Văn học nước ngoài

TƯ TƯỞNG SINH THÁI TRONG CHÓ NGAO TÂY TẠNG CỦA VƯƠNG CHÍ QUÂN


19-10-2020
Tác giả: PGS.TS Nguyễn Thị Mai Chanh

 

Bảo vệ môi trường sinh thái hiện đang là một trong những vấn đề cấp thiết của toàn thể nhân loại. Hậu quả khôn lường mà những cơn lũ quét, sóng thần, động đất… liên tiếp xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới những năm gần đây đã cảnh báo rằng, ngôi nhà chung trái đất sẽ bị huỷ diệt trong tương lai không xa nếu như cả thế giới không đồng loạt nỗ lực tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường. Cuộc sống hiện đại mang đến cho con người nhiều giá trị hưởng thụ đồng thời cũng gây ra bao hệ luỵ, để lại di chứng nặng nề cho không chỉ một thế hệ. Hơn lúc nào, con người cần nghiêm túc tự nhìn nhận, thay đổi chính mình. Nguy cơ sinh thái mang tính toàn cầu, trách nhiệm lên tiếng phản ánh vấn đề này không phải của riêng quốc gia nào, của riêng ngành khoa học nào, mà đòi hỏi tất cả cùng chung vai gánh vác. Với ý nghĩa thiết thực, nhiều công trình phê bình sinh thái văn học, nhiều tác phẩm văn học sinh thái trên thế giới đã ra đời góp phần bồi dưỡng tư tưởng, đạo đức sinh thái, nhằm làm thay đổi thái độ của con người hiện đại đối với tự nhiên. Chó ngao Tây Tạng của Vương Chí Quân là tác phẩm mang đậm tư tưởng sinh thái, thể hiện rõ ý thức của nhà văn trong thời đại khủng hoảng môi trường. Dưới góc nhìn sinh thái học văn học, bài viết đi theo hướng tiếp cận mới, góp thêm tiếng nói khẩn thiết đòi quyền được tôn trọng, được bảo vệ của thế giới tự thiên.

1. Đề cao Ngao Tạng - Ca ngợi vẻ đẹp hoàn mĩ của tự nhiên

Từ xa xưa, khi việc bảo vệ môi sinh chưa được đặt thành vấn đề, con người đã khởi phát tư tưởng sống hài hoà với tự nhiên, thể hiện thái độ tôn trọng sinh mệnh muôn loài. Tự nhiên không chỉ cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào, nuôi dưỡng thể chất mà còn là nơi nương dựa tinh thần, bồi đắp thế giới tâm hồn con người. Nhà triết học, đồng thời là nhà giáo dục khởi xướng trào lưu Tân giáo dục tại Mỹ và châu Âu cuối thế kỉ XIX - J. Dewey khẳng định, con người không một giây phút nào tách rời khỏi ngôi nhà tự nhiên. Họ không phải là kẻ xa lạ đến từ bên ngoài, mục đích và mục tiêu của họ “phụ thuộc vào cách họ hành động dựa vào những điều kiện tự nhiên, nếu tách rời tự nhiên, mục đích và mục tiêu ấy sẽ trở thành những ước mơ vô nghĩa, những thích thú vẩn vơ của tưởng tượng” (1). Quan điểm về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên của J. Dewey về cơ bản gần gũi với tư tưởng của các nhà phê bình sinh thái: đề cao giá trị của tự nhiên. Không nên coi tự nhiên là cái gì siêu phàm, đối lập, vĩnh viễn không thể chế ngự; song con người cũng đừng tham vọng tham gia vào việc thống trị nó, đối xử thô bạo với nó vì mưu cầu lợi ích trước mắt.

Vùng thảo nguyên Chinh-cô-ama trong Chó Ngao Tây Tạng là mảnh đất trọng tự nhiên. Một trong những luật lệ nơi đây là không được hành hạ, làm tổn hại các loài súc vật, không được bắt cá, bẫy chim, đánh rắn, bởi người dân Tạng quan niệm cá là sứ giả dẫn dắt linh hồn người chết, vị trí của nó chỉ thua loài chim ưng đầu trọc khi người chết thiên táng; còn chim, rắn và các loài súc vật khác thì kiếp trước vốn là người thân của con người. Đặc biệt, họ vô cùng yêu quý loài chó, cũng đưa ra quy tắc không được đánh chó, kể cả những con chó hoang, vì chúng chính là hình bóng con người. Với người Tây Tạng, chó là báu vật, là người bạn tốt nhất, đáng tin cậy nhất, người có tâm đức phải là người có tấm lòng yêu quý chúng. Chó thảo nguyên không chỉ được nuôi dưỡng, huấn luyện để bảo vệ gia súc khỏi những loài thú hoang như chó sói, hổ, báo, gấu, sư tử, mà còn để bảo vệ những tu viện thiêng liêng cùng cuộc sống du canh du cư của người dân bản địa. Các cán bộ uỷ ban công tác tại thảo nguyên Chia-cu Tây đều ý thức sâu sắc: “Thái độ đối với thảo nguyên chính là thái độ với gia súc. Thái độ với chó chính là thái độ với người”, “anh đối xử tốt với chó thì dân Tạng cũng sẽ đối xử tốt với anh”, “Chó Tạng đã không thích anh, coi như bà con chăn gia súc cũng không thích anh” (2). Muốn tăng cường mối liên kết với tầng lớp trên, gây thiện cảm với các vị tăng lữ, tranh thủ được niềm tin của dân, đứng vững trong lòng dân, hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền chính sách, nhất thiết phải làm tốt mối quan hệ cốt yếu này. Chó thảo nguyên có nhiều loại: chó chăn cừu, chó trông nhà, chó trông chùa, chó lãnh địa, chó hoang. Chó lãnh địa thường lang thang săn mồi trên phần lãnh địa của mình như mọi loài dã thú khác, song chúng suốt đời không rời bỏ thảo nguyên, cho dù bị chết đói hoặc trở thành động vật hoang dã, hay trở thành những con chó ghẻ xấu xí, bị đồng loại và con người ruồng rẫy. Nơi đây, vào khoảng thời gian, địa điểm nhất định thường có vị lạt ma già chuyên trách đem rắc thức ăn cho bầy chó lãnh địa. Hành vi ứng xử của những người dân Tạng mang tâm hồn khoáng đạt cho thấy tình yêu của họ đối với loài vật được coi trọng nhất chốn thảo nguyên hoang sơ. Họ yêu quý, bảo vệ đàn chó như chính những đứa con của mình, như chính mạng sống của mình. Trong thế giới chó Tây Tạng đông đảo của cả vùng thảo nguyên rộng lớn, riêng loài Ngao Tạng chiếm đến 1/3. Và chúng chính là nhân vật trung tâm của tác phẩm.

Chó Ngao Tây Tạng kể về chuyến trải nghiệm nhọc nhằn của nhân vật “cha tôi”- một phóng viên toà báo, sau này được dân Tạng yêu quý gọi bằng cái tên Hán Cha xi vì đã đem đến cho thảo nguyên Chia-cu Tây hoá thân của sư tử núi tuyết, tức đem may mắn đến cho miền đất này (Cha xi tiếng Tạng nghĩa là “may mắn”). Vốn “bẩm sinh đã có mối liên hệ thần bí với loài động vật” nên rất yêu động vật, đặc biệt là Ngao Tạng, “cha tôi” đã bất chấp luật lệ thảo nguyên, bất chấp sự ngăn cản của lãnh đạo uỷ ban công tác, bất chấp cả tính mạng bản thân, tìm mọi cách cứu sống một con Ngao Tạng của bộ lạc thảo nguyên Ama Thượng, bộ lạc vốn là kẻ thù truyền kiếp của bộ lạc thảo nguyên Chia-cu Tây. Hành động vi phạm “kỉ luật sắt” đồng nghĩa với việc can thiệp vào ân oán giữa các bộ lạc của “cha tôi” gây nên những phản ứng hết sức gay gắt, nhưng sau đó được các lạt ma và Phật sống chùa Chia-cu Tây đồng tình ủng hộ bởi họ tin vào điềm báo mộng của một vị lạt ma: “cha tôi” chính là người đã cứu sống con Ngao đực kiếp trước là thần sư núi tuyết A-ni-ma-chinh đã từng bảo vệ rất nhiều vị tăng tu hành trên núi tuyết… Toàn bộ tác phẩm, xét bề mặt, được trần thuật theo ngôi thứ nhất, song thực chất được kể theo điểm nhìn ngôi thứ ba, và điểm nhìn ấy lại luôn được trao cho các nhân vật trung tâm là Ngao Tạng. Thông qua điểm nhìn nội tâm của Ngao Tạng, vẻ đẹp tâm hồn chúng được tự nhiên toả sáng.

Thuộc giống chó cổ xưa nhất thế giới, hiện hữu cách đây khoảng năm nghìn năm, Ngao Tạng được vinh danh là "thần khuyển", là "chúa tể” của thảo nguyên Tây Tạng. Loài chó quý hiếm này dễ tạo cho con người cảm giác vừa sợ hãi, lại vừa say mê khi tiếp xúc với nó. Trên thực tế có không ít độc giả sau khi đọc tác phẩm của Vương Chí Quân đã mơ ước được sở hữu những chú Ngao Tạng như từng gặp trong trang sách. Có thể nói, hình tượng nhân vật đặc biệt này đã được nhà văn khắc hoạ với một thái độ đầy ngưỡng mộ, ngợi ca, trân trọng. Ngao Tạng được miêu tả mang vẻ đẹp đậm sắc màu huyền thoại, hoang dã và lãng mạn. Hình ảnh đàn chó lần đầu tiên “cha tôi” bắt gặp khi mới đặt chân lên lãnh địa Xi-chia-cu, trung tâm của thảo nguyên Chinh-cô-ama, đã khiến ông không khỏi kinh ngạc: dưới bầu trời thảo nguyên xanh biếc, khói lam toả lan từ các mái nhà, gió thổi quấn vào mây, bay là là gần chạm vào những cánh rừng trên dốc núi, “dưới chân núi những đợt sóng cỏ dập dìu phát ra âm thanh soàn soạt. Bóng của đàn chó vượt qua tầng mây, chạy ùa về phía cha tôi”. Tiếng của đàn chó mà cứ ngỡ như những áng mây phát ra tiếng động. Ngao Tạng đẹp từ ngoại hình cho tới hành động, phẩm chất, tính cách. Mỗi con mỗi vẻ, mang vóc dáng cao to, ngạo nghễ, đầy uy lực, toát lên phong thái của “chúa tể thảo nguyên”. Đó là Cang-rư-sân-cơ, chàng Sư tử núi tuyết A-ni-ma-chinh đầu thai tráng kiện, ngang tàng, đầy hào khí; là Hổ đầu Tuyết Ngao, vị thủ lĩnh hung hãn, lẫm liệt, oai phong, có khí phách của một vương gia với cái uy thần thánh của sự sống bất khả xâm phạm; là Nao-rư Ngao đen đang tuổi dậy thì tràn sức trẻ; là Ca-pao-sân-cơ Ngao trắng đang tuổi sung sức, có bộ lông tuyệt đẹp, có khả năng tư duy ưu việt và tố chất của một thủ lĩnh tài ba; là Ca ca cún trắng cứng rắn, kiên cường không để cho “cái thòng lọng chết chóc” đang quàng vào cổ làm cho sợ hãi…  

Trong thế giới muôn loài dũng mãnh chốn thảo nguyên, ít thấy loài vật nào hội tụ nhiều thiên tính tốt đẹp như loài Ngao Tạng. Một mặt, chúng hung dữ, lì lợm, kiêu ngạo; song mặt khác vô cùng trí tuệ, có cốt cách cao quý, trang nhã. Ngao Tạng biết lợi dụng cả kĩ xảo, chiến thuật của đối phương để dễ dàng hạ gục đối phương. Dân Tạng xem chúng là tượng trưng cho sự tôn nghiêm trong bầy chó, là niềm kiêu hãnh, đáng tự hào của loài chó và cả loài người. Trong quan hệ với đồng loại, Ngao Tạng rất mực chung tình, hiếm khi thấy chúng thay đổi bạn trăm năm. Khác với loài sói nham hiểm, xảo quyệt, ti tiện, bỉ ổi, vị kỉ, sẵn sàng lừa dối, hãm hại lẫn nhau để tranh quyền đoạt lợi, Ngao Tạng thuỷ chung, gắn bó trong tình bạn. Sau những mối hiểm nguy đã được giải trừ, chúng thường quây lấy nhau, xem vết thương cho nhau, liếm máu dính trên lông nhau. Nếu như sói thảo nguyên bị coi như kẻ thù đáng sợ nhất của con người, thì Ngao Tạng lại được xem là người bạn tuyệt đối trung thành với con người. Chúng luôn ghi lòng tạc dạ, báo đáp ân đức của tất cả những ai từng đối tốt với chúng: “ai làm ơn cho mình mà không báo đáp thì không phải Ngao Tạng, làm ơn cho ai mà cứ mong người ta báo đáp cũng không phải là đặc điểm của Ngao Tạng… Chúng coi sứ mệnh của mình cao hơn tính mạng, mãi mãi không bao giờ nghĩ đến mình, chỉ nghĩ đến sứ mạng; không nghĩ mình sẽ được cái gì, chỉ nghĩ đến mình phải cống hiến cái gì; không nghĩ đến chịu ơn, chĩ nghĩ đến sự trung thành”. Người nào nuôi Ngao Tạng đều trở thành chủ nhân của chúng. Tổ tiên Ngao Tạng không để lại cho con cháu sự di truyền rằng, nếu gặp trở ngại thì rút lui. Cho nên, trước khó khăn, kể cả rơi vào tình thế bất lợi, một mình phải nghênh chiến với cả bầy đối thủ lớn mạnh, đối đầu với cái chết cận kề, chúng vẫn không quên làm tròn bổn phận bảo vệ chủ nhân và gìn giữ vùng lãnh địa thiêng liêng được giao phó.

Hơn hẳn bất cứ loài nào ở vẻ đẹp tâm hồn cao quý, Ngao Tạng không bao giờ tấn công các loài vật yếu đuối, hiền lành, dễ thương, vô hại với con người như dê, cừu, linh dương, la rừng, lạc đà, hươu môi trắng … mà chỉ săn đuổi các loài sát thủ hung hãn, độc ác như sói hoang, gấu ngựa, báo kim tiền, báo tuyết. Chúng “không cần thiết phải nịnh bợ bất kỳ ai, nhưng nhất thiết chúng phải thực thi chức trách giải nguy cho bất kỳ ai, chỉ cần họ đang sinh sống trên thảo nguyên Chia-cu Tây này, không kể giàu nghèo, người Tạng hay người Hán. Thấy họ lâm nguy mà không giải nguy cho họ được là sự sỉ nhục với Ngao Tạng, mà Ngao Tạng thì không thể sống trong sự sỉ nhục. Cái mà chúng nhạy cảm và cần nhất là sự trung thành và hi sinh, là danh dự để đảm bảo chúng ở vị trí cao hơn hết trong tất cả các loài động vật, là sự dũng cảm bảo vệ tính mạng và tài sản cho con người” (3). Nếu đối với loài sói, mục đích cuối cùng là săn mồi ăn thịt để sinh tồn, tức mục đích căn bản là “bảo vệ thân mình”; thì với Ngao Tạng lại khác, chúng vật lộn với hiểm nguy bằng tất cả tâm sức của mình không phải vì sự sinh tồn, no đủ của cá nhân, mà vì sự trung thành, trọng tình trọng nghĩa, vì sự an toàn của tính mạng con người, tức nó chiến đấu không phải vì riêng nó. Cuộc chiến của con mãnh sư Cang-rư-sân-cơ chống lại sự tấn công của cả bầy chó lãnh địa để yểm hộ bảy đứa trẻ Ama Thượng như một minh chứng sống động cho đức tính quý báu của Ngao Tạng, khiến người đọc vô cùng thán phục, cảm động. Bị cả đám chó quần đảo “đánh hội đồng”, Cang-rư-sân-cơ hễ vồ con này thì con khác thừa cơ xông vào cắn, thương tích đầy người, máu dần cạn kiệt, nhưng nó vẫn không bỏ cuộc. Nó chỉ lấy làm sỉ nhục khi nhận thấy tất cả bầy chó lâu la bị mình vồ ngã đều thấp bé hơn mình, còn những con ưu tú của giống Ngao Hi-ma-lay-a có thân hình cao to lực lưỡng, đẳng cấp ngang xứng đọ tài lại chỉ đứng ở vòng ngoài ngạo mạn, im lặng quan chiến, thậm chí không thèm sủa một tiếng, cứ làm như thể ý thức được chẳng cần ra tay. Tham gia vào cuộc chiến không cân sức (trái với quy tắc của thảo nguyên là trong giao chiến chỉ một chọi một), Cang-rư-sân-cơ nghĩ mình có thể chiến thắng, cũng có thể sẽ bị giết, nhưng “giết hay bị giết nó đều chấp nhận”. Cái mà nó muốn là “một cuộc chiến tương xứng với thân phận, với thế và lực, tương xứng với vinh và nhục, một cuộc chiến Ngao Tạng”. Điểm đáng ngưỡng mộ của chú chó này còn thể hiện ở chi tiết nhường nhịn rút lui trước tình thế bị hai con ngao đen cái to lớn bất ngờ tấn công. Với trí thông minh và thân hình trẻ trung tráng kiện, Cang-rư-sân-cơ dẫu đã bị thương vẫn hoàn toàn có khả năng chống đỡ hai địch thủ nặng kí “đàn bà”, nó có thể sử dụng những chiếc răng sắc nhọn nhanh như chớp cắn hai con ngao cái để vùng dậy, nhưng nó đã tuân thủ đúng theo nguyên tắc bất di bất dịch của tổ tiên truyền lại: ngao đực không bao giờ đánh nhau với ngao cái, “đàn ông không thèm chấp đàn bà”. Nó thà chấp nhận chịu sự điên cuồng cắn xé của bầy chó, mang trăm ngàn vết thương đan thành một chiếc lưới đánh cá trên người, không tài nào gượng dậy, chứ nhất quyết không thể đánh mất cái thể diện, danh dự giống loài.  

Mang bản tính dã man, hung hãn của hổ và sư tử, nhưng do sớm được thuần hoá, nên Ngao Tạng có hệ thống thần kinh tiếp nhận và biểu đạt tình cảm mà hai loài vật kia không có được. Bởi vậy, chúng rất dễ nảy sinh thiện cảm với con người, có năng lực suy đoán về con người, cảm nhận được niềm vui, nỗi đau như con người.  Khi phải xa người thân, Ngao Tạng cũng cất tiếng khóc u…u tỏ niềm nhớ nhung, đau đớn. Khi lòng tự trọng bị tổn thương, Ngao Tạng cũng bất giác khóc nấc lên thê thảm, bi ai. Ấy là khi con ngao đực biết mình đã già đến nỗi không còn giữ được sự tôn nghiêm, không thể “gượng dậy cắn xé vật lộn với địch thủ cho tới khi mình bị cắn trọng thương hoặc chết, mà hai tay dâng kẻ địch đáng ra phải do mình tiêu diệt cho con Ngao Tạng khác, và chứng kiến một cách đau khổ con Ngao Tạng khác đánh bại kẻ cả gan xâm phạm này rồi dương dương tự đắc như thế nào” (4). Chứng kiến ba vị cứu tinh tự nguyện lấy dao cắt tĩnh mạch trên tay lấy máu cứu mạng sống cho mình, Ngao Tạng cũng xúc động “mở to mắt với tình cảm sâu đậm… chắt hết chất lỏng còn lại trong cơ thể thành những giọt nước mắt ròng ròng” bày tỏ lòng cảm kích, biết ơn tha thiết. Không những hiểu được ý người, Ngao Tạng còn có thể dự cảm về những mối hiểm nguy sắp xảy đến với con người và luôn kịp thời ra tay cứu giúp họ. Ngòi bút nhân văn đầy cảm hứng ngợi ca của tác giả cho thấy ở một số phương diện, Ngao Tạng dường như có khả năng vượt cả con người. Gắn bó với thảo nguyên, Mây-tô-la-mu đã phát hiện ra Ngao Tạng không phải là chó bình thường. Chúng chỉ không biết nói tiếng người, còn lại cái gì cũng biết, nhất là về phương diện suy đoán, nghe hiểu lời nói của con người. Cô nhận thấy, “chúng có trí thông minh hơn cả người”. Nếu như người Hán nói tiếng Hán, dân Tạng không hiểu; người Tạng nói tiếng Tạng, dân Hán cũng không hiểu; thì Ngao Tạng hiểu tất cả: “Hình như chúng hiểu ngôn ngữ con người không phải bằng thính giác mà bằng cảm ứng tâm linh. Chúng nghe được không phải tiếng của anh mà là suy nghĩ của anh” (5). Ngao Tạng không chỉ mang trái tim của kẻ sát thủ “cứng như sắt”, trái tim “hận thù sắt nhọn như dùi”, còn mang cả trái tim yếu mềm, nồng ấm, chan chứa tình thương yêu. Con mãnh Ngao Na-rư chỉ cần nghe tiếng thằng bé lưng trần cất giọng gọi tên là nó hiểu chủ nhân muốn nó làm gì, lập tức nhảy ra khỏi bầy và theo tay chỉ của chủ nhân, như bão táp xông vào tấn công đối thủ. Khi thằng bé vứt mẩu đuôi cừu béo ngậy cho nó, nó hiểu ngay việc của chủ nó lúc này quan trọng hơn việc ăn uống của bản thân, nên chẳng cần nhai, nó nuốt chửng rồi phi theo thằng bé tới bất cứ nơi đâu. Việc Na-rư anh dũng đập đầu vào tường khắc kinh Ma-ni- tường cầu phúc cầu an, kết liễu đời mình một cách bi tráng mà không cắn chết Cang-rư-sân-cơ cho thấy vẻ đẹp nhân tình rất đáng quý ở nhân vật này. Với bút pháp tả thực xen huyền thoại, nhà văn đã đề cao vẻ đẹp Ngao Tạng- một vẻ đẹp toàn bích đại diện cho thế giới tự nhiên Tây Tạng. Hình ảnh cả bầy Ngao Tạng đồng loạt trút hơi thở cuối cùng tại thung lũng Mật Linh khi mắc dịch bệnh xuất phát từ ý thức của chúng nhằm tránh lan nhiễm mầm bệnh sang cho người và chó của thảo nguyên là hình ảnh đáng để cho loài người phải suy ngẫm.

2. Cuộc chiến Ngao Tạng - Lên án hành vi tàn bạo đối với tự nhiên

Trong Chó ngao Tây Tạng, mượn điểm nhìn của chính loài Ngao Tạng, Vương Chí Quân còn để cho tự nhiên nói lên tiếng nói tố cáo con người. Ngao Tạng có thể coi là hệ thống nhân vật chính diện được đề cao với rất nhiều phẩm chất tốt đẹp. Chúng cảm nhận được tình yêu từ con người và cũng rất mực yêu quý con người. Tuy nhiên, Ngao Tạng cũng ý thức rất rõ, trong tình yêu mà con người dành cho chúng cũng bao hàm cả mục đích dựa dẫm, lợi dụng chúng. Chúng hiểu rằng, loài động vật hai chân không hoàn toàn tốt đẹp như biểu hiện bề ngoài của họ. Ví như, hành động con người cho chúng ăn, nhìn bên ngoài xuất phát từ tấm lòng lương thiện, nhưng thực tế chẳng qua củng cố mối quan hệ với chúng nhằm điều khiển chúng dễ dàng hơn mà thôi.

         Trên thảo nguyên, mối hiểm nguy đe doạ con người đến từ nhiều nguyên do. Bên cạnh sát thủ thảo nguyên là sói, còn có loài báo kim tiền với bản chất cực kì hung ác. Có thể coi đây thuộc hệ thống nhân vật phản diện, đối lập với Ngao Tạng. Báo kim tiền là loài vật có năng lực vồ người nhanh như chớp mà không hề gây nên tiếng động, nạn nhân bị nó tấn công có thể bị cắn đứt cổ chỉ trong tích tắc mà không hề biết thủ phạm là ai, chỉ cảm thấy đằng sau lưng như có một luồng gió mạnh thổi tới. Tổ tiên của báo kim tiền vốn cũng không để lại cho con cháu lòng căm thù loài người, song chúng thường chủ ý tấn công con người, bởi chúng cho rằng loài người chính là giống nguy hiểm, đã nhẫn tâm, độc ác săn bắt, giết hại đồng loại và những đứa con bé bỏng của chúng. Những cuộc phục thù hung tàn là sự lựa chọn duy nhất chúng dành cho kẻ thù. Để phục thù con người, báo kim tiền có thể nhịn ăn mấy ngày đêm, tập trung kiên nhẫn giám sát mục tiêu. Chúng chịu nhịn đói là vì chỉ khi đói cồn cào mới làm chúng trở nên điên cuồng, hung tàn hơn, mà nếu không có sự hung tàn, điên cuồng như thế, khi đối phó với con người, chúng sẽ dễ bề do dự.

Thấm sâu vào kí ức của con người và tự nhiên Tây Tạng là cuộc chiến Ngao Tạng trên thảo nguyên Chinh-cô-ama, một tội ác tày trời do chính con người gieo rắc. Cuộc chiến này xuất phát từ hành vi tàn ác đối với loài chó xảy ra vào năm Quốc dân đảng thứ 27 khi tiểu đoàn quân Hán của Mã Bộ Phương di trú đến Xi-chia-cu, phía Tây thảo nguyên Chinh-cô-ama. Viên tiểu đoàn trưởng họ Mã có biệt danh là “vua thịt chó” cho quân đi lùng bắt chó về ăn thịt, còn ra lệnh giết những ai ra sức chống đối, khiến các tù trưởng và dân du mục vô cùng bất mãn. Dưới sự chỉ huy của tướng cướp Chia-ma-chua, thủ lĩnh quân sự của bộ lạc Mục Mã Hạc, người dân và hàng trăm con Ngao Tạng đã dũng mãnh xông pha, chống trả quyết liệt, buộc quân Hán phải tháo chạy. Để đàn áp, ngăn chặn “phiến loạn”, Mã Bộ Phương phái một đại đội kị binh và ra sức xúi giục người của thảo nguyên Ama Thượng vốn có mối thâm thù truyền kiếp với thảo nguyên Xi-chia-cu, cùng vượt qua biên giới tranh chấp từ lâu đời, đến “tắm máu” Xi-chia-cu. Thảm hoạ diễn ra trên miền đất hấp dẫn, mê hoặc lòng người, đẹp như trong cổ tích ấy: bao nhiêu đầu rơi máu chảy, bao nhiêu Ngao Tạng bị lột da xả thịt, mùa xuân của thảo nguyên Xi-chia-cu “dưới những đợt mưa máu đã mọc ra những bãi cỏ màu đen thấm đỏ. Những bãi cỏ chăn nuôi đó không cách nào trở lại màu xanh tươi mơn mởn như trước nữa. Đó là những bãi cỏ suốt cả bốn mùa xuân hạ thu đông, mưa tuyết sương gió cũng không thể gột sạch. Đó là những bãi cỏ mà từ gốc rễ cho đến gien di truyền đã thấm đẫm máu tươi và hận thù” (6). Sự sống nơi đây gần như đã đi đến chỗ bị tận diệt.

Với những người dân Tạng, cuộc chiến Ngao Tạng vừa là bản anh hùng ca, vừa là bài ca bi tráng, đau thương “lạnh buốt như sự tưới tắm của núi tuyết xuống thảo nguyên”. Xi-chia-cu tang thương chìm trong đớn đau, mất mát dẫu thuộc về quá khứ, song mối xung đột khắc cốt ghi xương giữa hai vùng thảo nguyên Tây Tạng càng trở nên không tài nào hoá giải sau cuộc chiến kinh hoàng ấy là nỗi đau hiện hữu và chưa biết sẽ còn kéo dài cho tới tận khi nào. Người càng thêm thù địch với người. Loài Ngao Tạng “chính khí ngất trời” vốn không bao giờ cắn xé, ăn xác đồng loại, nay hễ đánh hơi thấy mùi là hằm hè, trực chờ vồ lấy nhau mà cắn xé. Hận thù nối chồng thù hận. Trong tâm thức người dân Chia-cu Tây, bộ lạc Ama Thượng đáng bị cô lập, bị trừng phạt bởi tội ác không thể tha thứ. Các tù trưởng Ama Thượng trước đây đã nương nhờ vào Mã Bộ Phương, biếu xén bọn phản động Quốc Dân Đảng vàng bạc, cắt cử người làm sai dịch cho chúng, còn dâng tỳ thiếp, nàng hầu, giúp trung đoàn kỵ binh của chúng giết hại dân lành. Cả hai lần “tẩy máu” thảo nguyên Chia-cu Tây đều có mặt các kỵ thủ của thảo nguyên Ama Thượng. Những tay kỵ thủ này không những giết người, còn giết cả chó, hoàn toàn không còn giống như người của thảo nguyên nữa, cho nên chúng đáng căm ghét hơn nhiều so với đám lính Mã Bộ Phương. Có điều, người Chia-cu Tây chưa nhận thức được, những đứa trẻ và Ngao Tạng Ama Thượng đâu làm gì nên tội, bản thân chúng chỉ là nạn nhân của sự tranh chấp, nạn nhân của tội ác mà thế hệ cha ông chúng đã gây ra.

Thằng bé lưng trần Chiu-chu (Chiu-chu tiếng Tạng nghĩa là cún con) và đàn Ngao Tạng Chia-cu Tây hễ thoáng thấy bẩy đứa trẻ và con ngao vàng sư đầu của thảo nguyên Ama Thượng thì sục sôi mối hận. Mặt thằng bé biến dạng, đôi mắt trợn tròn nảy ra tia lửa căm thù, giọng rít lên sắc lạnh đầy phẫn nộ; bầy chó thì náo loạn sủa ầm, tranh nhau vồ đến. Trong chớp mắt, cuộc huyết chiến ác liệt trong thế giới chó lại diễn ra.

Mối hận thù sâu đậm của Chiu-chu chính là bắt nguồn từ cuộc chiến Ngao Tạng. Cha thằng bé bị chết trong trận chiến ấy từ khi nó còn rất nhỏ. Mẹ nó lấy chú nó- người mà Chiu-chu rất sùng bái vì chú quyết chí báo thù cho cha nó. Nhưng người chú cũng lại bị người Ama Thượng giết chết. Mẹ Chiu-chu hi vọng báo thù cho hai người chồng trước đã đi thêm bước nữa với người đàn ông tiễn ma Ta-chư, người mà ai cũng sợ, nhưng sau đó hai năm bà cũng sớm qua đời. Sống một mình lang thang khắp Chia-cu Tây, Chiu-chu được người dân du mục thương tình cho nó thức ăn. Nhận được đồ ăn, thằng bé tốt bụng thường chỉ ăn một nửa, nửa còn lại để giành cho chó lãnh địa. Ngay từ bé, trong tâm hồn non nớt của đứa trẻ mồ côi tội nghiệp, bộ lạc Ama Thượng, bất kể là người hay chó, đều là kẻ thù không đội trời chung. Nó căm hận kẻ thù (mà cụ thể là bảy đứa trẻ và một con Ngao Tạng của thảo nguyên Ama Thượng) tới mức như có thể dùng tấm lưng trần của mình để cảm nhận sự xuất hiện từ đằng xa của chúng. Với thằng bé sinh ra trên mảnh đất tôn thờ tín ngưỡng “nợ máu phải trả bằng máu” này, ý nghĩa sự sống của nó không gì ngoài nỗi oán hận, sự trả thù. Thảo nguyên Tây Tạng cũng có một quy tắc “mạng người có giá, thù cũng có lúc hết”, song mối hận hằn sâu trong trái tim của đứa trẻ đáng thương Chiu-chu chắc chắn không thể nguôi ngoai mà sẽ đi theo nó tới suốt cuộc đời.

Tình cờ theo chân “cha tôi” dời cái nơi “có nhiều quỷ đầu lâu, nhiều ma ăn tim người, nhiều gái cướp hồn” đến mảnh đất đầy thù hận, bảy đứa trẻ và con Ngao Tạng Chia-cu Tây bị coi như những tội nhân, bị truy đuổi đến cùng. Ngao Tạng Cang-rư-sân-cơ để bảo vệ chủ nhân đã bị bầy Ngao lãnh địa tấn công đến hai lần chết đi sống lại. Bảy đứa trẻ cũng bởi không thể bỏ mặc con chó yêu quý của mình mà tính mạng luôn bị đe doạ, có nguy cơ bị bắt, bị chặt mất mỗi đứa một bàn tay. Cái đáng sợ đối với những đứa trẻ và con Ngao vàng vô tội không phải là bầy thú dữ đói ăn đang đêm ngày rình rập báo thù con người, cũng không phải bầy chó lãnh địa Chia-cu Tây chỉ cắn người và đồng loại mỗi khi có người xui khiến. Kẻ thù của chúng không gì khác chính là bầy người do những oán hận quá khứ mà tiếp tục gieo đau thương, khổ nạn cho hiện tại, để rồi tất yếu sẽ gặt lấy những hậu quả khôn lường trong tương lai…

Ngay trang đầu tiên của tác phẩm Émile hay là giáo dục, nhà lí luận xã hội và giáo dục J.J. Rousseau viết: “Mọi thứ từ bàn tay Tạo hoá mà ra đều tốt: mọi thứ đều suy đồi biến chất trong bàn tay con người. Con người bắt ép một chất đất phải nuôi các sản phẩm của chất đất khác, một cái cây phải mang qủa của cây khác; con người hoà trộn và lẫn lộn các khí hậu, các yếu tố, các mùa; con người cắt xẻo các bộ phận trong thân thể con chó của mình, con ngựa của mình, nô lệ của mình; họ làm đảo lộn mọi thứ, họ làm biến đổi xấu xí mọi thứ… họ không muốn cái gì y nguyên như tự nhiên đã tạo ra…” (7). Tác phẩm của J.J. Rousseau phê phán nền giáo dục áp đặt đã tạo ra những con người “được gia công”, bị uốn vặn kiểu cách, trở nên dị dạng, bị biến thành những con ngựa để kéo những cỗ máy, biến thành những cái cây cảnh trong vườn. Con người chính là nạn nhân của con người. Và không chỉ có con người là nạn nhân, đi liền đó, tự nhiên cũng bị thoái hoá, bị huỷ hoại bởi những hành vi tàn bạo. Phá huỷ tự nhiên là phá huỷ sự sống của chính mình, như vậy rốt cuộc con người vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của tội ác. Trong Chó ngao Tây Tạng, tác giả cũng cho thấy căn nguyên của sự huỷ hoại tự nhiên là do “con người đóng vai trò xấu”: “Hễ loài người tham gia vào, rất nhiều quy tắc của giới động vật đều trở thành thói quen tật xấu” (8). Chính loài người mà loài Ngao Tạng luôn yêu quý, phục tùng lại có lúc trở thành những kẻ đẩy số phận chúng và cả con cháu họ vào cục diện hiểm nguy, không lối thoát.

Tài liệu tham khảo

(1) J. Dewey (2010), Dân chủ và giáo dục (Phạm Anh Tuấn dịch), Nxb Tri thức, tr. 338.

(2)(3)(4)(5)(6)(8) Vương Chí Quân (2007), Chó Ngao Tây Tạng (Ngô Thái Quỳnh dịch), Nxb Văn hoá thông tin. Tất cả dẫn chứng trong bài đều theo tài liệu này.

(7) J.J. Rousseau (2010), Émile hay là về giáo dục (Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương dịch), Nxb Tri Thức, tr. 31.

(Tác giả: Nguyễn Thị Mai Chanh

Bài đã in trong Kỉ yếu Hội thảo Quốc tế Phê bình sinh thái: Tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu, tháng 12/ 2017) 

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020