ, bến xe… Bất kể khi nào xảy ra sự kiện dù lớn hay nhỏ là chỉ trong chốc lát, những đám đông trời sinh ra đã ưa chuyện mách lẻo, vốn chỉ sợ thiên hạ không rối ren đã mau chóng đồn tin kháo nhau, rồi ùn ùn kéo đến, xúm đông xúm đỏ như kiến cỏ, quây tụ vòng trong vòng ngoài vô cùng náo nhiệt. Họ chí choé, chen chúc xô đẩy, chỉ chỉ trỏ trỏ, xì xà xì xầm, bàn tán xôn xao, ồn ào như chợ vỡ, nét mặt ai nấy đều mang chung đặc điểm là háo hức, khoái chí như đang xem những vở diễn ly kỳ cổ quái. Đó là biển người núi người đông nghìn nghịt thích thú đứng xem người đàn ông không may bị lăn thùm xuống hố phân chết chìm. Cái đám người nhốn nháo ấy sau này lại rầm rộ kéo đi trên con phố lớn quanh thị trấn Lưu, áp giải kẻ tiểu lưu manh Lý Trọc giễu ba vòng dai dẳng trước khi tới đồn cảnh sát bởi chính cái tội danh mà người cha của hắn đã mắc phải: dòm trộm mông đàn bà trong nhà vệ sinh công cộng. Đó là đám đông thờ ơ trước cái chết thê thảm của Tống Phàm Bình, là đám người xúm lại rất đông xem hai đứa trẻ tội nghiệp khóc cha rồi cười rộ lên trước câu hỏi thương tâm của chúng; là bầy người ùn ùn đổ ra đường như đàn ruồi bâu, xôn xao nói, nhao nhao hỏi, lúc nhúc bám theo chiếc xe bò chở xác người đàn ông bị đánh cho đến chết, rồi đứng chật kín cửa bàn tán râm ran, ngó ngó nghiêng nghiêng xem cái xác bị đập vỡ đùi gối để bỏ vào cho vừa chiếc quan tài. Đó là đám người vây quanh Lý Lan bất hạnh đang tìm nhặt từng hạt đất dính máu của chồng, nhẫn tâm kể lại cho chị nghe chuyện chồng chị bị đánh chết ra sao, mỗi lời họ kể khiến chị cứ run lên cầm cập. Đó còn là đám đông đổ xô ra chật đường, chen chúc hai bên phố, hào hứng xem cuộc thi người đẹp trinh tiết lố bịch có một không hai trên đời, quí quân là ả đàn bà dâm đãng “siêu hạng trong số đàn bà dâm đãng cấp nặng cân toàn thế giới” (2), quán quân là người đàn bà có con hai tuổi… Đọc Huynh đệ, độc giả như gặp lại cái thế giới nhân vật thảm hại, tức cười, có sở thích hóng coi cuộc thị chúng, rồi lại trở thành đối tượng bị đem ra thị chúng trong những trang truyện của Lỗ Tấn khi xưa.
Nhân vật đám đông xuất hiện dày đặc trong Huynh đệ. Họ thường được miêu tả gắn với thế giới âm thanh hỗn độn: tiếng hò hét, gào thét, khua môi múa mép, tiếng réo ầm ĩ lên không dứt như ve sầu mùa hè, nhất là những tiếng cười mang sắc thái hả hê, mỉa mai, đầy ác ý. Các nhà nghiên cứu hay quan tâm tới hình ảnh cái chết, tiếng khóc khi tìm hiểu tác phẩm này. Quả là các trang truyện đầy rẫy cảnh đời thê thảm, những cái chết tức tưởi; ngập tràn tiếng khóc, tiếng kêu rên, tiếng van xin. Những trải nghiệm của tuổi thơ khiến nhà văn có sự nhạy cảm đặc biệt khi viết về nỗi đau, cái chết. Nhưng ở trong Huynh đệ không chỉ có nhiều nước mắt mà còn có rất nhiều tiếng cười. Âm điệu của những tiếng cười ấy cũng rất phong phú. Ít thấy trong tác phẩm nào của Dư Hoa, tiếng cười của nhân vật xuất hiện nhiều, đa dạng đến vậy, chủ yếu là tiếng cười của nhân vật đám đông: cười ồ, cười rộ, cười hì hì, cười ha ha, cười hỉ hỉ hả hả, cười hô hố, cười toáng lên, cười ngặt cười nghẽo, cười như vỡ chợ, cười toe toét, cười đến nỗi thở không ra hơi… Có điều những tiếng cười ở đây không phải mang âm hưởng của niềm vui cất lên từ trái tim nồng nàn, chân thật, muốn sẻ chia, trao gửi yêu thương; cũng không phải tiếng cười khuấy động cuộc sống đang mỏi mòn, chết lặng trên cái nền ảm đạm, đen tối của những phận đời khốn khổ. Phần lớn đó là những tiếng cười hùa theo nhau chỉ để thoả mãn cái thói tật xấu xa cố hữu, thói tò mò, soi mói, gièm pha, khích bác, thích bêu giếu, hạ bệ người khác; hoặc tệ hại hơn là tiếng cười hả hê trước nghịch cảnh, nỗi đau của đồng loại. Cùng với các thanh âm khác của cuộc đời, âm thanh tiếng cười đã góp phần làm nổi bật tính chất phi nhân tính của môi trường xã hội, một môi trường không chỉ làm biến dạng hình hài con người mà còn làm méo mó, dị dạng cả tâm hồn họ.
Hiện diện như là con bệnh tinh thần của thời đại, nhân vật đám đông trong Huynh đệ còn là những con người nhẫn tâm, vô cảm. Họ vừa là nạn nhân bị ném vào vòng quay oan nghiệt của lịch sử, vừa là tội nhân tự đẩy mình đến bước đường tha hoá, tự dồn nhau tới bước đường cùng. Ngòi bút Dư Hoa tỏ ra hết sức lạnh lùng, khách quan, nghiêm khắc khi để các nhân vật tự phô bày những khuyết tật, những thói quen ác độc của mình. Sau sự kiện bố Lý Trọc bị chết ngạt ở nhà xí, người đáng thương nhất là người vợ trẻ Lý Lan. Mới cưới chồng chưa được bao lâu, đứa con trong bụng chưa kịp chào đời, chị đã mất chồng. Song đối với người đàn bà này, không gì đau đớn hơn khi phải đeo gánh nặng nhục nhã, cái tiếng xấu muôn đời mà người chồng để lại. Trốn tránh những cái nhìn khinh khi, quái ác của người đời, ba tháng trời chị không dám bước chân ra đường, thậm chí không dám đứng gần cửa sổ. Hễ đi ngang qua cửa nhà chị, người ta lại thò đầu vào ngó nghiêng; gặp mẹ con chị ở đâu là người ta xúm đến, khích bác mở mồm nói toàn những lời khó nghe. Nỗi tủi hổ tột độ đã khiến Lý Lan từng nghĩ đến việc treo cổ tự vẫn. Chỉ vì đứa con mà chị phải sống tiếp, nhưng cuộc sống của chị không khác nào địa ngục trần gian. Đứa bé còi cọc bị nhốt suốt ngày suốt tháng trong căn nhà u ám, thỉnh thoảng mới được mẹ bế ra ngoài trong màn đêm xuống để tắm ánh trăng thay vì tắm ánh mặt trời. Mỗi lần bước chân khỏi nhà, Lý Lan không dám ngẩng mặt nhìn ai, thói quen cúi đầu làm lưng chị còng xuống. Chị luôn cảm thấy ánh mắt mọi người như “những mũi kim găm khắp người chị”, “cứ chằm chằm xoi mói nhìn chị như đóng đinh”. Nỗi ám ảnh về những ánh mắt đáng sợ không thôi đeo bám khiến người đàn bà khốn khổ “toàn thân run rẩy… hoảng hốt giống như sắp sửa nhảy vào vạc dầu sôi sùng sục”. Nghe ai đó gọi tên mình, chị cũng chợt “run rẩy, toàn thân như trúng đạn, suýt nữa ngã ra đất”. Chấn thương nặng nề về tinh thần, những áp lực tâm lí đã hành hạ, bào mòn cả thể xác lẫn tâm hồn con người tội nghiệp ấy.
Không thể phủ nhận rằng, chính đám đông là một nhân tố khiến cho cuộc sống vốn đã ngột ngạt của họ càng thêm tối tăm, ngột ngạt. Những gì tốt đẹp, cao thượng dưới cái nhìn thảm hại, méo mó của đám đông đều trở nên xấu xa. Tống Phàm Bình trong cuộc thi bóng rổ, với niềm vui chiến thắng, rất tự nhiên đã bày tỏ tấm chân tình mà ôm lấy Lý Lan. Hành động của anh được coi như khúc dạo đầu của một cuộc tình trong sáng, cảm động, đáng trân trọng. Nhưng những người chứng kiến không hề mảy may xúc động. Họ coi cảnh đó như một trò cười, và bản tạp âm tiếng cười lại cất lên: “Tiếng cười ầm ầm nổi lên, ha ha, the thé, nhỏ nhẹ, dâm đãng, gian giảo, ngây ngô, cười gượng, ướt át, cười ruồi… không thiếu tiếng cười nào”. Cũng vẫn những con người đó, khi nghe Tống Phàm Bình chân thành, hồ hởi khoe với bà con lối xóm mình có hai đứa con trai, họ lại cười, cái cười đầy mỉa mai, chế giễu. Hình ảnh đám đông xuyên qua phố, tắt qua ngõ, hỏi thăm đến nhà đã khiến cô dâu mới Lý Lan xiết bao mừng rỡ, song sự mừng rỡ của chị “ngắn ngủi như một cái hắt hơi, sau nháy mắt, chị đã thất vọng”. Đâu phải họ đến chúc mừng, chia vui với niềm hạnh phúc muộn màng của đôi vợ chồng mới cưới, chỉ là họ đi tìm những con gà trống gà mái của họ đã bị mất mà thôi. Đám đông ở đây chẳng khác gì một đám cướp giữa ban ngày. Chúng làm ầm ĩ ngoài cửa, vừa gọi vừa hạch sách, rồi xồng xộc xông vào, hô hào lục soát, mở tủ ra nhìn, cúi xuống gầm giường kiểm tra, mở vung nồi ra xem, bắt hai đứa trẻ há mồm ra, ngửi xem trong mồm có mùi thịt gà không. Chúng “nói kháy”, “nói rỉa”, “nói mát”, “nói một lô xích xông những lời trái tai”, kể cả khi đến một cái lông gà cũng không tìm thấy. Chúng cười ha ha, khúc khích. Sau đó, mặc cho Lý Lan toàn thân run rẩy, tha thiết cầu cứu, van nài hết người nọ người kia, bọn chúng vẫn vây đánh Tống Phàm Bình đến nỗi mắt anh xưng vù, mũi mồm hộc máu, áo quần tơi tả.
Trong hệ thống nhân vật đám đông của Huynh đệ có một thành phần thuộc sản phẩm đích thực của thời đại Dư Hoa, đó là đám hồng vệ binh mê cuồng bạo lực. Đặc điểm nhận dạng của bọn nhân hình thú tính này là cái băng đỏ đeo ở cánh tay. Chúng xuất hiện ở đâu là nơi ấy dậy lên những âm thanh đe doạ khủng bố: tiếng quát tháo, la hét, chửi rủa, đánh đập, ẩu đả. Chúng đi tới đâu là ở đó “rất đông người máu chảy đầm đìa, trên cột điện gỗ, trên cây ngô đồng, trên tường, trên đường phố, chỗ nào cũng loang lổ vết máu”. Chúng biến gia đình Tống Phàm Bình thành một đống đổ nát, biến một người đàn ông to lớn, khoẻ mạnh thành kẻ tàn tật, rồi thành cái xác lấm lem bùn đất. Chúng hành hạ bố Tôn Vĩ bằng những hình phạt man rợ: bắt mèo hoang thả vào quần, dùng bàn chải sắt cào vào gan bàn chân, bắt ngồi lên điếu thuốc lá đang cháy dở, khiến ông sống không bằng chết, rồi chúng hỉ hả cười… Chứng kiến cảnh đám hồng vệ binh xúm xít đánh người, bà Tô không khỏi đau lòng tự hỏi: bọn chúng có còn là con người? tại sao con người lại độc ác đến thế? Đám đông dưới ngòi bút Dư Hoa thường được miêu tả theo lối vật hoá, được ví với bầy đàn thể hiện rõ tính chất phê phán.
Dường như sự hiếu kì, vô cảm, tàn nhẫn, ác độc đã trở thành thuộc tính bản chất của nhân vật đám đông trong tiểu thuyết Dư Hoa. Một phần cũng vì sự nhiệt tình a dua cổ xuý của đám người ngu muội ấy mà những màn kịch vô nhân đạo cứ nối nhau tiếp diễn. Song bản thân đám đông đâu ý thức được rằng họ không chỉ đóng vai trò là khán giả chứng kiến những tấn bi, hài kịch diễn ra xung quanh, mà còn đóng vai chính trong những vở bi, hài đó. Gặp gỡ với truyện Lỗ Tấn, Huynh đệ của Dư Hoa đậm chất giễu nhại. Người đọc cười trước sự khôi hài, lố bịch của đám đông mê muội, song trong lòng lại cảm thấy đau đớn, xót xa cho họ. Người kể chuyện ngôi thứ ba trong quá trình dẫn dắt câu chuyện luôn trao điểm nhìn cho các nhân vật, để họ tự nhiên bộc lộ; qua đó, bộ mặt xã hội đương thời cũng tự chưng ra cái vẻ lố bịch, khôi hài của nó. Cái hài ở đây được thể hiện qua việc một mặt đám đông bề ngoài thì tỏ thái độ bất bình, coi khinh cha con thằng nhóc hư hỏng, họ túm cổ áo, kịch liệt tố cáo hành động lưu manh của Lý Trọc, họ nhập vào đoàn người “giễu võ giương oai” dong Lý Trọc diễu phố ba vòng không biết mỏi. Song mặt khác, họ lại “hết sức hâm mộ, tay nào cũng bảo đây là diễm phúc Lý Trọc tu được từ kiếp trước”, ai cũng tìm mọi cách tiếp cận hòng moi cho bằng được chuyện bí mật mà Lý Trọc nắm giữ.
Nực cười hơn là hình ảnh đám đông bạc nhược, mang tâm lí nô lệ truyền đời bày tỏ sự nhiệt tình hưởng ứng cuộc đại cách mạng văn hoá. Những người đeo băng đỏ, huy hiệu đỏ, tay cầm quyển bìa đỏ in những lời dạy của Mao Chủ Tịch thì diễu qua diễu lại trên phố lớn, hô những khẩu hiệu cách mạng, hát những bài ca cách mạng; còn những người đội mũ chóp cao, đeo biển gỗ thì gõ xoong thủng, bát vỡ, hô khẩu hiệu đả đảo chính mình. Thậm chí khi họ bị người đi đường vung tay tát vào mặt, giơ chân đá vào bụng, nhổ bọt vào cổ mà không dám nói, cũng không dám liếc nhìn, lại còn yêu cầu người ta giơ tay tát vào mặt mình, hô khẩu hiệu chửi mình, tổ tông mình. Trước tác động của những biến cố nghiêm trọng của thời đại, đám đông vốn đã quen với cuộc sống bị giật dây càng trở nên thụ động, yếu hèn đến thảm hại. Họ mất hết tinh thần, năng lực phản kháng. Họ bị biến thành những con rối, những súc gỗ di động, những cỗ máy hoạt động một cách vô thức. Dễ hiểu vì sao những con người ấy trước sức công phá dữ dội của thời cải cách mở cửa, đã mau chóng ngã gục bởi sự mê hoặc khó cưỡng lại của đồng tiền, dục vọng. Như vậy, cùng với sự hiếu kì, vô cảm, nhẫn tâm, tàn ác thì sự yếu hèn, nhu nhược của con người cũng là nhân tố tạo môi trường thuận lợi cho cái xấu, cái ác nảy sinh, tác oai tác quái.
Nhân vật đám đông trong Huynh đệ không nằm ngoài ý thức nghệ thuât của nhà văn. Nó có tác dụng làm nổi bật tính khắc nghiệt của xã hội Trung Hoa ở hai thời đại lớn với những thay đổi kinh hoàng mà theo Dư Hoa, nếu phương Tây phải trải qua 400 năm thì Trung Quốc chỉ dồn nén trong 40 năm. Môi trường hoàn cảnh ấy xô đẩy những số phận, làm đảo lộn mọi trật tự, tạo nên những tấn bi, hài kịch thiên hình vạn trạng. Dưới áp lực, tác động tiêu cực, nghiệt ngã của môi trường, mối quan hệ giữa con người với con người càng trở nên tồi tệ. Mạnh dạn phô bày những khuyết tật, cái phần tối khuất lấp, dễ bị che đậy hoặc bào chữa trong tính cách của dân tộc mình, Dư Hoa hoàn toàn không phải mục đích bôi nhọ, bêu xấu hay phủ định mà thể hiện ý thức phản tỉnh dân tộc, tinh thần phê phán văn hoá, hướng tới kiến thiết nền văn hoá mới hoàn thiện, phát triển bền vững. Đây là một nét đẹp nhân văn cần được kế thừa, phát huy dẫu là trong bất cứ thời đại nào, với bất kì dân tộc nào.
Tài liệu tham khảo
1. Bốn cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Dư Hoa gồm: Gào thét trong mưa bụi, Sống, Chuyện Hứa Tam Quan bán máu và Huynh đệ.
2. Dư Hoa, Huynh đệ (Vũ Công Hoan dịch), Nxb Công an nhân dân, 2012. Tất cả trích dẫn trong bài đều theo tác phẩm này.
(Tác giả: Nguyễn Thị Mai Chanh
Bài đăng trên Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Số 399, tháng 9, 2017)